Bất ngờ và xúc động khi cha con anh bộ đội năm xưa tìm đến nhà tôi, thăm tôi. Tôi và anh tay bắt mặt mừng, líu ríu trò chuyện bởi sau hơn ba mươi năm có lẻ, nhiều nơi bãi biển hóa nương dâu, chúng tôi vẫn còn sống gặp lại nhau, là vui lắm rồi! Hồi ấy (1975), Đặng Xuân Hạnh chiến sĩ đơn vị 500c tỉnh đội Thừa Thiên Huế, 26 tháng 3 giải phóng Huế, đóng quân sát nhà tôi. Hạnh, tôi, Phùng Phương Quý, Lê Hoà (Hải) công an và anh Nam Phương trinh sát thường đến nhà tôi đàm đạo văn chương hai miền Nam, Bắc. (Nam Phương và Phùng Phương Quý giờ là hội viên Phân hội Văn học Hội Văn nghệ Phú Thọ) Sau đó, thi thoảng có nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đạp xe đạp Phượng Hoàng, chở sau yên xe những trang thơ bộ đội in thử từ Măng Cá sang nhà tôi. Nhắc Hoàng Nhuận Cầm không phải tôi thấy "người sang bắt quàng làm họ" để đánh bóng mình. Quả thật, tôi thanh niên miền Nam như tôi, không tự hào sao được, khi Hoàng Nhuận Cầm nổi tiếng đến chơi! Các anh bộ đội bạn tôi hồi đấy rất hiền, ai cũng trong sáng, chân tình. Nam Phương viết một bài thơ về lăng Khải Định, anh đi thực tế lên lăng, đếm mấy chục bậc cấp… làm tôi cười! Không ngờ bài thơ ấy được đăng Tạp chí Sông Hương; Hoà làm thơ cũng mướt, lại là tay dồi bột mì nhanh nhuyễn nhất và Hạnh trắng trẻo, nhỏ thó, lúc nào cũng ăn nói nhỏ nhẹ, rụt rè như gái. Hôm nay, Hạnh đứng trước tôi với mái tóc chưa sợi bạc, mặt sạm nắng và nhiều vết xướt thời gian. Dù là vậy, giọng nói, nụ cười vẫn hồn hậu như xưa. Anh bảo: "Tưởng ông sang Mỹ rồi chứ". Tôi cười: "Không có điều kiện được đi. Nhưng đi mà ở luôn thì không. Quê mình đâu cũng đẹp, cũng dễ thở. Vả lại người viết văn thơ như mình xa quê, viết cái gì cũng không ra hồn vì khát tình quê!".
Hạnh chuyển về tỉnh đội Thái Bình vào tháng 10 năm 1975, đi học Đại học ngành Ngoại thương năm 1977, nay anh làm chủ một cơ sở sản xuất tranh sơn mài tại Bắc Ninh, giải quyết thường xuyên mười lăm lao động. Hoạ sĩ Đặng Mạnh Hà con trai đầu của Hạnh, hiện là giáo viên trường Tiểu học Trung Nghĩa, Yên Phong, Bắc Ninh. Hà vừa tham dự triển lãm tranh ở thành phố Hồ Chí Minh, ghé Huế. Đây là lần thứ 5 hàng năm GALLA DINNER và Chương trình từ thiện của Nghệ thuật đương đại Châu Á tổ chức cuộc triển lãm mang tên: "Nụ cười 2007" tại khách sạn Park Hyatt Sài Gòn. Phòng triển lãm gồm 17 tác phẩm của 17 tác giả trong đó có 2 tác phẩm của hoạ sĩ người pháp và 15 tác phẩm của hoạ sĩ Việt Nam. Hoạ sĩ Đặng Mạnh Hà. Sinh năm 1978 tại Thái Bình. Họa sĩ trẻ tuổi nhất, tác phẩm tham dự. COOKING IN HIGHLAND Lacquer On Wood (100cm+100cm). (Chuẩn bị bữa cơm chiều ở nhà sàn). Bức tranh "Chuẩn bị bữa cơm chiều ở nhà sàn" của Hà được đặc biệt chú ý bởi gây nhiều thiện cảm cho người xem, hoạ sĩ đã thể hiện tình yêu thương tha thiết biển cả của mẹ dành cho con và cảnh gia đình ấm cúng trên chất liệu tranh sơn mài Việt Nam. Hà vẽ một cách vững vàng và phóng túng với các mảng vàng, son trứng trắng đầy chất thơ... Tác phẩm này đã được bán đấu giá cho ngài KevinJ. Beauvais người Mỹ với giá 4.500USD. Đây là bức tranh có giá cao nhất trong cuộc đấu giá. Hà đã gửi tặng toàn bộ số tiền đó cho tổ chức từ thiện, góp phần nhỏ bé của mình giúp các em làm phẩu thuật hở hàm ếch, mang lại nụ cười cho trẻ thơ. Đây cũng là thiện ý của anh Đặng Xuân Hạnh. Hạnh có mặt bốn năm sáu tháng trên Trường Sơn, nơi nhiều chất độc Dioxin nhưng mừng cho mình đã sinh được những người con lành lặn, vẹn toàn !
Tính đến nay hoạ sĩ Đặng Mạnh Hà đã có tác phẩm tham dự năm cuộc triển lãm, trong đó ba cuộc cá nhân tại Trung tâm Giới thiệu và Trao đổi Nghệ thuật - 43 Tràng Tiền, Hà Nội:
1/ Dung dị và lãng mạn (2003)
2/ Hạnh phúc và bình yên (2004)
3/ Mặt trời của mẹ (2006)
4/ Triển làm tranh tượng hiện đại (2006)
Hoạ sĩ Đặng Mạnh Hà là giáo viên nhiều năm đạt giáo viên dạy giỏi, anh còn là người nhân hậu, bởi tôi chứng kiến anh hai tay trân trọng đưa mấy ngàn đồng cho người ăn xin. Mừng cho bạn cũ Đặng Xuân Hạnh của tôi đã sinh được người con tài đức, có lòng nhân ái với những mảnh đời bất hạnh!
Huế, tháng 6 năm 2007