Sau mỗi cuộc hội thảo lớn nhỏ, luôn có các cách đưa tin và nhận định khác nhau. Cafe Văn học tháng 7 của Hội đồng Anh không là ngoại lệ. Đã có 5-6 bài báo ngắn về cuộc này. Người đọc cũng sẽ tiếp nhận và hiểu nó mỗi khác, chắc chắn thế. Theo tôi, tốt hơn cả là ta cứ ghi biên bản: cụ thể, chính xác, đầy đủ. Sự việc sẽ nói lên tất cả. Là người trong cuộc, tôi thử “lập biên bản” hội thảo này. Và để biên bản không rơi vào chủ quan hay thiếu sót, tôi có tham khảo ý kiến và trí nhớ của vài người tham gia.
Nay xin bày ra cho bà con thưởng lãm.
BIÊN BẢN LẬP CHẬM
Cafe Văn học tháng 7 của Hội đồng Anh
‘PHÊ BÌNH VĂN HỌC TRÊN BÁO CHÍ- Lý tính và cảm tính?’
Tại Cafe Zenta, Tp.HCM, lúc 19h00, ngày 6.7.2007
A. Chương trình
19h00 Khách đến - phục vụ cafe, trà và bánh ngọt.
19h30 Bắt đầu chương trình.
· Khai mạc (5 phút)
Graham Sutcliffe- Giám đốc nghệ thuật Hội đồng Anh phát biểu khai mạc.
MC Lê Hoàng giới thiệu khách mời và nội dung của chương trình.
· Điểm sách (20-30 phút)
1. MC giới thiệu 2 tác phẩm của các tác giả đoạt giải thưởng lớn trong văn hoc Anh đã được xuất bản tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Hiện đang có ở các hiệu sách.
Cuộc đời của Pi (Giải Booker 2002), tác giả: Yann Martel - dịch giả: Trịnh Lữ, Nxb.Văn học phối hợp với Cty.sách Nhã Nam.
Tác phẩm Khúc quanh của Dòng sông, tác giả: V.S.Naipaul (giải Nobel 2001) - dịch giả: Cao Việt Dũng, Nxb.Lao động, 2004.
Phần đọc bài viết của dịch giả về tác phẩm Cuộc đời của Pi.
2. MC giới thiệu sơ bộ về từng nhà phê bình và mời họ lên thực hiện phần điểm sách. Mỗi nhà phê bình giới thiệu 1 đầu sách mới xuất bản ở Việt Nam trong thời gian gần đây, được họ cho là đáng chú ý. Thời gian không quá 5 phút/người. Phần này có thể nói lên được phong cách phê bình của mỗi người. Trình tự: Anh Inrasara - Chị Ngô Thị Kim Cúc - Anh Nguyễn Thanh Sơn.
Tọa đàm (1giờ rưỡi)
Toạ đàm, trao đổi với khán giả xung quanh các vấn đề: Vai trò của phê bình văn học trên báo chí; hiện trạng phê bình văn học trên báo chí tại Việt Nam; làm thế nào phát triển phê bình trên báo chí. (Để buổi trao đổi giữ được tính năng động và hấp dẫn, đề nghị phát biểu ngắn, và không gộp nhiều vấn đề vào trong một lần phát biểu) MC cố gắng đưa ra các câu hỏi cho nhà phê bình, và cả câu hỏi cho khán giả (giao lưu nhiều hơn).
Chương trình là vậy, còn sự thể thì xảy ra như thế này:
Phòng họp sang trọng, dù các hàng ghế được bố trí hơi chật, vả lại khách mời dồn xuống mấy hàng ghế sau để trơ cổ độ gần mươi chỗ trống phía trước [như tục lệ tại các Hội nghị ở Việt Nam lâu nay]. Nhưng, no problem! Cuộc chơi diễn ra đúng giờ với hơn 100 người dự thính. Là chuyện rất đáng cho một tràng pháo tay tán thưởng.
B. Diễn biến:
Giám đốc nghệ thuật Hội đồng Anh phát biểu khai mạc. Bằng tiếng Anh chuẩn dễ nghe (!) [có người dịch], ông nhấn mạnh vào văn hoá đọc, đặc biệt ở Anh, về lượng sách khổng lồ 300 triệu cuốn được bán ra hàng năm, về Harry Potter, về các Giải thưởng văn chương ở Anh. Bài nói ngắn, đủ, phong thái lịch lãm, và khá hóm. Một cuộc mở màn thành công. Ôi, ước gì các Hội thảo Việt Nam ta có cuộc mở màn như thế!
Tiếp chương trình…
Đại diện Hội đồng Anh mời MC Lê Hoàng, là nhà đạo diễn phim kiêm nhiều nhà khác nữa lên diễn đàn; nhưng khi đứng trước micro tự giới thiệu, anh từ chối chức “nhà phê bình”. Sự thể này được bật mí ngay sau đó, khi anh tuần tự giới thiệu khách mời:
- Nguyễn Thanh Sơn, chúng tôi quen thân nhau và biết nhau rất nhiều nhưng tôi chưa biết anh với tư cách nhà phê bình.
- Ngô Thị Kim Cúc thì tôi có đọc các bài điểm sách của chị trên báo.
- Anh Inrasara, tôi chưa đọc cái gì của anh cả, và tôi cũng không biết Inrasara là quý ông hay quý bà nữa!
Nghĩa là, MC chúng ta tự nhận không theo dõi sinh hoạt phê bình văn học.
Sau đó, Nguyệt Sa được giới thiệu, nhưng chị từ chối lên sân khấu theo gợi ý của Giám đốc người Anh, mà ngồi tại chỗ. Bằng giọng đọc truyện đêm khuya [khá ấn tượng], chị đọc bài viết của một nhà phê bình người Anh về Cuộc đời của Pi.
1. Trình tự khách mời điểm sách được MC thay đổi giờ chót:
- Nguyễn Thanh Sơn giới thiệu mình là người yêu văn học nên làm phê bình (chứ không là nhà phê bình). Tôi viết phê bình vì tôi thích viết về tác phẩm tôi cho là hay. Nhưng từ 2 năm qua, tôi đóng băng. Nhận lời mời của Hội đồng Anh, anh hi vọng mình sẽ được hâm nóng trở lại. Anh vào mục điểm sách bằng cánh phê ngay các nhà văn Việt Nam ở sức tưởng tượng, khả năng xây dựng thế giới cho riêng mình. Bởi thế anh đã chọn một nhà văn Trung Quốc, và rất trẻ nữa: Quách Kính Minh, 19 tuổi: “Vương quốc ảo - khi hoa anh đào nở trên tuyết trắng”. Anh đã hỏi ý kiến Ban tổ chức này, và họ đồng ý. Thế là anh hết lời ca ngợi Vương quốc ảo. Anh hi vọng tương lai gần, văn đàn Việt Nam sẽ xuất hiện hiện tượng độc đáo như thế.
- Ngô Thị Kim Cúc không đồng ý với Nguyễn Thanh Sơn bằng cách dẫn ra ngay cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn vừa qua tuổi băm của Việt Nam đang sống ở Sài Gòn ra làm chứng: Nguyễn Danh Lam với cuốn Giữa vòng vây trần gian. Chị khẳng quyết rằng đây là tưởng tượng lớn, Nguyễn Danh Lam đã dựng lên một thế giới đầy siêu thực. Rồi chị xin phép bà con cho đọc văn bản một trang A4. “Tác phẩm này là một trong những tiểu thuyết mang tính triết học hãy còn quá lác đác của chúng ta”. Tiếc rằng nó chỉ in 1000 bản, quá ít so với dân số trên 80 triệu của Việt Nam!
Có lẽ do 2 nhà trước nói dài chăng mà MC Lê Hoàng nhắc khách mời thứ ba là tôi làm ơn ngăn ngắn xíu.
- Inrasara: Tôi thích trao đổi – đối thoại hơn độc thoại. Các bạn biết, tôi là người làm thơ; nhưng sáng tạo cũng có lúc bế tắc. Tôi dấn vào phê bình là để giải quyết bế tắc cho tôi. Vấn đề ngoại vi/trung tâm là ý tưởng xuyên suốt trong phê bình của tôi. Tôi thấy tập truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên mang nội dung đó. Sự biến mất, sự trôi giạt, xao xuyến có mặt đầy khắp trong Khu vườn lưu lạc, đó là cảm thế tính nền tảng của hiện thể con người. Giải trung tâm là cảm thức cốt tủy của Hậu hiện đại. Một cảm thức như thế đòi hỏi người viết xử lí nghệ thuật khác.
Tôi ngưng tại đó và, quay sang “ca ngợi” Khu vườn lưu lạc là tập truyện rất độc đáo. Tôi cố ý thế và, đợi câu hỏi về vụ “xử lí nghệ thuật khác” kia; nhưng 2 phút (tôi mới tiêu 3/5 phút được phép) và suốt buổi tôi không nhận được câu hỏi chờ đợi.
MC: Tôi cứ nghĩ chỉ có hội họa mới trừu tượng, cả phê bình cũng trừu tượng nữa!
2. Thảo luận:
MC đặt câu hỏi với Nguyễn Thanh Sơn: Ở Việt Nam hôm nay, anh thấy tờ báo nào có phê bình văn học đáng chú ý hơn cả. Nguyễn Thanh Sơn lưu ý bạn đọc cần phân biệt phê bình trên báo phổ thông với phê bình trên báo chuyên. Theo anh, cả hai loại báo này chưa có các phê bình đáng giá, chỉ mới dừng lại ở bài điểm sách.
MC quay sang nhà thơ Trần Mạnh Hảo: Anh Hảo thấy có sự khác biệt giữa phê bình trên báo và phê bình trên mạng không? Trần Mạnh Hảo nói ngay: Tôi không thấy có khác biệt nào cả, miễn sao phê bình đừng có uốn cong ngòi bút mình. Anh đứng dậy phát biểu, quay nhìn toàn cảnh hội trường, giọng to, vang và dĩ nhiên – gay cấn, như anh lâu nay thế. Tôi đã viết cả ngàn bài phê bình, nhưng bởi nó quá “thật” (như lời MC yêu cầu) nên tôi bị treo bút. Anh còn nói dài, MC đành xin phép anh dành thời gian cho bà con khác.
Nguyễn Viện đề nghị MC nên dành diễn đàn cho thính giả trao đổi trực tiếp với diễn giả, và đừng xen vào câu chuyện. – Tôi không đồng ý với Nguyễn Thanh Sơn là nhà văn Việt Nam không [thể] viết hay, vấn đề ở đây là họ có dám viết không? Và ai sẽ in tác phẩm của họ. Trong khi mấy năm qua các đầu nậu làm sách là chính, và sách được báo chí giới thiệu rầm rộ đâu phải là tác phẩm đáng đọc.
MC: Tôi xin đặt câu hỏi với Ngô Thị Kim Cúc, là một nhà báo, chị có bao giờ bị áp lực phải giới thiệu tác phẩm này nọ không? – Đôi lúc cũng có, qua quan hệ quen biết là chính, nhưng tôi không bị áp lực nào cả. Còn Nguyễn Thanh Sơn? – Không! Ngay cả tác phẩm của người bạn thân là Nguyễn Việt Hà, cần thiết tôi vẫn chê như thường. Và tôi đã làm như thế!
Inrasara: Tôi xin nêu quan điểm phê bình của mình. Một nhà phê bình không thể quán xuyến tất cả các sáng tác đương đại. Nên, họ chỉ có thể chọn lựa một quan điểm thẩm mĩ nhất quán, để làm phê bình. Đáng sợ là một nhà phê bình không có tư tưởng; sợ hơn nữa là nhà phê bình nô lệ vào [hệ] tư tưởng.
Phê bình trên báo chí giai đoạn qua chưa có tư tưởng. Như Tạp chí Việt (Úc) hay Thơ (Mĩ) đã làm được. Phê bình không thể không cảm tính hay diễn dịch. Nhưng làm sao nhà phê bình không sa lầy vào nó, để đừng biến bài phê bình thành tập hợp các phán quyết đầy chủ quan, tùy tiện. Dù sao, một bài phê bình mức độ nào đó vẫn còn tùy thuộc tri thức mĩ học của người đọc, trong đó có cả gu thưởng thức nữa.
Thận Nhiên: Xin hỏi Inrasara nguyên do nào độc giả Việt Nam không hiểu được bài phê bình mới, phê bình về sáng tác đương đại? – Nguyên nhân đầu tiên thuộc chương trình dạy văn của ta. Hơn 3 thập kỉ qua, sinh viên ta ít biết về các trào lưu văn chương trên thế giới. Chưa tiếp nhận mĩ học hiện đại thì làm sao ta chuẩn bị tri thức và tinh thần đón nhận các sáng tác đương đại?
Có lẽ đây là câu hỏi-trả lời duy nhất về một vấn đề cụ thể giữa diễn giả và thính giả, còn lại, nhiều câu gộp thành cụm. Đến MC không [thể] trở tay kịp!
Một thính giả trẻ [nữ] (nhận là cháu của Xuân Quỳnh): Em thấy thơ văn thời kháng chiến dễ đi vào lòng người, bởi nhà văn thời đó viết lạc quan không bế tắc như bây giờ. Cũng cần khống chế tư tưởng chớ đừng sa đà. Hôm nay em có vài lời khuyên đến các chú các bác nhà văn. “Lời khuyên” thứ nhất là các bác viết sao đáp ứng nhu cầu bạn đọc là được rồi. Sau đó thính giả này còn đưa ra thêm 2 lời khuyên nữa, nhưng do không diễn đạt rõ nên tôi không nắm được đại ý.
Lại một thính giả trẻ [nam] khác: Nhà văn thế hệ đàn anh viết chúng em không hiểu gì cả; các tác phẩm được dạy trong trường thì rất chán. Chúng em chỉ thích những gì thế hệ chúng em viết thôi, rất dễ hiểu. Nhà văn là phải viết sao cho dễ hiểu. Một tác phẩm mà trẻ không hiểu thì già cũng không hiểu.
Nguyễn Viện vừa giơ tay đồng thời đứng bật dậy bác bỏ cả 2 ý kiến trên: Bổn phận nhà văn là nỗ lực viết sao cho hay, nhà văn không thể hạ mình xuống để viết cho vừa lòng người đọc được. Độc giả phải tự nâng mình lên để hiểu được tác phẩm của nhà văn.
MC: Có bạn nào trong này đồng ý với Nguyễn Viện không? Câu hỏi khiến hội trường sôi động. Có đến hơn 10 cánh tay đưa lên, chủ yếu là phản đối, trong đó có cả Nguyễn Thanh Sơn.
Nguyễn Thanh Sơn: Nhà văn cần phải viết giản dị. Tất cả nhà văn vĩ đại đều giản dị. Đành là mọi sự giản dị chưa hẳn đã vĩ đại, nhưng mọi tác phẩm vĩ đại đều giản dị. Nhà văn viết sao để lứa tuổi nào cũng có thể tiếp nhận được. Ví dụ tôi đọc Nhà thờ Đức Bà Pari, thời bé thích khác, chỉ quan tâm xem Quasimodo đánh nhau thắng hay thua; tuổi hai mươi tôi đọc khác, mỗi thời tôi thích và hiểu mỗi khác. Lê Hoàng nhất trí cao với quan điểm này: anh Nguyễn Viện bảo độc giả phải vươn ngang tầm với nhà văn tôi e là ông Andersen không đồng ý đâu. Nhà văn Đan Mạch này viết cho mọi lứa tuổi đấy chứ!
Nguyễn Viện đâu vừa: Đồng ý là nhà văn vĩ đại đều giản dị, nhưng có không ít nhà văn vĩ đại không giản dị tí nào cả!
Một thính giả: Tôi cho là chúng ta hơi lạc đề. Tiêu điểm hôm nay là “Phê bình văn học trên báo chí – lí tính và cảm tính” nhưng cả các vị khách mời lẫn MC không ai cho mình là nhà phê bình cả. Cần tập trung vào chủ đề chính là hay hơn.
Lê Hoàng trước khi chuyển micro cho Trần Mạnh Hảo phát biểu lần hai, đưa ý kiến riêng rằng không thể có phê bình hay khi văn học chúng ta chưa có tác phẩm hay. Dường như nhà thơ Trần Mạnh Hảo không chú ý đến câu đó, anh nói: Tôi nhất trí với nhiều ý kiến của Inrasara. Về phần tôi, tôi muốn nói rõ rằng báo chí chưa dám nói thật thì làm sao có phê bình đúng nghĩa. Anh thêm, tôi đã nói ý này với cả Bộ chính trị, trước mặt 600 Đảng viên: chưa có tự do, thì không thể có nền văn học lớn.
Nhưng Nguyễn Thanh Sơn không bỏ qua ý trước của Lê Hoàng, anh nói phớt rằng: Chị Kim Cúc vừa nhắc tôi là MC Lê Hoàng quá ngây thơ trong nhận định. Có thể vẫn có bài phê bình hay về một tác phẩm dở.
Lê Hoàng: Thì tính tôi cứ ngây thơ thế!
Inrasara: Giới thiệu một tác phẩm đến với công chúng, nhà phê bình không nhất thiết phải chọn tác phẩm “hay” hoặc nổi tiếng, mà là tác phẩm đó có điều gì mới lạ không, nó có đóng góp gì cho phát triển văn học ở tương lai không.
Một thính giả: Nghe anh chị nói tôi thấy chơi vơi quá! Tôi xét rằng nhà văn hôm nay ít nhìn sang đối tượng thiếu nhi. Tập thói quen đọc là phải tập từ bé thì sự cảm thụ văn chương của người đọc mới phát triển.
Câu nói gần như lạc lõng và chơi vơi giữa hội trường có sức chứa trăm người, nhưng lúc này đã vơi đi vài hàng ghế. Điều lạ là hầu hết các khuôn mặt văn nghệ sĩ sáng giá của thành phố: Trịnh Cung, Trần Nhã Thụy, Mai Sơn, Lê Thiếu Nhơn, Trần Hữu Dũng, Trần Tiến Dũng, Thanh Xuân, Nhật Chiêu,… không thấy ai lên tiếng. Chẳng có gì mới hay quá nhàm chán!? Riêng Lý Đợi thì chỉ tập trung quay các pha gây cấn để làm tư liệu.
Nhạc sĩ Dương Thụ: từ cuối hội trường giơ tay ý kiến rằng Hội thảo quá lạc đề. MC để xảy ra đối đáp qua lại giữa hai bạn trẻ và nhà văn Nguyễn Viện là điều không nên. Khách mời của Hội đồng Anh lại quá phức tạp nên có nhiều ý kiến trái chiều và gây sự không hiểu nhau. Hai bạn trẻ kia đáng lẽ ngồi im nghe, như tôi đã ngồi im, biết gì mà nói. Tôi nói vì tôi hi vọng có gì để nghe, kết quả thì chẳng có gì để nghe cả. Còn Ngô Thị Kim Cúc cho văn chương Nguyễn Danh Lam đầy tính triết lí thì theo tôi đó chẳng có gì lớn cả. Vài nhà văn chọn lối viết khoa trương ảo tưởng đó là cách tân, rồi nhà báo viết tán hùa theo, như trường hợp Đỗ Hoàng Diệu chẳng hạn, đến tôi phải đi tìm mua sách. Đọc rồi tôi chả thấy gì hay ho như báo chí ca ngợi! Anh còn nói khá dài và rất xa…
Xa đến nỗi vài cánh tay giơ lên cảm nghe mỏi mệt nên từ từ tự thu hồi lại.
Đồng hồ đã chỉ sang: 21:34. Lê Hoàng liếc sang 3 diễn giả đang muốn nói gì thêm.
Ngô Thị Kim Cúc: Tôi không trách các em hôm nay không thể cảm thụ văn chương. Lối dạy văn của chúng ta đã rất thành công trong việc triệt tiêu sự nhạy cảm trong cảm thụ văn học của vài thế hệ. Đấy là điều đáng lên tiếng báo động.
Inrasara: Tôi có 3 điều nói thêm: Một bạn cho là cả 3 vị khách mời không ai nhận mình là nhà phê bình, tôi thì khác: Tôi nhận mình là [người làm] phê bình. Tôi gọi nó là phê bình lập biên bản. Các trào lưu hay hiện tượng văn chương đang xảy ra, độc giả cần biết tới chúng. Báo chí ta chưa công bằng lắm với dòng văn chương thuộc hệ mĩ học mới, khác mình. Khi ta chê loại thơ nào đó là dị hợm (thơ của nhóm Ngựa Trời chẳng hạn), ta chỉ một bề phê-chê, chứ ít khi có tiếng nói ngược lại. Chưa có một đối thoại sòng phẳng. Theo tôi, ta cứ để chúng có mặt, nếu chúng dị mọ hay nhí nhố, thì chúng tự loại ra khỏi cuộc chơi thôi.
Còn việc bạn trẻ khuyên nhà văn viết sao cho đúng nhu cầu độc giả. Hỏi chứ thế nào là nhu cầu? Nếu chương trình Pháp không dạy văn chương hiện thực và lãng mạn, thế hệ độc giả thời Tiền chiến có đón nhận được Xuân Diệu, Huy Cận,… không? Mĩ học hậu hiện đại chưa được nhận biết, thì độc giả hôm nay làm gì có “nhu cầu” đọc thơ hậu hiện đại? Sau cùng, thành phần khách mời không vấn đề gì cả. Họ là độc giả, họ có quyền đến và nêu ý kiến mình, bổn phận của MC là điều phối, gợi mở, gợi ý và gợi hứng cho các phát biểu đi vào trọng tâm.
Nguyễn Thanh Sơn [được MC hân hạnh cho phép nói tiếng nói cuối cùng]: Theo tôi tiêu đề “Phê bình văn học trên báo chí – lí tính và cảm tính” chưa chuẩn lắm. Không có phê bình nào thuần lí tính cả. Phê bình cần hài hòa giữa cảm tính và thuần lí tính? Cảm nhận trực tiếp của nhà phê bình là rất quan trọng trong thẩm định một tác phẩm văn chương.
Hạ màn:
Sau cùng, 3 vị khách mời và MC được ông Graham Sutcliffe, Giám đốc nghệ thuật Hội đồng Anh trân trọng tặng mỗi người một bó hoa… làm kỉ niệm!
Cuộc hội kết thúc lúc 21:54 giờ cùng ngày.
Biên bản lập xong vào lúc 8:20 giờ hôm sau - tại nhà riêng, Quận 4, tp.Hồ Chí Minh.
BB có tham khảo trí nhớ của đạo diễn Song Chi và nhà thơ Lý Đợi;
sau đó nó được gởi cho Nguyễn Thanh Sơn và Ngô Thị Kim Cúc xem lại*.
Coda:
- Lý Đợi ở hành lang: Thì cũng vậy thôi mà, đâu yêu cầu gì cao hơn. Chẳng biết họ tổ chức đêm này có ích lợi gì, chưa đi đã biết, văn chương cũng như đấu võ, phải cùng cân nặng và đẳng cấp thì mới thi đấu được.
- Nhật Chiêu ngoài cổng: Sara tối nay lạc vào thế giới “người ta” nên quá ư lạc điệu!
- Song Chi qua điện thoại: Nghe vài bạn trẻ phát biểu mà hỡi ơi cho chương trình giáo dục của ta.
- Tin nhắn của một nhà văn lúc 11:04 khuya: Lau lam roi moi co cam giac kinh hoang the, bac a. Ruc vao fong viet thoi.
- Một bạn văn alo lúc 6:21 sáng hôm sau: Sara lâu nay quen thói một mình một chợ ngang dọc, tối qua bị kèm kẹp giữa người thiên hạ, ăn nói như …!
Sài Gòn, 07.07.2007.
_______________
Nhận xét của Inrasara:
Cafe Văn học thì rất tốt. Có lợi cho văn học Việt Nam hôm nay và, cần thiết cho mọi người. Cần như Bàn tròn văn chương, chi lưu nhí của Hội Nhà văn Việt Nam. Sinh hoạt Vỉa hè Văn chương cũng vậy. Tất cả cùng nỗ lực đưa văn chương đến với người đọc. Công việc còn lại là cách thức tổ chức và điều hành.
- Một bài phê bình [mẫu] về một tác phẩm cụ thể được trình bày dưới 5 phút, chắc chắn không thể nói lên phong cách phê bình của nhà phê bình. Nên chăng, khách mời chỉ nói quan điểm phê bình của mình (văn bản phê bình [mẫu] đã được thính giả đọc trước) để qua đó, mọi người có cơ sở trao đổi.
- Để “tạo cơ hội cho khán giả trao đổi trực tiếp với nhà phê bình” (như mục đích của Hội đồng Anh), tốt hơn nên hướng cho thính giả đặt câu hỏi trực tiếp với mỗi diễn giả (như Thận Nhiên làm thế với Inrasara); cũng rất đáng khuyến khích việc thính giả phản hồi lại một ý kiến của diễn giả (như Nguyễn Viện phản bác ý kiến Nguyễn Thanh Sơn) - về một vấn đề cụ thể (như yêu cầu của Ban tổ chức). Còn thả nổi cho hai/vài thính giả “cãi nhau” (từ dùng của một thính giả) hay để cho thính giả phát biểu giảng bài khá dài (như vài trường hợp) với nêu quá nhiều ý trong một lần phát biểu thì tình hình trở nên rối rắm, khó gỡ. Ở điểm này, vai trò của MC là rất quan trọng.
__________
* Chú thích: Tôi gởi BB đến Nguyễn Thanh Sơn lúc 17:23 thứ Bảy, Ngô Thị Kim Cúc 13:10 giờ Chủ nhật, nhắn tin nhắc và anh chị có hứa xem. Nhưng có lẽ vì quá bận hay bởi đã đồng ý với BB, nên cả 2 vị đều không có hồi đáp. Để đảm bảo độ nóng của thông tin, tôi chuyển “Biên bản lập chậm” này cho vanchuongviet.org, để bàn dân tiên hạ biết!