Hoa gạo thổn thức rơi tràn bến quê đỏ ối
Người làng quê rao bán những long đong
Cánh diều khắc khoải gọi trăng bạt gió khóc trên đồng
Hỏi ai cuốc nát đất hoang giữa mùa sương trắng
( Lời đồng vọng trong đêm )
Một nhát cọ ngang trời đỏ quạch nỗi buồn thức dậy cả cơn mơ? Không, là thực, thực trong từng góc cạnh chi tiết bến quê đỏ ối, cánh diều khóc trăng, đất hoang sương trắng…thực mà phiêu phưởng chòng chành mua bán những long đong, mà vật vờ chông chênh gió, mà tềnh toàng trăng...Thế đó, tranh của Vinh đẹp, đẹp đến buồn rười rượi, đến dờn dợn đau, đến nao nao lòng.
Mùa đông, khi những tin bão kêu vang dồn dập, khi những cơn lũ chảy tràn sông nước quê hương, tôi đã sờ nắn chạm gót NHỮNG BƯỚC CHÂN CỦA BÃO -BÙI ĐỨC VINH (BĐV), bỗng nghe hơi thở râm ran bùn non long mạch rì rầm, nghe tim ngờm ngợp cơn lũ vô tâm dìm năm tháng gieo neo, nghe ngón chân máu chảy con đường đầy mảnh sắc rình rập, nghe tai sầm sập bước chân những đêm quân hành… Những cơn bão của anh ghé lại CÁNH RỪNG CHƯA YÊN GIÓ, đuổi theo NHỮNG CHUYẾN TÀU MÙA ĐÔNG, bì bõm trên cánh đồng thi ca, hóa thành một ĐÊM CƠN CỚ , là cọng rơm xơ xác tôi, là con đò quặn mình đau trở dạ, ngả nghiêng cánh đồng bạc mắt thức ngóng… Trong gió bời bời, trong than hồng bỏng rẫy, trong lầy bùn quánh đặc thức mây, trong sa mạc lõm lồi khô khát…,bao giờ thơ anh cũng thăm thẳm sâu mà dịu dàng như thể chiêm bao: một chút nồng đôi môi tóe lửa mặt trời, một chút ấm cọng rơm nhóm lửa ngày mưa, rồi thênh thênh một khúc phiêu linh, rồi mềm ướt sương tơ rụng vai lặng lẽ. Thơ lãng mạn, lãng mạn đến tê ngời, mươn mướt ngày mùa tháng gió tả tơi, bồn chồn nguồn cơn nức nỡ, thơm ngát cả những bước quân hành xa trùng trùng rét mướt…
Hãy nghe niềm riêng gối mộng vào đêm của người lính giữa bão lửa chiến trường:
Ai mơ hương tóc dài thướt tha mùa con gái
Bầu vú nõn nà đêm chỉ dám ước ao thầm.
(Cánh rừng chưa yên gió )
Viết về tuổi thanh xuân căng tràn nhựa sống, BĐV đã không hề che đậy nỗi nhớ thướt tha, nỗi ngọt ngào nhuốm màu tục lụy đời thường khi không dừng lại ở dáng Kiều thơm mà một bầu vú nõn .Ký ức mẹ nhầu nhò lá trầu cay chát đắng lại được treo lên trong mòn mỏi thức cây đèn dầu góa bụa nhấp nháy gầy hao muộn phiền. Anh đã thắp lên những ngọn nến tức tưởi, soi mặt vào những khát vọng thấp thởi, những tính toan có hốc hác nhưng lại đặt trên cái giá đở cực kỳ diễm lệ. Tuy nhiên, ở đây không có cơn mê tình sướt mướt chia biệt, không rệu rã mưa bụi sông Tương, cũng tuyệt nhiên vắng bóng những mùa phồn thực với những đôi chân khóa chặt nhau*; có chăng là một lần lỡ DẠI trong chếnh choáng rượu nồng làm con gấu tham ăn mật tình để mai sau bỏng lời anh tha thứ muộn mằn.
Tôi đã tẩn mẩn đếm và rồi bở ngỡ, rồi ngạc nhiên khi trái tim tươi đỏ của chàng trai mới 28 tuổi chỉ dành riêng em yêu có mấy vần trong suốt cả tập 60 bài, còn lại là cho cánh đồng quê nhà, cho người và cho thơ.
Nầy nhé quê nhà, cánh đồng trĩu giấc lo toan ngun ngút cháy trong thơ anh. Luống cày mưa sương, cọng rơm quấn nỗi buồn tàn tạ, triền đê đỏ rực hoa gạo, cánh cò mỏi rã đạp bóng chiều, mái rạ dột nát, the thía giàn trầu xanh, bờ ao khuya ổi chín rụng hương nghèo, mái đình giàn giụa ánh trăng mơ, dòng sông đục ngầu sắc phù sa, con đò trở dạ bến trăng, cả tiếng mõ kêu choáng ngợp chiều sương, tiếng dế thở than, mấy bác ếch cốm già nua gắt gỏng…Mỗi tình mỗi cảnh, mỗi sắc mỗi màu, mỗi tiết điệu làn hương, mỗi khẽ khàng hình ảnh, run rẫy thanh âm đều rợn ngợp thương yêu mà dằn văt xa xót, là từng phiến từng lớp như đá ngún mây dựng lên tầng tầng Cõi thiêng của BĐV, không hề nhầm lẩn với ai. Đi theo NHỮNG BƯỚC CHÂN CỦA BÃO, tôi đã thả mình lềnh phềnh trôi dòng sông mênh mông xúc cảm, khi hoang tàn lòng con đê vỡ, khi mộng mị gieo lại giấc phì nhiêu, khi lắt thắt cháy những trở trăn, khi buôn buốt bàng hoàng tiếng gà trong tim lộng sáng, khi ngật ngưỡng nghe khúc giao hưởng quê nhà và bỗng, thương anh, thương làng Bùi giờ thiêu thiếu, mùi bánh đa quạt lửa…
Ngắm nhìn bức tranh toàn cảnh quê nhà, ta nhận ra một BĐV họa sĩ nhà nghề với những mảng màu đậm nhạt tinh tế: một chút phơn phớt hồng sớm mai mùa vui hạt thóc căng tròn, một chút vàng trăng đêm hương cỏ dại, một chút đỏ chiều quê hoa gạo, còn lại là xanh tai tái, xanh nơm nớp lo âu cơn gió bấc mơ hồ, là trắng phếu cánh cò chênh chao, là đen kịt cơn giông xám mây vần vũ, là đục ngầu phù sa lừ lự…
Từ một góc nhìn nửa đêm:
Con đò quặn mình đau trở dạ dưới bến trăng
Dập dìu cánh bèo tím gọi mưa lung linh cùng tôi vỡ
( Lời con đò trước bóng sông thiêng)
còn hỏi lại lòng mình:
Tôi –con cua đồng tháng sáu lảo đảo say nắng
gắp đám mây phù thũng không qua nỗi ruộng lầy
Chiếc nón quê quẳng vào câu thơ cũ gọi cánh cò
xa xót cơn giông (Theo mạch chảy ngàn năm)
và nhìn về hôm qua :
Kìa bóng cha đổ dài xuống thung lũng trắng
Lũy tre ơi, đừng gãy lưng mà đau ngực cánh đồng tôi
(Bài ca trên cánh đồng tôi )
Có lẽ không có gì mơ hồ trên những vệt sáng đậm nhạt nông sâu của ngọn đèn gầy thắp lên từ nỗi buồn, chúng ta hoàn toàn tin vào chữ Tình sâu nặng, cái Tâm đăm đắm của Vinh với quê nhà. Anh, trước hết, là THI SĨ hát vang BÀI CA TRÊN CÁNH ĐỒNG TÔI khi hoàn thành sứ mệnh mà Charles Simic (Mỹ) cho là quan trọng hàng đầu của thi ca: tìm cách lưu giữ mãi mãi vẻ đẹp của một khoảnh khắc đời sống đă trôi qua. BĐV, như thế, đã ngồi trên BẾN THỜI GIAN mà vẽ lại vết chân trầy xước luống cày, vẽ lại tuổi thơ chiếc áo mặc thừa, cả giấc mơ đói trườn qua núi cô đơn…Chiếc áo có sờn cũ, vết chân bùn có lầy khô nhưng thuộc về MÌNH một thời đã qua nên…đẹp, vẽ đẹp của thời gian rụng trắng nỗi niềm. Nỗi niềm hóa thành vần thơ bay đi, gởi vào đám mây, lẫn vào cỏ biếc.
Anh, người nông phu đã gieo những hạt giống thơ- những hứng khởi tươi rói trên chính cánh đồng mình, cánh đồng rơm rạ rươm rướm nước mắt mồ hôi một thuở xa xôi để rồi hái gặt một mùa vàng thi ca, những vần thơ bộn bề khó nhọc, tung hê phiền muộn vào mênh mang trời đất.
Và, người lực điền, trong mùa màng canh tác đã chạm đến cõi người, tay nầy chạm vạt áo cha, tay kia nhúng hương của mẹ; màu cỏ bùn non không che khuất những sân ga cuộc đời, những cột mốc chỉ giới chưa bao giờ bình lặng. ĐÊM CƠN CỚ là máu thổ ra hoa, là nước mắt khô khát gọi mãi tên cha. Ấm thuốc bắc thầy lang không đủ sức giải cứu cha khỏi cơn mê định mệnh để rồi PHÍA LUỐNG CÀY KHÔNG BÓNG mưa phùn nưng nức, gốc rạ tức tưởi. Bóng mẹ tấm lưng mòn mỏi chưa mềm nỗi đau nhưng mềm những vần thơ rưng rức thương yêu: khi là vì sao định mệnh trôi lạc dưới trời mươn mướt trắng, khi đội lệch nón mê, tảo tần gánh thóc qua đê bao chiều, có khi giang tay ôm nghẹn lòng mưa vỡ, khi lại mòn mỏi thức cây đèn dầu góa bụa. Nụ cuời gượng của cha bửa cơm toàn rau muống luộc, cây đèn mẹ đỏ mắt khuya đã khoanh tròn những vạt cỏ xanh nhức lòng thương nhớ, đánh dấu những chóp đỉnh tột cùng xót đắng…
Trong những vần lục bát tưởng chừng bâng quơ, tưởng chừng thật thà, BĐV đã dốc cả nồng mặn cho người chị héo rũ mùa cau, lỡ đắm bến sông dậy thì; hóa thân bà cô thành con đò góa bụa lời ngóng trông… Rồi NHỮNG CHUYẾN TÀU MÙA ĐÔNG, BÓNG ĐÊM PHÁT SÁNG, những vần tự do thả tung vật vã đoạn trường với truân chuyên: người đàn bà đa đoan lắp trượt những mảnh vỡ hạnh phúc vào tim đau, phong phanh ngồi như bóng trăng đơn độc giữa ngàn năm… Ở đây, không hề là hư cấu, là tưởng tượng như cách nói của Lawrence Ferlinghetti (Mỹ): thi ca …chiếc bóng ngã xuống của những cây đèn-tưởng tuợng của chúng ta mà là cuộc đời thực với dặm ngàn mưa mau khốn khó. Trong thơ Vinh, hư- thực hai bờ không hề chia lìa, trộn với xúc cảm thành một vị thơ đắng mà ngòn ngọt thơm, cay mà không chảy nước mắt, buồn mà không da diết van vỉ, còn nỗi đau cứ dịu dịu mà ướt dầm từng li ti tế bào mạch máu.
Bên cạnh đó, NHỮNG BƯỚC CHÂN CỦA BÃO vẫn dành để những miền vui, một cực đối đải với màu xám quê nhà nên lấp lánh sáng trong tươi mát hồn nhiên tình đất, tình bạn, tình người. Ở đây, thơ phơ phất lưng trời hương cốm, hương hoa sữa Hà Nội với heo may líu ríu, với thiếu nữ gánh cốm vội vàng. (Khúc phiêu linh cho Hà Nội ) Thơ cũng lãng du với Quang Dũng, với Nguyễn Đình Thi, với cả Exênhin. Nầy là em gái Sura tóc vàng bay mùa thu, là hình bóng nước Nga náu mình trong đám mây màu sữa. Nầy là mùa xuân Sông Hồng rung vào sóng nhạc một nguồn âm. Và trên cao kia, mây trắng xứ Đoài, bên dưới là sông Mã thác tung bọt dội ngang trời rưng rưng. Thơ không còn hổn hển điệu gọi khàn hơi khó nhọc, thanh đã trong vắt đến từng ngấn mây còn tình cũng lao xao quấn quít bồi hồi và màu thì lung linh trắng- vàng-biếc xanh, lung linh mà chếnh choáng say…
Bão cũng đã khuấy động sa mạc thơ khổ hạnh đầy bất trắc, dấy lên những cơn sóng hăm hỡ đến khánh kiệt, trộn hồ phèn mặn với chua ngọt, quăng quật rối bời những ẩn ức với nhân danh. Cái tôi trữ tình hiện thân lồ lộ, không sơn vẽ : một con ngựa hoang dã, chú lạc đà tôi nhễ nhại…trên lưng mình quá tải, một gã khổng lồ cứ chộn rộn, cứ hì hục bước, một chuyến đò tất tả, một cánh bèo lang thang, và đôi khi là đứa trẻ tập đi, lẫm chẫm. Trên chặng đường ẩn mật chênh vênh khúc khuỷu nầy, hình tượng thơ có vẻ nhòa nhạt, không mấy ám ảnh vì tranh sáng quá, gam màu nóng quá. Không cần cách sơn đả ngưu, BĐV trực diện, phăm phăm lao vào đối tượng, những kẻ làm vấy bẩn thi đàn, lũ chuột đồng…nhởn nhơ quậy phá, và cũng húc thẳng vào ngực mình:
Tôi là ca sĩ tồi trước bảng xếp hạng chen đua nhốn nháo
Hình như có đám mây phủ lên tấm danh hảo một thời
(Lời con đò trước bến sông thiêng )
Với nhiệt tình, trung thực, dũng cảm cộng với một chút màu trịch thượng, BĐV đã tung thẳng những cú đấm xao xác đớn đau vào giữa mặt người, vào bộn bề dòng trong dòng đục; chỉ có điều, thơ đã không kêu giòn, không tỏa hương- vì nói theo cách của Pau-tôp-xki : Những chữ xơ xác nhất mà chúng ta đã nói đến tận cùng…hãy làm những chữ ấy lại sáng lấp lánh, lại kêu giòn và tỏa hương- Tôi vẫn thích GIAI ĐIỆU, TIÊN CẢM, ĐỘC THOẠI, THEO MẠCH CHẢY NGÀN NĂM, và BÓNG ĐÊM PHÁT SÁNG với hình ảnh người họa sĩ vật vã ngồi độc thoại cùng chiếc bóng tâm linh hơn KHÁT VỌNG GIẢI NÔBEN, CÁNH RỪNG THI CA, LỜI CON ĐÒ, và THƠ HAI CÂU… vì hình ở đây khá trần trụi, sắc không mấy diễm lệ để phấp phới Nàng thơ…Giá như, BĐV xem lại phân lượng, cân đo con chữ thì BÃO có lẽ sẽ…mộng mị hơn!
Cuối cùng, chính những xộc xệch, phăm phăm, tớn tở, nhom nhem, lắc thắc, the thía, cơn cớ, nồng nã, thập thững… với lại ngực Mầu lõm cả đêm rằm, nỗi buồn mọc rêu vách nước, bầy hạc đỏ…gắp giấc mơ làng, màu cổ xưa ngân ngấn vệt trầu tươi, cha về mặt khuyết rạn chân chim…, những hình ảnh tràn đầy thi cảm ám ảnh, khiến tôi nhận ra mình chỉ là một gã làm thơ vụng về câu chữ ; từ đó, động lòng mến mộ chàng trai làng Bùi -mà tôi chỉ có thể ngồi đây mường tượng trán cao, mắt sáng- cũng từ đó nhận ra con đường đi lên của thế hệ nhà thơ 7x, 8x. Ô hay, lớp trẻ không chỉ có những vần thơ tắc tị, ỡm ờ ma mị, lấy thân thể làm chữ nghĩa mà đây đó đã có thơ chính danh thứ thiệt, những nghi cảm ơn khát tận cùng chảy từ suối nguồn trong veo của tuổi thơ lăng lắc rơi vỡ tím ngỡ dại khờ, mọc rễ trên cọng rơm nhóm lửa ngày mưa lắt thắt cháy !
Bùi Đức Vinh, không hổ thẹn là đại biểu nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ VI (2001), không hổ thẹn với các giải Thơ của báo Văn nghệ, của Sông Hương. Hy vọng anh sẽ bước tiếp con đường của mình dù phía trước còn nhiều mảnh sắc; và, thơ sẽ hót xanh những khúc điệu làng quê ngày mới; ngọn cỏ hôm mai rồi sẽ mềm như thể, vầng trăng bến dậy thì..
Cam Ranh tàn đông 2006
*Thơ Vi Thùy Linh