Tôi kiếm ăn bằng nhiều nghề khác
Làm thơ để được nhẹ lòng mình
(…)
Rồi. Tôi đã nghe Vũ Trọng Quang tâm sự điều ấy khi không ngờ mãi tới giờ anh ta vẫn gắn bó với thơ và cũng biết luôn tại sao anh ta cứ đem lòng “tự cư” vào những vùng tối thẳm bên sau những khoảng màu sặc sỡ mà anh ta đang có mặt, nói cười. Mãi bận rộn với bao nhiêu thứ “âm thanh và cuồng nộ” của đời, chúng tôi tình cờ gặp lại nhau khi Quang đang là người quản lý một vũ trường vừa mới được chỉnh trang, mở cửa lại. Trong tiếng ồn ào bên những cốc bia, chuyện mà chúng tôi mang ra với nhau là chuyện về Blao, nơi chúng tôi đã gặp nhau. Dĩ nhiên là chuyện cũ. Blao, một thời xa hút.
Thuở đó, trong chiến tranh, Blao là nơi cơ hồ đã bị bom mìn quên bẵng mất.Cũng có tiếng đạn đại bác ì ầm xa vẳng, nhưng không có những đàn trực thăng đen trời, không có những chiếc phản lực phô thân kim khí nhào lộn gào rú, không có những chiếc tăng hạng nặng nghiền xích qua các ngã ba ngã tư, không có những trái mìn kinh hoàng, những trái đạn pháo hoảng loạn và những đoàn dân tản cư bồng bế gánh gồng lếch thếch. Miền núi trong trí nhớ chúng tôi, Blao quanh năm đầm mình giữa hơi lạnh man thiên và sương mù trùng trùng trắng xóa. Phố khuất khúc. Đó đây trong phố vẫn còn những gốc cây rừng già và những cụm hoa rừng hoang dã mọc tràn ra cả mặt đường, nhất là ở quanh hồ đầy nước nằm giữa hai vùng phố mới cũ. Và quanh phố là những đồn điền trà, café. Xa hơn, là những xóm làng xanh kín vườn cây ăn trái, những ao hồ hoang vắng, những suối thác ít người tới lui. Xa hơn nữa là rừng thông, rừng già, núi, đèo…
Không bao lâu sau vụ Tết Mậu Thân, tôi đến Blao từ Huế, ngỡ ngàng đứng lại trước vàng rộ của hoa quỳ dại kéo ngợp cả lòng thung lũng chạy dài hằng mấy cây số, thích thú với những cơn mưa xối xả nửa chiều, những quán café đêm đêm đóng cửa rất muộn, những buổi sáng phố xá trắng đặc sương mù. Huế cũng có sương nhưng là một thứ sương khác, loãng nhẹ, như khói. Đâu chỉ vừa đủ làm khuất màu áo trắng và mờ bớt nhân ảnh trước mắt Hàn Mặc Tử thuở nào hoặc như tôi thấy : sương lấm với khói xăng đặc và khói của bao nhiêu thứ khác có thể cháy được để quánh lại suốt tháng trên phố xá điêu linh. Sương mù ở Blao trắng hơn, lạnh hơn, dễ gợi đến cảnh non bồng nước nhược hơn: vừa đó trước phố cả ngọn núi Đại Bình đến sừng sững, thoắt cái chỉ còn phần đỉnh núi nhô lên trên biển sương mây như một hòn đảo lạc đường và cùng lúc mặt hồ bên ngoài cửa kính quán ăn trông ra đã như một vùng vịnh khơi bát ngát. Với sương mù, về đêm, nhất là những đêm sau buổi chiều có mưa lớn, phố xá khuất khúc chật hẹp trở nên huyễn hoặc lạ lùng. Tôi đã đắm vào trong sương mù phố xá ấy, đã nhiều đêm thức trắng với những quán café đóng cửa muộn và những quán ăn bày hàng sớm của nó, và cũng đã thức trắng bao nhiêu đêm với vùng đèo mà không chiếc xe chạy đường dài nào dám đổ đèo khi sương mù chưa tan.
Rải rác ven đường đèo cũng như nơi này nơi kia trong núi thường có những hố vực kỳ dị, sâu thẳm, vách đá dựng cao. Đứng trên nhìn xuống chỉ thấy những ngọn cây mọc vươn lên từ đáy vực, ở những đáy vực ấy thỉnh thoảng người ta vẫn tìm được những bộ xương người cạnh sắt thép của những chiếc xe mục nát. Đó chỉ là những vực ven đèo, còn trong núi, chẳng ai sức đâu. Muốn dò xét độ sâu thường người ta chỉ ném xuống một khối đá rồi lắng nghe tiếng đá rơi, nhưng thường cũng ít khi nghe được, bởi khối đá rơi xuống chạm vào cây cối tức khắc vẳng lên miệng vực ngay hàng nghìn vạn tiếng thú tiếng trùng và rồi kế đó là sương mù đã được ủ chìm dưới bóng lá bùng vươn dậy như một vị thần quái dị ngủ quên vừa được lay tỉnh. Tôi đã ném những khối đá ấy và đã quên. Tôi đã đến và đã đi : Blao, Đà Lạt, Huế, Saigòn. Những thành phố những bến xe những sân bay những đổi thay của thời cuộc và bao nhiêu thứ chuyện đời. Chẳng cách Saigòn bao xa nhiều lần tôi đã ghé lại Blao, và có lần như kẻ mộng du, tôi hỏi một người bạn : Sương mù đâu? Người bạn đã già, phố đã khác, bao nhiêu người quen cũ đã không còn, và chúng tôi không phải ngồi bên những ly café khuya muộn mà là bên những xị rượu cay nồng. Anh ta nói về nạn phá rừng, về việc định cư dân từ xứ khác đến và tôi lại lơ mơ nhớ tới những điều khác, những khuôn mặt, những ai đó đã khuất mù. Lơ mơ nhớ, lại quên… Và cái anh chàng Vũ Trọng Quang bại trận (Anh bại trận nên đầu hàng số phận) đã không chỉ quanh quẩn với những khoảng sáng tối của Saigòn hậu chiến và bâng quơ ngồi lại sau giờ các cô Lọ Lem hết được hưởng phép màu, mà còn đến Hải Vân với lòng chùng xuống theo mây ngang đèo và “Trở lại Blao” thẩn thờ đứng nhớ :
Trong không gian mù đục
trắng một ngày cuối đông
em như ẩn như hiện
em như có như không
Đôi chân ai bước nhỏ
dài khoảng trời chia tay
hai mươi năm còn đó…
Những câu thơ bình dị của Vũ Trọng Quang đã như một khối đá bất chợt ném vào vực – Blao – trong – tôi. Khối đá ném xuống và sương mù mê khuất dưới những tần lá tối bốc dậy, cùng lúc tiếng thú, tiếng trùng và cả nhiều giọng cao thấp vui buồn của tiếng người.
Văn học nghệ thuật nói chung trước hết là vũ khí chống lại cái chết và khuôn mặt dễ thấy nhất của cái chết là sự lãng quên. Trong “nhiệm vụ” ấy đôi khi nó chỉ cần giữ vai trò làm tiếng gõ cửa là đủ. Tiếng gõ và cửa mở ra những chân trời, quên lãng bị xóa bạt đi, cái chết bị đẩy lùi và cuộc sống chợt trở nên đáng sống đáng yêu và đáng đầu thai trở lại làm người bao nhiêu kiếp nữa để còn phải vay mượn trả đền. Cám ơn Quang.
* Bấy giờ là Bảo Lộc, thủ phủ tỉnh Lâm Đồng