tặng anh chị đinh cường
chim tha mây về giăng cửa phủ
những chiều tà phố đứng trông mưa
hỡi bông hoa nở trong vườn quạnh
phong nhụy nào ủ kín sầu xưa
Na đau, Na đau, thật tình ba không biết cơn sốt con có màu gì. Có phải nó màu vàng giống bệt sơn đang lướt nhẹ mặt vải trắng tinh, dưới cây cọ, trên giá vẽ của ba lúc này không? Màu vàng, trông sang quí nhưng điềm đạm quá. Cơn sốt của con hẳn chói chang khủng khiếp hơn. Nó màu gì nhỉ ? Để coi, chắc chắn ba phải tìm thấy. Na đau, Na đau. Gió luồn qua khuôn cửa hẹp. Cơn mưa ngoài trời đã ngớt. Đêm đè nặng xuống mái hầm khối bóng tối đặc tro than. Đêm ở chỗ ba đang đứng, và đêm vây ngợp trong chỗ con nằm bên cạnh mẹ. Con có đang thấy gì không?
Na? Hay cơn sốt đã cướp lấy những giấc mộng xanh ngời của con mang đi xa? Mộng có biệt tích như hai chiếc răng sâu con đã để lạc mất không tìm thấy? Hai chiếc răng sâu nhổ hôm đầu tháng, con đòi ba rửa sạch mang từ phòng răng về và, con khư khư giữ chúng. Mỗi đêm con ôm chúng ngủ như ôm cái gì thật thân thiết, thân thiết hơn cả mẹ và ba. Con ôm hai chiếc răng sâu ngủ, giống thuở nhỏ ba ôm trái banh nhồi bằng nhựa cao su ngủ.
Những trái banh ấu thời ba không bao giờ tìm thấy lại được nữa, in hệt hai chiếc răng của con, mẹ bảo vì con ngủ quên nên chuột đã tha đi. Con thắc mắc chuột tha đi đâu? Mẹ bảo tha lên trời. Làm gì? Cho nàng Hằng Nga, bởi Hằng Nga cũng sún hai chiếc như con vậy đó. Ba và con cùng cười trước lời giải thích thần thoại của mẹ. Và ba nghĩ những trái banh thời măng sữa của ba chắc cũng bị con chuột nào đó tha chạy mất vào một hang động bí mật trong những cánh rừng cao su cao ngất Bình Dương.
Thế nào lúc con lớn cũng có lần ba dẫn con về Bình Dương, quê nội, lùng kiếm cái hang động thần tiên ấy. Bây giờ thì Bình Dương đang có những trận đánh lớn, và con đang đau. Chiều qua con đã sốt tới 40 độ. Mẹ bồng con ngồi xích lô đến một phòng mạch ngoài phố; ba với chiếc xe gắn máy cũ kỹ chạy quanh tìm những ông bạn quen. Ba đã gặp những ông bạn thân của ba tại một bàn nhậu trong câu lạc bộ thể thao. Họ kéo ba ngồi cho bằng được. Và, con biết sao không? Nhìn những chai rượu, những đĩa thức ăn đủ màu sắc bày trước mắt mình, ba tủi thân khôn xiết. Ba nghĩ, chỉ với nửa giá tiền một chai rượu những ông bạn ba đang nhậu, ba đã có thể mua cho
con thật nhiều thuốc uống và chích, khỏi phải xách xe chạy quanh. Nỗi buồn của ba màu gì con nhỉ? Tím than, xám ngoét,đỏ đen, hay rực rỡ như màu rượu? Màu gì đó thật giống màu cơn sốt của con. Bạn ba hào phóng, mỗi bữa nhậu có khi đốt cháy hàng trăm ngàn. Nhưng, làm sao ba mở miệng ra được để hỏi mượn tiền ông bạn khổ chủ trong tiệc rượu kia, giữa lúc họ đang vui vẻ đến thế. Ba run giọng cáo từ, rung chân lúc đạp chiếc xe già (bao giờ cũng) phải trên mười lần mới chịu nổ máy. Ba đã lao vút như gã thất chí qua nhiều con đường, mặc dù vẫn nhớ con và mẹ đang đợi ở phòng mạch. Gió và tốc độ làm ba nguôi dịu dần, đủ để có can đảm, bình tĩnh đến một địa chỉ vay mượn khác.
Hình như đêm đã quá sâu. Ánh đèn soi bóng ba ngã dài trên mặt đất ẩm. Lui tới giữa những tấm tranh khổ lớn, mùi sơn dầu thơm thoảng làm ba cảm thấy dễ chịu. Thế nhưng những khuôn mặt đỏ nhừ như những trái cà chua chín khổng lồ của đám bạn, khuôn mặt sốt đỏ hồng của con mãi còn nhảy múa đan lồng nhau diễu hành qua trí ba in hệt lũ hình giấy trong chiếc đèn kéo quân. Một ngày bất an đã qua. Những con đường rợp bóng cây ngoài phố phòng mạch, câu lạc bộ thể thao. Không, đó chẳng phải là những chỗ của ba. Chỗ của ba ở giữa hai bức tường này. Một chỗ yên ổn hơn bất cứ chỗ nào khác.
Một chỗ không phải là nhà, không là hang động, nhưng gần gần như thế, như con đã biết, nó là một căn hầm. Ngôi nhà chúng ta hiện ở nằm trong khuôn viên trường Cao đẳng mỹ thuật, nơi ba xuất thân hơn mười năm trước, giờ lui về giữ một chân giáo sư buồn tẻ ở đó. Trường bám đậu
trên phần đất của Đại nội mênh mông. Phần đất có vàng son phai trên những mái lầu, vẻ hoang thiêng thường xuyên bàng bạc quanh những cung điện chỉ còn nguy nga trong mắt...dế mèn sống thành bè lũ trong các hốc đá. Xiêm y, tàng lọng, xa giá, hài tiên, ngự thuyền, võng lụa lui về giấu mặt trong ngôi đền trí tưởng âm u, khép mù trong những cánh dơi chếnh choáng, trải ngất dọc mặt hồ lặng sóng sao sương.Nếp gấp tang thương đã khâu chặt lại, lạnh nhạt, dứt khoát trước những hoàng hôn và những bình minh riêng. Riêng một mặt trời, một vầng trăng vừa cô đơn vừa thắm thiết. Tách biệt, dứt đoạn hẳn với cõi sống sinh động ngoại thành. Đại nội bầy cổ thụ xõa tóc che nhòa hình nét, lũ đá dương mắt ngó cung trơ.
Đại nội: một dửng dưng khốc liệt, một lặng lẽ tuyệt cùng, một nấm mồ côi cút. Trước mắt bọn du khách thỉnh thoảng đến lom khom nghe những viên chức sở du lịch giảng giải các điển cố lịch sử, toàn cảnh chỉ gợi ở họ quá lắm là một chút ngậm ngùi, tiếc thương cho những triều đại hoang phế. Căn hầm đã có đâu từ những thời đại đó, bị vùi dưới lớp đất phủ dày, cỏ dại mọc lấp cả cửa vào, một buổi chiều ra vườn định xới vỡ vạt đất trống quanh cây sung cổ thụ trồng vài luống hoa, ba đã tình cờ khám phá ra nó. Hầm xây nổi trên mặt đất bằng những lớp gạch vững
chãi, thứ gạch thiên cổ đã dựng lên những lầu đài, cửa phủ hoang tịch kia. Ngụy trang trong lớp cỏ hoang dại, hầm có phải là kho chứa châu báu ngày xưa? Người ta bảo hầm là địa đạo để triều đình đào thoát ra ngoài mỗi lúc kinh thành có biến. Địa đạo trống rỗng, không một di tích vàng son nào ở đó, chỉ có bầy mối đất và lũ dế chào đón ba. Phải mất nhiều ngày khẩn hoang, tái thiết, tân trang, cái địa đạo nối dài hơn trăm thước đã bị lãng quên này mới phục sinh thành xưởng vẽ của ba bây giờ. Ba nghĩ, đây là nơi mấy trăm năm trước, từ ngày những người thợ đặt viên gạch đầu tiên cho công trình tác dựng. Những người thợ có lẽ bị chém chết lúc đường hầm hoàn tất để giữ kín bí mật. Mỗi viên gạch mỗi tảng vôi như còn quyến luyến ám ẩn chút hơi thở họ, chút tóc và xương của những hồn oan. Nhiều đêm, ba tưởng nghe thấy tiếng búa nện khắp dọc mặt tường, nhìn thấy những nụ cười rách rưới chợt mở lộ trên các kẽ nứt vỡ. Không, chẳng có chiếc hồn nghịch ngợm nào quấy phá ba.
Ba đến, thắp giùm họ ngọn đèn, mở rộng những cánh cửa cho họ nhìn thấy cây cỏ thiên nhiên, chim chóc trăng gió bên ngoài, mang theo mùi sơn dầu, mùi thuốc lá, và chính hơi thở của phổi tim ba trải đều qua từng ô vuông ẩm mốc, xua tan bầy khí ám. Ba mang đến cho căn hầm một thời tiết mới, một khí hậu riêng, ở đó, mọi âm vang đời sống bên ngoài không thể vọng tới. Đây
chính là nơi ba tìm thấy lại mình sau những giờ khắc huyên náo săn đuổi áo cơm. Trước giá vẽ, nơi này, ba an toàn giống người lính già trong pháo đài, nhẩn nha giết thì giờ bằng cách lau chùi cái báng súng bóng mướt mồ hôi trong tay mình, ba soi ngắm lại từng xúc động nhỏ, từng hồi tưởng vụn, từng hình ảnh trôi băng và không ngừng reo hò đòi ba thể hiện lên kính chiếu mọi đường nét phức tạp của chúng bằng kỹ thuật,những tảng màu. Khung vải là tấm kính chiếu thường xuyên chờ đợi ba với nỗi hiu quạnh ấm áp quanh nó. Quyết định hoàn tất nốt những tấm tranh sau cùng cho phòng triển lãm mùa xuân, mấy hôm nay ba gần như giam mình hẳn trong cái ngục thất cổ quái này.
Na, con có đồng ý với mẹ rằng, thế giới tranh ba là thế giới của những màu sắc và bóng hình hoài niệm? Ba đồng ý như thế, vì ba biết, dẫu tới trăm năm nữa ba cũng không thể giũ sạch mọi kỷ niệm đã đến và ở lại trong mình. Có lúc, ngồi trước tách trà, bên bạn bè, chẳng ai biết ba quay quắt nhớ những ngày mưa thơ ấu trong những cánh rừng cao su Bình Dương. Khuya khoắt, nằm cạnh mẹ, mẹ đâu biết ba ôn lại trong trí từng dòng của xấp thư dày trăm trang ba đã gửi mẹ
những ngày khốn đốn trên rừng cao Dran, hoặc những bông hồng mỗi chiều ngang qua nhà ngoại; ba đã lén đặt lên bờ cửa sổ phòng mẹ thuở hai người mới quen biết nhau. Ba lưu giữ kỷ
niệm giống kẻ bủn xỉn giữ từng đồng bạc cắc. Những người bạn từ 15 năm trước, giờ thất lạc mỗi người mỗi phương, có người nay đã chết, đi ra miền Bắc, ngồi tù, hay đang là những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ thời danh, có ai ngờ từng chiếc ảnh cũ, từng bài thơ viết tay, những tờ thư liên lạc của họ từ thời xa xưa đó còn trang trọng nằm trong hộc tủ của ba không? Quá khứ là lũ ma có hơi ấm sống chung chạ với ba, bất tử trong tranh ba; chỉ cần một thoáng hoài niệm mỏng manh, chúng hiện, chỉ cần một thoáng liên tưởng, chúng vụt quay gót trở lại, lừng lững, rõ nét, đủ màu sắc, hương thơm và âm vang. Mẹ thường gọi đùa lòng ba là cái cổ tàng viện mênh mông, nó rộng đến nỗi không biết tình yêu mẹ ba đặt ở đâu giữa bao thứ bề bộn ấy. Còn con, biết con ở chỗ nào trong ba không? Ở cùng khắp cả đấy, gái cưng! Mỗi tế bào, mỗi sợi râu ngọn tóc của ba đều ngời sáng bóng hình con, lúc thức cũng như lúc ba ngủ, và có lẽ cả sau khi ba chết.
Na, đứa con gái ra đời giữa thời khốn khó. Ba mãi còn nhớ như in cái đêm ba thắp đuốc đi trong giờ giới nghiêm, vượt qua nhiều trạm gác để đưa mẹ đến nhà bảo sanh, ôm cây đuốc ngồi dưới mái hiên cố trấn áp lòng hồi hộp bằng cách chú mục nhìn không chớp đỉnh tháp chuông ngôi nhà thờ bên kia đường,
lắng tai đợi nghe những tiếng khóc đầu tiên của con. (Ngọn tháp từ đó thấp thoáng rải rác trong khá nhiều bức tranh của ba, thân mật gần gũi một cách tình cờ). Con và mẹ giống nhau như hai hạt gạo huyền trân: đôi mắt nâu sáng ấy, đường mũi thẳng dịu ấy, chiếc cằm thon gọn ấy là những nét tiêu biểu cho mọi khuôn mặt người nữ trong thế giới màu sắc của ba. Những khuôn mặt như thể bao giờ cũng được nhìn thấy sau tấm màn khói sương mong manh, trừu tượng hơn là hiện thực.
Na, con sáo hót ca giữa đời ba, cho ba còn được thấy mình có những nụ cười chân thật. Con có những thắc mắc ngây thơ giống những đứa trẻ cùng lứa, và đôi khi có những ý tưởng thật bất ngờ. Nhớ không? Có lần nhìn pho tượng đàn bà bán thân đặt trên giá sách, con hỏi, sao cô này không có chân, ba? Ba đang bận chùi cái bu-gi của chiếc xe già, đáp qua quít, chân cô ta bị mẹ bẻ gãy quăng ngoài vườn rồi. Con ngơ ngác nhìn ba rồi mỉm cười, tội quá ba nhỉ, không có chân
làm sao cô ta đi tiểu? Con đâu biết người điêu khắc gửi gấm cái gì trên nửa thân người đàn bà kia. Con nhìn thấy ngay sự thiếu sót mà con không thể chấp nhận: Đôi chân để làm cái việc thông thường ấy, chứ không phải để chạy nhảy.
Ba thốt nghĩ đến những chiếc xe lăn tay thỉnh thoảng bắt gặp trên những ngả đường, và mừng thật tình khi nhìn xuống thấy mình còn nguyên vẹn hai chân. Ba đi đến kết luận: Sống còn đủ hai chân đã là hạnh phúc, đừng đòi hỏi gì hơn. Giản dị thế sao lâu nay mình không nhìn thấy nhỉ? Một hôm ba đèo con ra phố bị nhân viên công lực chận lại xét giấy tờ, lúc đi vì con giục quá, ba bỏ quên cái ví ở nhà nên bị giữ lại. Khi đã nhắn được người quen mang giấy tờ đến, về tới nhà, mặc dù ba đã giải thích là trẻ con không cần phải có các loại giấy bọc nhựa như người lớn, con vẫn nài nỉ khẩn thiết đến nỗi ba phải lấy miếng bìa, thay mặt chính quyền sở tại cấp cho con một cái thẻ giả. Thế là nữ công dân Na, 7 tuổi, có một thẻ kiểm tra không giống bất cứ công dân nào.
Thẻ do bố của đương sự ký, thay vì ông cảnh sát trưởng trong vùng ngụ cư, tấm ảnh dán phía góc trái là chiếc ảnh chụp đâu từ hồi con thôi nôi,trần truồng bụ bẫm nằm sát trên mặt bàn trải khăn ca rô,miệng cười toe. Con là một công dân lý tưởng, đi học luôn luôn mang theo thẻ kiểm tra trong cặp sách. Con chê ông cảnh sát đứng gác ở ngã tư đường gần trường hiền quá, chỉ cần ông hỏi là con sẽ xuất trình giấy tờ ngay, nhưng lão chẳng chịu hé môi, thổi còi mỗi lần con ngang qua. Ba thường đùa mỗi lần thấy con đi học về: Sao hôm nay ông cảnh sát đã chịu hỏi giấy tờ con chưa? Nhưng, có lẽ cái buồn cười nhất ở con là, cái tài nhại giống hệt mọi điệu bộ của những ông bạn thường lui tới nhà chúng ta. Chỉ cần nhìn con gãi trán, chắp tay sau lưng, ho sù sụ hoặc vuốt tóc, ngước mắt trầm ngâm nhìn trời là tức khắc ba và mẹ biết con đang đóng vai nhân vật nào: ông Trịnh nhạc sĩ, ông Hồ công chánh, ông Bửu dịch giả, ông Võ họa sĩ hay ông Lê nhà giáo, vân vân. Kịch sĩ Na còn bắt chước được cả nét mặt nhăn nhó, khó đăm đăm của mẹ lúc giận ba hoặc ngược lại. Có Na, bốn bức vách nhà mình quanh năm ấm áp tiếng cười. Những tiếng cười hai hôm nay bị cơn sốt giữ lại trong nanh vuốt nó, quạnh hiu xô tới bủa vây bốn phía làm ba ngợp.
Ba trở lại ngồi trước giá vẽ. Vệt sơn màu vàng loang trên khung vải trắng, và đêm sâu hút bên ngoài. Cơn sốt của con màu gì? Những ống màu nằm im trong khay gỗ, cây cọ, chiếc bay, những mẩu thuốc tàn. Có phải tất cả những thứ này có lúc thật không bằng một câu hỏi ngớ ngẩn của con? Không bằng nửa ly rượu lũ bạn ba uống quanh bàn nhậu? Không bằng một phần tám nét mặt nhăn nhó của con trong cơn đau? Không dưng, ba muốn bật một que diêm thiêu rụi tất cả. Ngọn lửa sẽ rực rỡ lắm, Na! Ba sẽ ngồi im trước cái giá vẽ vô tích sự này nhìn lửa liếm cháy dần những hình hài, màu sắc, muông thú, người, cảnh vật, và những cái gì gọi là bay lượn nhất của nghệ thuật, trí năng trong tranh ba. Căn hầm sẽ nghịt khói mù,lũ âm hồn muôn xưa sẽ cất tiếng cười rộ từ những kẽ vách rạn vỡ. Chắc chắn ba sẽ ho sặc sụa, ứa nước mắt vì khói cay, áo quần tóc tai, quá khứ tương lai sẽ cháy tiêu tan nếu không nhanh chân nhảy thoát ra ngoài.
Một ngọn lửa, quyến rũ quá phải không? Sau lửa sẽ là tro, hoang tàn, để bắt đầu thai dựng lại từ đầu. Những cái ngoi lên từ tro chắc phải tươi ngời hơn những cái có sẵn bây giờ. Lửa sẽ chuyển tới nguồn thần lực kỳ bí giúp ba trỗi dậy. Đôi cánh cũ càng bao năm vây ám trên đời sống chúng ta phải mở ra, để chúng ta bay thoát lên về phía một chân trời rộng thoáng hơn. Lửa, ngọn lửa bí nhiệm nào đã gọi ba từ Bình Dương ngút ngàn rừng cao su tới giữa vùng Đại nội phế bỏ này? Từ chốn hoang vu kia đến nơi hiu quạnh nọ: Bình Dương - Đại nội. Ba tới bằng bước đu bay định mệnh hay từ những cái nhún chân nhịp nhàng giống hệt lúc con chơi trò nhảy dây? Hai cách tới cùng khẳng định chỗ ngồi của ba lúc này, trong trật tự vốn được sắp xếp từ mẹ, con và biết bao thứ lỉnh kỉnh khác nghìn đời không thể hiểu.
Một trật tự êm ấm sau bao xoay trở tới lui? Ba cảm tưởng đâu đó sâu trong ruột trái đất có thật nhiều đòn bẩy đẩy bật ba nhảy loi choi từ vùng tối này đến vùng sáng khác, in hệt một con châu chấu, để cuối cùng (chắc gì đã cuối cùng?) thu mình nằm trong chiếc lá khô vàng là vùng đại nội âm u kinh khủng này. Búng mình lướt tới, ba đã ngoi dựng mình lên giữa bao thị thành, bến sông, núi non và những ga trạm nghỉ chân; đã bò sát mình trên những bãi tập lấm lem bụi cát, di chuyển mù mờ tựa chiếc bóng nhạt qua các trại binh, nhòa trong triệu bóng khác. Bước nhảy gần nhất, mới mẻ hơn cả chính là bước dừng lại trong vòng tay hẹp của mẹ và con. Bước từ những ngày yêu mê thứ nhất: có ngập ngừng buổi hẹn đầu, bàn tay trao nhau, có những bông hồng tình ý mỗi chiều mẹ nhận ân cần dồn đầy cặp sách, những lá thư bay múa theo từng trận
mưa mau, từng ngày nắng lớn, có cười đùa giận lẫy thỉnh thoảng đổi nhịp thành ghen tuông lánh mặt, có lễ dạm hỏi bước mạnh tới lễ cưới xin. Và có lẽ cuối thời con gái mẹ đã dành dụm được khá nhiều nuông chiều, để hôm nay đặt vào con tất cả. Na, con là cái mắt xích bền bỉ giữa mẹ và ba. Ba mẹ dát mỏng đời lót chỗ nằm cho con đó. Đời ngấm nồng từng giọt nước mắt, mồ hôi, và bát ngát cả mùi khai nước tiểu con trên chăn chiếu. Hai đời già dần cho một đời bé dại lớn mãi không ngừng. Ba đời góp chung nhau, chung những mùa màng nóng lạnh. Cám ơn trần gian, dù có lúc ba thù ghét thế gian, bởi giữa trần gian mênh mang đang có con bước tới, nô đùa trong tay nâng đỡ của ba và mẹ.
Gió trở cơn thổi thốc qua khuôn cửa hẹp làm đong đưa ngọn đèn treo lủng lẳng trên đầu ba, làm chao nghiêng chiếc bóng dưới chân giá vẽ trong một điệu múa quái dị. Ba nhìn chăm chăm bóng mình, và nghe ngọn lửa trong đầu nguôi dịu. Có phải một cơn sốt vừa đến với ba, vừa rút đi? Tháng chạp đã vơi quá nửa, phòng tranh mùa xuân, bầu khí ẩm thấp trong đường hầm này. Ba đã mong cầu một ngọn lửa đến phút trước? Lạ nhỉ? Để làm gì? Ngẩng nhìn lên kẽ nứt vỡ trên tường chợt lạnh lẽo, ngỡ như thấy một nụ cười vừa mở ra trên ấy, nụ cười nham nhở gạch vôi hắt trút xuống, bóng đèn thôi đong đưa, ba nhìn sững bóng mình đổ dưới chân bất động. Thốt nhiên ba quay lại, và thấy con. Con đứng sau lưng ba tự bao giờ.
“Con gọi, ba không nghe sao?”
Giọng con ngái ngủ, ấm dịu. Ba kinh ngạc ngắm con rồi ôm xốc con đặt vào lòng:
“Còn bệnh, con ra đây làm gì thế?”
Khăn quàng cổ và áo len ẩm hơi giá, con nheo mắt dưới ánh đèn chói, nũng nịu:
“Con lành bệnh rồi mà, ba không thấy sao?”
Buổi chiều còn sốt mê man, nửa đêm con có thể tự mở cửa ra khỏi phòng ngủ.Thật tình ba không thể tưởng tượng nổi.
“Mẹ đâu? Mẹ ngủ rồi phải không?”
Con gật đầu, đưa tay khẽ nghịch những sợi râu mọc lởm chởm dưới cằm ba, nhìn mảng sơn vàng rực trên khung vải mỉm cười:
“Ba vẽ cái gì đấy?”
“Cơn sốt của con”.
“Bộ con sốt sao?”
“Hồi chiều con nóng như lửa đốt”.
“Lửa đốt sao con không cháy? Ba xạo nhé”.
Cơn sốt đã không thể đốt cháy được con, đúng thế, Na!
Ba có cảm tưởng như con vừa trở về từ một cung điện nào đó sâu trong lòng đại nội hoang vu, áo ngời biếc ánh sao, khăn còn ủ nồng hương cỏ dại. Đôi mắt, chiếc miệng con là mắt miệng của cô công chúa nhỏ ngủ quên mấy trăm năm trong thâm cung cô tịch, vụt sững sờ ngơ ngác kiếm tìm. Có phải con đã cất tiếng gọi. Chẳng phải gọi ba mà gọi bầy chim chơ vơ trên nguyệt lầu xưa, bầy thiên nga trong vườn ngự uyển cũ, gọi lũ cung nữ giờ biến mất đâu không tìm thấy? Tội nghiệp cô công chúa lạc loài không hài vàng áo gấm. Cô công chúa bị đầy đọa đến hàng thứ dân, làm con gái của một gã họa sĩ nghèo rớt mùng tơi, nghèo mạt rệp. Cô công chúa ngồi trong
lòng ba có nghĩ gì những ngày nguy nga xưa không nhỉ? Không,con đâu thèm làm công chúa, phải không? Con là Na, gái nhỏ cưng của ba. Con đã đội trời đêm nặng trĩu trên đầu, mang theo luồng gió thắm vào nơi hiu quạnh này, ban phát ánh sáng cho mọi vật, và hơi ấm riêng cho ba. Na, quả tình con thật tuyệt diệu. Bao nhiêu sơn cọ, nghệ thuật, buồn vui không bằng được một cái mỉm cười của con: Con mỉm cười, mùa xuân ba vụt mở. Với con ấm áp cuộn mình trong tay, lòng ba như thể vừa rộng nghìn phương hướng mới.
“Ba, kể tiếp chuyện Bạch Tuyết và bảy chú lùn đi”.
“Hôm kia tới đoạn nào rồi nhỉ.”
“Đoạn Bạch Tuyết ăn phải trái táo độc của mụ phù thủy”.
“Thế rồi...”
Giọng ba trầm đều. Trầm đến độ tưởng chừng chạm tới đáy đêm êm tịnh, đều đến nỗi dần ru chiếc đầu con ngả xuống vai ba thiu thiu ngủ. Con ngủ trong lòng ba đêm nay, sau cơn sốt dữ, như mẹ ngủ mê mệt trong nhà sau nhiều đêm thức canh, như những cánh rừng cao su của ba giờ này chắc đã ngủ yên sau một ngày lửa đạn gầm rú. Sau mi mắt nhắm của con khép đóng một ngày ba quẩn quanh nản nhọc, khép đóng lại âu lo của mọi thời. Sớm mai con mở mắt ra là, khai mở những ngày, những thời khắc mới. Ba đâu cần nữa ngọn lửa để đổi mới đời, ba chỉ cần đôi mắt ngời sáng của con nhìn giùm ba những ngày vui chưa tới, nhờ vai con gánh giùm ba những dự ước gần gũi, nhờ tay con ôm giùm những bó hạnh phúc sẽ như củi hái trong những cánh rừng mai sau.
Na, mọi cơn sốt sẽ phải chào thua chúng ta. Ngày mai con lại tung tăng cặp sách đến trường, con sẽ nghiêng đầu ngắm nghía những màu sắc vui rực trong tranh ba. Chắc chắn phòng tranh của ba sẽ mở với chim chóc, hoa lá tươi ngời hơn mười năm xưa. Bạn bè ba sẽ phải ngạc nhiên, tất cả họa sĩ trên mặt đất này sẽ phải ngạc nhiên khi ba dành vinh dự cắt băng khai mạc phòng triển lãm của ba cho một cô bé 7 tuổi. Na, con thừa sức bắt chước đúng điệu bộ những ông lớn thường cắt băng khai mạc các phòng tranh chứ? Nhại y chang điệu bộ kẻ khác là nghề của con mà. Con sẽ cầm kéo cắt băng mở phòng tranh ba, con sẽ nhún vai rất kiểu cách, rất văn học nghệ thuật, trao bàn tay nhỏ bé của con cho ba cười bảo: Nào ông họa sĩ, dẫn tôi đi một vòng xem ông vẽ cái gì nào!
Na, chỉ tưởng tượng thế ba đã hãnh diện ngút ngàn. Phòng tranh mùa xuân năm nay có thể rất ế, vì hầu hết mọi bức tranh đều ghi dành riêng cho gái cưng của ba. Trong khi chờ đợi phòng tranh mở cửa, ba trả lại con chỗ nằm ấm êm bên mẹ. Ba vác con lên vai bước ra khỏi căn hầm, chạy trốn ngọn đèn ma quái kia, chạy trốn mọi ám ảnh. Con đang nhắm mắt, nhưng ba tin con, con đang thấy những ngôi sao đẹp nhất mùa đông đang vẫy chào chúng ta cuối đỉnh trời mang mang trăm lớp gió thắm. Những ngôi sao chúc con ngủ ngon và thầm bảo rằng, khuya nay, ngọn gió tây sẽ thổi mùa xuân về với chúng ta. Mùi hoa hồng đang thơm lừng trên lối vào nhà đó, con ngửi thấy nó trong mơ chứ, Na, Na?
1973