Mang tính chất cổ kính của Long Hồ Dinh, tỉnh Vĩnh Long luôn được xem là một trung tâm văn hóa ở miền Tây Nam bộ. Văn Thánh Miếu Vĩnh Long đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. Do đó người dân Nam bộ có quyền tự hào về sự trường tồn của một tòa Văn miếu nơi quê hương mình cũng như ở quê hương Trung Bắc. Văn Thánh miếu Vĩnh Long đã có tư liệu lịch sử dịa phương ghi chép rõ rệt và cũng đã được những tâm hồn hoài cổ nhắc mãi không quên. Duy Văn Xương các , một tòa kiến trúc “ đàn em “, tuy có ghi chép nhưng còn đôi điều chưa rõ lắm.Hội thơ Văn Xương Các đang sinh hoạt tại đây từ hai năm qua. Tiền thân của hội là Câu Lạc bộ Hoa Thơ Người Cao tuổi, cũng đã liên tục chào đón 13 muà xuân rực rỡ. Các buổi bình thơ hiện nay, lúc đông đủ, có măt non 30 người, thêm vài bạn thơ từ Đồng Tháp, Tiền giang đến dự .Được Hội khuyến khích, tôi là một thành viên cao tuổi xin cố gắng trình bày những điều nghe biết về tên gọi Văn Xương Các, mong nhờ các bậc cao minh phủ chính cho.
Nói về lầu thơ thì người miền Tây Nam bộ thường nghe nhắc đến Chiêu Anh Các ở Hà Tiên và Văn Xương Các ở Vĩnh Long . Chiêu Anh Các là một thi phái rất nổi tiếng do Mạc Thiên Tích chủ xướng khoảng năm 1736, trong cảnh thái bình.Thi phẩm Chiêu Anh Các xuất hiện sớm hơn các tác phẩm NÔM rất có giá trị trong văn học ta như : Hoa Tiên , Cung Oán ngâm khúc, Sãi Vãi…(1)
Văn Xương Các là tên thứ hai của một thư lâu, mới có mặt từ năm 1867 về sau , và vì bấy giờ đất nước bị Pháp xâm lược nên chưa có thành tích văn học gì đáng kể . Quyển Lịch sử Văn Thánh Miếu Vĩnh Long do NHƯ KHÔNG Bùi Văn Triều sọan rất công phu có thể cho chúng ta biết nhiều điều căn bản, tóm lược như sau :
Năm 1859 , ba tỉnh miền Đông thất hãm, sĩ phu lánh sang Vĩnh Long , An Giang, Hà Tiên tham gia chống Pháp, đã phải gác qua việc học.
Năm Tự Đức thứ 15 ( Nhâm Tuất 1862) Quan lãnh Đề học Nguyễn Thông ở Vĩnh Long mới quy tụ học trò dạy học.
Văn Thánh Miếu khởi công xây năm Giáp Tí 1864 đến năm Bính Dần 1866 mới cáo thành. Lại nơi ngoài, bên tả, gần sông kiến tạo một thư lâu để chứa kinh sách.
Qua các thông tin trên, ta thấy thư lâu chỉ là một kiến trúc phụ để chứa kinh sách chớ chưa biết rõ là tên gì.Và học trò quy tụ về Vĩnh Long để học, để ngâm thơ chớ chưa nghe nói việc thành lập ngay một thi phái hay văn phái nào. Mục đích bài này là tìm xem thư lâu hiện còn tồn tại song song với Ván Thánh miếu đã mang những mỹ danh gì và đã phục vụ nền văn học tỉnh nhà ra sao ? ( bởi lẽ trong bia không có khắc tên của thư lâu ).
Sau nhiều lần tra cứu, cuối cùng chúng tôi tìm thấy lời giải trong Tiểu sử tự biên củaNguyễn Thông , do hai tác giả Ca Văn Thỉnh và Bảo Định Giang dịch và chúng tôi trích lại như sau :
Bài mộ chí ở Ngọc Sơn
…Gần đây các bài bi minh gia truyền thường khoe khoang sai sự thực, người xem thường chê. Tôi làm bài chí này, chép rõ lý lịch bình sinh về khoa hoạn, văn học, nói đúng sự thực. Về sau bạn đôc giả nào tin lời tôi nói, tôi hôm sớm vẫn mong mỏi được thế…
…Vì ông Phan Lương Khê có đề cử văn học khá nên năm ấy được bổ chức đốc học tỉnh Vĩnh long (1864). Nhân buổi ấy, thân sĩ lục tỉnh dựng miếu thờ Khổng Tử , cạnh đó có làm lầu TỤY VĂN , tiên sinh tập họp học trò đến đó giảng dạy. Từ ngày mất ba tỉnh Gia Định, các sĩ tử vác súng tòng quân, việc giảng dạy suy dần, đến nay mới lại nghe tiếng đọc sách gảy đàn… (2)
Đoạn văn trên đây của người trong cuộc là Nguyễn Thông đủ xác nhận cái thư lâu để chứa kinh sách đã có tên là TỤY VĂN LÂU. 萃 文 樓
Hiện nay, trên gác Văn Xương còn treo một tấm biển không to lắm mang ba chữ Hán rất đẹp là TỤY VĂN LÂU. Chữ Tụy có nghĩa là hội họp. nhóm họp nên ai cũng hiểu được đây là một tòa lầu dành cho việc hội họp luyện tập văn chương, đạo đức .Theo LSVTMVL, Tụy Văn Lâu có dáng như hiện nay, nhưng khác là nền đất và toàn bằng cây ván. Trên lầu thờ ba vị Văn Xương Đế quân, ba gian dưới thờ các vị quan văn : bàn giữa thờ Đức Phan Thanh Giản, bàn bên tả thờ quan văn cấp tỉnh, bàn bên hữu thờ quan văn cấp dưới.
Lúc sĩ phu lục tỉnh còn chiếm số đông, thì Tụy Văn Lâu còn một thời phồn thịnh khoảng mười năm mỗi khi có sinh hoạt tế lễ.
Lầu này xây sau Văn Thánh Miếu một năm và trùng tu cũng chậm trễ hơn. Nếu Văn Thánh Miếu xây năm 1866 , trùng tu năm 1902 thì Tụy Văn Lâu xây năm 1867 , trùng tu năm 1914.
Thật ra là xây cất mới lại y trên nền cũ do nhiều cơ duyên :
Ong Diệp Công Sang cùng Ban Hội tề làng Long Hồ nhờ một bậc nữ lưu hiền thục , hào hiệp là Bà Phủ Y giúp đở , có đáp ứng một yêu cầu nho nhỏ đầy lòng hiếu thảo của bà. Lời yêu cầu chính đáng đó được thỏa thuận như dưới đây :
…tôi là TRƯƠNG THỊ LOAN, vợ chánh thất của Tri Phủ nhà họ Trần kính cẩn lập phần hương hỏa để phụng cúng cha chồng là Nguyễn Văn Phong, nguyên Tổng Đốc Thuận Khánh, ruộng vư?n hai sở,,,(2 mẫu 62.00)…Giao cho Văn Thánh Miếu, hương chức làng Long Hồ thâu góp, trước nạp quan thuế, sau phụng cúng cha chồng tôi với Quan Đại thần cựu trào, các viên quan có thần vị thờ tại VĂN XƯƠNG CÁC … Lời dặn dò giao phó minh bạch trong ngày 27 tháng 6 Tây năm 1915.(3)
Văn Thánh Miếu có bia đá số 3 (gọi là bia cúng đất) dựng năm Tân Mùi 1931 nói rõ việc yêu cầu của Bà Phủ Y, Ong Bùi Văn Khánh dịch toàn văn, chúng tôi trích một đọan như trên. Mục đích cho thấy tên Văn Xương Các chánh thức ra đời và đã được khắc vào đá.
Lại xin trích thêm LSVTMVL (Phụ lục tr 7): Từ khi xây dựngVăn Xương Các năm 1915 do ông Diệp Công Sang và Hội Minh Hư?ng Thiềng Đưc ( Vĩnh Long ) dựng nên, Hội mới đem thần vị của Cụ Phan thờ tại đây, sau đó ông Nguyễn Thành Điểm (một nhà kinh doanh vận tải khoảng 1925-1940) đã hiến cho Hội một cái Khánh thờ chạm trỗ khéo léo và sơn son thếp vàng. Trong Khánh an vị cụ Phan đến ngày nay….
Do vậy, tầng trên VXC, bên hông hướng ra cổng chính.một tấm bảng sơn vàng, đề chữ Việt : PHAN THANH GIẢN THẦN MIẾU, còn mặt trước trên tấm biển cũ Tụy Văn Lâu có treo thêm tấm biển mới mang ba chữ Hán thếp vàng , tên gọi dồi dào thi hứng là “ VĂN XƯƠNG CÁC “.文 昌 閣t
Văn Xương Các có nghĩa là một tòa lầu gác thờ Văn Xương Đế quân, các vị thần trông nom về VĂN HỌC, cũng như đền Ngọc Sơn Hà Nội đã có thờ .Chúng ta có thể mừng rằng : Xây cất lại xong, lầu mang tên mới ,nghe êm tai, được nhân dân yêu thích , rất nhiều nhà thơ cựu học ,tân học chọn làm đề tài xướng họa lâu nay kể cũng hợp tình hợp lý.Công ơn trùng tu cuả người xưa và của chính quyền hiện nay thật đáng trân trọng .( Văn Thánh Miếu vừa được trùng tu, mở rộng khang trang ,xinh đẹp hơn xưa )
Đến đây xin kết lại, nơi cổng chánh có ba chữ Hán đại tự VĂN THÁNH MIẾU trịnh trọng trên cao :文 聖 廟 ,hai cột hai bên có đôi câu đối cũng chữ Hán , đấp nổi thể chân phư ơng dễ đọc :
Khổng môn truyền đạo thiên ban thưởng孔 門 傳 道¹ 千 般 上
Thánh miếu sùng văn vạn đại tôn聖 廟 崇? 文 萬 代 尊
Tạm dịch : Cửa Khổng truyền đạo, ngàn lớp quý chuộng
Miếu Thánh trọng văn , muôn đời tôn sùng.
Cũng như đồng bào và du khách, sau khi hiểu được ý nghĩa đôi câu đối này , Hội thơ Văn Xương Các Vĩnh Long thấy mình có duyên may đến đúng một nơi đầy màu săc cổ kính , nhắc mình phải luôn luôn học hỏi và tôn trọng văn hóa cổ truyền .
Chú:
(1)Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự (1743 – 1790 ) và Nguyễn Thiện (1763- 1818) ,
Cung Oan ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều ( 1741- 1798 ),
Sãi Vãi ( 1750 ) của Nguyễn Cư Trinh , dẫn theo cố thi sĩ Đông Hồ
(2). Nguyễn Thông , Ca Văn Thỉnh và Bảo Đ?nh Giang, nxb tp HCM, 1984(tr 227)
(3)Lịch sử Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, ( LSVTMVL ) Như Không Bùi Văn Triều soạn xong 17-5-1992, lưu hành nội bộ .