Nửa đêm, Ngọ bật ngồi dậy, lôi từ hóc sạp chai rượu lưng nửa, giơ cao ngang tầm mắt, giây lát nghe than: “Đất trời đến buồn thảm, sụt sùi, rin rít như bà già khóc chồng”. Tiếng than của Ngọ rớt sau cây đèn hột vịt vặn thấp ngọn. Gian sạp tối âm u, Bóng Ngọ mờ nhạt, lay lắt trên vách, không rõ nét, gần tiệp vào những cuốc, xẻng, xà beng và những vật dụng linh tinh khác chất chồng sát vách.
Nghe hắn lảm nhảm, thầm thì, nhưng Trọng vẫn nằm im trên những thanh mò o đập bẹt ra làm vạt, nghe bằng nửa lỗ tai, không nhúc nhích. Gió đâp lật phật trên tấm bạt nhựa, bao quanh trại. Thỉnh thoảng vài hột mưa hùa theo giỡn múa lốp cốp rồi biến mất. Mưa và gió không dữ, chỉ hiu hiu, lắc cắc như tiếng trống chầu ở đám hát bộ, ai đó đang đánh rao, đã mỏi tay. Những người nông dân có kinh nghiệm gọi đó là gió rao báo bão, bão xa, không biết sẽ đổ ập tới lúc nào.
Lúc xế chiều, khi dọn dẹp lại căn lều, Trọng thấy ông chủ thầu móc túi xìa cho Ngọ năm chục bảo “đạp xe ra chợ mua cuộn dây nylon về néo bốn góc bạt, che ximăng khỏi bị ướt”. Ngọ cầm tiền thót lên chợ ngay. Thay vì mua dây, hắn mua cặp vịt và mấy chai rượu. Và thay vì cột néo dây, hắn lăn mấy hòn đá to gần đó, đè kín lên chung quanh tấm bạt, phủi tay đứng chửi thề: “Đù má, dây nhợ thì ăn thua gì với bão. Phí. Để tiền uống rượu còn sướng miệng hơn”. Lúc ngồi nhổ lông vịt, Ngọ còn chửi luôn cả Trọng: “Ong thì dẹp mẹ nó cái sĩ đi. Mình đi làm thuê để kiếm sống chớ có đi ăn cắp, móc túi ai đâu mà lúc nào ông cũng làm bộ làm tịch”. Rồi hắn lên giọng triết lý: “Nghĩ cho cùng, ở đời thằng chó nào cũng xách đít đi làm thuê cho những thằng có tiền cả. Công chức thì làm thuê cho nhà nước, cho dân. Còn như ông và tôi đây thì đang làm thuê cho thằng đĩ bợm này, việc cóc gì phải ké né như chó sợ roi chủ nhà. Ông nên nhớ rằng cuộc đời không phải cứ thế mà trôi qua. Rồi cũng sẽ có ngày mình làm chủ, mình giàu có như ai”. Ngọ nói, Trọng chỉ im lặng nghe, không cãi. Riêng khoản này, hắn va chạm nhiều với cuộc sống, từng lên voi xuống chó. Có lúc hắn cũng đã từng là ông chủ nhỏ, vi vút trên xe riêng, cũng biết nắn bóp nhân công dưới tay; nhân tình, nhân ngãi với nhiều loại đàn bà con gái khác nhau. Nghĩ và không kềm được, Trọng bật cười lục khục trong cổ. Ngọ dừng tay: “Ong cười gì? Tôi nói như vậy, không phải hay sao?”. Trọng giả tảng: “Phải. Chỉ thấy hồi chiều hai con vịt còn ngoác mỏ kêu lạp cạp, giờ nằm im một phép dười tay ông”. “Trời đất! Vậy sao không đi tu?”. “Tu không xong. Không có duyên đến cửa Phật...”. Ngọ bắt quàng, lên giọng: “Thấy chưa? Cuộc đời đầy dẫy yêu tinh. Người quay ra ăn thịt người rồi đeo mặt nạ giả bộ nhân từ, rao giảng đạo đức cho thiên hạ. Tôi
đã từng chứng kiến, từng sống với bầy quỷ dữ đó nhiều như kiến. Ngán tận xương tủy. Hiền lành, chân chất như ông có ngày chúng nhai sống nuốt tươi chứ chẳng chơi!”.
Trọng chưa từng bị ai ăn tươi nuốt sống, kiểu như Ngọ nói, chỉ mới đứng ngoài mà nhìn cũng đủ ngán ngẩm và mệt mỏi nhiều, chứ không cần đợi tới Ngọ nhắc lại trong không khí hào hứng vì sắp sửa được nốc rượu vào bụng.
Như nnhiều người nói, Ngọ vừa thuộc loại lưu manh có hạng, vừa như con tắc kè biết ẩn mình trong lùm cây. Trọng không tin, và cố hình dung Ngọ là một người tốt, không thuộc loại bỉ ổi một cách quá đáng.
Hai năm trước, Ngọ trúng thầu xây dựng nhà máy sản xuất bao bì cao su với giá rẻ, rẻ đến cả bên chủ đầu tư cũng phải tự hỏi: tại sao hắn lại làm thế? Ngọ phẩy tay nghiêng người sang cái đám ngu ngơ: “Lũ khốn đó thì biết cái đéo gì. Chúng chỉ muốn mình trúng giá cao cao để có cớ móc túi mình. Một công trình tám chín trăm triệu, thì cũng phải ói ra hơn trăm, bảo sao chất lượng được. Mà làm cho tốt thì sao nó có thể nhanh chóng hư hỏng để dỡ ra, làm lại? Có làm thì mới xơi lụi được. Chỉ cần tiền, chẳng biết từ đâu rơi xuống”. Nếu như lời Ngọ nói, thì hắn cũng chỉ là kẻ làm thuê đánh mướn, và có đủ mánh khóe để móc hầu móc họng thiên hạ. Và vì vậy tay chủ đầu tư đã không ngần ngại trả đũa bằng cách thanh toán cù cưa, cù nhầy, nay một chút, mai một ít, đủ để vào quán thù tạc, chén anh chén chú với bạn bè anh em. Và rồi hắn sập tiệm như đã được báo trước.
Trọng và Ngọ không phải vào loại thân thiết. Tình cảm ở dưới mức vừa phải. Nhưng hắn hàm ơn anh nhiều. Nhiều nhất là chuyện nửa đêm gõ cửa cầu cứu đến nhà thanh minh dùm với vợ con chuyện mèo mả gà đồng của hắn. Bụng dạ anh luôn nghĩ tới những điều tốt cho mọi người nên không nỡ chối tư. Hậu quả là vợ Ngọ bắt đầu nhìn anh bằng cặp mắt của kẻ đồng lõa, tội phạm, còn Ngọ thì luôn miệng: “ông là vị cứu tinh của đời tôi”. Cái ơn ấy, không ngờ hắn để bụng, chờ dịp trả. Vì vậy khi thấy anh nằm chèo khoeo ở nhà, hắn rủ rê: “ Làm cứt gì mà buồn bã thế. Thất nghiệp thì khối thằng ra đấy chứ đâu phải mình ông? Chịu khó ra quán cóc tán phét vài bữa là có chuyện làm ngay”. Trọng cười: “Làm như thể mấy cái quán cóc đó là trung tâm tìm kiếm việc làm không bằng?” . “Đúng vậy. Đủ thứ chuyện trên trời dưới đất đều xuất hiện mỗi sáng. Ông muốn biết thằng Mẽo xích cuội thằng Do Thái xơi gọn Palestine ra sao cứ tới đó. Các tay ấy bình luận chuyện Mỹ, Iraq còn tài tình hơn các nhà chính trị, rồi nào là mấy tay đại gia dẫn đào vào phòng ngủ bị đám các quí bà đánh ghen ra sao, cứ ngồi đó mà nghe”. “Vậy thì có chuyện khỉ gì để làm kiếm tiền kia chứ?”, anh hỏi. “Ông ngu bỏ mẹ, xin lỗi, ông chẳng hiểu gì tất. Đâu phải toàn chuyện ba lăng nhăng đó. Chán chuyện thế giới, chuyện xe cán chó, chuyện bà này nhảy rào ngủ với ông nọ ra sao, chúng lại quay ra nói chuyện làm ăn, mánh mung. Nhờ vậy ta mới có được thông tin để mò tới. Mấy cái quán cóc đó là những hãng thông tấn vỉa hè đó ông ơi. Bổ ích và đáng tin cậy lắm”.
Anh cứ tưởng Ngọ nói cho có nói, không ngờ sau đó ít hôm, Ngọ lò dò chân thấp chân cao đẩy xe vào cổng, nồng nặc mùi rượu: “Nè, ông có chịu đi với tôi không? Xa một chút, hẻo lánh, nhưng được cái khá tiền. Ngày đổ đồng sáu chục ngàn, mà việc thì nhàn nhã”. Anh hỏi việc gì. Ngọ nói: “Làm bang bù, khuân vác vật liệu xây dựng. Nói là khuân vác bang bù, chớ thiệt ra là cho xuống xe cút kít, mình chỉ đẩy sơ sơ ra bãi xây dựng thôi, là cái tay chủ thầu nói sơ qua vậy; mà có khi thấy bản mặt ông, hắn không để ông làm vậy đâu. Hắn còn trẻ và biết điều. Từ kho ra tới nơi thi công không đầy vài trăm mét. Tôi quen với tay đó. Để tôi nói với chả, ông làm đốc công, chấm công, ghi ngày công thôi. Dẫu gì bụng ông cũng đầy chữ nghĩa, chả đang cần người như ông”. Nghe Ngọ rủ rê, coi bộ có thể kiếm tiền dễ dàng, anh giải thích vắn tắt với vợ mấy câu, rồi thu xếp mớ áo quần cũ nhét vào túi xách, ngồi sau yên xe để Ngọ đèo đi.
Việc đầu tiên anh làm ở cái công trình Ngọ giới thiệu là chặt đá bỏ vào chiếc thau nhựa to hơn cái thúng, bưng đặt gần bàn nhậu: rót bia, thay đá cho một nhóm gần chục người, như một tiếp viên nhà hàng thực thụ. Cái đám ấy còn trẻ. Trẻ hơn anh đến vài chục tuổi. Nhưng ở đây, họ là những ông chủ. Khi làm xong một khúc việc, anh trở ra ngồi trên đống đá chẻ nhìn xuống phía lòng hồ khô khốc, đang chờ xây để chứa nước, dẫn vào mấy đám ruộng cháy nắng phía bên kia dãy núi đá vôi. Thỉnh thoảng có tiếng gọi ra lệnh: “Hày, cho đá rót bia chớ cha. Bộ tính lên đây làm thơ hả?”. Những tiếng cười lục khục cuốn bước chân sường sượng của anh liêu xiêu về chỗ đám đông. Họ không màng để tâm, coi anh như một người được tạo hóa phân công làm cái việc phục dịch cho họ. Mọi người cắm đầu uống bia như những con lạc đà đi trong sa mạc nóng rát hàng tháng trời, chưa được giọt nước nào trong cổ. Ngọ ngồi bên mép góc bàn, bộ dạng nửa như người dưới tay, nửa như đồng sàng. Cả đám cúi mặt mà uống và nói những chuyện trời đất đâu đâu. Mãn, họ khật khưỡng kéo nhau ra chỗ ngày mốt sẽ thi công hoa chân, múa tay, ôm nhau cười ha hả, rồi leo lên đóng kín cửa xe, dông thẳng, bỏ lại phía sau một đám bụi đất mù mịt cả góc rừng. Trọng lửng thửng thu dọn lon ống vất bừa bãi xuống nền đất mà không biết mình đang làm những phần việc gì tại chốn này? Những chiếc lon rỗng bẹp dúm, quẹo quọ, không còn chiếc nào nguyên hình dạng: có chiếc hai đầu thun lại như bánh xe đồ chơi con nít; chiếc bẹp dúm khúc giữa, chiếc vặn xoắn như thể chúng là nơi để các tay trẻ kia trút bỏ nỗi bực tức gì đó. Thấy anh ngơ ngác, bần thần trước đống vỏ bia, Ngọ bước lại vỗ vai: “Xong xuôi cả rồi. Ông được nhận việc từ hôm nay. Lương công nhật khởi điểm ba mươi ngàn đồng ngày. Công việc như tôi đã nói. Còn trong quá trình làm việc, ông khá lên, mọi chuyện suôn sẻ thì sẽ tăng dần. Bữa nay chỉ là buổi ra mắt, OK?”. Hà, chặt đá, rót bia cũng là cách thể hiện chút tài mọn trong buổi đầu thử việc đối với một lão già, anh nghĩ bụng một cách cay đắng,
Nhìn bản mặt câng câng của Ngọ, Trọng linh cảm sẽ có chuyện không hay, không biết sẽ đổ xuống đầu ai, anh hay Ngọ. “Sao? OK chứ?”. Không “OK” với hắn sao được khi anh đã giải thích với vợ con rằng: ba bốn năm nay cứ phải ngồi ròng ở nhà cũng đã thấy ngán. Đi với Ngọ như cái cớ cho đầu óc thanh thản, kiểu đổi gió; ngồi ngốn mãi đống sách tây tàu đến nhàu nát, mấy dĩa nhạc cũng bắt đầu sướt mặt, giừn giựt, rột rẹt đến thê thảm. Nói chung là chân tay, đầu óc thừa thãi, rỗng nhiều. Vợ anh không ngăn cản, cũng không khuyến khích, chỉ nói một câu nhỏ nhẹ: “Ông hãy coi chừng Ngọ, tay đó không vừa đâu”. Trọng trấn an: “Bà yên tâm, tôi cũng đã trộng tuổi rồi”.
Và giờ này Trọng đang ở một xó rừng cách xa làng xóm; đêm nằm nghe gió lướt thướt réo trên ngọn cây, chim thú cất tiếng rê dài như than, như oán; muỗi mòng vo ve suốt đêm ngày, đôi lúc cũng cảm thấy thanh thản, như bước lui dần ra khỏi chốn tục lụy trần ai, đôi khi cũng thấy hiu hắt như bị bỏ rơi, bị tù đày biệt xứ.
Ngọ thì bình thản như không, có lẽ hắn đã quá quen với những cảnh ngộ như thế này, chai lỳ, trơ trấc, trơ đến độ khi tiếng máy xe chìm khuất bên kia đèo, Ngọ phun bãi nước bọt chửi: “ Đù má chúng sẽ biết tay ông, còn bao nhiêu chả, nem chua chúng đều túm bỏ lên xe. Bần tiện đến thế là cùng. Việc lớn không tiếc lại đi tiếc chuyện vặt. Rõ cái giống đàn bà nhà quê, dơ dáy”. Ngọ lõi đời, chú ý đến từng chi tiết một. Anh thấy trong đôi mắt Ngọ hình như đang bắt đầu lóe lên một tia chớp hằn học, dữ dội; bắt đầu những toan tính kiểu nợ đời. Anh biết phận mình, không buồn nghĩ ngợi lung tung như Ngọ. Bỡi mọi chuyện đến với anh đều khá đột ngột. Ngay cả chuyện đột ngột bưng đá rót bia như thể lần đầu tiên được thử thách để được công nhận làm một con người thực thụ.
Ngoài kia, thỉnh thoảng gió lại rít lên trên ngọn cây, rồi đột ngột im bặt.
Ngọ kéo cổ chân anh:
- Ông Trọng, đậy đi. Gió hiu hiu, ghê bỏ mẹ. Bão sắp tới rồi đấy!
- Tới thì mược kệ nó, tôi với ông có cản được đâu?
- Sao nghe ghê quá đi mất, Thà là ầm ầm lên hay không là gì cả. Đằng này cứ hiu hiu nặng trịch, vẻ như cầm tảng đá to sắp sửa xán xuống đầu tụi mình vậy. Dậy đi, làm hớp rượu lấy tinh thần chống bão!
- Chống với chả chế – Trọng gắt – Hồi chiều ông bảo đè cứng bạt phủ xi măng rồi còn lo nỗi gì?
- Không phải chuyện đó. Xi măng khô ướt thì dính dáng gì tới mình. Có điều tôi thấy như trời đất sắp sập tới nơi rồi. Sập thiệt chứ chẳng chơi!
Trọng quay mặt vào vách:
- Vớ vẩn.
- Ông dậy mà lắng tai nghe này. Nó ùng ùng, ục ục xa lắc như đau thắc, như giận dữ, chực trút xuống đầu mình. Kiểu è ạch, khuông khuổng của đàn bà lần đầu tiên đau đẻ, mắc cỡ, không dám rên la!
Trọng nghĩ: hắn cũng có đầu óc, cũng biết liên hệ, véo von ra trò, bèn nhỏ nhẹ an ủi:
- Khéo tưởng tượng.
Tuy nói cứng, nhưng bụng dạ vẫn thấy lo lo, không biết bão tới thiệt thì vợ con ở dưới xuôi sẽ xoay trở ra sao. Chái nhà sau đã rệu rã, lỡ mà sập xuống... Nghĩ và anh ngồi bật dậy, huơ chân xuống nền đất tìm đôi dép. Ngọ xìa ly rượu về phía anh, nói:
- Làm một ly lấy tinh thần.
Trọng gạt tay Ngọ và bước ra ngoài. Trời đầy sao, không gợn mây. Bầu trời không đen, không xanh, không xám mà tái tím, hâng hâng đỏ trong nền đen thẫm đến quái dị của một thế giới nào lạ hoắc, treo lơ lửng trên cao. Cây cối đứng im phăng phắc như những chiến binh trước giờ xung trận. Tất cả đều căng thẳng.
Ngọ theo ra, đứng sau lưng tự lúc nào, lên tiếng:
- Hay mình bỏ quách, dông về dưới, ở đây biết nhà cửa thế nào?
- Muốn đi cũng không được. Người ta đã giao việc cho mình, không thể bỏ nửa chừng.
- Vậy ông ở lại. Tôi về.
- Đi đâu giữa rừng núi khuya khoắc thế này? Gần bảy chục cây số chứ ít sao? Rồi nửa đường bão đổ tới ông tính sao?
- Bụng dạ tôi không yên. Như ngồi trên đống lửa.
- Biết thế.
Ngọ quay trở vào lều. Còn một mình, Trọng đứng ngó trân ra phía bờ hồ sâu hoắm, tối đen. Những tảng đá nhấp nhô. Những lùm bụi lúp xúp ven bờ trải thành hàng dài trong bóng đêm, tối nhờ nhờ nom như những hình nhân đứng dạng chân cầu khấn thánh thần. Xa hơn, dãy núi đá vôi quẹt hình vòng cung, nhô thẳng lên cao, ngạo nghễ. Những âm thanh ùng ục đâu đó xa lắc vọng về rất mơ hồ. Rồi tiếng mển tác gọi bầy hoảng hốt, xé rách màn đêm. Tiếng dội gờn gợn, kéo dài trườn men theo các hóc núi làm đầy thêm nỗi bồn chồn, nao nao. Anh cứ đứng như vậy và nghĩ miên man cho tới khi bầy gà rừng te tát trong rừng sâu.
Trời sáng dần. Phía đông, một quầng đỏ bầm núp sau đám mây màu tro lửa. Vài hột mưa rớt lắc cắc trên đầu không ướt áo rồi ngừng bặt. Có lẽ bão đang tới thật, anh nghĩ bụng, lan man tới chuyện tay chủ thầu kia có lo lắng gì đến hàng chục tấn sắt thép, xi măng phơi trần trên bãi, có thể bị gió đánh bật, sũng nước? Giờ này vợ con ra sao nhỉ? Và những chủ nhân của những căn nhà ọp ẹp, xiêu vẹo? Những kẻ ở gầm cầu, vỉa hè?
Trọng buồn bã trở về lều nhóm lửa. Những que củi dốt nổ lép bép, xô bóng anh nhảy múa chập chờn trên vách bạt nhựa.Ngọ thì đang khoanh tròn trên tấm vạt, thù lu tựa con trăn no mồi.
Trời sáng bảnh. Mây vần vũ đến giữa trưa thì tan dần rồi bật nắng. Gió hiu hiu ve vẩy trên những cành lá rừng. Bão xa dần và chuyển hướng đâu đó. Bão đi về hướng nào, thì ở đó không ai mong đợi, nhưng dẫu sao nó không trút những tai ương xuống nơi này đã là điều phúc cho mọi người.
o
Sau buổi lễ khởi công, với những nghi thức cần thiết phải có, những ngày tiếp theo, nhân công bắt đầu ùn lên công trường. Xe xúc, xe lu... bò lổn nhổn trong lòng hồ, loay hoay như những con bò cạp trong chiếc chậu đất. Khói bụi mù mịt cả một góc rừng. Ngọ được tay chủ thầu giao việc chấm công và giám sát công trình. Trọng chỉ ngồi trong kho ghi chép nhập xuất vật liệu. Công việc khá nhàn nhã, trôi chảy, nên anh có đủ thời giờ để nghe và quan sát mọi chuyện chung quanh.
Thông tin đầu tiên phát ra từ miệng Ngọ:
- Cùng với đám lu, xúc, tải... ở mé bên kia đường, chỗ đám cầy và bằng lăng đó có bốn cái quán vừa dựng lên sáng nay. Hấp dẫn.
- Thì cũng cũng chè nước, bánh kẹo bột ngọt, mắm muối...
Trọng nói chưa hết câu, Ngọ đã chận lại:
- Ông như đứa con nít. Ba cái thứ ông nói chỉ là chuyện vặt, chuyện đời thường. Tôi muốn giới thiệu ông cái khác kìa.
- Khác gì?
- Nữa, ông lại ấm ớ hội tề nữa rồi. Nói mẹ nó ra, đó là khoản các em. Một đội quân môi son, má phấn, nước hoa thơm phức đang chờ phục vụ phe ta. Cũng có bia bọt, đèn ngọn xanh ngọn đỏ, mờ mờ ảo ảo và những thứ chỉ có bóng tối mới biết được. Cuối tuần, nhận tiền công, tôi đưa ông ra đó chiêu đãi một chầu mỏng.
- Thôi, dẹp đi, tôi không ham. Tiền bạc kiếm từng đồng chưa đủ nhét bụng còn bày vẽ này nọ. Liệu hồn, lần này vợ ông mà biết thì đừng hòng kéo tôi nói đỡ.
- Chuyện của tôi, ông khỏi lo - Nói và Ngọ bỏ đi.
Anh nghĩ Ngọ nói cho có chuyện nói, nói để khoe sự hiểu biết, lém lỉnh của mình. Không ngờ mấy ngày sau, một cô gái chừng trên ba mươi, không xấu, không đẹp, nhưng rất có duyên mò đến ngay chỗ lán trại chứa vật liệu. Trọng quan sát cô ta: không thấy bôi son trát phấn. Mái tóc dày, đen thả lưng lửng dưới vai, có vẻ nhà quê, chơn chất. Ban đầu anh cứ tưởng là công nhân của công trường, bèn hỏi, giọng cha chú:
- Ở đội nào mà giờ này còn lửng thửng như dạo chơi vậy, rảnh dữ đa?
Cô gái rụt rè:
- Dạ không. Chú cho hỏi thăm: anh Ngọ ở chỗ nào chú há?
- Cô tìm Ngọ?
- Dạ.
- Hắn xuống lòng hồ. Giờ này đông đúc, biết tìm đâu ra. Cô cứ nhắn lại.
- Dạ, thôi cũng được, để khi khác – nói và cô ta cảm ơn lí nhí trong cổ rồi quay đi.
Vừa lúc đó ba chiếc xe bục bịch trờ tới cùng một lúc, chìa ra lệnh xuất kho. Tay lái xe có bộ ria cong vểnh, nháy mắt:
- Bố khá đấy. Gìa vẫn còn duyên nhớ! – Nói và hắn vỗ vai anh.
- Cậu nói gì cơ?
- Con nói bố vớ được một em xinh nhất chốn này!
- Em nào? – Tôi hỏi.
- Thì em vừa nãy, vừa tâm sự với bố ấy. Bố còn giả bộ.
- Láo. Cô ta tìm Ngọ...
- Hà, cái lão chết tiệc...
Những chiếc xe nhận hàng quay đi, ném trả lại chỗ anh đứng một đám bụi mù mịt, như thể anh đang ở trong chốn mê cung. Thôi rồi, cái tay Ngọ này, anh lúng búng trong họng, nói không thành tiếng, giật mình chui vào lều, rót trà ra chén mà không hề đụng tới.
Đám lái xe đồn um lên rằng, mới mờ sáng cái ông Trọng già cồm, râu tóc xồm xoàm như giống người hoang dã, đã được cô em ở gốc bằng lăng vào chăm sóc. Cứ mỗi lần lặp lại thì chúng thêm thắt vài chi tiết giật gân hơn, đến độ anh phát cáu với Ngọ trong bữa ăn chiều:
- Ông thì lúc nào cũng mang tai họa tới cho người khác.
Ngọ phẩy đôi đũa đang cầm trên tay:
- Ui dào, ba chuyện tầm phào, cho nó vui, đã chết chóc ai đâu mà ông la toáng lên vậy?
- Chưa chết thật, nhưng tôi đây không quen cái cảnh đó.
Ngọ lúng búng miệng cơm đầy:
- Rồi sẽ quen dần, cảm thấy vui nữa...
- Vui cái con khỉ.
- Con nhỏ đó không như ông nghĩ đâu – Ngọ thêm – Coi vậy mà tình nghĩa, không như tụi chó má kia đâu.
Trọng bỏ mạnh chén cơm xuống mặt bàn gỗ sần sùi, bước ra ngoài với tâm trạng rệu rã mệt mỏi tận cùng.
Chiều xuống thấp dần rồi đen thẫm, chỉ còn nhìn thấy những ngọn đèn leo lét nổi lên quầng sáng mỏng manh từ các lều trại của nhân công quanh khu lòng hồ. Những âm thanh không rõ ràng dội lợn cợn như lớp sóng nhỏ xô dạt bờ kè. Ngồi trên đống đá lổn nhổn, anh cảm thấy gai lạnh nơi sống lưng, không phải nỗi run sợ mà như là sự hoảng loạn tâm thần khi Ngọ phun ra “... cảm thấy vui nữa”. Anh bắt đầu run lật bật. Lát sau Ngọ trở ra, miệng phì phèo đốm thuốc lá cháy đỏ, lập lòe như ma trơi:
- Xin lỗi ông chuyện hồi nãy. Tôi cứ tưởng ông đến chốn này ... mà ông làm sao vậy? Thôi rồi, ông bị sốt rồi – Nói và Ngọ vực bạn đứng lên, kéo vào lều.
Chưa bao giờ anh bị lạnh như lần này. Lạnh từ ruột gan lạnh ra; cả chân lông, chân tóc cũng run rẩy, răng gõ lập cập. Hai hốc mắt như đóng băng. Ngọ lôi tất cả những gì có trong lều đè đắp lên người, mền, chiếu, bạt nhựa và hình như cả những bao xi măng rỗng nữa. Vẫn không ấm lên mà càng như bị ngâm sâu dưới đáy thùng đá. Ngọ chạy đi đâu đó rồi lại trở về, cạy răng anh đổ vào thứ chất lỏng đắng ngắt.
Qua cơn lạnh dữ dội, khắp ngưòi lại nóng um như bị bỏ vào chảo rang cát. Trọng hất tung tất cả những thứ đắp chụp lên người.Cổ họng khô đắng. Ngọ xách bình nước kê vòi vào miệng anh, lầu bầu:
- Bỏ mẹ, ông bị sốt rét thiệt rồi!
Ngọ nói gì đó nữa, tiếng nói như những viên sỏi nhọn hoắc tự trên tầng cao liệng xuống, đầu đau buốt, mắt hoa lồi, đẩy anh vào nơi chốn tận cùng tối tăm, tận cùng uế khí.
Không biết đến ngày thứ mấy thì Trọng mới tỉnh lại. Khi mở được mắt ra, căn lều vắng ngắt như thể nơi này chỉ có mình anh tới cất lều để chạy trốn ai đó. Trọng cố ngẩng đầu, xoay nghiêng ra phía bên ngoài, nhưng thấy người nặng trịch, ê ẩm. Mọi vật trong gian lều liên hồi nhảy múa, không định rõ. Đầu ong ong. Hai tai cứ vo ve, lít chít như chiếc radio phát trật tầng số. Những âm thanh ấy còn khó chịu hơn là lạnh hay nóng tới tột cùng lúc trước. Trọng phát hiện có mùi gì đó như mùi khói củi bay ngược về phía anh, không thơm nồng như khi anh tự nấu cơm đun nước mấy ngày trước mà hăng hắc, khai nồng mùi nước tiểu trẻ con thấm lâu ngày dưới nền đất. Tiếng lao xao từ rất xa vọng về mơ hồ. Không rõ đang giữa trưa hay chiều, hay sáng?
- Chú ngồi dậy, uống chén thuốc – Giọng đàn bà cất lên.
Trọng hé mắt ra, nhưng chỉ thấy khoảng trống đen. Cái giọng kia lại cất lên:
- Chú ráng ngồi dậy – Nói và cái bóng đen chập chờn ấy đỡ xốc đầu Trọng dậy, kê chén thuốc, vỗ về như dỗ dành đứa em nhỏ.
- Không đắng đâu. Thuốc của đồng bào dân tộc. Toàn rễ cây và lá rừng, hơi nhân nhẩn thôi. Chú uống hết ấm này là thấy đỡ ngay mà.
Trọng ực một hơi rồi ngã phịch chiếc đầu nặng trịch xuống gối làm bằng thân gòn kê thêm lớp áo quần. Tiếng bước chân lẹt xẹt xa dần. Trọng thiếp đi, cho đến khi có bàn tay mát lạnh đặt lên trán và tiếng reo, vui, trong như tiếng trẻ thơ:
- Mát rồi, chú mát rồi. Chú ngồi dậy húp chén cháo rồi uống ít ấm nữa là khỏi ngay – Vẫn cái giọng quen thuộc cất lên.
Lần này thì Trọng mở được mắt, nhìn được rõ ràng mọi vật chung quanh. Cô gái đang đứng bên mép vạt, sát dưới chân anh chính là cô ta, người đã tìm hỏi Ngọ.
- Tôi bị đã mấy ngày rồi? Ngọ đâu?
- Li bì cả tuần. Chú mê hoảng la khóc làm cháu sợ hết hồn. Thuốc của đồng bào hay lắm. Anh Ngọ vừa làm phần việc của ảnh, vừa thay chú xuất kho, nên cứ chạy lên chạy xuống hồ. Chú húp chén cháo kẻo nguội. Mấy ngày rồi chú có ăn uống gì đâu.
Trọng gượng ngồi dậy, dựa lưng vào cột lều bằng cây rừng, hai tay run run đỡ chén cháo. Tay run quá làm cháo sánh ra ngoài.
- Cô có nghe Trọng nói công việc ra sao không?
Giọng nhỏ nhẹ của cô gái:
- Dạ không. Mà hình như cách đây mấy ngày đám lái xe ra quán thầm thì to nhỏ gì đó. Hình như anh Trọng xuất vật liệu sao đó không tới công trường, hai bên cãi nhau.
Anh liếc nhìn về phía cô gái và nghĩ thầm:“thôi rồi, cái thằng cha hám tiền này”. Tự dưng tay anh run bắn lên làm chén cháo trong tay lắc lư bần bật.
- Chưa được, chưa được. Để cháu – Nói và cô ta bưng chén bón từng muỗng nhỏ cho người bệnh, kiểu mẹ chăm sóc con.
Ăn đâu hơn ba bốn muỗng, tự dưng nước mắt Trọng chảy ra. Anh chống hai tay xuống vạt, không hiểu tại sao mình có thể khóc dễ dàng như vậy? Và vì cớ gì? Trọng thấy ban đầu cô ta có vẻ hơi ngạc nhiên, bối rối. Rồi như không thể kềm lòng, nước mắt cô cũng chảy xuống, lặng lẽ. Những giọt nước mắt lăn tròn của một già, một trẻ nơi góc rừng heo hút, bụi tung ngất trời.
(Tặng PhạmVăn Nhàn, những ngày ở Trại)