Đề tài Tình yêu thường được các nhà Văn, nhà Thơ khai thác, sử dụng rộng rãi trong Văn, Thơ truyền thống. Đặc biệt tình yêu đôi lứa, tình yêu trong sư chia lìa, li biệt.
Dân tộc ta có qúa nhiều cuộc chia li. Theo tài liệu các nhà sử học mới thu thập: Cuộc chia li đầu tiên, đáng kể trong lịch sử là của Vương triều nhà Lý, cách đây hơn 8 thế kỉ. Nhà Trần cướp ngôi nhà Lý, vị Hoàng tử của triều Lý phải đưa gia quyến, người hầu, đồ thờ cúng Tiên vương, xuống thuyền đi lámh lạn. Cuộc ra đi nghìn trùng xa cách (mãi tận bên Hàn Quốc ngày nay). Hơn 8 thế kỉ sau, hậu duệ của vị hoàng tử kia mới tìm về cố quốc nhận họ, đến đền thờ Lý Bát Đế cúng lễ tổ tiên mấy mươi đời mình (1).
4 thế kỉ sau cuộc chia li khác lại xuất hiện: Khi nhà Trịnh lăm le cướp ngôi nhà Lê. Đại thần trung lương Nguyẽn Kim kiên quyết chống lại. Nhà Trịnh tìm cách sát hại. Nguyễn Hoàng - con trai của Nguyễn Kim - phải bầy mưu…xin anh rể Trịnh Kiểm lúc đó đang nắm quyền bính trong tay - đi vào trấn thủ biên cương phía nam để lánh nạn nhằm bảo vệ nòi giống, giòng họ mình. Binh lính trung thành với Nguyễn Hoàng tình nguyện đi theo rất đông. Gia đình họ đã làm một cuộc chia li không hẹn ngày về: Nhà nào có một con trai, Nguyễn Hoàng không nhận, có hai con trai trở lên, con trưởng ở lại, các con thứ được cho đi theo (2).
Thế là có cảnh:
…
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.
Cuộc chia li đó tiếp diễn bằng trận chiến huynh đệ tương tàn, trên bờ sông Gianh, kéo dài cả thế kỉ... Cứ thế, còn có biết bao cuộc chia li tiếp sau nữa…
Dường như cảm thông với dân Việt, ‘’Trời’’ đã ghi lại dấu ấn: Tạo ra ngọn núi nằm ở Lạng Sơn (3), từ xa nhìn lên đỉnh, thấy mỏm đá giống như người mẹ bế đứa con thơ. Dân ta gọi đó là Hòn Vọng Phu (Núí chờ chồng). Rồi, ‘’Trời’’ lại cho tiếp một kì quan nữa: Tạo ra 2 trái núi giống nhau, như hai cha con sừng sững trên biển Hà Tiên: Đó là Hòn Phụ Tử (Núi Cha, Con).
Nhưng… chẳng hiểu vì giận gì dân Việt - mới đây ‘’Ngài’’ lại bắt người cha ‘’Về Trời’’, để đứa con côi cút, đứng trơ trọi trên bờ đại dương mênnh mông, trước Bão to, Sóng cả...
Nhà thơ lớn của dân tộc: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu nhìn kì quan thiên nhiên - Hòn Vọng Phu - như thấm đượm, cảm thông nỗi niềm của những cuộc tình chia li, đã dồn nén tình cảm, trút tài năng của mình vào thi phẩm: Thề Non Nước, viết ở thể Lục, Bát - thể thơ truyền thống của dân tộc. Bài thơ dài 22 câu, tạm chia làm 5 đoạn – nghĩa đen là lời tâm sự của Sơn với Thủy (Núi - Nước) - Hai vật thể đặc trưng cho tổ quốc của người Việt. Trong thiên nhiên, không gian, thời gian - Núi - Đất - Nước luôn gắn quyện với nhau, bên nhau, tôn nhau lên để tạo ra mảnh đất cho 54 dân tộc sinh sống. Nhà thơ đã gửi gắm nỗi lòng mình trong câu thơ, khiến người đọc cùng đồng cảm, như chính họ đang nghe được tiếng lòng của người thân yêu, gợi nhớ đến lời thề nguyền trong qúa khứ và nhắn nhủ ngày gặp lại trong tương lai. Nghĩa bóng của Thề Non Nước là lời tâm sự của người đàn ông với người đàn bà, hai người tình, đôi vơ chồng - xa nhau, hi vọng ngày xum họp:
Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi chưa về cùng Non
Nhớ lời nguyện nước thề Non
Nước đi chưa lại Non còn đứng không
Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày
Tác giả dùng 2 đại từ nhân xưng. Ngôi thứ nhất: Non (tôi - Em ), nói với ngôi thứ hai: Nước (Anh). Nếu chuyển suy nghĩ , hiểu câu thơ từ nghĩa đen sang nghĩa bóng, người đọc nhận ra đó là hai người yêu nhau (vơ chồng) nhớ về nhau, về lời ước hẹn... Đoạn mở đầu có nghĩa tượng trưng của tấm lòng người ở lại: Anh có nhớ lời thề xưa không? Thế mà anh đi, đi mãi vẫn chưa về, làm em ngày đêm vò võ đợi chờ...
Sương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương
Trời tây ngả bóng tà dương
Càng sôi vẻ ngọc nét vàng phôi pha
Em cứ chờ cứ đợi, trông vời mây núi, khóc hết nước mắt, thân gầy, xác ve. Nhớ thương anh đến bạc mái đầu. Hết ngày này qua năm khác, em chờ anh về. Nhất là vào những buồi chiều một mình em trong căn nhà vắng vẻ, em cứ khắc khoải đợi… ước gì anh xuất hiện để được ngả vào vòng tay anh. Nhưng nào thấy bóng anh.
Non cao tuổi vẫn chưa gìa
Non thời nhớ nước, nước mà quên Non
Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non còn nước vẫn còn thề xưa
Nhưng anh ơi!
Dù sông cạn đá mòn nhưng lòi ước hẹn của đôi ta em không bao gờ quên. Anh cũng đừng để phai mờ kỉ niệm cũ. Giây phút nào em cũng nhớ tới anh. Cho dù phong ba bão táp, em vẫn gắng chống đỡ, đợi anh về. Anh cũng hãy tin tưởng và nhớ về em, nhớ tới lời thề mà chúng ta đã ước hẹn…
- Non xanh đã biết hay chưa?
Nước đi ra biển lại mưa về nguồn
Nước non hội ngô còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.
Như nghe được tiếng lòng của người yêu, người trai đáp lại:
- Em ơi! Em có biết không?
Anh đi theo tiếng gọi: Chí tại bốn phương. Bốn phương phẳng lặng anh sẽ về. Chúng mình lại thỏa lòng mong nhớ. Đừng buồn nghe em! Dù thời gian vẫn trôi, mái tóc chúng ta đã bạc, hình hài thay đổi, nhưng hãy tin tưởng ở anh. Hãy sống vui, đợi anh về!
- Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non, Nước nước không nguôi lời thề!
Hãy giữ vững lời thề son sắt!
Ngày đôi ta họp mặt, xum vầy sẽ đến. Đến trong hạnh phúc trọn vẹn.
Đứng ngắm nhìn Hòn Vọng Phu, biết bao Lữ khách, Thi sĩ, Nghệ sĩ đã xúc động bồi hồi. Thi sĩ Phạm Huy Thông đã ghi lại cảm xúc của mình trong bài thơ Vọng Phu, in trong tập Anh Nga, xuất bản năm 1934, có đoạn làm người đọc não lòng:
...
Mấy lời than thở đêm xưa,
Thời gian nhắc mãi bây giờ chưa thôi.
Biết bao thế kỷ xa rồi
Nàng còn đứng ngắm chân trời mênh mang...
Ngày nay, lữ khách mơ màng
Nhác trông chợt thấy bóng nàng ẵm con
Trơ trơ đứng sững đầu non
Tưởng chừng đá nọ vẫn còn ngậm đau...
(Phạm Huy Thông - Anh Nga - Tháng 8/1934)
Thề Non Nước - kết mở: Hai người vẫn chưa gặp nhau, họ vẩn đợi chờ nhau trong yêu thương nhớ nhung.
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu viết Thề Non Nước vào những năm hai mươi của thế kỉ 20. Hơn 20 năm sau - trong chiến tranh thế giới thứ 2 (1939 – 1945) - nhà thơ Nga, K. Xi mô nốp viết bài Đợi Anh Về. 10 năm sau nữa - đầu những năm 50 - chúng ta mới được đọc bản dịch tiếng Việt - Đợi Anh Về của Tố Hữu. Có thể nói, bản dịch gần lột tả hết được nguyên tác (4).
Ngay ở đoạn mở đầu , những giòng thơ là lời nhắn nhủ thiết tha, bằng ngôn từ giản dị, thân thương - đã làm ngưòi đọc xúc động:
Em ơi ! đợi anh về
Đợi anh hòai em nhé
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có dài lê thê
Em ơi em cứ đợi!
Dù tuyết rơi gío nổi
Dù nắng cháy em ơi
Bạn cũ có quên rồi
Đợi anh hoài em nhé!
…
2 Bài thơ sáng tác về đề tài Tình yêu – Chia li, của hai tác gỉa, đại diện cho hai dân tộc, hai đất nước, nằm ở hai bán cầu, sáng tác trong khoảng thời gian cách nhau 20 năm. Nhưng chúng có cùng một chủ đề , cùng cấu trúc:
Thề Non Nước: Người con Gái ở quê nhà nhắn nhủ người Trai ở phương trời xa.
Đợi Anh Về : Người trai đang ở chiến trường xa nhắn người con Gái ở quê nhà.
Cả hai bài thơ đều vang lên lời tha thiết yêu thương: Hãy nhớ lời thề son sắt! Dù phong ba bão tố, tuyết sương, dù sông cạn đá mòn… dù… dù… - thì Em ơi, Anh ơi – hãy giữ vững niềm tin và hãy cùng nhau chờ, đợi!
’’Bởi vì em ước vọng. Bởi vì em trông ngóng’’ - Nhất định Anh sẽ về!
Ngày xun họp, đoàn viên sẽ đến với chúng ta!
07.07.07
(1) - Đền thờ Lý Bát Đế (8 đời vua nhà Lý) hiện còn ở làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Ông Lý Xương Căn - một thương gia Hàn Quốc đang tham gia góp phần xây dựng Việt Nam - chính là hậu duệ của vị Hoàng tử đã ra đi 8 thế kỉ trước.
(2) - Tôi đã đọc ở đâu đó tài liệu nói rằng: Đây là nguyên nhân mà dân miền Nam gọi nhau trong gia đình bằng thứ tự sinh trước sau. Thứ tự đó gọi con
lớn trong nhà là thứ Hai – (Anh hai, Chị hai…). Hai chứ không gọi là Cả như dân Bắc. Nguyên do: Con cả (thứ nhất) đã ở lại miền Bắc, vào Nam chỉ có con thứ hai. Để kỉ niệm cuộc ra đi đó, dân Nam coi con Cả là (thứ) Hai…
(3) - Ở miền trung còn một trái núi nữa cũng được nhân dân gọi là Hòn Vọng Phu.
(4) Tố Hữu dịch bài Đợi Anh Về qua bản tiếng Pháp.