Giáo sư sử học Văn Tạo đề nghị: chúng ta nên đánh giá công minh giá trị lịch sử của Tự lực văn đoàn (TLVĐ); ghi công họ bằng một nhà lưu niệm trên nền “nhà khách văn chương”; đặt tên phố TLVĐ ở Hải Dương và quận Tây Hồ (Hà Nội); có thể xây dựng khách sạn mang tên này để đón du khách văn chương trong nước và thế giới.
Ngày 8-2-2007, Bộ Văn hóa - Thông Tin đã có công văn gửi Sở Văn Hóa - Thông Tin Hải Dương đề nghị thu thập tài liệu về TLVĐ để có căn cứ đánh giá rõ hơn nữa những cống hiến của nhóm văn chương này; kiểm tra tình hình thực tế “nhà khách văn chương” để đề xuất phương án giải quyết các kiến nghị trên.
Từ thành phố Hải Dương đi chừng 20km thì đến phố huyện buồn hiu hắt của Thạch Lam xưa. Đó là thị trấn Cẩm Giàng, huyện Cẩm Giàng. Sau gần một thế kỷ thì cái hiu hắt đã thay bằng cảnh tấp nập người xe, nhà cửa, phố xá... đàng hoàng, ngăn nắp. Không có công xưởng, nhà máy hay các nhà hàng đồ sộ nên cái cảm giác êm đềm, bình dị của miền quê này vẫn “quen quen” như trong trang văn của Thạch Lam.
Con đường nhỏ gồ ghề vắng vẻ men bên phía ngoại ô có treo một tấm biển cũng rất khiêm nhường đề tên Thạch Lam. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Quang Thông, trước là phó bí thư thị trấn, kể: “Lãnh đạo địa phương nỗ lực nhiều năm để có thể lấy tên Thạch Lam đặt cho một con đường. Thật quí là chúng tôi đã chọn được con đường cũng mộc mạc và thân thiện như chính hồn văn của ông”.
Đường Thạch Lam dẫn tới cái sân ga buồn tẻ hoang vắng mà hai chị em Liên và An (những nhân vật chính trong truyện ngắn nổi tiếng của Thạch Lam - Hai đứa trẻ) đã ngồi từ hoàng hôn đến tối sẫm để ngóng những chuyến tàu vội vàng... Ga phố huyện nằm dưới nắng trưa không một bóng người, nhưng cái cô liêu hoang lạnh của những thân phận nghèo khó sống bám vào những chuyến tàu muộn giờ chỉ còn trong nghệ thuật.
“Nhà khách văn chương”
Ông Thông dẫn chúng tôi vào một ngõ nhỏ rơi rắc lá và miên man gió. Một căn nhà mái ngói xanh rêu có những song cửa thênh thang với bốn phía vườn. Tiếng chim, tiếng gió và lá cây, mùi hương khiến nơi này như không can gì đến cái oi ả của trưa hè 36 độ nóng. Men theo bờ dậu chằng chịt dây leo là cái sân gạch cũ bên khoảnh ao liu riu bóng nước. Anh Nguyễn Ngọc Đường, phó chủ tịch phụ trách văn xã của UBND thị trấn, nói: “Chúng ta đang đứng trên trại sáng tác văn chương đầu tiên của VN”.
Anh em Thạch Lam, khi trưởng thành đã khai khẩn một vùng đất, lập nên ấp trại trù phú biệt lập với dân làng. Trụ sở của TLVĐ tuy ở Hà Nội nhưng linh hồn và những hoạt động “thiêng liêng” nhất của nó lại diễn ra tại trại văn chương này. Trại tuy rộng nhưng chỉ xây một ngôi nhà để đón gió đợi trăng và được gọi là nhà khách văn chương. Nhà khách văn chương dành để TLVĐ hội họp, thù tiếp văn nhân tài tử, sáng tác và đặc biệt làm nơi trao giải văn học do nhóm bình chọn.
Giải thưởng của TLVĐ hai năm xét một lần và là giải thưởng văn chương danh giá nhất thời đó. Bỉ Vỏ của Nguyên Hồng, Kim tiền của Vi Huyền Đắc, Tâm hồn tôi của Nguyễn Bính, Bức tranh quê của Anh Thơ, Nghẹn ngào của Tế Hanh... và rất nhiều tác phẩm nổi tiếng khác đã được vinh danh tại đây. Nhớ về nhà khách văn chương, nhà thơ Đinh Hùng viết: “Mồng ba tết, Thạch Lam mời Thế Lữ, Song Kim, Khái Hưng, Trần Tiêu, Huyền Kiêu, Nguyễn Tường Bách, Đinh Hùng... về trại uống rượu.
Vò rượu có tên Đào lê mỹ tửu của chủ ấp ngày xuân làm nghiêng ngả cả càn khôn vũ trụ. Gặng hỏi, gia chủ mới cho biết đó cũng chỉ là rượu cuốc lủi mà thôi. Cái tên đào lê là nói lái của chữ đề lao. Tức là uống rượu mà bị Tây bắt thì chỉ có ngồi đề lao... Suối văn thơ theo hứng rượu lai láng tràn trề”.
Hôm nay, ngôi nhà trên nền “nhà khách văn chương” cũng vẫn phiêu bồng cùng trăng gió, cỏ cây như xưa. Nhà chỉ kê một chiếc giường gỗ và bộ bàn ghế cũ với hai ông bà ngoài 70 tuổi dáng quắc thước, nhàn tản. Cụ ông là Nguyễn Văn Đạm hào sảng nói ông thích sống ở đây cho tâm tình di dưỡng, thanh nhã. Ông biết đây là nền đất phát tích dòng văn học rực rỡ một thời của người Việt.
Con nhà nông thuần chất, dù không động tình văn chương nhưng ông cũng cảm được cái “thiêng” của mảnh đất này. Không có rượu đào lê nhưng ông Đạm có một bình rượu cao tới thắt lưng ngâm đầy tới miệng các loại rắn lớn nhỏ. Ông nói toàn rắn ông tự bắt trong vườn nhà suốt mười năm qua. Vậy nên khách đến nơi đây, nguồn tình cảm dễ mà lay động...
Tình văn chương và nghĩa con người
Không hẹn trước, chúng tôi có mặt ở nhà ông Trần Quang Thông, thị trấn Cẩm Giàng vào một buổi sáng gắt nắng. Bốn người đàn ông đang thưởng trà. Câu chuyện họ bàn chính là điều chúng tôi cũng muốn nghe: TLVĐ! Rồi anh cán bộ trẻ, ông cụ về hưu, bác nông dân... và nhiều người khách trong thị trấn này lần lượt đến rồi về.
Mọi người đều đến nghe tin tức về chuyến đi Hà Nội tìm cứ liệu và nhân chứng về TLVĐ của ông Thông. Cái thị trấn nhỏ bé có 2.500 người này dường như ai cũng dành tâm tưởng cho câu chuyện văn chương đã quá xa xôi đối với cuộc sống hiện tại của họ. Anh Nguyễn Ngọc Đường nói: từ 20 năm nay, những con người yêu văn chương nghệ thuật của mảnh đất Hải Dương cũng như thị trấn này luôn đau đáu về câu chuyện của TLVĐ.
Hơn mười năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn đã bền bỉ thuyết phục, vận động, tìm tòi, khôi phục... nhằm khẳng định rõ vai trò, những cống hiến và tôn vinh TLVĐ. Những con người bỏ nhiều công sức, thời gian nhất cho mục tiêu này là ông Khúc Hà Linh - Hội VHNT tỉnh Hải Dương, ông Tăng Bá Hoành - chủ tịch Hội sử học Hải Dương, cụ Trần Vĩnh An - khách văn chương người Cẩm Giàng - cùng nhiều người nữa.
Họ không quản ra Hà Nội, vào Nam, liên hệ các đầu mối ở nước ngoài để mong tìm thêm bất cứ một cứ liệu, nhân chứng nào cho TLVĐ, cho ba anh em và dòng họ Nguyễn Tường. Những người không trực tiếp tham gia được thì từng ngày ngóng tin. Chuyến đi của ông Thông và ông Khúc Hà Linh vừa rồi là đến nhà mấy văn sĩ già người Cẩm Giàng nhưng nay đang sống ở Hà Nội như ông Băng Sơn, ông Giang Quân, ông Quang Huy. Họ may mắn gặp được một nhân chứng quí. Đó là ông Vũ Xuân Ba hiện sống ở khu tập thể Thành Công.
Ông Xuân Ba trước là người yêu của em gái Nhất Linh. Đã là con rể hụt của nhà Nguyễn Tường... Tin đó đang làm xôn xao phố huyện. Dòng họ Nguyễn Tường nay không còn ai sống ở Cẩm Giàng. Tuy vậy, mộ phần ông Phán Nhu ở làng La A vẫn có người tự nguyện chăm sóc, hương khói mấy chục năm nay. Người có tấm lòng đó là ông Ngô Như Khiết. Năm 1995, ông Khiết mất, vợ ông là bà Ngũ tiếp tục thay chồng đảm nhiệm việc này. Năm 2002 ông Xuân Ba về Cẩm Giàng xây lại mộ ông Phán Nhu thật tôn nghiêm, vững chắc...
Ông Nguyễn Văn Đạm, người đang sống trên nền “nhà khách văn chương”, kể thỉnh thoảng có khách văn chương, người tài tử trong Nam ngoài Bắc lại tìm về đây tha thẩn hỏi thăm, vãn cảnh ra chiều hoài cảm, bâng khuâng. Có một cô sinh viên văn khoa vì quá yêu văn chương của Bát tú, Thất tinh đã về tận đây xin mấy chiếc lá trên vườn trại văn chương đem về bái vọng. Ông Trần Quang Thông từ ngày còn là lãnh đạo xã đã không ngừng tìm cách hồi sinh công tích, thần hồn của TLVĐ bằng các cuộc hội thảo, công văn đơn từ, thông tin tuyên truyền, in ấn...
Điều vướng trở lớn nhất là Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long) và Khái Hưng (Trần Khánh Dư). Ba nhân vật trụ cột này của TLVĐ sau khi giải tán nhóm đã tham gia các tổ chức chính trị thân Tưởng Giới Thạch. Việc nhắc lại những đóng góp của họ trong nền văn học nước nhà đã có lúc trở nên húy kỵ. Thành công lớn nhất của những người yêu văn chương TLVĐ là đã đặt tên được con đường Thạch Lam.
Phần việc còn lại đã được giao cho thế hệ anh Nguyễn Ngọc Đường. Anh Đường cho biết UBND thị trấn, Hội VHNT tỉnh đã gửi công văn lên huyện, tỉnh và Bộ VHTT đề nghị lập nhà lưu niệm TLVĐ và Thạch Lam trên nền đất của “nhà khách văn chương” xưa. Tới đây thị trấn cũng lấy tên Thạch Lam đặt cho một ngôi trường đang xây dựng trên địa bàn.
Ông bà Đạm, những người đang sống trên mảnh đất văn chương những ngày cuối đời, cũng nói với chúng tôi: nếu để “thờ cúng” cho nền văn chương quê nhà, đất nước, ông bà sẵn sàng giao lại mảnh đất này và xem đó là công trình ý nghĩa nhất từ thuở bình sinh. Mấy trăm năm trước cụ Nguyễn Du có viết trong bài Độc tiểu thanh ký: “Văn chương vô mệnh lụy phần dư”. Tức là văn chương tuy là thứ không có mệnh nhưng có thể vương lụy đến phần dư sót sau này. Thấy cái tình của người Cẩm Giàng, của khách văn chương hôm nay với TLVĐ mà càng thấm thía.
Cần cái nhìn công minh lịch sử
Theo giáo sư sử học Văn Tạo, ban đầu TLVĐ gồm bảy người và được gọi là Thất tinh (bảy ngôi sao): Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng, Tú Mỡ, Thế Lữ và Trần Tiêu (em ruột Khái Hưng). Khi kết nạp thêm Xuân Diệu thì đổi thành Bát tú.Cơ quan ngôn luận TLVĐ gồm báo Phong Hóa, Ngày nay và Nhà xuất bản Đời Nay.
“Tôn chỉ” của họ công bố trên báo Phong Hóa gồm 10 điểm, tóm gọn như sau: tự sáng tác (không phiên dịch văn chương nước ngoài); làm sách bình dân và cổ vũ chủ nghĩa bình dân; sử dụng ngôn ngữ An Nam (ít chữ nho nhất); mới, trẻ, yêu đời, tin vào sự tiến bộ; trọng tự do cá nhân; giữ gìn bản sắc dân tộc nhưng không bảo thủ hay bài ngoại... Các thành viên trong nhóm với những cây bút lớn đã để lại cho đời sau nhiều công trình văn học đồ sộ thuộc các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa, thơ, kịch và thơ trào phúng... định hình một dòng văn học quan trọng của dân tộc.
Học giả Phan Trọng Thưởng, Viện Văn học, nhận xét: do mang ý thức hệ tư sản nên một số tác phẩm của họ không tránh khỏi những hạn chế nhất định, nhưng nhìn chung sáng tác của họ từ 1932-1939 (thời tồn tại của TLVĐ) mang phẩm chất cách tân, nhiều giá trị ưu việt. Tác phẩm của TLVĐ thấm đượm tinh thần nhân văn, chống lễ giáo, hủ tục phong kiến, đả kích kẻ xu phụ thực dân, châm biếm thói hư tật xấu; cảm thông với khổ cực, lam lũ bần cùng của người lao động; đề cao tự do cá nhân, giải phóng phụ nữ, hướng theo những tư tưởng nhân đạo, bình đẳng bác ái của thời kỳ Mặt trận dân chủ...
Tại một cuộc hội thảo năm 1989 của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ), nhà thơ Huy Cận đã nói: Ta đã có đủ thời gian để đánh giá sự đóng góp của TLVĐ. Họ có hoài bão về văn hóa dân tộc. Đáng phê phán nhất của Nhất Linh, Khái Hưng là chặng đường cuối đời nhưng cũng đừng vì lăng kính đó mà đánh giá sai họ... TLVĐ đã góp phần lớn vào nghệ thuật tiểu thuyết, tính hiện đại của tiểu thuyết, đóng góp vào tiếng nói và câu văn của dân tộc với lối văn trong sáng và rất VN...
Tự lực văn đoàn
Theo tài liệu của ông Khúc Hà Linh, Hội VHNT tỉnh Hải Dương, đầu thế kỷ 19, một viên quan nhà Nguyễn là Nguyễn Tường Phổ được chuyển từ Quảng Nam ra Cẩm Giàng làm tri phủ, khai nguyên dòng họ Nguyễn Tường ở mảnh đất này. Ông Phổ sinh ông Nguyễn Tường Tiếp, ông Tiếp sinh Nguyễn Tường Chiếu, tên tục là Nhu. Ông Nhu sinh bảy người con thì có sáu người theo văn chương nghệ thuật. Trong đó có ba anh em Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam.
Ông Nhu ban đầu làm sếp ga Cẩm Giàng, sau thăng làm sếp ga Hải Dương rồi chuyển sang Sầm Nưa (Lào) làm thông phán tòa sứ nên thường gọi là Thông Nhu hay Phán Nhu. Ông mất năm 38 tuổi ở xứ người, để lại người vợ trẻ là bà Nguyễn Thị Sâm và đàn con thơ. Hồi ký của bà Thế Uyên (con gái ông Nhu) viết “Tuổi thơ của chúng tôi rất nghèo khổ, khốn quẫn”.
Bà Phán Nhu tảo tần thức khuya dậy sớm, cuối chợ, đầu sông nuôi con ăn học. Bà có một ước mơ nhỏ nhoi nhưng đau đáu: đó là có một ngôi nhà sống biệt lập, thanh tĩnh với ao cá vườn cây không ai quấy quả... Những người con của bà khi trưởng thành đã làm được điều đó. Và đó chính là trại sáng tác văn chương đầu tiên, “nhà khách văn chương” duy nhất của VN.
Sau khi mua lại tờ Phong Hóa, Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) làm chủ bút đã cùng hai em ruột là Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo) và Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam) cùng bạn hữu như Khái Hưng, Thế Lữ... hợp sức làm báo. Năm 1932 nhóm Tự lực văn đoàn được thành lập dựa trên những nòng cốt này.
Ảnh :Con đường mang tên nhà văn Thạch Lam ở thị trấn Cẩm Giàng
Theo TTO