"Nào Hồng Hoa Mơ Ước út Thêm, dậy dậy thôi, sáng bảnh mắt ra rồi đây này. Nào dậy thôi... ôi..." Ba trăm sáu lăm ngày như một, con Thắm, chị cả, đã bắt đầu màn chào buổi sáng bằng cái giọng hấm hách phát ra qua cặp môi cong khô khốc, trong khi nó cũng chỉ vừa ngật ngưỡng ra khỏi giường, mắt vẫn dính nhép. Một cái ngáp rõ dài, nó tỉnh hẳn. "Nào! Hồng Hoa Mơ Ước út Thêm! Chúng mày còn phải đợi người ta vào tận giường lôi ra nữa à, đã bẩu dậy là dậy thôi!" Nhưng "bầy vịt" vẫn không nhúc nhích. Chợt vẳng lên tiếng rít thuốc lào vào điếu long sòng sọc. Anh Thân đã dậy từ lúc nào, ngồi rung đùi bên chiếc bàn gỗ cáu cạnh, nhả ra từ miệng và cả hai bên lỗ mũi từng cụm khói nhờ trắng cuốn xoáy mây bay. Hễ anh cất giọng là bao giờ cũng gằn lên từng tiếng: "Chúng - mày - có - dậy - cả - đi- không - thì - bẩu - ông! Mẹ kiếp! Con gái con lứa vô tích sự, sáng bảnh mắt ra..."
"Dậy cả đi lũ báo hại! Dậy cả đi ra đây tao bẩu đây này!" Chị Thân, sau khi đã vung gầu vục nước đổ tràn bể, đổ cám cho đàn lợn 1 mẹ 12 con ăn để bịt miệng lũ chúng nó khỏi rít chói tai, lúc này mới cất lên thứ tiếng có uy lực nhất trong nhà, tay vẫn thoăn thoắt xâu cua vào cái xiên tre. Một. Hai. Năm. Mười. Mười lăm. Hai mươi con. Một xiên. Vừa vặn. Đều tăm tắp và chặt chẽ không lệch đi đâu được. Đến khi Con Thắm quát em dậy chị đã xâu được 7 xiên, con Thêm khóc chị đã xâu được 10 xiên. Giờ thì cả "đàn vịt" 7 con đã ngồi quây tròn xung quanh cái nồi đồng năm mươi cua vơi đi quá nửa, ngước nhìn mẹ thành kính như con chiên xưng tội.
Đồng hồ chỉ 4h30'. Lịch treo tường màu đỏ: Chủ nhật ngày 19 tháng 6 năm 1992. Không có tiếng ê a học bài buổi sáng của lũ trẻ trong xóm như thường lệ, vì dạo này tất cả đều nghỉ hè. Con chó vện chốc chốc ư ử rên.
"Con Thắm mang vó ra ao thả, con út đi theo ném thính, con Hồng ra xoi hái rau đay mồng tơi, con Hoa thủi cơm, con Mơ chuẩn bị quang gánh, thả gà ra cho ăn, con Ước quét nhà, hót cứt gà, quét sân. Làm đi. Nhanh lên. Còn con Thêm, đưa đây tao cho bú". Con Thêm ư ư những âm dài sung sướng, nhanh chóng truồi khỏi lòng con Mơ, rúc vào nách mẹ. Chị Thân khẽ kênh cánh tay vẫn thoăn thoắt múa trên xiên cua, tay kia đưa ngang, kéo đánh thoắt đường nách cái áo ba lỗ rộng thùng xộc xệch nhệch sang bên. Cái vú dài thây lẩy, căng nhức bị bắt chành ra phía nách. Đầu vú đen thẫm như quả dâu ta chín, ngỏng lên, cứng đanh, rỉ ra một giọt sữa trắng, thách thức con Thêm chồm tới. Con Thêm rướn lưng, đôi chân cong khuỳnh, miệng nhanh nhảu đơm ngay vào. Bầu vú méo mó biến dạng dưới hõm nách sâu hoắm, hằn rõ những vệt gân xanh.
Người đàn bà đẻ 7 lần 7 cô con gái là chị Thân, đã sáng tác ra kiểu ti mẹ độc nhất vô nhị thế gian. Con Thêm khịt khịt mũi, "choét" một cái, môi bóng đỏ, má ửng hồng, mặt bửng chửng.
***
"Mẹ nhà chúng mày! Mới sáng bảnh mắt đã lè nhè hả! Xúi cả buổi chợ của bà thì bà cho ăn cái l... của bà đây này!" Con Thêm đang nghịch mấy hòn sỏi chợt víu vào áo mẹ, ngơ ngáo. "Giời ơi là giời, sao cái thân tôi nhục nhã thế không biết! Mới sáng bảnh mắt đã rượu. Hả giời ơi là giời!" Anh Thân súc miệng òng ọc, chẹp chẹp vài cái rồi nói vóng qua cửa sổ: "Bà có im đi, không thì thiên hạ người ta cười cho. Đã bẩu là chín bỏ làm mười. Mà mới sáng ngày ra đã..." "Im gì, im cái mả mẹ nhà chúng mày! Sao mày không bẩu cái thằng chú của mày chừa đi. Xúi cả buổi chợ của bà..." Anh Thân tái mặt. Bà thím dâu vênh váo cắp nón đi.
Lúc này, ông mặt trời còn chìm khuất dưới tán cây bên kia cánh đồng làng. Bà Xiển chân vòng kiềng, bước khuỳnh khoàng hai cột trụ cổng, đôi cánh tay dài thõng thẹo quá gối vung bên nọ vẩy bên kia. Cái thúng đội trên đầu lồng khồng túm lông vịt, không cần tay đỡ, vững chãi như thể cô hầu đội mâm lúc nhập đồng. Bà người Đoài thôn, đến xóm Đông làm dâu, đẻ sòn sòn 9 lần: 4 trai 5 gái, chết non 3 đứa còn 6: 3 gái 3 trai. Chúng đã có vợ có chồng, ở riêng cả. Ông lo vài sào ruộng khoán, bà chạy chợ bán thêm ít bánh nếp bánh tẻ.
Ông Xiển nhả ra khỏi miệng khói thuốc lào, bụng lầm bầm nghĩ thế là thoát khỏi cái con mẹ điên lắm điều. Rượu hết. Túi rỗng. Định bụng bán cân lông vịt thì bị mụ vợ phát hiện lôi ra chợ mất. Sáng ngày ra trệu trạo vài hạt cơm nguội, miệng nhạt tanh nhạt thếch. Rít thêm khói thuốc lào, miệng lại đắng nghét. Ông Xiển chẳng chịu được tanh, chẳng chịu được đắng. Chỉ có cay. Cay đến thế nào cũng làm ông dễ chịu. Có tí cay vào là ông ngủ ngay được. Cánh bợm nhậu cùng cạ với ông gọi ông là "ỉ tửu". Ông ngủ quên hết cả vợ con, trời đất. Ngủ ngả nghiêng, ngủ say mèm, ngủ mê mệt, ngủ suốt cả một ngày. Tỉnh dậy ông lý luận. Mà rõ lạ. Chỉ khi ngủ dậy mới dọn giọng. Còn lúc uống xong chỉ ngủ như chết. "Mẹ chúng mày, cứ bẩu ông là "ỉ tửu"... ỉ cái con mẹ chúng mày đây này! Uống - ngủ. Ngủ - mơ. Ông lên tiên giới. Ông tới suối ngàn. Suối ngàn í... a... đào... nguyên...í...í...a... Ông bay... ông nhảy... í...a...í...à... Ông gặp tiên ...a...á...a...a...à...ì... Mẹ kiếp! Ông đây tiên tửu chứ chả chơi. Thử hỏi chúng mày có thằng nào bằng ông! ỉ tửu... ỉ... tửu... ỉ.... tử...u..."
"Này Ước, đi mua hộ ông cút rượu!" Con Ước đang lúi húi hót cứt gà, vờ không nghe tiếng. Tay nó cầm hai cái lá mít vàng xuộm, cứng như hai miếng mo nang, chân dò dẫm, mắt lần tìm theo từng bước chân, lưng cong dấu hỏi. Gặp bãi cứt gà, nó nhún gối xuống một chút, hai bàn tay đưa hai cái lá mít từ từ xít lại, nhẹ nhàng và khéo léo vun vào một cái. Bãi cứt gà nằm gọn trên một cái lá mít. Nó nhón chân hất thẳng ra vườn.
"Ước, đi mua ông cút rượu, con!" Lần này tiếng ông Xiển lọt gọn qua khe cửa, phóng thẳng vào tai con Ước êm ru. Nó gục goặc: "ứ. Mặc kệ!" Ông Xiển khẩn khoản: "Đi con, mua ông cút rượu!" "Thế ông có tiền không?" "Ông mua chịu". "Thế thì đừng hòng. Dơ lắm". Chị Thân quát: "Con Ước, hót xong chưa, quét sân đi. Mày lải nhải gì như con điên đấy hảng?" Ông Xiển ôm ngực ho rũ rượi.
***
"Tôi đi gặt trước". Anh Thân vác đòn xóc lên vai, buông sõng một câu, ý chừng chào vợ. Đấy cũng là lúc con Hồng bưng rổ rau đay mồng tơi lồng khồng về đến sân: "Mẹ ơi". Con Thắm tất tả cái rổ hất tép tong tong rỏ nước; tôm chà, sậu sặt nhảy lách tách lơn tơn: "Mẹ xem này..." Chị Thân khẽ đánh mắt một cái: "Nhanh tay lên, chúng mày nhanh tay lên, con Hoa cơm nước xong chưa, bố mày đã ăn chưa, dọn cơm ra đi". Con Hoa vung cái chiếu rách như tổ đỉa, bụi tung lên khắp nhà, miệng lầu bầu: "Bố mói cơm ăn từ đời nảo đời nào, đi rồi lại còn..." Chị Thân nghe không rõ: "Lầu bầu mả bố mày cái gì? Có nhanh lên cho tao còn đi không? Chợ trưa rau héo cá ươn. Chợ chiều cá thối người ườn mặt ra..." "Con bẩu bố mói cơm ăn lâu rồi chứ cái gì mà mẹ cứ..." "Lại còn cãi hả, mặt trời đỉnh đầu bố mày rồi kia kìa!"
Thoắt một cái, "lũ vịt" đã lại quây vào mâm cơm. "Nhanh nhanh lên. Tao bẩu chúng mày nhanh nhanh lên" - mẹ nó giục. Con Hoa cầm hai cái đũa cả đã mòn vẹt vọc vào cái nồi gang đầy cơi, tay ra chừng bải hoải. "Thật vô đoảng, cơm khô như cho chó ăn thế này à?" Nó khó nhọc xới được một bát, đặt trước mặt mẹ, lấm lét: "Mẹ ăn đi". Con Mơ, con Ước, con út tay lăm lăm một bát hai đũa. Con Thêm mới nhấm nhém được cơm rót cũng vọc một tay vào cái bát không, một tay vào bát rau luộc, mồm ư ư. "Ăn, ăn đi! Tao đi chợ rồi thì con Mơ ở nhà mớm cơm cho em". Bát rau muống luộc to tướng, thâm xì xì, bát nước cua muối mặn chát, mấy con cá sậu sặt rang nhội chạt những muối là muối, nồi cơm gang ba bơ khô khốc như gạo sống cơi vung, thoắt hết. Ngoài hiên, tia nắng đầu tiên xuyên qua khung cửa sổ. Dòng bụi hỗn loạn quay như đèn cù. Con Thêm mặt nhoe nhoét nhọ-cơm-rau, tay cầm đũa đều đều vung lên đập xuống mâm đồng coong coong mà mắt thì dõi theo dòng bụi quay tít, cười bí ẩn.
Con vện sau khi nhai gọn chỗ cháy, nằm choãi chân như con thạch sùng bám tường, từ đầu đến đuôi dính bệt xuống nền hè. Người ta bảo giống chó có kiểu nằm thế này khôn phải biết. Chị mái già tục tục gọi con uống nước ngoài sân giếng. Mười chú gà con đã khá lớn, vẫn chưa bị mẹ bỏ, te tái vẫy những đôi cánh cũn cỡn chơi trò ú tim. Bỗng ở đâu ào đến một cơn lốc. Chú trống cựa bất nhã xông vào giữa đàn gà, đạp lộn mấy chú gà con lăn lông lốc, đuổi chị mái già té tái. Chị mái già nhảy giạt lên cành rào, lộn cổ xuống, bị chú trống lực lưỡng mổ một nhát trúng mào, kêu quang quác, lại vùng chạy cắm đầu cắm cổ vào trong nhà, táp cả vào chân tường. Chú trống thừa thế gằn mạnh lên. Vừa kịp. Cả hai dúi dụi cạnh nồi cơm...
Chị Thân nhắc nhẹm mông rút cái chổi cùn đánh xoẹt, ném một cái trúng phóc "hai con ôn vật". Chú trống "kéc kéc" khoan thai rời khỏi lưng chị mái già, đập nhẹ đôi cánh vàng đen tím đỏ xanh biêng biếc, đẹp như đôi cánh thiên thần, niềm kiêu hãnh ngời ngời hàng ngày giương diễu, át vía hết thảy bọn gà choai trong xóm. Với chú thì có gì mà phải vội. Cặp đùi chú kệnh ra hai bên, thả từng bước khụng khiệng sau "chiến trận" thắng giòn. Chị mái già chạy thục mạng tới chỗ đàn con đang dáo dác tìm, đầu chúc xuống đất ra chừng xấu hổ. Con Thêm khóc thét. Con út lôi em ra, rút xoẹt cái khăn mặt màu cháo lòng vắt trên cành rào trước sân, quệt một nhát ngang mặt con bé. Con Hoa dọn mâm. Con Mơ cuốn chiếu. Rũ.
"Con Hồng, con Hoa, kéo xe cải tiến ra đồng gặt với bố mày trước đi. Gặt cái mảnh sào mười Ngũ Đồi ấy. Còn con Thắm, kéo thêm vài lượt vó nữa lấy tép ăn rồi thu về, xem thóc rơm chúng nó phơi thế nào rồi ra sau. Con Mơ, con Ước, con út lấy chủi quét sân, đổ thóc, rũ rơm. Đến trưa thủi cơm cho dẻo dẻo vào. Tép rang mặn muối hơn hôm qua tí nữa. Rau muống xào cho tí mắm tôm. Chúng mày nhớ trông em cho cẩn thận vào đấy!"
Không đứa nào nói gì, ấy là chúng đã tuân lệnh. Chỉ con Thêm khóc như phải bỏng.
***
"Cha tin hiền đứa nào hôm qua ăn không ăn hỏng con gà của bà. Bà bẩu cho mà biết mà mở mắt ra nhứ... ứ... Ăn không ăn hỏng của bà mà có ngày của nả trong nhà đội nón ra đi, sống mà không yên, chết mà không nhắm mắt nhứ... ứ... Cha tin hiền nhà chúng mày! Nhứ... ứ... ứ..." Bà Na, người đàn bà làm lẽ không có con, tội nghiệp, cứ mấy hôm lại mất một con gà. "Thôi bà nó ạ, chẳng gì mình cũng là đảng viên, của đi thay người. Chửi bới làm gì mất quan điểm". "Mặc cha chúng nó chứ, tôi cứ nói vóng lên thế đấy, đứa nào có tật thì giật mình". "Chị The này. Tôi tức chết đi được mất". "Thế lại mất con nữa hở bà?" "Con gà mái vừa mới đẻ được vài cái trứng con so. Đứa nào mà khốn nạn! Tôi thì tôi cứ chửi cho chúng nó ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi mà bắt tận tay day tận trán đứa nào bắt gà của tôi thì tôi chan tương đổ mẻ vào mặt ông bà ông vải nhà chúng nó..." "Chị Côi này, tôi đến bán hết đàn gà thôi, được dăm ba đồng cũng là được, còn hơn để cho lũ chó nó ăn mất". "Cứ như là có cáo ấy bà nhỉ?" "Cáo cầy gì? Lũ cáo đầu đen thì có. Ông ấy nhà tôi cứ bẩu một câu nhịn là chín câu lành. Lành gì! Quan điểm gì! Ai mà đi giáo dục quan điểm được cho cái lũ ấy. Tôi mà biết đích xác đứa nào..."
Chị Thân đã ra đến đầu ngõ giếng. "Mẹ nhà Thân một gánh trĩu cua kia à? Tiền để đâu cho hết! Còn lo gì mất mùa mấy chả không mất mùa! Cả cái xóm này chả có nhà ai lợn đầy đàn đầy nái..." Bà Huê, người đàn bà dẻo mỏ nhất xóm Đông chào chị Thân thánh thót. Từ sáng đến giờ bà Huê đã thánh thót ngon ngọt với ít nhất ba người. Đầu tiên là bà Xiển: "Gớm, bác có gì mà tất tả sớm thế. Hôm qua bánh bán không kịp bóc hả bác? Hôm nay đi sớm chắc đắt hàng phải biết!" Thứ đến chị Nhận: "Gớm, vườn trên ao dưới có khác, ngày nào cũng mấy trăm rau. Tôi bẩu rau nhiều thế còn đi bắt cua làm chó gì cho khổ!..." Ai cũng chỉ ừ hữ với bà Huê cho qua chuyện. Thể như lúc nào bà cũng hậm hực với anh em họ hàng rằng nhà mình thiệt thòi, mà thực ra cũng ruộng sâu trâu nái, con cái lớn ngồng, đến tuổi kén chồng hỏi vợ, nhà xây năm gian, lợn đàn gà đẻ. Anh em chòm xóm chỉ bằng mặt với bà mà không bằng lòng. "Hôm nay bà được nhiều không? Chưa đi chợ kia à?" Chị Thân bao giờ cũng là người nhẹ nhàng với bà Huê nhất. "Có quái đâu mà nhiều! Vài cái xiên cua óp. Hái thêm mấy mớ rau nữa cho đủ tiền mua cân phân đạm. Hì...hì....hì...." Chị Thân khinh khỉnh: cái điệu cười của bà ta sao mà nhạt. Rồi quày quả bước đi. Đến giữa con mương dẫn đến chợ Khu Tám, vắt ngang cánh đồng Ngũ Đồi, chị Thân gặp chị Nhận đang ngồi phệt dưới cỏ. "Ơ bác Nhận! (Chị gọi chị Nhận bằng bác thay con) Sao còn ngồi đây?" "Nặng quá mày ạ. Tao bị đau lưng mấy hôm rồi". "Để em đỡ cho". "Khiếp, không có tiếng lợn ét nhà mày thì tao mấy bà bu không còn biết đường nào mà dậy. Hôm qua tao bắt được ba giỏ đầy cua. Cố bòn vụ hè này để đầu năm còn tiền học cho các chị ả. Sáng lại hái được hai trăm rau muống, không gặp mày có mà phải đổ tháo xuống mương". "Thóc nhà bác săn nhiều chưa? Bao giờ gặt nốt sào ba Đệ Tam?" "Lép kèm kẹp chán chả buồn gặt. Sang năm bỏ cái giống ấy đi mày ạ, lắm dầy nâu bỏ bà. Cứ cái kiểu khoán mười như thế này, mình không chủ động, chiêm khê mùa thối có mà ăn cám. Sáng nay bà Xiển ca sớm thế?" "Ôi dào cái mụ! Có mà đến nhắm mắt xuôi tay..."
Hai người đàn bà kĩu kịt bám gót nhau mà đi. Cào cào châu chấu bay rào rào. ở giữa đồng, lom khom vài bóng người đang gặt. "Ông Thân nhà em nhanh thế. Nhìn thế kia chắc đã được nửa sào đấy bác nhỉ?" "Sào có mà sào rơm lại chả nhanh". "Nhà bà Xiển không biết lấy gì mà giả nợ lúa non. Bóc ngắn cắn dài, độ vài vụ mất mùa thế này có mà đi ăn mày bác nhỉ". "Tao mấy bu tao đã bảo mà. Cứ rượu lắm có ngày còn chết. Nhưng mà lại không chịu được. Bà ấy đi chợ ăn nhờn mồm. Tí nữa thể nào tao mấy mày cũng gặp ở hàng bánh cuốn đi ra cho mà xem. Buôn với chả bán. Buôn cu bỏ sọt nó tọt xuống ao. Chả trách được". "Hôm qua em thấy thằng Phong nó vào, tưởng có gì cho hóa ra không, ông thì chẳng nói chẳng rằng, bà khinh khỉnh. Chả trách đứa nào cũng muốn ra ở riêng cho chảnh hoảnh. Đến mấy đứa cháu nó cũng chả thiết vào. Già rồi mà còn chưa chót đời". "Mấy cái thằng ấy cũng mất dạy một lũ mày ạ. Cứ bảo ra thành phố đi xây đi xẻ lắm tiền, rồi cũng dốc vào cháo lòng tiết canh mấy thịt chó hết, lại còn mua đầu "viô" về ông ổng hát "kaôkê". Cứ đánh dậm thâm dái chẳng sao, đi ra thành phố ráo chân ráo tay, không khéo còn mắc thói đĩ bợm. Hôm nọ con vợ nó khóc sưng mắt, hình như là thằng mất dạy tha cái bệnh tim la cù đinh về. Mày xem!" "Nếu thế thì thậm khốn nạn". "Kể nghĩ ông Xiển cũng tội nghiệp mày ạ. Lúc tao thắp đèn hái rau ao đằng sau, ông ấy ra vạch chim rót ngay vào trái bếp, miệng ư ử "ông tới suối ngàn ông lên tiên giới" làm bu tao cứ cười lăn". "Em đã bẩu cái ông Thân nhà em không nghe. Đụng vào làm gì để mụ ấy chửi cho. Đèn nhà ai nấy rạng. Anh em cái họ nhà này chẳng đứa nào tử tế. Mình không đẻ được mụn con trai chúng nó cũng nói ra nói vào. Ông Thân nhà em cứ vài hôm lại hậm hực, mình còn sống sờ sờ mà lại cứ bẩu trưởng tràng nhường cho người khác đi thôi, vớt vát mãi. Nói có bác chứ em cứ nẫu cả ruột". "Mày nghĩ làm gì cho mệt. Đẻ đến 7 đứa rồi, cố nữa có mà chết rục xương à. Nhà tao cũng không có con trai, chết ai đâu. Nhìn ba đứa nhà tao ăn học ruôn ruôn, lũ chúng nó có mà ức đến tận cổ". "Thì có bác như thế bác mới hiểu em. Mình thì gồng gánh nuôi con mà nó lại cứ rủa rồi không ngẩng mặt lên được với anh em họ hàng!" "Những đứa độc mồm độc miệng thì rồi nó vận vào thân. Mình ăn ở trời có mắt. Trưa hôm qua, lúc con Ước cong môi gọi "mẹ ơi", tao bẩu, điệu bộ, cứ gọi "bu" như bác đây này. Nó bảo gọi thế đi học chúng nó cười cho". "Đúng đấy bác ạ, bọn nó bây giờ kinh lắm, cũng đua đòi ra phết. Con Thắm đòi đi thi cấp 3. Nó cứ bì với các chị bên ấy, em bẩu mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Cứ bắt ngày vài giỏ cua, cấy nhanh gặt đảm rồi lấy chồng, đứa nào cũng thế. Nó bẩu, rồi đẻ như mẹ. Sư bố con cái thế kia chứ! Kể cũng khổ thân nhưng mình muốn chả được, bác nhỉ. Hôm nay bác không đi bắt cua thì gặt đủi cho em một công nhé".
***
Con Mơ chỉ đạo các em rũ rơm khắp ngõ, vãi thóc kín sân. Mặt đứa nào đứa nấy đỏ gay, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Đứa chang, đứa cào, chúng nắn nót san phẳng sân thóc bộp xộp những hạt lép và vụn rơm của vụ lúa thất bát. "Te le xình xình xình... Te le xình xình xình... Rứp...rứp...rứp...ứp...ứp...ứ..p... Nín đi, nín đi! Mai cho ăn cỗ cụ Mo cụ Thèm, nín đi, nín đi..." "Cụ Mo cụ Thèm cục giắm ấy! Đã không dỗ hộ lại còn cứ trêu. Trả em ông đây!" Con Ước ngừng chang, dẩu cái môi cong loe như cái loa kèn vặc lại chú Hai nó vừa cù quay con Thêm khóc ngằn ngặt trong cái nong đặt trên bờ hè, giọng xấc xược. Nó là đứa con gái thứ 5, một cái "thằng cu tẹt" có ước mơ thật buồn cười: lớn lên sang Trung Quốc lắp chim! Con Thắm con Hồng con Hoa, ba đứa cách nhau hơn một tuổi, nay vừa độ mười lăm mười sáu, phổng phao, da trắng, môi hường. Người xóm Đông bình phẩm đàn vịt giời nhà Thân có nước da trắng nhất, không hề bắt nắng, môi lại đỏ, phải tội hơi cong. Con Thắm môi cong nhất, thường xuyên nứt nẻ, thuở bé gọi là "con Cong". Con Hồng cũng có biệt hiệu "con Cớn". Con Hoa hay khóc biệt hiệu "Ba Nhè". Một Cong hai Cớn ba Nhè. Ba cô môi mè mót lúa chạy rông... Nhông nhông nhông... cởi truồng nhông nhông... đồng Bông trông thấy... Mỗi khi thấy ba "con vịt" lớn nhà Thân ra đồng, bọn trẻ trong làng lại hát rống lên như vậy. Đồng Bông chẳng biết có trông thấy gì không. Lũ trai choai thì nhìn cặp chân trắng nõn lấp lóa bùn của chúng tủm tỉm cười: ôi cha những 7 cô con gái. Tối tối, chúng lại đến trước cửa nhà chị Thân đua nhau rít thuốc lá Điện Biên, phả khói nồng nặc cả xóm Đông. Nhưng con Thắm con Hồng con Hoa dường như chưa lớn. Chúng tất tưởi nấu cám, dọn cơm, tắm táp và quát đạt lũ em đâu ra đấy trong tiếng rít đanh quánh của mẹ, kiểu rít của người mẹ dạy con đàn.
"A...á...a... chúng con là lũ vịt giời. Bé thời ăn hại lớn thời bay đi...i...i..." Chú Hai nó làm điệu ngâm nga trong họng. Con Ước tức lộn ruột: "Vịt giời cái con bướm ông đây này! Sĩ diện, có mỗi cái thằng cu Đạt". "Tao bẩu mày không sang Trung Quốc lắp chim sớm đi, sắp hết đợt rồi đấy". "Hết đợt thì kệ cụ nó hết đợt, việc gì đến chú nào?" "Chậc... chậc... ấy là tao cứ bẩu thế..." "Sĩ diện, có mỗi cái thằng cu!" "Cái con này láo quá rồi đấy nhá! Tao về sẽ mách với bố mày". "ừ, mách thì cứ đi mà mách. Chú là cái đếch gì. Có mỗi cái thằng cu..."
"Con Ước kìa, đuổi gà đi, nó tãi hết thóc ra rồi! Tao về mách mẹ cho mà xem!" Lệnh của con Mơ bây giờ như lệnh mẹ. Con Ước không dám cãi một lời, chỉ đưa mắt lườm lườm. Ui xì... ui xì... Lũ gà bắn tung tóe mỗi con một nơi. Nó quay vào, thấy con Thêm đang bám một tay vào thành nong, tay còn lại chới với cái dây thun lòng thòng từ cái dui nhà xuống, chân ở tư thế nửa quỳ nửa đứng. Con Ước hốt hoảng: "Con út, trông em sắp ngã rồi kia kìa! Cụ nhà chúng mày, ông về mách mẹ cho mà xem". Nhưng chính nó đã lại chạy vội tới đỡ em. Trong nhà, con út, con Mơ đang ao gạo sống vào cái bát bàn nhau rang trộm. "Cái gì đấy?" - con Ước hỏi. "Gạo rang, mày có ăn không?" "Đâu?" "Bây giờ mới ấy..." Con Ước quên cả tức giận, giục: "Chúng mày nhanh lên, bố sắp về bây giờ!"
***
Đi gần đến chợ, chị Thân và chị Nhận vẫn tiếng to tiếng nhỏ: "ừ. Bà Na lại mất gà hở mày? Mẹ! Rõ tội. Chẳng phải cáo mèo gì đâu mày ạ, nhưng nói chỉ để bụng thôi mày nhá. Cái thằng cu Phong nhà mụ Xiển chứ ai. Bố rượu con rượu, rau nào sâu nấy, thật nhà dột từ nóc dột xuống. Đêm qua, lúc nó bóp cổ con gà, chó nhà tao sủa ầm lên, tao tỉnh giấc, thế là mãi gần sáng mấy ngủ lại được. Không có lũ lợn nhà mày thì có mà ngủ chết trương". "Chứ thế bác tưởng em không biết ấy à? Ông bà Na ông bà ấy hiền chứ. Nó có giỏi thì cứ đụng vào nhà em". "Thật, có bà Na chứ, cả như tao mấy mày, bố bẩu chúng nó dám..."
Lúc này, ở chợ, sùm sụp cái nón trên đầu, bà Xiển suỵt soạt cúi gằm vào đĩa bánh cuốn. Cái mồm rộng nghuếch bóng nhờn những mỡ là mỡ. Còn ở nhà, ông Xiển chẳng biết đã xách chai đi tự bao giờ. Đàn gà mẹ con trên một chục ùa vào trong nhà ông Xiển bới lộn một góc tường đất vách. Mùi ẩm nồng xông lên, muỗi bay, cóc nhảy. Cái nhà vách bỗng lạnh như nhà hoang.
Chị Nhận bỗng bảo: "Bà Huê nhanh thế, đã đến rồi kìa". "Gặp bà ấy như chợ giời mưa. Nhanh lên bác". Hai người đàn bà đã đến chợ.
Mặt trời mới lả ngọn tre, xe lúa lồng khồng cũng nhẹ nhàng lăn bánh về đến ngõ. Tiếng con Thắm lại dóng dả: "Mơ đâu Ước đâu út đâu..." Không một tiếng đáp, chỉ con Thêm khóc ré bên nồi gạo rang bốc khói thơm lừng. Con Thắm chạy vội vào bếp, bế xốc con Thêm bị bỏng một vệt ở tay, miệng la lớn: "Giời ơi là giời, bố ơi! Lũ giời đánh chúng mày chết rấp đâu để em ông bị bỏng nặng thế này hả giời!" Anh Thân sấp ngửa kịp vớ chai nước mắm dội thẳng vào tay con bé thì đã nghe con út thất thanh, át hết cả tiếng khóc xé trời của con Thêm: "Chú Hai ơi bố ơi, chạy mau nhanh lên, ông Xiển... ông Xiển ngã... chìm nghỉm dưới ao rồi kia kìa!"
Xóm Đông bỗng chốc tá hỏa những tiếng la.
Nhưng rồi đâu lại vào đấy. Đèn nhà ai nấy rạng. Ông Xiển được đưa về sân nhà, người xóm xúm đến, cạy răng cho uống nước đái con thằng Phong, đã tỉnh. Bờ ao, bờ giậu xóm Đông lại lập lòe đom đóm và đâu đó rộ tiếng hát, tiếng tum chát ỉ eo của đội chèo đang tập ở sân đình...
2004