Từng người lần lượt xuống xe. Nhà văn Cao Duy Thảo, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hoà, với tư cách “chủ nhà” và là người trực tiếp đưa đoàn khách văn - những trại viên của trại viết tiểu thuyết năm 2003 của Hội nhà văn TP.HCM, đến khu du lịch Ba hồ, nơi cách thành phố Nha Trang hơn 20 cây số. Dừng lại bên lối đi, anh Thảo thân thiện nói với mọi người: “Cứ thong thả để đủ sức đi hết ba hồ!”.
Đoàn người, kẻ trước, người sau, chầm chậm đi theo con đường mòn nằm dọc theo dòng suối. Tiếng suối rì rào. Tiếng chim ríu ra ríu rít, không sao phân biệt được đâu là tiếng hót của chích choè, của chim sáo, chim cu v.v… chỉ biết đó là bản hòa âm tở mở của rừng và suối trong nắng mai.
Nắng lọt qua kẽ lá. Nắng vương trên vai, trên tóc. Nhìn nắng, nhìn những mái tóc ngả màu sương, tôi chợt nhận ra, đa số thành viên trong đoàn đều cao tuổi. Và có lẽ, một phần do sức nặng của tuổi tác mà nhiều người, dù rất muốn, cũng đành dừng lại bên những tảng đá được thời gian đục đẽo, bào mòn có thể làm chỗ ngồi, chỗ dựa hoặc chỗ nằm thoải mái giữa lòng suối cạn. Nhà văn Thùy An, trước khi lên xe trông chị tươi trẻ hăm hở, bởi trước đó mấy phút, chị nhận được cú điện thoại từ Hà Nội của đạo diễn Lê Đức Tiến, giám đốc hãng phim Giải phóng, chính thức báo tin kịch bản phim truyện: “Tiếng dương cầm trong mưa” của chị đã được duyệt và chuẩn bị thực hiện; vậy mà chỉ sau gần hai cây số đi trên con đường thoai thoải dốc, trông chị bơ phờ. Nhà văn Kim Hài, người viết khá sung sức với hàng loạt truyện dài không chỉ dành cho thiếu nhi, lại dễ dàng đuối sức sau hai mươi phút lên dốc. Nhìn gương mặt đỏ lựng vì mệt của Thùy An, Kim Hài, hai cây bút quen thuộc của “Tuổi hoa” ngày nào, tôi thấy se lòng, biết tuổi hoa đã rời xa hai chị, dẫu ký ức tuổi hoa, tình yêu tuổi hoa vẫn chan chứa trên từng trang viết của các chị. Khác với Thùy An, Kim Hài; nhà văn Minh Quân như quên đi tuổi tác. Bốn ngày sống bên chị (tôi gọi chị bởi tâm hồn trẻ trung của chị, chứ về tuổi đời, tôi chỉ bằng con út của chị) ở Nhà sáng tác Nha Trang, tôi được chị “tiếp sức”mới có thể đuổi kịp chị: chạy ra bãi tắm, vùng vẫy, nô đùa; chạy dọc theo bờ biển đón bình minh hay nhìn hoàng hôn… Chị chân thành bộc bạch, nhất là bộc bạch niềm khao khát được đi, được cảm, dù chị đã chu du nhiều nơi, nhiều nước. Nhìn Thùy An, Kim Hài thở ngắn thở dài, lão nhà văn Minh Quân nói khích: “Hai mi dựa nhau mà ngủ, tau leo núi lên tắm nước hồ đây!”. Dứt lời, tác giả của “Những ngày cạn sữa” quay lưng, bước đi. Bất ngờ, đôi chân bỏ dép vấp vào một gờ đá, trượt té. Chân phải của chị chuồi xuống một khe đá. Thùy An, Kim Hài bật dậy, lật đật kéo nhà văn Minh Quân lên. Bàn chân chị đỏ tấy, đầu gối phải cũng xây xát. Chị xoa chỗ đau, nhìn tôi, ấm ức tiếc: “Em đi đi, nhớ múc nước hồ về cho chị!”rồi chị lôi từ trong túi ra chiếc bọc ni-lon dúi vào tay tôi. Cầm chiếc túi nhựa trong tay, tự dưng, tôi thấy cay cay nơi sống mũi. Niềm háo hức được leo núi tắm hồ của chị Minh Quân chỉ còn là ao ước. Thế là, sau hai mươi phút đi theo con đường mòn thoai thoải dốc, đoàn người tiếp tục leo núi chỉ còn lại các nhà văn: Thanh Giang, Trần Thanh Giao, Cao Duy Thảo, Lê Văn Duy, Tố Hoài, tôi và hai nữ cán bộ của Hội VHNT Khánh Hòa là chị Lan, chị Ngọc.
Càng lên cao địa hình càng hiểm trở. Gần như chưa có lối mòn. Cỏ cây và nhiều loại dây leo phủ kín lối đi. May là có những mũi tên chỉ đường. Những mũi tên bằng nước sơn màu đỏ được vẽ lên những phiến đá. Những phiến đá rong rêu, trơn trợt với hình dáng, kích cỡ khác nhau, chồng xếp lô xô hoặc rời rạc, lởm chởm. Lần theo những mũi tên, leo lên, tụt xuống, mồ hôi vã ra, ngoảnh lại, thấy đoạn đường vừa đi được chỉ chừng mươi mét. Cứ thế, người sau lần theo dấu chân người trước, chúng tôi đến được hồ thứ nhất.
Gọi là hồ chứ thực ra là cái ao nước trong soi rõ mây trời, soi rõ sắc màu những cánh bướm rập rờn, lúc la đà trên mặt hồ, lúc chấp chới bám vào vách đá, lúc nhẩn nha đáp trên những cành lá trổ hoa tim tím. Sau những tảng đá và những lùm cây rậm rịt thấp thoáng hai bóng người lúi húi vớt lá rụng và các thứ rác mà khách vứt lại trong chuyến du ngoạn. Sau một lúc nghỉ chân, đoàn tiếp tục đi.
Khoảng cách giữa hồ thứ nhất và hồ thứ hai càng khó vượt. Dù chưa một lần đặt chân đến triền núi này, nhà văn Cao Duy Thảo vẫn xung phong đi trước. Không còn nhìn thấy những mũi tên sơn đỏ, anh Thảo vừa đi vừa mở đường. Nhiều đoạn quá cheo leo, chúng tôi vừa bám ngón chân vào đá, vừa nắm lấy những thân le ngã rạp trên lối đi. Khi xuống dốc, lại càng thận trọng. Ai cũng bám và nương theo những thân le dẻo dai.
Đến được hồ thứ hai, đếm quân số thấy thiếu hai người. Chúng tôi ngồi thở và lau mồ hôi trên những phiến đá lô nhô quanh bờ hồ. Không nói ra nhưng có lẽ ai cũng ngóng chờ anh Thanh Giang và anh Thanh Giao, hai nhà văn vốn miệt mài đi, miệt mài viết, đã có số “vốn liếng” lên đến hàng ngàn trang sách với cuộc hành trình hàng vạn dặm dọc ngang đất nước; và không dừng lại đó, sau trại viết lần này, anh Thanh Giang sẽ hoàn tất bộ tiểu thuyết “Sóng Hàm Luông” hoành tráng chất sử thi, anh Thanh Giao thì như đang dồn hết tâm lực cho một tác phẩm dài hơi.
Đợi gần nửa giờ chẳng thấy bóng dáng anh Giang, anh Giao; anh Thảo nhìn những người có mặt, hỏi: “Chúng ta có đi tiếp lên hồ ba?”. Chị Lan, chị Ngọc, hai người phụ nữ lần đầu tham gia cuộc leo núi, cùng nói: “Các anh đến đâu, chị em chúng tôi đến đó!”. Nghe cánh phụ nữ nói như thế, anh Thảo, nhà văn ngấp nghé tuổi lão như trẻ và khoẻ ra. Rời chỗ ngồi, anh Thảo nhẹ nhàng tụt xuống một gờ đá gie ra mặt hồ và nhảy sang bên kia bờ hồ. Men theo bờ đá anh đi thêm một đoạn nữa và đành khựng lại vì mất lối. Vách đá sừng sững bao bọc chung quanh, trông anh Thảo như đứng chênh vênh trên miệng vực. Thấy lo, tôi vội ngăn: “Anh Thảo ơi, quay lại đi, nguy hiểm lắm!”. Anh Duy đang căng mắt tìm đường, lên tiếng: “Nguy hiểm cũng có thể vượt qua, chỉ sợ lạc đường, đi hoài không tới!”. Nhìn vẻ mặt bồn chồn của anh Duy, tôi đoán chắc anh đang nhớ lại những năm tháng vượt sông băng rừng, nhớ những ngày tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh. Dự trại viết lần này, anh Duy miệt mài chỉnh sửa bộ tiểu thuyết dày 500 trang, trong đó tái hiện phần nào nỗi gian truân thần thánh mà con người phải vượt lên trong cuộc kháng chiến vệ quốc.
Anh Thảo trở lại ngồi trên phiến đá, cũng bồn chồn đưa mắt nhìn quanh. Tôi cũng đưa mắt tìm kiếm với hy vọng lối lên hồ đâu đó quanh đây, có thể bị che khuất bởi một tảng đá hay một thân cây cổ thụ. Tuy nhiên, cái lối đi chưa tìm thấy khiến mọi người thắc thỏm. Nhà văn - bác sĩ Tố Hoài thốt lên: “Thôi, đành ngồi đợi hai người vớt lá đến đây nhờ họ chỉ đường!”.
Trong lúc chờ người vớt lá rừng, tôi lại nhớ cái điều tưởng như không ăn nhập gì với “hoàn cảnh” hiện tại; tôi nhớ lời phát biểu của nhà văn Nguyễn Gia Nùng trong cuộc Hội thảo về tiểu thuyết (do Hội Nhà văn TP.HCM và Nhà sáng tác Nha Trang tổ chức) cách mấy ngày trước đây. Anh Nùng khẳng định: người viết chúng ta có tài nhưng bị ức chế nhiều quá; ngòi bút chưa được giải phóng không phải do tác động bên ngoài mà do chính bản thân, do thói quen giấu mình, thói quen né tránh, thói quen không dám bộc lộ…
Và cái thói quen tự giới hạn mình cũng đang có trong tôi. Khi không thấy bóng dáng của hai người đàn ông vớt lá (có lẽ họ quay lại hồ), tôi thở phào, thấy như nhẹ người và thầm nghĩ: nếu có người chỉ đường thì sẽ phải trầy trụa thịt da đây! Tôi vội nói với anh Thảo: “Đừng chờ nữa, anh em mình về thôi!”. Nói xong tôi men theo một gờ đá, định cúi xuống mặt hồ múc đầy một bịch nước như lời dặn của chị Minh Quân; tới lúc đó, tôi mới biết cái túi ni-lon đã rơi mất trên đường.
Quay xuống hồ 1, chúng tôi gặp hai đứa trẻ trạc tuổi mười một mười hai. Chúng nhảy chân sáo từ phiến đá này sang phiến đá khác. Tôi dừng lại, bắt chuyên với chúng và được biết, ngày nào anh em hai đứa trẻ cũng leo núi lên hồ lượm vỏ lon, vỏ hộp về đổi gạo; khi ít, khi nhiều, ngày nào cũng góp phần phụ giúp mẹ cha. Tôi hỏi chúng khoảng cách từ hồ 2 sang hồ 3. Thằng em nhanh nhẩu trả lời: “Tụi cháu đi khoảng mười phút, đi tắt còn lẹ hơn. Tụi cháu cũng lên đó, cô đi không?”. Nhìn mồ hôi lấm tấm trên vai trên cổ những người cùng đi, tôi biết không một ai còn đủ hào hứng để quay trở lại, để lại đi tiếp con đường chưa đi, dù chỉ phải mất có 10 phút, chỉ 10 phút sẽ đến được cái hồ nước cuối cùng - cái khoảng thời gian thật quá ngắn, ngắn như một tích tắc so với cuộc hành trình đằng đẵng của một đời người; hơn nữa, mặt trời đã lên cao.
Chúng tôi trở lại chỗ lòng suối cạn và gặp lại đủ mặt. Anh Thanh Giang, Thanh Giao đang ngồi ghếch chân trên một mỏm đá. Thấy chúng tôi, hai anh cũng mở rộng nụ cười. Nhưng hình như cười mà trong ánh mắt không lóng lánh niềm vui.
Thức ăn được bày ra. Có rất nhiều thứ: xúc xích, patê, giò lụa, bánh mì Đức Phát, nước suối La vie…nhưng hình như thiêu thiếu cái gì đó. “Cái gì đó” có lẽ là thiếu sự hứng khởi của một chuyến du ngoạn, thiếu cái cảm giác được phiêu lưu, được khám phá và chinh phục. Còn tôi, lại cảm nhận rất rõ sự khuất phục của con người trước thời gian. Tảng đá này, con suối này, cánh rừng này, khoảng trời này và cả những cái hồ nho nhỏ trong veo trên lưng chừng triền núi nữa… dẫu mười năm, năm mươi năm hay trăm năm nữa có lẽ chúng chẳng thay đổi là bao. Nhưng những người ngồi đây, những mái đầu đã bạc, những đôi chân đã mỏi, liệu còn có dịp để một lần nữa, quay lại nơi này! Và tôi cũng hiểu vì sao nhà văn Minh Khoa với biệt danh là “Tám Khoẻ” (tên một nhân vật trong tác phẩm Người ven đô của ông) giờ đã không còn đủ khoẻ để đến được lòng suối cạn này (ông đang ở lại Nhà sáng tác) cứ tranh thủ từng giây cặm cụi bên trang bản thảo, bởi ông biết thời gian phía trước còn ít lắm.
Vừa nhai bánh, vừa dõi mắt theo sự di chuyển nhẹ nhàng của những con gọng vó trên mặt nước, nhà văn Cao Duy Thảo chợt nói: “Ước gì con người ta cũng nhẹ như thế để bay lên!”. Tôi thì lại ước, nếu được bay, tôi sẽ bay lên hồ 3, cái hồ cuối cùng mà chúng tôi chưa tới được, để múc đầy bịch nước trong veo đem về cho chị Minh Quân.
Nha Trang, 09/06/2003