Ngồi Cà phê Bông giấy 53bis Trần Quốc Thảo với Nguyễn Hữu Hồng Minh,Song Phạm,Trần hữu Dũng,Vũ Trọng Quang ,Xuân Ý (Cty M.A.I ) ..thì gặp Nhật Chiêu tặng sách “ĐI DƯỚI MƯA HỒNG” và Anh giới thiệu bài viết của Trần Xuân An ,Ai thích đọc trực tiếp thì link vào đây :
http://tranxuanan.writer.2.googlepages.com/ddmh-nhatchieu_txa-doc.htm
Nguyễn Hoà vcv
Tên thật: Phan Nhật Chiêu
Sinh ngày: 04-03-1951
Quê quán: Vĩnh Long
Nơi ở: 6C/5 Đinh Bộ Lĩnh, P. 24, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
ĐT.: (08) 8997551
Giảng viên ĐHKHXH.&NV.TP.HCM.
Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM.
Tác phẩm chính:
1. Tình trong bóng tối (dịch, Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 1989, 150 tr.)
2. Tagore, người tình của cuộc đời (biên khảo, Nxb. Hội Nhà văn, 1991, 200 tr.)
3. Bashô và thơ haiku (biên khảo, Nxb. Văn Học, 1994, 150 tr.)
4. Nhật Bản trong chiếc gương soi (biên khảo, Nxb. Giáo Dục, 1995, 200 tr.)
5. Tuyển tập truyện ngắn hiện đại Nhật Bản (dịch, Nxb. Trẻ TP.HCM., 1989, 400 tr.)
6. Câu chuyện văn chương Phương Đông (biên khảo, Nxb. Giáo Dục, 1997, 250 tr.)
7. Thơ ca Nhật Bản (biên khảo, Nxb. Giáo Dục, 2004, 200 tr.)
8. Con lừa vàng (dịch, Nxb. Phụ Nữ, 1989. 250 tr.)
9. Người ăn gió và quả chuông bay đi (tập truyện ngắn, Nxb. Hội Nhà văn, 2007, 218 tr. 16 x 24 cm)…
Nguồn: Kỉ yếu 2005 -- Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM., Nxb. Hội Nhà văn, 2005, tr. 47 & các nguồn khác...
Là thơ chăng? Cũng có thể là tuỳ bút? Hay đó là lí luận, phê bình? Hoặc giả, “Đi dưới mưa hồng” chỉ là một tập sách nhỏ bao gồm những bài giảng rất tinh giản, không thuộc một chuyên ngành văn học nào, nó bao trùm tất cả thế giới văn chương, khoa học về nghệ thuật ngôn từ kim cổ, đông tây? Tôi hiểu nhiều người sẽ kinh ngạc trước sự ngớ ngẩn, khi tôi đặt ra những câu hỏi mà nội dung của chúng trái khoáy như vậy (trái khoáy vì thơ, tuỳ bút, lí luận - phê bình là những thể loại rất khác nhau, như vàng khác bạc, đồng không thể là thép)!
Cảm nhận đầu tiên của tôi: “Đi dưới mưa hồng” của Nhật Chiêu là một thứ hợp kim độc đáo, chỉ có anh mới tôi luyện được. Tôi càng quả quyết hơn, khi dùng một thuật ngữ: phong cách. Đúng là Nhật Chiêu đã tạo ra một phong cách không lẫn vào bất kì nhà văn, nhà lí luận, phê bình văn học nào, kể cả các nhà giáo viết sách giảng luận.
Với 190 trang sách, cỡ 12 x 20 cm, xinh xắn, rất học trò, Nhà Xuất bản Văn Nghệ TP.HCM. ấn hành trên giấy trắng tinh, Nhật Chiêu đã dẫn đưa người đọc đi từ một bài phỏng vấn chính anh do Lý Đợi thực hiện, đến với các câu hỏi của độc giả “Mực Tím” cùng những bài trả lời của anh về các thuật ngữ lí luận văn học (tứ thơ, phong cách, thể & loại, tính tự nhiên chủ nghĩa, lãng mạn, trào lưu văn học…), các tác phẩm văn chương (“Chùa Đàn” của Nguyễn Tuân, “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung…). Tác giả “Đi dưới mưa hồng” còn độc hành đến với thơ Haiku Nhật Bản, Rubai Ả Rập – Ba Tư, Sijo Triều Tiên cùng các tác giả tiêu biểu, lại mải miết độc hành đến với Rabindranath Tagore đậm chất tâm linh Ấn Độ nhưng vẫn phơi mở bằng ngôn ngữ Anh Mỹ, để rồi không thôi khám phá thế giới thơ ca của William Blake (Anh), vũ trụ trẻ thơ Andersen (Đan Mạch), dạo lướt qua “Lá cỏ” của Whitman (Mỹ)... Và cho dù đồng hành, trả lời người đọc “Mực Tím” hay độc hành, tự trả lời cho chính mình, những trang viết của Nhật Chiêu luôn luôn tạo dựng, khơi gợi đến vốn cổ văn Hán - Nôm nước ta cùng văn học Trung Quốc láng giềng (đậm nhất vẫn là Nguyễn Du và thơ Đường). Dọc con đường anh đồng hành với các bạn đọc trẻ tuổi hay độc hành một cách lẻ loi nhưng không cô đơn ấy, ta còn bắt gặp đôi bài tuỳ bút đích thực, như “Chào Triêu Nhan và vàng lên Mimosa”, những trang văn xuôi chất ngất chất thơ, và cuối cùng là một khảo luận đúng nghĩa về Andersen. Anh xem khảo luận này như đó là một phụ lục khá “nặng” cho một cuốn sách “nhẹ nhàng”.
“Mưa hồng”, dĩ nhiên là rất nhẹ nhàng. Những sợi mưa bay bướm. Những hạt mưa trong trẻo. Có gió không nhỉ? Hẳn gió đủ để lung linh thêm nhưng giọt mưa trên lá. Có nắng không, trong những cơn “mưa hồng” ấy? Chắc cũng có, đôi khi, nhưng nhiều hơn là màu hồng từ lăng kính của đôi mắt. Nhà văn, học giả Nhật Chiêu “đi dưới mưa hồng”, cùng bạn đọc trẻ tuổi của mình hay đơn lẻ bước, theo anh, là đi trong tình yêu văn chương. Đâu không biết, nhưng riêng với tập sách này, Nhật Chiêu có những bài viết hồng hào, cái hồng hào của một tâm hồn lành mạnh và một cơ thể đầy sức sống của tuổi trẻ. Tôi nghĩ, đó còn là cái hồng hào của trẻ thơ về những vấn đề khá khô cứng, già nua, mang gương mặt khó đăm đăm, đầm đìa mồ hôi triết học, vốn thuộc lĩnh vực lí luận trừu tượng. Tôi nghĩ, đó còn là cái hồng hào của những gót chân son trước những hành trình băng qua gai góc, sa mạc, núi tuyết, biển băng xa xôi khắp cùng thế giới của nhiều thời đại để đến với nhiều tác giả lừng lẫy danh tiếng. Hồng hào rất thơ ca. Hồng hào tiếng gõ cửa triết luận của bàn tay hồng.
Có những vấn đề rất lớn, có thể phải viết cả một cuốn sách dày, Nhật Chiêu vẫn theo cách bình thơ Kim Thánh Thán (Trung Hoa) hay các tác giả cổ điển Việt Nam, từ Mãn Giác thiền sư đến Nguyễn Trãi, rồi Nguyễn Du, Cao Bá Quát, anh viết như nói chuyện chơi với đôi ba trang sách. Do đó, “Đi dưới mưa hồng”, vốn là thuộc loại sách nhập môn theo yêu cầu của toà soạn “Mực Tím”, thực chất, vẫn tinh giản một cách rất Đông Phương cổ điển, khơi gợi suy nghĩ và cảm nhận chứ không luận giải chi li, mổ xẻ tường tận mỗi tế bào văn học.
Không đọc thiên kinh vạn quyển vẫn rất thú vị khi “đi dưới mưa hồng”, nhưng đã có ba vạn cuốn sách cùng muôn ngàn sông núi trong lòng rồi, khi “đi dưới mưa hồng”, bỗng bát ngát ngộ ra ngôn ngữ thiền tông trong sự ngắn gọn, cô đọng và tất nhiên phải thiếu sót, cái thiếu sót mời gọi, thậm chí kêu đòi cuốn sách phải sâu dày hơn nữa, người đọc phải ngẫm nghĩ động não, tìm tòi, nghiên cứu nhiều hơn (thiếu sót như thuật ngữ “phong cách” [style] trong “ĐDMH.”), cái thiếu sót “mưa chưa ướt áo”, đòi hỏi phải dầm mình vào sông, vào biển tri thức.
À, mải khen anh, cũng nên “phê” anh một chút chứ! Tuỳ bút đẫm ướt chất thơ phố núi Đà Lạt của anh với một “Dung nhan sáng sớm” (anh đặt tên là Triêu Nhan), nhân hoá, lại có gì đó Hán hoá quá chăng? Sao anh không gọi “nàng” là Nét Sớm? Nhưng tôi cũng tự hiểu, “phê” anh cũng bóp bụng mà “phê”, nên có thể đã lạc điệu trong không khí một bài viết ngắn!
Vâng, tờ báo, tạp chí này gọi anh là học giả. Tờ báo, tạp chí kia gọi anh là dịch giả. Danh nghĩa chính thức anh là giảng viên của một trường đại học và là hội viên một hội nhà văn. Còn tôi, riêng về các tác phẩm sáng tác, chưa nói đến mảng sách biên khảo, phiên dịch của anh, tôi nghĩ Nhật Chiêu là một tác giả uyên bác. Và như đã nói, gộp lại, với cái nhìn tổng thể, ngay chỉ với một “Đi dưới mưa hồng”, văn của Nhật Chiêu quả thật là một thứ hợp kim chưa từng có trong “bảng phân loại tuần hoàn”, “danh mục kim và á kim” văn chương Việt Nam hiện đại.
ngày 24-6 HB7(12-5 Đinh hợi HB7)
tại Phường 3, Tân Bình, TP. HCM.
(để cảm ơn anh Nhật Chiêu đã tặng sách)
Những bạn đọc trẻ tuổi của nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu có mặt trong cuốn sách: T. Dung, T. Hồng, K. Ngân; Thanh An (Bình Dương); Hồ Nguyễn Thái Oanh (THPT. Gia Định); Kim Yến (TP.HCM.); Quốc Đạt (Bình Thạnh); Nguyễn Thị Hương (Sóc Trăng); Lý Hồng Ân (Cần Giờ); Đoàn Bảo Châu (Hóc Môn); An Chi (TP.HCM.); Đinh Thị Minh Hiền (Đăklăk); Thanh Minh; Trần Thị Ngọc Tâm (Thủ Đức); Thanh Bình (Học viện HCQG.); Nguyễn Thị Mây (Củ Chi – TP.HCM.); Phạm Uyên Phương (SV.ĐHKHXH.&NV.); chimdrao@yahoo.com; Tạ Nguyễn Diệu My (lớp 9C Trường THCS. Nghĩa Phương, Quảng Ngãi); Cô bé rắc rối; Lê Thị Phi Anh (Long An); Trần Nữ Anh Thư (Tiền Giang); Trần Thị Mỹ Huệ (lớp 8, Đông Triều, Quảng Ninh); hatcaphe@easyvn.com; Phạm Thu Hằng (Q.3, TP.HCM.); Nguyễn Thị Thanh Trinh (lớp 10C1, Trường THPT. Trị An, Phú Lý, Vĩnh Cửu, Đồng Nai); Nguyễn Thị Ngọc Hân (THCS. Lý Thường Kiệt, An Giang); Bồng Sơn (visaolunglinh@hopthu.com); yimunk@yahoo.com; Dương Minh Thông (Bạc Liêu); Bùi Vũ Thanh Tú (107KC/17A Thoại Ngọc Hầu, P.18, Tân Bình, TP.HCM.); Thanh Tú; Nguyễn Khắc Minh (Bình Hưng Hoà, Tp.HCM.)…