Chuyện là chuyện xửa xưa. Xưa từ tên người, như: Tử Tư, Tử Lộ, Phạm Lãi, cho đến Khổng, Mạnh, Lão, Trang,... ; từ tên đất: nước Lỗ, nước Việt, hay Tề, Vệ,... ; từ cách bố cục truyện: lời tựa - chính văn - lời bàn,... cho đến ngôn từ cùng các khái niệm: thánh nhân, quân tử, tiểu nhân, kẻ sĩ, bậc vua chúa, quỷ thần, cửa Khổng, nghe thuận tai, nhân nghĩa lễ trí tín,...
Toàn là chuyện đẩu đâu tận bên Tàu tít mù; họa hoằn lắm mới gặp vài mẩu xảy ra bên ta. Nhưng cho dẫu bên ta hay Tàu, nó vẫn là chuyện của người xưa. Thế mà ta như cứ bắt gặp vấn đề của thời đại ta đang sống. Tác giả đang nói chuyện thời nay, bàn về cái nay, rất nay! Đó là thứ ngụ ngôn mới.
Ngụ ngôn kể chuyện loài vật để có cớ răn người, mượn chuyện thuở trước dạy kẻ đời sau. Có mở, có kết, chắc nịch. Ở Luận ngữ tân thư cũng thế. Nhưng Phạm Lưu Vũ không là nhà đạo đức, mà là nhà văn. Anh có cách xử lí nghệ thuật khác.
Suốt 260 trang sách gồm 30 cả tạp văn lẫn truyện ngắn trong Luận ngữ tân thư, ngôn từ hiện đại có mặt dày đặc. Đó là ngôn từ của đời thường, thứ ngôn ngữ sống bụi bặm giữa đường phố, lấm lem nơi miền quê đang bị đô thị hóa; dù anh đang bàn việc lớn, rất mực thanh tao, như giáo dục, văn chương hay thái độ trí thức trước thời cuộc: đồ xịn, mất toi, đểu cáng, kiếm chác, bóp méo, nhồi sọ, bịt mõm, nâng cao, phát triển, vứt hết vào sọt rác, đuổi thẳng cổ, lí lịch bị xuyên tạc, xỏ lá ba que, tham như chó...
Lạ! Chúng lại được anh gán bừa vào mồm của các bậc thánh hiền tài cao đức trọng: “Khổng Tử bảo: Người ta vạch ra cái chỗ dở của mình để mong mình sửa, thì lại tưởng người ta chửi. Người ta nịnh cái chỗ đểu của mình để hòng kiếm chác, thì lại tưởng người ta khen,... Lẫn lộn, u tối đến như thế mà không gặp họa thì xưa nay chưa ai từng nghe nói đến bao giờ” (“Luận về ... cái sự học”).
“Xưa nay chưa ai từng nghe nói đến bao giờ” là lối nói quen thuộc của Khổng Tử, như ta biết. Phạm Lưu Vũ tái sử dụng, lắp ghép nó vào phần đuôi đoạn văn của mình rồi kêu nó đích thị là của ông Khâu! Nhưng đấy là văn Phạm Lưu Vũ. Vũ sẵn sàng nhại giọng, nhại văn, nhại cách nói của bất kì bậc chính nhân quân tử nào của thời xa xưa để phục vụ ý định của mình. Anh bày đặt ra hay bẻ vặn các câu văn tiếng Hán dài ngoằng: “Phu Tử dĩ thiên hạ quân thần vi đạo tặc”,... chế biến các từ lạ lẫm: từ hạng tiên sư, tục sư, đạo nói thật, văn trị, văn loạn,... cho tận bọn bạc nhạc:
“Quay lại phía Thế Cô, Ngài [Khổng Tử] điềm nhiên trả lời: – Kẻ bạc đức chỉ không nên nghe thánh nhạc mà thôi. Nay vua nước Việt tuy cũng thuộc hạng bạc đức, song những thứ nhạc ấy đều do bọn “bạc nhạc” làm ra cả. Bạc đức mà nghe “bạc nhạc” thì có gì mà lo ngại” (“Chuyện vua nước Việt”).
Thế nhưng, các từ được chế biến dẫu có độc đáo đến đâu cũng sẽ rất lạc lõng giữa đống lổn nhổn ngôn từ cả cũ lẫn mới, nếu chúng không được đặt đúng chỗ trong dòng truyện. Riêng khoản này, “câu chuyện [trong Luận ngữ tân thư] trùng trùng lớp lang và cuốn hút ở hàng loạt chi tiết và đối thoại” (Lời bàn của Lê Anh Hoài, tr.37). Vài truyện lồng vào một truyện (“Luận về ... cái sự học”), chuyện “thằng chết trôi” với nhiều biến tấu thú vị (“Chuyện vua nước Việt”); cả chuyện học cách làm giàu cũng thế (“Môn chữ ‘Lộc’ hay là chỗ tột đỉnh của làm tiền”). Lối chuyển ý đột ngột gây bất ngờ:
“Khổng Tử hỏi tiếp: – Ai là người cần đến những học thuyết? Lão Tử trả lời: – Người tử tế không cần đến bất cứ học thuyết nào. Chỉ có kẻ lưu manh cần đến mà thôi. Cũng như người đóng thuế thì cần gì học thuyết. Chỉ có kẻ thu thuế mới cần đến mà thôi” (“Lời nguyền của Lão Tử”).
Không dừng lại ở đó, Vũ còn để cho Tử Cống “bóp méo” học thuyết Lão Tử (“Vô tích sự”). Để phụng sự chu đáo hơn cho ngụ ngôn của mình, Vũ sẵn sàng hư cấu, thổi phồng hay “xuyên tạc” lịch sử và các nhân vật lịch sử. Vũ biến Lão Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, Tử Tư, Tử Cống, cụ Giáo Đản, Lão Mục... tất tần tật từ thánh nhân đến tiện dân thời xưa thành các nhân vật của mình. Chưa đủ, Vũ còn “bịa” thêm ra các loại “tiên hiền”: Tử Hối, Tử Hâm, Tử Nạp, Tử Thượng, rồi Hư Tử, Hấp Tử, Mạt Tử, Tắc Tử... Tất cả được đưa lên sân khấu văn chương và xã hội thời hiện đại, để diễn trò theo ý thích của Vũ. Với giọng phỏng nhại, bỡn cợt...
Có thể gọi đó là thứ Ngụ ngôn hậu hiện đại.
*
Khi “văn hóa sợ” đã thấm đẫm, ăn sâu đến tận xương tủy và đang tràn ngập khắp nơi; từ cao ốc hiện đại hào nhoáng cho chí lều tranh rách tận xó cùng vùng sâu vùng xa heo hút, nó có nguy cơ đẩy mọi mọi phận người vào nỗi cùng khốn bất tận. Nửa bước tiến tới một bước giật lùi, ở đằng trước đằng sau, trên với dưới, “văn hóa sợ” không thôi rình rập. Trong nhà ngoài phố, quan hệ anh em, vợ chồng, bằng hữu thân thuộc; cùng hay khác cơ quan, nông dân hay bác sĩ, thơ trẻ hoặc văn già. “Văn hóa sợ” bảng lảng quanh bộ áo chùng đầy bản sắc đậm đà chẳng kém dưới bộ cánh hợp thời trang đắt tiền! Ăn, ngủ, đụ, ỉa – “văn hóa sợ” vẫn không chịu làm vắng mặt. Hôm qua, hôm nay và cả mai sau mơ hồ. Người ta sợ cho mình và sợ luôn cho tương lai đàn con cháu. Sợ giúp bạn bè, sợ hộ bà con lối xóm. Lộ liễu hay giấu mặt. Thẳng thừng hoặc quanh quéo. “Văn hóa sợ” thao túng và tàn phá mọi thứ văn hóa không đồng dạng hay đồng lõa. “Văn hóa sợ” hoành hành như bão nổi, thổi bạt mọi hành vi kháng cự, đánh tróc mọi tư tưởng độc lập, truy đuổi mọi ý hướng lẩn tránh. Cả lúc anh tuyên tôi chỉ làm văn chương thuần túy hay khi chị kêu không thích tên tuổi xuất hiện trên mặt báo nữa, hoặc bác giũ áo mù sa chữ nghĩa lui về vườn, anh/chị/bác vẫn không thoát khỏi cái bóng “văn hóa sợ” đang phủ trùm. Giữa ánh sáng hay sau bóng tối, đám đông hay cô đơn, “văn hóa sợ” điểm mặt không bỏ sót sinh thể nào. Đi chéo, đi ngang hay song song, con người gặp nhau và liếc nhau như loài thú; ví có nhìn thẳng, họ cứ dòm nhau qua mấy lớp khăn voan của “văn hóa sợ”. Sợ to, sợ nhỏ hay sợ vừa vừa. Người giàu sợ, kẻ nghèo mạt cũng sợ. Đứa thất phu sợ đã đành, kẻ chữ nghĩa đầy bụng cũng sợ. Cứng đầu và ngoan cố nhất vẫn là giới trí thức, nhà văn, đủ loại kẻ sĩ thời hiện đại. Được trang bị “văn hóa sợ” cao hơn nên họ sợ dài và xa hơn. Sợ có nghề hơn, nói theo kiểu Phạm Lưu Vũ.
“Kẻ sĩ rặt một lũ hèn hạ, đội đít đội trôn chính trị, đã tham lam như chó, lại kiêu ngạo, càn rỡ” (“Học làm quan”). Thầy Nhan Hồi đức độ, nhân từ là thế cũng phải kêu lên thành tiếng: “Bọn kẻ sĩ thì hèn hạ, tiểu nhân, cả đời chỉ biết theo đuôi chính trị” (“Vạn thế sư là hạng người thừa”).
Đó là hạng kẻ sĩ được đào tạo và bồi dưỡng từ lò giáo dục mà Khổng Tử không tiếc lời chì chiết: “Giáo dục vì dân nhằm vào chỗ sáng suốt của dân. Giáo dục lừa dân nhằm vào chỗ mê lú của dân... Huống chi các ngươi chỉ biết nghe theo một chiều, hiểu theo một chiều, tin theo một chiều... Trên đời này không có cái ngu nào sánh bằng cái ngu đó” (“Luận về ... cái sự học”). Nơi ấy, người ta có thể dạy tất tần tật mọi thứ trên trần đời: lề lối chạy chọt, bợ đỡ, phương thức lươn lẹo, lừa đảo, thói tật nói dối không biết ngượng, bội phản không thèm bứt rứt cái lương tâm,... Riêng cách suy tư độc lập thì... không!
“Kinh sách của nước Vệ” ghi rất ư là rõ ràng, rành mạch: “Dạy học mà không hề thấy dạy cách làm người, chỉ dạy cách làm tiền. Chưa học làm người đã bổ làm quan chỉ vì chạy chọt hoặc là con ông, cháu cha. Thậm chí khối kẻ làm quan rồi mới đi học. Lại còn tha hồ mua bán danh hiệu, quan tước... Thì đó là cái nền giáo dục gì vậy?”.
Ông Khâu tự vấn, ông Khâu than thở, rồi ông Khâu tự trả lời: “Thiên hạ rồi sẽ đến lúc khối kẻ chẳng cần học hành gì hoặc học giả vờ mà vẫn có thể làm quan, thậm chí làm quan to, rất to” (“Học làm quan”).
Khi “văn hóa sợ” thống lĩnh và thao túng, thì “đạo nói thật”... đi tong! Kẻ sĩ từng được người đời trọng vọng và hi vọng, nhưng chính họ lại làm cho nhân dân thất vọng hơn cả. Kẻ sĩ thời hiện đại rắp tâm cho ra đời một tôn giáo mới: Đạo yên thân! “Việc nhân nghĩa cốt ở yên ... thân” (“Thiên hạ vốn vô phúc”). Và để đắc đạo, họ “đã thường xuyên tự làm nhục mình và làm nhục lẫn nhau” (“Thánh nhân và kẻ sĩ”).
Từ đó, một nền văn chương loạn ra đời. “Đời ‘văn loạn’ đề cao việc sùng bái lãnh tụ, sùng bái danh, lợi. Vì thế đẻ ra những ‘văn nô’” (“Văn của cuộc đời”). Nơi ấy, để yên thân, đám văn nô nhắm mắt trước sự thật. “Nơi ấy có rất nhiều cạm bẫy nguy hiểm. Song thứ mà người ta sợ nhất chính là... sự thật. Bởi vì sự thật có thể làm đổ vỡ tất cả, kể cả sự khốn nạn” (“Văn của cuộc đời”). “Văn hóa sợ” dạy kẻ viết văn thứ tinh thần tự kiểm duyệt. Mắt láo liên liếc bên này bên nọ, xem đàn anh đàn chị với bậc chú bác viết thế nào thì cứ thế mà viết theo. Hù dọa, răn đe, dỗ ngọt hay ưu ái. “Văn hóa sợ” kêu đòi “văn hóa sợ”. Nó lây lan âm thầm hay truyền giống mạnh bạo. Nó biết chuyển giao thế hệ như vận động viên điền kinh chuyền tay khúc gậy tiếp sức. Lập hội đoàn, mở hội thảo, đọc diễn văn, trao giải thưởng các loại, bất kì đâu hay bất cứ gì, nơi ấy khí quyển “văn hóa sợ” vẫn cứ phảng phất mùi ... sợ. “Sợ” biến dạng thành một thứ “ngã chấp” mới chưa có trong từ điển, ngay cả... Đức Thích Ca quán thế cũng chưa lường tới. Được trang bị tri thức “văn hóa sợ” cao cấp, người viết hôm nay cũng có học qua món truyền thống và hiện đại, nhưng đó là thứ truyền thống giả cầy, hiện đại lơ mơ. Văn chương sợ chỉ biết mỗi viết ... thật, nỗi thật được mớm ý từ nền “văn hóa sợ”. Nghĩa là được soi rọi và thanh lọc trong suốt đến mất hết trọi dưỡng chất trần gian. Văn chương sợ ngại các dạng văn chương ám chỉ, ẩn dụ, ngụ ngôn và, sợ hơn cả là thứ văn chương khác mình. Nó ngán làm mới, hãi cách tân, cách mạng nghệ thuật. Chung quy: nó sợ viết, sợ suy nghĩ khác người láng giềng.
“Nơi ấy ai ai cũng sở hữu riêng một cái đầu để nghĩ. Nhưng tốt nhất là đừng bao giờ dùng tới nếu muốn yên thân. Bởi đã có kẻ làm cái việc nghĩ sẵn cho mọi người” (“Văn của cuộc đời”). Người viết muốn yên thân thì đành rồi, cả người đọc cũng mong yên thân nốt. Đó mới là chuyện đáng sợ nhất trần đời.
Phạm Lưu Vũ đặt câu hỏi lớn: “Phải mất bao nhiêu năm mới tạo ra những phản xạ (sợ) thường trực ấy ở trong mỗi con người?” (“Văn hóa sợ”). Câu hỏi không có nửa âm vọng phản hồi! Và điều cay đắng nhất là “một khi con người đã biến thành hèn hạ, thì sự thật không còn chốn nương thân” (vẫn “Văn hóa sợ”). Nhà văn là kẻ mang trong mình khả tính trí tuệ và sức mạnh tâm linh để trả lời câu hỏi, nhưng lúc này, khắp xung quanh, họ đang trì trì hành đạo... yên thân.
*
Không thể nữa rồi! Khi khắp nơi, “thiên hạ đang là một bầy cừu có chủ” (“Thiên hạ vốn vô phúc”), Phạm Lưu Vũ đề nghị lập hồ sơ văn hóa sợ đệ trình lên UNESCO công nhận nó là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Chì chiết, chua chát và ngông đến thế là cùng. Nó khiến người đọc bật cười thành tiếng. Nhưng đằng sau lời lẽ ngông ngạo và tiếng cười chua chát ấy, là nỗi buồn mênh mông của một trí thức ưu thời. Chữ TRÍ THỨC cần được viết to và in đậm. Câu hỏi đặt ra: Trí thức giữa thời văn loạn, nên nói hay không nên nói?
Trời đất có nói gì đâu! Bốn mùa vẫn luân chuyển ... Thánh nhân như trời, thánh nhân không nói. Khổng Phu Tử chỉ nhận mình thuật nhi bất tác. Ở tận Hi Lạp xa xôi, Socrate cùng thời với ông cũng không chịu viết sách. Suốt 49 năm thuyết pháp, Đức Phật cũng “chối” mình chưa nói lời nào. Lão Tử thì bất cần hơn nữa. Nhưng vì người, vì đời, ông “cố viết ra mấy nghìn chữ” để rồi cuối cùng đành phải “bỏ bút không viết nữa, đứng dậy đi thẳng một mạch cho đến tận bây giờ” (“Lời nguyền của Lão Tử”). Viết, thánh nhân e người đời sau không hiểu hay hiểu sai mình thì ít; đáng sợ hơn cả là: hiểu đúng nhưng lại vin vào câu chữ để nhồi sọ với đầu độc người thiên hạ.
Nhưng định phận của trí thức là tỏ thái độ. Ở đây, khi anh/chị là trí thức-nhà văn, anh/chị phải viết. Viết như thế nào? Hãy viết với nụ cười, dù điều ta biết kinh khủng hay bi thảm. Sống và viết như một Bồ tát-nghệ sĩ, một Bodhisattva-artist, Henry Miller dạy thế! Hoặc cùng lắm, phải như một nhà văn bình thường trong một nền văn loạn: cứ viết thật những gì chúng ta nhìn thấy, cảm nhận và suy nghĩ.
Thế thôi.
Sài Gòn, 15.07.2007.Theo tienve.org