Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
686
123.237.923
 
Nguyễn Trọng Tạo – Người tự sắm vai mình
Lê Huy Mậu
PAN style="FONT-SIZE: 10pt; FONT-FAMILY: Arial">

Nguyễn Trọng Tạo thuộc lớp nhà thơ tiêu biểu thời kỳ chống Mỹ. Nếu phải phát biểu ngắn gọn về thơ của lớp nhà thơ này thì thơ Hữu Thỉnh là thơ lấp lánh. Thơ Phạm Tiến Duật là thơ thông minh. Thơ Nguyễn Đức Mậu là thơ đậm đà. Thơ Nguyễn Duy là thơ thuần Việt . Thơ Bằng Việt là thơ trí tuệ. Thơ Vũ Quần Phương là thơ sang trọng. Thơ Nguyễn Trọng Tạo là thơ tài hoa. Thơ tài hoa là thứ thơ khiến người ta có cảm tưởng như đó không phải là kết quả logic của tư duy mà là sự thăng hoa của ngôn từ.

 

Đã và sẽ còn có nhiều công trình nghiên cứu nghiêm túc về họ. Tôi chỉ “Kính nhi, viễn chi”, cứ bạo miệng nhận xét vắn tắt thế. Đúng hay là sai, ý kiến của tôi cũng không mấy quan trọng.

 

Tôi gặp nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo lần đầu tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ III (tháng 12-1985). Đấy là đêm đi xem ca nhạc do Nhà hát Ca-Múa-Nhạc Việt Nam biểu diễn phục vụ hội nghị tại Cung Văn hóa lao động, Hà Nội. Khi nhà văn Chu Lai giới thiệu tôi với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, anh nói ngay: Lê  Huy Mậu phải không? Bài thơ “Cầu Tiên” in trên Văn Nghệ Quân Đội của Mậu là mình biên tập đấy. Hồi đó, được một nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Trọng Tạo nhớ đến tên, nhớ đến tác phẩm của mình là sướng lắm. Tôi mừng rơn!

 

Cùng dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ ba với tôi có 156 đại biểu chính thức. Nhiều tác giả trẻ nhưng tên tuổi của họ đã lẫy lừng khắp trong Nam, ngoài Bắc như Nguyễn Quang lập, Nguyễn Đức Thọ, Y Phương, Hồ Anh Thái, Đinh Thị Thu Vân, Nguyễn Trọng Tín… Tôi lọt thỏm vào cái hội nghị “toàn sao” ấy nên không dễ gì gặp được Nguyễn Trọng Tạo lần nữa.

           

Sau lần đó, tôi có gặp Nguyễn Trọng Tạo một hai lần ở Huế. Chính xác là hai lần. Một lần là khi tôi tham gia đoàn cán bộ văn hóa Đặc Khu Vũng Tàu-Côn Đảo ra Huế thẩm định mấy vở cải lương mới dựng của đoàn cải lương Trùng Dương, và một lần là cùng đoàn cán bộ Tuyên Giáo đi tham quan các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

           

Nguyễn Trọng Tạo là người dễ gần. Anh không cố tạo khoảng cách để phân biệt đẳng cấp với người đi sau, với người ngưỡng mộ mình. Tôi nguyên là một Chánh văn phòng. Có thâm niên trong việc tiếp các loại khách. Ngoài khả năng tổng hợp, viết văn bản, tôi còn có khả năng tự biết mình phải ngồi vào vị trí nào trong bàn tiệc. Không ai dạy cả. Không ai bắt mình phải ngồi chỗ này, hay chỗ khác trong bàn tiệc. Nhưng nếu mình láu táu ngồi sai vị trí là có người khó chịu ngay. Là nhà văn, nhưng không phải nhà văn nào cũng dễ tiếp xúc, dễ gần. Tôi nhớ mãi, lần tôi dự hội nghị Văn hóa - Văn nghệ toàn quốc tại Cửu Long. Nhà thơ Hữu Thỉnh có tổ chức một buổi tham quan, tiếp xúc với Hội Văn nghệ Cửu Long. Đoàn chỉ có mấy người, trong đó có nhà thơ TT. Tôi cũng lịch sự bắt tay nhà thơ, rồi đi gần cạnh nhà thơ, nghe nhà thơ chuyện trò với nhà thơ Hữu Thỉnh suốt cả buổi. Nhưng tuyệt, ông không hề hỏi tôi công tác ở tỉnh nào, có viết văn hay làm thơ gì không? Nhà thơ Hữu Thỉnh, có lẽ là do thương tình tôi, thỉnh thoảng ông có quay sang nói với tôi một câu gì đó cho đỡ tẻ. Tôi không có cách nào “đi chỗ khác chơi”, đành phải làm chú cún con, lẽo đẽo theo chân hai nhà thơ lớn.

           

Với Nguyễn Trọng Tạo thì khác. Nguyễn Trọng Tạo nâng niu tất cả. Anh từng viết lời tựa, lời bạt cho các tập thơ trẻ, viết lời giới thiệu in báo cho nhiều tác giả mới có sách đầu tay. Bằng tất cả sự trân trọng cần thiết, mà không phân biệt người ấy đã nổi tiếng hay chưa nổi tiếng. Nguyễn Trọng Tạo khen chê rất chân thành, nhiều khi chân thành đến cực đoan. Người thiếu bản lĩnh, hay người luôn “quan trọng hóa” đẳng cấp của mình thường không dám mạnh dạn thế. Tôi biết, có nhiều nhà thơ đã thành danh hiện nay, nhưng những bước chập chững vào nghề luôn nhận được sự khích lệ, sự quan tâm đúng mực của Nguyễn Trọng Tạo. Không phải chỉ có tấm lòng, Nguyễn Trọng Tạo còn là “nhà” phát hiện tài năng văn học có đẳng cấp trong cả nước. Anh nhanh nhạy, sâu sắc, có khả năng “đọc” được các tiềm năng văn học dù chỉ mới đọc qua họ một bài, một chùm bài sáng tác đầu tay của họ. Chính nhà thơ Ngô Minh cũng rất khâm phục tài “đọc” tiềm năng văn học của Nguyễn Trọng Tạo.

           

Sau này, được quen biết, được uống rượu nhiều lần với Nguyễn Trọng Tạo, tôi thấy, anh luôn luôn quên mình là Nguyễn Trọng Tạo. Vui đến giọt rượu cuối cùng. Nhớ hôm liên hoan bế mạc trại sáng tác âm nhạc của Hội nhạc sĩ Việt Nam tại Vũng Tàu, Giám đốc nhà sáng tác Đỗ Mão cắn vào áo Nguyễn Trọng Tạo làm rách toạc cái áo anh đang mặc. Đỗ Mão cởi ngay cái áo của mình đưa cho Nguyễn Trọng Tạo và nói: Đây! Ông mặc cái áo này, đưa cái áo tôi cắn rách đây, cho tôi làm kỷ niệm. Kiến trúc sư Trần Tam Thiên - bạn Đỗ Mão thấy thế, bèn cởi ngay quần dài của mình ra để đổi quần với Nguyễn Trọng Tạo. Tôi thấy, cuộc đùa vui đã có phần hơi “quá trớn”, đã đến lúc phải dừng lại. Tôi sợ Nguyễn Trọng Tạo khó chịu, sợ anh nổi nóng lên thì có mà mất vui. Nào ngờ, anh cũng vui vẻ cởi quần dài ra trao đổi với Trần Tam Thiên ngay tại chỗ. Độ dài của hai vị khá là bằng nhau, nhưng vòng bụng của Trần Tam Thiên phải thua Nguyễn Trọng Tạo vài số. Một anh thì không cài khuy bụng được, còn một anh phải thắt túm quần lại.

           

Nguyễn Trọng Tạo là người đa tài. Điều đó nhiều người biết. Nhưng tôi còn nể anh ở sức làm việc, năng lực làm việc. Nhớ lần tôi theo chân Nguyễn Trọng Tạo đến nhậu ở nhà họa sĩ Văn Sáng. Dọc đường, có điện thoại của báo Gia đình trẻ em hẹn đầu giờ chiều xin anh bài viết về Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII vừa bế mạc. Nhậu riết, hết chai nọ đến chai kia, đến chiều, tôi sực nhớ ra anh còn nợ bài viết như đã hứa và nhắc anh. Nguyễn Trọng Tạo uống nốt ly rượu dở rồi mới ngồi vào bàn viết – khi anh cầm bài viết, chừng hai trang đánh máy A4 ra, nhậu tiếp, tôi phục lắm. Lại một lần khác, tại nhà khách Dầu khí cạnh nhà tôi, lúc nhậu về, cũng đã khá khuya. Tôi nằm lăn ra giường. Còn Nguyễn Trọng Tạo lôi máy laptop ra gõ cạch cạch. Tôi thiếp đi lúc nào không biết. Khi tôi tỉnh dậy, thấy Nguyễn Trọng Tạo gục đầu lên màn hình máy laptop ngủ ngon lành. Tiếng ngáy nghe êm đều như tiếng xe máy chạy rôđa. Tính thức anh dậy lên giường ngủ nhưng thấy anh đang ngủ ngon lành quá, đành thôi. Gần sáng, thc dậy, tôi lại đã nghe tiếng gõ máy laptop lạch cạch rồi. Anh vừa làm xong cái trả lời phỏng vấn cho một tờ báo nào đó - để ngày hôm sau đã có thể “ngồi” với bạn bè cả buổi được!

           

Mỗi nhà văn có một phong cách lao động sáng tạo riêng. Các nhà văn lớn, theo chỗ tôi biết, thường có chút gì đó hơi đồng bóng, khác thường. Trời phú cho họ một trí nhớ tuyệt vời, một trí tưởng tượng tuyệt vời. Quá trình sáng tạo là quá trình nhập đồng, là sự thăng hoa của trí tưởng tượng. Tôi không định so sánh Nguyễn Trọng Tạo với những tài năng lớn, tôi chỉ muốn nói về phong cách lao động sáng tạo của Nguyễn Trọng Tạo có gì đó cũng nhập đồng, cũng thăng hoa khác thường. Anh làm việc trong một trạng thái không chuẩn bị sẵn, không theo một kế hoạch trước (hay chí ít anh cũng gây cho tôi cảm giác như vậy) mà bằng những cảm hứng.

           

Trường hợp ra đời của bài hát “Khúc hát sông quê” là một minh chứng cho điều đó. Đêm trước, khi tôi chở Nguyễn Trọng Tạo về Nhà sáng tác, Nguyễn Trọng Tạo đã ở trong trạng thái lâng lâng bia rượu. Tôi bỏ tập bản thảo chừng 5 bài thơ trên bàn làm việc rồi về. Rượu là ngà, phòng mát mẻ anh ngủ một giấc ngon lành. Sáng hôm sau, khi tắm biển về, anh mới cầm mấy bài thơ của tôi đọc thử. Và, theo anh nói, chừng khoảng 30 phút, anh đã “ký âm” xong và anh hát thử bài hát “Khúc hát sông quê” và gọi điện cho tôi. Như mọi người đều biết, bài hát “Khúc hát sông quê” nhanh chóng tìm được cảm tình của người hâm mộ. Tôi luôn được anh coi là đồng tác giả, nhưng tôi biết, nhiều lắm, tôi cũng chỉ đóng vai trò gây cảm hứng sáng tạo cho anh. Cái làm nên âm hưởng ngọt ngào, vang vọng của bài hát chính là phút thăng hoa Nguyễn Trọng Tạo. Tôi đã học về học thuyết phản ánh của Lênin. Nhưng, tôi thấy, trong lao động sáng tạo đặc thù, đem học thuyết phản ánh của Lênin để giải thích là hơi bị khiên cưỡng. Cảm hứng sáng tạo là cái gì đó gần với duy tâm hơn. Nó ma thuật, vô thức lắm! Khi đọc cuốn “Tích hợp đa văn hóa Đông-Tây cho một chiến lược giáo dục  tương lai” của Giáo sư Hoàng Phương, tôi thấy, ông giải thích về cơ chế hoạt động sáng tạo có phần đúng. Hình như ngoài con người Nguyễn Trọng Tạo bằng xương, bằng thịt như mọi người đều biết, còn có một Nguyễn Trọng Tạo, ở ngoài Nguyễn Trọng Tạo nữa. Một cơ thể Ơ-ten-lích trừu tượng nhưng có thực, đứng bên ngoài, đứng đằng sau Nguyễn Trọng Tạo sáng tạo ra các tác phẩm.

           

Đành thì tài hoa nào, sự thăng hoa nào cũng đều bắt nguồn từ một kiến thức thượng thặng. Mà kiến thức thì không thể bằng cách nào khác có được ngoài sự học, sự đọc, sự tích luỹ, sự cày cuốc chăm bẵm trên từng trang sách. Có chăng, đấy là sự hơn đời trong sự đọc, sự học của họ. Nguyễn Trọng Tạo đã tự học như thế nào, tôi không rõ. Nhưng tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi đọc tạp chí Văn Học Nước Ngoài của Hội Nhà Văn, thấy anh có tên trong danh sách các nhà dịch thơ. Tạp chí Văn Học Nước Ngoài còn in một lúc gần bốn chục bài thơ dịch của anh. Tôi lại ngạc nhiên hơn, khi đọc cuốn “Văn chương cảm và luận” hơn ba trăm trang của anh. Ngoài cái khả năng phát hiện như tôi đã kể ở trên, Nguyễn Trọng Tạo còn bộc lộ một sức đọc, sức nhớ và sức vận dụng những tri thức khoa học để lý giải nhiều vấn đề mang tính học thuật của văn học, khiến các nhà lý luận phê bình văn học phải nể phục.

           

Tôi từng nghe bạn bè, người thân Nguyễn Trọng Tạo kể lại, Nguyễn Trọng Tạo vốn là một học sinh giỏi toán của trường cấp III Diễn Châu. Đại sứ Ngô Quang Xuân cũng xác nhận, hồi cùng học cấp III với nhau, Ngô Quang Xuân cũng giỏi như Nguyễn Trọng Tạo, nhưng thua Nguyễn Trọng Tạo ở cái ngón đàn hát. Vì vậy, có một người đẹp mà cả hai cùng theo đuổi thì cuối cùng Nguyễn Trọng Tạo cuỗm mất. Ngô Quang Xuân cú lắm. Ra nước ngoài, anh mày mò học thêm nhạc và học hát. Ngày tôi và Nguyễn Trọng Tạo gặp Ngô Quang Xuân tại khách sạn Mường Thanh (Hà Nội) Ngô Quang Xuân ôm đàn hát “Khúc hát sông quê” ngon lành.

           

 Tôi có ông anh con bà cô ruột, nguyên là Trưởng ban Tuyên huấn đoàn 22, nơi mà Nguyễn Trọng Tạo từng làm trưởng đoàn văn công ở đó. Anh tôi, nhiều lần ca ngợi Nguyễn Trọng Tạo với tôi. Khi biết được ông em quen biết Nguyễn Trọng Tạo, lại có bài thơ được Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc hát trên tivi, ông anh tôi tự hào lắm! Ngày tôi và Nguyễn Trọng Tạo đến thăm anh, anh lôi chai rượu Tây ra và tuyên bố: Từ ngày anh bị tai biến mạch máu não đến nay, anh bỏ rượu, nhưng hôm nay anh phải uống với hai chú đến say mới thôi!

           

Từ Bắc chí Nam, Nguyễn Trọng Tạo có nhiều bè bạn. Không ít người mắc chứng “nghiện” Nguyễn Trọng Tạo. Tôi từng chứng kiến có người, tiễn Nguyễn Trọng Tạo lên tàu cánh ngầm xuống Vũng Tàu đi dự trại sáng tác xong, anh ta lại cử con đi xe máy xuống Vũng Tàu, chờ đó, khi nào bác Tạo cần đi đâu thì chở bác đi! Tôi cũng đã nhiều lần lẳng lặng quan sát Nguyễn Trọng Tạo giữa đám đông, và thấy, ở đâu Nguyễn Trọng Tạo cũng là tâm điểm chú ý của đám đông. Hôm ăn thịt chó nấu theo kiểu Diễn Châu tại khách sạn Mường Thanh, tôi thấy, ngoài ông Đại sứ WTO Ngô Quang Xuân, còn có anh Ngô Trí Nhân (anh ruột Ngô Quang Xuân) là thiếu tướng cục trưởng cục chiến tranh từ xa, lại có cả một ông thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và nhiều người nổi tiếng khác, nhưng Nguyễn Trọng Tạo vẫn “oách” nhất, được nhiều người nể phục nhất. Chẳng những Nguyễn Trọng Tạo có tài chinh phục đám đông, mà chính anh còn là người mang lại “hồn vía” cho đám đông. Trong bạn bè văn nghệ cũng vậy, Nguyễn Trọng Tạo đến đâu là làm cho câu chuyện ở đó, không khí ở đó bớt tẻ nhạt đi.

           

Vui là thế, nhưng khi cần Nguyễn Trọng Tạo cũng nóng nảy, quyết liệt. Anh không chấp nhận sự khoe giàu, hãnh tiến về địa vị hay tiền bạc trước đám đông. Anh có thể ngồi cả ngày (chính xác là 25 tiếng đồng hồ) được, nhưng sẵn sàng đứng dậy khi tiệc vừa bắt đầu, nếu không thích. Theo một hệ quy chiếu nào đó, thì Nguyễn Trọng Tạo cũng là người gặp không ít gập ghềnh trên đường đời. Nhưng suy cho cùng, tất cả những khó khăn, khúc khuỷu, gập ghềnh mà người nghệ sĩ phải nếm trải nó cũng chỉ làm cho họ thêm đầy đủ hơn “gia vị” ngọt, lạt, chua, cay của cuộc đời, để hun đúc nên chính họ. Hãy hình dung một Nguyễn Trọng Tạo chính khách, một nhà quản lý, một giáo chức,v,v… thì chưa hẳn đã có một Nguyễn Trọng Tạo hiện diện trong tâm hồn họ, trong sự quý mến của họ như là Nguyễn Trọng Tạo nhà thơ, nhạc sĩ, như là Nguyễn Trọng tạo là tác giả “Làng quan họ quê tôi” “Khúc hát sông quê” nổi tiếng.

           

Tôi thầm nghĩ, làm Nguyễn Trọng Tạo cũng mệt thật. Vừa nhận được tin nhắn của anh đang ở Điện Biên, đang uống rượu, múa xoè với các em Thái Trắng ở Điện Biên, ít hôm sau lại nhận được tin anh và Nguyễn Thuỵ Kha đang trên đường hành phương Nam. Đi đến đâu Nguyễn Trọng Tạo cũng được săn đón, và, nhậu thâu đêm suốt sáng. Ngay như ở Hà nội, ở Huế, ở Vũng Tàu…hễ Nguyễn Trọng Tạo có mặt là lại vui như tết. Tôi không hiểu anh lấy đâu ra sức lực để vui với tất cả hàng lô, hàng lốc bạn bè khắp cả nước như vậy! Nguyễn Trọng Tạo còn rất mệt với điện thoại di động. Người hâm mộ anh khắp cả nước. Họ hứng lên lúc nào là gọi cho anh lúc ấy. Rất nhiều trong số họ chưa từng gặp Nguyễn Trọng Tạo lần nào. Họ có số điện thoại của anh là vừa điện hỏi thăm đâu đó, tệ hơn, họ gọi cho anh lúc đã say ngất ngưởng, giọng rượu khê đặc. Nhiều cuộc điện thoại dai như đỉa, dứt không ra. Tôi cũng không ít lần gây phiền toái cho anh, chỉ vì người ta mê bài “Khúc hát sông quê” quá, gặp Lê Huy Mậu chưa đã, phải nói được vài câu với Nguyễn Trọng Tạo mới chịu. Có lúc tôi cũng “buôn” anh, đang ngồi với mấy ông quan khách nhưng mê “sông quê” như điếu đổ, nhận hết công lênh về mình thì xấu hổ, đành phải khai là của Nguyễn Trọng Tạo thôi, và thế là người ta đòi nói chuyện với Nguyễn Trọng Tạo. Tôi run lắm, nhỡ Nguyễn Trọng Tạo đang bực bõ điều gì, lão cáu tiết lên thì bỏ mẹ. Nhưng hình như Nguyễn Trọng Tạo biết mình là Nguyễn Trọng Tạo, nên chấp nhận “thương đau”, hầu chuyện khắp cả nước. Anh còn kể, khi ra nước ngoài, phải mở máy liên hệ, làm việc gì đó với ban bè trong nước, nhưng làm việc thì ít mà phải nghe điện thoại thăm hỏi, chuyện trò và hò hát thường xuyên. Anh là người phải trả tiền cho tất cả những cuộc gọi đi từ trong nước. Vậy mà  vẫn  nghe…

 

Làm Nguyễn Trọng Tạo mệt thật! Và, biết làm sao được, Nguyễn Trọng Tạo lại vẫn phải đóng vai Nguyễn Trọng Tạo trong cái đất nước Việt Nam tươi đẹp này thôi. Và hơn thế nữa, anh còn phải đóng vai Nguyễn Trọng Tạo vì người Việt Nam yêu nước ở nước ngoài, bởi Nguyễn Trọng Tạo là của họ, là niềm tự hào của họ trước bạn bè thế giới../.                                                                                                     

 

VũngTàu,3/8/07

Lê Huy Mậu
Số lần đọc: 2970
Ngày đăng: 06.08.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trần Quang long - những chặng đường đã đi qua - Lê Hiếu Ðằng
Đi và nhặt Tùng Bách - Lê Huy Mậu