Nguyễn Minh Quân chuyển ngữ
(Từ bài "The Postmodern Condition: A Report on Knowledge" của Jean-Francois Lyotard)
1. Lãnh Vực Nghiên Cứu: Tri Thức Trong Các Xã Hội Điện Toán Hoá
Giả thuyết tạm dụng cho lý luận của chúng ta là hiện trạng của tri thức bị thay đổi khi các xã hội bước vào thời kỳ gọi là hậu kỹ nghệ và các nền văn hoá bước vào thời kỳ gọi là hậu hiện đại. Quá trình chuyển tiếp này ít nhất cũng đã bắt đầu từ những năm cuối thập niên 1950, thời điểm Âu châu hoàn tất công cuộc tái thiết. Nhịp độ thay đổi nhanh hoặc chậm tuỳ thuộc vào từng quốc gia, và trong mỗi quốc gia cũng có sự khác nhau tuỳ theo từng lãnh vực hoạt động: hoàn cảnh chung là những sự tách biệt (ở các lãnh vực khác nhau đó) chỉ có tính cách tạm thời, nên rất khó vạch ra một hình ảnh khái quát. Một phần nào đó của việc diễn tả (các ý tưởng trong bài viết này) sẽ cần đến tính phỏng đoán. Dẫu sao đi nữa, chúng ta cũng biết được rằng, thật chẳng khôn ngoan chút nào khi đặt quá nhiều tin tưởng vào ngành tương lai học (futurology).
Thay vì không thể nào tránh khỏi việc vẽ lên một bức tranh thiếu hoàn chỉnh, tôi sẽ khởi sự từ một tiền đề duy nhất, một tiền đề mà ngay lập tức sẽ chỉ ra đối tượng nghiên cứu của chúng ta. Tri thức khoa học là một dạng thức của giải trình ngôn ngữ (discourse). Công bình mà nói, trong suốt bốn mươi năm qua những ngành khoa học và kỹ thuật hàng đầu phải hoạt động với ngôn ngữ: âm vị học và những lý thuyết về ngôn ngữ học, những vấn đề của truyền thông và điều khiển học, những lý thuyết hiện đại về đại số học và tin học, máy điện toán và những ngôn ngữ điện toán, những khó khăn về sự chuyển dịch và sự tìm kiếm những lãnh vực tương hợp giữa các ngôn ngữ điện toán, những vấn đề về việc dự trữ thông tin và các trung tâm lưu trữ dữ kiện, viễn thông và sự hoàn thiện các điểm tiếp nhận tin tức, cho đến nghịch thuyết học (paradoxology). Thực tế sẽ tự chúng nói lên nhiều hơn (và danh sách không dừng lại ở những điều đã viện dẫn).
Người ta cho rằng những sự chuyển đổi khoa học kỹ thuật này sẽ có những tác động đáng kể đến tri thức. Hai chức năng chính yếu của nó – sự nghiên cứu và sự truyền dẫn những kiến thức thu nhận được – đang tiếp thụ những hiệu ứng [của các sự chuyển đổi đó] hoặc sẽ có trong tương lai. Tương ứng với chức năng thứ nhất, di truyền học có thể cung ứng một ví dụ mà một người ngoài chuyên môn có thể hiểu được: những hệ lý thuyết then chốt của nó nhờ vào điều khiển học. Còn nhiều thí dụ khác có thể được chỉ ra. Đối với chức năng thứ hai, ai cũng biết rằng sự thu nhỏ và thương mại hoá máy móc đang làm thay đổi cách kiến thức được tiếp nhận, phân loại, sắp sẵn, và tận dụng. Có thể có lý để giả định rằng sự phổ biến của các máy móc truyền dẫn thông tin đang và sẽ có những hiệu ứng trong việc lưu hành kiến thức giống như những tiến bộ trong quá khứ về sự lưu thông của nhân loại (các hệ thống vận tải), và sau này, trong sự lưu hành những âm thanh và hình ảnh (truyền thông).
Bản chất của tri thức không thể nào tồn tại bất biến trong một khung cảnh biến đổi toàn thể như thế. Nó có thể gắn kết vào những hệ thống mới, và trở nên hoạt tác, chỉ khi kiến thức được chuyển dịch thành những dung lượng thông tin. “Chúng ta có thể dự đoán rằng bất cứ một hình thái cấu trúc nào của tri thức mà không chuyển dịch được theo cách này sẽ bị loại bỏ, và hướng nghiên cứu mới sẽ được điều khiển bởi khả năng mà những kết quả sau cùng có chuyển dịch được sang ngôn ngữ điện toán hay không. Những nguồn cung – cầu của tri thức bây giờ, và trong tương lai, sẽ phải sở hữu những phương tiện chuyển dịch sang các loại ngôn ngữ [điện toán] bất cứ thứ gì họ muốn phát minh và tiếp thụ. Nghiên cứu về các loại máy chuyển dịch đã đạt được những tiến bộ tốt đẹp.” Sự độc tôn của máy điện toán dẫn đến một hệ thống lý luận nhất định, và từ đó kéo theo những bản chỉ dẫn nhất định để xác định loại phát ngôn nào được chấp nhận như những phát ngôn của "tri thức".
Vì vậy có lẽ chúng ta đang mong đợi một sự ngoại hiện thông suốt của kiến thức tương ứng với một “kẻ hiểu biết”, ở bất cứ một điểm gì anh/chị ta có thể thủ đắc trong tiến trình tri thức. Nguyên tắc cổ điển, ở đó sự thu đạt tri thức, không thể tách rời với sự rèn luyện những tư tưởng, hoặc ngay cả những cá nhân (trí thức), đang trở nên hủ lậu và sẽ càng cổ lỗ hơn. Những quan hệ cung – cầu của tri thức đối với tri thức được cung cấp hoặc sử dụng ngày nay đang có khuynh hướng, và sẽ tiếp tục gia tăng khuynh hướng, chiếm lấy một dạng thức đã từng thể hiện bởi quan hệ cung – cầu trong hàng hoá đối với những loại hàng hoá sản xuất và tiêu thụ – nghĩa là hình thức giá trị. Tri thức đang và sẽ được sản xuất để rao bán, nó đang và sẽ được tiêu thụ để được định giá trong một nền sản xuất mới: trong cả hai trường hợp (tri thức và hàng hoá), mục đích là trao đổi.
Tri thức tự thân không còn là một sản phẩm sau cùng, bản thân nó mất đi “giá trị sử dụng” [để chỉ giữ lại giá trị trao đổi].
Người ta chấp nhận một cách rộng rãi rằng tri thức đã trở thành lực lượng sản xuất chính yếu trong vài thập niên vừa qua, điều này đã có những tác động đáng chú ý trong cấu trúc các lực lượng lao động ở các nước phát triển cao và tạo ra những đình trệ lớn lao (của việc ứng dụng tri thức vào nền sản xuất mới) cho các quốc gia đang phát triển. Trong thời hậu kỹ nghệ và hậu hiện đại, khoa học sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường tính vượt trội của nó như là nguồn cung cấp khả năng sản xuất cho quốc gia – nhà nước. Thật vậy, tình trạng này là một trong những lý do dẫn đến kết luận rằng khoảng cách giữa các quốc gia đã và đang phát triển sẽ còn gia tăng ngày một rộng hơn trong tương lai.
Nhưng khía cạnh này của vấn đề không nên để che lấp một khía cạnh khác có tính cách bổ sung cho nó. Tri thức trong dạng thức hàng hoá tin học không thể tách rời được với lực lượng sản xuất, đang và sẽ là nguồn lợi chính trong sự cạnh tranh quyền lực trên khắp thế giới. Người ta nhận thức được rằng, một ngày nào đó các quốc gia – nhà nước sẽ tranh đấu để giành quyền kiểm soát tin học, hệt như họ đã từng lâm chiến để chiếm giữ đất đai, để rồi sau đó chiếm đoạt của cải, nguyên liệu và nguồn nhân công rẻ mạt. Một trận địa mới đang được mở ra, cho bên này là những chiến lược về công nghệ và thương mãi, còn bên kia là những chiến lược về chính trị và quân sự.
Nhưng quan điểm tôi đưa ra trên đây không đơn giản như tôi đã trình bày. Vì sự thương mại hoá tri thức được gắn kết để tạo ảnh hưởng tính đặc quyền mà các quốc gia đang thụ hưởng và sẽ tiếp tục thụ hưởng, tương ứng với việc sản xuất và phân phối kiến thức. Khái niệm cho rằng tri thức rơi vào phạm vi hoạt động của nhà nước, như là não bộ và trí óc của xã hội, sẽ ngày càng trở nên lỗi thời khi những nguyên tắc đối nghịch đang gia tăng sức mạnh, một nguyên tắc mà xã hội có thể tồn tại và tiến bộ, chỉ khi những thông điệp lưu hành trong xã hội đó thật giàu có lượng thông tin và dễ dàng giải mã. Ý thức hệ của sự bạch hoá truyền thông, để có thể trao đổi trong tiến trình thương mại hoá tri thức, sẽ bắt đầu cảm nhận được rằng chính Nhà Nước đóng vai trò như một yếu tố mập mờ và “nhiễu tạp” (noise). Chính từ quan điểm này – vấn đề quan hệ giữa kinh tế và quyền lực nhà nước, đang đe doạ làm bùng lên một tình hình khẩn trương mới.
Trong vài thập niên vừa qua, những quyền lực kinh tế đã đạt đến đỉnh điểm, đẩy sự ổn định của quốc gia vào tình thế hiểm nghèo, thông qua những hình thức lưu hành tư bản mới, đi đôi với một tên gọi chung – những tổ hợp đa quốc. Những hình thức lưu hành (tư bản) mới này có hàm ý rằng những quyết định đầu tư, nếu không hoàn toàn, thì ít nhất cũng một phần nào đó, đã vượt qua sự kiểm soát của quốc gia – nhà nước. Vấn đề chắc chắn sẽ trở nên vô cùng gai góc với sự phát triển của kỹ thuật điện toán và viễn thông. Lấy thí dụ, một công ty như IBM chẳng hạn, được quyền chiếm giữ một vành đai ngoài quỹ đạo trái đất và phóng (lên đó) những vệ tinh truyền thông hoặc những trung tâm lưu trữ dữ kiện vệ tinh. Ai sẽ có quyền sử dụng chúng? Ai sẽ quyết định kênh nào hay loại dữ kiện nào sẽ bị cấm (sử dụng)? Nhà nước độc quyền chăng? Hay nhà nước cũng chỉ là một trong số nhiều người/cơ quan sử dụng khác? Những vấn đề pháp lý sẽ được đặt ra và cùng với chúng là câu hỏi: “Ai sẽ biết những hiến định sắp ban hành như thế nào?”
Sự biến đổi bản chất của tri thức, đến lượt nó, sẽ có tác động mạnh mẽ lên những quyền lực hành chính công cộng đang tồn tại, buộc các hệ thống quyền lực này phải tái thẩm định những quan hệ của chúng (một cách chính thức hoặc không chính thức) với những tổ hợp lớn và, khái quát hơn, với xã hội dân sự. Sự tái mở rộng những cạnh tranh khốc liệt về kinh tế trên thị trường thế giới, sự phá bỏ tính độc chiếm của tư bản Mỹ, sự thoái lui của xu thế xã hội, khả năng mở rộng thị trường Trung Quốc [xin chú ý bài viết này xuất hiện vào năm 1979, Trung Quốc chỉ mới bắt đầu chương trình hiện đại hoá do Deng Xao Ping chủ xướng], những vấn đề này cùng với nhiều yếu tố khác, vào cuối thập niên 1970, đang đặt Nhà nước vào những sự tái lượng định một cách nghiêm túc về vai trò mà nó đã từng thi hành kể từ những năm 1930s: đó là hướng dẫn, thậm chí cả chỉ đạo, trong những sự đầu tư. Trong chiều hướng này, những thành quả khoa học kỹ thuật mới có thể chỉ làm tăng thêm tính khẩn trương của một sự tái thẩm định như thế, vì chúng làm cho thông tin được sử dụng trong các việc hình thành một phán quyết (và theo đó là những phương tiện kiểm soát) sẽ càng trở nên linh động và có tính chất riêng tư hơn.
Chẳng có gì khó để thấy rằng lưu hành kiến thức cũng sẽ tiến hành như sự lưu hành tiền tệ, thuần tuý là thay thế giá trị tiền tệ bằng giá trị “giáo dục” và tầm quan trọng chính trị (hoặc các tầm quan trọng về ngoại giao, quân sự, quản trị) của trí thức; sự phân biệt giữa trí thức và dốt nát sẽ không còn thích ứng nữa, thực ra, cũng giống như trường hợp của tiền tệ, là sự phân biệt giữa “tri thức dùng để chi trả” và “tri thức dùng để đầu tư” – nói một cách khác, là sự phân biệt giữa những đơn vị tri thức dùng để trao đổi hàng ngày nhằm bảo trì một cơ/thể chế (như việc tái cấu trúc lực lượng lao động để sống còn) đối lại với những nguồn vốn tri thức tập trung vào việc tối ưu hoá sự thực hành một đề án.
Nếu sự lưu hành kiến thức xảy ra đúng như vậy, sự bạch hoá truyền thông sẽ tương tự như sự giải phóng. Sự giải phóng không loại trừ những tổ chức lưu hành tiền tệ, trong đó một số nguồn vốn được sử dụng để tạo vai trò quyết định, trong khi một số khác chỉ đáng giá để chi trả những món nợ. Người ta có thể tưởng tượng những dòng lưu chuyển tri thức y hệt như những dòng lưu chuyển tiền tệ với cùng một bản chất, một số nguồn vốn tri thức dùng để tạo vai trò quyết định, trong khi một số khác sẽ được dùng để trả lại những món nợ không ngừng tạo ra của một cá nhân gắn kết vào xã hội.
2. Vấn Đề: Sự Hợp Pháp Hoá
Sự hợp pháp hoá là giả thuyết tạm dụng nhằm làm sáng tỏ một lãnh vực, trong đó tôi có ý định đặt ra nghi vấn về trạng thái của tri thức. Cảnh quan này, gần gũi với cảnh quan gắn liền bởi tên gọi “sự điện toán hoá của xã hội” (mặc dầu giả thuyết tạm dụng của chúng ta được phát triển theo một tinh thần hoàn toàn khác biệt), không tuyên xưng cội nguồn, hay ngay cả sự thật. Giả thuyết tạm dụng đòi hỏi phải có khả năng phân biệt rõ ràng. Toàn cảnh của sự điện toán hoá ở những xã hội phát triển cao nhất cho phép chúng ta soi rọi (mặc dầu có nguy cơ phóng đại quá lố) những khía cạnh nhất định của sự chuyển đổi tri thức và hiệu ứng của nó lên quyền lực hành chính công cộng và các thể chế dân sự – những hiệu ứng khó mà cảm nhận được từ những quan điểm khác. Vì vậy, những giả thuyết của chúng ta đưa ra không nên tuỳ thuộc vào giá trị dự đoán tương quan với hiện thực, mà nên tuỳ thuộc vào giá trị chiến lược tương ứng với nghi vấn nêu lên. Tuy nhiên, nó vẫn có độ khả tín cao, và trong ý nghĩa đó, sự chọn lựa của chúng ta về giả thuyết này không mang màu sắc tự ý. Điều này (giả thuyết xã hội điện toán hoá) đã được các học giả chuyên môn mô tả hết sức rộng rãi và đang hướng dẫn các cơ quan công quyền cũng như các công ty tư nhân đưa ra các quyết định then chốt mà họ trực tiếp quan tâm nhiều nhất, chẳng hạn như các vấn đề quản trị kỹ nghệ truyền thông. Thế nên, ở một phạm vi nào đó, giả thuyết tạm dụng chúng ta đưa ra, đã là một phần của thực tế có thể quan sát được. Sau hết, ngoại trừ một sự trì chậm hoặc một sự suy thoái kinh tế rộng lớn (ví dụ như thất bại liên tục trong sự giải quyết các vấn đề khan hiếm năng lượng thế giới), cảnh quan này có một cơ hội tốt đẹp để thăng tiến: thật khó mà thấy được một hướng đi nào khác để khoa học kỹ thuật đương đại có thể thay thế được cho sự điện toán hoá xã hội.
Cũng có nhiều người cho rằng giả thuyết chúng ta đưa ra là tầm thường. Nhưhg nó chỉ tầm thường trong một giới hạn: một khi nó thất bại trong việc thách thức khuôn mẫu tổng quát về tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, một khuôn mẫu, đối với nó sự phát triển kinh tế và sự nới rộng quyền lực chính trị xã hội dường như là những bổ thể tự nhiên. Những tri thức khoa học và kỹ thuật tích luỹ này, đã chưa bao giờ bị đặt thành nghi vấn. Quá lắm thì người ta tranh luận với nhau về dạng thức tích luỹ, tỉ như một số người vẽ lên một quá trình tích luỹ tri thức có tính cách đều đặn, liên tục và đồng nhất, trong khi một số khác xem sự tích luỹ tri thức có tính cách chu kỳ, không liên tục và đối kháng.
Nhưng những điều “rất thật” này lại mang tính gian dối. Trước hết, tri thức khoa học không đại diện cho tính toàn thể của tri thức; nó luôn luôn tồn tại để bổ sung, để cạnh tranh và ngay cả mâu thuẫn với, những ‘hình thái tri thức khác’, và để đơn giản một chút, tôi gọi ‘các hình thái tri thức khác’ là tự sự (narative) (những đặc tính của nó sẽ được mô tả ở phần sau). Tôi không có hàm ý cho rằng tri thức tự sự có thể vượt trội hơn khoa học, nhưng khuôn mẫu của nó liên hệ đến những ý tưởng của sự cân bằng và hoà hợp nội tại, mà bên cạnh nó tri thức khoa học đứng tách ra như một hình ảnh nghèo nàn, nhất là khi nó phải trải qua một sự ngoại hiện tương ứng với “kẻ hiểu biết”, và sự chán ghét từ những kẻ sử dụng còn lớn hơn cả trường hợp tri thức khoa học được xét đến một cách riêng lẻ. Sự băng hoại đạo đức của các nhà nghiên cứu và các nhà giáo đã quá đà và không thể bỏ qua được; ai cũng biết rằng trong thời gian của thập niên 1960s, trong hầu hết các xã hội phát triển cao nhất, trong số những người đang chuẩn bị trở thành các nhà khoa học chuyên nghiệp, sinh viên khoa học, sự suy đồi đạo đức đã đạt đến giới hạn bùng nổ, đã có một sự suy giảm đáng kể trong năng suất ở các phòng thực nghiệm, và các trường đại học không thể tránh khỏi những tiêm nhiễm của nó. Lo sợ hay hy vọng, hiện trạng này sẽ dẫn đến một cuộc cách mạng (thông thường là như vậy) là điều không còn nghi vấn: nhưng nó sẽ không thay đổi nhanh chóng trật tự các thực thể của xã hội hậu kỹ nghệ. Nhưng sự nghi ngờ này, nhắm đến một số nhà khoa học, cần phải được tính đến như một tác nhân chính yếu trong sự lượng định trạng thái của tri thức khoa học cho bây giờ và cho tương lai.
Điểm thứ hai, sự suy đồi đạo đức cần cân nhắc hơn cả vì đạo đức băng hoại của các nhà khoa học tác động lên vấn đề trung tâm của sự hợp pháp hoá. Tôi dùng chữ hợp pháp hoá ở nghĩa rộng hơn các nhà lý thuyết đương đại người Đức sử dụng, khi bàn luận đến vấn đề của thẩm quyền. Lấy bất cứ một luật dân sự nào làm ví dụ: nó tuyên bố rằng một tầng lớp công dân nào đó phải thi hành một dạng thức hành động đặc thù. Tiến trình hợp pháp hoá là một quá trình mà nhờ vào đó nhân viên lập pháp được quyền ban hành một luật lệ dân sự như một chuẩn mực. Bây giờ thử lấy một ví dụ về lời tuyên bố khoa học: nguyên tắc đặt ra là một bản tuyên bố phải thi hành đầy đủ dựa theo một hệ quy ước định sẵn để được chấp nhận có tính khoa học. Trong trường hợp này, sự hợp pháp hoá là một quá trình trong đó một “nhân viên lập pháp” có quan hệ với giải trình ngôn ngữ khoa học được quyền ban hành những điều kiện đặt ra (một cách tổng quát, đó là những điều kiện của sự hoà hợp nội tại và sự xác minh thực nghiệm) nhằm xác quyết một bản tuyên cáo có được quy vào giải trình ngôn ngữ (khoa học) để thẩm định bởi cộng đồng khoa học hay không.
Sự song hành (giữa sự hợp pháp hoá điều luật dân sự và sự tuyên cáo khoa học) có vẻ như ràng buộc với nhau. Nhưng chúng ta sẽ thấy, nó không nhất thiết như vậy. Vấn đề của tính hợp lý cho khoa học đã từng được liên kết một cách không thể tách rời với tính hợp lý của sự hợp pháp hoá cho một nhân viên lập pháp kể từ thời Plato. (Một cách khác để diễn tả rõ hơn, sự hợp lý của khoa học cũng giống như sự hợp lý của một nhân viên lập pháp làm luật vậy). Từ quan điểm này, quyền quyết định cái gì là sự thật không độc lập với quyền quyết định cái gì là đúng, cho dẫu những tuyên cáo uỷ thác cho những quyền hạn đó khác hẳn nhau về căn bản. Nói rõ hơn, có một sự liên kết song phương chặt chẽ giữa một loại ngôn ngữ gọi là Khoa Học và một loại (ngôn ngữ) gọi là đạo đức và chính trị: chúng có gốc rễ từ một khái niệm chung, cùng một sự chọn lựa nếu bạn thấy thích – sự chọn lựa ấy gọi là Văn minh Âu Tây.
Khi chúng ta kiểm tra hiện trạng của tri thức khoa học ở vào thời điểm mà khoa học dường như lệ thuộc một cách toàn diện hơn trước đây vào những quyền lực thắng thế, và cùng với những kỹ thuật mới, tri thức khoa học có nguy cơ trở thành một quyền lợi chính trong các cuộc xung đột giữa các trung tâm quyền lực – tính chất hai mặt của sự hợp pháp hoá, còn lâu mới lùi vào hậu trường, một cách cấp thiết hơn, nó phải giữ vị trí lãnh đạo. Vì khi xuất hiện ở dạng hoàn thiện nhất của nó, dạng thức nghịch đảo, sẽ cho thấy tri thức và quyền lực thuần tuý là hai mặt của cùng một vấn đề: ai có quyền quyết định tri thức là gì, và ai biết được những gì cần phải quyết định? Trong thời đại điện toán, hơn bao giờ hết, vấn đề của tri thức vào lúc này là một vấn đề của chính quyền.
3. Phương Pháp: Trò Chơi Ngôn Ngữ
Độc giả sẽ để ý rằng khi phân tích vấn đề này, trong khung lý luận đặt ra từ trước, tôi thích một thể thức nhất định: nhấn mạnh những thực tế ngôn ngữ và đặc biệt là khía cạnh thực dụng của nó. Để làm rõ những điều bàn đến sau này, sẽ rất hữu ích để tóm tắt, chỉ có tính cách ngắn gọn, từ ngữ thực tiễn ở đây có nghĩa gì.
Một cách nói biểu thị tỉ như “Trường đại học chán chết”, được trình bày trong một ngữ cảnh của một cuộc đàm thoại hay trong một cuộc phỏng vấn, đặt người gởi (người phát biểu lời tuyên bố), người thụ nhận (người nhận lời tuyên bố), và vật quy chiếu của nó (những gì bản tuyên bố đề cập đến) vào một cách thức chuyên biệt: lời phát biểu đặt (và bộc lộ) người gởi vào vị trí “kẻ hiểu biết” (hắn ta biết tình trạng của trường đại học ra sao), người thụ nhận được đặt vào vị trí tán thành hoặc chối bỏ, và vật quy chiếu tự thân được giải quyết bằng một cách thế duy nhất đối với sự biểu hiện, chẳng hạn như một điều gì đó đòi hỏi xác định và diễn tả một cách chính xác bởi lời tuyên bố quy chiếu về nó.
Nếu chúng ta thẩm định một bản công bố tỉ như “Trường đại học mở cửa”, được phát biểu bởi một liên khoa trưởng hoặc hiệu trưởng trường đại học tại hội trường, rõ ràng tính chất đặc thù phân tích ở phần trên không áp dụng được nữa. Dĩ nhiên, lời phát biểu phải được hiểu rõ, nhưng đó là điều kiện tổng quát cho một sự truyền thông và không giúp cho chúng ta phân biệt những dạng thức khác nhau của lời phát biểu hoặc những hiệu ứng chuyên biệt của chúng. Tính chất khác biệt của loại phát biểu “thi hành” thứ hai này là, hiệu ứng của nó ảnh hưởng lên vật quy chiếu, trùng hợp với sự đề xuất. Trường đại học mở cửa, vì, nó đã được thông báo mở cửa trong hoàn cảnh đã được đề cập ở trên (ông khoa trưởng hay ông hiệu trưởng đã tuyên bố với sinh viên trong hội trường). Vấn đề như vậy không cần phải bàn luận hoặc xác minh ở vai trò của người nhận, cá nhân ngay lập tức bị đặt vào một ngữ cảnh mới tạo ra bởi lời tuyên bố. Trong vai trò người gởi, hắn ta phải có đủ quyền hạn để đưa ra một tuyên cáo như thế. Thực ra, chúng ta có thể nói theo một cách khác: người gởi là khoa trưởng hay hiệu trưởng nghĩa là, hắn ta được tập trung quyền lực để tạo ra loại tuyên cáo này – miễn là chính hắn có thể trực tiếp ảnh hưởng đến cả vật quy chiếu (trường đại học) và người thụ nhận (nhân viên trường đại học) theo cách thức mà tôi đã chỉ ra ở trên.
Một trường hợp khác liên quan đến những lời tuyên bố đại loại như, “Biếu tiền cho trường đại học”; đây là những truyền lệnh. Người ta có thể đưa những truyền lệnh đó ra như những đơn đặt hàng, những nghiêm lệnh, những hướng dẫn, những đề nghị, những đòi hỏi, những lời nguyện cầu, van xin vân vân. Ở đây, người gởi rõ ràng được đặt vào vị trí có thẩm quyền, dùng ở nghĩa rộng (như thẩm quyền của một tội đồ có quyền van xin thượng đế ban ân sủng): nghĩa là, hắn ta mong đợi người thụ nhận thực thi hành động mà nó nhắm đến. Tính chất thực tiễn của sự truyền lệnh đưa đến những thay đổi đồng thời trong những vị trí của người thụ nhận và vật quy chiếu.
Ở một trật tự khác nữa là tính hiệu quả của sự tra vấn, sự hứa hẹn, sự miêu tả văn chương, một chuyện kể vân vân. Tôi đang tóm tắt. Wittgenstein, trở lại nghiên cứu ngôn ngữ từ con số không, tập trung sự chú tâm của ông vào những hiệu ứng của những hình thái giải trình ngôn ngữ khác nhau; ông ta gọi những loại phát biểu khác nhau ông đã xác định được (một số tôi đã liệt kê) trong quá trình nghiên cứu là Trò Chơi Ngôn Ngữ (language games). Hàm ý của ông trong việc sử dụng thuật ngữ này được hiểu như sau: mỗi thể loại tuyên bố khác nhau có thể được đặt định trong ý nghĩa của những luật lệ đặc trưng cho những tính chất và sự ứng dụng mà người ta có thể quy định cho chúng – giống hệt như trò chơi đánh cờ được đặt ra bằng một bộ luật quyết định tính chất cho mỗi con cờ, nói cách khác, một cách thức đi cờ đúng nguyên tắc.
Thật bổ ích để chú tâm đến ba sự quan sát sau đây về những đặc tính của Trò Chơi Ngôn Ngữ. Thứ nhất, những luật lệ của chúng không chứa đựng sự hợp pháp hoá tự trong bản chất, nhưng là đối tượng của một khế ước, rõ ràng, hoặc không rõ ràng, giữa những người tham gia trò chơi (nhưng tôi không nói rằng những người này phát minh ra luật lệ). Thứ hai, nếu không có luật chơi thì không có trò chơi; một sự biến đổi ở mức vi phân của chỉ một luật chơi sẽ làm thay đổi bản chất của cuộc chơi; một nước đi (trong cờ tướng) hay một lời phát biểu trong trò chơi ngôn ngữ không thoả mãn được những luật định sẽ không còn nằm trong cuộc chơi đặt ra. Thứ ba, như vừa nói trong điều hai, mọi lời phát biểu nên được xem như là một nước đi (trong môn cờ tướng) của cuộc chơi.
Trong biểu hiện cuối cùng của ba sự quan sát vừa trình bày ở trên, đưa đến nguyên tắc đầu tiên làm cơ sở thống nhất cho toàn thể phương pháp luận của chúng ta: phát ngôn là tranh đấu, trong nghĩa của một cuộc chơi, và, những hành động diễn ngôn nằm trong phạm vi của một cuộc luận chiến tổng quát. Điều này không nhất thiết chơi là phải thắng. Một sự chuyển động (của con cờ hay một giải trình ngôn ngữ) có thể được tạo ra để gây nên một lực căng có tính chất sáng tạo: thế thì, hoạt động nhiễu loạn ngôn ngữ tạo ra bởi diễn ngôn đại chúng hay bởi văn học, có liên hệ đến cái gì khác nữa không? Có, những nguồn sáng tạo vô tận trong việc xoay chuyển của một nhóm chữ, của những từ và nghĩa, một tiến trình đổi mới đằng sau sự tiến hoá ngôn ngữ ở tầm mức của ngôn, tất cả điều đó sẽ đem đến một sự hứng thú tuyệt vời. Nhưng ngay cả niềm hạnh phúc lớn lao đó, không có gì nghi ngờ, là phải tuỳ thuộc vào một cảm giác của sự thành công, mang lại từ việc đánh đổi một đối thủ – chí ít cũng là một đối thủ nguy hiểm: ngôn ngữ đã được chấp nhận, hay sự hàm ý của từ ngữ.
Ý tưởng luận chiến ngôn ngữ không nên làm cho chúng ta bỏ sót nguyên tắc thứ hai có tính chất bổ sung đến nguyên tắc thứ nhất [ngôn ngữ luận chiến] và điều khiển sự phân tích của chúng ta: những liên kết xã hội quan sát được cấu tạo bởi “những chuyển động ngôn ngữ”. Làm sáng tỏ giả định này sẽ đem trọng tâm vấn đề đến trong tầm tay chúng ta.
4. Bản Chất Của Liên Kết Xã Hội: Quan Điểm Hiện Đại
Nếu chúng ta mong muốn bàn luận về tri thức trong một xã hội đương đại phát triển cao nhất, chúng ta phải trả lời cho một vấn đề tiên khởi: phương pháp luận nào đại diện để áp dụng cho xã hội đó. Đơn giản hoá đến mức tối đa, công bình mà nói, trên nguyên tắc đã có hai khuôn mẫu căn bản đại diện cho xã hội (hiện đại), ít nhất là trong một nữa thế kỷ vừa qua: xã hội hoặc hình thành một thể chức năng thống nhất, hoặc được chia thành hai cực. Minh hoạ cho khuôn mẫu thứ nhất đã được đề xướng bởi Talcott Parsons (ít nhất là Parsons thời hậu chiến) cùng trường phái của ông, đại diện cho khuôn mẫu phân cực thứ hai là những xã hội Marxist (tất cả những trường phái liên hệ, dù những trường phái đó có khác nhau nhưng tựu trung đều chấp nhận nguyên lý đấu tranh giai cấp và phép biện chứng được sử dụng như một tương tác vận hành xã hội).
Sự phân chia phương pháp luận như vừa trình bày ở trên, tạo ra hai loại giải trình ngôn ngữ chính trong xã hội [hiện đại] và được vận dụng kể từ thế kỷ thứ 19. Ý tưởng cho rằng xã hội là một thể hữu cơ thống nhất mà nếu không hiện diện một thể chức năng thống nhất như thế sẽ không còn cấu trúc xã hội, (xã hội cũng không còn là đối tượng để nghiên cứu), đã chi phối những sáng lập viên của trường phái [xã hội] Pháp. Chi tiết bổ sung cho trường phái này được cung cấp từ thuyết chức năng; đến thập niên 1950s nó biến đổi thêm một lần nữa bằng đưa vào khái niệm của Parsons, theo đó xã hội là một hệ thống tự vận hành. Khuôn mẫu lý thuyết và thực tiễn của xã hội không còn được xem như một thể hữu cơ thống nhất nữa; thay vào đó sự gắn kết xã hội được tạo ra bởi điều khiển học, một lý thuyết được ứng dụng rộng rãi trong thời kỳ đệ nhị thế chiến và sau khi chiến tranh kết thúc.
Dựa theo công trình của Parsons, tôi có thể nói như thế này, nguyên lý đằng sau hệ thống lý thuyết của ông vẫn là tính lạc quan: nó tương ứng với một nền kinh tế phát triển và một xã hội thịnh vượng dưới sự bảo kê của một tình trạng phúc lợi điều hoà. Còn theo công trình của các nhà lý thuyết đương đại tại Đức quốc, hệ lý thuyết (systemtheorie) là thư lại, thậm chí là yếm thế, và không hề nhắc đến sự thất vọng: sự hoà hợp giữa các nhu cầu, những hy vọng của những cá nhân hoặc của các nhóm người và những chức năng bảo đảm bởi hệ thống, bây giờ chỉ còn là thành phần thứ yếu trong chức năng của nó. Mục đích thực sự của hệ thống, lý do một hệ thống lập trình cho nó như một máy điện toán, là sự tối ưu hoá quan hệ toàn cầu giữa thu nhập và chi phó, nói một cách khác, là khả năng thực hiện. Ngay cả khi những luật lệ của nó đang xảy ra một quá trình thay đổi và cải tiến, ngay cả khi hệ thống đó bị tê liệt (như bị đình công, khủng hoảng, thất nghiệp, hoặc, cách mạng chính trị) vẫn cố tạo ra niềm hy vọng và dẫn đến sự tin tưởng vào một chọn lựa khác, nhưng cho dẫu có những khuynh hướng như thế đi chăng nữa, những gì thực sự xảy ra cũng chỉ là một sự điều chỉnh nội tại, và kết quả của nó chẳng có gì khác hơn là làm tăng thêm tính chất sống còn của chính cái hệ thống cũ kỹ đã được xây dựng. Cách chọn lựa duy nhất để một hệ thống như thế cải thiện được sự vận hành của nó là sự vận động ngẫu nhiên của các thành tố trong xã hội (entropy) hoặc sẽ suy tàn.
Trong khi tránh những sự đơn giản hoá gắn liền với môn xã hội học của lý thuyết xã hội, khó mà phủ nhận được ít nhất một sự song hành giữa hình ảnh xã hội thư lại cứng nhắc và sự cố gắng tiết chế đòi hỏi bởi những xã hội phát triển cao nhất để làm cho chúng có tính cạnh tranh – và vì thế tối ưu hoá “tính chất phi lý” của chúng – trong bối cảnh phục vụ cuộc chiến tranh kinh tế thế giới vào thập niên 1960.
Ngay cả khi tạo ra một sự thay đổi lớn lao xen vào giữa tư tưởng của Comte và của Luhman, chúng ta vẫn có thể nhận thức rõ một khái niệm chung về xã hội: xã hội là một tổng thể thống nhất, “một quần hợp”. Parsons trình bày điều này một cách rõ ràng: “Điều kiện căn bản nhất cho một sự phân tích thành công và năng động là, sự đối chiếu mọi vấn đề một cách liên tục và có hệ thống, vào trạng thái tổng thể của một hệ thống… Một tiến trình hoặc một hệ quy ước hoặc đóng góp vào sự bảo trì (hoặc sự phát triển) của hệ thống hoặc nó sẽ mất chức năng, qua đó làm giảm giá trị sự thống nhất, hiệu quả, vân vân, của hệ thống.” Giới thư lại cũng chia sẻ quan điểm này của Parsons. Nguồn gốc tín nhiệm: có những phương tiện để trở thành hiện thực, và đó là tất cả những tín chỉ nó cần đến. Đây là điều mà Horkheimer đặt cho nhãn hiệu: “chứng hoang tưởng” của lý lẽ.
Nhưng sự tự điều hoà của hệ thống này, và vòng tròn hoàn toàn khép kín của các sự thật và những sự diễn dịch của chúng, chỉ được phán xử là hoang tưỏng khi, một cá nhân sở hữu, hoặc là tuyên bố sở hữu, ở sự chuẩn bị của cá nhân đó, một quan điểm về nguyên tắc không bị lây nhiễm bởi lý thuyết trên. Đó là chức năng của nguyên lý đấu tranh giai cấp trong lý thuyết xã hội dựa theo công trình của Marx.
Lý thuyết “truyền thống” luôn luôn có nguy cơ bị gắn kết vào chương trình hoá của tổng thể xã hội như là một công cụ đơn giản để tối ưu hoá sự thực hành; sở dĩ như vậy là vì mong ước có được một tính thống nhất và toàn thể hoá sự thật tạo cho lý thuyết “truyền thống” đó trở thành công cụï thực hành thống nhất và toàn thể cho mọi cơ chế quản lý của hệ thống.
Lý thuyết “phê bình”, đặt căn bản trên nguyên tắc thuyết nhị nguyên cùng với tính cẩn trọng trong những sự tổng hợp và hoà giải, nên tránh lối suy diễn đó. Những hướng dẫn của thuyết Marxist là một khuôn mẫu khác biệt của xã hội, và một khái niệm khác biệt về chức năng của tri thức, một tri thức có thể được sản sinh và tiếp nhận từ xã hội. Khuôn mẫu này nảy sinh bởi những cuộc đấu tranh xảy ra đồng thời với tiến trình xâm lấn của chủ nghĩa tư bản vào những xã hội dân sự truyền thống. Không có đủ chỗ ở đây để bàn luận về những thịnh suy của các cuộc đấu tranh trong lịch sử xã hội, chính trị, và ý thức hệ kéo dài đến một thế kỷ. Chúng ta đành phải bằng lòng với một sự sơ lược qua đó giúp tổng kết những hệ luỵ của lý thuyết mà hôm nay chúng ta đã biết được: trong những quốc gia có sự quản lý cấp tiến hoặc tự do bậc cao, những sự đấu tranh cùng với những công cụ của nó được biến đổi thành những yếu tố điều hoà hệ thống; trong các quốc gia cộng sản, khuôn mẫu toàn thể và hiệu ứng toàn trị của nó đã quay về với chính chủ thuyết Marx, và vấn đề đấu tranh đơn giản là cướp đoạt quyền được tồn tại của đối tượng. Khắp mọi nơi, Sự Phê Bình của kinh tế chính trị và những vấn đề liên hệ, sự phê bình của xã hội đã được chuyển nhượng, được sử dụng bằng cách này hoặc cách khác để chương trình hoá hệ thống.
Dĩ nhiên, một thiểu số nhất định, như trường phái phê bình Frankfurt hoặc nhóm Socialisme ou barbarie, đã bảo tồn và làm cho tinh tế hơn khuôn mẫu phê bình theo hướng đối nghịch với quá trình này. Nhưng nền tảng xã hội của nguyên lý phân chia (giai cấp) hoặc đấu tranh giai cấp, đã bị làm mờ nhạt đến mức mất hẳn tính chất cực đoan của nó; chúng ta không thể che đậy được một sự thực, khuôn mẫu phê bình cuối cùng đã đánh mất chân đứng lý thuyết và thoái lui thành một hiện trạng “không tưởng” hoặc “hy vọng”, một biểu hiện đối kháng đưa ra nhân danh con người hoặc sự hợp lý hoặc sự sáng tạo, hoặc một hình thái xã hội nào đó như thế giới thứ ba hoặc sinh viên – giới bị cho là thành phần cực đoan, và kể từ đó chức năng phê bình của chủ thể không còn khả năng xảy ra.
Mục đích duy nhất của sự gợi ý sơ lược này là nhắm vào một nghi vấn, dựa vào đó tôi cố ý đóng khung vấn đề tri thức ở những xã hội công nghệ tiên tiến. Vì sẽ không thể nào biết được trạng thái tri thức là gì – nói một khác, những vấn đề phát triển và phân phối tri thức đang đặt ra hôm nay – nếu không biết gì về xã hội trong đó tri thức tồn tại. Và ngày nay, hơn bao giờ hết, hiểu biết về xã hội đó bao gồm trước tiên một sự chọn lựa cách tiếp cận nào để điều tra vấn sẽ đạt đến, và đó là sự chọn lựa để làm thế nào xã hội có thể trả lời. Người ta có thể quyết định rằng vai trò chính yếu của tri thức như một yếu tố không thể tách rời với chức năng của xã hội, và hành xử tương ứng với một quyết định như thế, chỉ khi người ta đã xác quyết rằng xã hội là một guồng máy khổng lồ.
Ngược lại, người ta có thể chỉ chú ý đến chức năng phê bình của tri thức, và tập trung sự phát triển và phân phối của nó theo hướng này, chỉ sau khi đã được minh định rằng xã hội không hình thành một tổng thể thống nhất, nhưng tồn tại gắn kết bởi nguyên lý của những đối kháng. Cách thức này có vẻ rõ ràng: đó là sự chọn lựa giữa sự đồng nhất và tính nhị nguyên nội tại của xã hội, giữa tri thức chức năng và tri thức phê bình. Nhưng sự xác quyết này vẫn có vẻ khó khăn hoặc là tự ý.
Thử tránh mọi sự xác quyết bằng cách phân biệt hai loại tri thức. Một, loại (tri thức) thực chứng, có thể áp dụng trực tiếp vào những kỹ thuật liên quan đến con người và vật chất, và sẽ làm cho nó hoạt tác như một lực lượng lao động không thể thiếu trong hệ thống. Loại (tri thức) khác, tri thức phê bình, phản thân, hoặc loại tri thức diễn dịch bằng cách phản ánh trực tiếp hay gián tiếp lên giá trị hoặc của bố thí, sẽ chống lại bất cứ một sự phản hồi nào (nghĩa là dùng tri thức để phê bình hay định đoạt giá trị một đối tượng, nhưng đối tượng sẽ không có quyền phê bình tri thức).
5. Bản Chất Của Liên Kết Xã Hội: Quan Điểm Hậu Hiện Đại
Tôi thấy lối giải thích vấn đề theo kiểu phân chia từng phần (theo quan điểm hiện đại) không thể nào chấp nhận được. Tôi cho rằng chọn phương pháp giải thích vấn đề (liên kết xã hội) theo mô thức hiện đại, nhưng cũng chỉ mô phỏng, không còn thích hợp với những xã hội tạo cho chúng ta phải để tâm, và tôi cũng cho rằng chính lối giải thích vấn đề này vẫn còn bị vướng vào những ý nghĩ trái ngược vượt ra khỏi những khuôn mẫu sinh động nhất của tri thức hậu hiện đại. Như tôi đã đề cập, sự tái phối trí kinh tế của chủ nghĩa tư bản vào giai đoạn đương thời, hỗ trợ bởi một chuyển biến trong kỹ năng và kỹ thuật, xảy ra một cách đồng thời với sự thay đổi trong chức năng của nhà nước: hình ảnh xã hội mà hội chứng này đề ra cần đến một sự tái xét nghiêm túc những phương pháp thẩm định. Một cách vắn tắt, có đầy đủ chứng cứ để nói rằng những chức năng điều hoà (xã hội), kéo theo chức năng tái sản xuất, đang và sẽ được rút khỏi hệ thống quản trị và dựa hẳn vào máy móc. Người ta đang gia tăng đặt ra một vấn đề then chốt là ai sẽ có quyền kiểm tra những thông tin các máy móc phải có trong kho lưu trữ để bảo đảm rằng những quyết định đưa ra là đúng đắn. Tiếp cận với dữ kiện, đang và sẽ tiếp tục là, đặc quyền của các nhà chuyên môn thuộc mọi lãnh vực. Giai cấp lãnh đạo đang và sẽ tiếp tục là tầng lớp tạo ra những quyết định. Cho dẫu ngày nay giai cấp lãnh đạo không còn được hình thành bởi một tầng lớp chính trị truyền thống, những vẫn bao gồm một lớp nguời của các nhà lãnh đạo tổ hợp, những chuyên viên quản trị cao cấp, và lãnh tụ của những tổ chức chuyên nghiệp lớn như: tổ chức chính trị, công đoàn, và tôn giáo.
Điều mới mẻ hơn cả là những trung tâm thu hút quyền lực đại diện bởi quốc gia – nhà nước, các đảng phái, những nhà chuyên môn, những hiệp hội và những truyền thống lịch sử đang mất dần sức hấp dẫn. Và những tổ chức này sẽ không còn nguyên dạng một khi đã được thay thế, ít nhất cũng không còn giống với hệ thống quyền lực trước đó, Thể Thức Tam đầu chế không còn là trung tâm thu hút đại chúng. Nhận diện những tên tuổi lớn, những anh hùng của lịch sử đương đại, càng trở nên ngày một khó hơn. Chúng ta quyết tâm “bắt kịp nước Đức”, đó mục tiêu suốt đời của vị tổng thống Pháp (Valery Giscard d’Estaing vào thời điểm cuốn sách này xuất bản) cống hiến cho đồng bào của ông, dường như chẳng làm ai phấn khởi. Nhưng một lần nữa, đây không phải là mục tiêu đời người. Nó tuỳ thuộc vào sự tận tụy của mỗi cá nhân. Mỗi con người đều đối chiếu với bản thân họ. Và mỗi một chúng ta đều biết rằng cái bản ngã đó của chúng ta không đáng kể gì.
Sự phá vỡ này của Đại Tự Sự dẫn đến điều mà một số tác giả phân tích ra ý nghĩa của sự giải thể liên kết xã hội và sự phân rã tập hợp xã hội thành khối đông của những nhân tố riêng lẻ bị ném vào sự phi lý của chuyển động ngẫu nhiên (Brown motion: chuyển động Brown, chuyển động ngẫn nhiên của các hạt phân tử trong môi trường lỏng). Điều này sẽ không xảy ra: quan điểm đó theo tôi, dường như bị ám ảnh bởi hiện thân thiên đường của một xã hội hữu cơ đã mất.
Bản ngã không đáng kể bao nhiêu, nhưng không có một bản ngã nào cô lập; mỗi bản ngã tồn tại trong một mạng lưới của những quan hệ mà ngày nay phức tạp và linh động hơn trước đây. Trẻ hay già, nam hoặc nữ, nghèo hay giàu, một con người luôn luôn được đặt vào những “mấu chốt” của những mạch thông tin đặc thù, nhưng những điểm này rất nhỏ bé. Hoặc rõ hơn một chút, cá nhân luôn luôn được đặt vào một vị trí, để qua đó những loại thông điệp khác nhau truyền đi. Không có ai, ngay cả những người ít đặc quyền nhất trong chúng ta, là hoàn toàn không có quyền hạn trên một thông điệp đã truyền qua và đặt hắn ta vào vị trí của người gởi, người nhận hay vật đối chiếu. Chuyển động của một cá nhân trong tương quan với những hiệu ứng của trò chơi ngôn ngữ (những trò chơi ngôn ngữ, dĩ nhiên, là bao hàm tất cả những điều này) có thể chịu đựng được, ít nhất là trong những giới hạn nhất định (và những giới hạn này rất mù mờ); nó bị thu hút bởi những cơ chế điều hoà, và đặc biệt bởi những quá trình tự điều chỉnh hệ thống (xã hội) phải tiến hành để hoàn thiện khả năng thực hiện của nó. Người ta cũng có thể nói rằng hệ thống có thể và phải cổ xuý những khuynh hướng như thế để mở rộng tính tranh đấu với những chuyển động ngẫu nhiên của nó, nguyên thuỷ của một chuyển động không dự tính, cùng với sự dịch chuyển tương quan của một hội viên hay một nhóm các hội viên, có thể cung cấp cho hệ thống những động hướng làm gia tăng khả năng thực hành mà xã hội mãi mãi đòi hỏi và hấp thụ.
Bây giờ người ta phải thấy rõ từ quan điểm nào tôi chọn những trò chơi ngôn ngữ như là những phương pháp tiếp cận của tôi. Tôi không tuyên xưng rằng toàn thể mọi quan hệ xã hội phải có bản chất này – điều này vẫn là một vấn đề bỏ ngỏ. Nhưng cũng không cần thiết phải lùng sục cho ra một hư cấu nào đó về những nguồn gốc xã hội để khẳng định rằng những trò chơi ngôn ngữ là một quan hệ tối thiểu đòi hỏi xã hội phải có để tồn tại: ngay cả trước khi đứa bé chào đời, trên danh nghĩa của một cái tên người ta đặt cho nó, em bé đó đã được đặt vào vị trí đối chiếu của một câu chuyện người ta kể cho nhau nghe xung quanh em, tương ứng với điều không thể nào tránh khỏi, em sẽ vẽ lên biểu đồ về tiến trình của em. Hoặc còn đơn giản hơn nữa, vần đề của liên kết xã hội, cho đến nay vẫn còn là nghi vấn, tự bản thân liên kết xã hội là một trò chơi ngôn ngữ, trò chơi của sự tra vấn. Nó đặt ngay một con người vào vị trí để hỏi, cũng như câu hỏi mà người gởi và vật đối chiếu thắc mắc về nó: chính điều đó tạo nên liên kết xã hội.
Mặt khác, trong một xã hội mà thành tố truyển thông của nó ngày càng nổi bật hơn, cả về thực tiễn lẫn thu hoạch, rõ ràng ngôn ngữ có tầm quan trọng mới. Thật nông cạn để hạ thấp vai trò của ngôn ngữ như một chọn lựa truyền thống giữa một bên là diễn ngôn vận động và sự truyền dẫn thông điệp đơn tuyến, còn bên kia là sự biểu cảm và đối thoại tự do.
Một ý nữa cho điểm cuối này. Nếu vấn đề được mô tả đơn giản trong ý nghĩa của lý thuyết truyền thông, hai điều bị bỏ sót:
Thứ nhất, thông điệp có những dạng thức và hiệu ứng khác nhau tuỳ thuộc vào chúng có phải là, lấy ví dụ, biểu thị, truyền lệnh, lượng định, thực hành… hay không. Rõ ràng, điều quan trọng không phải chỉ giản dị của thực tế trao đổi thông tin. Hạ thấp chúng xuống chức năng này là phải chấp nhận một cách nhìn, trong đó [xã hội đã] tạo nên một đặc quyền quá mức về lợi ích và quan điểm của chính hệ thống [chúng ta đang khảo sát]. Hệ thống điều khiển học quả thật dựa vào thông tin, nhưng những mục đích đã lập trình trong đó, lấy vi dụ, xuất phát từ những mệnh lệnh hay những lượng định nó không thể nào sửa đổi trong quá trình thi hành chức năng của nó – chẳng hạn, tự bản thân hệ thống gia tăng tối đa khả năng thực hiện, làm thế nào mà người ta bảo đảm rằng sự tột đỉnh trong thực hành là mục đích tuyệt hảo cho một hệ thống xã hội trong mọi trường hợp. Và câu hỏi đặc trưng cho vấn đề này là, có phải trong bất cứ trường hợp nào mọi nhân tố trong xã hội đều có khả năng để thực hiện những mệnh lệnh như thế.
Thứ hai, hình ảnh điều khiển học tầm thường của lý thuyết thông tin đã bỏ qua một điều có tầm quan trọng quyết định, điều mà tôi đã tập trung chú ý: khía cạnh luận chiến của xã hội. Những nhân tố được đặt ở điểm giao thoa của các quan hệ thực dụng, nhưng chúng cũng bị dịch chuyển bởi những thông điệp truyền qua chúng trong một chuyển không ngừng nghĩ. Mỗi thành viên ngôn ngữ, khi một "nước đi" gắn liền với nó được tạo ra, trải qua một sự “chuyển chỗ” một loại thay đổi không những ảnh hưởng hắn ta trong khả năng như một người nhận và vật đối chiếu, mà còn cả khả năng như một người gởi. Những nước đi này cần thiết phải gây ra "những nước đi ngược lại" (countermoves), và như ai cũng biết, chuyển động nghịch hành một cách bị động không phải là một hướng đi tốt. Một chuyển động nghịch hành có tính cách phản ứng không khác gì là một hiệu ứng đã được lập trình theo chiến lược của đối phương; chúng hoạt động trong sự điều khiển của đối phương và vì vậy không có tác dụng gì đến thế cân bằng quyền lực. Đó là lý do tại sao phải gia tăng sự chuyển dịch trong trò chơi, và ngay cả việc làm sai hướng, theo một cách tạo ra một "nước đi" bất ngờ.
Những gì cần đến để chúng ta có thể hiểu được những quan hệ xã hội trong kiểu mẫu này, ở bất cứ tầm mức nào mà bạn chọn, không phải chỉ lý thuyết của truyền thông, nhưng là lý thuyết của những trò chơi trong đó chấp nhận luận chiến như một nguyên lý nền tảng. Theo ngữ cảnh này, người ta dễ dàng thấy được rằng, yếu tố cốt lỏi của sự mới không phải chỉ thuần tuý “làm mới” (từ cái củ). Ủng hộ cho phương pháp này có thể tìm thấy được trong các công trình của các nhà xã hội học đương thời, cùng với những nhà ngôn ngữ hay những triết gia của ngôn ngữ. Sự phân tố hoá của xã hội thành một mạng lưới linh động của những trò chơi ngôn ngữ có lẽ rời xa khỏi tính hiện thực hiện đại, trong đó vẽ lên hình ảnh hoàn toàn trái ngược, cảm thấy đau đớn vì sự tê liệt của giới thư lại. Sự phản đối sẽ được tạo nên, ít nhất, là áp lực của những thể chế nhất định đặt ra những giới hạn lên các trò chơi ngôn ngữ, và vì thế sẽ bó buộc tính chất sáng tạo của những thành viên trong sự xây dựng những chuyển động của họ. Tôi nghĩ, những điều này có thể tính tới, nhưng không gây nên khó khăn gì.
Trong sự sử dụng bình thường của giải trình ngôn ngữ – chẳng hạn, một cuộc đàm luận giữa hai người bạn, người đối thoại có dùng đến mọi lý lẽ có thể có, thay đổi cuộc chơi từ lối hành ngôn này đến lối hành ngôn khác: hỏi, yêu cầu, quả quyết, và tự sự đều ném một cách hỗn loạn vào cuộc luận (khẩu) chiến. Cuộc chiến không phải là không có luật lệ, nhưng những luật lệ đó cho phép và cổ vũ tính linh hoạt của sự hành ngôn ở khả năng lớn nhất.
Từ quan điểm này, áp đặt một lề luật khác với một cuộc đàm luận vì nó luôn luôn cần đến những sự cưỡng ép phụ trợ để những phát biểu được tuyên xưng chấp nhận được trong những phạm vi của nó. Sự kềm chế có chức năng gạn lọc những tiềm tàng không mạch lạc, can thiệp những nối kết có thể có trong mạng lưới truyền thông: có những điều không nên nói. Chúng cũng đặc quyền những loại tuyên bố (đôi khi chỉ có một) có ưu thế đặc trưng cho giải trình ngôn ngữ của một thể chế đặc biệt: có những điều nên nói, và có nhiều cách để tránh chúng. Vì vậy mà có: những mệnh lệnh trong quân đội, lời nguyện ở nhà thờ, biểu hiện ở nhà trường, chuyện kể trong gia đình, nghi vấn trong triết học, hiệu suất trong doanh nghiệp. Sự thư lại hoá chính là giới hạn bên ngoài của khuynh hướng này.
Tuy nhiên, giả thuyết này về thể chế vẫn còn hơi “khó giữ”: khởi điểm là một quan điểm cụ thể hoá quá mức những gì bị thể chế hoá. Ngày nay chúng ta biết rằng những giới hạn mà thể chế áp đặt lên những chuyển động ngôn ngữ tiềm tàng đã chưa bao giờ thiết lập được dù chỉ một lần (mặc dầu chúng đã được chính thức vạch định), Có chăng, những giới hạn tự bản thân chúng là những nguyên tắc và những hệ quả tạm thời của các chiến luợc ngôn ngữ, bên trong hay bên ngoài thể chế. Ví dụ: Đại học có chỗ cho những cuộc thử nghiệm ngôn ngữ (thi pháp)? Bạn có thể kể chuyện trong một cuộc họp nội các không? Biện hộ một lý do trong những trại binh? Câu trả lời rõ ràng: Có, nếu đại học mở những khu sáng tác; có, nếu nội các làm việc với những cảnh quang về tương lai; có, nếu những giới hạn của thể chế cũ bị thay thế (trong đó quân lệnh không cần biện giải). Một cách thuận nghịch, người ta có thể nói rằng những lằn ranh chỉ ổn định khi chúng không còn là những nguyên tắc trong trò chơi.
Điều này, tôi nghĩ, là một phương pháp thích hợp đối với những thể chế của tri thức đương đại.
Theo tienve.org