Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
743
123.239.086
 
Dựng kịch về lịch sử dễ hay khó?
Tuấn Thiện

Tái hiện nhân vật lịch sử bằng những con người cụ thể trên sân khấu, giúp cho khán giả hiểu rõ hơn về lịch sử là khát vọng của những người làm sân khấu. Nhưng tái hiện thế nào cho nó sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn người xem, mà vẫn giữ được sự chân thật của lịch sử không phải là điều dễ dàng...

 

Bí mật "bị chết" vì bật mí?

 

"Bí mật vườn Lệ Chi" được phép diễn lại nhưng cũng phải "lau chùi" sạch những dấu vết, nghĩa là không được nói vua Lê Nhân Tông không phải là con của Lê Thánh Tông(?!).

 

Cách đây 7 năm, khi NSƯT Thành Lộc dựng vở "Bí mật vườn Lệ Chi" của tác giả Huỳnh Hữu Đản, tất cả anh em trong giới, khán giả, báo chí đều ủng hộ. Thế nhưng sau khi công diễn một thời gian, đến buổi truyền hình trực tiếp trong chương trình "Dưới ánh đền sân khấu" của HTV thì đột ngột nhận được chỉ thị, không được trực tiếp, vì nội dung vở kịch phản ảnh sai lịch sử (?!).

 

Sau sự việc đó, các nhà sử học bày tỏ quan điểm trên báo chí, không tán thành những tình tiết hư cấu trong vở kịch của tác giả Huỳnh Hữu Đản, mà cụ thể là không đồng ý việc hư cấu vua Lê Nhân Tông không phải là con của Lê Thái Tông. Lúc đó, ê - kíp dựng vở rất buồn, nhưng đành phải nhìn đứa con tinh thần mà họ dày công ấp ủ nằm trong kho...

 

Thực ra chuyện hư cấu của tác giả Huỳnh Hữu Đản không phải là không có lý. Theo những lời đồn trong dân gian, trước khi về làm vợ vua Thái Tông, Nguyễn Thị Anh đã dan díu với Lê Nguyên Sơn, một người thuộc dòng dõi xa họ dưới thời của ông Lê Khoàng (bố của Lê Lợi). Và bà sinh ra Bang Cơ khi mới vừa mang thai 6 tháng. Trong cuốn "Đinh Ngọc Gia Phả" do Đinh Công Nhiếp biên soạn, thái sư Đinh Liệt đời nhà Lê đã có lời bình về sự kiện này bằng những câu thơ:

 

Nhung Tân hà hữu Tống Thai tinh

Lục nguyệt khai hoa quái dị hình

Niên nguyệt nhật thời Đinh Thắng ký

Hoàng bào ô nhiễm vạn niên thanh

(Nhân Tông đâu phải máu Thái Tông

Sáu tháng hoài thai cảnh lạ lùng

Năm tháng ngày giờ Đinh Thắng chép

Hoàng bào dơ bẩn tiếng ngàn năm. (Theo "Các chuyện tình vua chúa hoàng tộc VN", tác giả Đinh Công Vĩ biên soạn.

 

Quan thái giám Đinh Thắng là người ghi ngày giờ vua nằm với phi tần. Do biết được chuyện Thị Anh có thai trước nên đã mật báo với Nguyễn Trãi và thái sư Đinh Liệt. Và phải chăng, vì muốn bịt đầu mối và để tránh phải cái tội chết, nếu như vua Lê Thái Tông biết được sự thật, nên Nguyễn Thị Anh đã tạo ra quyền biến ở vườn vải Lệ Chi, dùng kế "nhất tiễn xuyên nhị điêu", vừa giết được vua, vừa giết được Nguyễn Trãi. Chưa hết, sau án lệnh giết Nguyễn Trãi thi hành khẩn cấp vào ngày 16/8/1442. Bà Thị Anh giết luôn 2 quan thái giám Đinh Thắng và Đinh Phúc để diệt trừ hậu loạn và xóa hết mọi dấu vết?

 

... 7 năm sau "Bí mật vườn Lệ Chi" được phép diễn lại nhưng cũng phải "lau chùi" sạch những dấu vết, nghĩa là không được nói vua Lê Nhân Tông không phải là con của Lê Thánh Tông(?!). Khi mất đi cái "cốt" của kịch, mất đi cái xung đột chính, ê - kíp dựng vở đành phải hướng vấn đề vào sự ghen tuông, tranh giành quyền lực của những người đàn bà trong cung cấm và chính từ sự ghen tuông tranh giành quyền lực này dẫn đến bọn thái giám giật dây, bày mưu tính kế giết chết Lê Thánh Tông để giành ngôi cho con của bà là Bang Cơ (vua Lê Nhân Tông).

 

Mặc dù, ê - kíp đã rất cố gắng, dồn hết công sức của mình vào trong đó, nhưng phiên bản "Bí mật vườn Lệ Chi" mới này vẫn thua xa phiên bản đầu tiên, chỉ một lẽ duy nhất, thiếu sự hấp dẫn, thiếu những tình tiết gay cấn, hồi hộp, và cuối cùng là thiếu kịch tính.

 

Dựng kịch lịch sử dễ, mà khó?

 

Rất nhiều vở kịch, cải lương khác cũng rơi vào trường hợp này. 4 năm trước, nhà hát cải lương Trần Hữu Trang từng bị con cháu dòng dõi Nguyễn Bặc, Đinh Điền kiện vì đã dựng vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga xuyên tạc ông cha của họ vốn được sử sách ghi công và lập đền thờ. Cuối cùng, Bộ VH- TT phải cho ngưng vở diễn đó lại. Dương Vân Nga được sử sách ghi lại như một nữ anh hùng dân tộc, đã vì nghĩa lớn mà trao long bào, nhường ngôi cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Nhưng theo Đại việt Sử ký Toàn thư thì không phải vậy.

 

Bà đã tư thông với Lê Hoàn và điều này đã được Sử thần Ngô Sĩ Liên cười chê, khinh miệt. Hơn nữa, lịch sử nhà Đinh không có ai tên là Dương Vân Nga (cái tên này là do tác giả Trúc Đường - em của nhà thơ Nguyễn Bính - tự đặt mà thôi), chỉ có Dương Thị Ngọc Vân. Bà là vợ của 3 vua: Ngô Văn Xương, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn. Bà cũng là người duy nhất trong lịch sử nhân loại khi làm hoàng hậu của 3 triều đại.

 

Hồn Thơ Ngọc của tác giả Lê Duy Hạnh lại vướng vào một "sự thật" khác. Khi nhà Tây Sơn sụp đổ, để trốn tránh sự truy sát của nhà Nguyễn Ánh, Ngọc Hân phải bồng con thơ chạy trốn trong rừng, nhưng mà lúc này 2 đứa con của Bắc Cung hoàng hậu đã 10 tuổi, lấy đâu ra con thơ nữa để chạy trốn!

 

Nói điều này ra để cho thấy rằng, việc dựng kịch lịch sử trên sân khấu dễ nhưng mà khó. Dễ là vì chúng ta có sẵn một kho tư liệu để mà sáng tác, nhưng khó là làm sao để thuyết phục người xem những gì mà ta hư cấu thêm, đưa vào vở kịch. Muốn làm được điều này, đòi hỏi tác giả phải có sự am hiểu sâu về lịch sử và phải biết cách hư cấu để không gây tranh cãi.

 

Vẫn biết là khi dựng kịch lịch sử, các tác giả cũng nên cẩn trọng, cân nhắc khi hư cấu trong tác phẩm, bởi sức tác động của một tác phẩm nghệ thuật đến nhận thức của người xem là rất lớn, không khéo sẽ khiến cho khán giả có những cái nhìn sai lệch về lịch sử. Nhưng nghệ thuật là sáng tạo, nếu chỉ là những sáng tạo dựa trên những cứ liệu có cơ sở thì vẫn có thể đừng quá cố ép vào cái khung của chính sử. Đó là chưa kể đến chuyện ngay cả chính sử của các triều đại cũng còn nhiền bàn cãi về mức độ thật hư.

 

Tin tức online Theo Thế giới nghệ sĩ

Tuấn Thiện
Số lần đọc: 2550
Ngày đăng: 31.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kịch hình thể - Sự hấp dẫn không lời - Hồng Nga
Đạo diễn Lê Hùng: “Lạ hóa” sân khấu kịch - Nguyễn Thị Minh Thái
Vì sao kịch miền Nam không ra được đất Bắc? - Hòang Kim
Để kịch nói không còn là khoảng trống trong đời sống văn hóa ở Cần Thơ - Nhâm Hùng
Tim tôi ở Cao nguyên -phần 1 - William Saroyan
Tim tôi ở Cao nguyên -phần 2 - William Saroyan
Tim tôi ở Cao nguyên -phần 3 - William Saroyan
Tim tôi ở Cao nguyên -phần 4.hết - William Saroyan
Ðôi điều về phát triển kịch múa - Trần Phú
Kịch Noh là gì ? - Hạnh Linh
Cùng một tác giả