Kịch hình thể là loại hình nghệ thuật còn hết sức mới mẻ ở nước ta, lấy ngôn ngữ cơ thể biểu đạt diễn biến tâm lý, giản lược tối đa lời thoại và khá trừu tượng.
“Món ăn” mới thay đổi bộ mặt nghệ thuật đương đại
Khác với kịch nói lấy lời thoại là chủ yếu, kịch hình thể (KHT) đẩy nói xuống hàng thứ yếu hoặc có khi không nói. KHT lấy ngôn ngữ hình thể làm trung tâm hàng đầu và làm phương tiện số một biểu hiện xung đột trên sân khấu. Người diễn viên thay vì nói, dùng những động tác tạo hình gần giống múa rất đẹp, mà nói theo ngôn ngữ sân khấu là phác họa những động tác có mã hình thể để tả thực, tả thần. KHT sử dụng ngôn ngữ tổng hợp, dùng động tác của toàn bộ cơ thể làm chủ đạo - theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Văn hoá - Văn học, Khoa Báo chí, Trường ĐH KHXH&NV.
KHT đang phát triển rực rỡ ở các nước với nhiều cách thể hiện khác nhau. Ở nước ta độc đáo hơn là không chỉ sử dụng vũ đạo múa của tuồng, chèo, động tác kịch câm, có lúc sử dụng cả... rối, xiếc cho phù hợp, và khi không có động tác nào thể hiện được thì dùng lời thoại biểu đạt nội tâm nhân vật.
Chính NSND Lan Hương là người có công đưa KHT vào nước ta và sáng tạo nên bản sắc riêng rất Việt. Khi được hỏi xuất phát từ ý tưởng nào để đến với thể loại kịch này, Lan Hương kể, khoảng năm 1996, chị vô tình nằm mơ mình diễn một vở gì đó rất mới, lạ ở nước ngoài vẫn nói mà múa trên một sân khấu thơ mộng và lãng mạn vô cùng, và nghĩ rằng sao mình không làm theo. Từng đi nhiều nước và được tiếp xúc với các nền nghệ thuật của thế giới, chị rất thích kịch hình thể. Chị nói: “Với mong muốn đóng góp một chút gì đó vào sự phát triển nền sân khấu Việt Nam, tôi đã nghiên cứu và tìm ra một phong cách mới của kịch hình thể cho thật phù hợp với thị hiếu người xem và thích nghi các chuẩn mực nghệ thuật nước nhà”. Mở đầu là năm 2000, Đạo diễn Lê Hùng dựng vở Giấc mơ hạnh phúc. Năm 2004, nhóm biểu diễn dưới hình thức CLB KHT của Nhà hát Tuổi trẻ dưới sự bảo trợ của Hội nghệ sĩ sân khấu".
Đến cuối năm 2005, Đoàn kịch thể nghiệm 3 của Nhà hát Tuổi trẻ được thành lập do Lan Hương làm Trưởng đoàn.
Giàu sức biểu cảm
Thưởng thức KHT, khán giả sẽ thấy thỏa mãn nhiều hơn cái sự nhìn ngắm, xem, và cao hơn về thẩm mỹ bởi người diễn viên biểu đạt bằng những ngôn ngữ cô đọng, đa ngữ, chứ tuyệt nhiên không thể dùng ngôn ngữ sinh hoạt, và cách đối thoại cũng khác, ngân nga, cao vút.
Lan Hương sẽ đưa hình thể của các loại sân khấu truyền thống về một thể loại hình thể, áp dụng sao cho ngọt ngào và nhuần nhuyễn, phù hợp với người Việt.
“Như diễn nhân vật đi, thì chẳng thể loại nào sánh được kịch câm, hay trạng thái tâm lý đau khổ thì không thể loại nào hay và đẹp như tuồng hoặc những đoạn lãng mạn tôi sẽ dùng ballet, cảnh chèo thuyền tôi sẽ đưa sân khấu chèo vào. Nói tóm lại, tôi sẽ “cóp nhặt” những thứ hay nhất của thế giới và Việt Nam để trở thành bộ môn hợp lý, nâng lên thành kịch hình thể.” - Lan Hương kể.
Đưa khỏa thân nghệ thuật lên sân khấu
Sáng tạo và đầy cảm xúc, đạo diễn Lê Hùng đã rất thành công khi đưa khán giả lần đầu tiên đến với cuộc đời của Hàn Mặc Tử qua sự kết hợp giữa thơ và kịch hình thể trong vở “100 phút cuối của Hàn Mặc Tử”. Và cũng là lần đầu tiên, khán giả gặp những cảnh khỏa thân trên sân khấu. Đó là hình ảnh Mộng Cầm khoả thân trong mảnh trăng vỡ, hình ảnh những giai nhân hòa trong vườn trăng, tinh khiết và đầy khát vọng trong cơn mơ của thi sĩ bí ẩn họ Hàn mà chưa một đạo diễn nào dám đưa lên sân khấu.
Đạo diễn tài ba Lê Hùng dựng những cảnh nude trên sân khấu rất nghệ thuật, không hề gợi dục mà cái chính là để hướng tới sự trong sáng cao siêu của thi sỹ họ Hàn. Những cảnh nude trong lãng đãng sương khói biểu đạt sự thăng hoa trong cảm xúc chứ không phải sự trần trụi của xác thịt.
Lê Hùng đã hiện thực hóa thành vở diễn trên sân khấu cảnh ái ân qua những động tác hình thể rất mỹ học. Ông dựng hẳn một đám cưới hủi chỉ bằng những động tác hình thể đã đẩy lên mã múa trên hai mảnh trăng lúc hé mở, lúc hòa trộn vào nhau đầy thẩm mĩ. Khi vào cuộc văn hóa ấy, họ đã trở thành hai con người toàn vẹn về thân xác và thực hiện giấc mơ tình ái rất đẹp.
Được hỏi về quan niệm nude trong KHT, Lan Hương kể rằng, những gợi cảm đó chỉ mang tính thẩm mỹ cao sang, mà quan trọng hơn là người diễn viên làm sao phải thể hiện cảm xúc kịch tính trên cơ bắp, để biểu đạt rõ rệt hơn những hỉ, nộ, ái, ố để lột tả nhân vật.
Bước khởi đầu thành công
KHT có thể lấy một đoạn ngắn trong đời sống sinh hoạt đời thường nhưng biểu đạt tính triết lý cao, có lẽ vì thế mà tầng lớp xem chủ yếu là trí thức. Tuy chất chứa tính triết lý ẩn sâu bên trong, còn biểu hiện diễn viên rất đời thường nên với khán giả không quá sâu xa, vẫn dễ hiểu và là một môn nghệ thuật phá vỡ hàng rào ngăn cản ngôn ngữ.
Một số vở KHT đi diễn ở Trung Quốc, Hàn Quốc... bán được vé rất nhiều và người xem hiểu dễ dàng và rất thích. Nhưng ở nước ta, KHT vẫn chưa nhận được sự ủng hộ từ số đông khán giả. Kể từ vở đầu tiên Nhà hát Tuổi trẻ dựng vở "Giấc mơ hạnh phúc", "Nhật nguyệt thực", "Tiếng vọng hành tinh", "Con bệnh bí hiểm", sau đó đến "100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử" gây xôn xao dư luận, khen nhiều và chê cũng lắm, nhưng đã phần nào lay động được thị hiếu khán giả.
Và bằng chứng là “100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử” đã được trao giải B giải thưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam 2006. Các nghệ sĩ Đoàn kịch thể nghiệm 3 tin tưởng rằng dần dần họ sẽ chinh phục được khán giả, bởi kịch hình thể rất giàu sức biểu cảm và có nhiều đất cho diễn viên thể hiện sự nhạy cảm và sáng tạo phong phú của mình.
Lan Hương tâm sự: Tôi đang rất cố gắng đưa loại hình biểu diễn hình thể nói riêng và kịch thể nghiệm nói chung đến được với giới trẻ vì đây là lứa tuổi cần được thưởng thức những gì thú vị nhất, bay bổng nhất, khơi gợi trí tưởng tượng của giới trẻ, để họ bước tiếp con đường sáng tạo nghệ thuật.
PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, sau một thời gian thử nghiệm, KHT đã từng bước khẳng định giá trị nghệ thuật mang bản sắc dân tộc Việt và khá hay. Tuy nhiên, cái gì mới đưa ra cũng phải có thời gian thích ứng. KHT phải đưa nhiều hơn những động tác hình thể có mỹ học và giản lược lời thoại sẽ hay hơn nhiều.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Vụ phó Vụ Văn nghệ, Ban Tư tưởng Văn hoá TƯ, Ủy viên Ban chấp hành Hội mỹ thuật Việt Nam:
Khi xem kịch hình thể, người xem có thể liên tưởng tới kịch câm, tới múa đương đại Esola Thủy (Hạn hán và cơn mưa), hay nghệ thuật hình thể (body art) Đào Anh Khánh. Những thể loại mới đó đã gây sốc cho Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận một điều là nó đang chính thức có mặt trên sân khấu đương đại, cứu nguy dạng cảm giác loanh quanh của sân khấu bấy lâu nay đang đi tìm lối thoát. Lâu nay, công chúng có vẻ xa lánh sân khấu, thì Nhà hát Tuổi trẻ đã tìm “món ăn” mới lạ thu hút khán giả là đáng khích lệ. Với chất lượng kịch bản, tư duy không giống ngày hôm qua, nên những gì đang đánh động là đáng quý. Vả lại, tất cả sự thay đổi thói quen, thị giác, cách cảm nhận sẽ vấp phải kháng cự của đám đông, và chưa thể lôi kéo khán giả ngay. Bây giờ thông tin toàn cầu là áp lực không nhỏ với văn hóa nghệ thuật trong nước, cũng đặt ra bi kịch nếu “bà mẹ” Nhà nước cứ “nuôi dưỡng” nghệ thuật như hiện nay thì sẽ làm hỏng nghệ thuật. Giải pháp xã hội hóa cũng hết sức tích cực, thực sự đã tìm lối ra với nhiều tín hiệu vui buổi đầu. Như “100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử” là vở kịch thể nghiệm mang tính thăm dò dư luận xã hội, là một tác phẩm đáng ghi nhận, buộc người xem phải cảm nhận qua ngôn ngữ hình thể để hiểu được nhân vật - người thơ Hàn Mặc Tử đến bây giờ vẫn trong màn bí mật. Cố gắng để giải mã - mượn Hàn Mặc Tử nhằm tạo ra một cơn cớ thay đổi bộ mặt nghệ thuật đương đại, kịch hình thể toàn diện đến mức nào còn phải có thử thách, áp lực về thời gian với nghệ sĩ. Trong bối cảnh nghệ thuật bây giờ, không ai cản trở nghệ sĩ sáng tạo những món ăn mới, nhưng phải có con mắt “sạch” để thưởng thức những gì nghệ sĩ đương đại làm ra.
Họa sĩ Đào Anh Khánh:
Ngôn ngữ hình thể phải thể hiện rõ nét hơn
Suy nghĩ của NSND Lan Hương lấy cơ thể con người làm ngôn ngữ giống như chất liệu để xây dựng nên tác phẩm sân khấu kịch là một ý tưởng mới, mạnh bạo và rất hay ở Việt Nam, mang đến những cách nhìn mới trên sân khấu kịch. Điểm mấu chốt của nghệ thuật hình thể là yếu tố tự nhiên của cơ thể con người phải được nêu lên như một tố chất chính, không thì “nhòa” cùng tất cả các nghệ thuật khác sử dụng đến người. Ý tưởng lấy cơ thể để thực hiện thay ngôn ngữ là độc đáo, sử dụng hình thể tạo nên kịch tính, giải quyết được các vấn đề xã hội trên sân khấu là rất thú vị. Nhưng theo tôi, kịch hình thể phải sử dụng đúng ngôn ngữ cơ thể, có thể sử dụng kịch câm và các loại hình nghệ thuật khác, song, phải nói bằng ngôn ngữ cơ thể, và có thể có đối thoại hay không cũng được. Tuy nhiên, ngôn ngữ đó phải được thể hiện đúng đắn hơn, rõ nét hơn. Tất cả nghệ thuật hiện đại có thể giao thoa rộng rãi, người nghệ sĩ có thể kết hợp sao cho hợp lý, nhưng tôi thấy nhiều khi vẫn đưa lại cảm giác ngôn ngữ kịch câm. Quan điểm của tôi là, nếu kịch hình thể sử dụng đúng và làm một cách sáng tạo hơn nữa ngôn ngữ của cơ thể người thì chắc chắn sẽ đem lại sức hấp dẫn cho sân khấu. Suy nghĩ mạnh bạo và hay, nhưng ngôn ngữ hình thể phải là tiếng nói độc lập, người nghệ sĩ có thể sử dụng kịch câm, tuồng, chèo..., song, bản thân nó phải có tính đặc thù riêng thì mới hay.
Nguyễn Thị Vân Anh – sinh viên khoa Biên Kịch – Đại học Sân khấu Điện Ảnh:
Quá ít khán giả biết đến kịch hình thể!
Kịch hình thể là một hình thức nghệ thuật hiện đại. Sáng tạo được một tác phẩm kịch hình thể rất công phu. Tuy nhiên nhiều người còn có quan niệm sai lầm về khái niệm sex, nude trong kịch hình thể. Sex là một yếu tố nghệ thuật, nó được nhìn nhận theo nhiều khía cạnh khác nhau để cảm nhận được sự tinh tế và vẻ đẹp của nó. Ở nước ngoài, nude có nghĩa là cởi bỏ hoàn toàn, nhưng trong kịch hình thể của Việt Nam lại khác, diễn viên có ngoại hình đẹp, mặc bộ đồ bó sát người để bộc lộ rõ ngôn ngữ hình thể, vì thế có thể đã có một vài ý nghĩ sai lệch về nude trong kịch hình thể. Vở kịch “100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử” được coi là tiêu biểu của dòng kịch hình thể của Việt Nam đã gây sốc khi lần đầu tiên được ra mắt, và đã nảy sinh nhiều ý kiến khen, chê khác nhau. Nhưng theo tôi, cần phải nhìn nhận rằng, kịch hình thể đem lại một “ luồng gió mới” cho kịch hiện đại Việt nam. Nếu được phát triển đúng, nó sẽ là nhân tố “kéo” khán giả đến với sân khấu kịch nhiều hơn.
Cảnh trong vở "Đức tin"
Hồng Nga (ghi)-Theo NDĐT