Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
689
123.237.682
 
Đi và nhặt Tùng Bách
Lê Huy Mậu
PAN style="FONT-SIZE: 10pt; FONT-FAMILY: Arial">

Vào một ngày đầu năm, năm 1984, một buổi sáng đi làm về, tôi thấy có hai ông văn sĩ Nghệ- Tĩnh đang ngồi chờ tôi trong nhà. Một ông tên là Đặng văn Ký, một ông tên là Tùng Bách.  Trông hai vị mặt mũi sáng sủa, thông minh nhưng gầy, gầy lắm, gầy và xanh. Một phần, có lẽ do hồi đó đang bao cấp, thiếu chất đạm cả nước. Nhưng cũng không nên đổ vấy cả cho cơ chế. Tôi còn nghi, các vị gầy quá còn là do bản tính văn sĩ ham vui, và có lẽ còn do “bà xã" các vị "tốt nái" quá cũng nên! Nên mới thành ra thế!

 

Đặng Văn Ký bảo tôi: Mình và Bách có ý định xin chuyển vào đây công tác. Mình thì chuyển được cũng tốt, mà không chuyển được cũng không sao, nhưng cậu cố gắng giúp Tùng Bách, hắn bí lắm! Chuyện là, ông chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh tôi hồi đó, là nhà thơ M.H có làm bài thơ ca ngợi cô nghệ sĩ nổi tiếng người Mỹ tên là Giên-phôn-đa vì cô có tham gia chống chiến tranh Việt Nam. Bài thơ dài ngót ngét sáu mươi câu, trong đó có những câu:

            Chúng lột quần chị ra

            Chúng thấy gì?

            Giên-phôn-đa

            Một trái tim

Ôi! Lạy chúa!

                       

Tùng Bách hồi ấy là cán bộ biên tập của Hội Văn nghệ Nghệ- Tĩnh, thấy thế, y liền tếu táo viết vào bên cạnh bài thơ của vị chủ tịch Hội hai câu như sau:

            “Người ta thấy bướm,. thấy chim

            Nhà thơ M.H thấy tim trong quần!!!

           

Chẳng mấy chốc, hai câu thơ trên lan truyền khắp nơi. Nó trở thành một giai thoại vui trong các quán trà, quán rượu ở Nghệ- Tĩnh. Thế rồi Tùng Bách ta là người đầu tiên có tên trong danh sách giảm biên của Hội Văn nghệ.

           

Ngày ấy, cả nước đang trong cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp. Hàng hóa khan hiếm. Mỗi chuyến trong ra, ngoài vào đều phải nghĩ cách kèm hàng, kiếm lời. Đặng Văn Ký và Tùng Bách cũng không phải là ngoại lệ. Khốn nỗi, hai vị văn sĩ ngú ngớ chẳng biết gì. Nghe ai đó xui dại, Vũng Tàu là đất du lịch, vào trong đó cứ mang giấy ảnh và bao-cao-su là “ăn”. Các vị nghe cũng có lý. Đất du lịch thì giấy ảnh khan hiếm là đúng rồi. Du lịch là ăn chơi, nhất định thứ hàng “khiếm nhã” này phải “cung không đủ cầu” rồi! Thế là, hai cái túi du lịch chật cứng giấy ảnh và bao-cao-su. Sau ngày đã quen nhau, Đặng Văn Ký mới rỉ tai tôi về hai món hàng “quốc cấm” mà mình mang vào, và nhờ tôi tìm mối để “đẩy” đi kiếm tiền tiêu vặt. Tôi không nhịn được cười. Hai mươi bốn năm rồi, mỗi lần nhớ lại chuyện này, tôi vẫn không nhịn được cười, nhưng là cái cười thoáng chút xa xót, tội nghiệp. Đúng là, hai ông “gà mờ” đi buôn! Các ông không hề biết, món giấy ảnh là hàng phải mang từ trong ra ngoài mới thuận. Còn món hàng “khiếm nhã” ấy không hiểu các vị “tăm” đâu ra? . Làm sao mà đem món hàng này ra chợ được! Chợ có trăm vạn thứ, nhưng tôi chưa thấy ai buôn bán bao-cao-su bao giờ cả!

           

Tôi nhờ nhà báo, nhà nhiếp ảnh Minh Quang lấy giúp cho các vị món giấy ảnh. Lỗ ít nhiều nhưng còn có thể “đẩy” đi được. Còn món Bao-cao-su thì đành chịu, chẳng biết rồi các vị tẩu tán đi đằng nào? Hỏi thì Tùng Bách cười, đó là do vợ nhà văn Hữu Lợi làm ngành y cung cấp cho Đặng Văn Ký. Tùng Bách thề là mình không dính líu gì trong vụ bao-cao-su. Tiếc là bây giờ nhà văn Đặng Văn Ký đã mất, khó mà xác minh được!

           

Nhớ lại, ngày Tùng Bách và Đặng Văn Ký dắt nhau đi xin việc ở Vũng Tàu, . Đến đâu, hai ông “đồ Nghệ” cũng tỏ ra lễ phép, thưa bẩm kính cẩn lắm. Nhưng hễ cứ ra khỏi cổng cơ quan vài bước là các vị đem thủ trưởng người ta ra bôi bác lếu láo. Có hôm các vị xong việc sớm quá, biết là tôi đi làm chưa về, bèn nghĩ cách gì đó giết thời gian. Nhân thấy có biển bán nhà, thế là hai vị đóng vai người mua nhà vào tìm nước uống. Ông chủ nhà cũng là người không tinh đời, nhìn hai ông “trọ trẹ” ăn mặc lôi thôi, lếch thếch, mặt mũi lại thiếu dinh dưỡng thế này, mà ông cũng tin là dân mua nhà, thì tôi đến chịu ông! Hai “ông mua nhà dởm” lội hết nhà trong ra nhà ngoài, lên lầu, xuống lầu xem xét y như thật. Sau đó là cùng chủ nhà trà thuốc chuyện vãn suốt cả buổi. Ra về, lại còn bảo: giá cả vậy là chấp nhận được, nhưng để về hỏi ý kiến vợ đã, xong sẽ quay trở lại! Khi tôi nhắc lại chuyện này, Tùng Bách lại còn cười, bảo: Cái nhà ấy gần đây này! Ngay đường Nguyễn Trường Tộ đây! Tôi chợt nghĩ, con cái ông chủ nhà ngày ấy mà biết được, nhà thơ Tùng Bách là một trong hai người đã từng lừa bố họ ngày trước, không chừng họ đón đường “tẩn” cho y một "chưởng" cũng nên.

           

Tùng Bách là một “món xương xẩu” khó gặm. Nó khó gặm với tất cả các bậc làm thủ trưởng của y, nó khó gặm cả với bạn bè, đồng nghiệp của y nữa. Chỉ có tôi, hai mươi bốn năm qua kiên trì gặm “món xương xẩu” Tùng Bách, gặm riết rồi răng khoẻ ra, rồi đâm quen, đâm nghiện. Vắng y mấy ngày là nhớ, là thấy thiêu thiếu cái gì đó.

 

Còn nhớ, sơ đời bác Giang Tấn – Giám đốc Thư viện Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo. Bác là người “mê” Tùng Bách, coi Tùng Bách như thần tượng. Bác cũng là người ân cần với Tùng Bách như bậc cha chú. Vậy mà, Tùng Bách cũng chẳng tha. Một lần, Giang Tấn làm bài thơ “Quả bàng vuông” như sau:

 

            “Một bình minh trên bãi biển Vũng Tàu

            Tôi nhặt được quả bàng dạt sóng

            Điều lạ lùng là trái hình vuông”

 

            Tùng Bách liền lếu láo làm bài thơ tặng Giang Tấn:

 

            Quả bàng là quả bàng vuông

            Chú đem vào buồng ông Bụt hiện ra

            -Cậu là Giang Tấn đấy à?

            Thế mà tớ tưởng cậu là Giang Mai!

           

Bác Giang Tấn là người độ lượng, xuề xòa. Nghe xon, ông chỉ bảo: Cũng được! nhưng sao lại gọi là “cậu” phải là “ông” chứ! Tùng Bách kiên quyết: Ông thế nào được, Bụt là cấp trên, đời nào Bụt chịu gọi chú bằng ông. Giang Tấn đành chịu thua. Nhưng, chuyện chưa dừng lại đó, Tùng Bách còn tếu táo đổi tên hết cho anh chị em trong thư viện, bằng cách thêm chữ lót là Giang lên trước tên của họ. Giang Định, Giang Thuỷ, Giang Vân… ai cũng thấy vui vui, vô hại, nhưng chẳng may, thư viện lại có cô tên là Mai, Giang thì cũng được, nhưng Giang Mai thì nghe nó trùng tên với một bệnh xã hội, nghe không được nhã lắm. Báo hại cô Mai hãi quá, không dám đến cơ quan nữa, rồi bỏ việc luôn!

           

Theo chỗ tôi biết, tất cả những người từng làm thủ trưởng Tùng Bách đều hiền lành, tốt bụng. Chỉ trách là số phận họ không được may mắn cho lắm khi phải làm thủ trưởng cái tay hay “rách việc” này. Có vị vừa được đặc khu “cơ cấu” về làm Giám đốc Văn hóa. Phát   kiến đầu tiên của vị này là phát kiến về một ý nghĩa khác của bốn từ viết tắt VH.TT (Văn hóa-Thông tin) thành ra là “Vườn hoa tươi thắm”. Ông rất “sướng” với sự phát kiến này. Hội nghị nào ông cũng “khoe” cái phát kiến của mình. Tùng Bách bực mình lắm! Nhân một lần nghe ông quán triệt Nghị quyết, thấy ông cứ nhấn mạnh mãi câu: “Cái vấn đề nghị quyết (a) là chúng ta phải (a) là làm sao quán triệt cái vấn đề nghị quyết! Nắm được “câu tủ” của thủ trưởng rồi, cứ hễ tụ tập đông anh em văn hóa, là Tùng Bách lại giở giọng trịnh trọng! “Cái vấn đề nghị quyết (a) là chúng ta phải (a) là làm sao quán triệt cái vấn đề nghị quyết!” có một ông “cấp dưới” như Tùng Bách thì thủ trưởng nào mà không mệt. Tôi thấy hết sức thông cảm cho các vị! Cho nên việc Tùng Bách than là, luôn “no đòn, đói cơm” cũng là phải lẽ, không oan ức gì!

           

“Người làm răng thì đẽo que săng làm vậy”. Thơ Tùng Bách cũng là thứ thơ “khó gặm”.

            - Mi là đồ giẻ rách!

            -Vâng! Tôi có chối đâu

            Tấm áo không thể mặc

            May còn thành giẻ lau

 

            - Mi là đồ giẻ rách!

            -Vâng! quả đúng không sai

            Từ vải đi đến giẻ

            Cũng chóng thôi! Thưa ngài!

                        (Đối khúc)

           

Bài thơ này có thể coi là điển hình cho mối quan hệ “cấp trên, cấp dưới” của Tùng Bách. Bực quá, ông thủ trưởng không biết làm sao, bèn nhiếc: Mi là đồ giẻ rách! Và Tùng Bách nhận ngay: Vâng! Tôi có chối đâu! Vâng! quả đúng không sai! Nhưng… cái lý nghe vừa cùn, vừa thông minh, vừa rất Tùng Bách khi cãi, lại dẫn bài thơ đến một triết lý cuộc sống khá là  đời, rất thuyết phục và lý thú:

 

            “Từ vải đi đến giẻ

            Cũng chóng thôi! Thưa ngài!

           

Dạo bài thơ này vừa mới in, tôi cứ hoang mang như đã nghe đâu đó, hoặc có bài thơ nào đó cũng mang máng như thế. Nhưng thơ Tùng Bách là thế, nó mang máng dân gian, nó mang máng đời sống, nó không do Tùng Bách phát hiện, mà nó được Tùng Bách gom nhặt, gạn đục, khơi trong, chế tác lại. Nhà thơ Trúc Thông là người rất tinh tường về thơ, khi đọc tập thơ “Đi và nhặt” của Tùng Bách, ông viết: “Phần ưu tú nhất của trí tuệ nhân dân, ở bất cứ xứ sở nào, được kết tinh trong tục ngữ, ngạn ngữ, phương ngôn. Sắc bén trong chớp bắt chân lý lại được ủ bởi tâm hồn đầy độ lượng khiến cho những cấu trúc ngôn ngữ gọn, chắc, đầy tài hoa kia đã liên tiếp chinh phục các thế hệ người học hỏi. Trong số học trò hậu duệ hôm nay, giữa một thời thế đầy ngổn ngang, dâu bể, Tùng Bách tuyên bố mình nắm chắc thứ vũ khí bén nhọn ấy để hộ thân và hộ thơ”.

 

Ngoài mảng thơ viết cho thiếu nhi, mà Tùng Bách cũng gặt hái được ít nhiều thành tựu, thơ Tùng Bách không phải lúc nào cũng gai góc, xương xẩu. Cũng có lúc y viết thơ tình, nhưng ít, và đó không phải là thế mạnh của y. Cho nên, khi nói về thơ Tùng Bách người ta thường chú ý đến mảng thơ “gai góc” của y hơn. Cái thi pháp chủ đạo trong thơ Tùng Bách chính là thi pháp truyền thống trong thơ dân gian: hóm mà nghiêm, nghiêm mà hóm, đùa mà thật, thật mà đùa.

 

Trong cuộc đời, gần 40 năm làm thơ của mình, có nhiều lúc Tùng Bách làm thơ chơi, thơ đùa mà lại được thật. Dân làng báo, làng văn nghệ Nghệ An và Hà Tĩnh còn truyền tụng mãi bài thơ Tùng Bách làm hồi còn ở Hội Văn nghệ Nghệ- Tĩnh. Bài thơ như sau:

           

             Nhuyến nhuệ trung hoa thụ thắng hường

            Liên lan thuận bảo trạc cường dương

            Lý thông song cải quyền liêm lạp

            Phúc thuận long thừ chính trị cương

 

Nghe nói, khi làm xong bài thơ này, Tùng Bách đem đố nhà thơ Trần Hữu Thung và nhà nghiên cứu văn học dân gian Thái Kim Đỉnh rằng, các bác có biết là thơ của ai không? Thái Kim Đỉnh và nhà thơ Trần Hữu Thung nổi tiếng về thơ chữ Hán. Hai ông này thuộc làu thơ Đường-Tống, Đỗ Phủ, Lý Bạch… nhưng bài thơ này thì hai ông chịu. Chỉ biết đó là bài thơ chữ Hán rất hay. Cuối cùng hai ông phải “nhờ” Tùng Bách chỉ giùm. Tùng Bách cười khà khà, bảo: Thơ em chứ thơ ai! Đó là bài thơ em ghép tên cán bộ, biên tập viên, phóng viên báo Nghệ- Tĩnh mà thành. Lúc đó Trần Hữu Thung và Thái Kim Đỉnh mới ngớ người ra. Nhẩm đi, nhẩm lại thấy đúng là tên các vị trong tòa soạn báo Nghệ- Tĩnh, Trần Hữu Thung khoái chí quá, cười há miệng mà không ra tiếng. Ông khen: Thằng này giỏi!, Hay!, Rất hay!

 

Tuy nhiên, không phải lúc nào thơ Tùng Bách cũng được thuận chèo ,mát mái như thế. Dạo còn Đặc khu Vũng Tàu- Côn Đảo, Tùng Bách có làm bài thơ “Chí Phèo”

            Chí Phèo à!       Chí Phèo chửi không sao

            Tớ mà vậy e chừng vỡ mặt

           

 

Và cứ thế, Tùng Bách nhập hồn vào nhân vật Chí Phèo để nói lên cái sự đau, sự khổ, sự thiệt của mình, của người trước Bá Kiến. Và khốn thay, cái tên Bá Kiến chết tiệt kia, người làm hại đời anh Chí kia, vô hình trung lại thấy bóng dáng của những ai đó nữa, và thế là người ta khó chịu. Đã thế, bài thơ lại còn kết thúc với câu:

 

            Bao giờ dân nổi can qua, bao giờ…?

           

Vậy là thành chuyện. Chuyện lớn hẳn hoi. Cấp này chỉ thị cấp kia phải tổ chức kiểm điểm Tùng Bách, nhưng, cái may mắn của Tùng Bách là, y là người biết thân biết phận từ nhỏ. Y chưa bao giờ có “tóc”. Y chưa hề có một dúm “tóc” nào. Y là thằng đầu trọc. Nên chẳng ai mất công đi nắm thằng trọc đầu. Thế là, người ta bỏ đi nắm kẻ có "tóc". Vậy là Tùng Bách may mắn thoát hiểm.

           

*

Tôi đã về Hương Sơn – Hà Tĩnh quê Tùng Bách. Con sông Ngàn Phố trong lời thơ, tiếng hát sao mà đẹp, mà thơ mộng thế. Vậy mà giờ đây, nó chỉ là một lạch nước nhỏ, nông choèn. Nhà Tùng Bách cũng giống nhà tôi, ở ngay bên bờ sông. Trong vườn nhà Bách vẫn còn cây “trò-kè”, cây “Lội”, cây “Tròi” những thứ cây hoang dại mà ở quê tôi bây giờ không còn nhìn thấy nữa.

           

Người dân quê Bách có phong tục mời nhau uống nước chè buổi sáng. Nghe kể, có bà đang vén váy đi tiểu ngoài vườn, vừa tiểu, vừa mời oai oái: Mời anh Cu sang uống nác mới, mời anh Hoe sang uống nác mới! Bên ấm nước chè xanh, người dân quê Bách thường hay “trạng”, hay nói cà- rỡn, tếu táo, đủ thứ chuyện. Chẳng trách mà lại “nứt” ra cái lão Tùng Bách không mấy khi “nghiêm chỉnh” được này!

           

Hương Sơn là vùng đất “địa linh nhân kiệt, cách làng Tùng Bách không xa là quê hương của vị đại y Hải Thượng Lãn Ông. Bên kia sông Ngàn phố là nhà văn Nguyễn Quốc Trung, nhà thơ Ngô Thế Oanh. Rồi nhà văn Nguyễn Quang Thân, nhà văn Nguyễn Khắc Phê và nhiều nhà khoa học có tên tuổi khác đều sinh ra ở đất Hương Sơn. Chỉ riêng làng Tùng Bách đã có ba, bốn nhà văn, bằng cả huyện Thanh Chương quê tôi. Con đường số 8 nối cửa khẩu Cầu Treo (Hương Sơn) với đường quốc lộ 1A ở giao lộ Bãi Vọt. Từ Bãi Vọt sang Vinh cũng gần mà vào thị xã Hà Tĩnh cũng gần. Người dân Hương Sơn tứ tán khắp nơi. Họ không “quê một cục” như quê tôi. Họ lém lỉnh, bặt thiệp và hơi “quái” kiểu Tùng Bách.

           

Trái với thơ, với vẻ bề ngoài gai góc, dữ dằn, trong cuộc sống, Tùng Bách là người kín đáo và nhũn nhịn. Nói nhũn nhịn cũng được mà nói y là người thiếu quyết đoán, buông xuôi cũng đúng. Tôi thường nói đùa y là thằng “khôn chợ, dại nhà”, bởi y chẳng bao giờ đóng một vai trò trụ cột nào trong gia đình cả.

           

Trong thơ cũng như ngoài đời, Tùng Bách chỉ thuỷ chung với một thứ, đó là cái chất lỏng, cay cay, có tên là rượu. Tôi đồ rằng, rượu còn là thứ để Tùng Bách thể hiện “bản lĩnh đàn ông” của mình, cũng nên! Tùng Bách uống rượu nhiều nhưng không thành “bợm”. Ít khi y say xỉn, bét nhè. Cũng ít khi y cậy rượu khoác lác hoặc gây sự. Y uống được với đủ thứ người, nhưng hợp hơn cả vẫn là những người “võ vẽ” văn chương, dù họ là thợ hồ hay bác đạp xe ba gác. Có một gã bán vé số làm thơ, thế nào mà lại quen được với nhà thơ Tùng Bách. Tùng Bách đọc thơ gã cũng thấy được và có in cho gã một vài bài trên tạp chí “Người làm báo”. Thế là gã sao nhãng cả việc bán vé số. Có hôm, gã tìm đến cơ quan Tùng Bách để mời Tùng Bách đi nhậu. Gã bảo: Em vừa trúng mánh, hôm nay muốn bao bác một chầu. Cái mà gã gọi là “trúng mánh” chỉ là vừa được một khách “xộp” mua cho lão một lúc bốn chục tờ vé số và lý do mà gã khách xộp nọ bỏ tiền mua một lúc bốn chục tờ vé số là bởi gã nhìn thấy ba chữ số cuối in trên vé số trùng với số áo tù ngày trước của gã.

           

Tùng Bách không những uống rượu khá, mà y còn là “mồi” chuyện cho các quán nhậu. Cũng chính từ các quán nhậu, từ cuộc sống của đám thị dân lớp dưới mà y “nhặt” được ối chuyện đời. Và tôi, tôi cũng chỉ học y, đi nhặt lại đôi điều về chính y, hầu bạn đọc./.

           

Vũng Tàu, ngày 24-7-2007

Lê Huy Mậu
Số lần đọc: 2806
Ngày đăng: 16.08.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại