Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.133
123.146.182
 
Cánh chim lưu lạc
Đổ Thị Hồng Vân

Đang tìm ghế ngồi trên chiếc Boeing 777, bay thẳng Nội Bài – Frankfurt, tôi thoáng thấy có ánh mắt nhìn mình rất chăm chú:

- Ôi! Cô giáo, em chào cô! Thật không ngờ!

Sau giây lát ngỡ ngàng, tôi nhận ra ngay cậu học trò cũ không thể nào quên của mình. Khải nhanh nhẹn đỡ ba lô của tôi cất lên giá hành lý. Vô tình, hai cô trò được ngồi gần nhau. Bầu trời mùa hè hôm ấy dường như xanh hơn. Dưới cánh máy bay, từng đám mây trắng xốp như bông trôi nhẹ nhẹ. Cậu học trò cũ năm xưa giờ đây cao lớn, chững chạc hẳn lên. Đôi mắt vẫn thế - đen nhánh, nhưng hình như giờ đây có pha thêm chút rượu màu, ánh mắt sắc lạnh.

- Em thu xếp để được về quê hương đúng tháng 5 cô ạ.

- Để ngắm hoa phượng nữa chứ Khải?

Khải quay đi. Hình như cậu ta cố nén xúc động, đôi mắt tối sẫm lại. Tự nhiên, tôi thấy sống mũi cay cay. Khải ơi! Trong cuộc đời học sinh, ai chả có những kỉ niệm vui buồn. Gia đình Mai cũng đã xin lỗi gia đình em. Mai cũng đã lấy chồng… Đọc được ý nghĩ của tôi, Khải cười hiền:

- Không sao đâu cô ạ. Chuyện về em và Mai đã là dĩ vãng. Nhưng không hiểu sao, mỗi lần nghĩ đến quê hương là em lại hình dung ra ngay những chùm hoa phượng. nhớ cây phượng già ở góc đường Nguyễn Du, nơi em đã gặp cô năm nào…em chỉ muốn khóc thôi…

 

Và rồi, cái năm học ấy chợt ùa về trong ki ức tôi.

           

Hồi đó, tôi là giáo viên dạy văn kiêm chủ nhiệm lớp 9A– lớp của Khải. Cô bé Mai xinh xắn nhất lớp khổ sở về những cậu trống choai lúc nào cũng tìm đủ mọi cách trêu ghẹo, tán tỉnh. Khải thầm yêu trộm nhớ Mai đến ngơ ngẩn cả người nhưng không bao giờ dám thể hiện ra mặt. Cậu ta viết một lá thư tình thật “lâm ly” lén bỏ vào cặp Mai. Mai đọc thư Khải cũng thấy xúc động nên cất đi. Không may, mẹ Mai vớ được. Bà nổi giận đùng đùng, cầm bức thư tốc thẳng đến trường giữa lúc Khải đang họp Đoàn trường trên văn phòng. Thế là cả trường biết. Cúi gằm mặt qua phòng giáo viên, cậu nghe loáng thoáng: “ Trông tưởng hiền thế mà ghê; “ Mới tí tuổi đã yêu đương”…Trước đây, bố Khải và bố Mai có mâu thuẫn với nhau nên anh trai của Mai khi biết chuyện liền đón đường, dùng vũ lực định quàng vào cổ Khải tấm biển vẽ hình một con bò và một con bê với dòng chữ: “Bố con thằng Khải”. Khải quẫn trí liền giằng tấm biển quại vào đầu anh trai Mai…cuộc hỗn chiến có nguy cơ bùng nổ nhưng bà con dân phố đã kịp thời ngăn chặn. Anh trai của Mai phải đi cấp cứu bệnh viện, may mà vết thương không đến nỗi trầm trọng.

 

Khải sợ không dám về nhà. Tôi đã gặp em lang thang trên đường giữa hàng cây phượng vĩ đỏ rực chói chang… Khải gục mặt vào gốc cây phượng già đổ ngả ở góc đường, cành cây uốn éo cố ngỏng lên do cái thân gần như nằm ngang ra. Thế mà nó vẫn nở hoa, những chùm hoa thưa thớt nhưng tươi roi rói. Tôi nói với em: “Yêu đương là tình cảm tự nhiên của con người, có gì là xấu đâu em? Điều đáng sợ là nếu ta không ý thức được mỗi hành động của mình, cái ác sẽ nảy sinh lúc nào không hay. Cô sẽ gặp bố em và gia đình Mai. Về đi, sắp thi cử đến nơi rồi”…Ngay chiều hôm đó, tôi cùng gia đình Khải và Mai đến công an phường trình bày mọi sự việc. Tôi mừng đến phát khóc khi nhìn hai ông bố bắt chặt tay nhau.  Với sự bảo lãnh của tôi và gia đình, Khải được về nhà.

 

Hôm sau, khi tôi bước chân vào lớp, khác với mọi ngày, cả lớp im lặng. Ánh mắt chúng dò hỏi: Cô giáo sẽ nói gì về sự việc nóng hổi vừa diễn ra hôm qua? Tôi tuyệt nhiên không đả động gì đến Khải và Mai. Trong khi giảng bài môn Công dân, tôi kể cho các em nghe câu chuyện của chính mình: “Hồi học lớp 10, cô rất mến anh bạn Huy cùng lớp và bạn ấy cũng rất mến cô. Chỉ một ngày không nhìn thấy nhau là cảm thấy không chịu được. Hai đứa giành nhiều thời gian cho việc làm thơ, ghi nhật ký về nhau. Nghe cô hát trong đêm liên hoan văn nghệ, anh bạn ấy  tặng cô bốn câu thơ mà khi ghép các chữ cái đầu mỗi câu lại sẽ tạo thành tên của cô”. Cả lớp nhao nhao đòi tôi đọc. Ngay cả Khải và Mai lúc đầu mặt cúi gằm, bây giờ cũng hớn hở nhìn tôi chờ đợi:

 

Tiếng hát em bay vút trời xanh

Hương hoa theo gió thoảng trong lành

Ong bướm vờn bay theo tiếng hát

Anh ngỡ người yêu đến tự tình.

Lũ trẻ vỗ tay rào rào:

- Ôi! Hay quá…T…H…O…A, đúng tên cô rồi! Tình yêu lãng mạn thật!

Tôi cười:

- Thế cô đố các em, để làm được bài thơ ấy, bạn cô phải mất bao nhiêu thời gian?

- Thưa cô, cả đêm ạ!

- Không, thơ hay thế phải mất một tuần.

- Như tớ có nghĩ nát óc cũng chẳng ra…

Tôi chớp luôn thời cơ:

- Vậy quỹ thời gian học cho hai người có còn không?

Bọn trẻ cũng chả vừa:

- Cô vẫn đỗ đại học, đang dạy chúng em đấy thôi!

Đến bây giờ tôi mới nói sự thật:

- Cô đã phải trả giá cho tình yêu thưở học trò ấy, suýt trượt lớp 10.

Bọn trẻ vẫn chưa hết thắc mắc:

- Thế cuối cùng cô có lấy chú Huy không?

- Những mối tình thưở học trò chẳng bao giờ đơm hoa kết trái cả.

Tôi nhắc nhở nhiệm vụ chính của các em trước mắt là phải ôn thi tốt nghiệp và em nào đủ sức thì sẽ vào cấp 3, vào đại học sau này.

Từ hôm đó, không còn em nào nhắc đến chuyện của Khải và Mai nữa, còn hai cô cậu này cũng đã tỉnh ngộ, chỉ vùi đầu vào học.

Năm tháng qua đi, từng lứa học trò của tôi lần lượt chia tay thầy cô, rời mái trường.

Ba năm sau, tôi được biết, cậu học trò đó đã đỗ thủ khoa một trường đại học nổi tiếng và hình như vài năm sau cậu ta được học bổng Cao học ở nước ngoài. 

 

Tôi choàng tỉnh bởi máy bay rung mạnh khi vào vùng thời tiết xấu. Sau khi nhấp mấy ngụm rượu vang cho tỉnh táo, tôi hỏi em:

- Khải đã xây dựng gia đình chưa? Sắp ba mươi rồi còn gì.

- Dạ, chưa cô ạ. Em còn phải hoàn tất luận án đã, rồi còn công ăn, việc làm…

- Giỏi như em, sau khi học xong có về nước không?

- Em cũng không biết thế nào cô ạ, thanh niên chúng em bây giờ khó định hướng lắm - Giọng cậu ta trở nên nghi hoặc- Bọn em tuy ở nước ngoài nhưng những tin tức trong nước chúng em cũng nắm được, nhiều khi chúng trái ngược nhau nên chúng em chả hiểu thực hư ra làm sao nữa. Ví dụ như cái vụ Việt Nam Airline ấy, rối như canh hẹ…

- Quốc gia nào mà chẳng có những vấn đề hả em? Hơn nhau ở chỗ đi lên bằng con đường nào cho phù hợp thôi - Tôi nhìn cậu ta - Biết đâu sau này Khải cũng có mặt trong đội quân dẫn đường ấy…

Khải cười, xua tay:

- Đâu có, em còn lo cho việc bảo vệ luận án đây này. Em thì thông thạo tiếng Anh, ông thầy hướng dẫn thì chỉ thạo tiếng Đức, tìm được tiếng nói chung khó quá…Ngừng một lát, Khải lại tiếp - Học xong cũng có thể em xin ở lại. Dù sao đi chăng nữa thì mình cũng phải công nhận rằng họ hùng mạnh hơn mình nhiều…Cứ nhìn vào bộ mặt giao thông cũng hiểu rằng kinh tế và văn hóa của nước ta vẫn đang phát triển theo kiểu… hình mạng nhện

- Thế mới cần những người như em, đất nước đang trông chờ vào các cậu đó.

-    Em chưa luyện được bảy mươi hai phép thần thông biến hóa cô ạ!.

Tôi nhìn vầng trán bướng bỉnh của cậu ta, thở dài.

Rồi cũng đến lúc máy bay hạ cánh.

Mấy tuần sau, Khải đến chỗ tôi.

Một cái đầu bù xù hiện ra ở cửa. Hơi rượu nồng nặc cả căn phòng. Giọng cậu ta khàn khàn, méo hẳn đi:

- Cô sang đây làm gì cho…tốn…tiền. Em nó đã lấy chồng bên này rồi thì cũng…mặc kệ nó! Cô chỉnh huấn chỉnh quân thế quái… nào được cái lũ tây lai! Cứ ở nhà, thỉnh thoảng nó “tút” về cho vài vé tha hồ mà tiêu xài có h…ơ…n… không?

Tôi hơi bực mình:

- Em say đấy! Thế em sang bên này để làm gì? Uống rượu Tây mà nói nhảm hay sao?

Khải cười dài dại:

- Ô! Giọng của một nhà giáo xã hội chủ nghĩa có khác! Em sang đây để bọn mắt xanh mũi lõ nó xếp vào hạng công dân thứ tư… đấy ạ!... Cho “công dân thứ tư” này hỏi thăm…đường đến…đắp bờ lưu …xi (WC) chỗ nào cô nhỉ?...

 

Mặt Khải tái nhợt, mồ hôi lấm tấm trên trán. Nó say rồi. Tôi vội đẩy cậu ta vào nhà tắm. Một lát sau, cậu ta đã tỉnh táo, nhưng vẫn nói năng búa xua:

- Hoài của…gần hai chai chứ có ít đâu…Những anh Chí Phèo ở Việt Nam say rượu còn có Thị Nở nấu cháo hành hoa cho mà ăn, chứ sang bên này ấy à, say thì cứ tự giác đi mà ôm cái bồn cầu!...

Tôi mắng nó:

- Đã không uống được thì còn cố làm gì! Nằm xuống nghỉ cho đỡ mệt. Cô vắt nước cam uống giã rượu nhé!

 

Tôi lau mặt cho em. Mái tóc dày, xanh mướt nay đã lốm đốm điểm những sợi bạc. Thương quá! Tài năng bao giờ cũng già trước tuổi.

Khải vẫn lảm nhảm:

- Chúng hạ nhục tụi em...ở câu lạc bộ ấy... Ờ, mà cái số mình lạ thật, ở đâu cũng có đứa thích chọc ngoáy. Một thằng đười ươi tóc vàng như lông chó the thé: “Chúng tao có nhà đẹp không phải để cho bọn ăn mày đến ở nhờ!”- Bọn chó má, “nhà đẹp” của chúng nó cũng có công xây dựng của bọn em chứ! Em mới hỏi nó: “Mày có biết trong cái “nhà đẹp” này, con chuột nào bự nhất không?”… Bọn chúng đông, nổi khùng lên, hai chúng em phải chạy… chạy ...thôi... không thì lại giống cái anh gì ở Ê- ti- ô- pi –a, bị đánh đến thập tử nhất sinh ấy. Đem được cái “bộ hài cốt” về thế này là còn may mắn chán…

 

Giọng Khải nghẹn ngào nước mắt. Tôi thắt cả ruột gan lại, thì thầm một mình: Em ơi! Về đi em! Người ta đã trồng lại những hàng phượng vĩ khác rồi. Mùa này, hoa đang nở đẹp lắm. Em có nhớ tiếng ve kêu đến nao lòng không...

- Cô biết, cô biết... Hiện nay có quá nhiều công dân các nước khác tìm mọi cách ở lại nước Đức làm rối loạn cả luật pháp và thị trường của họ. Thôi quên chuyện này đi! Cô mở nhạc cho em nghe nhé, bài hát mà các em vẫn thích ấy.

“Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi, cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi như nuối tiếc một thời trai trẻ...”

Trời! Tôi không thể nào quên được khuôn mặt Khải khi ấy. Đôi mắt em vụt trở nên xa xăm kỳ lạ. Tôi đọc được trong đôi mắt ấy những kỷ niệm buồn vui của thời cắp sách, những hoài bão, khát vọng của tuổi trẻ, và cả trời xanh, cả dông tố, dâng tràn… Một nỗi lo sợ mơ hồ xâm chiếm lòng tôi. Rồi mai kia, mình trở về Việt Nam, những lúc như thế này,Khải dãi bày nỗi niềm với ai? Rồi ma lực của đồng tiền, sức hấp dẫn của cuộc sống hiện đại... Nhất định tôi phải luôn giữ liên lạc với em. Nhưng tôi lại tự giễu mình. Khải thông minh và nghị lực lắm, chắc tôi không phải lo cho em.

Gần 9 giờ tối, mùa hè nước Đức vẫn tràn ngập ánh nắng. Xác hoa như những bông tuyết nhỏ, trắng nõn, bay lang thang khắp nơi. Vào mùa này trên toàn liên bang đâu đâu cũng thấy màu xanh tươi rực rỡ của hoa lá. Sau bữa cơm gia đình rất “Việt Nam”, tôi tiễn Khải ra bến tàu điện. Đường phố không một hạt bụi. Những chiếc xe ô tô lao vun vút không một tiếng còi. Chúng tôi tản bộ trên vỉa hè. Mấy chú chim nhảy tưng tưng bên những thảm cỏ xanh mươn mướt.Tiếng Khải đã trở lại điềm đạm, ôn hòa:

- Một năm nay, em đã nộp mấy chục bộ hồ sơ xin việc làm gửi đi khắp nơi, cả Đông và Tây Đức. Em tin vào khả năng và học vị của mình sẽ được người ta chấp nhận vào làm ở một cơ quan nào đó. Ấy thế mà chỗ nào cũng chỉ thấy trả lời: “Để xem xét”; “chờ một thời gian”; “rất tiếc, chúng tôi đã đủ người...” Thằng bạn cùng cảnh bàn với em đi làm ngoài để kiếm tiền chứ vài tháng nữa là hết tiêu chuẩn học bổng rồi. Cạy cục mãi chúng em cũng xin được chân chạy bàn, rửa bát ở một quán ăn. Được đúng hai tuần, tên chủ quán cho hai đứa nghỉ việc với lí do: sức khỏe kém, hay nghỉ giải lao trong giờ... Khốn nạn, chúng em chạy bở hơi tai, đâu dám nghỉ. Chẳng qua là có mấy thằng Thổ Nhĩ Kì đến xin làm với mức lương thấp hơn tụi em ấy mà.

Tôi thăm dò:

- Cô thấy có rất nhiều người Việt Nam ta sang đây làm ăn khá giả, tiêu xài như vua chúa...

- Đấy là trước kia thôi. Bây giờ muốn được ở lại lâu dài, chỉ còn mỗi cách bỏ tiền ra – một khối lượng tiền khổng lồ để thuê một bà tây nhận cưới mình, sau ba năm không có kiện tụng gì sẽ được ở lại Đức. Nếu không bỏ tiền ra thì phải tìm rồi lấy một mụ Tây nào đó không dị dạng cũng dở hơi, vì chỉ có những người đó người ta mới chấp nhận mình làm chồng…Hoặc phải cưa kéo cho được một em nào đó, văn hóa cao hay văn hóa lùn không quan trọng, chỉ cần em có “sổ xanh” là xong. Nhục nhã lắm cô ạ! Em không thể chấp nhận được cái cảnh ấy…

           

Khải ngừng lời, ngước nhìn bầu trời xanh thắm. Tôi cùng em dõi theo một cánh chim đang mải miết bay về phía chân trời xa xa. Hoàng hôn loang nhanh trên những nóc nhà cao vút. Tiếng chuông nhà thờ Thiên Chúa Giáo buồn bã ngân trên thinh không. Hai chúng tôi thật lạc lõng, bơ vơ  giữa dãy phố dài lê thê này. Nhưng tôi không buồn vì đã có tấm vé khứ hồi kia rồi. Còn Khải, tôi biết. Em như một cánh chim bằng, bay mãi vào khoảng không bao la, lưu lạc, phiêu du. Nhưng cuối cùng vẫn hướng về đất mẹ quê mình.

 

Gió ào ào thổi. Tuy mùa hè nhưng buổi sáng và tối ở châu Âu vẫn lạnh cóng. Tôi kéo cổ áo ,che kín đến cằm.

Tàu đến rồi. Tôi nắm chặt tay em:

- Chúng ta sẽ còn gặp nhau ở đâu Khải nhỉ?

- Dưới hàng phượng vỹ, đường Nguyễn Du cô nhé!. Cô về, nhớ giữ gìn sức khỏe. Tạm biệt! Tạm biệt!

Tôi vui sướng lắc mạnh tay em. Ánh mắt Khải lại lấp lánh như sao. Bàn tay em vẫy mãi, vẫy mãi cho đến khi tàu rời xa dần.

 

Năm 2006

Đổ Thị Hồng Vân
Số lần đọc: 2521
Ngày đăng: 22.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vợ nhặt - Kim Lân
Nhan sắc - Nguyễn Lệ Uyên
Nhật ký 7 ngày - Trang Thanh
Chuyện từ thời chiến - Nguyên Quân
Dây tóc tiên - Trần Lệ Thường
Tình Cỏ Lau - Nguyễn Nguyên An
Chị… - Hiếu Minh
Đêm ngắn - Trần Lệ Thường
Những chùm trái đỏ - Mường Mán
Mùa xuân phía trước - Lê Vũ
Cùng một tác giả
Cánh chim lưu lạc (truyện ngắn)
Đồng sàng dị mộng (truyện ngắn)
Mật đắng (truyện ngắn)
Karaoke… xóm phố (truyện ngắn)
Nước mắt trần ai (truyện ngắn)
Nhà sáng tác (truyện ngắn)
Xôn xao nắng chiều (truyện ngắn)
Chuyện sau trận lụt (truyện ngắn)
Ghen (truyện ngắn)
Số đào hoa ! (truyện ngắn)
Lửa đêm đen (truyện ngắn)
Con nhà tông... (truyện ngắn)
Đèn màu (truyện ngắn)
Chân trời nơi đâu? (truyện ngắn)