Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.275
123.157.213
 
Chuyện đám ma
Giang Thị Kim Phụng

Sẫm tối, sau khi đạp xe một vòng quanh biển- bờ biển có con đường đẹp nhất Việt Nam, nó quay về xóm nhỏ. Lối dẫn vào xóm được nhựa hoá trải đều đến tận cổng của từng ngôi nhà. Hai hàng phượng xanh um xoè bóng mát che khắp lối. Mỗi mùa hè đến, cả xóm như được thắp sáng bởi những chùm hoa đỏ rực cộng thêm tiếng ve réo inh ỏi suốt cả ba tháng. Tiểu Diệp thích thú ngắm lũ nhỏ tìm cách hái hoa phượng, nâng niu đem về ép làm bướm tặng nhau. Nó đã qua rồi cái thời học trò ao ước được nghỉ hè. Giờ đây, nó đã là một người lớn, đi làm và khó lòng có được cái cảm giác nghỉ ngơi thoải mái sau những ngày tháng lăn lộn với công việc.

 

Nói tiếng là xóm nhỏ nhưng toàn là nhà to, 50 hộ, đủ thành phần giàu có, kín cổng cao tường nên chuyện nhà ai nấy biết khi khung cửa sắt kín bưng đóng sập lại. Cả tháng nay, xóm nhỏ không lấy được một ngày yên ả. Rải rác hết nhà này đến nhà khác thay nhau kéo đàn cò tiễn đưa một người "xuất cảnh" sang thế giới khác. Mấy hôm rồi, nó chứng kiến một đám tang, có thể là nổi trội nhất xóm bởi thời gian lưu giữ thi thể của người đã khuất hơi bị lâu: 6 ngày. Nó nghĩ, nếu để thêm một ngày nữa thì cả xóm sẽ không hẹn mà rủ nhau vào bệnh viện thay mũi.

 

Người diễm phúc nằm trong quan tài dài 2m được trạm trổ hoa hoè, vàng đỏ xốn cả mắt là ông cụ thân sinh của ngài Tổng thanh tra giao thông tỉnh X. Thảo nào, khách đến viếng toàn là xe 4 chỗ trở lên, buổi tối đèn xe chiếu lấp loáng biển số xanh, số trắng đậu san sát nhau. Ngôi nhà có tang đối diện với nhà trọ của Tiểu Diệp. Mỗi ngày 4 bận, nó đi ngang đều chứng kiến cái cảnh người ta bắt tay nhau một cách hồ hởi, cả gia chủ lẫn khách đều không có một nét phảng phất nào cho cho biết là đang đau buồn. Trong từng cái bắt tay, ánh mắt, nụ cười chào nhau của họ cũng đủ cho người ngoài hình dung được mối quan hệ thân, sơ: "Chào anh! Tôi đến viếng ông cụ, xin chia buồn với gia đình vì nỗi mất mát lớn lao này!" (dù đường xa tôi cũng cố gắng lội đến. Có việc đừng quên tôi nhé!).

 

Cái quan tài to, bề thế, được phủ lên một tấm vải nhiễu đỏ thêu 3 chữ "Phúc- Lộc-Thọ". Đấy! Đã nằm trong cỗ quan tài rồi mà còn mơ với ước cái chuyện phúc, lộc, thọ trên mình. Mà ông cụ cũng thọ thật, 96 tuổi mới quy tiên. Nghe nói ông rất khoẻ, tối ngủ rồi chết luôn, con cháu không ai hay. Trưa đi làm về mới phát hiện cái xác cứng đờ trong mùng. Tại nhà họ giàu quá, chỗ ăn, chỗ ngủ rộng rãi. Mỗi người một phòng, ông cụ chết cứng mà mọi người không hay biết là chuyện đương nhiên.

 

Dựng trước mặt quan tài là tấm hình một ông già tướng mạo uy nghiêm, khoác trên mình là bộ đồng phục bộ đội, mang cầu vai 2 vạch 4 sao, ngực trái gắn đầy huy chương sáng lấp loá, ông nở nụ cười hãnh diện sung sướng. Cạnh bên là chiếc hộp đựng huân chương, huy chương hơn chục cái. Vòng hoa để chật kín nhà ra đến ngõ, thậm chí treo lên vách, lên trần nhà như tiệm bán vòng hoa, đếm không xuể, có hơn trăm cái. Trái cây chất nghẹt cứng trên bàn thờ, mặc dù luôn được người nhà chuyền ra sau nhưng vẫn luôn trong tình trạng thiếu chỗ. Bát nhang nghi ngút khói, giấy tiền vàng mã để từ trên bàn xuống góc quan tài từng đống lớn. Đến giờ cúng cơm thì đem ra đốt, khói túa lên ào ạt, khiến căn nhà chìm trong màn khói âm u như đang có trận cháy lớn. Thế nhưng, khi Tiểu Diệp cùng cơ quan vào viếng ông cụ thì nó phát hiện ba chén cơm trắng, chén ở giữa có trứng vịt chẻ đôi đã khô cứng từ lâu, hạt cơm đã ngả vàng nhạt, rời rạc, có lẽ từ hôm bắt đầu đặt ông cụ vào quan tài cho đến lúc đưa đi vẫn còn nguyên, không ai buồn để ý đến việc thay chén khác vì họ còn bận nhiều việc quan trọng hơn. Vậy mà ngày 3 cữ, nó đều nghe tiếng thầy tụng đọc kinh cúng cơm. Nó nghĩ, chắc tại tang gia bối rối! Mấy người con, cháu quấn vành khăn trắng lên đều ra vẻ đau khổ, có cả mấy đứa cháu mang khăn chấm vàng, chấm đỏ, chấm xanh hí hửng chỉ trỏ vào điểm giữa trán xem trong các màu, màu nào đẹp hơn. Riêng các nàng dâu mặc áo tang, vẻ mặt ngời ngời sung sướng, câng câng như được khoác chiếc áo mới, đắt tiền, cũng cầm khăn sụt sùi, luôn tay chùi mắt. Cứ luôn mồm:

- Bố ơi, sao bố bỏ chúng con mà đi sớm vậy!!! Bố hiền lành thế kia, bố nhân đức thế kia mà sao không đợi có chút chít rồi hãy đi 100 tuổi ..hụ..hụ..hức..hức..

Cô dâu út khoảng ngoài 30, đầu đội tang trắng nhởn như t

hế mà mắt xanh, môi đỏ, má hồng, tay cầm khăn giấy cứ thấm mồ hôi, sợ trôi mất lớp phấn trát trên mặt. Nó không hiểu, lúc đám tang bận rộn như thế này, thời gian đâu nữa mà vẽ vời tỉ mỉ đến từng chân mi?

 

Ông cụ có 5 người con: ba trai và hai gái. Tất cả đều yên bề gia thất. Ông ở với cậu cả. Vợ cậu cả dường như là người "quyến luyến" ông nhất nhà. Lâu lâu, hàng xóm lại nghe tiếng cô ấy rít lên:

- Ông ăn nhanh lên để tôi dọn dẹp, đưa cháu đi học, đi chợ nữa, ông tưởng tôi sung sướng rảnh rỗi lắm để hầu hạ ông mãi thế này à! Lần sau cho ăn cháo gói đấy.

- …Ấy ! Sao ông lại bê bát đi đâu thế? Vỡ bát mấy chục nghìn, rồi mảnh văng đầy nền, thằng cháu giẫm phải thì khổ! Giời ơi là giời, già rồi sao không chết quách đi cho con cháu nó nhờ, sống mãi thế này ai mà đủ sức hầu ông hả..h..ả…? Tiếp theo đó là một tiếng uỵch rất mạnh, rồi tiếng ông cụ ú ớ trong miệng, hình như là suýt xoa vì bị đau đâu đó.

 

Lúc bà còn sống, bà chăm nom ông cẩn thận bao nhiêu thì bây giờ lại bị bỏ rơi bấy nhiêu. Tội nghiệp, ông cụ đã yếu sức, bước đi cứ lập cập run rẩy mà ông không muốn làm phiền con, cháu. Ông tự ăn uống, chuyện đi vệ sinh cũng tự lo. Những năm tháng chiến đấu gian khổ ở chiến trường cộng với cá tính cứng cỏi, độc lập, ông chưa lần nào muốn làm phiền hay nhờ vả con cháu. Có lần đi vào phòng vệ sinh, sàn gạch men trơn bóng, ông bị trượt chân ngã không đứng dậy được cả một buổi từ sáng đến trưa. Khi thằng cháu nội đi học về, bị tiêu chảy, hối hả chạy ào vào nhà vệ sinh mới phát hiện ông nằm sóng xoài trên nền gạch, tay với kéo quần chưa lên khỏi bẹn. Cô dâu cả phát hoảng gọi í ới hàng xóm đưa cụ đi bệnh viện.

 

Trời lạnh, xương khớp nhức âm ỉ, những vết thương chiến tranh lâu lâu lại hành hạ làm cho ông cụ khó ngủ. Ban đêm, ông thường mò mẫm đi vệ sinh. Một đêm, cô con dâu cả khát nước, đến tủ lạnh thì đâm phải ông già, cô la toáng lên:

- Khuya rồi, không chịu ngủ, đi lang thang như ma thế? Bực quá, không thể chịu nổi nữa rồi!

 

Chẳng là con trai cả của cụ đi làm suốt ngày, bận bịu công tác, họp hành liên miên, cho nên việc chăm sóc cha già để phế cho con vợ đanh đá. Từ đó, cô vợ xây hẳn một phòng vệ sinh riêng cho ông cụ.

 

Tiếng rên ư..ử như tiếng mèo khóc chuột của cô dâu cả lâu lâu lại phát lên, làm cả nhà và khách cứ giật thột cả người.

- Bố ơi, bố, bố bỏ con đi để con sống một mình buồn tủi lắm bố ơi…hu..hu..ứ..ức…ư…

Một tay vịn thành quan tài, tay kia lấy khăn tang kéo xệ xuống mặt. Cứ thế, cô dâu cả cứ gào lên từng chặp như mèo cái đang vào mùa động đực.

 

Được một lúc, không biết do mệt mỏi vì buồn thương cụ hay muốn được đi ngủ sớm nên cô dâu cả sau khi khóc lóc thảm thiết bỗng ngã khụy ra sàn ngất xỉu dưới chân quan tài. Cái đầu lọt thỏm vào phía dưới chân đỡ áo quan, mở mắt hi hí, cô thấy một bãi nước vàng nhơm nhớp pha lẫn đen sánh tanh tưởi bốc lên. Nước chảy từ trong quan tài xuống! Cô thầm nghĩ rồi vờ xoài người ra phía ngoài, nhưng mùi tanh khăm khẳm vẫn lởn vởn khắp người cô.

 

Cả nhà xúm lại đỡ cô dậy và dìu vào trong. Lúc cúi người để nhặt cái khăn tang vợ làm rơi, anh con cả cũng thấy nước vàng vàng đen đen đục chảy rỉ ra từ mép dưới quan tài, toả ra thứ mùi lợm cả giọng. Anh trai cả vội lùi ra xa và nhanh chóng gọi các em vào bàn bạc.

- Ngày mai đem bố đi chôn thôi. Mùa này nắng nóng, để 5 ngày như thế này là đủ rồi. Anh thấy có nước vàng chảy ra, thối cả mũi.

- Nhưng còn mấy nơi xa quen nhà em chưa đến kịp- cậu con thứ 3 nói- Vâng, bên em cũng vậy, cô 4 phụ hoạ.

- Hôm chúng nó tẩn, anh không để ý chút nào sao? sao không tiêm phoócmôn cho bố hở? cô con gái thứ 2 khẽ gắt chồng.

- Năm hôm rồi, trời nóng thế này, người sống còn không chịu được, huống hồ cái xác ấy! Mà mình đâu có ướp xác bố bằng nước đá hay phoócmôn. Thịt nó bắt đầu rữa ra rồi đấy. Lúc nãy đốt nhang em có nghe mùi. Cô dâu út sụt sùi.

- Chả sao, để tí nữa em lấy chai xịt phòng hay xịt muỗi, xịt nhặng lên là hết mùi ngay- Rể tư phấn chấn giơ tay nhận nhiệm vụ tẩy mùi.

 

Nàng dâu ba nãy giờ chưa lên tiếng, vội buông lời:

- Nhang khói mịt trời thế này thì làm gì có muỗi mà dượng xịt thuốc? Không khéo mọi người biết thì khổ cả đám đấy!

- Thì mình đợi lúc vãn khách hãy làm. Rể tư đáp lại.

Nhưng rồi cuộc họp cũng kết thúc với quyết định của cậu cả: Ngày mai đi chôn, chuyện sáng hay chiều sẽ quyết định sau.

           

Vẻ thất vọng tràn khắp mặt của cậu 3, cô 4. Họ cố vớt vát:

            - Khách của bọn em còn cả trăm người chưa đến, tiếc thật!

Vừa nói, hai người đều chép miệng tỏ vẻ tiếc nuối.


- Vậy chúng ta chờ nốt ngày mai, chiều đem đi. Phải quyết vậy thôi! Chứ ai đến viếng cũng thắc mắc tại sao không ghi giờ đưa chôn. Cậu cả trịnh trọng tuyên bố.

 

Cậu út cũng định lên tiếng giành phần vì khách của mình chưa đến hết mặc dù đã báo tin và chờ đợi 5 ngày rồi nhưng thấy anh cả  quyết định chắc chắn quá nên thôi không nói nữa.

 

Cả nhà, nhìn ai cũng thấy hớn hở ra mặt. Qua đám tang này, bọn họ nếu trừ tiền mua trà bánh, thuê thầy tụng, dàn kèn tây, tay kéo đàn cò, quay phim chụp hình thì bọn họ cũng còn lại hơn mấy trăm triệu.

 

Khách của họ toàn là có chức, có tiền, ai đi ít nhất cũng là "phúng viếng 200.000 để mua ít nhang, đèn thắp cho ông cụ ấm cúng!".

 

Cô dâu út ngồi đếm tiền mỏi tay, hoa cả mắt, miệng thì cứ suýt xoa: - Toàn tiền chẵn, dễ cất ghê! Rồi cười khúc khích với người chị dâu cả.

 

Sổ tang dày cộp, người ta ghi vào những lời chia buồn, thương tiếc gần hết giấy, chuẩn bị thay sổ mới. Ai đến viếng cũng cố gắng lưu lại bút tích, tên họ, địa chỉ của mình trên sổ tang dù chưa từng biết ông cụ là ai, chỉ thấy lần đầu là cụ đã lên bàn thờ.

 

Trái cây chất đầy nhà. Cô dâu cả và cô hai, cô tư luôn túc trực nhận trái cây rồi tuồn ra sau nhà cho cô dâu út đem ra chợ. Toàn là trái cây tươi ngon, bán lại cả mấy giỏ cần xé, hơn 10 thùng táo Mỹ. Ra chợ, đố ai biết được nhà cô dâu út có tang. Mắt cứ xanh, môi cứ đỏ. Cô xoen xoét kỳ kèo giá cả với bà bán trái cây. Chỗ này không vừa ý, cô nhanh chân lẹ mồm sang ngay hàng khác.

 

Chỉ có vòng hoa là chưa thấy tuồn ra ngoài bán được vì có thể họ dị nể khách khứa. Chứ không thì cô dâu út dám mang ra bỏ lại cho các tiệm kết hoa tang rồi.

 

Khoảng 4giờ sáng ngày thứ 7 của đám tang, khi mà Tiểu Diệp còn chìm vào giấc ngủ say thì bị đánh thức bởi tiếng ồn ào của kèn trống và tiếng khóc ré lanh lảnh, não ruột, thắt lòng của người hát mướn với gương mặt vẽ vằn vện, đỏ xanh loè loẹt:

 

"Cha ơi, sao cha nỡ bỏ chúng con mà ra đi? Cha đã vất vả bao năm qua bây giờ chưa kịp hưởng phước cùng con cháu mà đã vội ra đi, bớ cha ơi là cha, chúng con đau xé lòng, thắt ruột gan, gạt nước mắt tiễn cha về nơi an nghỉ cuối cùng… hụ… hụ… hức… hức..!"

Giang Thị Kim Phụng
Số lần đọc: 2528
Ngày đăng: 06.06.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thiên đường chớp mắt - Trần Đức Tiến
Anh ở đâu? - Trang Thanh
Bóng đổ suốt trăm năm - Lê Hoài Lương
Nhớ…. - Nguyễn Lệ Uyên
Chuyện xứ Mitoman - Hiếu Tân
Thiếu phụ răng đen - Trần Đức Tiến
Chuyện vua nước Việt - Phạm Lưu Vũ
Giờ ra chơi - Tuệ Hải
Niềm Kiêu Hãnh Siêu Thoát - Trang Thanh
Xảy ra ở thị trấn thứ ba - Trần Nhã Thụy
Cùng một tác giả
Đóng và mở cửa (truyện ngắn)
Chuyện đám ma (truyện ngắn)