Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.225
123.153.347
 
Điệu hò cách cảm
Trương Hoàng Minh

Sau ba mươi lăm năm tôi mới trở lại cố đô Huế lần thứ nhất. Xa vắng một thời gian dài hơn nửa đời người mới tái ngộ, chắc Huế bây giờ đã đổi thay nhiều lắm? Tôi hỏi cô gái lễ tân xinh đẹp. Cô trả lời nhỏ nhẹ dễ thương :

-Dạ thưa xứ Huế bây giờ, Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương (*)  chú ạ.

-Quá tuyệt vời! Một câu trả lời không chê vào đâu được. Đúng là tài tử gặp giai nhân. Nhà thơ Nguyễn Bạch Dương buộc miệng khen nức nở.

-Chẳng những giai nhân mà còn thi nhân nữa chứ, anh Bạch Dương? Văn Quốc Thanh phụ hoạ.

Bạch Dương gục gặc đầu ra vẻ đồng tình. Cô gái lễ tân mỉm cười e thẹn trông càng dễ thương hơn. Người Huế là vậy, lúc nào cũng dịu dàng nhỏ nhẹ pha chút mộng mơ. Cô gái lễ tân lại mặc chiếc áo dài của những nữ sinh Đồng Khánh xưa kia, màu trắng nhẹ nhàng thanh khiết, càng làm tăng thêm nét duyên dáng, trữ tình của những cô gái Huế.

 

Nhìn cô gái lễ tân tôi chợt nhớ Tôn Nữ Kim Luông. Trước kia nàng cũng là nữ sinh Đồng Khánh. Đậu Tú tài toàn phần nàng cùng người anh chú bác – Tôn Thất Chiến – vào Sài Gòn học Đại học Quốc Gia Hành Chánh cùng tôi. Chiến là cầu nối giữa tôi và Kim Luông. Chúng tôi yêu nhau và hứa hẹn sau khi ra trường sẽ thành hôn. Không ngờ tôi với nàng có duyên mà nợ không bền…

 

Năm Mậu Thân, tôi ra Huế ăn tết với Chiến và Kim Luông. Nhà họ ở gần sân bay Tây Lộc, trong thành nội. Được ăn tết với người yêu ở xứ sở của sông xanh nước biếc và nhiều "vẻ đẹp mơ mộng của Á đông huyền bí tự ngàn xưa" thì có gì vui và hạnh phúc cho bằng. Nào ngờ, ngay đêm giao thừa, chiến tranh đã cướp mất cái niềm vui và hạnh phúc của tôi một cách tàn nhẫn. Vâng! Chiến tranh là con ác quỉ đầy nanh vuốt, tàn bạo và khát máu nhất trần gian. Trên đường nó đi, nó giết tất cả không chừa một ai, tàn phá tất cả những gì nó gặp, kể cả hài nhi trong bụng mẹ và xác chết nằm trong quan tài cũng không thoát khỏi nanh vuốt của nó. Sau bước chân nó là máu đổ thịt rơi, ruộng đồng sơ xác, cầu đường hư gãy, vườn tược tan hoang, nhà cửa, đền đài, cung điện trở thành đống gạch vụng. Đình chùa, miếu mạo và những nơi thờ tự tôn nghiêm khác nó cũng không chừa. Ngay cả đêm giao thừa là đêm thiêng liêng nhất của dân tộc, mùa xuân là mùa đẹp nhất của nhân quần nó còn biến thành đêm thê lương, mùa tang tóc thì sá gì tình yêu và hạnh phúc cỏn con của tôi!

 

Cả vùng Tây Lộc chìm trong biển lửa và máu. Gia đình Chiến chết thiêu. Ba Kim Luông tan xác trong mưa bom bão đạn. Tôi và nàng may mắn thoát chết, bồng bế cả gia đình tản cư sang khuôn viên trường đại học Sư Phạm bên bờ nam sông Hương. Kim Luông có bốn chị em, toàn gái. Tôi bất đắc dĩ  trở thành cột trụ trong gia đình, là chỗ dựa cả vật chất và tinh thần của họ trước và sau khi con ác quỉ bị tống ra khỏi thành phố Huế. Hai vai tôi bỗng dưng nặng trịch, con đường trở về Nam xa ngút ngái, bao nhiêu mộng đẹp tiêu tan theo mây khói, ông phó Đốc sự tương lai phút chốc thành kẻ ăn mày! Mang thuê, vác mướn, đạp xích lô…Lão trời già quá ư cay nghiệt sắp xếp cho tôi làm con rể đất Thần Kinh hết sức cơ cầu? Bắt tôi phải nhắm mắt xuôi tay tuân theo định số, chẳng chừa một con đường nhỏ thoát thân. Mà, khi mọi việc đã được an bài rồi nếu mình chạy trốn trách nhiệm thì còn gì là đấng mày râu, còn đâu là cội tùng quân cho…năm giây cát đằng núp bóng. Thôi thì đến đâu hay đến đó. Tôi tự an ủi mình.

 

Một hôm, tôi đi làm thuê trong chợ An Cựu bị bọn Quân Cảnh hỏi giấy tờ. Tôi không còn một tấm giấy lộn để trình cho chúng vì đã mất sạch trong lúc chạy loạn. Giữ lại được thân thể nầy là quí lắm rồi. Tôi chỉ còn cách nói thật với chúng về hoàn cảnh của mình. Thấy tôi là người miền Nam hiếm hoi ở đây, không có  thân thuộc, thân thế, bọn chúng bèn đòi tôi một trăm ngàn, nếu không sẽ bắt đi quân dịch. Trời ơi! Làm thuê làm mướn nuôi sáu miệng ăn còn đói lên đói xuống thì tiền đâu lo cho chúng? Tôi năn nỉ. Chúng hạ xuống bảy chục rồi năm chục ngàn tôi vẫn không thể nào đáp ứng được. Thế là tôi trở thành móng vuốt của con quỉ tàn bạo khát máu, lê bước chinh nhân khắp vùng Khe Sanh, A Sao, A Lưới…gieo đau thương mất mát cho dân lành vô tội và núi rừng vô tư suốt một thời gian dài. Cùi đâu sợ lở , tôi làm đơn khiếu nại để được đi sĩ quan. Sau mười tám tháng huấn luyện tôi lại bị ném vào chiến trường cũ. Thời gian nầy tôi thường xuyên thư từ với Kim Luông và thỉnh thoảng về phép thăm nàng. Vào mùa hè đỏ lửa năm một chín bảy hai, tôi bị phía bên kia bắt làm tù binh sau một trận công đồn ác liệt. Ở bên này, đơn vị báo tôi mất tích. Tôi mất liên lạc với Kim Luông từ ấy. Mải đến sau ngày giải phóng miền Nam tôi mới được trả tự do đoàn tụ với gia đình. Tôi đã gởi cho Kim Luông bốn năm lá thư nhưng không hề nhận được hồi âm. Tôi độ chắc nàng đã xuất ngoại.

 

Ra Huế lần nầy ngoài chuyện đi thực tế sáng tác cùng đoàn văn nghệ sĩ tỉnh, tôi còn có ý định dò tìm tông tích Kim Luông. Tuy nhiên, thời gian ở đây chỉ ba ngày, tôi lại không có thông tin gì của nàng nên Văn Quốc Thanh đùa :

-Những người có mộng làm giàu bằng vé số kiến thiết ngưòi ta thường ví như người mò kim đáy biển. Mộng của anh tuy không giống như họ nhưng tôi thấy anh cũng là người đáy biển mò kim, anh Trương Hoàng Minh ạ?

-Văn Quốc Thanh nói cũng có lý nhưng tôi nghĩ anh không nên bi quan, anh Trương Hoàng Minh. Biết đâu thần giao cách cảm sẽ dẫn anh tới gặp chị ấy hoặc dẫn chị ấy tới gặp anh rồi sao? Vả lại, em ơi trái đất vẫn tròn, chúng mình hai đứa vẫn còn gặp nhau mà lị? Nguyễn Bạch Dương khôi hài động viên tôi.

-Không bi quan cũng không được vì thời gian ngắn quá. Tôi nói giọng buồn buồn. Nếu thời gian dài hơn tôi hy vọng sẽ tìm được Kim Luông, ngoại trừ nàng xuất ngoại và…đã chết!

 

Nói đến điều xấu nhất bỗng dưng lòng tôi nghe bồn chồn lo lắng. Có phải chăng đó là thần giao cách cảm mà Bạch Dương vừa nói cho tôi nghe? Hay là linh hồn nàng về mách bảo? Có thể là đây. Vì, dù tôi và nàng chưa chính thức làm lễ thượng đăng bái đường, hợp cẩn giao bôi, động phòng hoa chúc nhưng đã thật sự thành thân. Cổ ngữ có câu : Nhứt nhựt đồng sàng chung dạ ái. Nhứt dạ phu thê hề bá dạ ân . Theo đó thì chỉ một ngày một đêm làm vợ chồng thôi mà nợ ái ân còn  nặng như trăm đêm huống hồ tôi và Kim Luông đã ăn ở với nhau cả tháng thì đạo phu thê nghĩa nặng biết đến dường nào? Xem ra chắc nàng đã chết thật rồi! Nếu không tại sao tôi lại bồn chồn lo lắng khi nghĩ đến điều nầy? Tôi cố nén tiếng thở dài nhưng không dấu được hai người bạn thân rất nhạy cảm và tế nhị. Văn Quốc Thanh đề nghị đi uống cà phê. Nguyễn Bạch Dương đồng ý ngay.

-Du khách đến Huế có rất nhiều thứ để tham quan. Nguyễn Bạch Dương vừa quậy ly cà phê đá vừa chuyển câu chuyện sang hướng khác. Ai muốn tìm lại dấu vết lịch sử một thời vàng son của triều Nguyễn thì đến Kinh thành cổ kính xem thành quách, đền đài, cung điện và các lăng tẫm của các vì vua. Ai muốn thưởng ngoạn thì tìm đến những danh lam thắng cảnh. Còn ai muốn hoà mình vào thiên nhiên cây xanh nước biếc thì hãy đến những vùng vườn cặp theo đôi bờ sông Hương. Đây là điểm đặc biệt của Huế, thành phố của những vùng vườn mà ít người biết và không thành phố nào có được.

-Ngoài những thú vui trên, Huế còn thú vui nào nữa không? Văn Quốc Thanh  hỏi.

-Còn chứ. Nguyễn Bạch Dương gật đầu phấn khởi. Ai muốn thưởng thức các món ăn và các món chè Huế thì đến Đông Ba, Gia Hội, Nam Phổ, Ngự Bình… Trái cây đặc sản có quýt Hương Cần, thanh trà Nguyệt Biều nổi tiếng thơm ngon. Còn  ai muốn biết tâm tư tình cảm và niềm vui nỗi buồn của người dân xứ Huế thì hãy xuống thuyền nghe ca Huế, một thú vui thanh bai tao nhã đã tồn tại ba bốn thế kỷ qua. Hai anh có nghe ca Huế lần nào chưa? Đến Huế mà không nghe ca Huế là một thiếu sót đấy nghe.

-Anh có thể tạo điều kiện cho tôi và Trương Hoàng Minh nghe ca Huế không? Văn Quốc Thanh lại hỏi.

-Tất nhiên là được thôi. Nguyễn Bạch Dương khẳng định.

-Trước khi nghe ca Huế, anh hãy nói sơ về nghệ thuật nầy cho tụi tôi nghe đi? Văn Quốc Thanh đề nghị.

-Ca Huế là một loại ca nhạc cổ truyền dân tộc mang âm hưởng riêng của vùng đất Huế. Nó có nguồn gốc từ cung đình, là loại nhạc "thính phòng" của vua chúa, quan lại và giới danh gia vọng tộc. Lúc đầu ca Huế chỉ phổ biến chốn cung đình, là thú vui của các tầng lớp thượng lưu, dần dần về sau mới được phổ biến rộng rãi trong dân gian và trở thành một sinh hoạt văn nghệ đặc biệt được mọi người ưa thích. Bài bản ca Huế rất nhiều, tiêu biểu có các bài Long ngâm, Đăng đàn cung, Cổ bản, Phú lục, Nam ai, Nam bình…Sau khi được dân gian hoá, ca Huế lại hoà nhập vào những làn điệu dân ca nên có thêm những điệu Lý, điệu Hò như lý Qua đèo, lý Huê tình, hò Mái Đẩy, hò Giả gạo…Nhạc cụ thì có các loại đàn Tranh, Kìm, Tỳ bà, Độc huyền, trống, bộ gõ…Có thể nói ca Huế là món ăn tinh thần của người Huế, diễn tả niềm vui nỗi buồn, nhớ thương, mừng giận của cả người Huế xưa và nay.

 

Tôi đưa mắt nhìn Nguyễn Bạch Dương. Trời sanh anh làm thi sĩ thật không nhầm. Anh biết về Huế nhiều quá. Tôi đã từng ở Huế cả tháng nhưng mức hiểu biết còn hạn chế hơn anh nhiều. Có lẽ do phải vật lộn với cuộc sống nên tôi không có thời gian ngắm cảnh xem hoa, nghiên cứu sách vở thành thử  dốt nát hơn anh.

 

Nguyễn Bạch Dương còn vô tình chạm phải một kỷ niệm vừa đẹp vừa buồn trong lòng tôi khiến nó bừng sống lại. Hồi học Quốc Gia Hành Chánh, Kim Luông thường hát cho tôi nghe những bài ca Huế như Nam Ai, Nam Bình, lý Năm Canh, lý Tử Vi và hò Mái Đẩy. Tuy giọng hát hò của nàng chưa điêu luyện bằng những nghệ nhân chuyên nghiệp nhưng nghe vẫn ngọt ngào, hiền dịu , trang nhã và sâu lắng vô cùng. Hay nhất, cảm động nhất khi nàng hò Mái Đẩy bài thơ của cụ Ưng Bình Thúc Giạ cảm thán vua Duy Tân mưu toan khởi nghĩa chống Pháp không thành. Khi tôi bị bắt quân dịch trong Trung tâm nhập ngũ số 1 nàng có vào thăm và hò cho tôi nghe một lần nữa. Có lẽ nàng linh cảm được đấy là cuộc chia tay vĩnh viễn nên vừa hò vừa khóc khiến tôi cũng không cầm được nước mắt.

*

Nhờ tài giao thiệp của Nguyễn Bạch Dương, đoàn chúng tôi được chị trưởng đoàn đồng ý cho nghe một suất ca Huế trên thuyền giữa giòng Hương Giang thơ mộng. Buổi biểu diễn sẽ bắt đầu vào lúc mười chín giờ. Xế chiều. Tôi rủ hai bạn đi dạo phố. Huế bây giờ khác xưa khá nhiều. Đường nào cũng có khách sạn, nhà hàng và hàng dãy nhà cao tầng uy nghi lộng lẫy. Tuy nhiên, các kiến trúc trên dù có hiện đại đến đâu vẫn lạc lõng, thô cứng trong một thành phố có muôn ngàn cây xanh và nước biếc như thành phố Huế. Hay nói cách khác, những kiến trúc trên như một nút ruồi to quá cỡ trên gương mặt mịn màn, kiều diễm của một giai nhân vậy.

 

Nguyễn Bạch Dương nói đúng. Vẻ nên thơ của Huế bắt nguồn bằng cây xanh, nước biếc. Bất cứ con đường nào cũng có cây xanh bóng mát. Đặc biệt con đường Lê Lợi  cặp theo bờ nam sông Hương nằm dưới một cái hầm khổng lồ bởi hàng ngàn tán láhai bên đường tạo nên. Một khu vườn tượng nằm bên phải dốc cầu Trường Tiền, trước cửa trường Đại học Sư Phạm cũng phủ đầy cỏ xanh và bóng mát là nơi nghỉ chân của khách nhàn du. Ban đêm nó lại biến thành thế giới riêng của các bạn trẻ, lãng mạn, trữ tình, ấm cúng làm sao. Vài đôi tình nhân thì thầm tâm sự. Vài đôi khác ôm hôn nhau thắm thiết… Tôi đưa mắt thẫn thờ nhìn ngôi trường cũ, lòng ngùi ngùi nhớ đến Kim Luông. Những kỷ niệm xưa rần rật kéo về như đoàn xe đang băng băng trên phố. Ba mươi lăm năm trước , tại nơi nầy, dù thời gian ngắn ngủi và cuộc sống quá cơ cực nhưng tôi và Kim Luông đã sống bên nhau tràn đầy tin yêu và hạnh phúc. Còn bây giờ…Tôi bước sang bên kia đường. Cửa trường đóng kín. Tôi đến vịn song sắt nhìn vào. Sân trường vắng hoe. Chỉ có sắc hoa hồng tươi rói, hoa cúc vàng rực rỡ trong chiều hoàng hôn. Bốn dãy phòng học dưới trên đều lặng ngắt, trước sau chẳng thấy bóng người. hoa đào năm ngoái còn cười gió đông (Kiều) ! Tôi định ngày mai, ngày mốt sẽ không theo đoàn màsang Tây Lộc dò hỏi tin nàng.

 

Tối. Đường phố rực rỡ ánh đèn. Từng đoàn khách dạo mát dập dìu trên đôi bờ sông Hương. Cầu Trường Tiền sắc màu lộng lẫy, mỗi nhịp mỗi màu trông như sáu cái cầu vồng. Bến Phú Văn Lâu cổ kính trầm mặc như còn vang vọng dư âm hàng trăm năm lịch sử. Phía sau là Kỳ đài đồ sộ cao vút giữa trời mây như còn khẳng định uy lực đã mất của một vương triều. Chợ Đông Ba đông vui tấp nập kẻ mua người bán. Hàng quán nào cũng chật ních người. Huế bây giờ là như thế đấy. Hiện đại. Văn minh. Tuy nhiên, khi nhìn kỹ hơn thì Huế vẫn giữ được diện mạo cố hữu của mình. Nhịp sống của người dân không có vẻ căng thẳng ồn ào như những thành phố công nghiệp khác. Tính cách của họ cũng ít đổi thay, vẫn mềm mỏng, ngọt ngào, dịu dàng, nhỏ nhẹ.

 

Đến giờ hẹn, khán giả đầy đủ, thuyền rời bến ra neo giữa giòng sông Hương. Đoàn nghệ nhân có bảy người. Ba nhạc sĩ đàn tranh, kìm và độc huyền. Bốn ca sĩ toàn nữ. Họ biểu diễn phía trước mũi, khán giả ngồi đối diện. Mở đầu, ban nhạc hoà tấu bài Long Ngâm chào khách. Kế đến một nữ nghệ nhân độc tấu đàn tranh bài Đăng Đàn Cung. Khi âm thanh của những tiếng đàn vang lên, hoà quyện vào nhau khi bổng khi trầm lúc khoan lúc nhặt thì cả thính phòng im phăng phắc, người trên ghế khen tài châu ngọc, khách dưới đèn đắm khúc tiêu tao (**). Rất tiếc là tôi bất tài, không đủ bản lãnh ngôn từ để diễn tả cái hay của điệu đàn, sự điêu luyện của người đánh đàn. Sau đó, bốn  ca sĩ lần lượt trình bày các bài Cổ bản, Phú lục, Tứ đại cảnh, Chầu văn cùng các điệu Lý mười thương, Lý qua đèo sang Lý ngựa ô, Lý Huê tình và các điệu hò Mái nhì, Giả gạo. Nếu âm hưởng của các bài Cổ bản, Phú lục, Tứ đại cảnh êm đềm sâu lắng qua giọng hát truyền cảm của các chị Ngọc Trâm, Thanh Trúc thì bài  Chầu văn lại vui nhộn rộn ràng qua làn hơi khoẻ khoắn, trẻ trung của Diễm Trang, cộng với tài gõ đũa, gõ tách gốm sứ tuyệt vời của Kim Phúc,  Thanh Trúc khiến cả thính phòng tràn ngập tiếng suối reo róc rách, tiếng vó ngựa dập dồn. Còn các điệu thì điệu nào cũng thể hiện chất lãng mạn trữ tình. Đặc biệt, Kim Phúc rất duyên dáng và nhí nhảnh dễ thương trong điệu Lý huê tình và ngọt ngào tình tứ với điệu Lý mười thương. Nghe xong bài nầy, hồn thơ của Nguyễn Bạch Dương ngẫu hứng, xuất khẩu thành thơ rồi đọc lên cho cả thính phòng nghe :"Hát chi đến chín mười thương. Một thương cũng đủ quên đường về quê". Quá tuyệt vời! Tiếng vỗ tay tán thưởng vang lên đồng loạt một hồi lâu mới dứt.

Gần cuối chương trình, tay MC giới thiệu nữ nghệ sĩ Kim Minh vừa mới đến trình bày điệu Hò mái đẩy hay còn gọi là hò mái nhì. Kim Minh bước ra cúi đầu chào khán giả. Đó là một người đàn bà ngoài năm mươi, rong rỏng cao, mặc chiếc áo dài màu tím đậm thêu hoa kim tuyến trên ngực áo. Đầu chị đội mấn vàng, mặt trang điểm nhẹ. Trông chị trang nhã, thanh thoát nhưng trên mặt phảng phất chút u buồn. Thấy chị mặc áo màu tím tôi chợt nhớ một lần Kim Luông nói với tôi có thời "màu tím Huế" được xem là biểu tượng của sự tinh tế, trang nhã và được chọn làm đồng phục của nữ sinh. Đặc biệt người ta hay mặc áo màu tím trong những dịp giao tiếp và kỵ giỗ. Chắc Kim Minh cũng có dụng ý đó?

Kim Minh mỉm cười tự giới thiệu sự có mặt bất ngờ của mình :

-Kính thưa quí quan khách. Theo chương trình thì đêm nay tôi không được hân hạnh phục vụ quí quan khách tại buổi biểu diễn nầy. Tuy nhiên, tôi có người bạn thân ở cùng quê hương với quí quan khách rất thích nghe ca Huế. Tôi đã từng ca cho anh nghe cách nay mấy mươi năm. Hôm nay, sẳn dịp quí quan khách ra đây tôi tranh thủ đến mượn lời ca tiếng hát của mình gởi chút tâm tình về cho anh. Quí quan khách có vui lòng mang giúp tôi về trong nớ không hỉ ?

"Rất sẳn sàng!". Mọi người đồng loạt hô vang và vổ tay tán thưởng nhiệt tình.

Kim Minh tiếp :

-Đặc biệt, anh rất thích tôi hò Mái đẩy bài thơ của cụ Ưng Bình Thúc Giạ nên tôi sẽ hò bài nớ và cũng để tặng quí quan khách luôn.

 

Mọi người lại vỗ tay. Kim Minh quay lại nói gì đó với những nhạc sĩ. Ban nhạc cất lên khúc dạo đầu. Chị cất tiếng hò :

-Hò…ơ…ơ…ơ…Chiều chiều…Trước bến Văn Lâu, ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm…Ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông… Thuyền ai thấp thoáng bên sông. Nghe câu

mái đẩy…nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non.

 

Giọng hò của Kim Minh nghe ai oán, thắt ruột làm sao! Dĩ nhiên trong đó có nghệ thuật diễn cảm và có cả nỗi lòng của chị ấy. Tôi giật mình và nghe lòng nôn nao xao xuyến. Kết hợp những lời nói hồi nãy và điệu hò vừa qua, thật ra chị ấy là ai? Có phải Kim Luông không hay là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó? Không! Trên đời nầy làm gì có sự trùng hợp y chang như vậy, cũng bài thơ ấy và điệu hò ấy? Chắc chắn là Kim Luông rồi. Nếu không phải nàng sao giọng hò quá thiết tha, ai oán? Tôi căng mắt nhìn Kim Minh mong tìm vài nét quen thuộc. Nhưng, ánh đèn néon chạy bằng bình ắc qui không sáng lắm, lại ngồi hơi xa nên tôi không thấy rõ mặt chị ấy. Hơn nữa, nếu là Kim Luông, bây giờ nàng cũng xấp xỉ tuổi tôi, già rồi, má hóp da nhăn, khó mà nhận ra trong cảnh tranh tối tranh sáng như thế nầy.

 

Hò xong Kim Minh lui vào phía sau. Tôi đứng lên ngồi xuống mấy lần định đến gặp Kim Minh nhưng thấy bất lịch sự quá. Chương trình được tiếp tục với điệu hò Giả gạo do Kim Phúc cùng một nam nhạc sĩ trình bày. Tôi không còn tâm trí đâu nghe hát hò nữa mà trông cho chương trình sớm chấm dứt để đến gặp Kim Minh. Lòng tôi như đang bị lửa đốt. Mặt ghế như có chông. Một phút của tôi lúc nầy bằng một giờ trên thực tế.

 

Thật may cho tôi, sau điệu hò Giả gạo đến thả hoa đăng là hết chương trình. Trong khi mọi người xúm nhau đến bàn đốt đèn cầy gắn vào hoa giấy thả xuống sông Hương, tôi lách mình tìm đến chỗ Kim Minh. Chị ấy đang lum khum thả đèn cùng chị trưởng đoàn. Tôi gọi nhỏ :

-Chị Kim Minh!

Kim Minh đứng lên quay lại phía tôi. Bốn mắt nhìn nhau sững sờ, chết lặng. Tôi gọi khẽ khàng :

-Kim Luông!

Nàng xúc động nghẹn ngào :

-A..an...anh…Minh! Anh Trương Hoàng Minh phải không?

Tôi gật. Nàng đưa hai tay lên ngực. Tôi nắm lấy tay nàng để tìm cảm giác ngày xưa. Mắt nàng chớp chớp, đôi môi run run. Tôi cũng nghe hai mắt mình cay cay. Nàng mấp máy đôi môi định nói gì đó thì Kim Phúc  bước đến hỏi :

-Ai rứa mạ?

Kim Luông buông tay tôi ra, lấy khăn chậm nhẹ lên mặt, lên mắt, cố lấy lại bình tỉnh trả lời Kim Phúc :

-Bác Trương Hoàng Minh, bạn học của mạ ba mươi lăm năm về trước. Con em đó anh. Chào bác đi con.

 

Kim Phúc gật đầu chào tôi. Tôi hỏi Kim Luông có mấy con. Nàng nói chỉ một mình Kim Phúc. Tôi đưa mắt nhìn Kim Phúc rồi nhìn Kim Luông. Nàng khẽ lắc đầu. Đã khá khuya lại đông người khó nói chuyện nên tôi hẹn gặp lại Kim Luông sáng mai tại phòng lễ tân khách sạn.

Hôm sau Kim Luông đến khách sạn. Tôi giới thiệu nàng với Bạch Dương và Quốc Thanh. Bạch Dương vui vẻ kể lại chuyện hôm qua cho nàng nghe rồi khoe :

-Chị thấy tôi tài không? Tôi biết thế nào thần giao cách cảm cũng dẫn hai người gặp nhau mà.

-Anh nói còn thiếu. Quốc Thanh chen vào. Cuộc hội ngộ kỳ thú của họ không chỉ do thần giao cách cảm mà còn do điệu hò Mái đẩy nữa, đúng không?

Cả bọn nhìn nhau cười xoà.

 

Kim Luông  đưa tôi về nhà nàng  để dễ dàng hàn huyên  tâm sự. Nàng  lại sai

Kim Phúc đi chợ mua thức ăn và biểu con tự tay nấu nướng đãi tôi. Trong căn phòng nhỏ nhắn, ấm cúng, hai đứa tôi thay phiên kể lại quãng đời xa cách cho nhau nghe. Nàng nói, giọng vẫn nhỏ nhẹ êm đềm, chỉ khác là ít thanh trong hơn trước :

-Anh bị bắt quân dịch không lâu, thành phố Huế cũng dần dần ổn định. Biết không thể học tiếp tục, em xin làm giáo viên tiểu học, chị Kim Lai cũng làm việc trở lại trong toà thị chính. Cuộc sống gia đình tạm ổn. Bước ngoặt thứ hai trong đời em là sau khi anh mất tích. Mất tích có nghĩa là chưa chết, nghĩ vậy nên em vẫn  một lòng chờ đợi anh về, lấy nghề gõ đầu trẻ làm vui. Nhưng, gần hai năm sau, mạ  sợ em không chồng mà trở thành goá phụ, hoá đá vọng phu thiên hạ chê cười nên ép em lấy thiếu uý Sơn, lính dù. Khi em mang thai Kim Phúc sáu tháng thì Sơn tử trận.

Kim Luông chợt dừng, nghiêng đầu ngó vào nhà trong có ý xem chừng Kim Phúc rồi nhỏ giọng :

-Khi hôm đông người quá lại có Kim Phúc bên cạnh nên em chỉ lắc đầu với anh chứ không dám nói cho anh nghe Kim Phúc là con  của Sơn.

-Anh biết. Tôi nói xuôi xị.

-Anh có buồn không?

Tôi lắc đầu gượng gạo. Kim Luông mỉm cười :

-Em biết anh chẳng những buồn mà còn bị thiệt thòi nữa tê. Mạ và chị Kim Lai nói em có số "sát phu". Em lại cho đó là điều may mắn. Anh biết tại răng không nào?

Tôi lắc đầu. Nàng tiếp :

-Tại vì như rứa sẽ không còn ai dám đến thay thế hình bóng anh trong cuộc đời em nữa. Rứa vẫn chưa đủ mô. Sau nhiều lần dọ hỏi em vẫn không có tin tức về anh nên em lấy tên Kim Minh để phôi pha nỗi nhớ. Đấy cũng là cách bù đắp cho sự thiệt thòi của anh cho anh được mãi mãi ở bên em.

-Em có thường hò bài thơ của cụ Ưng Bình trong các buổi diễn không?

-Mô có thường. Khi nào có khách miền Nam em mới hò và nói như rứa.

 

Nỗi buồn của tôi chợt tan biến ngay. Thay vào đó là sự sung sướng và hạnh phúc tuyệt vời sau khi nghe Kim Luông thố lộ tâm tình. Giá mà không có Kim Phúc trong nhà tôi sẽ ôm chặc Kim Luông vào lòng, hôn nàng cả ngàn cái cho thoả lòng thương nhớ nên chỉ nói một câu trìu mến "Anh cám ơn em" (Kim Phúc hoàn toàn không biết dĩ vãng của Kim Luông).

 

Sau ngày giải phóng Huế và miền Nam, chị em Kim Luông đều bị thôi việc, gia đình lại lâm vào cảnh nghèo khó túng thiếu. Mẹ nàng bán ngôi nhà ở Tây Lộc dọn về chợ An Cựu buôn bán. Vì vậy tôi mới không liên lạc được với nàng. Hiện mẹ nàng đã mất, các chị em đều đã có gia đình, nàng sống với Kim Phúc, lấy việc ca hát làm vui.

Hôm tôi trở về Nam, Kim Luông và con gái đến tận khách sạn đưa tiễn, mua nón bài thơ, nhiều loại bánh kẹo đặc sản xứ Huế gởi về tặng vợ con tôi./

 

Tháng 5.2003-

(*) thơ Bùi Giáng

(**) bài tựa truyện Kiều của Mộng Liên đường chủ nhân.

Trương Hoàng Minh
Số lần đọc: 2667
Ngày đăng: 02.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tấm lòng của cha và con người lính - Nguyễn Nguyên An
Sương khói Tây Hồ - Nguyễn Thanh Mừng
Ngọn lửa prô_ mê _tê đã tắt . - Ngô Nguyên Nghiễm
Nhà thơ Nguyễn Phan Thịnh :Độc hành lặng lẽ với xa xôi - Trần Hữu Dũng
Câu chuyện Hội An - Thái Kim Lan
Góc thân quen - Bích Ngân
Nơi Bắt Đầu Đô Thị - Nguyễn Nguyên An
Cà Mau quê xứ - Trần Tuấn*
Sự bình yên ở lại - Nguyễn Mỹ Nữ
Thăm Vườn quốc gia Yok Don - Tỉnh Đak Lak - Nguyễn Đức Hiệp
Cùng một tác giả
Nghiệp dĩ (truyện ngắn)
Kiếp nghèo (truyện ngắn)
Lưới tình (truyện ngắn)
Giận cá chém thớt (truyện ngắn)
Nhãn đắng (truyện ngắn)
Bức tranh không lời (truyện ngắn)
Nhân quả (truyện ngắn)
Má tôi (truyện ngắn)
Mặt Trời Bé Con (truyện ngắn)
Con trâu thần (truyện ngắn)
Con chim tu hú (truyện ngắn)
Người Bạn Vong Niên (truyện ngắn)