Ngày mà ông ta đến làm kẻ ngụ cư trong cái thị trấn bé nhỏ thuộc vùng đồng bằng này, không ai nghĩ rằng ông ta sẽ ở lại suốt đời.
Đó là một ngày cuối mùa nước nổi, những cơn mưa đêm chuyển dần về sáng còn rơi rớt thưa thớt làm không khí se se một chút lạnh hiếm hoi của vùng đất nhiệt đới. Ông ta đến vào buổi chiều trên chiếc tàu đò cuối cùng từ thành phố về. Những hành khách chung chuyến đò cùng ông hôm ấy không để ý gì lắm đến một ông già bé nhỏ tuy cử chỉ và cách ăn mặc chỉ rõ rằng ông ta là một thị dân chính cống. Sáng sớm hôm sau, khi buổi chợ sáng bắt đầu đông đúc lên, người ta mới chú ý đến ông đang ngồi ở một góc giữa chợ, trước mặt là chiếc bàn gỗ thấp nhỏ trên đó đặt một bộ đồ nghề nhổ răng bằng kền sáng giới được trưng bày một cách cố ý bên cạnh một tờ giấy bìa cứng viết toàn chữ Tây bọc giấy kiếng chứng nhận ông ta từng tốt nghiệp bác sĩ nha khoa ở một trường đại học xa tít nào đó tận hải ngoại. Ngoài ra còn có một cái bảng nhỏ – loại bảng mà các cô cậu bé học trò sử dụng trong lớp học – viết một dòng phấn trắng “Nhổ và khám răng”. Ngày hôm đó dân thị tứ đặc biệt chú ý bởi một biến cố mà phần nào có liên quan đến ông ta. Trong ngày hôm đó, ông ta chỉ có một người khách duy nhất, một người mẹ trẻ đem con tới nhờ nhổ cho cậu bé lên năm mấy chiếc răng sâu. Không một ai, tất nhiên cả người nha sỹ còn mới toanh với dân xóm chợ ấy biết được rằng đó là lần cuối cùng người thiếu phụ kia được chăm sóc con mình. Người thiếu phụ đó là Hoa. Kẻ đã làm dậy lên những lời xì xào vì một cuộc ngoại tình chưa bao giờ xảy ra trong thị trấn. Người mẹ dắt con đến khi chợ sáng đã thưa và nói với người nha sỹ rằng mình muốn ông ta khám cho toàn bộ hàm răng của con trai mình và nhờ ông nhổ cho thằng bé những chiếc răng nào hư. Khi khám sơ qua hàm răng sữa của cậu bé đang run rẩy vì sợ, con người vừa mới đến bỗng nói với người thiếu phụ một câu tưởng như không dính dáng gì đến nghề nghiệp của mình: “Nó rất nhạy cảm”. “Ông muốn nói về những chiếc răng?” – Người thiếu phụ hỏi lại – “Không, tôi đang nói về tâm hồn của những chiếc răng!” – Người nha sĩ trả lời.
Đêm hôm ấy người thiếu phụ kia uống hết nửa chai thuốc rầy và chết trên chiếc vỏ lãi chạy nhanh trong lúc người ta chuyển chị từ trạm cấp cứu lên bệnh viện tỉnh. Cái chết của người thiếu phụ ấy được cho là một vụ đầu độc chớ không phải tự tử và những lời đồn lan rộng đến mức công an điều tra trên tỉnh phải về để giám định pháp y. Khi thu nhập chứng cứ, công an cũng biết rằng một trong những người mà người thiếu phụ kia tiếp xúc lần cuối là ông nha sỹ mới về. Ngay trong chiều hôm đó ông được mời về trụ sở công an thị trấn để lấy lời khai. Trụ sở ấy được đặt trên tầng một của toà lâu đài còn sót lại của một điền chủ người Pháp xưa kia “Tôi tên là Trần Hoàng Lê, tức Ba Lê, hành nghề khám và nhổ răng. Đây là bằng cấp của tôi!”. Tờ giấy cứng ép nhựa được chuyển cho người hỏi cung nhưng chắc anh ta mù tịt về thứ chữ ghi trên đó nên chuyển cho vị bác sỹ pháp y cũng đang ở trong phòng. Ông này cầm lên săm soi, đọc thật chậm rồi trả lại mà không nhận xét gì. Sau đó người ta hỏi ông vài câu về khoảng thời gian người thiếu phụ đưa con trai đến khám răng ngày hôm qua rồi cho ông ta về với lời nhắc nhở ông phải làm đơn gửi lên chính quyền thị trấn để được tạm trú và hành nghề.
Tới chiều người ta thấy ông ngồi uống cà phê đen trong cửa hàng cà phê duy nhất của phố chợ cùng với người chủ căn nhà mà ông ta ở nhờ, và im lặng như đang lắng nghe câu chuyện đã được kể đi kể lại hàng bao nhiêu lần về chuyện tình tay ba dẫn đến kết cục bi thảm vừa xảy ra. Người ta bàn tán rằng không thể truy tố người chồng vì anh ta có bằng chứng ngoại phạm rõ ràng. Cái ngày mà vợ anh ta, sau khi đưa con đi khám răng về rồi không hề đặt chân ra khỏi nhà cho đến đêm xuống và kết liễu đời mình bằng thuốc độc trừ rầy thì anh ta đang ở tại cơ quan của mình trên tỉnh. “Chính toà án lương tâm sẽ xử hắn!”. Người ta nhất trí với ý kiến ấy vì ai cũng biết rằng trước đây hơn một tháng khi bắt gặp quả tang vợ mình ngoại tình với người yêu cũ hắn đã dùng súng để khống chế người thanh niên kia là lấy của anh ta một số tiền (khi tôi kể lại câu chuyện này thì đồng tiền đã trượt giá trong suốt gần hai mươi năm nên tôi thấy không cần thiết phải nêu lại chính xác số tiền là bao nhiêu). Anh ta dùng chính số tiền ấy để tiếp tục khống chế và nhục mạ vợ trong từng bữa cơm sau đó và kết cục bi thảm ra sao thì ai cũng biết.
“Anh Ba nghĩ sao về câu chuyện này?”, người bạn uống cà phê hỏi như vậy và ông nha sĩ trả lời rất nhanh: “Đàn bà là cả một bi kịch” “Nghĩa là sao?”, người hỏi lại là một kẻ ít chữ nghĩa đến nỗi anh ta không hiểu chữ “bi kịch” là gì. “Tôi không muốn nhắc đến cái thứ ấy!”. Những người ngồi đủ gần để có thể nghe được cái cách gọi khinh miệt đó hầu như đều trố mắt nhìn người ngụ cư mới kia. Nhưng khi câu chuyện trên được lan truyền thì người ta đoán già đoán non rằng ông ta hẳn là một người đã bị đàn bà chơi một vố đau đến nỗi phải hận thù tất cả bọn họ?
Thế nhưng, lời đồn ấy lại có tác dụng như một cách quảng cáo cho nghề nghiệp và tên tuổi của ông ta. Những năm đó, trong một thị trấn nhỏ heo hút khó mà tìm ra được một ông bác sỹ – ngay cả những bác sỹ chuyên tu từ y tá lên – cho nên, việc một người đã tốt nghiệp nha khoa từ một Đại học đường bên tây về đây đi nhổ răng dạo là chuyện cực kỳ hiếm thấy, bởi giá cả mà ông ta đòi cũng khá rẻ nên những người sống trong và quanh khu vực thị trấn bắt đầu nhớ ra là mình cũng có một hoặc nhiều chiếc răng có vấn đề. Vậy là người ta ùn ùn kéo đến vào những buổi chợ sáng. Người thì muốn được khám và nhổ răng cho chính mình, kẻ thì dắt con cháu theo đến nỗi những ngày đông khách công việc ấy phải kéo dài đến tận trưa và để tránh nắng, người ta phải nhắc đến chiếc bàn nhỏ để dụng cụ nha khoa vào một mái hiên lợp bằng lá dừa nước của cửa hàng cà phê quốc doanh với sự đồng ý của bà cửa hàng trưởng, một người luôn quạu quọ vì đau răng!
Chỉ vài tuần sau, ai cũng biết và gọi ông ta là Ba Lê theo kiểu Nam Bộ một cách xuề xòa, thân mật. Người đồng bằng cạn nghĩ nhưng tấm lòng thì rộng. Người ta sẵn sàng nhận bất cứ người nào vào cộng đồng của mình một khi người đó cần một chỗ để sống và không làm hại đến ai, bất kể người ấy từ đâu tới và có dĩ vãng như thế nào. Tấm bằng ép nhựa đã được cất đi, chỉ có tấm bảng nhỏ viết dòng chữ “Khám và nhổ răng” là vẫn còn và được viết lại thật rõ ràng mỗi khi bị nhòe.
Thời gian đi qua, giờ thì “Ba Lê nhổ răng” đã là một thành viên chính thức của thị trấn. Chính ông ta là người đã giúp cho mọi người, nhất là những đứa bé biết cách chiến thắng nỗi sợ hãi trước những chiếc kềm bằng kim loại khi nó đưa vào, đụng tới cái vùng nhạy cảm nhất là những chiếc răng đau. Mọi người quen dần hình ảnh ông già ăn mặc lịch sự đến kiểu cách nhưng ốm nhom, sáng sớm là đã chỉnh tề ngồi sau chiếc bàn thấp và tận tuỵ đúng với chức danh thầy thuốc khi làm việc.
Mấy năm lại trôi qua, thị trấn vùng sâu vẫn không có gì thay đổi ngoài những chiếc răng đau của mọi người đã lần lượt được bàn tay khéo léo của Ba Lê chữa lành hoặc nhổ bỏ. Bà cửa hàng trưởng cửa hàng “cà phê quốc doanh” giờ đã thôi quạu quọ và sẵn sàng ra lệnh cho thu ngân miễn tiền những ly cà phê đen sáu mươi phần trăm bắp rang cháy trong những ngày Ba Lê ế ẩm không có khách. Dù vậy, không một ai biết thêm gì về cuộc đời riêng trước đây của ông ta và người ta phải tìm cách lấp cho đầy sự tò mò của mình bằng cách đoán non đoán già rằng ông ta hẳn đã từng có một cuộc sống giàu có, vì những thói quen phong lưu của một người thành phố ở tầng lớp trên mà ngày ấy ông vẫn giữ như luôn bỏ áo trong quần, chải đầu tươm tất, nói năng hoà nhã nhưng khách sáo… đã trở thành quen thuộc và không còn làm cho những người xung quanh, vốn xuất thân từ ruộng vườn, thấy rườm rà nữa. Thế nhưng cái khoảng bình lặng của cuộc đời ngụ cư, ngắn ngủi như một dấu lặng, trên khuôn nhạc đã đến lúc chấm dứt. Một buổi xế chiều của một ngày cuối mùa khô, dân thị tứ lại nhìn thấy hai người khách ăn mặc theo lối thành thị xuất hiện. Đó là hai người phụ nữ nhìn qua thì không thấy có sự chênh lệch lắm về tuổi tác nhưng qua cách xưng hô người ta biết họ là hai mẹ con. Hai người phụ nữ ấy đến từ một chiếc đò có mui lạ hoắc, chắc là loại đò dọc thuê bao từ thành phố. Họ hỏi thăm ngay từ người đầu tiên mà họ gặp là một phụ nữ bán thuốc lá lẻ đầu cầu tàu về một người đàn ông tên Lê. “Ba Lê nhổ răng phải không?” chị bán thuốc lá lẻ hỏi – “Nhổ răng?” người phụ nữ trẻ có vẻ ngạc nhiên hỏi lại như vậy nhưng người mẹ đã nhanh chóng xác nhận “Đúng rồi, ông ta từng... đúng là ông ấy. Chị làm ơn chỉ chỗ giùm chúng tôi!”. Họ được chỉ đến một căn nhà lá nhỏ bé nơi mà Ba Lê đã xin ở nhờ từ ngày đầu tiên. Giờ ấy, ông ta đã thu dọn đồ đạc gọn gàng và như thói quen từ ngày mới tới, ông ta ngồi trên chiếc ghế bằng tre, đốt thuốc và im lặng nghĩ ngợi một điều gì đó cho đến tận buổi cơm chiều. Tiếng con chó phèn sủa ăng ẳng làm Ba Lê ngước nhìn ra cổng, vừa lúc ấy hai người phụ nữ kia cũng lom khom nhìn vào. Chỉ một giây bất động ngắn ngủi rồi người ta thấy Ba Lê đứng vụt dậy cùng với tiếng kêu như thét của người phụ nữ trẻ. Nhưng ngay lập tức, người đàn ông quát lên:
- Ai cho phép các người tìm tới đây? Các người còn đeo đuổi theo tôi làm gì?
- Ba, ba ơi! Tiếng người phụ nữ trẻ rền rĩ nhưng Ba Lê đã quay ngoắt lại, bước vào nhà và nói
với người chủ nhà trẻ đang há hốc miệng ra nhìn:
- Anh nói là tôi không muốn nhìn mặt họ. Hãy mời họ ra khỏi nhà giùm tôi!
- Nhưng đó là
- Đó đã từng là vợ và con gái tôi.
- Ba, ba ơi! Người phụ nữ trẻ lăn xả vào con người mà chị ta gọi bằng “ba” nhưng ông ta, bằng một sức mạnh đến khó tin đã vung tay hất ngã chị xuống đất. Người mẹ vội chạy đến đỡ con gái và ngước mắt lên nhìn người đàn ông, giờ trông hung dữ như con thú bị dồn đến bước đường cùng. Bà ta không khóc, chỉ nói từng tiếng một:
- Tại sao ông phải bỏ đi? Nhà cửa, tài sản là của ông. Nếu ông không thể nào bỏ qua những chuyện đã xảy ra thì chính tôi là người phải ra khỏi nhà!.
- Bà về đi. Tôi đã nói là giữa chúng ta sẽ không còn đối thoại được nữa!
- Ông nhất định không về?
Người đàn ông im lặng nhưng đó không phải là sự im lặng vì do dự mà chính là một câu trả lời mang tính khẳng định. Người con lại khóc nấc lên:
- Ba ơi, con với má đã tìm ba khắp nơi rồi, cuối cùng má mới nhớ ra nơi đây, ba về với má đi ba ơi!
Với khuôn mặc đã lấy lại vẻ thường nhật, người đàn ông im lặng quay lưng lại và bước dần vào trong. Có lẽ hiểu ra đó là một dấu hiệu cương quyết, người đàn bà gào lên:
- Ông là một kẻ vô tình, một kẻ vô tình với vợ con mình. Ông không về tôi sẽ nói vì sao
Ngay lập tức người đàn ông quay lại, khuôn mặt biến dạng trông thật dữ dội, ông thét lên:
- Bà không được nói ra điều đó. Tôi cấm bà trở lại đây. Tôi thế nào thì mặc xác tôi!
Hai người đàn bà giật lùi lại trước vẻ dữ tợn của người đàn ông. Người con nói thầm gì đó với mẹ và trong khi ông ta một lần nữa quay lưng lại thì họ nuốt nước mắt dìu nhau ra cổng. Được một đoạn ngắn, họ dừng lại, ra hiệu cho người chủ nhà lúc ấy vẫn còn ngơ ngác đứng trên bậc thềm và khi anh ta bước ra, người phụ nữ xưng là vợ, trao cho anh một gói giấy. Anh ta rụt tay lại không nhận nhưng người đàn bà nài ép, và một lát anh ta mới ngại ngần cất gói giấy kia vào trong túi. Đó là một món tiền khá lớn mà người đàn bà gửi lại cho chồng với hy vọng giúp ông sống dễ dàng hơn tại một nơi mà bà nhận xét là “kinh khủng”!
Với vẻ mặt nặng nề buồn bã, hai mẹ con rời khỏi thị trấn nhưng mấy tháng sau, khi một lần nữa họ quay lại thì Ba Lê đã không còn ở căn nhà lá cũ ấy nữa. Người chủ nhà trẻ đón họ và lấy ra cái gói giấy bạc trước kia anh ta lỡ nhận và nói: “Tại dì mà chú Ba ổng giận ổng bỏ đi rồi. Cháu trả lại dì!” Người đàn bà ngồi lặng đi một lát, có vẻ không muốn nhận lại số tiền kia nhưng rồi bà ta lấy giấy viết ra một cái địa chỉ rồi nói: “Thôi được, anh giữ cái này và nếu ông nhà tôi có gặp chuyện gì cần đến tiền bạc chẳng hạn, thì anh nhắn giùm!” Rồi bà hỏi:
- Ông ta chuyển đến chỗ mới gần đây không?
- Ở đầu chợ, nhưng cháu nghĩ dì không cần…
- Tôi hiểu, tôi sẽ không cố gặp như lần trước nữa.
- Lần trước khi dì và chị về thì chú Ba ổng nhậu say mèm, đến nỗi khuya cháu phải đưa lên giường!
Nhưng sáng hôm sau, khi cháu nói chuyện gói tiền này thì ổng dọn đi liền, năn nỉ cách nào cũng không chịu.
Hai người đàn bà lại ra về như lần trước với lời dặn là thỉnh thoảng họ sẽ trở vô nhưng chắc họ không hiểu rằng chiều hôm đó, và trong suốt thời gian sau này cho đến khi chấm dứt cuộc đời ngụ cư của mình, Ba Lê đã dùng rượu để lãng quên họ và chắc chắn cái nỗi nhớ, nỗi ám ảnh… là rất lớn bởi người ta thấy càng về sau ông càng tăng liều lượng rượu lên và có những hôm ông say đến nỗi không còn biết đường về và nằm lê la ở một góc chợ mà xổ ra hàng tràng tiếng Tây rồi nghêu ngao hát chỉ có hai câu:
Bông sen nở về mùa hạ
Bông cúc nở về mùa thu
…….
Thế nhưng không một ai không ngạc nhiên bởi có những đêm, một vài người đi tàu khuya vẫn còn nhìn thấy ông say và nằm than thở hay chửi rủa gì đó một mình bằng tiếng Tây tại một góc cửa hàng thì sáng ra đã thấy Ba Lê đàng hoàng áo bỏ trong quần, đầu tuy chỉ còn rất ít tóc nhưng vẫn chải láng, ngồi nghiêm chình sau chiếc bàn thấp của mình vẫn với chiếc bảng nhỏ viết bằng phấn trắng: “Khám và nhổ răng”.
Phải nói trong cái cơ thể mảnh mai kia chắc hẳn tiềm ẩm một sức khoẻ dẻo dai bởi còn nhiều năm sau Ba Lê vẫn đêm đêm uống rượu một mình còn sáng ra thì nhổ răng để có tiền đêm sau uống nữa. Rồi cũng như cái dạo ông mới đến, người ta cũng quen dần với cung cách sống cho mau chết của ông ta sau ngày những người phụ nữ kia tìm đến. Và không một ai ngạc nhiên khi một buổi sáng người ta phát hiện ông đã chết còng queo dưới mái hiên của chiếc cổng toà lâu đài còn sót lại, người ta cho là ông bị trúng gió nhưng cũng hơi lấy làm lạ là tại sao ông ta lại chết ở dưới cổng toà nhà cũ kỹ như một phế tích kia trong khi nó cách cái góc ông thường ngồi uống rượu một mình đến mấy trăm mét? Nhưng dù gì thì Ba Lê đã chết và cái tin đó làn truyền rất nhanh. Người chủ nhà mà ông ta ở nhờ những năm sau ngay lập tức cùng với mấy thanh niên của Hội chữ Thập Đỏ thị trấn đến khiêng xác ông về. Khi lục tìm tất cả những di vật ít ỏi Ba Lê để lại, ngoài các món đồ nghề người ta không tìm thấy được gì nữa, dù là một tờ giấy nhỏ hay chút ít tiền lẻ, chắc là ông đã vét đến đồng tiền cuối cùng để mua bữa rượu cuối cùng.
Người ta nhanh chóng dựng rạp để chuẩn bị cho đám ma, một sự chuẩn bị chu tất theo đúng phong tục như bất kỳ một đám ma nào khác trong vùng chỉ khác là không có ai là con cháu của người đã khuất đang hiện diện để đội khăn tang và mặc áo sô. Khi tiến hành liệm xác người ta mới phát hiện rằng bộ răng giả mà Ba Lê lúc nào cũng cẩn thận ngâm thuốc sát trùng, chùi rửa đã không còn nữa. Con người, có lẽ là dành suốt cuộc đời cho công việc chữa chạy và nhổ bỏ những chiếc răng hư giờ không còn lại một chiếc răng nào cho chính mình. Thế nhưng những người già cả nhất trong khu vực nói rằng chưa bao giờ có một đám tang nào đông hơn. Đó là một ngày mưa dầm vào mùa nước nổi. Khi cái thân xác nhẹ tênh như không còn vướng chút tục luỵ nào đã nằm yên vị trong quan tài, lợi dụng thời gian tạnh giữa cơn mưa buổi chiều, theo đúng phong tục địa phương, trước khi chôn cất, người ta tổ chức một cuộc dạo chơi cho người không thể đi bằng chính đôi chân mình nữa. Chủ một chiếc ghe lớn không mui, chuyên chở hàng muớn với sức chứa hai mươi tấn, tình nguyện làm công việc ấy. Vậy là quan tài được chuyển một cách thận trọng xuống ghe với hai hàng đạo tỳ, mặt quệt đầy lọ chảo, hò hét, nhảy múa đóng giả quỉ vô thường để dẫn đường. Chiếc trống cái dùng riêng cho việc tang lễ được dộng từng hồi. Rất đông người theo quan tài xuống ghe, ngoài đàn ông còn có đàn bà, con gái, con nít… nhưng đông nhất có lẽ là đám thanh niên. Tất cả bọn họ lại một lần nữa nhớ ra ít nhất một lần trong đời mình đã nhờ Ba Lê nhổ răng cho. Chiếc ghe lớn lùi dần khỏi cầu tàu ra giữa dòng kinh rộng rồi chạy ngược lại với dòng nước triều cường. Cảnh vật quen thuộc hai bên bờ sông bỗng hiện ra trong một cách nhìn khác của tất cả mọi người. Trong lúc ấy, phần lớn những người đang ở trên ghe, đang đứng vây quanh để từ biệt một số phận ngụ cư chắc đều ngậm ngùi cảm thấy rằng tất cả, tất cả những sinh linh dưới vòm trời này đều là những khoảng đời ngụ cư gộp lại, rồi đây đều sẽ ra đi hay trở về tuỳ theo quan niệm sống nhưng không một ai vượt thoát khỏi kiếp phù du của cõi người…
Trong khi chiếc ghe chở quan tài đã đến ranh giới cuối cùng của ngoại vi thị trấn và chậm hẳn lại, chuẩn bị quay về thì người ta thấy từ phía trước mặt, trên con kinh dài và rộng một chiếc bo bo xé nước lao tới, nó chạy ngược từ thành phố về và chạy nhanh như thể phía sau nó là một tai họa đang đuổi theo. Khi chiếc bo bo đến gần, nó giảm tốc độ và người ta nhìn thấy ngoài người ngồi lái, không ai khác hơn là vợ và con gái Ba Lê, hai người phụ nữ mà tất cả mọi người đều tin là nguyên nhân đẩy ông ta vào cuộc sống lang thang, lây lất trong những ngày cuối đời. “Cuối cùng thì họ cũng đến”. Người chủ căn nhà đầu tiên đón Ba Lê vào ngụ cư thốt lên như vậy. Chắc là anh ta là người đã báo tin dữ này cho gia đình người quá cố. Chiếc ghe dừng lại giữa dòng kinh rộng chờ chiếc bo bo. Hai người phụ nữ vừa nhìn thấy cảnh trước mặt đã òa lên khóc và người lái bo bo phải khéo léo lắm mới cặp sát nó an toàn vào thành ghe được. Rất nhiều những cánh tay đưa xuống đỡ hai người phụ nữ kia lên và hai chiếc khăn sô được chuẩn bị từ lúc nào đã nhanh chóng được bịt lên hai mái đầu tóc vẫn còn đen dày. “Bây giờ thì ông ấy đã đầy đủ cả rồi!”. Một người nào đó thốt lên như vậy khi chiếc ghe lớn quay đầu chạy về phía nghĩa trang. “Ngàn lần cảm ơn tất cả bà con. Tôi xin đồng ý với chồng tôi là để ông yên nghỉ ngay chính quê nhà mình!”. Người phụ nữ kia vừa khóc, vừa xá tất cả mọi người nhưng cái câu bà ta vừa nói ra làm mọi người cực kỳ ngạc nhiên. Nhiều câu hỏi được đặt ra hướng về phía người đàn bà. Cô con gái thay mặt mẹ mình lấy từ trong túi ra một tấm hình đã rất cũ và nói trước khi chuyền tay cho mọi người cùng xem: “Đây là gia đình ông bà nội tôi. Ba tôi đứng ở giữa!”. Mọi người lặng lẽ chuyền tay nhau tấm hình, đó là một tấm ảnh đen trắng đã sờn cũ lấy tòa lâu đài làm hậu cảnh để chụp một gia đình gồm hai vợ chồng và ba đứa con. Đứng giữa hai cô gái trẻ là một thiếu niên mặc âu phục, những người già trên sáu mươi tuổi thốt lên: “Gia đình ông hội đồng, Ba Lê là con ông hội đồng đây mà!”. Một sự thật đã được sáng ra ngay cả cái thắc mắc tại sao Ba Lê lại chết ngay dưới cổng chính tòa lâu đài cũ. Tòa nhà ấy do một chủ đồn điền người Pháp xây lên nhưng sau đã bán lại cho gia đình hội đồng Lựu, sau năm năm tư (1954) cả gia đình ông ta đột nhiên ra đi không để lại một dấu vết nào. Xung quanh câu chuyện ấy, qua những lời xì xào người ta nghe được phong thanh thôi, là dấu vết của một cuộc ngoại tình. Thế nhưng, khi hầu như không ai còn nhớ gì đến những chuyện xa xôi ấy nữa thì giờ đây điều không thể tin được là con trai ông đã trở về để chết cô đơn trên nơi chốn mình sinh ra. Không một ai không giờ phút ấy đặt thêm một câu hỏi nào về bi kịch gia đình của họ. Hẳn là Ba Lê có lý do để đoạn tuyệt với vợ mình nhưng nội cái chuyện ông ta chọn quê hương để trở về đã đủ cho mọi lý do. Ngày hôm nay, khi kể lại câu chuyện này trong tâm trí tôi vẫn hiện lên hình ảnh những sợi mưa mỏng rơi xiên trong một buổi chiều châu thổ, khi chiếc ghe lớn cặp mũi vào nghĩa trang, chiếc quan tài được chuyển lên, bỗng dưng vì một sự đồng cảm sâu xa nào đó, mọi người đi tiễn Ba Lê hôm đó đều khóc. Hòa trong tiếng gào của người con gái, là tiếng tức tưởi của người vợ, những người đàn bà đi tiễn khóc nức nở, những đứa trẻ khóc thút thít, những người đàn ông và thanh niên lặng lẽ chùi những giọt nước mắt nóng bỏng chực rơi trên gò má lạnh. Trong giờ phút ấy, nước mắt là thứ duy nhất con người cảm thấy cần thiết để hòa điệu lặng câm vào những mơ ước phù du và là thứ duy nhất để nói lên lòng thương tiếc cảm thông với Ba Lê, kẻ đã sống một cuộc đời ngụ cư ngay chính trên quê hương mình cho đến chết.