Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.115
123.145.002
 
Đạo bùa hoá giải
Đỗ Trí Dũng

 

Đã gọi là “dã sử” thì mỗi đời đều có một cách nhìn. Song nhìn bằng một tư duy hoạt kê như thế này kể cũng hiếm lắm trong trường văn trận bút hôm nay. Có điều hoạt kê thái quá dễ đánh mất mình lúc nào không biết. Khi đó muốn trở lại bình thường cũng khó mà được. Chẳng phải sẽ tiếc lắm thay...

 

PLV

 

Năm Hàm Thông thứ 6, vua Đường Ý Tông phong Cao Biền làm đô hộ tướng quân, đem binh đi dẹp loạn Nam Chiếu. Lúc Biền chiến thắng trở về, vua đặt Tĩnh Hải quan ở Lĩnh Nam1, cho Biền làm Tiết Độ sứ như một cách thưởng công.

Biền vốn trước đây đã tốt nghiệp khoa kiến trúc trường đại học Nam Hoa; sau, bảo vệ luận án tiến sĩ không thành, Biền giận lắm, về nhà ngâm cứu sách vở không dám trễ nải, nên những thuật phong thủy địa lý, phù phép âm binh, Biền nắm rất vững. Khi tới Lĩnh Nam, thoáng nhìn qua thế đất, Biền biết ngay đây là nơi nhiều long mạch, chó ăn đá gà ăn sỏi; bèn cả mừng cho xây thành Đại La ở phía tây Lô Giang, chu vi 30 dặm để ở.

Bấy giờ đang độ tháng sáu, nước Lô Giang dâng cao, nên cứ chiều đến, Biền lại sắp cỗ bàn cùng hai ả ca ve lên chiếc thuyền con mà du sông uống rượu ngâm thơ. Có một dòng sông con từ Lô Giang chảy ra phía tây bắc cuốn quanh phía đông nam, ôm lấy thành Đại La âu yếm như ôm người tình, rồi lại nhập vào sông mẹ. Biền hay dạo trên nhánh sông này. Hôm đó, thuyền Biền đang lướt êm, chợt tự nhiên khựng lại, lũ lính ra sức chèo mà con thuyền không hề nhúc nhích, Biền đang ngồi trong khoang, biết có chuyện, bèn đứng ra mũi thuyền, tay cầm kiếm, tay bắt quyết, mồm tuôn ra một tràng tiếng lóng; tức thì, trời đang quang, mây đang tạnh, chợt sấm chớp mịt mù, gió lớn nổi lên, sóng nước cuồn cuộn; trên sông hiện ra một lão già mồm móm mắt toét, mình cao hai trượng, trên mình vận độc chiếc áo pull rộng lùng bùng kiểu hip hop, đầu đội mũ tía, tay cầm hốt vàng rực rỡ một góc trời, chỉ mặt Biền mà quát rằng: “Thằng oắt con miệng còn hơi sữa kia, không biết trông trên ngó dưới. Đất có Thổ Công sông có Hà Bá, coi thường ta quá lắm. Tao cho mày ăn cứt”. Tụi lính theo hầu mặt xanh nanh vàng kinh hồn táng đởm, run lập cập đứng dúm vào một góc. Riêng Biền chỉ cười nhạt, lại tuôn ra một tràng tiếng lóng, chỉ kiếm xuống sông rồi thét to: “Biến!” Quả nhiên, đất trời long lanh mượt mà trở lại. Lão nhân thoáng chút sượng sùng, rồi phùng mồm trợn má nhổ một bãi đờm trúng mạn trái chiếc thuyền làm sứt một miếng to bằng cái đấu, đoạn nói: “Nhớ nhá! Rồi mày sẽ biết tay ông”, rồi nhảy lên con Harley Davidcoperfeeld 750 cm3 mà lặn xuống sông mất tăm.

Từ sau bữa đó, Biền về nhà lo buồn sinh ốm, biếng ăn kém ngủ, tới bữa chỉ dùng được chừng dăm bẩy bát cơm với đôi ba con gà công nghiệp tiềm thuốc bắc, đêm chỉ giao hợp chừng tám hiệp là kiệt, khi ngủ thường ngáy to như sấm, sau khi thức dậy thể nào cũng phải đi tiểu. Đặc biệt, mồm luôn phảng phất mùi gì gần giống phân người. Thuốc thang các kiểu, danh y Đông Tây các loại mà bệnh tình không hề thuyên giảm. Có nhà văn họ Vương tên Dật vẫn thường mến tài Biền mà hay qua lại nhậu nhẹt, khuyên rằng: “Tiên sinh tự dưng mắc bệnh lạ hẳn không phải vô cớ. Tại hạ đồ rằng chắc thần linh quanh đây giận dỗi mà trù úm gì chăng? Thường nghe, phía tây nam Đại La thành có một khu rừng nguyên sinh nhỏ, gọi là Vườn Bách Thảo, trong đó có ngọn núi độ cao 25 mét so với mặt nước biển, thường gọi là núi Nùng; trên núi có một bà đồng họ Trương tên Nhũ Hoa tu luyện lâu năm, rất giỏi trừ tà chẩn bệnh. Hay là tiên sinh làm một chuyến hành hương núi Nùng xem sao?” Biền gạt đi mà rằng: “Ta bình sinh ngâm cứu khoa học nên rất ghét bọn đồng cốt bói toán. Thần linh xứ Lĩnh Nam này bất quá là lũ chim chuột, ta có coi ra gì. Tự đau tự khỏi. Nếu cần, ta chơi vài viên Decolgen là xong”. Nói xong, phất tay áo đi vào. Vương Dật chỉ biết thở dài, gạt nước mắt bẽn lẽn ra về.

Ít lâu sau, dù Biền đã viện tới thần dược Decolgen mà bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm; ngược lại, càng trở nên trầm trọng hơn. Hơi thở hôi thối nồng nặc, đứng cách xa mười trượng vẫn ngửi thấy mùi. Cơm nước hầu như bỏ hẳn, chỉ còn dùng được những thứ linh tinh như phở xào, lẩu dê, hay thịt chó. Bảy bà vợ và đám ca ve hầu dưới trướng hết lòng khuyên nhủ Biền, rằng, có bệnh thì phải vái tứ phương, sức khỏe là quan trọng, không nên quá chấp nê. Biền nghe nhiều thấy cũng xuôi tai, bèn cho vời Vương văn nhân qua bàn kế hành hương núi Nùng. 

Vào ngày Xuân phân, tiết Hạ vũ, năm Hàm Thông thứ 8, Cao Biền và Vương Dật tay xách nách hôi các đồ lễ vật, cưỡi con Toyota Camry 8.0 nhằm hướng tây nam Đại La thành mà tiến.

Sau khi nhận lễ vật và nghe Biền kể lể bệnh tình trình bầy hoàn cảnh, đồng cô Trương Nhũ Hoa vẫn ngồi im mắt lim dim miệng chim chim nhai trầu bỏm bẻm mà không nói năng gì. Biền và Dật lo lắm, ngồi khép nép, bốn con ngươi đảo như rang lạc. Ba giờ bốn khắc sau chợt đồng cô Nhũ Hoa đứng bật dậy lấy trên giá sách một cuốn y thư dày cỡ hai thốn, gáy đề: “Đi tìm thời gian đã mất”, trước tác của Marco Polo Proust. Sau khi xem xét một hồi, Trương đồng cô khóc rống lên mà rằng: “Khá thương thay cho Cao tướng quân, tuổi trẻ mà tài cao bố láo vô cùng. Ta đây cũng muốn hết lòng cứu chữa. Chỉ hiềm bệnh tình nay đã ăn vào huyệt dương đạo sắp chạy qua mạch vật đức, không thuốc nào trị nổi”. Biền nghe vậy vội vàng rập đầu như bổ củi: “Xin cao nhân ra tay cứu giúp. Tiền bạc vãn bối không coi là cái đinh gỉ. Bao nhiêu cũng chấp tất”. Hoa nói: “Chỉ còn cách này có thể trị bệnh, song không phải chuyện tiền nong, mà chỉ e tướng quân còn cố chấp”. Biền đáp: “Giờ thì tại hạ đâu còn dám cố chấp gì”. Đồng cô Nhũ Hoa khoan thai đứng dậy lui vào nhà trong, lát sau, mang ra một gói nhỏ đưa cho Biền và bảo: “Đây là quả thối nghìn năm, linh vật núi Nùng. Tướng quân mang về, nhằm giờ Ngọ, dọn mình sạch sẽ, lập đàn cầu đảo, bỏ quả thối vào lư vàng mà đốt, sau hăm bốn tiếng tính theo giờ GMT3 sẽ có linh ứng”. Biền rập đầu bái tạ rồi khoác vai Vương văn nhân mà về.

Hôm sau, Biền cho dựng một đàn cầu đảo cao tám trượng, tắm rửa sạch sẽ, mồm ngậm Chewing Gum Pubsyfuckter rồi nhằm đúng giờ Ngọ xõa tóc mà lên đàn. Biền thận trọng giở gói linh vật hôm trước Trương đồng cô trao, bên trong có chừng mười hạt hình dáng kích thước hơi giống hạt me, bên ngoài có bao lớp vỏ mỏng mầu nâu đậm. Biền bỏ hết chỗ quả quí nghìn năm vào lư vàng đốt lên. Một mùi thối là lạ huyền bí lan toả trong không gian. Biền đứng trên đàn tay bắt quyết, tay vung kiếm, mồm lại lẩm nhẩm một tràng tiếng lóng. Chừng nửa giờ ba khắc sau, quả trong lư đã tàn, Biền trở xuống, trong lòng thấy bồi hồi rạo rực.

Đêm hôm đó, vào khoảng canh tư, đang nửa tỉnh nửa mơ, Biền thấy lão già bữa trước gặp trên sông hiện ra cười tự đắc bảo: “Thế nào thằng oắt, biết sợ rồi phỏng. Bảo cho ngươi biết, ta họ Tô tên Lịch, là đại vương đầu gấu khúc sông này. Vì ngươi xây thành phạm phải toilet phủ ta, lại thêm tật ngông nghênh cậy tài nhâng nháo vô lễ. Lẽ ra, ta cho ngươi thối mồm mà chết, nhưng phần vì nể Trương Nhũ Hoa, phần vì thấy ngươi đã thực tâm biết sợ nên ta ban cho ngươi một cơ hội. Cho ngươi hạn bảy ngày, phải mang một trong những người vợ của ngươi ra làm lễ vật tế sông. Nhớ phải cạo sạch lông”. Nói xong, thần Tô Lịch kêu Biền há mồm phóng vào phát rắm, bảo nuốt, rồi lắc mình biến mất. Cao Biền choàng dậy thấy mồm đã bớt thối, bèn cả sợ, mồ hôi túa ra ướt đầm quần sịp.

Sáng hôm sau, Biền gọi cả bảy người vợ lại bảo: “Hà Bá con sông phía tây nam thành muốn lấy một trong bảy nàng. Vậy ai vì ta mà tình nguyện làm vợ thần?” - Trong số bảy người vợ Biền, người thứ ba tên Thị Sất, thường gọi là nàng Ba Sất. Nàng Ba Sất tuổi vừa tròn mười ba, dong nhan diễm lệ có một không hai, các món ăn chơi: cầm, kỳ, thi, tửu, game online, không món nào không thạo. Biền thường yêu thương lắm, chỉ trừ những ngày thấy tháng, không đêm nào không ban cho đôi lần giao hợp - Một lúc lâu không có ai trả lời; cuối cùng, nàng Ba Sất tiến ra thưa rằng: “Thiếp xin vì phu quân”. 

Biền đang tọa trên giường, chết lặng một hồi rồi vội vàng nhảy xuống, tay đỡ Ba Sất tay gạt nước mắt xỉ nước mũi, nghẹn ngào mà rằng: “Ta cũng linh cảm sự thể thế này. Vì ta, chẳng có ai khác ngoài nàng”. Nói rồi bèn dìu Ba Sất lên giường ân ái rất mặn nồng. Sáu người vợ cả thẹn, cứ đứng như trời trồng giương mắt mà nhìn. Chừng nửa giờ bốn khắc sau, xong hiệp một, Biền quay xuống quát lớn: “Lui cả về!”, lại ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Thật đáng thương cho lũ người đái không qua ngọn cỏ. Chỉ trông thấy việc nhỏ mà không nhìn ra việc lớn. Mỗi việc cỏn con mà không dám thì phỏng làm được việc gì”, quay sang Ba Sất, Biền âu yếm nói tiếp: “Nàng vì ta thì ta sẽ nguyện vì nàng. Song thân nàng ở quê, ta sẽ lo chu tất, tháng cấp một vé4 đến trọn đời. Riêng em gái nàng ta sẽ đem về nuôi, đối đãi như vợ chồng”. Ba Sất bẽn lẽn cúi đầu: “Xin phu quân giữ lời hứa. Thiếp chết cũng cam lòng”. Hai vợ chồng lại quấn lấy nhau, ân ái rất mặn nồng liên tục băm sáu giờ GMT.

Ba ngày sau, Biền chuẩn bị cho lễ tế sông rất cẩn thận. Biền tự tay cạo sạch lông lá trên người Ba Sất, nhưng riêng chỗ nhậy cảm Biền không sao xuống tay được. Cứ đưa dao cạo lại gần là nước mắt nước mũi Biền giàn giụa. Biền nghiến răng nghĩ thầm: “Thật ép người quá lắm. Thù này ta thề ghi nhớ”. Cuối cùng, Biền cứ để nguyên như vậy. Lúc tiễn Ba Sất lên đàn, Biền nắm chặt tay không muốn rời, bốn mắt nhìn nhau như gửi gắm điều gì, nước mắt lã chã như mưa xuân, cảnh tượng xúc động không giấy bút nào ghi ra được.

Mọi thủ tục đọc đít cua, hoá vàng, đốt đàn cầu đảo lần lượt tiến hành... Dưới sông một con xe mầu nòng súng có hình dáng cá mập từ từ nổi lên, nuốt nàng Ba Sất vào trong rồi từ từ lặn xuống.

Từ đó, dân gian gọi khúc sông này là sông Tô Lịch. Nơi lập đàn thiêu nàng Ba Sất, sau này là khu đất giải tỏa làm đường cao tốc Láng - Hòa Lạc. Chỗ lông trên người Ba Sất rơi xuống, sau có đám mối đùn lên thành một gò nhỏ, tục gọi là gò Mao Nữ. Gò Mao Nữ ngày nay nằm về phía tây nam thành Hà Nội.

Đêm hôm đó, lại vào khoảng canh tư, thần Tô Lịch hiện ra cười nhăn nhở bảo Biền: “Ranh con láu cá ra phết, bảo cạo hết vẫn chừa lại một đám bê bết. Lẽ ra ta phải có một đòn nho nhỏ cảnh cáo. Song nghĩ lại thấy cũng chả nên bắt ne ngươi quá làm gì, trước sau ngươi sẽ bị quả báo vì cả gan dối thần lừa lãnh đạo. Ngươi sẽ chết không toàn lông”. Nói xong, xoay người như diễn tuồng rồi biến mất. 

Từ đó, Biền nuôi chí báo thù. Nhân một lần dạo chợ sách cũ, Biền nhặt được mấy quyển “Kinh Thông Dịch”, “Phê phán lý lịch thuần khiết”, “Zarabinlatra đã nói như thế” của các cao nhân đắc đạo Emanuel Vênh, Nguyễn Phục Hy, Frederick Mạn Hòe... Biền mừng như bắt được vàng, lập tức mang về ngày đêm ngâm cứu không dám trễ nải. Vào cuối mùa đông năm Hàm Thông thứ 9, khi đã thấy đủ nội công, Biền bắt tay vào luyện âm binh và lén lút tiến hành yểm sông Tô Lịch. 

Nói về bùa chú của Biền. Đầu tiên là công thức bùa yểm sông, cứ ba lạng phân người, hai giọt nọc cóc, hai lạng mắm tôm, ba đồng cân phấn hoa cứt lợn, Biền chế thành một đạo bùa, sai bộ hạ thân tín lén lút chôn xuống thượng nguồn sông Tô Lịch. Thâm độc hơn, Biền còn sai bộ hạ yểm luôn tất cả các con sông chảy trong thành Đại La. Thứ đến là nuôi âm binh; cứ một vạn cái xơ mít, mười giọt tiết lợn, một trăm sợi tóc nhà sư tu hành lâu năm, Biền cho chung vào một hũ sành chu vi ba thốn; đúng một phần ba vạn ngày sau sẽ cho một vạn âm binh. Biền làm một trăm hũ như thế. Một trăm vạn quân! Thừa sức đập bẹt lão thần sông Tô Lịch. Biền còn mơ tới ngày kéo quân về Trung Nguyên5 đập tan vương triều cà phê để xưng đế. Việc yểm bùa đã xong. Việc gây âm binh chỉ còn tính thời gian.

Lại nói, vua Đường Ý Tông lúc này mắc căn bệnh lạ, ân ái xong mà dương vật vẫn như thép nguội, tuy không ảnh hưởng sức khỏe nhưng vua rất lấy làm khó chịu. Bọn mưu sĩ tâu rằng: “Đây là điềm ngoại cương, cần đề phòng có biến từ bên ngoài. Chi bằng bệ hạ triệu hồi các Tiết Độ sứ, Đô Hộ quân ở các phiên bang trở về, thay người khác”. Ý Tông gật gù khen phải, bèn xuống chiếu triệu hồi các quan đô hộ.

Bấy giờ lũ âm binh của Biền chỉ còn thiếu 99 ngày là thành nhân dạng; nay bị triệu hồi, không dám kháng chỉ, Biền bèn khui hũ sớm. Hỡi ơi, công phu tu luyện phút chốc tan tành. Lũ âm binh tuy đã thành hình, nhưng vì thiếu ngày thiếu tháng nên thiếu canxi, chúng bước ra lẩy bẩy rồi chết rấp ngay dưới ánh mặt trời. Từ đó, trong dân gian truyền tụng câu: “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non”. Biền vò tóc bứt tai đấm ngực thùm thụp rồi ngửa mặt lên trời khóc rống lên: “Trời hại ta. Đã sinh Biền sao còn sinh Lịch”. Khóc chán, Biền bèn thu xếp hành lý hồi cố quốc. Trước khi ra đi, Biền còn cay cú sai bộ hạ chôn nốt số bùa xuống thượng nguồn các con sông trên đất Lĩnh Nam, rồi cúi mặt xuống mông mà trù rằng: “Các con sông Lĩnh Nam chảy trong khu thị tứ sẽ tự thu hẹp lại. Rồi tự bốc mùi hôi thối, cạn dần mà biến. Cũng muôn đời xứ này không nảy nhân tài, ngàn đời dân tộc này phải sống trong chế độ phong kiến toàn trị!”.

Biền hồi kinh, vua Ý Tông cho làm chân thủ thư trong thư viện thành Trang Tử Nam Hoa Kinh. Sau tự nhiên mắc bệnh rụng hết râu tóc lông rồi chết. Thọ 97 tuổi.

Từ đó, quả nhiên các con sông chảy trong khu thị tứ thuộc đất Lĩnh Nam như Tô Lịch, Thiên Phù, Kim Ngưu, Nhiêu Lộc... cứ thu hẹp dần. Tới cuối thế kỉ 20 đầu thế kỉ 21, chúng chỉ còn là những con mương nhỏ, bốc mùi hôi thối không sao chịu nổi.

Đầu thiên niên kỷ thứ 3 sau công nguyên, tổng đốc các thành lớn của đất Lĩnh Nam như Hà Nội (Đại La), Sài Gòn v.v... đều là những trí thức lớn, hạng bét cũng phải có bằng tiến sĩ tại chức. Trong số đó có hai vị từng tu nghiệp tại đại học Harvard, lại bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành thú y tại trung tâm văn hoá tỉnh Thái Bình, bởi vậy họ rất thông hiểu và coi trọng lịch sử. Trong một lần vào thư viện ngâm cứu thư tịch cổ, tình cờ vớ phải cuốn “Đại cương lắp máy công nghiệp” viết trên mai rùa, nhị vị tổng đốc đã vỡ ra sự kiện yểm bùa sông ngòi Lĩnh Nam của Cao Biền. Lập tức, họ cho nạo vét lòng sông, kè đá hai bên bờ sông, giải toả nhà ổ chuột và lắp đèn cao áp. Vào ngày Kỷ Ngọ, tháng Tân Dần, năm Ất Dậu (tức là năm dân chủ cộng hòa Việt Nam quốc thứ 61) gần như cùng một lúc, các đội công nhân nạo vét lòng sông nhặt được một hũ sành, nắp có dán đạo bùa màu đỏ, thân có có ghi ngày tháng yểm, kí tên Cao Biền bằng chữ Latinh, mở ra bên trong là một hỗn hợp màu vàng tía có mùi rất kinh khủng. Sau, Viện Công nghệ Môi trường phân tích ra, hỗn hợp đó gồm những thành phần: phân người cổ đại, nọc cóc, phấn hoa cứt lợn và mắm tôm. Từ đó, các con sông chảy trong những khu thị tứ trên đất Lĩnh Nam dần trong xanh trở lại, lòng sông cũng rộng dần ra, dân tình có thể đi dạo trên sông bằng thuyền thúng, tương tự như người Paris đi dạo trên sông Seine bằng canô vậy. 

Khi các con sông trở nên trong xanh, thì một hiện tượng gây chấn động trong giới sĩ tử nổ ra như một điềm báo nhân tài nước Nam sẽ xuất hiện trở lại. Vào ngày Tân Dần tháng Kỷ Ngọ năm dân chủ cộng hòa Việt Nam quốc thứ 61, tại trường thi Việt Đức phủ Hoàn Kiếm thành Hà Nội, một sĩ tử quê ở Đống Đa họ Nguyễn tên Phi Thoanh đã hoàn thành một luận văn xuất sắc trong vòng hai giờ ba khắc, nội dung luận văn vạch rõ những hạn chế của nền giáo dục đương đại. Đồng thời, luận văn cũng chỉ ra nguyên nhân chính của sự xuống cấp trong việc dạy và học là xuất phát từ những con sông chảy trong nội thị bị ô nhiễm nặng nề. Điều đáng nói là bài luận văn trên đã phạm qui, bởi đề thi là “Em hãy làm một bài thơ lục bát ca ngợi tinh thần duy lí của nông dân đồng bằng sông Cửu Long”. Sự kiện này được các nhà nghiên cứu lịch sử ví với việc Trạng Quỳnh khi xưa - việc Trạng viết luận văn bất hủ: “Văn chương phú lục đã xong rồi / Thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi / Tớ có điều này xin nói thật / Đứa nào cười tớ nó nhấm bòi”. Bấm đốt ngón tay, người ta giật mình kinh hãi bởi nhận thấy một điều trùng hợp ngẫu nhiên một cách bình thường: Trạng Quỳnh viết luận văn của mình trước khi Cao Biền yểm bùa các dòng sông một ngày. Nguyễn Phi Thoanh viết luận văn của mình sau khi đạo bùa của Cao Biền bị hóa giải một ngày.

  1. Tức An Nam hay Việt Nam
  2. Ngày nay, trên núi Nùng vẫn còn loại quả này. Trẻ em Hà thành thường nhặt về đốt ngửi chơi.
  3. GMT là đơn vị tính giờ thời cổ, viết tắt tên của người phát minh ra nó: Giang Minh Tông (một kĩ sư tâm lý học sống vào thời Chiến Quốc). Một giờ GMT tương đương với sáu mươi phút giờ hiện nay.
  4. Đơn vị tiền tệ thời cổ. 1 vé tương đương 100 đô la Mỹ ngày nay.
  5. Chỉ phần châu thổ Hoàng Hà, phía nam Trung Quốc (phân biệt với Tây vực, bắc Trung Quốc), không liên quan gì tới thương hiệu cafe Trung Nguyên. Có thể đây là lỗi morat trong thư tịch cổ.

Nguồn: Website www.nguoidaibieu.com.vn

 

 

Đỗ Trí Dũng
Số lần đọc: 2997
Ngày đăng: 12.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bên kia giấc mơ màu hạt dẻ - Nguyễn Quỳnh Trang
Ở xứ vô loài - Nguyễn Đình Tú
Thẩm tranh - Lê Anh Hoài
Cơn mưa hoa mận trắng - Phạm Duy Nghĩa
Căn phòng thiêu thân - Bích Khoa
Tín hiệu trong đêm - Hoàng Ngọc Thư
Ngày cuối cùng của Dâm phụ - Trần Thị Trường
Đêm hóa thạch - Tạ Duy Anh
Người đất - Hoàng Ngọc Thư
Tìm trầm - Hoa Ngõ Hạnh
Cùng một tác giả
Đạo bùa hoá giải (tuyển truyện)