Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.216
123.152.595
 
Nghĩ về hiện tượng ca-múa-nhạc Cham hôm nay
Inrasara

1. Một hiện tượng xã hội nào bất kì, là một sự phát triển tự nhiên. Nó xảy ra theo quy luật nào đó hay chẳng theo một quy luật nào cả. Có thể nó làm cho chúng ta phiền muộn, sợ hãi hay vui thích. Nhưng thái độ cần thiết nhất là: phải học chấp nhận nó. Chấp nhận và tìm cách lí giải chứ không tố cáo nó sai lầm hay lên án nó, như một vài trí thức lâu nay – nhân danh khoa học hay luân lí đạo đức – thường có thái độ như vậy. Rất phi lí và, vô ích nữa!

 

Trong hoàn cảnh ấy, nó xảy ra như thế và, phát triển hay thoái trào như vậy. Bổn phận trí thức là tìm hiểu nó, dàn xếp nó và đưa nó vào chiều hướng có lợi cho cộng đồng.

Tôi đã một lần nêu lên tư tưởng này nhân bàn về Ariya Glơng Anak. Rằng tại sao Cham đã hiểu nó là Thơ tiên đoán mà không là Thơ thế sự, dù ý nghĩa thế sự của nó vượt trội? Cham không muốn biết tới yếu tố đó hoặc muốn làm mờ nó đi? Tại sao? Đó là câu hỏi nên tảng mà nhà trí thức phải đặt ra cho mình, chứ đừng vội vã cho rằng ông bà thiếu hiểu biết. Bởi bao thế hệ trí thức Cham trước đó, đâu phải đều thiếu hiểu biết. Đây là tiền đề rất quan trọng.

Hãy nghĩ đến tác phẩm triết học lớn nhất của Trung Hoa [và có lẽ của cả nhân loại]: Kinh Dịch. Không ít người cho rằng, nếu Kinh Dịch không được các hiền triết [và không hiền triết] chế tác thành các quẻ để bói toán, chưa chắc tư tưởng Dịch được truyền bá rộng rãi như thế!

 

2. Trở lại vấn đề chúng ta hôm nay.

Các nghệ nhân ca múa nhạc Cham đang tràn đi khắp nơi “biểu diễn”. Có thể phân làm các loại

sau:
- Hoạt động chuyên hay bán chuyên nghiệp: Đoàn Ninh Thuận và Bắc Bình.

- Đi các cơ quan hay tổ chức làm thuê (xin hiểu nghĩa tốt): chỉ gồm hai ba người, như tại Mĩ Sơn, vài Nhà văn hóa Quận ở Sàigòn,…

- Hát múa (kèm với dệt thổ cẩm) tại các tụ điểm, khu vui chơi giải trí tư nhân: ở Mũi Né, sân khấu ngoài trời ở Sàigòn, Một thoáng Việt Nam,…

- Phục vụ cho vài Làng ẩm thực,…

Và biết đâu, một ngày không xa, vài cháu con còn hăng hái phục dịch cả trong các nơi chốn thiếu lành mạnh nữa!

Cham ai cũng biết múa, hát. Đó là điều lạ. Dường như gien trời phú. Nhìn chung, các chương trình âm nhạc Cham đều thu hút khách xem, nên lương được trả kha khá. Các khu tư nhân thì thiếu ổn định, anh chị em có thể mất việc lúc nào không biết, tùy vào thu nhập của quán hay còn bởi tâm tính thiếu chuyên nghiệp của anh chị em Cham mình nữa!

Chương trình phục vụ thường là các điệu dân ca quen thuộc, tiết mục biểu diễn trống Ginơng, Baranưng với Xaranai, múa cổ truyền và cả “múa Apsara” nữa. Ngoài hai Đoàn chuyên nghiệp được đào tạo có bài bản, còn lại các tiết mục mà anh chị em ta phục vụ ở các tụ điểm rất tùy hứng và không được đầu tư nâng cao hay biến tấu đúng mức.

Chưa có thống kê đầy đủ có bao nhiêu người đang hành nghề, bởi cũng có vài nhân vật vừa nằm trong biên chế Đoàn vừa tranh thủ thời gian rỗi đi ca múa tại các tụ điểm hay Khu vực tư nhân. Đó là chuyện tự nhiên: kiếm thêm chút đỉnh thu nhập. Có bác nông dân, sau một chuyến đi biểu diễn cũng rủng rỉnh tiền xài, giải quyết được ngặt gia đình giai đoạn ngắn, cũng là chuyện đáng khuyến khích.

 

3. Có nên lo lắng về hiện tượng này không? Theo tôi hoàn toàn không. Tốt nữa là đằng khác. Chớ nghĩ rằng họ đang bán văn hóa. Nghiên cứu văn học Cham, tôi quá biết. Khi tôi thành công, vài người Cham (rất ít thôi) bảo rằng Sara bán văn hóa. Dù thật tình, nghiên cứu để giới thiệu nó ra thế giới, tôi bù lỗ là chính.

 

Tâm lí này cũng đã từng xảy ra với các nước văn minh. Italy chắng hạn. Dân Ý tự hào về nền bóng đá của mình, nên có cầu thủ nào đi ra nước ngoài đá thuê [rất tốt] là họ tẩy chay luôn. Tẩy chay bất thành văn: anh ta đừng hòng vào đội tuyển quốc gia. Một lối đối xử phân biệt quá ư lạc thời! Zola đã chịu như thế, khi anh qua Anh đá bóng cho đội Chelsea. Dù Zola là một trong ít cầu thủ xuất sắc nhất của Ý lúc đó.

 

Nhưng đó là chuyện của 10 năm trước. Hôm nay, Ý ở đó mà dám!

Trong khi ngược lại, dân Brazil xem xuất khẩu bóng đá là cái nghề vừa hái ra tiền vừa làm vinh quang quốc gia! Mọi cầu thủ Brazil đá trong nước đều nằm mơ được một CLB châu Âu nào đó để ý, và kí hợp đồng chục triệu dollars!!! Nhưng ai dám bảo họ không yêu nước. Về đá cho đội tuyển, họ vẫn hăng hái ra phết đấy chứ! 5 lần rinh Huy chương vàng về cho quê hương.

 

4. Như Brazil, Cham mình thì năng khiếu nghệ thuật. Tại sao không phát triển năng khiếu đó? Hãy biến ca-múa-nhạc thành một nghề. Hãy biến sáng tạo văn học thành nghề của Cham (qua 8 số Tagalau, tôi thấy vài khuôn mặt trẻ rất triển vọng). Và nhiều thứ khác nữa.

Hãy học tập người khác, học tập cha ông mình, nâng cao chúng. Biến chúng thành nghề chuyên nghiệp. Còn chuyên nghiệp thế nào thì ta sẽ bàn vào dịp khác. Chứ đừng hái trái non: hành nghề một cách vội vã, tùy tiện hay cảm tính.

 

Thử nghĩ lại việc làm của mình: Sara làm thơ từ 15 tuổi, bạn bè ai cũng biết. Nếu đăng báo hay in tập ngay lúc đó thì chắc chắn Sara sẽ khác, ăn xổi và tàn lụi như một số bạn thơ khác. Khi ấy tôi nghèo hơn cả một nghệ sĩ nghèo. Mang bài viết ra đăng báo kiếm chút tiền không hay sao? Nhưng tôi đã không làm như vậy. Chớ nghĩ là Sara tự nêu mình ra làm gương (Trời đất! nhà thơ mà làm gương cho ai!) mà là nhân hiện tượng trên, nêu ra sự thật như vậy.

 

Hãy để nghề mình chín muồi mới xuất hiện là cách làm hay.

Và hãy làm như dân Brazil: họ phải đá thật hay, luyện tâm lí thật chín ở quê nhà rồi mới đi ra trời Âu thể hiện. Họ sẽ sống!



Inrasara
Số lần đọc: 4280
Ngày đăng: 04.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người đưa múa cổ điển Khmer Nam bộ đến tầm cao - Trần Dũng
Nghiên cứu mỹ thuật đang “teo đi” ? - Đinh Hồng Hải
Một vài nhìn nhận về mỹ học của thể loại -Tìm hiểu nghệ thuật phim truyện (bài 4,). - Đặng Minh Liên
Nhận diện khái niệm phim truyện -Tìm hiểu nghệ thuật phim truyện (bài 1,). - Đặng Minh Liên
Đề tài và chất liệu của phim truyện -Tìm hiểu nghệ thuật phim truyện (bài 2,). - Đặng Minh Liên
Cốt truyện và không có cốt truyện -Tìm hiểu nghệ thuật phim truyện (bài 3,). - Đặng Minh Liên
NSND Phạm Khắc - kẻ ham chơi sống lại - Khuyết danh
Hai mươi năm xem lại - Bích Ngọc
Tiếng lòng từ vùng đất hoang - Nguyễn Trung Hiếu
Nghệ thuật góp phần hoàn thiện nhân cách - Nguyễn Thị Thu Thủy
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)