Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.149.977
 
Triệu Xuân luôn luôn “Lấp lánh tình đời”
Nguyễn Tý

Nhà văn Triệu Xuân xuất thân làm phóng viên chiến trường, đến khi viết văn, anh chuyên viết tiểu thuyết. Tập Truyện, Ký “Lấp lánh tình đời” vừa xuất bản, (NXB Văn học, tháng 5-2007, 625 trang), Triệu Xuân tâm huyết chọn lọc từ hơn năm ngàn trang viết đã đăng trên các báo, sau 33 năm sống và viết tại miền Nam.

 

Lấp lánh tình đời gồm hai phần: Phần một gồm 38 bài Ký. Sau những tác phẩm đầy ấn tượng về chiến tranh là những bút ký đầy trách nhiệm đối với những vấn đề lớn của đất nước, của xã hội như: Câu hỏi lớn ở Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, (1993) được Tổng bí thư và Thủ tướng đọc, ngay sau đó chỉ đạo các cơ quan ban ngành hữu quan kiểm tra, thanh tra để giải quyết theo những yêu cầu chính đáng, hợp quy luật nhằm nuôi dưỡng và bảo vệ nhân tài. Hay những bài ký về thành phố Hồ Chí Minh như: Thành phố qua ba mùa nắng, Hai mươi mùa nắng, Thành phố Hồ Chí Minh – Mười năm một giấc chiêm bao, Lấp lánh tình đời, Mại dâm ở Sài gòn, Vũ trường ở Sài Gòn, Dưới đáy thành phố lớn, Những người dưới đáy…. Đọc Ký của Triệu Xuân, ta cảm nhận nóng rực chất thời sự, đầy chi tiết sinh động, nhiều tính dự báo… thấy anh đồng cảm với dân tộc, với quê hương trong những ngày khốn khó! Triệu Xuân chan hòa thương mến với lớp người dưới đáy xã hội bằng sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc, hay lên án các tệ nạn xã hội với nạn xì ke, ma túy, mại dâm cũng như những kẻ mafia – đây cũng là những tư liệu sống giúp anh hoàn thành một loạt tiểu thuyết xã hội như: Đâu là lời phán xét cuối cùng; Nổi chìm trong dòng xoáy; Sóng lừng (V.N. Mafia), Bụi đời, Trả giá, Cõi mê…

 

Phần hai của Lấp lánh tình đời (31 bài) gồm 4 truyện ngắn: Tôi không mất em, Tình đời, Khát vọng, Nỗi đau cùng các tiểu luận phê bình và chân dung một số nhà văn, nhà thơ, tác phẩm gắn liền với cuộc đời của họ như: Một bài thơ cứu một đời thơ của Phùng Quán viết tặng Hoàng Cầm hay Một bài thơ - dấu ấn của thời đổi mới của nhà văn Khuất Quang Thụy…

Triệu Xuân là Trưởng Chi nhánh NXB Văn học. Trong công tác biên tập, anh tổ chức, biên soạn, biên tập kỹ càng và viết lời giới thiệu trong các tuyển tập, toàn tập cũng như khắc hoạ chân dung về các nhà văn như: Vũ Bằng, Lê Văn Trương, Lan Khai, Thu Bồn, Hoài Anh, Lê Quốc Minh, Hoàng Cầm, Lê Văn Thảo, Viễn Phương, Trần Hoài Dương… Đặc biệt là hai bài viết khảng định những nhà văn có công lớn nếu không có sự “theo đuổi” tâm huyết của bậc hậu sinh, sẽ rất dễ bị chìm vào quên lãng như: Cần tôn vinh những người có công với nền văn hoá dân tộc như ông Vũ Đình Long; Nhà văn Vũ Bằng, Tài hoa và cô đơn như trong Lời giới thiệu, nhà văn Hoài Anh đã viết: “Anh (nhà văn Triệu Xuân-NT) là người thật sự có công trong việc góp phần làm sáng tỏ công tích của nhà văn Vũ Bằng. Chính anh, ngay trong những năm Vũ Bằng còn bị khi rẻ, kỳ thị, đã liên kết với Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin để xuất bản tác phẩm nổi tiếng Bốn mươi năm nói láo. Sách phát hành được vài ngày thì bị ngưng phát hành, phải lưu kho gần chục năm rồi đem hủy! Mặc dù vậy, anh vẫn kiên trì, thầm lặng sưu tầm, biên soạn và giới thiệu bộ Tuyển tập Vũ Bằng, ba tập, 3.000 trang (NXB Văn học, 2000), góp phần thúc đẩy quá trình công nhận Vũ Bằng, truy tặng Huân chương cho Vũ Bằng. Sau khi xuất bản Vũ Bằng Tuyển tập, Triệu Xuân tiếp tục dày công truy tìm văn phẩm của Vũ Bằng, biên soạn hoàn chỉnh để năm 2006 vừa qua, Nhà xuất bản Văn học cho ra đời Vũ Bằng Toàn Tập gồm bốn quyển khổ lớn 16 x 24 cm, gần 5.000 trang; được Hội đồng Văn học Nghệ thuật Nhà nước lấy làm cơ sở đề nghị trao tặng nhà văn Vũ Bằng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật!”.

 

Đọc Lấp lánh tình đời, người đọc sẽ cảm nhận được một Triệu Xuân nhà báo, nhà văn luôn luôn năng động, với sự nhạy cảm hiếm có khi tiếp nhận, phân tích, mổ xẻ hiện thực cuộc sống. Đồng thời, qua tác phẩm này, người đọc sẽ có nhiều cơ hội hiểu thêm tác giả, tác phẩm. Phàm những người có tâm huyết, có chân tài… thì thường lặng lẽ, âm thầm, phải lâu lắm, người đời mới có dịp cảm nhận được chân xác và đầy đủ tác gia và tác phẩm! Trong thể loại tiểu thuyết, nhà văn Triệu Xuân đã có nhiều đóng góp quý giá, để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Nay, với Lấp lánh tình đời, thêm một lần nữa người đọc được thưởng thức vốn sống dồi dào, bút lực sung mãn và bản lĩnh của nhà văn trước bao nhiêu giông bão của cuộc đời… Để rồi, ta nhận ra rằng: Trước sau, tác phẩm của ông luôn luôn lấp lánh tình đời; và tác giả Triệu Xuân là một trong những người tiên phong của sự nghiệp chấn hưng, Đổi mới đất nước! Tôi rất tâm đắc với bài thơ chân dung của Hoài Anh viết về Triệu Xuân:

Nổi chìm dòng xoáy văn chương

Lòng như giấy trắng không vương bụi đời

Đến cùng trả giá cuộc chơi

Cõi mê đánh thức bao người trầm luân

Sóng lừng tới triệu mùa xuân

Góp công mở đất dấn thân chiến trường.

 

Tp. Hồ Chí Minh, 25-5-2007

Nguyễn Tý
Số lần đọc: 3240
Ngày đăng: 05.06.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hữu Loan và màu tím hoa sim - Nguyễn Đức Hiệp
Có chăng một Nhà thơ Hồ Xuân Hương ?! - Đoàn Hữu Hậu
Bài thơ cuộc đời của nhà văn Trang Thế Hy đã tìm ra chính bản. - Phan Tấn Tài
“Màu tím hoa sim” bản nào là đúng nhất ? - Nguyễn Minh Hùng
Chuyện buồn [Hết] …Cười [Nổi] : Về bài Văn chương mạng của Inrasara trên báo Văn nghệ số 20, 19.05.2007. - Inrasara
Lại nói về Linh Phương là tác giả bài thơ Kỷ Vật Cho Em - Vũ Trọng Quang
Bàn lại lịch sử hình thành Kinh Dịch-1 - Hà văn Thùy
Bàn lại lịch sử hình thành Kinh Dịch-2 - Hà văn Thùy
“Tình em” của nhà thơ Hồ Ngọc Sơn có 2 phiên bản - chuyện lạ hay ‘đạo văn’ ? - Nguyễn Tý
Thiên chức nhà giáo - Trần Kiêm Ðoàn