Cách nay hai năm, lần đầu tiên tôi được nghe Trường ca Công đức vua Hùng vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2005, VTV truyền hình trực tiếp tại Đền Hùng. Chất lượng âm thanh không tốt, nhưng nghe Trọng Tấn cùng các đồng nghiệp của anh trình bày, tôi cứ rợn da gà! Từ những năm Sáu mươi của thế kỷ trước, tôi rất thích khi nghe trên đài Tiếng nói Việt Nam những trường ca: Sông Lô, Du kích sông Thao và Người Hà Nội. Thế rồi bẵng đi một thời gian dài, nay mới lại được nghe thể loại trường ca. Chỉ tiếc chưa biết tác giả là ai! Năm ngoái, chương trình Thăng Long Hà Nội trái tim hồng - kỷ niệm 51 năm giải phóng Thủ đô - cũng được VTV tường thuật trực tiếp, tôi lại được xem Trọng Tấn biểu diễn cùng giàn nhạc giao hưởng trước quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội bản trường ca Công đức vua Hùng. Lần này, Trọng Tấn hát thành công hơn lần trước và đặc biệt, giọng bariton của Nghệ sỹ Lê Tiến Thọ độc thoại Lời thề trước cột đá thiêng Thục An Dương Vương đẹp quá, xúc động quá. Hàng ngàn người trên quảng trường lặng cả đi khi nghe Công đức vua Hùng!
Ngay từ đầu bản trường ca, âm nhạc du dương, tha thiết nhưng rất hào hùng, gợi lại quá khứ quật cường của Tổ Tiên. Lời ca được Trọng Tấn thể hiện say sưa như lên đồng: Bồi hồi con tim lắng trong cõi âm (à) dương. Nhạc chiều vi vu ngỡ mẹ Âu Cơ (à) ru. Khiến đàn voi yên giấc vô vi. Giếng Ngọc soi bóng dáng bao Mỵ Nương. Rạo rực tâm linh. Vẫn nhuận nguyên các đấng vua Hùng… Giữa thời buổi thị trường âm nhạc tràn ngập nhạc não tình, giai điệu cóp nhặt, với những lời ca quá ngô nghê, tối nghĩa, nay được thưởng thức bản trường ca đề tài lịch sử của Công Minh, tôi thầm cảm ơn nhạc sỹ. Nghe trường ca Công đức vua Hùng có thể cảm nhận được hồn thiêng sông núi, lời dặn dò, tâm huyết nghĩa tình của Quốc Tổ truyền cho cháu con. Công Minh đã nói hộ tâm trạng, tấm lòng của nhiều người dân nước việt: Hỡi nhân gian nhân tình thế thái ơi… Bao trăn trở cội nguồn luôn hướng vế Tổ Tiên. Mây chiều với gió ngàn phương theo về trên đỉnh núi Hy Cương, ru vua Hùng đẹp giấc thiên thu! Dạ ngọc Tâm vàng, Hồn thiêng vẫn sống… Cả hai chương trình truyền hình trực tiếp mà tôi coi, ống kính truyền hình không hề giới thiệu với người xem tác giả Công Minh là ai. Mãi sau này tôi mới được biết: tác giả không được mời tham dự!
Tôi tìm trong cuốn Kỷ yếu của Hội Nhạc sỹ Việt Nam không thấy Công Minh. Tình cờ, tháng tư vừa qua, một người bạn văn chương mời tôi uống rượu, đã bốc nhạc sỹ Công Minh đến ngay bàn tiệc! Thế rồi anh Công Minh mời tôi đến nhà. Nhà anh nằm cuối con hẻm chuyên bán thịt cầy ở gần Sở Thú (thành phố Hồ Chí Minh). Trời hôm ấy mưa tầm tã. Chúng tôi đóng cửa lại nghe Công Minh hát trọn bản trường ca. Giọng hát trầm, ấm của Công Minh làm tôi xao động: Phải biết thử thách nhiều mới dâng tin yêu. Mỵ Châu ơi Mỵ Châu! Từ thuở Nỏ thần thì Việt Nam ta mãi là mạch đất thiêng. Phải biết: Tay miệt mài bút thánh, Văn Thơ Nhạc Họa khai sáng hồn dân. Con Rồng cháu Tiên trí tuệ Lạc Hồng Khai vũ trụ…
Giáo sư Trần Văn Khê xem xong hai lần đĩa ghi hình bản trường ca Công đức vua Hùng đã ôm mặt khóc, khá lâu sau ông mới nói: “Tôi xúc động quá! Âm nhạc không mới mà cũng không cũ. Vừa tiếp thu các làn điệu dân ca chèo cổ, vừa biết dùng những giai điệu hiện đại. Lời ca thì rất hay, tỏ ra tinh thông văn, sử, biết truyền được niềm tự hào dân tộc cho thế hệ sau. Nghe âm nhạc mà đậm đà chất sử, như là được học sử, rất đáng khuyến khích”.
Tôi hỏi về quá trình sáng tác Công đức vua Hùng, nhạc sỹ Công Minh trả lời:
- Khó nhất với tôi là rất ít sách viết về thời đại các thế hệ Vua Hùng. Tôi bắt tay tìm đọc văn học, sử học viết về thời đại này từ năm 1988. Đây là gai đoạn quan trọng nhất cho sáng tác của tôi. Nếu không am hiểu lịch sử, văn học, nhất là kho tàng truyện cổ, truyện dân gian, những làn điệu dân ca, những thành ngữ, tục ngữ… thì tôi không thể sáng tác Công đức vua Hùng. Năm 2000 thì tôi cơ bảnviết xong Công đức vua Hùng. Tôi viết rồi cứ để đó, lâu lâu lấy ra hát, hát nhiều lần cho vợ con nghe, góp ý. Rồi sửa chữa… Đến ngày 05-3-2003 thì tôi quyết định coi là hoàn thành bản trường ca.
- Sau Công đức vua Hùng, anh có tiếp tục sáng tác về đề tài lịch sử?
- Có. Tôi đã quyết định từ nay đến cuối đời, tôi chỉ viết nhạc về lịch sử.
-
Nhạc sỹ Công Minh - tên thật là Nguyễn Công Minh - tặng tôi bài hát anh viết xong từ tháng 12-2006 mang tên: Hoa Trưng Nữ Vương đẹp mãi, rồi anh vừa đàn vừa hát cho tôi nghe: Rượu tràn ly í a Mừng sáu mươi lăm thành ta chiếm lại. Tô Định kinh hoàng chạy trốn về Nam Hải. Ôi! Hai Bà Trưng như có phép nhiệm màu. Làm dịu nỗi đau cõi trần nhân thế! Đây quả là một bài hát hay về Hai Bà Trưng! Chia tay, tôi tặng anh cuốn sách vừa xuất bản: Lấp lánh tình đời. Ngoài chục cuốn tiểu thuyết thì đây là tập Truyện & Ký chọn lọc sau ba mươi ba năm tôi sống và viết ở miền Nam. Công Minh cười thật tươi bắt tay và nói: Cám ơn nhà văn! Văn học, sử học gắn rất chặt với sáng tác của tôi. Nếu không thường xuyên đọc sách, bồi bổ tri thức về văn học, sử học thì chắc chắn tôi sẽ không thể nào có âm nhạc!”.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6-2007