Chiều chủ nhật mưa dầm tuần trước, chờ người đàn ông ấy đến để liên hoan bữa ốc luộc chấm nước mắm gừng, đột ngột chị cầm lên một tờ báo.
- Tôi đọc cho các bà nghe này: "Chúng ta đang sống trong một thế giới không có đàn ông. Chỉ chúng ta, mặc những bộ đồ mới, trang điểm phấn son, soi gương chải lược, nhìn ngắm nhau, tán dương nhau. Vui biết mấy. Sao phải cần đến đàn ông làm cái quái gì?"
Đám phụ nữ cười ồ. Mấy câu đó ở trong truyện ngắn của một nhà văn nào đó đầy bi quan chán nản, dấm dớ chẳng ra làm sao. Nhưng chị lại cao hứng:
- Mọi người có biết không, sống một mình rất thích. Thật đấy. Đi về, thấy nhà cửa rộng thênh, thơm tho sạch sẽ, thích làm gì thì làm, thích ngủ thì ngủ, chẳng bị ai quấy rầy. Đôi lúc, soi gương chải tóc, tự mình mỉm cười với chính mình, ngộ, nhưng mà thích.
Trong đám người nghe chị nói, có ba bốn người gật gù. Họ chắc chắn ở vào phe sách vở, sống với một mớ lý thuyết suông và những tuyên ngôn trống rỗng. Loại này thuộc vào một nửa câu tuyên ngôn của Goethe: "Mọi lý thuyết đều màu xám". Vài ba người còn lại thì mỉm cười, không quá tung hô cũng chẳng vẻ đồng tình, nhưng mà mắt họ liếc nhau kín đáo lắm. Loại này biết tỏng muối ở đâu đã xát vào lòng chị lúc đó, họ thuộc vào loại "cây đời mãi mãi xanh tươi".
Chưa đầy nửa tiếng đồng hồ sau câu chuyện phiếm chẳng đâu vào đâu đó, người đàn ông ấy xuất hiện mà với vẻ ngoài của ông ta thì chị thấy khó có thể mê được. Dẫu thế, cuộc bù khú cũng không thể không để lại chút dư vị ngọt ngào cho đến tận hôm nay, 24h, nỗi nhớ của chị đi về giữa hình bóng hai người, chồng chị và "ông ấy". Chồng chị, người đàn ông xấu số đã ra đi cách đây vài năm.
Mới đêm qua "ông ấy" gọi điện thoại cho chị. Chị không tin người đàn bà đức hạnh có chồng vừa chết lại cùng lúc có hình ảnh chồng mình và người đàn ông khác lắp ghép trong đầu. Nhưng có một điều gì còn lớn hơn suy nghĩ ấy đã đủ mạnh để gạt phắt những ý nghĩ cũ rích đi, chỉ để cho đầu óc chị nghĩ đến những điều mới tinh thơm phức.
Sao ông ấy có thể nói ra những điều như thế? Ông ấy yêu mình chăng? Hay đơn giản chỉ vì chút cô đơn dớ dẩn? Lòng chị bừng lên chút gì ấm áp lạ lùng sau những đêm dài vô tận nếu không băng lạnh thì giông bão. Chị cũng thuộc loại đàn bà hay chuyện nữa, hôm qua đã kể với K rồi. Nó bảo, chị cứ sống như chị muốn, em không vun vào, nhưng cũng không phản đối, miễn sao chị thanh thản. Thật hú hồn, bởi chị đã nghĩ nó sẽ nói khác. Phải chi kể với nó cũng là một cách thăm dò. Người ta vẫn bảo chị khéo. Trước những chuyện cho là quan trọng, bao giờ chị cũng thăm dò những người xung quanh. Cách nói lúc vòng vo tam quốc, tung hứng chắn che, lúc lại thẳng đến bất ngờ. Lại có những lúc người ta cảm thấy cái gì vào đầu chị rồi cũng trơn tuột ra ngoài. Nhưng lúc này thì lòng chị rối tung.
Chị thầm ước giá như ông ấy gọi cho mình lần nữa. Nhưng chuông điện thoại không đổ buộc chị nhấc máy lên, trong đầu mường tượng những con số. Lại đặt máy xuống, xua đuổi chúng đi.
Chị đã định bật một bản nhạc. Nó có thể khiến chị quên được những ám ảnh lạnh lẽo của cuộc sống độc thân. Nhưng tay chị dường bất lực, không nhấc khỏi chiếc điện thoại được. Rồi lại vang lên giọng trầm của người đàn ông ở đầu dây bên kia mà chị đã ghi âm: "Anh đến bây giờ nhé!... Bật cười: Ô, tự nhiên sao lại... “anh”? Mà đến bây giờ để làm gì?" Khi người đàn ông bất chợt xưng anh với chị thay cho tiếng “chú” quen thuộc thì chị không biết phải xưng với ông ta ra sao. Ôi dào, buồn gì mà buồn. Một mình rất thoải mái, thích làm gì thì làm, thích ngủ thì ngủ, chả có ai làm phiền, rất thoải mái, thật đấy. Thế nghĩa là anh đến thì cũng "rất thoải mái" chứ gì, ngoài em ra có ai để làm phiền anh nữa đâu? Cười híc híc: Ô cái ông này hay nhỉ? Người ta nói ngay lại bắt quay ra eo. Đang yên đang lành lại bàn chuyện đến với chả không? Ai cho đến nào. Cái chỗ bảo đến thì lại không đến đi cho. Đây thì chả cần...
Nếu ai đó kể với chị một cuộc đối thoại như vậy, chị đã chẳng ngại ngần mà nói với người ta rằng, cái gã đàn ông kia đang ỡm ờ buông câu. Nhưng mà khi chính mình ở trong một cuộc đối thoại như vậy, không hiểu sao chị lại nao núng. Bản năng đàn bà như hòn than ủ lửa. Chao đảo thật sự mất rồi. Kịp chị đưa ngón tay quả quyết nhấn một nút. Căn phòng tối như trong một nấm mồ.
*
Đêm đó chị mơ thấy chồng, lần đầu tiên, kể từ ngày anh chết.
Em vừa mơ thấy anh. Anh đi làm về, em và con đón anh, dọn cơm ăn. Các con đi ngủ. Chúng mình quằn quại ôm lấy nhau. Anh bảo lâu lắm chúng mình mới bên nhau một lần trọn vẹn đến thế. Em sung sướng bật khóc. Tỉnh dậy thì chỉ là cơn mơ. Chúng mình từng hạnh phúc và đã yêu nhau biết chừng nào!
Khi chị tỉnh dậy thì thấy mắt mình đẫm nước. Thì ra người ta có thể khóc ngay cả trong cơn mơ. Hay những người có cuộc sống đơn giản như chị thì không bao giờ có cơn mơ đẫm nước mắt? Chị nằm trong bóng tối, bóp chặt hai bàn tay vào nhau, lần giở lại cuộc đời mình, thấy nó đơn giản đến tội nghiệp, chẳng đáng nói. Tốt nghiệp sơ cấp, làm cái công việc lưu trữ tẻ nhạt nhưng lại là lựa chọn, lấy một anh buôn mánh (thời này buôn mánh cũng chả sao, đã buôn thì không thể không có mánh được), rồi sinh con đẻ cái, cuộc sống cứ thế trôi đi. Đây là lần đầu tiên kể từ sau khi lấy anh, chị cầm lấy cây bút và cuốn vở tạm, ghi nhật ký. Chị cũng chỉ viết có vậy. Ký ức về người chồng quá cố quá sơ sài. Giữa họ không có những phút giây lãng mạn hay cuồng nhiệt như trong cơn mơ. Họ chỉ sống bên nhau lặng lẽ, mỗi người làm nghĩa vụ của mình. Thỉnh thoảng, lý do hết sức vớ vẩn, người chồng quát tháo vài tiếng, rồi vài cái bát đĩa vỡ, vài cái tát vào mặt vợ hay cú đấm vào bất cứ đâu... Cho đến khi đứa con đầu lòng tròn 2 tuổi thì anh ấy lâm bệnh rồi chết. Chị biết mình không quên chồng, nhưng nhớ về anh ta những gì thì chính chị cũng không biết, nó lụn vụn chẳng ra đâu vào đâu.
Đêm thăm thẳm rợn tiếng ngoao của lũ mèo cái hoang gào đực. Đêm hút chị chìm vào bóng tối bịt bùng của ngôi nhà 30m2 bao bọc bởi những bức tường bê tông lạnh lẽo. Đêm đồng nghĩa với cô đơn trỗi dậy, tàn nhẫn, kiêu ngạo mà cũng yếu đuối vô cùng. Bóng tối là đồng minh của tình dục. Bóng tối đồng lõa che chở cho những kẻ yêu đương. Nhưng bóng tối là kẻ thù của chị. Bé con đã ngủ say trong dáng nằm còng queo dấu hỏi. Người đàn bà góa cảm thấy tấm thân gầy bé nhỏ như đang xiêu vẹo trong sương gió. Lúc chiều, chị đã đóng chặt tấm kính nơi cửa sổ buồng tắm lại. Đấy là chỗ hở duy nhất của ngôi nhà khiến lũ chuột có thể mò vào lục lọi tứ tung - chị đã hả hê nghĩ thế là đi đời lũ chuột ranh ma, chúng mày chỉ có nước chết đói. Còn bây giờ, không có tiếng chít chít của lũ chúng nó, chị thấy chợn rợn kinh khủng, sợ hãi kinh khủng.
Chị có thể đã vượt qua tất cả, nếu như, bên kia bức tường mỏng không cách âm của khu tập thể cũ nát, ngăn chia thành những ô nhỏ tạm bợ, đang tồn tại một thứ hạnh phúc mà chị thầm ao ước. Chị nghe bên tai những tiếng rên khẽ, triền miên không dứt. Chẳng cần nghĩ ngợi lâu, người đàn bà góa nhận ra ngay đó là tiếng rên của người vợ mới đang lên cơn hứng tình. Thứ rên rỉ sung sướng của con cái hòa lẫn tiếng thở gấp hổn hển của con đực đang mùa giao phối tận dâng sức lực và tình cảm cho một tình yêu tưởng chừng bất tử của cả hai. Chị xỏ chân vào đôi dép chợt nặng trĩu, bắt đầu lê những bước loẹt quẹt trong nhà. Rồi bất chợt nghĩ đến lũ chuột, chị bước thẳng vào buồng tắm, với tay mở tung cửa chớp. Khốn kiếp này! Cho chúng mày tha hồ vào!
Nhưng lũ chuột gian ngoan có lẽ đã thất vọng bỏ đi tìm một chốn quậy phá khác mất rồi. Chúng chỉ là loài chuột, dù ranh ma cũng chỉ có ngôn ngữ của lũ quái vật mà thôi. Làm sao chúng hiểu? Chị ngồi bệt xuống sàn nhà, mồ hôi lạnh vã ra như tắm. Chị đã cố nén để không phải đập phá một đồ vật gì, cũng như không phải bật nhạc rock lên giữa đêm hôm khuya khoắt trong ngôi nhà không bóng đàn ông suốt cả giờ đồng hồ, chỉ để mời lũ chuột khốn kiếp quay trở lại. Nhưng rồi cuộc giao hoan tưởng chừng bất tận bên kia bức tường mỏng của cặp vợ chồng mới cưới cũng lắng dần lắng dần rồi tắt lịm, đồng nghĩa với việc chị vừa trải qua một cú sốc không kinh hoàng nhưng gặm nhấm chết người.
*
Giờ thì có lẽ đã không chỉ là mưa nữa, cơn bão đầu tiên trong năm có thể quét qua thành phố? Lúc này chị mới nhớ đã cả tuần chị không bật ti vi, cũng không đọc báo, chẳng biết tin tức gì cả. Đưa mắt nhìn khắp lượt đồ đạc trong nhà, chị thấy hình như cái gì cũng mốc thếch, bởi trong cái không gian bị đóng kín suốt cả tuần, đã phảng phất cái mùi ngai ngái bì dầm làm cay mũi khó tả. Mà ông trời thì như được dịp trút xuống nhân gian đến giọt nước cuối cùng. Chị cẩn thận xem lại tấm vé tàu trước khi nhét nó vào chiếc xắc đeo bên hông. Nếu không phải là đã mua vé trước thì chị sẽ hoãn chuyến đi lại.
Giờ ngồi nghĩ đến "hắn". Những ý nghĩ của chị về hắn bao giờ cũng rõ ràng, tủn mủn đến quái đản. "Em chê anh đấy à?" "Không... không..." "ừ phải. Anh bây giờ còn cần được cho ai. Nhà cửa không có, sự nghiệp làng tàng, tiền khô cháy túi. Em chê anh là phải thôi". Chị thấy bực mình. Người đàn ông đó lúc nào cũng có thể dỗi bõ. Nhưng chị lại nghe đâu đó hờn dỗi là biểu hiện của tình yêu? Và cái cách hắn nhìn mình nữa chứ. Đảm bảo những lúc ấy mình mà cũng nhìn hắn thì hắn tưởng bở là cái chắc, nên mình cứ phải lảng đi...
Chuông điện thoại đổ. K. gọi. "Chị à? Chuẩn bị xong chưa?" "Xong rồi, có gì đâu". "Mưa thế này... Em đã thay đồ rồi thì mưa như trút. Chị ơi, nếu lát nữa tạnh thì em đến, không thì chị gọi taxi để ra ga cho đỡ khổ, đừng buồn nhé". "ừ, chị cũng nghĩ thế. Buồn gì mà buồn, đi rồi là quên được cả". "Chị nhớ mang dầu gió, nước uống và thứ gì ăn cho khỏi buồn mồm nhé. Em sẽ email cho chị. à mà chị đã chào “hắn” chưa?"...
K. chỉ nói đến đó.
Thật tinh quái. Nó vẫn bảo chị đừng giả đò nữa, đã đến lúc chị cũng phải có một người, chẳng ai có quyền phán xét chị đoan chính hay không? Sống được cho ai thì cũng phải sống cho mình trước đã. Kẻo đến lúc tàn hơi rồi thì có còn vì ai được nữa? Sao mình chưa nghĩ đến điều ấy nhỉ?
Nhưng chị sẽ không chào "hắn". Mà kể cũng tội, “hắn” chưa hề biết mình đi chuyến này. Biết đâu lại gọi điện, khổ thân. Chị đi đi lại lại. Trong đầu nhảy nhót những con số. Tiếng "tít... tít... tít" kéo dài. Người đàn ông độc thân đang chìm đắm trong thế giới của những con chữ giật mình, giọng gấp gáp: Alô! Alô! Vừa kịp chị lại cúp máy.
Sân ga lềnh nước và cuộn gió, nhập nhọa bóng người. Cơn bão bỗng giận dữ cuồng lên.
2005