Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.257
123.155.939
 
Phương Hà : Người làm thơ ở pháp đình
Nguyễn Văn Thịnh

Nghệ thuật, trong đó có thơ, là sự chắt lọc từ cuộc đời. Nói cách khác, thơ cũng tựa một cái camera, thu lại những khoảnh khắc đời mà trong đó, người quay là thi nhân, thu nhận được. Dấu ấn cuộc sống và cá tính của thi nhân sẽ để lại trong. Nhưng người nghệ sĩ giỏi phải là người biết cách nâng những điều thu nhận lên một tầm cao của minh triết, khái luận. Đọc những bài thơ của nhà thơ Phương Hà, tôi cứ nghĩ ông là người biết chắt lọc cuộc đời. Một cuộc đời gắn bó nhiều với pháp đình. Có lẽ vì vậy, những bài thơ thành công nhất của ông là những bài viết về “thế giới pháp đình”. Đọc tập thơ “Chiếc lá mùa xưa” vừa mới xuất bản của ông, tôi nhận ra rằng: “thế giới pháp đình”, những năm tháng trải nghiệm, sống ở pháp đình đã giúp ông có một giọng thơ lạ, một giọng thơ pháp đình.

 

Khởi đầu của thế giới pháp đình ấy là sự háo hức, sự chia sẻ, niềm tin vào sức mạnh của công lý, của pháp luật nơi người công tố trẻ:

Công tố trẻ cả tâm thành luận tội

Bọn mọt dân sợ hãi bóng đem chờn

Bể nhân dân con tan hoà nước bể

Đau nỗi đau tận cùng sâu thẳm của dân đau…

(Thư gửi thầy giáo cũ)

Pháp đình vốn là nơi được hình dung với những cảnh phán xét những tội lỗi của con người, sẽ chẳng dính dáng gì đến thơ, đến nghệ thuật. Ấy nhưng, trong cái nhìn, dưới sự quan sát của Phương Hà, ông đã ghi lại được những câu thơ rất mực tài tình.

Pháp đình thì rộng mênh mông

Phận người nhỏ xíu như không là gì

Bậc thềm vẹt lối người đi

Giật mình rêu đá xanh rì trăm năm

 

Oan khiên nghiêng ngả đứng nằm

Bao nhiêu số phận tháng năm trụi trần

Bạc tình nặng đến ngàn cân

Một giây sấp ngửa mấy lần âm dương…

(Pháp đình)

 

Thì ra ở pháp đình, nơi phân xử đúng – sai, phải – trái… của con người, cũng chính là nơi bộc lộ bao nhiêu thân phận, bao nỗi đau khổ của con người, kiếp người. Đọc những câu thơ này, tôi chợt nhớ cụ Nguyễn Du đã từng viết những câu thơ làm rơi lệ người đọc về nỗi oan khiên “mắc tụng đình” của cha con nàng Kiều. Nhưng thế giới pháp đình trong thơ Phương Hà không chỉ là nỗi đau về thân phận, nó còn có những niềm vui của tiếng chim sẻ nâu lách chách dưới vòm lá.

Xin đừng nghĩ pháp đình

Không cótiếng chim

Hãy lắng nghe

Tiếng sẻ nâu lách chách

Mỗi ban mai, bên ô cửa, từng phòng

Đàn chim én mùa đông về trú rét

Vòm pháp đình ríu rít tiếng chim đan

(Tiếng chim ở pháp đình)

 

Không chỉ thành công với những bài thơ về pháp đình, nhà thơ Phương Hà viết khá hay những bài thơ triết luận, lật ngược vấn đề. “Đức Giesu vác trên vai thánh giá/ Gánh nhân loại đau thương hay cứu rỗi chính mình? Hai nghìn năm vết thương còn rỏ máu/ Ai đã đóng đinh người/ Hỡi đáng Messia?” (Hỏi). Và bài “Nghe chuông”:

Chuông chùa lan toả thinh không

Tôi nghe bạc tóc từ trong ra ngoài

Người tu đầu trọc trên vai

Không tu tôi giữ hình hài mẹ cha

…..

Bồ đề nghiệm tiếng chuông ngân

Bao nhiêu lá ruing trước sân cửa thiền

Mơ màng đến được cõi Tiên

Giật mình ai gánh ưu phiền cho ai?

 

Những câu thơ bàng bạc, lãng đãng nhuốm một màu hư ảo chốn thiền môn cứ ám ảnh, chơi vơi giữa đạo và đời. Thi nhân nghe tiếng chuông mà “bạc tóc từ trong ra ngoài” thì ngộ tính của thi nhân quả là phi phàm. Ta cũng như bị ám ảnh của tiếng chuông từ bài thơ vọng ra vậy. Và câu hỏi về sự giải thoát khỏi những đau khổ của kiếp người mãi vẫn còn treo lơ lửng. Sự giải thoát của con người sẽ phải do chính con người tự giải thoát mà thôi.

 

Thơ Phương Hà khá đa dạng về giọng điệu, tứ thơ. Những đề tài hiện đại, đề tài chiến tranh, xây dựng đất nước, hay tình yêu, ông đều có những bài thơ hay. Thơ viết về chiến tranh ở ta đã có nhiều người viết và thành công. Nhà thơ Phương Hà góp thêm vào dòng thơ này một giọng thơ và cách nhìn khác lạ. Một cái nhìn chiến tranh từ hậu phương. Chẳng hạn, bài “Khúc cũ”:

Mẹ ơi! Mẹ ru con để làm chi

Cho con thức đợi triệu vì sao nhen

Một mình, cô đơn tát vẹt gàu sòng

Cha đi ra trận mãi không trở về

 

Láng giềng thương binh tay cụt chân què

Nhà tranh mái dột khó bề cậy nhau

 

Chiến tranh, chiến trường nào có xa đâu

Chiến hào bom đạn rạch nhàu mặt quê…

Hoặc đôi khi là giọng hào sảng của những người trẻ đi quy hoạch:

Biết anh quen biển động thuở thiếu thời

Nên bè bạn rủ nhau lên thác

Đường hai bốn nghiêng theo dòng sông biếc

Nước về xuôi đường ngược chúng tôi lên

Trời chớm nắng mùa khô

Sông lắng lọc trong mình

Bánh xe quay con đường say nghiêng ngả

Tổ quy hoạch mười thắng cánh trẻ

Hát nghêu ngao rút ngắn đường dài…

(Viết trên đường quy hoạch)

 

Một năm trước đây, tôi may mắn được đọc một tập thơ của nhà thơ Phương Hà, tập “Màu cát”. Tên tập thơ là lạ, cộng với cái bút hiệu nghe êm ái như tên con gái đã khiến tôi tò mò, đọc thơ ông và giật mình. Giật mình vì khám phá ra một giọng thơ lạ, cá tính. Nay lại thêm tập “Chiếc lá mùa xưa”, vẫn một phong cách Phương Hà. Tập thơ không dày, nhưng chở đầy một sức nặng suy tư của triết lý thế sự. Cũng lạ là thơ ông như có một cái gì đó cứ ám ảnh, bám dai dẳng vào những ai đã đọc thơ Phương Hà. Câu chữ mộc mạc đấy, giản đị đấy mà sâu xa, thâm thuý mà bắt người đọc phải động não, ưu tư. Thơ vốn không dành cho những người sống vô tình và đơn giản.

 

Vài nét về nhà thơ Phương Hà

Tên thật: Hoàng Xuân Sơn

Quê Nghê An

Hiện công tác tại báo Bảo vệ pháp luật

Nguyễn Văn Thịnh
Số lần đọc: 2842
Ngày đăng: 05.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những ý tưởng lịch sử khi đọc “Totem Sói” - Hà văn Thùy
Cổng Làng của thi sĩ Bàng Bá Lân : Tuyệt Phẩm Về Làng Quê Việt Nam! - Lê Xuân Quang
Năm mươi năm sợi tóc vẫn còn đen - Nguyễn Hàn Chung
CHIỀU XUÂN - BỨC TRANH QUÊ của Nữ sĩ Anh Thơ : Bức tranh Thủy mạc bằng lời! - Lê Xuân Quang
Đọc “ĐI DƯỚI MƯA HỒNG” của Nhật Chiêu - Trần Xuân An
Một mảnh hồn vỡ - Phạm Dũng
Vô chiêu vô thức, bắt cái mong manh - Lê Anh Hoài
Không nên tự trói buộc mình - Nguyễn Khắc Phê
Trường ca Công đức vua Hùng của nhạc sỹ Công Minh - Triệu Xuân
Một khoảng không của Huy Cận - Nguyễn Minh Hùng