Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.275
123.158.120
 
Mùa xuân phía trước
Lê Vũ

Xin chào nhau giữa con đường

              Mùa xuân phía trước miên trường phía sau

                                                         B.G                              

                                                                                         

        Phố núi cao, phố núi đầy sương…Anh lẫm nhẫm hát khi lê chân khắp những con đường phố núi. Phố nhỏ như bàn tay, đi dăm phút đã về chốn cũ…Bỏ lại phố biển sau lưng, anh lên núi đồi cao nguyên nầy, như một cách dứt bỏ quá khứ. Quá khứ có vị đắng để gặm nhấm, hiện tại có vị cay để nếm trải, tương lai có vị ngọt để mơ màng, phải chăng? Vị đắng đã qua, còn vị cay anh đang nhấm nháp khi lê đôi chân tuổi tứ tuần lên xuống những con đường dốc xanh xanh cỏ. Tìm kiếm một căn nhà cho thuê, mặt tiền phố, giá phải chăng …trong thời buổi kinh tế thị trường thật vất vả gian nan. Ba ngày mệt nhoài cuối cùng trời cũng chìu người tài tử: một căn nhà mười hai mét vuông trong một ngõ hẻm góc phố. Lại ba ngày bận  rộn quét dọn chuẩn bị cơ ngơi: treo bảng hiệu, trang trí …Buổi tối, anh nằm lăn ngay trên nền nhà, vui vẻ ngắm phòng tranh, địa chỉ thường trú mới của mình trong cõi tạm nầy. Những mảng màu cứ như chấp chới mông lung. Mệt quá đôi chân nầy, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi. Trịnh Công Sơn như thế đó, giản dị hóa cuộc đời. Vui làm mệt nghỉ. Không loanh quanh chi cho đời mỏi mệt. Anh đã cố bắt chước họ Trịnh nhưng còn đứa con gái nhỏ, anh chưa thể yên tâm…

         Anh nhắm mắt lại. Quá khứ, những xanh đỏ tím vàng lẫn lộn năm tháng. Màu xanh hạnh phúc nhợt nhạt, màu tím buồn buồn trải ra dằng dặc, màu vàng pha phôi lửng lơ mơ hoặc, màu đỏ chói chang những mâu thuẫn xung đột thắp lên ngọn lửa ngời ngời sáng. Sao mẹ lại mắng nhiếc bố như thế?. Mười hai tuổi, con gái anh chưa thể phân biệt đúng sai, chưa thể hiểu hết những cay độc, nói chi dụng ý sâu xa trong lời nhiếc móc của mẹ nhưng con bé bao giờ cũng đứng về phía bố vì bố, như bức tường xám xịt rong rêu bên kia đường luôn luôn lặng im. Có lần con bé liên tiếp cật vấn anh, buộc anh giải thích. Bố im lặng chỉ vì gia đình là tổ ấm, không phải là đấu trường để hò hét. Con nhìn thử tổ chim kia; trong đó chỉ có ríu rít thương yêu. Nhưng anh biết định nghĩa của anh không đủ sức thuyết phục con gái khi  bố mẹ ba ngày một trận cải nhỏ, bảy ngày một trận phong ba. Bây giờ anh đi rồi, cái túi ba gang mẹ nó dùng để nhổ toẹt  vào những bất mãn đã rách toang toàn toạc. Con bé sẽ không còn phải điếc tai, chỉ là…Anh nhoi nhói đau. Mẹ nó sẽ châm vào nó những mũi kim tẫm độc nhỏ nhen những bêu riếu xuyên tạc, làm nên vết thương lồi lõm, lâu ngày sẽ biến dạng thành khối u ác tính… Bố thương con quá chừng, đứa con gái rượu của bố…

                                  *

         Hai ngày trôi qua, tuyệt không một bóng khách hàng lai vãng. Thời buổi nầy, người ta kiếm tìm vật chất hơn là món ăn tinh thần. Tranh vẫn là cái gì đó xa vời, khó hiểu. Lập thể, trừu tượng, siêu thực…không cần phải tung hô. Muốn trang trí lòe loẹt một chút, ra chợ mua ngay tranh chợ, giá bèo như cá như tôm. Nhưng mình cũng đã cúi đầu nhận làm bảng hiệu, vẽ quảng cáo kia mà. Không lẽ phố núi tàn tạ? Trưa ngày thứ ba, khi anh buồn buồn gõ vào phím đàn Organ những nốt nhạc Que sera sera, có bóng ai lấp ló ngoài cửa. Một cô bé con, da bồ quân đỏ sậm; đôi mắt  to đen, huyền hoặc dưới hàng lông mày xanh cong cong vầng trăng dậy thì. Cháu ở đâu?- Đằng sau hẻm nhà chú. Cháu nghe tiếng đàn của chú, tò mò-Cháu bao nhiêu tuổi ?- Mười lăm.- Hơn con gái chú ba tuổi…Năm chín tuổi, con bé đã giành được giải nhì của hội thi Organ thiếu nhi toàn thành phố.-Anh không cần che đậy niềm tự hào về con gái trước mặt cô bé. Cháu muốn học đàn không? -Thích lắm, chỉ sợ bố cháu. Ông say tối ngày… Chào chú. Cháu phải về.  Con bé đi rồi, anh thẫn thờ nhớ con gái, quay quắt.- Sao mẹ không thích con tập đàn?- Đàn với địch, xuớng ca vô loại, chẳng được tích sự gì. Thầy giáo lại bỏ dạy. Dạy thêm khối tiền. Đua đòi tranh với họa để thành nghệ sĩ lăn lóc dưới mương. Đời phải thực dụng con ạ!- Nhưng bố cũng bán được tranh, đem  tiền về cho mẹ.- Mấy đồng, không đủ bỏ kẻ răng. Tao không cày lưng mua bán, bố con mầy có nước đi ăn mày. Con bé khóc, thương bố. Bố cay đắng, thương con, đành câm nín…Những khoảng lặng trong âm giai, trong tranh là cần thiết nhưng trong gia đình lại tạo thành những nứt nẻ dọc ngang. Khi những cơn bão nhỏ theo nhau về, bức tường ấm lạnh sẽ đỗ xuống…

        Ngày thứ tư. Hóa ra anh lầm. Chỉ một lúc, anh bán được hai bức tranh cho hai khách hàng, nhận thêm một chân dung đặt hàng. Có thêm ông, tranh của ông Chín râu sẽ ế độ khi tranh bèo nhèo lại chém giá cắt cổ… Về sau anh biết thêm người đồng nghiệp của anh đã giàu lên nhờ những bức tranh sao chép, lấy giả mà hú họa thành thật, cũng như đời thực giả bất phân, thị phi đen trắng mấy ai là kẻ thức giả để nhận ra hư  thực. Huống hồ con gái anh. Nó đang ở trong mê hồn trận của mẹ nó với ngổn ngang sỏi đá lởm chởm của thực dụng. Anh sẽ mua tặng con gái món quà sinh nhật mười ba bằng tiền hai bức tranh đầu tiên bán được kể từ buổi ra đi… Như một thực dụng tốt đẹp, phải chăng?

                                                   *

            Con cám ơn bố về món quà sinh nhật tuyệt vời. Nhưng bố phải để dành tiền mà sống. Biết đâu ngày mai bố không bán được tranh! Không có tiền là khổ sở lắm. Mẹ nói có thực mới vực được đạo. Bố sớm hôm không người chăm sóc, con lo lắm. Hôn bố một trăm ngàn lần…Mười ba tuổi, con bé đã biết lo cho ngày mai. Không biết anh có nên cám ơn mẹ nó đã gieo vào xanh trong hồn nhiên  những hạt mầm thựcdụng ? Buổi trưa yên ắng, con bé lại qua nhà anh. -Cháu muốn xin chú mấy cái chữ? -Mắt con bé rơm rớm.- Ai cũng có thể đến trường học cả, còn cháu thì không.- Anh không kịp ngạc nhiên.- Mẹ cháu bỏ đi khi cháu lên sáu. Ba cháu làm thợ hồ nhưng phải nghỉ vì sức khỏe. Ông cõng cháu trên lưng lang thang tìm việc; may mắn được nhận vào làm bảo vệ. Ở đó, người qua kẻ lại, có kẻ cho cháu khúc bánh mì, người khác viên kẹo nhưng không có  

ai cho cháu cái chữ. Cháu rất thèm biết chữ. Chú dạy cháu đi. -Cái Tâm nhà giáo của anh chợt hiện, sôi nổi, thương cảm. -Cháu chưa cho chú biết tên đấy.- Cháu là Thiên Lý, hình như tên của cháu ở trong một bài hát rất nổi tiếng thì phải. Mắt con bé chợt rạng rỡ. Còn anh thì ngạc nhiên, không tin người cha thợ hồ lại biết lấy bài hát đặt tên cho con gái. Vốn là cháu có người chú ruột, nhà báo, rất thích âm nhạc; chú ấy đặt tên và giải thích cho cháu. Hôm nào cháu sẽ giới thiệu với chú. Ông ấy rồi sẽ chết mê tiếng đàn của chú. Biết được hoàn cảnh Thiên Lý, anh càng thương cháu hơn. Mười bốn tuổi đã phải đi phụ thợ hồ. Sức yếu chỉ là phụ việc được có mấy đồng không đủ mua rượu cho ông Sá , ba Thiên Lý. Những ngày được dang nắng dang mưa- Thiên Lý kể vào tai anh- Cháu lại thích hơn ở nhà vì không bị ba mắng mỏ. Càng lớn mầy càng giống con quỷ cái mẹ mầy. Chỉ được cái đẹp đẽ, ăn lại nằm. Nhưng cháu có ngồi không đâu: dọn dẹp, chợ búa, cho heo ăn …Cháu làm tất bật đấy chú ạ.!

                                        *

            Hiện tại đã pha vào vị ngọt, không còn cay nồng như buổi đầu lê chân phố núi. Công việc phát triển thuận lợi. Anh không cần băn khoăn cơm áo, chẳng cần ca cẩm Que sera sera. Anh lại có thể chia sẻ buồn    vui với Ngọc Hiệp, nhà báo chú Thiên Lý, và một số anh em bè bạn bên chén trà cuộc rượu.Thiên Lý bước vào tuổi mười sáu, đã  đọc được báo, đánh được mấy khúc đàn. Cháu nhiệt thành giúp anh dọn dẹp cửa  nhà, lau chùi những bột vẽ, màu sơn trên nền nhà, lo cả chuyện giặt giũ, khâu lại cái áo đứt khuy... Chú nghệ sĩ mà, phải có phụ nữ lo việc cửa nhà. Con bé vui lắm, quên khuấy lao nhọc mọi ngày. Mùa xuân đang ở phía trước, chỉ cần bước tới là hái được mai vàng. Nhưng còn con gái anh, mùa xuân chừng như héo hắt. Bố đi, mẹ không cho con chơi đàn, tất cả thời gian dành cho mua bán. Học hành mẹ  cũng không quan tâm. Mẹ đang dốc sức truyền bí quyết bán mua cho con: phải biết lanh lợi, khôn khéo chào mời, biết treo giá hạ giá khi nhìn mặt khách, biết ba hoa gạt lường mới lấy tiền được vào túi…Bố ơi, mẹ nói mỗi thằng đàn ông là một con quỷ tham danh háo sắc thích hưởng thụ mà bố là quỷ chúa. Luôn luôn phải cảnh giác. Nhưng mà con lại thấy bố dễ thương vô cùng. Con không hiểu nổi... Chao ôi, con gái anh không khéo trở thành người máy bán hàng, suốt ngày tính toan tiền bạc. Lại hình như con bé đã nhiễm độc nặng. Phải tìm cách thôi! Nhiều đêm, anh đã không ngủ được. Buồn!

            Cả tuần không thấy Thiên Lý, Ngọc Hiệp cũng mất tăm. Anh linh cảm có gì đó là lạ. Buổi chiều sâm sẫm, Thiên Lý ùa vào nhà như cơn gió lốc.- Chú xem, cháu có đẹp không? -Khuôn mặt thơ ngây đầy son phấn, cái váy ngắn màu hoa cà cũn cỡn, cái lưng trần phơi ra màu da bánh mật. Anh cơ hồ không nhận ra Thiên Lý nhỏ bé của mình, chừng như sng sờ, chừng như đau xót.- Cháu làm cái quỷ quái gì thế nầy? -Giọng anh  như hét lên khiến con bé giật mình.- Ba cháu đã xin cho cháu đi bán quán cà phê, không cần vất vả nắng mưa, lại có tiền. Hôm nay cháu đi bán buổi đầu, khách cho đến năm mươi ngàn đồng. –  Con bé xòe tay, những đồng giấy bạc xanh đỏ nhăn nhúm. Mắt long lanh niềm vui. Con chim đã xoãi cánh bay, không cần chờ mẹ mớm mồi. Anh còn biết nói gì.- Nhưng cháu ăn mặc như thế nầy…Con bé còn quá hồn nhiên để hiểu được những cơn sóng uất ức căm giận trong lòng anh. Anh giận đất giận trời giận người dù biết đời vốn thế, như thế.- Tất cả người bán đều phải mặc như thế nầy. Đây là đồng phục của quán.- Con bé quay một vòng đưa cả tấm lưng trần phây phây trước mặt anh, vẫn thơ ngây.- Chú không thấy đẹp à? -Anh quay mặt đi, im lặng. Như võ sĩ bị hạ đài,  anh xấùu hỗ vì bất lực.      
                  

            Thiên Lý làm theo ca, nhiều ca đêm nên buổi tối không thể theo anh học chữ, học đàn nhưng cháu vẫn tranh thủ dọn dẹp cửa nhà cho anh. Anh dự định sẽ nói chuyện với nó, hôm nào đó thuận tiện, không thể để nó sa chân lầy lội. Cháu chỉ mới mười sáu, còn quá nhỏ khi đem thân vào giữa lầy lội của đời thường cơm áo, chỉ là  để phục vụ những bậc làm cha mẹ. Con sâu rượu ba nó có lẽ chỉ cần những đồng tiền của con gái. Anh không thể thua cuộc dễ dàng. Đêm nay, anh thức trắng mà không chơi nổi một khúc đàn. Vầng trăng bỗng trắng hếu, lam nham những bóng mây đen, không còn gì để lung linh mơ mộng. Lời nhắc nhở của Ngọc Hiệp làm anh muộn phiền thêm. Cẩn thận. Tranh cậu đã chiếm lĩnh thị trường. Đồng nghiệp của cậu không dễ dàng bỏ qua đâu. Quả thật, miếng ăn là miếng tồi tàn…

                                                                      *

            Một tin vui, một tin buồn cho bố. Mẹ sắp lấy chồng, bằng lòng cho con theo bố. Con buồn phải xa mẹ nhưng cũng vui, bố ạ. Con không thích mua bán tính toan với gạt lường; vả lại ở với bố sẽ được chơi đàn, được chìêu chuộng… Đọc thư con, tay anh run run, buồn vui, giận…đủ cả. Nhưng cơn ác mộng qua rồi. Con anh chưa bị vấy bùn, như hoa sen giữa ao bùn tỏa ngát hương bay. Mùa xuân đang
ở phía trước con gái anh nhưng mùa đông xám xịt lại đeo đẵng anh.Tiệm tranh phải đóng cửa. Anh bị bắt tạm giam để điều tra.Tội danh xâm phạm tình dục trẻø vị thành niên mà nguyên đơn là ông Sáu, còn kẻ bị hại là Thiên Lý… Anh cán bộ điều tra, người cao gầy, nét mặt nghiêm khắc. Địa phương truớc đây anh ở cho chúng tôi biết vợ anh đã đưa anh ra tòa ly hôn vì anh quen thói lăng nhăng ngoại tình. Anh có quan hệ như thế nào với Thiên Lý.- Hàng xóm, chú cháu, thầy trò. Tôi dạy cháu học chữ, học đàn.- Từ bao giờ ?- Hai năm nay. -Con bé đã có bầu ba tháng và tác giả cái bầu là anh. Anh có ý kiến gì về lời cáo buộc nầy.- Tôi hoàn toàn không hề hay biết. Chúng tôi tuyệt không có tơ hào quan hệ nam nữ…

             Vì sao nên nỗi? Nằm trong phòng tạm giam, anh nghĩ nát óc vẫn không thể tìm hiểu được trắng đen dù đã gặp được Ngọc Hiệp. Ông nhà báo cũng mờ mịt mơ hồ nhưng đoan chắc với anh đây là một âm mưu vu oan giá họa.Thiên Lý bị nhốt kín trong nhà. Ông Sáu cấm cửa mọi nguời, ngay với ông chú họ cũng không ngoại lệ. Phiên tòa dự định sẽ tổ chức vào tháng sau.- Yên tâm- Ngọc Hiệp quả quyết.- Rồi đâu sẽ vào đấy thôi! Người lành trời độ.
      

            Phiên tòa cũng xam xám, lành lạnh như mùa đông trên cao nguyên phố núi.- Nguời lành trời độ. -Ngọc Hiệp đã cầu viện một người bạn luật sư biện hộ cho anh. Anh đã có chứng cứ ngoại phạm, và thuyết phục hơn, có giấy chứng nhận của bác sĩ về bệnh suy thận mãn tính, là anh không còn khả năng làm tình, nói chi đến chuyện có con. Tòa cật vấn anh vì sao giấu đi cái tình tiết quan trọng nầy trong quá trình hỏi cung, anh đành cúi đầu nhận tội. Mặc cảm đàn ông không cho phép tôi nói ra; hơn nữa lại đụng chạm đến vấn đề tế nhị của vợ chồng tôi… Vợ anh buộc tội anh lăng nhăng ngoại tình để ly hôn trong khi anh chấp nhận xa con, tan hoang cửa nhà vì biết rõ bệnh lý của mình không thể giải quyết nhu cầu của vợ, không thể mang lại hạnh phúc tròn đầy khi vợ đang tuổi xuân sung mãn. Đành câm nín, vùi đầu vào nghệ thuật để quên nỗi đau của anh đàn ông… bất lực.Trong khi tòa phân vân, muốn tạm đình chỉ phin tòa để điều tra thêm, anh thấy Thiên Lý bước ra giữa tòa, run rẩy, nuớc mắt đầm đìa. Tôi xin cúi đầu nhận tội. Tôi không thể để người tốt hàm oan. Tất cả là một âm mưu.Tôi bán ở quán cà phê X, quen biết với con trai ông họa sĩ Chín râu. Y đã dùng thuốc hãm hại tôi có bầu. Khi biết ra, ba tôi, ông Sáu đã hùng hổ vác dao tìm đến nhà ông Chín để đòi nợ. Nhưng ba tôi đã tham số tiền ba mươi triệu ứng trước của ông Chín, buộc tôi đổ tội cho chú họa sĩ. Mọi việc xong xuôi, gia đình tôi còn được nhận thêm hai mươi triệu…Ông Chín râu, giấu mặt  giấu tay, một viên đá ném ra vừa che đậy tội lỗi cho con, vừa hãm hại địch thủ đồng nghiệp. Trăm lạy ngàn lạy quí tòa tha cho cha con tôi. Chẳng qua chúng tôi quá nghèo…

                                                                  *

            Mùa xuân sắp về trên phố núi. Trong gió thoang thoáng ấm nồng hương xuân, rạo rực. Giao thừa năm nay, anh sẽ không còn thui thủi chiếc bóng khi có con gái kề bên. Chiều nay, Thiên Lý và ông Sáu hẹn qua thăm anh. Nhất định anh sẽ cố gắng thuyết phục ông Sáu. Trẻ thơ không thể là công cụ để phục vụ người lớn. Trẻ thơ phải được sống hồn nhiên, được học hành, được chăm sóc thương yêu. Mình sẽ xin nhận Thiên Lý làm con nuôi để lo cho cháu nên người. Anh mỉm cười với mình. Mùa xuân đang ở phía trước…                                                        

                                              Thu Cam Ranh 2006

                                                                          
Lê Vũ
Số lần đọc: 2722
Ngày đăng: 07.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xập xèng - Trần Đức Tiến
Những mùa trăng ca múa - Mường Mán
Hai giọt nước - Huỳnh Mẫn Chi
Người đàn bà không nhan sắc - Trần Lệ Thường
Thư cho một người bạn - Lãng Hiển Xuân
Lời trăn trối - Dương Ðình Hùng
Nửa tình nửa thơ - Lê Vũ
Gió Thắm - Mường Mán
Tuyệt đối yên tĩnh - Trần Đức Tiến
Vùng xoáy - Lê Vũ
Cùng một tác giả
Vùng xoáy (truyện ngắn)
Nửa tình nửa thơ (truyện ngắn)
Mùa xuân phía trước (truyện ngắn)
LiLi (truyện ngắn)
Con gái của bố (truyện ngắn)
Hiền Lương (truyện ngắn)
Chớp mắt (truyện ngắn)
Di chúc mùa xuân (truyện ngắn)
Chim yến treo mình (truyện ngắn)
Chữ và nghĩa (tạp văn)
Nguyệt Thực (truyện ngắn)