Màn tái hồi Kim Trọng - Thuý Kiều không còn là một đoạn kết theo nghĩa kết là hết, là xong một thiên truyện, là khép lại số phận những con người - những nhân vật, mà trước đó, tác giả đã dày công đưa họ vào cuộc chơi cơ cầu của tạo hoá. Buổi đoàn viên hoá ra không êm thắm trong lòng người đọc mãi đến hôm nay...
Để chống lại quan niệm cho rằng Nguyễn Du lẽ ra không nên cho Kiều sống lại từ sóng Tiền Đường, Xuân Diệu đã từng phát hiện : Kết thúc ấy đưa ra một lời tố cáo mới: "Đây, nạn nhân của mười lăm năm chúng bay !". Quả là một cách cảm kì lạ, độc đáo của ông hoàng thơ tình vào những năm đánh giặc.
Nhà nghiên cứu văn học Đỗ Đức Dục lại cho rằng :"Nguyễn Du kết thúc Truyện Kiều có hậu trước hết là tuân theo một phong cách văn học dân tộc thích hợp với tâm lí con người Việt Nam, tránh cái cực đoan trong kịch tính, ưa cái đôn hậu, thuỷ chung. (...) Cảnh đoàn viên có mặt hiện thực của nó là vì dù nó xảy ra như một trường hợp cá biệt hay ngẫu nhiên, nó vẫn tô đậm tính bi kịch cuộc đời Thuý Kiều theo một cách khác...".
Rồi ông liên hệ, "Ôi cái cảnh đoàn viên ấy! Thậm chí ngày nay, sau ngày thống nhất nước nhà, 30 tháng Tư năm 1975, nhân dân ta thấm thía vô cùng!" (1).
Không khó lắm để phát hiện sự mâu thuẫn trong nhận xét vừa trích dẫn trên.
*
Khi "chuyển thể" Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân sang Truyện Kiều, nhà thơ của chúng ta đã có những sáng tạo lớn lao trên cả hai bình diện nội dung và nghệ thuật. So sánh từng dòng, từng dòng của hai văn bản, sẽ thấy sự đổi thay tuyệt diệu. Thế nhưng, tại sao ở màn tái hồi, Nguyễn Du hầu như đã giữ y nguyên tác ?! Ngay cả lời văn, nhiều chỗ cũng gần như không mấy đổi thay :
- Kim Vân Kiều truyện : "...Nhưng Thuý Kiều lại vội gạt đi mà rằng : xưa kia dẫu có thề thốt, nhưng vì thời sự biến thiên, thì câu chuyện cũ cũng nên phó mặc dòng nước chảy xuôi, còn bàn chi nữa...", "Còn như thân thiếp, chẳng may phải chịu trăm ngàn đày đoạ, hoa đã tàn rồi, trăng cũng khuyết rồi, lại còn trơ tráo buộc mái tóc thưa để làm tân nhân, sánh cùng quân tử, thì chẳng tự mình hổ thẹn lắm sao ?" (2)...
- Truyện Kiều : "Một lời tuy có ước xưa,
Xét mình dãi gió dầu mưa đã nhiều.
Nói càng hổ thẹn trăm chiều
Thà cho ngọn nước thuỷ triều chảy xuôi."
(...)
Chữ trinh đáng giá nghìn vàng
Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa
Thiếp từ ngộ biến đến giờ,
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa.
Bầy chầy gió táp mưa sa,
Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn."
- Kim Vân Kiều truyện: "...Chàng Kim thấy mọi người ra cả rồi, bèn dịch cây đèn bạc lại gần để được nhìn kỹ gương mặt Thuý Kiều lần nữa, thấy nàng vẫn còn cặp mắt sao sa lóng lánh, má hồng vẫn đỏ hây hây, chẳng khác nào hơi sương lồng hoa thược dược, mưa xuân phấp phới bông đào. Nhân tiện chàng lại khẽ tay nới rộng đai lụa, cởi bộ áo là, đỡ nàng vô màng uyên ương, bàn tay xoa xát tới chỗ tình nồng, dần dần tỏ ý tham hương tiếc nhuỵ. Nhưng có ngờ đâu, nàng đối với chàng tình nghĩa dẫu tựa keo sơn, thế mà một khi nghe đến câu chuyện giao hoan, thì nàng lập tức cự tuyệt (...), nàng nói thẳng ra rằng : Tấm thân thiếp đây thực là tấm thân tàn tạ, đáng lẽ phải chết từ lâu, lang quân có lòng yêu thiếp vượt bậc, nên phải ngậm ngùi nhận đạo tòng phu".
- Truyện Kiều: Canh khuya bức gấm rủ thao
Dưới đèn tỏ rạng má đào thêm xuân
Tình nhân lại gặp tình nhân
Hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình
Nàng rằng:"Phận thiếp đã đành,
Có làm chi nữa cái mình bỏ đi!
Nghĩ chàng nghĩa cũ tình ghi,
Chiều lòng gọi có xướng tuỳ mảy may.
Riêng lòng đã thẹn lắm thay,
Cũng đà mặt dạn mày dày khó coi!
Những như âu yếm vành ngoài
Còn toan mở mặt với người cho qua.
Lại như những thói người ta
Vớt hương dưới đất, bẻ hoa cuối mùa.
Cũng là nhơ nhuốc bày trò,
Còn tình đâu nữa là thù đấy thôi!
Ngườì yêu ta xấu với người,
Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau!"
Nguyễn Du đã giữ nguyên nhân vật của Thanh Tâm, để họ nói năng như một cái máy phát ngôn cho những đạo đức gượng ép trong Kim Vân Kiều truyện - điều Nguyễn đã vốn xem nhẹ nó ngay từ lúc hai con người ấy đặt chân lên đất thanh minh.
Kỳ lạ hơn là cái cách ứng xử tiếp theo của hai tình nhân này trong đêm hợp cẩn:
- Kim Vân Kiều truyện: "...Nếu vậy, hiền thê quả thực không phải là hạng yếm khăn, chính là một trong đám hào kiệt đó. Ngày nay hiền thê đã tự đặt mình trong hạng phụ nữ tiết liệt ngày xưa, thì Kim Trọng này đâu dám lại có dục vọng càn rỡ.
- Truyện Kiều: "Gương trong chẳng chút bụi trần,
Một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm
(...)
Cho hay thục nữ chí cao,
Phải người sớm mận tối đào như ai ?"
Có phải Thuý Kiều - Kim Trọng đã tự xoá nhoà vầng trăng thề thốt để treo tấm gương tiết liệt trong khoảnh khắc sau cùng? Kiều đã sắc nước hương trời, tài nghệ tót vời, bây giờ xem ra sắp được tôn vinh là anh hùng hào kiệt! Vậy nên, đêm ấy nàng mới ...quyết. Trời ơi, phút giây ấy mà nàng còn "quyết" được sao?! Trong đêm hợp cẩn, hai người nói quá nhiều mà không hề tâm sự (nói nhiều nhất trong mấy lần họ gặp nhau, vì nói đến ...Gà đà gáy sáng, trời vừa rạng đông mà chưa chịu lặng im!), họ đối đáp mà chẳng hàn huyên, kể khổ mà không vấn vương kỷ niệm, đàn ca trăm chiều vui vẻ mà quên mất chuyện yêu đương... Không phải chỉ riêng Thuý Kiều - Kim Trọng, cả Vương Quan, Thuý Vân, ông bà Viên ngoại, nhất cử nhất động, lời ăn tiếng nói ở ngày sum họp đều răm rắp như một sự sắp đặt máy móc của cả Thanh Tâm tài nhân và tác giả Truyện Kiều.
Nguyễn Du phải tuân thủ kiểu kết thúc có hậu truyền thống ? Không, ông đã từng vượt qua rất xa những công thức cổ điển thời ấy. Nguyễn Du muốn đáp ứng "ước mơ phổ biến của nhân dân" (3)? Chẳng lẽ ông nhìn ước mơ của nhân dân đơn giản và gượng ép vậy sao? Vì quá yêu nhân vật nên Nguyễn Du không để họ có một kết thúc bi kịch? Nếu vì yêu mà cho họ đoàn viên kiểu ấy thì Còn tình chi nữa mà thù đấy thôi...
*
Trở lại đoạn kết Truyện Kiều là tìm về với một nỗi trái ngang không dứt...Hình như có một bế tắc không vượt qua ở đoạn cuối một Truyện Kiều, đoạn cuối một thiên tài?! Bao nhiêu mâu thuẫn trong triết lý Truyện Kiều cũng bắt nguồn từ sự bế tắc ấy chăng?! Chỉ có thiên tài mới thấy những đường chân trời và giới hạn không vượt qua của nó.
Chưa có nhà văn nào trước đó đăm đắm nỗi văn chương như Nguyễn Tiên Điền. Trong Mạn hứng, ông viết :
Cuộc đời trăm năm chết xác với văn chương" (4)
Ông dùng văn chương để viết về những điều trông thấy (mục trung, sở kiến) với nỗi đau lớn - những điều mà hầu hết là khó - nói - ra thành lời rành rẽ. Văn chương, với ông, là luỵ - Văn chương vô mệnh luỵ phần dư (5), là đau đòi đoạn, là một thứ nghiệp dĩ. Văn chương của ông là giọt lệ về những điều trông thấy.
Trong U cư, ông viết những câu thật khó mà diễn đạt bằng một cách khác:
Ở đất khách giả vụng về để phòng thói tục
Gặp đời loạn vì muốn giữ toàn sinh mệnh nên luôn luôn sợ người ta" (6)
Đến bài Tạp thi, ông nói rõ hơn :
Lúc loạn lạc cười khóc cũng phải theo thời" (7).
Rồi trong Xuân thu lữ thứ, ông cất tiếng lòng u uẩn:
Trên đường danh lợi buồn hay vui cũng không được tự nhiên (8).
Vì thế, ở Truyện Kiều, ta bắt gặp sự mâu thuẫn ngay trong cách đặt và giải quyết vấn đề, trong sự dùng dằng nửa ở nửa về giữa nhiều con người trong một Nguyễn Du.
Ở Phản chiêu hồn, ông đã có một khái quát :
Đời sau ai ai cũng đều là Thượng quan
Mặt đất đâu đâu cũng là sông Mịch La (9).
Ông còn thấu triệt một cái lẽ khó nói nữa, khi ông bàn về Khuất Nguyên:
Nếu hiến lệnh của ông mà được ban hành khắp thiên hạ
Thì làm gì có Ly tao kế tiếp Quốc phong ? (10)
Như vậy, Nguyễn Du không chỉ lên án xã hội phong kiến (ở Trung Hoa hay ở Việt Nam bấy giờ) mà ông nói cả cổ kim hận sự. Ông không chủ yếu bày tỏ nỗi đau riêng mình mà muốn nói đến nỗi kỳ oan của nhân thế - Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu? Ông không chỉ nói cái ghen ghét nhất thời mà ngẫm cái vạn vật đố tài muôn thuở. Ông không chỉ nói một Trăm năm trong cõi người ta mà nhìn vào Đêm trường dạ tối tăm trời đất. Ông nghiệm ra thứ Kinh không chữ mới đúng là chân kinh...
Khi nghiên cứu Truyện Kiều, nhiều người dễ dàng chấp nhận một luận điểm rằng, do Nguyễn Du chưa nhận thức được vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp, cho nên ông chưa đạt đến điển hình xã hội mà mới dừng lại ở trình độ điển hình tâm lý (11). Quan niệm về tính điển hình như thế khi đọc Nguyễn Du e đã làm hẹp tư tưởng của cổ nhân, đưa vùng tiếp nhận của người đọc nhiều dân tộc, nhiều thời đại trở lại một quỹ đạo cố định, bất biến. Có một điều cần phải bàn lại, không rõ từ đâu, có một cách nghĩ gần như đương nhiên: Hễ nói đến tư tưởng hoang mang, bế tắc, luôn giằng xé, kiếm tìm của một tác giả nào đó, người ta thường xem đấy là một "hạn chế". Thực ra, phải hiểu ngược lại mới đúng. Sự trăn trở đến kì cùng, đến nghi ngại, đến vò xé để quán thấu một giá trị minh triết chính là đoạn kết diễm ảo của những thiên tài nghệ thuật. Không phải thiên tài thi ca thì không có nỗi niềm đó. Một thi sĩ thường thường bậc trung sẽ không có những bế tắc không thể giải quyết. Ở điểm này, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Hàn Mạc Tử...có chỗ gặp nhau...
Đoạn kết Truyện Kiều, vì thế, xem như một kết thúc chưa phải kết thúc. Bi kịch không kết như vậy. Truyện cổ dân gian cũng không có hồi kết băn khoăn ấy. Đó là cách kết của một tâm hồn giằng xé, bế tắc và đớn đau:
Thầm đọc bài ca hỏi trời
Trời cao biết đâu mà hỏi ? (12)
Hà Tĩnh - Đà Nẵng, Thanh minh, Giáp Thân, 2004
(1), (3), (11) Chủ nghĩa hiện thực thời đại Nguyễn Du, Văn học, 1989
(2) Phạm Đan Quế, Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện, Nxb Thanh niên,2003
(4) Bách niên cùng tử văn chương lý
(Mạn hứng)
(5) Độc Tiểu Thanh ký
(6) Dị hương dưỡng khuyết sơ phòng tục
Loạn thế toàn sinh cửu uý nhân
(U cư)
(7) Tiếu đề tuần tục can qua tế
(Tạp thi)
(8) Danh lợi doanh trường tuỵ tiếu tần
(Xuân thu lữ thứ)
(9) Hậu thế nhân nhân giai Thượng quan
Đại địa xứ xứ giai Mịch La
(Phản chiêu hồn)
(10) Trực giao hiến lệnh hành thiên hạ
Hà hữu Ly tao kế Quốc phong
(Tương đàm điếu Tam Lư đại phu)
(12) Ám tụng vấn thiên chương
Thiên cao hà xứ vấn
(Bất mị)