Đọc thơ em tôi có cảm giác đó là một mảnh hồn vỡ dạt trôi trong một mùa nước lụt. Tôi nhặt được, trên đó những vết kỷ hà in dấu những cuộc tình khiến tôi nhận biết đây là một người đàn bà đa đoan, số phận không mấy nuông chiều về đường tình ái.
Nhiều hình ảnh thật lạ. Ngôn từ thật lạ. Liên tưởng cũng thật lạ. Ta có cảm giác khi em làm thơ, đôi khi tâm thức xô đẩy khiến em dạt trôi như những tàn tro bay ra từ một đống lửa khát yêu, khát sống, khát cả nỗi buồn, dù nỗi buồn chính là âm giai bất tận của bài ca Ngô Thị Hạnh.
Em có rất nhiều câu thơ hay, nhưng tôi không muốn trích dẫn ra đây, bởi làm thế sẽ thật oan uổng cho những câu thơ không được trích dẫn. Những câu thơ của Hạnh, nó là những anh chị em sinh đôi, sinh ba, sinh tư khá đồng đều. Hầu như đọc câu thơ nào cũng thấy thú vị. Tuy nhiên, tôi muốn trích ra đây hai câu. Không phải là hai câu thơ hay, mà là hai câu thơ đáng nói:
“Em nhớ những câu thơ do mình gạch bỏ
Như nhớ những đứa con em đã hủy đi rồi”
Bài “Gai nhọn”
Hai câu thơ này chênh vênh giữa sự da diết, yêu và đau. Nhưng một cảm xúc khác liền kề, trộn lẫn: một chút gì rờn rợn gần như nhẫn tâm.
Từ cuộc sống của em, những nhận biết của cảm xúc và tâm linh thẩm thấu nảy mầm thành những câu thơ như vậy. Nó ra đời tự thân và đột biến hầu như không trong sự toan tính của lý trí bình thường. Nó là tiếng nức bật ra giữa đêm trong một cơn mơ hoang dại sau một cuộc tình đổ vỡ mà chỉ có những người dấn thân vào đó với một sự khờ khạo thơ ngây vốn chỉ có ở trong những tâm hồn trinh nữ. au một cuộc tình đổ vỡ tính của lý trí bình thường. Nó là tiếng nức bật ra Và rồi người đọc được thẩm thấu ngược lại. Trong tâm hồn họ nảy nầm những hoa hồng hay cỏ dại, điều đó phụ thuộc vào sự cảm nhận của cuộc sống từng người, với trình độ, nhận thức và quan niệm khác nhau. Và chính điều đó là điều tôi thích.
Khen em thì tôi có thể khen mãi bởi vì đọc em không bị chán. Còn nếu phải chê em tôi sẽ chê em một điều: Em đã sinh ra không đúng thời thơ thăng hoa. Dù em có làm hay hơn nữa thì cũng thế thôi. Mỗi thời đại có một tiếng nói nghệ thuật riêng cuả mình. Thời đại này là của ca nhạc và điện ảnh.
Tuy nhiên em cứ làm Hạnh ạ, bởi vì em không thể không làm, trời đã nhất quyết bắt em phải đau khổ, phải buồn, phải trở thành nhà thơ trong cái thời mà thơ có phần bị rẻ rúng.