Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.081
123.164.186
 
Kỷ niệm 100 năm Đông Kinh nghĩa thục (1907-2007): Một bài thơ khai sáng thế kỷ
Trần Thanh Đạm
ONT size=3>

Thế kỷ đó là thế kỷ XX. Bài thơ đó là một bài thơ của Đông Kinh nghĩa thục (ĐKNT). ĐKNT chỉ tồn tại 9 tháng, song đã để lại dấu son chói ngời trong lịch sử thế kỷ XX ngay từ thập niên đầu tiên.

 

Đó không chỉ là một nhà trường mà là một trung tâm của phong trào yêu nước, cứu nước có tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Tuy tiếp nhận ảnh hưởng của thế kỷ ánh sáng của cách mạng Âu Mỹ và phong trào Duy Tân của Nhật Bản và Trung Quốc, song nó mang tính cách và bản sắc Việt Nam, phát sinh từ lịch sử Việt Nam lúc này là một thuộc địa, trong thảm trạng vong quốc, nước mất chủ quyền dân tộc và dân mất mọi quyền dân chủ, và quyền con người. Cho nên ĐKNT cũng như toàn bộ phong trào Duy Tân là cách mạng, không phải cải lương.

 

Đó là lý do vì sao nó bị trấn áp và khủng bố bằng bạo lực của chế độ thực dân phong kiến. Không những các nhà lãnh đạo, các người tham gia nghĩa thục bị bắt bớ, lưu đày, mà mọi tác phẩm văn hóa, giáo dục, văn chương của nghĩa thục đều bị nhà cầm quyền thực dân tìm cách ngăn chặn và thủ tiêu, thay thế nó bằng văn hóa, giáo dục, văn học nô dịch, từ thập niên thứ hai trở đi. Tuy nhiên, cũng như ảnh hưởng của phong trào, uy tín của các nhà chí sĩ, thơ văn của nghĩa thục vẫn không mai một trong tâm trí của nhân dân mà chỉ lùi sâu vào trong ký ức, chờ qua cơn thoái trào lại trỗi dậy thành cao trào trong những thập niên về sau, tiến tới Cách mạng Tháng Tám 1945. Tuy bị cấm trên văn đàn, song thơ văn nghĩa thục vẫn được lưu hành âm thầm trong dân gian để từ sau Cách mạng Tháng Tám lại cùng với các giá trị văn chương yêu nước và cách mạng khác trở lại vị trí vẻ vang trong lịch sử văn học dân tộc thế kỷ XX.

 

Một trong những tác phẩm có giá trị rất cao về tư tưởng, cũng như nghệ thuật là bài Chiêu hồn nước của Nguyễn Quyền, nhân vật thứ hai của ĐKNT sau Lương Văn Can (Lương Văn Can là thục trưởng, Nguyễn Quyền là giám học). Đây là một tác phẩm có thể gọi là tuyệt tác về thi ca khai sáng thế kỷ XX. Không phải như Tống ngọc chiêu hồn hay Nguyễn Du phản chiêu hồn Khuất Nguyên ngày xưa. Ở đây, Nguyễn Quyền Chiêu hồn nước tức là gọi hồn Tổ quốc. Dân gian ta có tục chiêu hồn, gọi hồn: Ba hồn bảy vía ở đâu thì về. Ở đây tác giả gọi hồn Việt Nam, bắt đầu kể ra lai lịch của hồn: “Hồn xưa: dòng dõi Lạc Long/ Con nhà Nam Việt, người trong giống vàng/ China chung một họ hàng/ Xiêm La, Nhật Bản cùng làng Á Đông…”.

 

Việt Nam vốn có quốc hồn. Nhưng hồn đã mất, mất tự bao giờ? Từ phen đá lở sóng cồn/ Nước non trơ đó nào hồn ở đâu?/ Chốc đà đã bấy nhiêu lâu/ Bơ vơ như thể bồ câu lạc đàn…

 

Mấy câu thơ thật hay mà thật buồn, thật đau đớn, thương cảm. Đây là tình cảm gì vậy của cha ông ngày xưa? Con cháu ngày nay có còn tình cảm ấy không? Hoặc có còn thông cảm với cha ông ngày xưa không?

 

Cơ hội nào để nhận ra nước đã mất hồn, con dân phải nháo nhác đi tìm, đi gọi? Sịch đâu một cuộc doanh hoàn. (Doanh hoàn là địa cầu, là thế giới; vào đầu thế kỷ XX, người Việt Nam mới mở mắt nhìn ra thế giới, đồng thời cũng thấy mình nô lệ và lạc hậu).

 

Đặc biệt phần phía Đông của thế giới đang thức tỉnh: Ngàn Đông nổi gió, sóng tràn bể Nam. Người đi gọi, kẻ đi tìm/ Biết đâu đài múa mà đem hồn về?... (Đài múa là vũ đài; câu thứ ba ở đây có cú pháp súc tích, có thể hiểu thành: Biết hồn ở đâu mà đem hồn về với vũ đài đất nước và thế giới hôm nay. Thật ra thì hồn vẫn còn đó, nhưng hồn còn u ám lắm: Mấy lần mưa ám, mây che/ Bâng khuâng như tỉnh, như mê nửa phần. Nghĩa là hồn chưa mất, chưa chết, chỉ còn mê chưa tỉnh, còn lạc đường, lạc lối ở những nơi tối tăm. Người gọi hồn đi tìm hồn ở đâu? Trong bài thơ Trường hận ca của Bạch Cư Dị (Tản Đà dịch), người phương sĩ đất Thục lên đồng để đi tìm hồn Dương Quý Phi: Cưỡi luồng gió như bay như biến/ Trên trời xanh dưới đến đất đen/ Hai nơi bích lạc, hoàng tuyền/ Dưới trên tìm khắp mơ huyền thấy chi… cuối cùng ra chốn bồng lai ngoài biển mới gặp!

 

Còn ở đây, hồn nước lưu lạc ở chốn trần gian này thôi, ở những nơi mà ngày nay ta gọi là tiêu cực, tệ nạn: Hay là ở chốn thôn dân/ Hồn còn tranh cạnh nơi ăn chốn ngồi/ Hay là ở chốn rong chơi/ Hồn còn ham muốn cuộc vui li bì/ Hay là ở chốn sơn khê/ Hồn còn ngơ ngẩn chưa nghe chuyện gì (Nguyễn Quyền trước khi tham gia ĐKNT có làm huấn đạo ở tỉnh miền núi Lạng Sơn nên có hai câu này!). Hay là ở chốn khoa thi/ Hồn còn mê mải giữ nghề văn chương (đây là văn chương bát cổ sáo rỗng mà Phan Châu Trinh phê phán: Vạn dân nô lệ cường quyền hạ/ Bát cổ văn chương túy mộng trung. Huỳnh Thúc Kháng dịch: Cường quyền giẫm đạp mái đầu/ Văn chương tám vế say câu mơ màng). Hồn không ở chỗ khoa thi thì chắc là ở chỗ quan trường: Hay là ở chốn quan trường/ Hồn còn tấp tểnh toan đường tìm ra…

 

Các nhà chí sĩ yêu nước, duy tân đều cho rằng cái tai họa lớn nhất của nước ta bấy giờ là “cái vạ chết lòng”: “Than ôi, cái vạ chết lòng/ Xác kia còn đó mà mong nỗi gì”. “Hỏi đến nước còn không, không biết/ Hỏi đến tên Nam Việt không thưa!” Đó là dân trí thì ngu, dân khí thì hèn, trong khi vẫn tự xưng là con Rồng cháu Tiên: Hồn nước đi lạc, không về là vì hai chữ ngu hèn. Nguyễn Quyền “chiêu hồn nước” cũng nhằm vào mục đích đó, để gọi tỉnh quốc hồn: Hỏi xem hồn ở gần xa/ Gọi ra cho tỉnh, tỉnh ra thì về/ Xin hồn hãy tỉnh đừng mê/ Tỉnh ra rồi sẽ liệu bề khuyên nhau.

 

Lời khuyên đầu tiên là nghĩa đồng bào, là tình yêu nước: Khuyên nhau lấy chữ đồng bào/ Lấy câu ích quốc, lấy điều lợi dân/ Đường bảo chủng, nghĩa hợp quần/ Tự cường thế ấy, duy tân thế nào. Than ôi! Mấy câu thơ này có rất nhiều chữ nghĩa, song phải đâu là chữ nghĩa sáo rỗng, vô hồn. Mỗi chữ ở đây như có nước mắt và máu ở bên trong, mỗi chữ như dội, như xoáy vào tâm can của người yêu nước, người mất nước. Đây không phải là thơ ư? Không phải là nghệ thuật, là sáng tạo ư? Phan Bội Châu có hai câu nói về loại văn chương “tuyên truyền” này: Mấy phen trống giục gọi hồn về, giọt lệ chứa chan tầm tã máu/ Một ngọn đèn khuya soi chúng dậy, tầng mây mù mịt lập lòe sao!

 

Đặng Thai Mai có viết ở một chỗ khác: “Đây là những câu thơ hùng hồn, khảng khái, có thể sánh ngang với mọi thơ văn yêu nước cao cả nhất cổ kim, đông tây”. Tuy tình cảm cao cả như vậy, nhưng tác giả vẫn không quên trong lời khuyên của mình những điều rất thiết thực mà hàng đầu là chữ học. Đúng là văn chương của nhà giáo dục: Sự học ta lấy làm đầu/ Công thương mọi việc trước sau tính dần. Đó là đường lối, chủ trương canh tân, duy tân của ĐKNT, của các nhà chí sĩ cách chúng ta tròn một thế kỷ mà như nói với hôm nay.

 

Cuối bài thơ, lời thơ thật tâm tình, giản dị nơi một chữ bọn:

 

Cũng trong một bọn quốc dân

 

Gánh giang sơn cũng một phần trên vai

 

Than ôi, hồn nước ta ôi

 

Tỉnh nghe ta gọi mấy lời đồng tâm!

 

Có thể hình dung khi viết đến những câu thơ cuối cùng, khuôn mặt của nhà thơ đang đầm đìa nước mắt! Phải chăng tâm hồn của người đọc, đôi mắt của người đọc hôm nay, một trăm năm sau, cũng như vậy.

 

Từ lâu, tôi vẫn đinh ninh rằng: đây là một trong những áng văn chương khai sáng thế kỷ XX, khai sáng văn học Việt Nam hiện đại mà chủ lưu là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, chủ nghĩa nhân văn, hướng tới giải pháp và phục hưng Tổ quốc, xuyên suốt từ đầu đến cuối thế kỷ.

 

TTO Theo Báo Giáo Dục TPHCM

 

Trần Thanh Đạm
Số lần đọc: 2344
Ngày đăng: 14.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cafe Văn học tháng 7 của Hội đồng Anh - Inrasara
Phấn hương rừng thơm mãi - Hà văn Thùy
Nhân có cuộc thi thơ Haiku. - Lê Anh Thu
Một đốm lửa thơ - Trần Kiêm Ðoàn
BÀI THƠ Trăng Hè của cụ ĐOÀN VĂN CỪ: Mùa Trăng đặc biệt - Đặc Trưng Việt Nam! - Lê Xuân Quang
Đi tìm thơ hay -1 - Bùi Công Thuấn
Đi tìm thơ hay -2 - Bùi Công Thuấn
Nỗi đau của Chế Lan Viên - Khổng Ðức
Trở lại đoạn kết Truyện Kiều - Nguyễn Minh Hùng
Đọc lại bài THU ĐIẾU, THU VỊNH của Nguyễn Khuyến - Khổng Ðức