Mạnh Xuân 2007, anh Hoàng Xuân Thiệu đi du lịch Trung Quốc, khi qua chùa Hàn San, anh có chép lại tặng tôi bài tứ tuyệt lưu danh thiên cổ của Trương Kế. Đó là bài Phong Kiều Dạ Bạc. Nguyên tác bài thơ nầy đã được Khang Hữu Vi đời nhà Thanh khắc lên trên một tấm bia đá, dựng trong chùa Hàn San.
Đồng thời, giáo sư Thiệu gởi kèm một loạt cả chục bài dịch Việt do các thi nhân, bút giả Việt Nam xưa nay chuyển ngữ. Nhưng tôi đã thành thật nêu lên nhận xét của mình rằng, chưa có một bài dịch Việt nào chuyển được cụm chữ tài hoa bậc nhất của Trương Kế trong Phong Kiều Dạ Bạc là “… đối sầu miên” ra ngữ điệu u trầm miên man và ngữ cảnh đầy phiêu lãng tương đương trong tiếng Việt cả.
Chỉ có 4 câu thơ mà cổ kim đã có cả núi rừng bạt ngàn giấy mực bình phẩm đến nay vẫn chưa thôi. Giờ thêm một cọng rơm nữa thì bốn câu thơ trên vách chùa Hàn San vẫn im ắng nghe kinh, như như bất động…
Nguyên bản chữ Hán:
楓橋夜泊
月落烏啼霜滿天
江楓魚火對愁眠
姑蘇城外寒山寺
夜半鐘聲到客船
Phiên âm Hán-Việt:
Phong Kiều Dạ Bạc
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Một vài bài Việt dịch tiêu biểu:
Đỗ Thuyền Đêm Ở Bến Phong Kiều
Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
Tản Đà dịch
Ban Đêm Thuyền Đậu Bến Phong Kiều
Trăng tà tiếng quạ vẳng sương rơi
Sầu đượm hàng phong giấc lửa chài
Ngoài lũy Cô Tô chùa vắng vẻ
Nửa đêm chuông vẳng đến thuyền ai
Trần Trọng San dịch
Quạ kêu, trăng lặn, trời sương
Lửa chài le lói sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
Nguyễn Hàm Ninh dịch
Bên trời trăng xuống quạ kêu sương
Lửa rọi bờ phong đối mộng trường.
Thuyền khách Cô Đài đêm vắng vọng
Chuông chùa buông nhẹ chút sầu vương.
Thích Quảng Sự dịch
Trương Kế (张继 Zhang Jì), là một tác giả sống vào khoảng trước sau năm 756- đời vua Đường Túc Tông. Tự là Ý Tôn, Trương Kế thi đậu tiến sĩ và làm quan trong triều với chức vụ Tự bộ viên ngoại lang, về sau bị đổi ra Hồng Châu coi việc tài phú và mất tại đây. Sinh thời, ông là người học rộng, đa tài; thích đàm đạo và bàn bạc văn chương, thế sự... đặc biệt rất thích làm thơ.
Tương truyền, Trương Kế sau bao nhiêu năm trải qua nhiều chặng đời vinh nhục thăng trầm với chữ nghĩa khoa bảng, đã tìm thơ để ghi lại cái chí và cái tâm của mình. Cũng có những khúc quanh của hoàn cảnh và tri thức làm cho người nghệ sĩ muốn thoát ra khỏi thực tại bon chen đã vây bủa cái tâm bản nhiên an tịnh và cái chí phiêu dật của mình. Phong Kiều Dạ Bạc là bài thơ sáng tạo trong cơn mưa nguồn của sáng tạo thi ca đó.
Một hôm du thuyền trên bến sông Vân Kiều, trăn trở hoài không ngủ được, Trương Kế ngâm hai câu thơ đối cảnh sinh tình:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên...
(Quạ kêu trăng lặn sương mờ,
Đèn chài gió sóng khơi bờ sầu dâng...)
Được hai câu thì thơ bỗng chững lại, loay hoay mãi không tìm ra tứ thơ cho hai câu tiếp.
Vẫn theo tương truyền, động lực “gỡ bí” cho Trương Kế sau khi làm được hai câu thơ đầu bị bí là quanh quất đâu đó có thầy trò sư cụ chùa Hàn Sơn. Sư cụ dạo quanh hồ nơi sân chùa trong ánh trăng thượng huyền mới chớm với chú tiểu đi theo. Sư cụ cũng “đối cảnh sinh tình” nên ngẫu hứng ngâm:
Sơ tam, sơ tứ nguyệt mông lung,
Bán tợ ngân câu bán tợ cung...
(Mồng ba, mồng bốn trăng non,
Nửa cong câu bạc nửa tròn cánh cung...)
Ngang đây thì cũng như Trương Kế trên bến Phong Kiều, sư cụ bí không làm tiếp được... Chú tiểu theo hầu, cũng là một tay hay thơ, cúi đầu thi lễ sư cụ và xin phép làm nối thêm hai câu sau:
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đọan,
Bán trầm thủy để, bán huyền không
(Ngọc bình một mảnh chia hai
Nửa lưng đáy nước, nửa cài trên không...)
Hai thầy trò sư cụ đã hoàn thành bài thơ tứ tuyệt “Vọng Sơ Nguyệt”. Sư cụ ngâm tràn bốn câu thơ ngắm trăng non với nỗi cảm khoái dâng trào đầy thi vị trong đêm khuya, nên đã sai chú tiểu lên chùa thỉnh một hồi đại hồng chung để cúng dường Tam Bảo. Tiếng chuông lọt vào tai Trương Kế đang thao thức với tâm trạng lòng buồn, thơ cạn... Tiếng chuông như điệu kèn đam mê sâu đắm thoát ra từ cõi thơ. Hồn thơ của Trương Kế tưởng như đã lụi tàn trong nỗi buồn “đối sầu miên” bỗng trỗi dậy khi hốt nhiên từ ngoài thành Cô Tô, tiếng chuông chùa Hàn Sơn ngân nga vọng lại. Ông lắng nghe tiếng chuông và chợt tỉnh. Tiếng chuông nửa khuya vang lên rửa sạch lớp bụi trần gian của tâm thức đầy tục lụy. Cảm nhận giải thoát đến từ tiếng chuông. Tiếng chuông đến từ vô ngã. Một đời bôn ba trên trường khoa bảng của Trương Kế đã bị tiếng chuông cuốn phăng vào quá khứ. Hiện hữu là một sự tỉnh thức: Là tâm trạng thoát tục; là khách cửa thiền.
Nhà thơ bỗng cảm thấy tâm hồn lâng lâng thoát tục và ý thơ từ đâu ùa vào như nước lũ. Ông cầm ngay quản bút làm tiếp hai câu sau:
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
(Thành Cô Tô, chùa Hàn Sơn
Chuông khuya lay động tâm hồn thiền nhân)
Những câu chuyện văn học nghệ thuật xưa nay thường nói đến… “thoáng nhiệm mầu” (greatest moments) của nghệ sĩ. Đấy là khi tràng hạt trân châu của nghệ thuật thình lình từ “Trời” rơi xuống và người nghệ sĩ tài hoa bỗng dưng nắm bắt được – sau những gian nan đợi chờ không giới hạn! Leonardo da Vinci bắt gặp nét mỉm cười của Mona Lisa trên khung vẽ. Beethoven dừng lại ở Dấu Lặng Tuyệt Vời trong Concerto số 5. Nguyễn Du bắt gặp Mầu Quan San của rừng thu chia biệt… Trương Kế trên bến Phong Kiều đã bắt gặp được cái thoáng chốc nhiệm mầu của sáng tạo. Thoáng xuất thần thi vị ấy đã thổi phăng những uẩn khúc của chính ngã sở trong tâm thức nghệ sĩ đang phủ lên mình tạo vật. Theo giới thiền môn thì Trương Kế bị tắc nghẽn hồn thơ sau hai câu đầu là do cái tâm của thi nhân còn đeo nặng nghiệp chướng của dòng đời đầy bi phẫn nên không thoát được. Nhưng đối với một người cầm bút sáng tác văn chương – mà nhất là người làm thơ – thì rõ ràng (hay ít lắm thì cũng là “rất có thể”) Trương Kế bị chững lại vì đã dùng hết tuyệt chiêu diễn đạt bằng ngôn ngữ tinh túy của thi ca khi ông điểm xuống một chữ “thần” tuyệt tác, đó là chữ “miên”. Nếu chỉ là “đối sầu” thì xưa nay đã có nhiều người nói đến trong thơ. Nhưng mà “đối sầu miên” thì quả thật là tuyệt bút nên nhà thơ đã ngất lịm trong thơ, không còn gì hơn đáng để nói nữa.
Khi nói đến hai câu thơ đầu của sư cụ chùa Hàn Sơn thì có người cho rằng, hai câu của sư cụ tả cảnh trăng thượng huyền đã quá hoàn chỉnh. Nên sau sự viên mãn ấy, dường như chẳng còn gì để nói nữa. Nhưng đối với một người mang cái hồn phách lãng tử thi ca, người ta lại nghĩ khác về lý do “bí” của sư cụ. Hai câu thơ tả cảnh trăng thượng huyền của sư cụ là hai câu thơ tả cảnh tầm thường chẳng có bóng dáng nào của “thoáng nhiệm mầu” mà một nghệ sĩ tàì hoa chân chính phải đợi trong bao nhiêu năm. Cuối sự tầm thường thì thơ không còn bay xa được nữa. Hai câu thơ khá hay trong bài “Vọng Sơ Nguyệt” là hai câu sau của chú tiểu. Sư cụ không có được cái “thoáng niệm mầu” của nghệ sĩ như Trương Kế nên phải dựa vào chú Tiểu mới... ra thơ. Trong khi đó, Trương Kế “ngộ” trong thơ nên thơ không còn là phương tiện chuyển tải cảm xúc mà thơ đã biến thành linh hồn của nhà thơ. Thơ, hồn thơ, nhà thơ đã hòa quyện vào nhau chung hồn, chung phách.
Đốm lửa thơ đã đốt cháy rụi cánh rừng vô minh lạnh lẽo không thơ.
Thơ, từ đó ra đi và không bao giờ về lại, nên thế gian không có hai vần thơ tuyệt bút lập lại, giống nhau. Trương Kế đã tìm được cho mình một thoáng nhiệm mầu của sáng tạo, một đốm lửa thơ?
Sacramento, đầu Hè 07