Tính... toong... A! Chắc bà Hỷ về. Tôi khấp khởi cong lưng, vươn vai ngáp. Bị bỏ đói từ hôm qua tới giờ, tôi bực mình, chờ cơ hội. Khi bà vứt túi đồ xuống, tôi sẽ chộp một vài miếng chả hoặc con tôm, con cá. Có bị một cú đá kèm theo lời chửi rủa cũng chẳng sao, miễn mát ruột. Nhưng tôi tiu nghỉu, bà chả xách cái túi nào cả. Ông mở cửa, bà né người, nhăn mũi lách sang một bên. Lẳng phứa đôi giầy da cá sấu vào góc nhà, đi thẳng vào gian trong, phịch xuống giường, định gọi người giúp việc đấm lưng, nhưng chợt nhớ sáng nay, bà Miều phải về quê giỗ bố, bà cáu kỉnh:
- Gọi cơm hộp! Mệt lắm, không ai đi chợ được!
Tôi cáu tiết gào lên: óao! Óao!
- Phích, im nào! Chốc nữa tao cho ăn! – ông chủ mắng tôi.
Có thế chứ! Thử không gân cổ lên xem! Tôi lạ gì cái nhà này, họ sẽ quên tịt ngay. Tôi bình tĩnh xếp chân ngồi thụp xuống tấm thảm nhìn ông chủ Tịnh.
Ông đang vẽ say sưa. Suốt mấy tháng nay, ông chỉ vẽ. Cái mũi nhòn nhọn chúi xuống bàn. Tôi lò dò đến bên cạnh, nhìn ngó. Ông ngừng tay, xoa đầu tôi, chìa tờ giấy vào mặt:
- Phích, mày biết ai đây không? Ông cụ thân sinh tao đấy, quan huyện thời Pháp, oách chưa?
- Xì... Oách quái gì! Trông như con khỉ! Người ngợm chỉ toàn thấy mắt là mắt, tối om om. Nhưng tôi chả dại mặt chê bai cái người từ thời cao tằng thủy tổ đâu đâu ấy cho mất lòng ông chủ. Tôi cọ lưng vào chân ông khẽ rên rỉ. Eo... eo... (Ấy tôi chưa giới thiệu với mọi người tài năng đặc biệt của mình: tôi có hai giọng: “óao óao” khi bị bỏ đói, bị xì trét, “eo eo” khi no nê, thanh thản. Lúc này, tuy đói nhưng được hỏi han). Ông chủ nhìn tôi, chua chát:
- Chỉ vì lí lịch của cụ mà mãi tới năm bốn tư tuổi, tao mới được vào Đảng, bốn bảy mới lấy vợ nên giờ khổ thế này đây. Mày hiểu không, hả cái đồ mắt thô lố kia?
Sao tôi không hiểu... Nhìn cái má ngày càng hóp chặt của ông, tôi hiểu hết. Vợ ông béo tốt phây phây, má hồng như táo chín lại kém ông hơn hai chục tuổi thì sao ông không khổ. Hàng ngày, 6 giờ 30 phút, cô Chanh, con gái duy nhất của ông bà đến trường. 7 giờ 30 phút, trang điểm xong, bà Hỷ gõ giày cồm cộp xuống cầu thang, đi nốt. Xịch...két! Cửa đóng vào. Thế là chỉ còn ông chủ, bà Miều và tôi ở nhà.
Chán công việc nhạt phèo của ông, tôi rón rén ra bếp, chợt, lại ... tính....toong... Một, hai, ba... Cô Chanh về này! Tôi vội nép vào một bên chứ không thì sẽ ăn một cái đá bốc đít của cô cho mà xem. Trông cô ta kìa, quần tám túi rộng thùng thình, sờn rách khắp nơi, áo phông chẽn vàng chóe, tóc buộc củ tỏi trên đỉnh, bện kiểu vặn thừng dưới gáy để hở đôi tai bấm hai khuyên sáng nhấp nhánh. Vẩy chân hai phát, hai chiếc giày búp bê bắn tiu vào góc. Mặt càu cạu chẳng nhìn ai, cô quẳng cặp sách, mở tủ lạnh, lấy kem ăn tem tẻm. Ông Tịnh nhỏ nhẹ:
- Sắp đến bữa, con đừng ăn đồ ngọt, chốc lại ặt cổ ra.
Cô Chanh bĩu môi:
- Ăn thế mới khoa học, ba không biết à?
- Tại sao mày luôn trêu tức tao như vậy hả? Đồ mất nết!
Cô chun mũi:
- Đâu có, con xem trên mạng thấy người ta bảo thế! À, mà sắp tới mẹ đi họp phụ huynh cho con nhé, không cho ba đi đâu!
Bà Hỷ quắc mắt:
- Mẹ không có ba đầu sáu tay. Ba mày làm gì mà không họp được? Suốt ngày chỉ tô tô, vẽ vẽ mãi cái thứ tranh cổ lỗ sĩ như đồ dớ dẩn. Rõ rỗi hơi!
Cô Chanh dẩu mỏ:
- Lần trước, ba đi họp cứ phát biểu cái gì về đường lối, quan điểm của Đảng, góp ý góp tứ những quỷ gì về kỉ cương với chả đạo đức! Thấy chúng nó kháo nhau ba làm rối cuộc họp, phụ huynh hỏi nhau: “Ông nội cháu nào mà lẩm cẩm thế?”
Ông Tịnh vớ lấy cái cán chổi. Giữ chặt tay ông, cô Chanh nhăn nhở:
- A! A! Phạm pháp đấy nhé. Con sẽ kiện ba về tội vi phạm Công ước quốc tế quyền trẻ em. Đảng viên, cán bộ cao cấp của Nhà nước mà đánh người à?
Ông Tịnh thở hổn hển, lắp bắp. Chắc tim ông lại loạn nhịp rồi:
- Mày, mày dám... dám....
Ông nằm vật ra ghế, mặt tím tái. Tôi sợ quá gào tướng lên: Óao... óao...! Bà Hỷ chạy ra đỡ ông. Những lọn tóc uốn lò xo xõa kín cả đôi mắt sâu hoắm của ông, bà tru tréo:
- Con kia, mày ngu lắm! Ông ấy nói gì mặc ông ấy, cứ câm đi cho tao nhờ. Giời ơi! Sao cái số tôi khổ đủ đường thế này hả giời!!!
Cực thân, bà khóc hu hu. Nước mắt ngoen hết cả phấn son trên mặt. Có lẽ tiếng thổn thức của bà làm ông tỉnh lại. Ông mở mắt, xua tay ra hiệu không việc gì. Cơm hộp đến, nhưng hình như lúc này chẳng ai buồn ăn nên cuối cùng, tôi cũng được một bữa phĩnh rốn (tuy nhiên cũng phải ngoạc mồm mà gào ông chủ mới nhớ đấy!).
Buổi chiều, bà Hỷ chuẩn bị đi làm. Phải mất đến gần một tiếng bà mới trang điểm xong. Má ửng hồng, mi mắt xanh xanh mơ màng. Mùi nước hoa sực nức làm tôi ngứa mũi, suýt hắt hơi. Bà dắt xe ra cửa, ông Tịnh nhìn theo, ánh mắt đầy vẻ mãn nguyện. Bà giúp việc đã trở về. Tôi lẻn vào phòng cô Chanh. Cô ngồi cùng với một anh bạn tên Quý, chơi game. Cô rất thích trò “Đế chế” hoặc “Võ lâm truyền kì” (ấy, các bạn thấy tôi hiểu biết ác chưa!), nó làm cho thần kinh cô thêm phấn khích. Quý ngồi bên cạnh, thỉnh thoảng lại vòng tay sang người cô. Chốc chốc, hai đứa lăn ra nền nhà, duỗi chân tay rồi ôm nhau, cù nhau, hôn hít, cười rinh rích. Tôi ngứa mắt, lách ra ngoài mách ông chủ. Thế là cánh cửa bị mở. Cô Chanh tức, vớ cái dép, ném theo tôi nhưng bị trượt. Tôi định vọt luôn tia nước đái tặng hai đứa, nhưng nghĩ thương bà giúp việc phải giặt thảm nên thụt lại. Tôi chui lên gác với ông chủ. Ông vẫn đang hí hoáy vẽ truyền thần. Cái đầu rụt xuống đôi vai nhọn hoắt ... Năm... sáu... bảy... tôi đếm, ông phải có đến mấy chục cái xương sườn! Tôi rúc vào chân ông: “Óao, óao! Vẽ cái con tiều, ra mà xem gái rượu đang học bài gì kìa!”. Ông chủ ngừng tay, bế tôi đặt lên đùi (gớm, đùi gì mà như hai que củi!), rì rầm chuyện trò:
- Phích ơi! Tao buồn lắm! Ở nhà này, tao là người thừa, về hưu, tao trở thành người thừa...
Hình như ông khóc. Cái cằm lởm chởm râu bạc rung rung. Tôi chớp mắt nhìn ông: già quá, tóc bạc trắng, trán đấy nếp nhăn, hai má lõm sâu như hai cái hang chuột! Duy chỉ có đôi mắt rất lạ lùng, trong sáng, không gợn đục và nụ cười thật hiền. Giờ đây, môi ông bặm lại, cố nén tiếng khóc. Tôi mở mắt thật to, vểnh ria mép, nhành mồm ra, cố tình trêu chọc ông:
- Eo... eo..., ai bảo cứ chúi mũi vào vẽ. Hết vẽ lại làm thơ. Thơ của ông có ma đọc!
Thấy tôi đáp lời, ông Tịnh sướng lắm, vứt cả bút xuống, vuốt ve cái lưng béo múp của tôi:
- Ừ, ừ!... Phích nhỉ! Chỉ có mày là hiểu tao thôi. Cả một đời bốn mươi năm làm cán bộ , tao chưa hề có tì vết...
- Eo... eo... Thảo nào... không tì vết... cho nên bây giờ, xương sống xương sườn mới lòi cả ra! Hãy nhìn tôi đây này, chịu nhục nhã vì miếng ăn một chút nhưng béo múp đầu múp đít!
Đang mải chuyện trò, tôi giật bắn người bởi tiếng quát của bà Miều:
- Phích, ra chỗ nằm, tao còn lau nhà!
Bàn tay hộ pháp của bà ta tóm lấy gáy tôi xếch ngược lên, quẳng oạch vào xó. Nói thật, cũng chỉ vì nể người nhà với nhau nên tôi để yên chứ không, tôi chỉ khẽ vờn một cái là bà ta nát mặt! Tôi ân hận: Biết thế, lúc nãy cứ tè ra thảm để mụ giặt một trận đáng đời! Xích tôi xong, mụ xắn tay áo, vừa lau nhà vừa âm ư hát: “Chinh phụ... nhớ chàng năm xưa thiếp mỏi mòn chờ mong!...” Xì..., tôi cong mông lên. Cái mặt xấu ma chê quỉ hờn thế kia có thằng mõ nào thèm để ý mà nhớ với mong! Chả là năm nay, bà mới có năm mươi nhăm cái lá vàng rơi mà vẫn chưa có mảnh tình rách nào vắt vai! Bà thường chìa mấy cái răng vổ ra mà nói với mọi người rằng: Lấy chồng cho đáng tấm chồng, bõ công trang điểm má hồng răng... đen. Bà con xóm giềng thì bảo bà hâm, hâm tỉ độ nên chẳng có ma nào rước. Chợt, ông Tịnh gọi với xuống:
- Này, tối nay ăn cá kho nhé!
Bà Miều chẩu mồm:
- Kho khiếc cái gì, mợ thích ăn rán. Trái ý, tôi sợ mợ mắng lắm.
Ông Tịnh nuốt cái ực trong họng:
- Ừ, thế thì cứ theo ý mợ vậy. Làm thêm món dưa góp nhé, thái nhiều nhiều dưa chuột vào.
- Cậu chả biết gì cả, ăn lắm rau quả sống bây giờ là ăn thuốc sâu đấy, mợ bảo cấm!
Ông Tịnh lại nuốt ực cái nữa:
- Ừ, thế thì cứ theo ý mợ vậy!
Rồi ông lại cúi xuống bàn hí hoáy. Gian trong, hai thanh niên trẻ vẫn chơi game, thỉnh thoảng ôm nhau rúc rích. Hôn đánh chút vào mũi cô Chanh, cậu Qúy ngước lên gác xép:
- Ông cụ khốt ngộ quá. Suốt ngày ngồi vẽ chân dung các lãnh tụ. Hôm đầu, anh đến, cụ hỏi: “Cháu đến đây có việc gì? Đã xin phép bố mẹ chưa?” Ô hay, nhà có con gái mơn mởn thế này lại hỏi thanh niên trai tơ là đến có việc gì! Chả nhẽ đến để tán cụ chắc!
Cả hai cười ngặt nghẽo. Thằng kia vẫn bô bô:
- Lần thứ hai anh đến cụ hỏi: “Bố mẹ cháu có là Đảng viên không? Gia đình thuộc thành phần nào?” Anh liền đứng nghiêm, hai tay thẳng chỉ quần: “Thưa bác, bố mẹ cháu không phải là Đảng viên nhưng họ hàng, hang ổ nhà cháu không ai làm gì cho ta cũng như cho địch, bố cháu làm nghề bán giò chả còn mẹ cháu thì làm nghề bán ... chả giò ạ !”
Chúng lại cười ré lên. Tiếng cô Chanh lảnh lót: “Anh liệu hồn, ba mà lôi các loại quy luật phát triển ra răn dạy thì chạy đằng trời. Có dạo, suốt ngày cụ chỉ viết đơn từ kiện cáo lung tung, chắc bởi tại thế giới không chịu phát triển theo quy luật ấy mà!”
- Lạ nhỉ, trước đây, ba em làm phó ban tuyên huấn phải không?
- Em cũng chẳng biết. Hình như ba em được giao chuyên trách tuyên huấn... bố của các tuyên huấn thì phải! Mà anh cũng biến thôi, mẹ sắp về rồi.
Thằng Qúy còn cố cấu véo cô Chanh một lúc nữa rồi mới chịu đi. Nó dừng lại dưới chân gác xép,đứng nghiêm, giơ tay chào kiểu nhà binh:
- Báo cáo bác, đã hết giờ chơi, cháu về!
Ông Tịnh lườm nó, rủa theo: “Đồ mất dạy”. Ông quay ra con gái:
- Mày cứ liệu hồn, tao mà mách mẹ mày thì...
Cô Chanh nguýt ông rõ dài:
- Ai cũng như ba thì thành sư... ngố... hết à?
Ông Tịnh lẩm bẩm: “Năm nay, nó đã mười bẩy, theo quy luật phát triển tự nhiên thì đang ở thời kỳ ham muốn...”.
Điện thoại chợt réo vang. Bà Hỷ báo còn bận họp đến 9, 10 giờ tối mới về, cả nhà cứ ăn cơm trước. Ông Tịnh thở dài sườn sượt, đôi mày nhíu lại. Tôi để ý thấy dạo này, bà chủ hay về muộn lắm. Bà bảo làm ăn theo cơ chế mới phải họp hành, quan hệ liên miên. Trệu trạo ăn cơm, trông ông như bò nhai rơm. Cái chứng đau dạ dày kinh niên là hậu quả của mấy chục năm hưởng thụ bo bo, ngô xay, gạo hẩm... với những con cá khô mặn chát, ăn cả tháng không hết một cân. (Là tôi nghe lỏm được chứ thực ra tôi có sống ở thời ấy đâu. Ơn trời! Do đấu tranh không mệt mỏi cho cái bao tử khỏe mạnh của mình tôi mới mập ú như cái phích. Chả dại mà như ông, suy dinh dưỡng đến độ ba chứ chẳng chơi).
Gần 10 giờ đêm, bà chủ về, mùi nước hoa trộn lẫn hơi rượu nồng nặc. Ông Tịnh lon xon chạy ra dắt xe cho vợ, nhìn bà nghi ngại:
- Sao mình họp nhiều thế? Cơ quan làm việc ngày mấy tiếng? Lại uống rượu à? Cơm chưa?
- Làm gì có thời gian. Vừa đói, vừa mệt muốn chết, ông thắc mắc cái gì?
Mồ hôi lấm tấm trên trán. Những lọn tóc lúc đi còn xoắn vào như những cái lò xo, giờ tơi tả, xơ xác. Môi bà nhợt nhạt, mệt mỏi. Xót xa vợ quá, thế mà lại còn nghi ngờ vớ vẩn, ông quát gọi bà Miều hâm canh, dọn cơm nhanh cho bà: “Khổ, suốt từ chiều tới giờ còn gì...”. Nhưng bà Hỷ chỉ gẩy gẩy mấy miếng cơm rồi chống đũa:
- Dạo này, tôi có cái chứng đau dạ dày như ông hay sao ấy, chẳng muốn ăn nữa, dọn đi thôi!
Cô Chanh cười khành khạch:
- Mẹ bị chứng bệnh nghiện tiệc tùng thì có. Tối nào cũng kêu mệt, kêu nhức đầu!
- À! Con này giỏi. Tao đi làm cả ngày cũng chỉ vì mày, vì cái nhà này. Mày ăn nói với mẹ như thế à?
Ông Tịnh mắng con:
- Mày có biết một trong bốn tội nặng nhất của con người là gì không? Tội bất hiếu!
Cô Chanh hếch cái mũi lên:
- Kinh chưa! Hai ông bà xúm vào khủng bố thế này thì sống sao nổi? Vâng, từ nay con sẽ ngoan, sẽ... sẽ... làm theo năm điều Bác Hồ dạy! Chỉ xin hai cụ khốt một con “Vespa tình yêu”. Đời thưở nào con nhà dòng dõi quí tộc mà đi cào cào không? Quê quá!
Bà Hỷ cao giọng:
- Bao giờ đỗ Đại học hãng hay. Giờ cứ lo học hành cho cẩn thận!
Ông Tịnh lẩm bẩm: “Ừ, nó học hành cẩn thận lắm, ngày nào cũng rước giai về nhà chơi game”. Tôi đoán ông không dám nói ra điều này vì sợ bà Hỷ nổi cơn tam bành, mà bà đã nổi cơn thì khiếp lắm. Có lần, tôi đã chứng kiến: mắt bà trợn ngược, lòng trắng lộn hết cả lên, răng bà nghiến kèn kẹt. Cái giọng khàn khàn đàn ông của bà ồng ộc như tháo cống: “Tôi đã biết mà, một lũ ăn hại. Ở nhà chỉ có mỗi việc để mắt tới nó mà cũng không xong”. Rồi bà tu tu khóc, than cho cái số phận hẩm hiu lấy phải ông chồng già ốm đau dặt dẹo, chỉ biết sách vở ; than cho cái kiếp má hồng phải nai lưng ra đi làm cho liên doanh nước ngoài, giờ giấc bị quản chặt như nô lệ...vv và vv... Nước mắt bao giờ cũng thắng, mê hoảng lên, ông xin lỗi rối rít. Rồi bằng cái giọng thuyết giáo đều đều về ý thức trách nhiệm của mỗi công dân trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi thành viên trong xã hội mới..., ông ru bà ngủ lăn quay lúc nào không hay. Đợi cho tiếng ngáy khò khò của bà đều đều, ông mới nhẹ nhàng buông màn, ghép cẩn thận rồi chui lên cái gác xép bé tí của mình, hí hoáy. Tới nửa đêm, ông mới ngả lưng .
Nhưng hôm nay, ông Tịnh không hề hé răng nói cho bà biết cái sự học hành của cô Chanh. Bà Hỷ từ nhà tắm ra, xúng xính trong bộ đồ ngủ bằng lụa hồng, mặt tươi roi rói. Liếc thấy ông Tịnh nhìn mình chăm chăm,bà hầm hầm đi vào phòng riêng, đóng cửa cái rầm, khóa trái. Đứng như trời trồng giữa nhà, ông há mồm kinh ngạc. Nhìn cái điện thoại di động của bà để ngay trên mặt bàn nhấp nháy, ông vội cầm lên: “ Mình ơi! Có tin nhắn này!”. Bà Hỷ nói vóng ra: “Ông xem hộ tôi với, chắc giám đốc giao thêm việc...”. Ông nhấn nhấn, đột nhiên, mặt tái lại, ném chát cái di động vào cửa phòng của ông bà, ông lập cập chui lên gác xép. Môi giật giật như người mắc chứng pakinson, ông muốn gầm lên nhưng lại sợ hàng xóm nghe thấy, đành lẩm bẩm: “Đồ đàn bà hư hỏng, thì ra nó tình tọt với giai từ bao giờ ấy rồi..., khốn kiếp! Nó còn cố tình cho ta biết...”. Những nếp nhăn trên trán đổ xô lại, ông suy nghĩ lung lắm. Chợt, mắt ông lóe sáng, suýt ông reo to: “Theo quy luật phát triển tự nhiên thì cô ấy đang ở độ tuổi hồi xuân, đúng rồi! hồi xuân! Còn mình thì... Ta phải xứng đáng là bậc quân tử...”. Trán ông giãn ra, thanh thản. Trong phòng, bà Hỷ rúc đầu vào đống chăn đệm, cố nén tiếng cười.
Thức giấc vì có tiếng sột soạt nhẹ trên giá sách, tôi rón chân bước lên. Một cái đuôi tên thạch sùng thò lò ra. Xì... tôi chả thèm động đến cái loại trần truồng tầm thường này. Tôi ngồi ngắm kho tri thức của ông chủ. Lớp bụi phải dày đến hàng xăng ti met. Lờ mờ ở gáy sách những dòng chữ: “Tư bản”, “Hồ Chí Minh toàn tập”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Sống đẹp”, “Bộ luật hình sự”, “Luật đất đai”, “Luật hôn nhân và gia đình”, luật...luật...luật....,tôi hoa cả mắt. Sách của ông nhiều lắm, phải chất lên đến nóc nhà. Ông Tịnh vẫn thức, lại vẽ. Ánh đèn bàn hắt chiếu rõ từng sợi tóc bạc lưa thưa trên trán. Mắt ông sáng rực như hai ngọn lửa. Cái miệng há tròn vo, rớt rãi nhểu bên mép. Ông làm gì máu thế không biết! Tôi nhảy tót xuống bàn: Ôí giời! Hóa ra ông vẽ bà chủ!
Tháng 1/2007