Truyện vừa
Xin chớ động vào cây mùa lá rụng !
Ônga Becgôn
Dường như ngoài kia, lá đang rơi thật khẽ thôi, như một tiếng thở dài.
Tiếng thở dài thao thiết, não nuột và nức nở của mùa thu, bao giờ cũng thế, cứ hắt ra như một niềm trăn trối. Những cây xạ hương trong sân bệnh viện đang vặn mình như người đàn bà đến kỳ sinh nở, dù cố kìm nén cơn đau vật vã nhưng những tiếng rên rỉ vẫn chốc chốc lại buột thoát ra ngoài, nghe não nùng và thê thiết. Luật của đất trời là vậy. Bao năm tháng trôi qua vẫn vậy, ngày xưa cũng vậy và ngày mai cũng vậy.
Tôi vừa đi một chuyến công tác ở Mẫu Sơn về đến nhà thì nghe bạn bè nói “lão già” bị ốm, phải vào Bệnh viện. “Lão già” phải chịu vào Viện là chuyện không bình thường, là nguy to rồi. Xưa nay, lão vốn sợ Bệnh viện như sợ cọp, đến nỗi, nếu phải đi ngang cổng, lão cũng bước nhanh chân hơn.
Ngay buổi chiều, tôi sắp xếp công việc rồi vào Viện thăm lão. Phòng bệnh nhân đông đặc những người, nhưng không tìm thấy lão đâu. Hỏi thăm, chẳng ai biết lão biến đi từ lúc nào.
Tôi xách túi quà và bó hoa đi lang thang trong khuôn viên Bệnh viện, ngó tìm trên những ghế đá đặt dưới những gốc cây. Quả nhiên, kia rồi, tấm lưng ấy, mái tóc ấy, nhất là cái mũ nồi nâu muôn thuở ấy…đang cúi gập trên trang báo. Tôi bước lại gần, đứng sau lưng lão hồi lâu, rồi hắng giọng:
“Lão già! Bắt quả tang nhà ngươi trốn phòng bệnh!”
Lão quay lại, thoáng cau có, rồi khi nhận ra tôi, lão cười rạng rỡ:
“A! Tên mọi rợ! Về rồi à? Hay quá, đang có việc nhờ đến cậu đây!
Toi ngồi ghé xuống bên “lão già” và định bóc quýt cho lão ăn, nhưng lão phẩy tay, đứng dậy:
“Vào trong kia! Căng tin Bệnh viện phong phú lắm, thiên thần luôn!”
Vừa chọn được chỗ ngồi, lão già gọi:
“Ê, cháu gái, cho bác bia hơi!”
Tôi kinh ngạc: “Sao lại bia? Lão bị tim kia mà?”
Lão phảy tay: “Tim thì lúc nào chẳng bị! Tốt nhất là nhét một hòn sỏi vào đó. “Mèo con khuyên tôi vậy đấy!”
“Mèo con” nào, sao lại có Mèo con ở đây?”
Lão cười, vẻ bí hiểm.Nháy một bên mắt, vẻ đắc chí, lão nói thêm:
“Có “Mèo con” thật đấy.Cậu không biết đâu.Lão già lại bị trúng đạn rồi!”
Bia được đem ra, lão già gọi món nem Phùng, một đĩa lạc rang và nâng cốc:
“Nào, chúc cho cậu ngày càng thành đạt trong chốn quan trường, ăn cắp được nhiều mà không bị bắt. Chơi thật nhiều mà không phải giải đen như thằng cha nào đó ở Uỷ ban Thể dục thể thao, hay thằng khốn kiếp nào đó ở PMU 18…Tên mọi rợ, uống đi!”
Quá quen với cách ăn nói cay độc của lão, tôi không có gì phải bận tâm, nâng ly cụng ly với lão.Lão chỉ nhấp môi, còn tôi đi cạn nửa cốc. Tôi
hài lòng vì lão còn biết giữ.Biết giữ nghĩa là còn ham sống, vậy là tốt.
Lão già gọi cho tôi cốc thứ hai, rồi cốc thứ tư, cốc bia của lão chỉ mới vơi chưa đến một nửa, và tôi biết nó vĩnh viễn không vơi nữa.Vậy là tốt. Trước đây ít lâu, lão có thể cụng ly năm lần liền rồi mới chịu uống lai rai. Người ta, đến một lúc nào đó, cũng nên biết dừng lại. Điểm dừng của lão già có lẽ bắt đầu từ hôm nay?Nghĩ thế, tôi chợt thấy thương lão, cố nén một tiếng thở dài.
Tôi ngắm lão.Trán cao, mũi thẳng, gương mặt cân đối, cằm vuông, tai to mà dái tai mỏng, tướng mạo của kẻ không bao giờ có quyền và có tiền. Cả khuôn mặt lão toát lên một vẻ bất cần của hạng người lãng tử, một vẻ bất cần đầy tự tin và nghiêm trang.Gần lục tuần rồi mà tóc lão còn đen nhánh, cắt gọn, rẽ ngôi, quanh năm sùm sụp một cái mũ nồi màu nâu, mũ “bát”Pari chính hiệu, lão khoe bạn lão đi nước ngoài về tặng.Lão đội mũ nồi kinh niên, nghĩa là quanh năm, kể cả mùa hè.Thói quen ấy, lão bảo học được của người Mèo vùng Tây Bắc, từ những năm nảo năm nào, lão còn công tác trên miền ngược.
Lão không nhìn tôi, mà nhìn qua đầu tôi, qua khung cửa sổ, nơi có những cây xạ hương cổ thụ đang đổ lá rào rào. Những lá cây nhỏ và mỏng, vàng óng liệng xuống, liệng xuống từng đợt mong manh. Mắt lão nheo nheo, một cặp mắt có đuôi, trông rất đĩ. Chợt lão quay lại, cầm cốc bia còn dở đẩy ra xa và gọi hai cốc mới. Đợi cô hầu bàn đi khỏi, lão nâng ly, cụng:
“ Tên mọi rợ, cậu có thấy lá xạ hương rơi không?Tự nhiên, mình nhớ tới truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” của Ô. Henri.Mình cũng đang viết một cái truyện ngắn.Lâu lắm mình mới lại nổi hứng viết truyện ngắn. Là bởi vì, chuyện này, thơ không sao tải được! Này, mình hỏi thực, trong văn chương, truyện ngắn có vị trí nào không?”
Tôi khẽ lắc đầu: “Tôi đâu biết, và cũng không cần biết.Đấy là việc của lão già và những ông bạn gàn dở của lão già. Tôi là quan toà, tôi chỉ biết xử kiện, tội to, ăn cắp nhiều, tôi cho vào tù mút chỉ, người bị oan ức, tôi bênh vực và tha bổng, vậy thôi!”
“Nhưng thỉnh thoảng cũng tiếp tay cho tội ác, đúng không?”
“Tuỳ lão già, hiểu thế nào cũng được. Chẳng hạn, nếu lão già phạm tội, tôi sẽ tống lão vào tù rồi đi đưa cơm!”
“Nói phét! Cậu mà dám cho tớ vào tù? Phiên Toà xử tớ, cậu sẽ đi công tác, sẽ đi nước ngoài, hiểu chưa? Khi về, gặp tớ trong tù, cậu sẽ rưng rưng: “Tiếc quá lão già, em đi vắng! Khổ thân lão già, sao lại thế này?”Nói thực, tôi không tin vào những quan toà. Một lũ nhố nhăng, hỏng rồi!
“Cái gì hỏng”?
“Tim. Trái tim hỏng! “Mèo con” bảo, anh chỉ sống được nếu trong tim anh là một hòn sỏi. Đúng quá, thông minh quá! Tim tôi hỏng đâu phải vì bia rượu, nó hỏng vì những thằng Quan toà như cậu đấy! Các cậu là một lũ tham lam, có hòn sỏi nào, các cậu nhét hết vào ngực mình rồi!”
Tôi ngồi im, mỉm cười ngắm lão.Cái mũ nồi lệch nghiêng, gương mặt lão nhìn ngang thật đẹp, giống như một nhà hiền triết.Tôi gặp lão, được chơi với lão hơn hai chục năm nay, tôi biết trong cái đầu uyên bác kia đang thổn thức những gì. Con người đang ngồi trước mặt tôi đây là một người rất đỗi bình thường, nhưng cũng rất dị biệt. Con người ấy, với riêng tôi, là một cuốn sách giáo khoa, không, phải là một cuốn Tự điển.Được chơi và thân thiết với lão, tôi vừa như học trò, vừa như đàn em,vừa như người bạn. Cũng có lúc, tôi phải ra tay, ngăn cấm lão không quá sa đà, lêu lổng, coi trời bằng vung.Nhưng không thiếu lão được. Vắng lão già gàn dở này, cuộc sống viên chức của tôi sẽ buồn tẻ lắm!
“Uống nữa đi!”
“Thôi đủ rồi, em còn phải về.”
“ Ừ, về đi kẻo vợ con nó mong….Có cái này…”
Lão già lấy trong túi xách, cái túi bạt màu ghi bẩn kinh hồn, vật bất ly thân của lão, lục tìm và lôi ra những trang giấy, cầm trang trọng trên tay, và nhìn sâu vào mắt tôi:
“Lâu quá rồi, mình không viết truyện ngắn. Mấy hôm vừa rồi, nằm Bệnh viện, mình viết cái này. Mong cậu về, cho cậu đọc.Chỉ mình cậu đọc thôi. Tên truyện, mình tạm đặt là Tự cháy, nghe cũng hơi cải lương, nhưng không sao, cậu có thể đặt một tên khác, tuỳ. Cái tên truyện có quan hệ gì?
Đến tên của chúng ta cũng có quan trọng gì! Bố mẹ đặt sao, con chịu vậy. Này, trong văn chương ấy mà, truyện ngắn có vị trí lắm đấy. Ban đầu, nó là nơi thử tài những ai muốn làm văn chương. Sau đó, nó thách thức những người suốt đời theo đuổi văn chương. Nói thế này cho cậu dễ hiểu: So các thể loại văn chương với các nhạc cụ của âm nhạc chẳng hạn, tôi gọi Tiểu thuyết là cây đàn Pianô, Thơ là cây vĩ cầm, còn lại tất cả các nhạc cụ khác đều là truyện ngắn.Tôi, bản thân tôi, từ tuổi hai mươi, cũng bắt đầu nghiệp văn bằng truyện ngắn. Sau này, tôi mới chuyển sang chơi vĩ cầm.Còn Pianô ư, hãy để đấy, còn sống được, tôi cũng sẽ thử chơi.Tôi sẽ chơi Pianô một lần, cho riêng tôi và tôi sẽ tặng bản Pianô ấy cho Mẹ tôi, người mà tôi yêu thương nhất. Bản Pianô-Tiểu thuyết ấy, tôi đã có trong đầu, chỉ cần có thời gian để viết ra nữa thôi. Tôi yêu Mẹ tôi nhất trần đời, nhất trần gian, nhất trần thứ tư, nhất trần thứ bảy…, như thằng cháu nội tôi thường nói với tôi!”
Lão già nói say sưa, như lão từng say sưa như thế. Lúc này, trong mắt tôi, lão như là một đứa bé con, hồn nhiên và minh triết. Sau một hồi lâu vân vê, lão già cũng trao tập bản thảo viết tay cho tôi.Chữ lão đẹp lắm, rất đẹp. Lối chữ của người được học hành cẩn thận, không viết thoắng, không mất nét, kiểu chữ chỉ dùng để viết Bằng khen và Huân chương mà ta thường vẫn gặp.Lão già nhìn tôi, vẻ rầu rĩ:
“Chẳng ra làm sao!Chẳng ra làm sao!Ôi cuộc đời tôi!”
Tôi bật cười:“Lão già học Cải lương từ bao giờ thế?”
“Sao phải học?Trong máu tôi là máu Cải lương. Tiên tổ của tôi, dòng họ nhà tôi có máu Cải lương! Họ Cải lương đến nỗi, suốt hai thế kỷ rưỡi phục vụ một dòng họ khác, mà họ chỉ dám giữ Chùa để được ăn oản. Hèn, quá hèn!Tôi cũng vậy, tôi thấy mình rất hèn!”
Tôi nhìn lão, chỉ muốn bật cười! Nhưng tôi đã không cười, vì sợ lão giận.Tôi nói:“Bây giờ muộn rồi, em phải về.Lão già về phòng, đi nghỉ.Nhớ là không nghĩ ngợi, viết lách gì nữa, đi ngủ.Chiều mai, thu xếp được, em sẽ vào!”
“Đọc đi, đọc xong rồi hãy vào. Hãy xem tôi đang tự cháy thế nào, không hiểu rồi đây chuyện sẽ ra làm sao mà lúc này tôi hoang mang quá! Rồi tôi cũng phải nhét một hòn sỏi vào ngực thôi, cậu ạ. Mèo con bảo thế mà!”
*
Cơm nước xong, tiếp một vài người khách bất đắc dĩ xong, tôi lên phòng của mình và bắt đầu đọc những trang viết của lão. Chữ lão vẫn đẹp, vẫn đằng tả, nhưng có đôi chỗ đã run run, chứng tỏ tuổi già đã ập vào bên cửa.Thời buổi này, tất cả những người viết văn đã dùng vi tính, đã nối mạng để giao lưu với cả thế giới rộng lớn, chỉ riêng lão già là vẫn viết bằng bút mực, nắn nót từng chữ một, như người nông dân còn dùng cuốc hay cày chìa vôi…Ý nghĩ ấy làm tôi không khỏi mỉm cười…Và tôi đọc :
“…Khi tôi bước vào căn phòng rộng, chật ních người của cuộc Hội thảo thì đã hơi muộn.Có một anh chàng bảnh trai đang phát biểu oang oang trên diễn đàn. Đưa mắt nhìn liếc qua Hội trường, tôi nhận ra còn một chỗ trống ở hàng ghế thứ tư.Tôi lướt qua diễn giả, tiến về phía ấy. Ngồi ở đầu bàn là một cô bé, trông trong veo, chắc là một sinh viên năm thứ nhất. Tôi hỏi khẽ:
“ Tôi ngồi chỗ này được không ?”
Cô bé quay nhìn, lễ phép:
“ Xin mời bác cứ tự nhiên!”
Bỗng như có một luồng điện chạy khắp người khi mắt tôi chạm vào ánh mắt cô bé.Chao ôi, có thể có một ánh mắt như thế, một cái nhìn như thế ư? Trong suốt, mộng mơ, tự tin và ngơ ngác biết bao!
Tôi ngồi xuống bên cô bé, tỏ vẻ chăm chú nghe anh chàng diễn giả bảnh choẹ đang ba hoa về một tập thơ vừa xuất bản của một tay Thứ trưởng ham vui! Thỉnh thoảng, tôi lại liếc mắt sang phía cô gái. Tự nhiên tôi buột miệng hỏi:
“Cháu học năm thứ mấy?”
“Thưa…năm…thứ nhất ạ!”- Cô bé đáp vẻ ấp úng, rồi cũng hỏi laị-
“Còn bác, xin hỏi bác là nhà thơ từ Hà Nội về phải không?”
Tôi xưng tên. Cô bé nghe tên tôi không tỏ phản ứng gì rõ rệt, dường như nghe một cái tên lạ hoắc nào đó trên đời. Tuy nhiên, sau đó, như để cho lịch sự, hay là để an ủi tôi, cô gái nói thêm: “Cháu có đọc bác rồi, nay mới được gặp…Hình như ngoài thơ ra, bác có viết phê bình nữa thì phải?”
“Cô có đọc những bài phê bình của tôi sao? Có được không?”
Cô gái chỉ cười, không trả lời thẳng vào câu hỏi, mà hỏi tiếp:
“ Bác có hay về thăm quê không?”
“ Tôi về luôn, nhưng rất ít khi vào Thành phố. Thực ra, cũng không có công việc gì, ngay bạn bè văn nghệ ở Tỉnh, tôi cũng chỉ có vài người, lại gặp nhau ở ngoài kia là chủ yếu. Lần này về là do bạn bè nhiệt tình quá, từ chối không tiện, nên đành phải đi…”
Một sinh viên trẻ từ phía sau đi tới, trao cho cô gái ngồi bên tôi một tập tài liệu Hội thảo, và nói: “Thưa cô, thầy Chủ nhiệm Khoa gửi cho cô ạ!”
Cô gái gật đầu, đáp nhỏ: “Cô cảm ơn em!” rồi đặt tập tài liệu một cách lơ đãng trước mặt. Tôi nhìn liếc qua trang bìa và thấy dòng chữ: “Kính gửi Tiến sỹ Hoàng Anh Tú, Khoa Ngữ văn.”Quay nhìn cô gái, tôi nói:
“Cô nói dối tôi đấy nhé! Cô là giảng viên mà lại nhận là sinh viên năm thứ nhất”
“ Em đâu có nói dối ông, là vì khi hỏi, ông đã khẳng định em là sinh viên rồi! Em không nghĩ là mình còn trẻ như vậy!”
Tự nhiên, tôi cũng vô tình đổi cách xưng hô, gọi cô là em:
“ Anh Tú ra trường được mấy năm rồi, em làm Tiến sỹ ở đâu?”
“ Ra trường, em ở lại làm Thạc sỹ luôn, sau đó về đây công tác năm năm rồi mới đi làm Tiến sỹ. Em vừa bảo vệ xong hè vừa qua!”
“ Đề tài Luận án của Anh Tú là gì?”
“ Em làm về văn xuôi Việt Nam hồi đầu Thế kỷ XX, thực ra không hợp với sở trường của em, nhưng các thầy hướng dẫn cứ khuyến khích vì đề tài này còn là một mảnh đất hoang…”
“ Thế là em vác cuốc đi vỡ hoang cùng cụ Hoàng Ngọc Phách?”
Cô gái mỉm cười, nhìn tôi bằng một cái nhìn thân thiện, có vẻ trìu mến nữa là khác. Rồi cô nói thêm:“ Không chỉ có mình cụ Hoàng Ngọc Phách đâu ông ạ. Nhận đề tài rồi, em mới hiểu mình như chim chích lạc rừng…Hoá ra, văn xuôi đầu Thế kỷ phong phú và nhiều màu sắc hơn người ta tưởng!”
Giữa lúc đó có thông báo giải lao giữa giờ, tôi nói với cô gái:
“ Em có thể dẫn tôi đi tham quan trường em được không ?”
“ Nếu ông muốn, em sẽ đi cùng ông!”
Chúng tôi đi dạo trong sân trường và trò chuyện. Phải nhận rằng, cô bé thông minh lạ lùng. Đôi mắt “một mí rưỡi”ánh lên cái nhìn vừa đằm thắm vừa sắc sảo. Nhất là giọng nói, cứ thánh thót như chim, lại rất chuẩn giọng Hà Nội, không hề pha một âm sắc địa phương nào, mặc dù cô nói rằng, cô được sinh ra từ chính mảnh đất gọi đôi đũa là đôi đủa.Trời giữa đông se lạnh, nhưng có lẽ vì cái lạnh ấy mà má cô hồng lựng, cái mũi nhỏ hơi hếch cũng như hồng hơn lên, trông vừa duyên dáng, vừa ngộ nghĩnh. Cả gương mặt cô sáng bừng một ánh sáng thuần khiết và trong trẻo, có thể làm sáng lên cả những vòm cây đang rụng lá, làm sáng cả con đường nhỏ chúng tôi đang đi…Chợt cô hỏi:
“Về Hà Nội rồi, ông có còn nhớ ngôi trường quê này không?”
Tôi đáp, không cần suy nghĩ:
“Em quên rằng đây cũng là quê hương tôi à?Tôi là một người nhà quê chính hiệu.Tôi sinh ra, lớn lên ở nhà quê, rất thông thạo những công việc nhà quê, từ cắt cói, dệt chiếu đến đơm đó, úp nơm, thả lờ…Thơ văn tôi viết, toàn những chuyện nhà quê hay liên quan đến nhà quê.Tôi yêu Nguyễn Bính, Nguyễn Duy và cả Xécgây Êxênhin…vì điều đó.Trong thơ tôi cũng toàn rơm rạ thôi. À, tôi có đem theo tập thơ mới nhất vừa xuất bản, nếu em không chê, tôi xin tặng em.”
“ Được ông tặng thơ là một niềm vui, em xin cám ơn ông.”
Tôi lấy tập thơ trong cặp ra, viết lời đề tặng rồi trao cho cô gái. Cô đón lấy tập sách từ tay tôi, ngắm nghía cái bìa vẻ chăm chú, nét mặt rạng lên niềm vui, nhưng im lặng, không nhận xét gì. Tôi hỏi:
“Em cho tôi xin số điện thoại được không, để tiện trao đổi…”
“Em không dùng máy cầm tay,chỉ có số nhà riêng thôi!”
“Không sao,tôi sẽ gọi máy bàn cho em!”- Tôi chìa tay,bắt tay cô gái-
“Thế là từ hôm nay, tôi có thêm một người bạn mới,phải không?”
“Vâng, em cũng rất vui vì được quen biết ông.Mong rằng ông không chóng quên …ngôi trường nhỏ bé này!” Cô gái để tay trong tay tôi hồi lâu rồi mới nhẹ nhàng rút ra, mắt nhìn thẳng vào mắt tôi một cách tự tin. Trong đôi mắt “một mí rưỡi” kia, ánh lên một cái nhìn trìu mến khiến tôi không khỏi nao lòng. Tôi đâu ngờ, ánh mắt ấy đã theo tôi về Hà Nội, bao bọc tôi, ám ảnh tôi suốt đêm ngày, không sao dứt ra được.Cảm giác này không phải lần đầu tôi bắt gặp. Trong cuộc đời lang bạt kỳ hồ của tôi, đã hơn một lần tôi bị ám thị như thế, nhưng có lẽ chưa có lần nào nỗi ám ảnh lại có cường độ mạnh đến như vậy. Tôi như nhìn thấy ánh mắt trìu mến và thắm thiết ấy ở khắp nơi, cả trên những vòm cây, cả trong những trang sách chiều chiều tôi ngồi trong thư viện.Tôi hối hả photocoppi tất cả những tập thơ của mình đã xuất bản, rồi gửi vào theo địa chỉ mà nàng đã cho tôi, kèm theo một bài thơ mới viết sau lần gặp gỡ định mệnh ấy. Bài thơ có tên là Tự cháy, tôi viết tự đáy lòng, với nhiệt tình nồng thắm như thuở đầu đời:
Bí mật này không dễ nói ra đâu
Cả với em, anh cũng không thổ lộ
Giông gió vai gầy đường xa duyên nợ
Xin một lần từ tạ với muôn sau!
Nếu mệnh trời không xui khiến bên nhau
Mắt em nhìn còn dịu hiền biết mấy
Em chậm muộn phút giây thôi buổi ấy
Thu sẽ không mưa gió đầm đìa…
Bí mật này anh vĩnh viễn chôn đi
Cả với đất anh thề không tiết lộ
Chỉ thương nhớ lồng lên như ngựa dữ
Ấm êm nào từ buổi ấy tan hoang?
Thôi cầu mong em sớm được bình yên
Gió lạnh đấy kéo chăn vùi kín ngực
Dẫu mộng mị người ơi thôi thổn thức
Anh một mình tự cháy với riêng anh !
Gửi bài thơ và những tập sách đi rồi, tôi nóng lòng đợi hồi âm.Chưa đầy một tuần sau, tôi nhận được cú điện thoại đầu tiên của nàng.Tôi nhận ra giọng nói của nàng ngay từ câu hỏi dịu dàng và tiếng cười khúc khích:
“Thưa ông, ông có nhận ra ai đang gọi cho ông không?”
Tôi gần như reo lên: “Tôi nhận ra rồi,chào em! Em đã nhận được những gì tôi gửi chưa?” “Em nhận được rồi và cũng kịp đọc xong tất cả rồi.
Em có thể nhân xét về thơ ông được không?” “ Được chứ, em cứ nói, tôi sẵn sàng nghe đây!” “Thơ ông buồn lắm, thực ra, ông có luôn buồn như thơ ông không?” “Nếu hiểu thơ là người thì em hãy tin là tôi thành thực!” “Nhưng khi gặp ông, em có thấy ông buồn như thế đâu, ngược lại là đằng khác,em cứ ngỡ ông là người vô tâm. Thi sỹ xưa nay đều là những người vô tâm.” “Em nghĩ thế thật à ? Thế Tự cháy có vô tâm không?” “ Bài thơ ấy ông viết cho ai vậy? Hay lắm, nhưng mà buồn quá! Người nào nhận được bài thơ ấy chắc đều mất ngủ. Mong rằng, ông không viết cho em!”…Tới đây, điện thoaị tắt cái rụp. Tôi bấm lại số hai lần gọi lại, nhưng đầu bên kia chỉ nghe những tiếng tút ngắn. Nản quá, tôi đành buông máy.
Sáng nay thức dậy, như thói quen, tôi ngồi đọc lại những trang vừa viết đêm qua. Không được! Không được một chút nào. Phải bỏ tất cả đi, viết lại từ đầu thôi.Tôi đã kể lể như một lão già lẩm cẩm. Không ra được tính cách của nàng, càng không ra được chân dung nhan sắc của nàng. Chỉ riêng bài thơ là tôi giữ lại, dù thâm tâm, tôi cũng thấy nó có phần cải lương.Lại cải lương. Tôi không thể rũ bỏ chất cải lương đã thấm sâu vào trong máu tôi như một di truyền của dòng họ. Ngay từ khi còn trẻ, tôi đã sớm nhận ra điều ấy, và tự thề rằng, tôi sẽ đem tất cả cuộc đời mình chống lại sự cải lương.Đả đảo cải lương! Tôi đã từng hô lên thế khi tôi mới mười tám tuổi, khi người ta định kết nạp tôi vào Đoàn cùng với một lũ bạn bè nhút nhát, sợ con bé Bí thư Đoàn của lớp như sợ cọp.Và tôi đã không được kết nạp lần ấy. Và cuộc đời tôi cũng bắt đầu khốn khó từ lần ấy…
Lại lạc đề rồi! Phải bắt đầu từ đâu bây giờ? Truyện ngắn này, tôi viết cho một Tiến sỹ văn học đọc, chứ không phải viết để in báo, để lấy nhuận bút như công việc khổ sai mà tôi mang như cái ách trên đời tôi.Viết, viết và viết…Tôi đã viết như kéo cày, viết bất cứ thứ gì người ta cần, người ta đặt, miễn là kiếm được tiền nhuận bút để nuôi các con tôi ăn học. Chúng đã lớn lên nhờ những trang viết của tôi, và trở thành người, nhưng chính chúng cũng chẳng thèm biết là tôi viết những gì! Đơn giản, chúng chỉ biết, cả đời tôi, tôi chỉ biết cày trên trang giấy.Trang giấy là cánh đồng, là thửa ruộng của tôi, ngòi bút là cái cày của tôi, tôi vừa làm trâu, vừa là kẻ đi cày. Nhưng không cày trên trang giấy trắng rợn người kia thì lấy gì mà sống, lấy gì mà nuôi con? Cả cuộc đời tôi, tôi là một kẻ đi cày! Tôi cày trên những thửa ruộng mà người ta thừa ra hay bỏ đi, những cánh đồng chó ngáp. Với dòng máu cải lương chảy âm thầm trong người, tôi đã xưng tụng biết bao điều gàn dở, thậm chí xưng tụng những điều quái đản, đến Thần Phật cũng ngoảnh mặt bỏ đi, nhổ lại một bãi nước bọt…
Lại lạc đề nữa rồi! Tôi đang viết một truyện ngắn gửi tặng nàng kia mà? Phải bắt đầu từ đâu bây giờ?