Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.008
123.235.754
 
Nỗi buồn nhân sinh trong trang viết Nguyễn Tam Phù Sa
Nguyễn Thịnh

Nguyễn Tam Phù Sa là nhà thơ và là một người viết báo. Trong từng trang thơ của ông luôn thấm đẫm nỗi buồn nhân sinh.

 

Nguyễn Tam Phù Sa sinh tại Quảng Nam rồi lưu lạc vào Nam mưu sinh với nghề gõ đầu trẻ và làm thơ. Trước giải phóng, ông từng nổi danh trên văn đàn Sài Gòn với nhiều thi phẩm được đăng trên tạp chí Thời Nay. Hầu hết những thi phẩm mà tôi được đọc trên tạp chí này đều mang nỗi buồn cô đơn, tâm trạng bi lụy rất “hiện sinh”. Những tập thơ “Mưa sương trong vườn tình cũ” (NXB Da vàng 1970) “Thắp chút tàn phai” (NXB Đồng Nai 1995), “Ra đi cùng dã tràng” (NXB Trẻ 2000), “Con mắt phù vân” (NXB Trẻ 2002) và tập phóng sự “Những tay chèo không mỏi” (NXB Trẻ 2005) là sự thu gom những tháng ngày phiêu bạt, lận đận của ông. Văn là người. Và có lẽ chính số phận lận đận đã vận vào thơ ông, biến thành nỗi cô đơn, cái buồn thê thiết.

 

Tâm trạng cô đơn, nỗi hoài nghi về sự tồn sinh của con người, theo kiểu triết học hiện sinh được phổ biến ở miền Nam những năm trước giải phóng, thường hiện lên trong thơ Phù Sa. Ơ đó, với thể thơ Đường luật được “thơ mới” hóa, Nguyễn Tam Phù Sa đã viết những câu thơ não nùng, u uất, cô đơn đến bơ vơ lạc lõng. Tâm trạng đó được ghi lại trongnhững bài thơ in trên tạp chí Thời Nay. Ông viết: “Là buông tay giữa dòng đời/tôi như rong cỏ câm lời buồn xưa/vẫn không sầu chuyện nắng mưa/mà trong cõi lạ hỏi thưa một mình…” (Hư vô). Và: “Sống như một loài cỏ cây/chết như cây cỏ đuổi mây về trời/là không nói được một lời/ là nghe hơi thở rụng rơi giữa dòng/chẳng còn ai để nhớ mong/chào đời đã thấy chết trong lòng người” (Đau xót). Phải nói đó là những câu thơ hay, tài hoa nhất của ông.  Hình như, thời gian ấy, ông vừa trải qua một cú thất tình, hay bị phụ tình. Cô đơn và tuyệt vọng! Và trái tim ông rớm máu để viết ra những câu thơ làm rơi lệ những người đa sầu đa cảm: “Và bây anh chẳng còn ai/ ở đây ngày lụn tháng năm dài/ngửa mặt hồn đau cây cỏ biết/khóc thầm đã có núi sông hay… anh có hờn đâu có giận đâu/cũng xem như nước chảy qua cầu/trời mưa là bởi trời không nắng/em vốn sinh ra để lấy chồng…” (Mất mát – tạp chí Thời Nay số 248, 1/3/1970). Từ sự mất mát, đau khổ của cá nhân, ông nhận ra sự mất mát, đau khổ của tha nhân. Là nỗi đồng cảm với những thân phận côi cút: “sao ba không về với má ba ơi/gần gũi thế mà xa xôi qúa vậy/giàn mướp trắng lỡ thời không kết trái/… ba ở nơi nào sao ba mãi lặng thinh/con nhớ lắm khát thèm vòng tay mở…” (Tiếng kêu thầm).

 

 Ông đồng cảm, đồng hành cùng những thân phận lạc lõng, lận đận như mình. Đó là nỗi bi thương của đồng bào, đồng hương khi bị thiên tai càn quét. “Vắt ngang bầu trời/ngàn tia chớp/mưa cầm chĩnh trút/vùi dập khúc ruột miền Trung/gió thô bạo thổi cuồng/lũ tràn lên như thác/Mẹ quê nhà chới với giữa mênh mông…” (Mẹ miền Trung ơi! Tập thơ “Ra đi cùng dã tràng”). Nhưng lúc này, thơ ông đã khác, buồn nhưng bớt bi lụy, bớt bế tắc. “Mẹ miền Trung ơi/lũ có quét đất bồi không gượng nổi/cây nhânsinhvẫn hẹn/sẽ cùng xanh”. Dẫu đôi khi nỗi cô đơn vẫn còn ám ảnh. “còn gì nữa đâu- bàn tay không vai áo bạc/cõi ta bà trắng xoa ngọn phù du/đi và chết nơi nào ta chưa biết/mộ vô danh ai sẽ khóc dùm ta/mưa gió nữa đi, cứ ầm vang đừng ngại/tình trăm năm đến thế thỏa lòng!hờn trách gì đâu chỉ là chút sóng/thủa yêu người vỗ miết một đời sông” (Thủa yêu người).

 

Rượu và thơ và thi nhân xưa nay vẫn là bạn cố tri. Và có bao nhiêu thi phẩm trác tuyệt có thi hứng bắt nguồn từ rượu mà ra. Thơ, nói chung là nghệ thuật, là sự thăng hoa của cảm xúc, tâm hồn con người. Rượu có lẽ là đôi cánh giúp cho sự thăng hoa của thi nhân thêm bay bổng. Nguyễn Tam Phù Sa có những câu thơ, bài thơ viết về rượu rất tuyệt. Tài hoa và đầy tâm trạng. Một tâm trạng của một kẻ cuồng sĩ, (dẫu chính ông không nhận thế)uất trí khi say, một giọng thơ bi phẫn hào hùng  khiến người đọc phải rung cảm. Hình ảnh khảng khái, ngang tàng nhưng đầy cô độc của thi nhân được lộ ra dưới những câu thơ say đảo điên của thế thái nhân tình. “Hoa rượu nở” “Chút tỉnh chút say” chính là những bài thơ như thế. Có thể nói không ngoa đây là hai trong số những bài thơ xuất thần thăng hoa tài hoa của ông.

 

Tiếp tục trượt chin bậc thềm hoài vọng

Môi long đong vấp rượu bến không cầu

Ngược sóng Đồng Nai đêm nay ta về đâu?

Cô chủ quán bán cho ta vài ly nữa

Tuồng phù thế sá gì tôi hay chúa

Tay vung ly nghiêng ngả triệu thiên hà…

(Hoa rượu nở)

Và:

Không lãng tử cũng chẳng là cuồng sĩ

Ta vác đời đi khắp đất cùng trời

Đầu chỉ đội chín tầng xanh lộng gió

Đạp dưới chân triệu triệu bóng ngày rơi

Mặc gió, mặc mưa, mặc tình điên đảo

Một áo, một khăn, một tấc lòng

Nghiêng trời xuống dốc một bình rượu cạn

Đời ơi đời!bến nào đục bến nào trong?

            (Chút tỉnh chút say)

 

Đó là những câu thơ mang trong mình một nỗi buồn và sự cô đơn. Sau này, chừng như ngộ ra lẽ Sắc –Không của Tạo vật, của kiếp người theo quan niệm Phật giáo mà thơ ông đầy chất Phật, sắc sắc không không. Ông coi mọi thứ rồi sẽ như phù vân, phù du. Quan niệm đó thể hiện trong những tên của tập thơ của ông in sau này là “Ra đi cùng dã tràng”“Con mắt phù vân”. “Trong đá có ngọc của đau/trong đen trắngcó sắc màu vô ngôn/bại thành còn mất cỏn con/ung dung tung cánh nước non phiêu bồng/đi về trong cõi sắc không/phù vân cho đáng chút công dã tràng” (Con mắt phù vân). “Khi làm thơ, tôi muốn thơ mình phải “chở” một điều gì nay, một cái gì nay đến với người đọc để họ phải suy nghĩ. Tôi không thích làm những bài thơ trơn tuột, đọc xong là quên ngay. Dẫu tôi biết, mọi thứ sẽ chỉ là phù vân. Vì thế, tôi nghĩ đời mình rồi cũng như dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn thế nhưng khi sóng liếm qua là mất hết. Cuộc đời cũng như vậy thôi”. Ông tâm sự.

Nguyễn Thịnh
Số lần đọc: 2524
Ngày đăng: 18.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Máu Đỏ Da Vàng - Nguyễn Văn Hoa
Bốn Đoá Vô Ưu Ngày Cuối Hạ - Nguyễn Nguyên An
Tung hê phiền muộn thả đất trời. Đọc NHỮNG BƯỚC CHÂN CỦA BÃO- Bùi Đức Vinh ,NXB LAO ĐỘNG- 2006 ) - Lê Vũ
Những lỗi không đáng có ở bài viết về đêm hòa nhạc - Lê Đức Huy
TẢN ĐÀ : Thề non nước - Lời Thề Sắt Son! - Lê Xuân Quang
Trương Văn 7 , Người hát rong thơ mình - Nguyễn Đức Thiện
Phương Hà : Người làm thơ ở pháp đình - Nguyễn Văn Thịnh
Hơi Thở Cuộc Sống Trong Thơ Văn Lâm Bằng - Nguyễn Nguyên An
Những ý tưởng lịch sử khi đọc “Totem Sói” - Hà văn Thùy
Cổng Làng của thi sĩ Bàng Bá Lân : Tuyệt Phẩm Về Làng Quê Việt Nam! - Lê Xuân Quang