Chiếc tàu "xương" của ông cháu bác Ba chở mấy chục giạ lúa về tới tận hậu đất, chỗ bờ đìa cuối con lung, bác Ba Phi bảo thằng Đậu:
- Mầy về nhà lấy đệm, thúng ra. Sẵn có bờ đìa cao ráo xúc lúa lên đây phơi luôn.
Sau đó ông cháu bác Ba Phi trải đệm trên bờ đìa, dùng thúng xúc hết lúa hột dưới mu con càng đước lên mới dắt nhau về nhà.
Sáng hôm sau, một mình bác Ba chống xuồng ra bờ đìa để trải đệm, cào lúa ra phơi. Bác xúc từng thúng lúa đổ ra cán thật đều cho hứng lấy ánh nắng. Đang làm, bác Ba nghe bụng hơi nôn, rề lại đầu đìa tìm chỗ "làm vệ sinh". Bác ngồi quay lưng về phía mé rừng, phía có một lùm ráng cao. Hai chân ngồi đạp trên hai đầu gốc cây, gió thổi lòn hiu hiu mát rượi, thật là một chỗ "đi cầu" lý tưởng, bác Ba nghe lòng khoan khoái, vuốt râu, thầm thào ngâm mấy câu thơ "tráng sĩ hề". Trong lúc hứng thú, bỗng có một mùi khen khét theo gió phất qua làm bác Ba giật mình ! Bác biết ngay là mùi gì rồi. Nghe gáy bắt đầu rờn rợn, ốc nổi rần sống lưng. Bác Ba cứ liếc chừng vào lùm ráng, nghĩ thầm: "Ông Ba Mươi lảng vảng đâu đây". Bác lắng nghe từ trong lùm rậm có tiếng động. Bác nực cười, lại nghĩ: "Chọc đến ông, ông cho mầy đi rửa tay cho biết xấu". Một tay nắm lưng quần, bác Ba cứ liếc nhìn không rời chỗ lùm ráng. Chỉ vài tích tắc, tức thì một cái bóng vằn vện tựa bức vải gấm từ phía ấy bay vèo đến, chụp phủ lên người bác Ba. Đã có chuẩn bị sẵn, bác Ba xách quần trịch ngang. Bàn tay trái con cọp chụp phải bãi phân còn nóng hổi của bác Ba. Bị dơ tay, cọp phải đưa lên trời chịu trận. Thấy thế, bác Ba cả cười, điểm tay vào cọp:
- Một lần cho bỏ tật rình rập sau lưng nghe !
Con cọp gấm vừa ức vừa xấu hổ nhăn mặt, khịt mũi gầm lên một tiếng như đe dọa sẽ còn gặp nhau, rồi tốc chạy. Cọp chạy bằng một chân trước với hai chân sau, một chân dính phân phải đưa lên trời để khỏi bị thúi. Nhưng cọp chạy về hướng xuôi gió, mùi hôi thúi cứ bay quận theo hoài. Cuối cùng cọp nhảy lững cững băng hai giò sau, cái tay còn lại đưa lên bụm mũi.
Cọp gấm chạy xa, bác Ba Phi đứng một mình suy nghĩ rồi cảm thấy sợ ngầm. Giống cọp hay thù vặt lắm ! Nhất định nó sẽ tìm cách trả thù. Nghĩ vậy, đầu óc bác Ba luôn ray rứt, suốt buổi phơi lúa bác không yên tâm. Bác moi óc tìm cách làm cho cọp tản thần một phen mà bỏ luôn cái thói thù vặt.
Qua câu chuyện truyền thuyết về Thị Cư đánh cọp ở ngã ba Tàu... làm cho bác Ba Phi thấm thía một bài học về quan điểm đối địch dứt khoát với kẻ thù. Bác lại nhớ về chuyện ông Tánh và con chó cò đánh cọp tại đường Thét Lãi...
Đó là một bài học thứ hai cho bác Ba Phi về cách đánh cọp, phải biết hợp đồng và đoàn kết, sống chết không bỏ nhau. Bác Ba lại nhớ thêm một chuyện ông Phò ở Cái Bác... và đây là một bài học thứ ba mà bác Ba Phi kết luận là "đánh rắn thì phải đánh cho giập đầu, đánh cọp thì phải đánh cho biết mặt". Qua một loạt rút kinh nghiệm qua chuyện đời xưa, bác Ba cảm thấy yên tâm. Ông cha làm được thì mình làm được. Đã lỡ gây sự với cọp thì phải quyết một trận ăn thua cho tới nơi tới chốn, đừng để chúng dễ ngươi mà xấu hổ lương tâm với những người tiền bối.
Đêm ấy bác Ba nằm trằn trọc đến canh ba vẫn chưa ngủ được. Bác cứ nghiên cứu mãi xem có cách nào đánh con cọp gấm này một trận cho nhớ tới già. Con tắc kè trên đầu xông nhà cứ kêu từng hồi như ngầm hỏi thăm bác tính ra mưu chước gì chưa. Nhưng đến khoảng cuối canh ba, bác Ba vụt bật dậy vỗ đùi đánh đét và à lên một tiếng lớn. Ngủ mùng gần bên, thằng Đậu giật mình choàng dậy, hỏi dồn:
- Quạ bắt gà, gắp khô ban đêm, hả ông nội ?
- Quạ diều gì đâu, ông nội ngáp mà. Dậy nhóm cho ông nội bếp lửa, mau đi.
Thằng Đậu say ke sật sừ, đi làm nhưng nó cứ mắt nhắm mắt mở, cằn nhằn:
- Nửa đêm lại vỗ tay la "quạ" rồi cười. Có thèm trà thì kêu dậy nấu cho mà uống, la lối giật mình...
Thằng Đậu múc ấm nước định bắc lên bếp lửa, nhưng dừng lại hỏi:
- Nước trong bình thủy nguội hết rồi sao, nội ?
Bác Ba thấy thằng cháu định bắc ấm nước lên bếp, vội cản:
- Nước uống còn thiếu gì. Để bếp lửa đó cho ông.
Bác Ba lại đầu bếp bê cái nồi dầu chai lớn, è ạch bắc lên bếp lửa. Bác chụm lửa cho nồi dầu chai sôi ành ạch, phì bọt xì khói xanh, rồi với lên gác lấy cây giàn xay lúa xuống. Thằng Đậu lạ lùng khi thấy ông nội dùng cây nằm vít dầu chai phệt vào cán giàn xay, nó vọt miệng hỏi:
- Ông nội chơi vậy, rồi làm sao ngày mai mình nắm tay vào cán giàn xay mà xay lúa ?
- Ấy, mình không xay được thì có kẻ khác xay thế.
Chỉ nói vậy, bác Ba lại làm thinh, thằng Đậu càng ức, hỏi tiếp:
- Ai xay cũng vậy, càn giàn xay tô đầy dầu chai, nắm vào đó có nước mà điên, tay mắc cứng, xay luôn tới chiều không buông ra được.
Bác Ba vẫn giữ bí mật:
- Bởi vậy ông phải bắt kẻ khổ sai xay lúa bằng cây giàn xay cán có tô dầu chai.
Và bức màn bí mật ấy bác Ba Phi cứ giữ kín với thằng Đậu cho đến lúc trời sáng. Khi hai người dọn nia, nong, thúng, sàng, đệm, cối xay xuống xuồng, bác Ba Phi cũng cứ giữ bí mật. Bác bắt thằng Đậu khiêng chiếc giàn xay kỳ quặc kia để nằm ngang trên xuồng và kê kỹ đừng để cho dầu chai dính vào các thứ khác. Thằng Đậu dùng dằng thắc mắc. Đến vậy mà bác Ba vẫn giữ kín miệng như bưng.
Ra đến bờ đìa, ông cháu bác Ba trải đệm, đốn cây xốc nạng, khiêng cối xay lên, cột dây treo giàn và xúc lúa đổ vào cối, bắt đầu xay. Bây giờ bác Ba mới dặn thằng Đậu một câu rất tối nghĩa:
- Dù có gặp trường hợp nào, tỉ như sập trời mầy cũng phải đứng xúc lúa đổ vô cối, đừng bỏ chạy nghe Đậu !
Nói xong, bác Ba đứng vào chỗ xay lúa. Bác dùng hai lá môn bao cán giàn xay cho dầu chai khỏi dính tay rồi bắt đầu quay cối rào rào. Thằng Đậu xúc thúng lúa đứng hờm mé, thấy cối giựt lúa xuống thì châm thêm. Xay được mấy cối, hai ông cháu bỗng nghe có tiếng động sột soạt trong lùm ráng sau lưng. Thằng Đậu chưa biết gì cứ đứng ngớ người ra nhìn ông nội bằng cặp mắt lo lắng. Bác Ba nhìn cháu nội, cười để trấn an nó. Lúc ấy bác Ba càng đẩy giàn xay cho cối quay nhanh thêm. Chiếc cối quay, mắt bác Ba cứ liếc chừng vào lùm ráng sau lưng. Trong lúc chiếc giàn xay đẩy tới thụt lui thắng khói trong tay bác Ba thì từ trong lùm ráng dội lên một tiếng "à uôm" vang dậy. Một thân con cọp vằn vện bay vèo đến, chụp phủ lên người bác Ba Phi. Đã chuẩn bị đón tiếp đối phương suốt đêm, bác Ba không một phút chậm trễ, tràn người ngang thụp xuống ngồi dưới dạ cán chiếc giàn xay. Con cọp gấm hung hăng chụp hụt bác Ba, hai tay vớ phải cán giàn xay, không tài nào gỡ ra nổi. Cọp gấm tức tối lồng lộn, gầm rú om sòm. Bác Ba luồn lại sau lưng cọp, bung cho nó một đá vào đít. Trớn tay cối quay vòng kéo chiếc giàn xay chồm tới, thụt lui, con cọp bị lôi theo chồm tới, ghị lui. Kế tiếp bị một đá của bác Ba làm thốn đít, cọp càng chồm tới, ghị lui dữ tợn hơn. Thế là theo đà quay của cối lôi con cọp cứ chồm tới - ghị lui, chồm tới - ghị lui... Hai tay cọp dính cứng dầu chai ở cán giàn xay không tài nào gỡ ra được.
Bác Ba Phi chuyển giao công việc xay lúa cho cọp gấm xong, nhìn lại thấy thằng Đậu đứng chết trân, hồn vía nó đã bay lên mây từ hồi nào, cứ bưng thúng lúa đổ vãi nửa trong nửa ngoài. Bác Ba tươi cười bước đến vỗ vai Đậu động viên:
- Bình tĩnh lại, có ông nội đây !
Bây giờ thằng Đậu mới tỉnh hồn, gượng cười, trao thúng lại cho ông nội. Từ đó ông cháu bác Ba cứ thay phiên nhau xúc lúa đổ vô cối cho cọp xay.
Con cọp gấm xay lúa một hồi thấm mệt, đẩy kéo vòng quay hơi chậm lại. Thấy vậy bác Ba bảo thằng Đậu:
- Châm nhiên liệu thêm cho cái máy xay xát của mình, Đậu !
Thằng Đậu đi bắt một con ong vò vẽ đem lại cho nó chích vào trứng dái con cọp gấm. Con cọp bị ong đốt, lồng lên, chồm tới -giật lui nhanh hơn trước. Cứ như thế, khi thấy cọp hơi uể oải, thằng Đậu cho ong vò vẽ đốt vào dái nó một cái, và cười om lên:
- Tao châm thêm nhiên liệu nè !
Bác Ba Phi đương xúc lúa đổ vào cối cho con cọp xay đến hết hai chục giạ, nhưng nó vẫn còn hăng, cứ đứng quay vù vù cái cối không thôi.
Thấy bắt cọp làm khổ sai bao nhiêu đó cũng đủ rồi, bác Ba nắm mỏ giàn xay dở lên, đẩy lách sang một bên. Con cọp bị lỡ đà, đẩy chiếc giàn xay phóng tuốt xuống lung. Nhờ thấm nước, tay con cọp được tróc mớ dầu chai dính ở cán giàn xay. Cọp lội lõm bõm qua bên kia lung, vừa đi vào rừng vừa thở hổn hển.
Bác Ba Phi cùng thằng Đậu vỗ tay cười, kêu với theo:
- Một lần cho tởn tới già, bỏ thói thù vặt với ông cháu Ba Phi nghe chưa!