Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
837
123.236.590
 
Một khám phá lịch sử đầy tính va chạm
Xuân Cang

Tôi muốn nói đến cuốn sách Tìm lại cội nguồn và văn hoá của người Việt   cùa Hà Văn Thuỳ (NXB Văn Học – 2007). Như tên sách, đây là một cuốn sách, nói cách khác là một công trình nghiên cứu đặt lại vấn đề tưởng như đã ổn định trong tâm thức hàng triệu người: Chúng ta hãy tìm lại thực chất cội nguồn người Việt, bản sắc nền văn hoá Việt. Quả thực đối với riêng tôi, đây là một tìm tòi gây ra một sự va chạm, nó đảo lại những gì đã hình thành trong nhận thức của tôi về lịch sử đất nước, về con người Việt, về văn hoá Việt. Đảo lại và xác lập lại về kiến thức mà có sức thuyết phục.

 

Thực ra cuộc “tìm lại” không bắt đầu từ công trình này, nó đã được học giả Lương Kim Định đề xuất trong hai cuốn sách Việt Lý Tố NguyênCơ cấu Việt Nho (trong bộ Triết lý An Vi) xuất bản từ những năm 1970-1972 tại Sài Gòn, nhưng vì nhiều lý do sau đó chìm trong im lặng. May thay, những gì đã thắp sáng lên trong tâm thức người Việt về cội nguồn của mình, không bao giờ tắt, nay được nhà văn Hà Văn Thùy tiếp nối và dám đặt lại vấn đề trong cuốn sách nhỏ. Nhỏ nhưng thực ra là một vấn đề quá lớn. Thời của Kim Định, học giả đáng kính này mới bắt đầu khám phá từ những nguồn kinh sách, cổ thư, truyền thuyết với những liên tưởng, chắp nối, suy luận lô-gích. Nay thì đã khác, ý tưởng của người đi trước đã được Nhân chủng học hiện đại và Công nghệ sinh học hiện đại thực nghiệm, chứng minh, làm sáng rõ. Và Hà Văn Thùy nguyên là một cử nhân sinh học, nhậy cảm với những thành tựu xuất sắc của công nghệ sinh học, đọc lại sách người đi trước, đã mạnh dạn “lập ngôn”, và Nhà xuất bản Văn Học mạnh dạn giới thiệu với bạn đọc.

 

Về cội nguồn dân tộc, những kết luận nghiên cứu từ trước đến nay là “tộc người Việt chúng ta cùng người Thái khởi từ miền núi Tây Tạng xuống. Người Việt theo sông Hồng Hà lần xuống phía Đông Nam, lập ra nước ta bây giờ, còn người Thái thì theo sông Mê kông xuống, lập ra nước Xiêm La (Thái Lan) và các nước Lào, Mên (Cam Pu Chia). Lại có thuyết nói rằng khi xưa đất nước Trung Hoa có giống Tam Miêu ở, sau giống Hán Tộc (tức người Tàu bây giờ) ở Tây Bắc đến đánh đuổi người Tam Miêu đi, chiếm giữ vùng sông Hoàng Hà lập ra nước Tàu, rồi dần dần xuống phía Nam. Người Tam Miêu phải lẩn núp trong rừng hay xuống miền Việt Nam ta bây giờ.”

 

Nhưng nay thì đã xuất hiện những lập luận khác. Nhờ sự phát triển của Nhân chủng học hiện đại, trong đó có công nghệ Gien, phát hiện những mật mã di truyền và lập được bản đổ Gien của người, các tập thể gồm nhiều nhà nghiên cứu nhân chủng học qua phân tích các mẫu di truyền của các nhóm người Hoa, người Đông Nam Á, và một số thổ dân khác, từ năm 1998, đã đưa ra những kết luận đáng tin cậy, gây chấn động giới khoa học. Những kết luận khoa học cho thấy rằng: Trong  các mẫu di truyền ấy, các sắc dân Đông Nam Á tập hợp thành một nhóm di truyền; nhóm dân có đặc tính di truyền gần gũi với dân Đông Nam Á là thổ dân châu Mỹ, sau đó là thổ dân Úc và Niu Ghi-nê-a; đặc điểm di truyền của người Hán miền Bắc không giống người Hán phương Nam. Vậy là hình thành một mô hình: Các dân tộc Bắc Á được tiến hóa từ Đông Nam Á. Từ mô hình này đi đến kết luận: Tổ tiên các nhóm dân Đông Á ngày nay có nguồn gốc từ Đông Nam Á.

 

Hành trình lịch sử đã diễn ra như sau: Những người khôn ngoan (Homo sapiens) khi xưa đã từ châu Phi thiên di tới Trung Đông. Có một nhóm men theo bờ biển Nam Á đến Đông Nam Á  vào khoảng 60 – 70 nghìn năm trước, họ dừng lại làm ăn tại đây khoảng 10 nghìn năm rồi chia tay nhau, một bộ phận đi lên phía Bắc tới vùng đất ngày nay là Trung Hoa. Từ đây họ còn đi xa hơn nữa.  Sáu mươi nghìn năm trước, vùng Đông Nam Á ở vào thời kỳ biển thoái, mặt nước biển thấp hơn ngày nay 130 mét. Khi đó đồng bằng sông Hồng lan ra tới tận đảo Hải Nam, đất liền vùng Bắc In-đô-nê-xi-a thì lan tới nam đảo Đài Loan. Chính tại đây, người tiền sử đã trụ lại sống tại những vùng đất thấp, nhiều sông hồ, cây cối rậm rạp, dễ kiếm ăn. Các chủng người gặp nhau, hòa huyết làm nên tổ tiên người Đông Nam Á. Trong đó người Lạc Việt là một sắc dân nổi trội vì có số lượng đông nhất. Cũng chính tại đây các sắc dân Đông Nam Á chế tác công cụ đá, đồ gốm, sáng tạo cây lúa, cây khoai sọ, cùng với những con gà, con chó đầu tiên được thuần hoá. Vào khoảng 18 nghìn năm trước, bước vào thời kỳ biển tiến, mỗi năm dâng lên 1 xăng-ti-mét. Một số nhóm người di cư lên phía Tây cao hơn, làm nên Văn hóa Hoà Bình. Khoảng 8 nghìn năm trước, do nước dâng thật cao, lên tới vùng đất ngày nay là Việt Trì, các lục địa chìm trong nước, tiếp tục đẩy một bộ phận lớn dân Đông Nam Á di chuyển lên lục địa Trung Hoa ngày nay, từ lưu vực sông Dương Tử tới lưu vực sông Hoàng Hà. Những sắc dân này tụ họp thành một cộng đồng mà sử sách gọi là Bách Việt, trong đó có Âu Việt (Miên, Thái, Lào), Miêu Việt (Mèo, Mán còn gọi là Hơ Mông, Dao), Lạc Việt (Việt Nam, Mường). Trong hàng vạn năm sống ở đây, người Bách Việt, do đã từng là chủ nhân của Văn hóa Sơn Vi, Hoà Bình, đã sáng tạo nên nền Văn Minh Lúa Nước, chế tác công cụ đá, đồ gốm rồi đồ đồng, sắt. Người Lạc Việt, nhóm chủ đạo trong dòng Bách Việt lấy vùng Thái Sơn, có sông Nguồn  tỉnh Sơn Đông làm trung tâm. (Câu ca dao Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra có sự tích từ đây). Người Bách Việt bắt đầu hình thành quốc gia lỏng lẻo, tôn Toại Nhân, Phục Hy, Nữ Oa là những bậc á thánh làm vua. Thần Nông là ông vua dạy họ trồng ngũ cốc. Phục Hy khởi đầu xây dựng Kinh Dịch về sau trở thành một siêu học thuyết về vũ trụ và nhân sinh. Con cháu Thần Nông là Đế Minh, Đế nghi dẫn dắt họ tổ chức cuộc sống, lập nước Xích Quỷ chuẩn bị đối đầu với dân du mục phương Bắc. Khoảng 2600 năm TCN, người Mông Cổ tràn qua sông Hoàng Hà xâm lấn, dồn người Bách Việt xuống phía Nam. Trong trận quyết chiến Trác Lộc trên sông Hà, lãnh tụ người Bách Việt Đế Lai hy sinh. Một bộ phận người Việt chạy về nam, tới nương náu tại nước Xích Quỷ, phía Nam sông Trường Giang, quanh dải núi Ngũ Lĩnh. Trong khoảng nhiều ngàn năm tiếp xúc Mông – Bách Việt đã xảy ra sự hoà huyết giữa hai chủng người, một mặt khiến yếu tố Mông Cổ trong  người Bách Việt tăng lên, một mặt khiến yếu tố Đông Nam Á trong người Mông tăng lên, do người Bách Việt đông mà người Mông Cổ phương Bắc ít, nên trong thực tế đã xảy ra: người Mông Cổ phương Bắc bị đồng hoá thành một chủng người Mông Cổ phương nam. Chủng người này khác với chủng người  Mông Cổ phương Bắc ở chỗ khả năng sinh sản dồi dào hơn, đó là nguồn gốc  tạo nên  số dân Trung Hoa hàng tỷ người ngày nay.  

 

Như vậy, công nghệ Gien đã trở thành một “cây đũa thần” giúp giải được bài toán vẫn là mối bận tâm của nhân loại hàng trăm năm nay. “Trái ngược với những lý thuyết được cho là kinh điển trước đây, người Đông Á không phải từ cao nguyên Tây Tạng đi xuống mà từ Đông Nam Á đi lên. Và người Trung Hoa là cộng đồng được sinh ra muộn hơn những sắc dân Đông Nam Á. Việc xuống phía Nam hòa huyết với người Bách Việt trồng lúa nước đã mở ra vận hội lớn đối với một bộ phận người Mông Cổ phương Bắc, chẳng những đã cứu họ thoát khỏi tình trạng sinh sản thấp như người Mông Cổ đồng chủng, mà còn cho họ hưởng nền văn minh nông nghiệp phát triển rực rỡ. Chính hai nhân tố này tạo nên số dân đông đúc cùng văn hóa ưu tú của dân tộc Trung Hoa hiện đại.”

 

Như vậy là “từ cuối thiên niên kỷ thứ hai TCN, trước sức tấn công mạnh mẽ của người Mông Cổ, nhiều nhóm Bách Việt đồng loạt chạy về Nam lần lần trở về nguồn cội của mình. Theo truyền thuyết, hậu duệ của Lạc Long Quân đưa người Lạc Việt đổ bộ vào vùng Nghệ Tĩnh, tôn người con trưởng lên làm vua, gọi là Hùng Vương, lúc đầu đóng đô ở Ngàn Hống Rào Rum (sông Lam, núi Hồng) sau đó chuyển lên vùng Ao Việt, lập nhà nước Văn Lang. Do tiếp xúc với người phương Bắc, có sự hoà huyết với người Mông Cổ, bộ gien người Việt từ chủng In-đô-nê-diêng chuyển hoá nhanh thành loại hình Đông Nam Á. Do phải liên tục chiến đấu chống quân xâm lấn nên người Việt của các vua Hùng trở nên mạnh mẽ và khôn ngoan hơn, làm nòng cột xây dựng nhà nước tuy còn lỏng lẻo nhưng bước đầu xác lập một mối quan hệ quốc gia, vượt qua tình trạng bộ lạc.” (Những câu trong ngoặc kép trích dẫn từ nguyên văn trong sách của Hà Văn Thuỳ).

 

Từ những khám phá về cội nguồn dân tộc, tác giả đi đến những xem xét về bản sắc văn hóa người Việt. Phải chăng cộng đồng người Việt ta đã nhất trí cao về những gì thuộc về nội dung văn hóa người Việt mà chúng ta đang phấn đấu xây dựng và hoàn thiện, làm cho nó chiếm ưu thế và trở thành hiện thực trong đời sống tinh thần nước ta? Tác giả cho rằng chưa có sự nhất trí cao đó, và đây chắc chắn sẽ gây ra cuộc tranh luận. Người viết bài này chưa đi vào cuộc tranh luận đó, mà chỉ muốn biết, vậy thì tác giả đã khai thác và giới thiệu những gì mà ông muốn được mọi người lắng nghe?

 

Hà Văn Thuỳ đề nghị chúng ta hãy tìm lại thực chất văn hóa Việt, có tìm đúng thực chất văn hóa Việt thì mới thực sự phục hưng văn hóa, ngang tầm với những đổi mới về kinh tế,  góp phần vào công cuộc canh tân đất nước. Tác giả cho rằng, nhờ những thành tựu mới nhất của khoa di truyền học, chúng ta đã tìm ra tổ tiên người Việt, tìm được lịch sử xa xưa của mình và đã nhận ra văn hóa tận nguồn mà tổ tiên ta để lại trên đất Trung Hoa cũng như văn hóa Việt thời Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương trên đất Việt. Văn hóa ấy có tên là Việt Nho. Nho là học thức, học giả. Việt Nho là một nền văn hóa có học do người Bách Việt sáng tạo. Danh từ Việt Nho do học giả Kim Định sáng tạo trong bộ triết lý An Vi của mình. Nội dung Việt Nho, còn gọi là văn hóa Bách Việt là nền văn hóa nông nghiệp lúa nước có đặc điểm: Kỹ thuật lúa nước, thuần dưỡng gia súc ở mức tiên tiến của nhân loại; kỹ nghệ đồng thau phát triển cao; chữ viết kết thừng, chữ viết con nòng nọc, chữ hình lửa (hỏa tự) được dùng; thiên văn học phát triển, phép làm lịch ra đời; Kinh Dịch tìm hiểu vũ trụ và con người, công cụ dự đoán học ra đời; ca dao dân ca, âm nhạc ngũ cung với đàn đá, đàn bầu, khèn, dàn nhạc bát âm ra đời; con người sống cuộc sống  tâm linh, hài hòa với thiên nhiên; con người sống hòa thuận với nhau, đàn bà được coi trọng và có vai trò đáng kể trong xã hội (Nữ Oa vác đá vá trời); nhà cầm quyền thân dân, xã hội xây dựng trên nền tảng đức trị. Chính tinh thần Việt Nho nói trên là nhân tố chủ đạo của văn hóa Trung Hoa thời Đế Nghiêu đến cuối đời Chu được gọi là thời đại Hoàng kim trong lịch sử Trung Hoa. Trong thời này, tinh thần nhân bản được đề cao, các ông vua đều thân dân, dựa trên đức trị, luật pháp ít hà khắc, thiên hạ thái bình. Các triều đại đã thể hiện được tinh thần văn hiến, ghi chép điển chương, sưu tập những lời nói, câu ca, những bản nhạc hay trong dân gian, lễ được coi trọng.  

 

Tinh thần Việt Nho ấy đi vào đời sống văn hóa nhân dân Trung Hoa một thời thịnh trị cho đến khi, cùng với hiện tượng người Bách Việt bị xua đuổi dần xuống phía Nam, yếu tố du mục trong dòng máu Mông Cổ nổi dậy (thấy rất rõ qua cuốn Totem Sói) làm băng hoại văn hóa Việt nho. Buớc băng hoại thứ nhất là khi Khổng Tử san định các Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư…, mặc dầu còn giữ được nhiều cái ưu tú của Việt Nho, nhưng cũng đã tước đi nhiều nội dung mang tinh thần văn hóa Bách Việt. Bước băng hoại tiếp theo là khi nhà Tần đốt sách chôn nho. Cùng với văn khố ở Hàm Dương bị đốt cháy, gia tài văn học từ thượng cổ trở thành tay trắng. Đến đời Hán, Việt Nho trở thành Hán Nho, sau đấy trở thành Tống Nho… Nhiều Kinh, Thư được làm lại, được giải thích theo quan điểm của các vương triều, nhằm củng cố các thiết chế vương triều, đề cao vai trò quân vương, gia trưởng, coi nhẹ vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội, triệt tiêu tinh thần dân chủ đạt được trong các thời trước, thay đức trị bằng pháp trị, đề cao hình luật… Chữ Việt trước được xây dựng trên cơ sở bộ Mễ (thóc) đã từng được người Mông Cổ nghiêng đầu kính phục, thì biến dần thành chữ Việt với bộ Tẩu (chạy) làm nền. 

 

Sự trớ trêu của lịch sử đã xảy đến. Hai nghìn năm qua đi, từ khi người Lạc Việt trở về quê hương dựng nên thời đại các vua Hùng, do không có văn tự (nói đúng hơn là những ghi chép bị thất lạc, hủy hoại) nên người Việt không hề được học được đọc những trang sử của tổ tiên xưa mà chỉ nhớ về cội nguồn qua những truyền thuyết Toại Nhân, Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông… (mà lúc này người Trung Hoa nhận là của mình), qua câu ca dao về núi Thái, sông Nguồn… Rồi đến khi các quan lại phương Bắc đến áp đặt nền cai trị (hàng nghìn năm), người Việt mới biết đến Hán nho, mà không hề biết đó chính là văn hóa gốc của tổ tiên mình bị xuyên tạc.

 

Từ những nhận định khái quát ấy, tác giả kiến nghị những nội dung văn hóa mới. Bản sắc văn hóa Việt Nam cần mang ba đặc điểm của Việt Nho: Nhân Chủ, Thái Hòa, Tâm Linh. Những đặc điểm ấy chưa hề bị xói mòn với thời gian và còn tiếp tục tỏa sáng trong thời đại mới. Lớp trẻ học tiếng Anh, tiếng Pháp và điện toán đã đành, giỏi quốc ngữ hiện nay đã đành, nhưng cũng cần học chữ Nho. Chỉ biết chữ  nho mới hiểu được ngôn ngữ Việt và văn hoá Việt. Cũng đã đến lúc phải dạy Kinh Dịch cho học sinh. Dạy Kinh Dịch là dạy cách tư duy, điều rất cần cho con người trong thời buổi kinh tế tri thức.

Cuối cùng, tác giả đề nghị mở một diễn đàn để người Việt trong và ngoài nước cùng bạn bè bàn thảo vấn đề cội nguồn dân tộc, cội nguồn văn hóa.

 

Một cuốn sách đầy va chạm, nhưng va chạm thế mới ra vấn đề.

Xuân Cang
Số lần đọc: 2691
Ngày đăng: 20.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Bính : LÒNG MẸ ’’Bao la như biển Thái Bình’’!(1) - Lê Xuân Quang
Nỗi buồn nhân sinh trong trang viết Nguyễn Tam Phù Sa - Nguyễn Thịnh
“Tuyển tập 18 Nhà văn đồng bằng sông Cửu Long ” (*) – MỘT THOÁNG NHÌN TỪ GÓC ĐỘ PHƯƠNG NGỮ - Thai Sắc
Máu Đỏ Da Vàng - Nguyễn Văn Hoa
Bốn Đoá Vô Ưu Ngày Cuối Hạ - Nguyễn Nguyên An
Tung hê phiền muộn thả đất trời. Đọc NHỮNG BƯỚC CHÂN CỦA BÃO- Bùi Đức Vinh ,NXB LAO ĐỘNG- 2006 ) - Lê Vũ
Những lỗi không đáng có ở bài viết về đêm hòa nhạc - Lê Đức Huy
TẢN ĐÀ : Thề non nước - Lời Thề Sắt Son! - Lê Xuân Quang
Trương Văn 7 , Người hát rong thơ mình - Nguyễn Đức Thiện
Phương Hà : Người làm thơ ở pháp đình - Nguyễn Văn Thịnh