Trước khi đi sâu vào các bài thơ, tôi xin mượn lời của J.P.Richard – nhà văn học hiện đại nổi tiếng của Pháp – để nói hộ cho quan niệm văn học thô sơ của mình. Đó là: “Sự cố gắng của bài viết không hẳn là thấu triệt, đạt đến sự nắm vững toàn bộ chân lý. Mỗi bài viết chỉ có thể là một đoạn đường, và các con đường khác luôn luôn mở rộng. Một tuyệt tác đúng nghĩa là tác phẩm mở đón tất cả các ngọn gió và mọi sự tònh cờ ngẫu nhiên, ta có thể xuyên qua nó bằng tất cả các ý hướng”.
Và để tỏ lòng biết ơn đối với bậc tiền bối, chúng ta cũng nên kể đôi dòng về tiểu sử của Người.
Nguyễn Khuyến (1825-1909) biệt hiệu là Quế Sơn, quê làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Qua ba kỳ thi là thi Hương, thi Hội, thi Đình, ông đều Đậu đầu nên đời thường gọi là Tam nguyên Yên Đổ. Ông làm quan đến chức Tổng Đốc, sau khi Việt Nam rơi vào bàn tay đô hộ của Pháp, Ông bèn cáo quan lui về sống ẩn dật ở quê nhà.
Về văn thơ ông sở trường đủ mọi lối. Khi chọn đề tài Thu Điếu – nghĩa đen là “Mùa thu câu cá”. Thật ra câu cá ở đây chỉ là mược cớ để tỏ bày quan niệm thái độ sống ở đời, đúng như quan điểm của bác thuyền chài trong bài Ngư phủ của Sở từ, mà chúng ta có thể lược trích như sau:
“Khuất Nguyên sau khi bị đày, lang thang dọc theo bờ sông, con người ủ rũ, tiều tuỵ. Bác thuyền chài bắt gặp mới hỏi rắng: Người có phải là Tam lư Đại phu không? Sao lại đến đây?
Khuất Nguyên đáp: Người đời đục cả, móng ta trong,
Người đời say cả, mính ta tỉnh. Cho nên bị đày.
Bác thuyền chài bèn nói: Bậc thánh nhân không bận lòng vì ngoại vật; nhưng biết xê dịch biến đổi theo đời.
Người đời đục cả, sao không khuấy bùn lên khua sóng mà chơi?
Người say cả, sao không ăn cả ba và uống cả hèm.
Cớ chi lại lo nghĩ cao sâu, để cho than xác bị đoạ đày.
Khuất Nguyên nói:
…Sao lại có thể đem tấm thân trong trắng để cho đời bôi nhọ.
Thà đâm đầu xuống sông Thương, gởi xác vào bụng cá,
Còn hơn để lớp bụi thế tục vùi lấp vẻ tinh bạch của Lòng ta!
Bác thuyền chài mỉm cười, đập mái chèo quay đi và hát rằng:
“nước sông Thương trong thay,
Ta Giặt giải mủ cũng hay,
Nước sông Thương đục thay
Thì ta rửa chân này cũng nên”.
Thái độ Khuất Nguyên là tích cực đấu tranh đến cùng, thà chết chứ không chịu sống nhục với đám bùn nhơ. Trong khi quan điểm của ngư phủ là đời ta trong ta ở, đời đục ta lui về ẩn dật, chứ tội gì phải huỷ thân. Thái độ và quan niệm đó chính là thái độ và quan niệm xử thế của Nguyễn Khuyến. Do đó chúng ta không lạ nội dung bài Thu Điếu nếu có, chỉ vỏn vẹn ở hai câu kết và câu thứ hai trong phần nhập đề - thật tế cũng chưa hẳn đã là câu cá.
Chữ thơ trong bài Thu Điếu cũng vô cùng biến hoá, vừa ẩn dụ vừa tượng trưng, trước khi đi sâu vào việc tìm hiểu, chúng ta hãy xem lại bài Thu Điếu một lần nữa.
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợi tí.
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Ao thu ở đây không phải là Dao trì hay Hàm trì cao quí của Tây Vương mẫu, mà chí là thứ ao bình thường dân giả,nhà nho gọi là Trì trung vật (trong ao có vật) hay trì ngư lung điểu (cá trong ao chim trong lồng) để ám chỉ con người không còn mong gì có hoài vọng to lớn cao xa, vi đã bị ràng buộc mất hết tự do. Lại là ao thu lạnh lẽo - đã hay là một trong bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông; nhưng theo Kinh Dịch – Một trong ngũ kinh, nhà nho xưa ai mà chẳng thuộc nằm lòng – phần tiên thiên bát quái thì mùa thu chỉ hướng Tây thuộc quẻ Khảm. Khảm là nước, là hãm, là hiểm, vì không gì nguy hiểm bằng nước sâu, sơ hở một chút là có thể rơi ngã, suy sụp. Vậy ao thu lạnh lẽo có nghĩa là đất nước đã rơi vào cảnh hiểm nghèo, suy sụp, bị ngoại bang Tây phương cướp đoạt cai trị, nhân dân như chim trong lồng cá dưới ao mất chủ quyền là mất hết, không lạnh lẽo sao được, nước trong veo ở đây đừng hiểu theo nghĩa tốt, vì chúng ta đang ở trong quẻ Khảm nguy ngập thì trong veo là trống trơn là không tuốt. Nhưng nếu chấp nhận dây là quẻ Khảm – mà đúng là quẻ Khảm thiệt trên dưới hai hào âm, hào dương ơ chính giữa . Theo hiện tượng thì trên mặt nước làm sao tránh khỏi rách rếch bụi bặm, dưới đáy nước chắc phải có bùn đất,vậy muốn tìm được tính nước đích thực thì chỉ có ở giữa lòng nước thôi. Giữa quẻ Khảm một vạch liền là hào Dương, dương là thực, là minh, là chính. Con người gặp phải hoàn cảnh nguy khốn như quẻ Khảm thì phải giữ lòng mình sao cho trung thực chí thành, có như thế thì trong việc tiếp xử mới mong được hanh thông – vậy nước trong veo cũng có thể chỉ cho tâm tư thuần khiết trong sạch của tác giả.
Câu thứ hai: Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo, là vai Ngư phủ quá rõ có điều thân phận ngư phủ ở đây quá nhỏ bế đến thảm thương, sao bì được được với bác thuyền chài trong Sở Từ đầy khí phách hiên ngang. Có đối chiếu hai hình ảnh mới thấy thân phận Nguyễn Khuyến thật đáng thương luôn luôn bị hoàn cảnh xã hội áp bức, tuy nhiên vẫn kiên trì giữ lòng thanh bạch. Nói thì dễ nhưng thực hiện được câu châm ngôn “… Bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” không phải dễ đâu. Nhất là đứng trước cảnh:
“Sóng biếc theo làn hơi gợi tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo…
Sóng và gió phải hiểu là phong trào. Trong gông cùm đô hộ áp bức của Pháp, vẫn có những phong trào nổi dậy đấu tranh chống ngoại xâm, như cần Vương, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám,v…v… . Nhưng còn non yếu quá khác nào những làn sóng gợn lăn tăn, nên tất cả đều bị đàn áp dẹp tan như những chiếc lá vàng bay theo gió. Là hai câu tả cảnh, mà trong cảnh chứa chan bao tình ý. Hay nói nhu nhà mỹ học Tông Bạch Hoa (Trung Quốc) : “Nhà nghệ thuật dùng tâm linh của mình ánh xạ (projecter) vào vạn vật, vạn tượng thay thế sông núi mà lập ngôn. Cái điều mà nhà nghệ thuật biểu hiện là tình điệu của cuộc sống chủ quan kết hợp giao tiếp với cảnh tượng thiên nhiên khách quan, tạo ra cảnh trí đầy lung linh sống động, đó là “ý cảnh”.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Sống là phải có niềm tin, vậy thì biết tin vào đâu, định mệnh ư? Sao quá khắt khe, cùng là con người sao riêng ta phải chịu những ngang trái nghịch cảnh. Đất nước này có làm gì nên tội để nhân dân phải đoạ đày, đúng là trời đất quá bất công hay tô tình “coi vạn vật như đồ chó rơm” (thiên địa dĩ vạn vật vi sô cẩu – Đạo đức kinh). Hoặc cũng có thể hiểu “…Trời xanh ngắt” này giống như câu mở đầu trong bài Thu Vịnh: “Trời xanh ngắt” này giống như câu mở đầu trong bài Thu Vịnh: “Trời thu xanh ngắt mấy từng cao”. Thì trời thu là trời tây, vì mùa thu theo bát quái của Kinh Dịch là hướng Tây, mượn đó đó để chỉ đất nước Việt đã nằm trong bàn tay cai trị của người Pháp (xưa gọi người Pháp là Tây). Sự cai trị thật cũng rất là tàn bạo, đến mức sao mà bậc hiền nhân quan tử ở trong nước bây giờ cũng vắng teo. Ở đây tác giả không nói rõ mà chỉ nói quanh là ngõ trúc quanh co… Chẳng còn có ai ra vào” Câu ngõ trúc cũng giống như “Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu”. Trúc là hình ảnh của người Viên Mai đời Thanh từng nhắc nhở: Phàm tác nhân quý trực, nhi táo thi quý Khúc Nghĩa là: Làm người phải trọng sự ngay thẳng, nhưng làm thơ thì lại chuộng sự quanh co. Đức Khổng Tử cũng từng dạy:Tình dục tính, từ dục xảo.Nghĩa là tình thì phải thành tín trong khi thi từ phải cần sự khéo léo, khéo léo là xảo tức là khúc quanh co.
Tựa gối buông cần lâu chẳng chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Tựa gối buông cần là động tác của ngư phủ, có thể người cũng muốn học đòi làm Lữ Vọng hay Khương Tử Nha; nhưng không lấy gì làm chắc. Cái chắc ở đây chính là học theo thái độ quan niệm của bác thuyền chài trong Sở Từ: Người đời đục cả, sao không khuấy bùn khua sóng lên mà chơi!. Vậy câu cá ở đây cũng có nghĩa là muốn dấn thân vào cuộc đấu tranh với đời, khốn nỗi có thể dự đoán là chẳng mong gì có kết quả. Vì muốn đảm đương việc lớn thì phải hàng quân tử, bậc anh hùng, đằng này tất cả đã như lá vàng rơi rụng trước gió còn ai đâu. Hay còn chăng chỉ là lũ tôm cá tiểu nhân què quặt đua chạy theo bả lợi danh, như cá chạy theo mồi đớp động dưới chân bèo. Nói chung tự chấp nhận mình là người thua cuộc, hay cảnh ngộ đã đưa đến thế thì thôi.
Đã tìm hiểu Thu Điếu, tưởng chúng ta cũng nên lướt qua bài Thu Vịnh vì cả hai có nhiều điểm giống nhau:
Trời thu xanh ngắt mấy từng cao
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu
Hai câu đầu là mượn cảnh vật thiên nhiên để nói lên hoàn cảnh bi đát của đất nước bị ngoại bang Tây phương cai trị. Giống như trời cao đang khống chế muôn loài, khiến kẻ hiền nhân quan tử phải cam chịu cảnh phất phơ, không cần phải nói nhiều ai ai cũng có thể hiểu được. Chỉ từ cau ba, bốn trở đi mới có nhiều rắc rối:
Nước biếc coi như tầng khối phủ
Song thu để mặc bóng trăng vào
Nước biếc là hình ảnh để chỉ cho quốc gia, thế nhưng tại sao lại coi như tầng khói phủ? Trong văn học cổ mỗi khi nói đến khói hay sương, như trong Chinh phụ ngâm: Khói cam tuyền mờ mịt thức mây; Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên trong Phong kiều dạ bạc của Trương Kế; hay Sàng tiền minh nguyệt quang, Nghi thị địa thượng sương trong bài Tĩnh dạ tứ của Lý Bạch…, đều là chỉ cho cảnh đất nước loạn lạc không yên. Ở đây đất nước bị đặt dưới ách đô hộ của ngoại bang thì cũng kể như là loại rồi.
Song thu là chỉ cho nhà cửa, bóng trăng là bóng Tây vì trăng cũng thuộc hướng tây. Nước đã mất thì nhà cũng tan, có còn gì là chủ quyền nữa đâu.
Năm chùm trước dậu hoa năm ngoái
Đọc câu thơ này thì chúng ta chúng ta phải liên tưởng đến bài thơ của Thôi Hộ:
Khứ niên kim nhật thử môn trung, Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ… Đại ý là trở lại chốn cũ thì người đẹp đã đi đâu rồi. Nhưng người đẹp ở đây cũng như người đẹp trong Sở Từ là Minh Quân không còn nữa.
Một tiếng trên không ngỗng nước nào
Ngỗng theo từ Hán Việt là Hạc, vốn xuất xứ từ “Hạc thư” là dụ chỉ của triều đình trưng dụng các hiền sĩ. Nguyễn Khuyến sau khi cáo bệnh về hưu, người Pháp muốn lưu dụng mấy lần đưa thư mời ông hợp tác nhưng ông vẫn từ chối. Do đó mà hai câu 5,6 trong bài Thu Vịnh là miêu tả triều đình hiện nay không phải là triều đình xưa của bậc minh quân, và thư trưng dụng gởi đến chỉ là thư của kẻ ngoại bang…
Nhân hứng cũng vừa toan cất hút
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào (tức Đào Tiềm)
Có lẽ khi nhận được thư trưng dụng, Nguyễn Khuyến cũng băn khơan muốn ra cọng sự, nhưng suy tính lại thì thấy mình thẹn với ông Đào, một nhà thơ đời Tấn(365-427) trứơc cảnh rối ren của vương triều, dứt khoát từ quan về ở ẩn, cụ tam Nguyên của chúng ta cũng không thể làm khác hơn. Bởi vì theo quan điểm của nhà Nho thì sự nghiệp quan trọng của con người là đức hạnh,mà đức hạnh là tóm vào bốn đầu mối (tứ đoan) Nhân Nghĩa Trí Tín, nó là giá trị tuyệt đối nội tại, có tài mà thiếu đức thì thứ người bỏ đi.
Chúng ta đi sâu vào việc tìm hiểu thi điếu, thi vịnh thật ra không ngoài mục đích là phục chế nguyên ý của tác giả, tức là xuyên qua ngôn ngữ văn tự diễn tả mà biết được ý đồ sáng tác của cụ Tam Nguyên. Nội dung thơi, nói như người thời nay là một thứ thông điệp; nhưng với người xưa đó là loại thi ngôn chí, không phô bày tư tưởng một cách bộc trực như người nay, nên cũng thường gọi là ý tại ngôn ngoại. Muốn thưởng thức thơ đúng nghĩa là phải lăn hụp đào sâu mới cảm được bao vẻ kỳ thú của nó. Đúng là làm thơ đá khó mà hiểu được thơ càng khó hơn (Thi, tác giả nan, tri giả vưu nan).
SG ngày cuối năm Ất Dậu 28. 01. 2006