Mới đó mà đã 20 năm qua rồi. Nhanh thật, nhanh như cơn gió nồm nam ngoài kia đang rào rạt thổi trên những bè lá dừa to trước ngõ. Thời gian đã biến cái không thể thành có thể.
Lối rẽ vào nhà chị Nhạn phải băng qua một con hẻm nhỏ mọc đầy dứa dại và những cây giới quả vàng giống như những hạt ngô đỏ, thêm một khúc quanh dâm bụt là đến. Chị đang ngồi xổm trước sân chẻ củi. Củi đanh và khô rin rít. Thấy tôi, chị cười, hai bên tóc mai của xoăn tít hoe vàng và cái cổ gầy nhẳng mai mái của chị làm tôi muốn khóc. Nước mắt chảy vòng quanh. Chị tôi trước đây không thế, nhưng đã gần 20 năm qua rồi, thời gian có thể biến cái không thể thành có thể. Chị ôm tôi, nước mắt rịn ra làm ướt cầu vai áo tôi.
- Cậu à! Chị không đi ở với cậu đâu, ngoài ấy xa làng xa xóm chị không chịu được.
- Vâng, tôi sụt sịt khóc. Ðưa tay áo quệt ngang mắt rồi cười. Có ai bắt chị đi đâu, chẳng lẽ em về là chỉ có mỗi việc ấy.
Nói vậy, chị Nhạn tôi hoạt hẳn lên, chị lăng xăng tìm ghế cho tôi ngồi, rót nước chè cho tôi uống rồi ngồi lại bên bậc tam cấp nói chuyện cùng tôi. Tôi xích ghế ngồi lại gần chị để chị bắt trứng tóc. Tay chị đưa nhẹ trên đầu tôi:
- Sao tóc cậu bạc sớm thế?
- Nòi nhà em đấy chị, em mới 30 tuổi thôi mà.
Chị Nhạn không nói gì chỉ thở dài. Mới đó mà đã 20 năm qua rồi. Nhanh thật, nhanh như cơn gió nồm nam ngoài kia đang rào rạt thổi trên những bè lá dừa to trước ngõ. Ngày ấy đến giờ cây dừa có thay đổi gì đâu. Vẫn thế, mỗi năm một lần quả bói, trái nhỏ nhưng thơm và ngọt nhất trong vườn. Còn nhớ ngày trước, chị thường hái dừa cho tôi ăn khi mẹ tôi mang tôi sang gửi chị khi đi vắng. Rồi chị tắm cho tôi bên dòng nước sông Giang khi nước về đầy ăm ắp. Sông Giang là làng tôi gọi thế, nguyên nó là cái mương thoát nước thủy lợi về đồng, sông hẹp bằng một bước nhảy của chị nhưng với lũ trẻ chúng tôi đó lại là một dòng sông kỷ niệm mà đến sau này, dẫu có tắm ở biển tôi vẫn thấy nhớ thương đến lạ. Chị Nhạn tắm cho tôi bằng nùi rơm, chị vừa chà lưng cho tôi vừa cười, chị cười trước làn da đen như củ súng của tôi bằng nụ cười rất đẹp. Cười yêu, hệt như mẹ yêu con vậy.
Hồi ấy cả làng tôi biết chị thương anh Hưởng. Nhà anh nghèo lắm, nghèo rớt mồng tơi, nghèo đến nỗi không có lấy bữa cơm nào nguyên vẹn huống hồ nói đến đủ no. Mẹ anh ốm đủ một năm 365 ngày ho quằn quại. Mỗi lần sang thăm bà, chị Nhạn cũng đều lén lau nước mắt. Chị muốn về làm dâu nhà anh, muốn làm lụng sắm cho được bộ bát tươm tất và thuốc thang cho mẹ anh. Nhưng anh Hưởng không nói, chị cũng đành im lặng. Ðêm đêm hai người đi gánh nước ở giếng làng, gặp nhau đấy mà cũng chỉ ề à xã giao rồi ai đi đường nấy. Gánh nước trĩu nặng lại càng nặng thêm. Anh Hưởng về đêm không ngủ được chỉ biết đứng ở đầu hồi đi ra đi vào rồi thẽ thọt gọi tôi sang ngủ cùng. Tôi không thích, ngủ với anh chán lắm, dẫu anh có thức cả đêm quạt muỗi cho tôi, tôi vẫn không ngủ được bởi tiếng thở dài của anh và tiếng ho của bà cụ trong đêm nghe lục khục buồn buồn.
Làng tôi nào có ai, thanh niên đi bộ đội cả. Chị Nhạn cũng mấy lần xắm nắm ra đi nhưng chưa được chấp nhận. Cha mẹ chị chết bom rồi, nhà chỉ còn mỗi chị, mẹ tôi không muốn để chị đi. Mẹ muốn chị ở làng tham gia du kích và cùng bà con tăng gia sản xuất. Anh Hưởng cũng thế, mẹ già như chuối chín cây không biết chừng nào khuất đất. Mẹ đẻ đã đành, bà cụ lại là mẹ nuôi ơn sâu như biển anh bỏ đi không đành nên nán lại ít lâu dẫu trong bụng nóng như lửa đốt, chỉ muốn đi bộ đội cho bằng anh bằng bạn.
Rồi cũng đến lúc anh Hưởng đi. Chị Nhạn đưa anh hết cả một quãng đồng mà không nói được một lời nào, chỉ dứ dứ vào tay anh chiếc khăn tay thêu hai chữ "HN" in hoa nở xòe như con bướm mầu đỏ đang bay rực rỡ. Cả đời anh Hưởng chưa bao giờ được thấy chiếc khăn nào đẹp đến thế. Nhưng cái mầu đỏ thì quen thuộc lắm, nó thắm như mầu hoa gạo đầu làng vào những độ tháng ba vậy. Anh nhìn theo dáng chị tấp tểnh chạy trên bờ đê mấp mô mà miệng ứ lại không nói được.
Chị Nhạn ở nhà vào du kích. Ngày ngày chị đi làm đồng, đến đêm tham gia lớp bình dân học vụ. Chị học cùng chương trình với tôi. Chị chăm học lắm, cứ hễ đâu có chữ là dẫu đang làm gì chị cũng dừng lại để dịch và đọc cho bằng được. Hôm chị đem tấm khăn tay đến nhờ tôi viết hộ hai chữ "HN" in hoa mà chị ngập ngừng mãi. Tôi nào biết gì đâu, chỉ cười khi chị tâm sự rằng chị chỉ yêu anh Hưởng, điều đó đồng nghĩa với việc anh Hưởng sẽ làm trâu cho tôi cưỡi và làm diều cho tôi chạy vào những hôm trời đầy gió.
Làng tôi vào tháng sáu, nắng cháy đỏ đồng, đất khô nứt nẻ và bụi cát. Mẹ tôi làm trên tỉnh tạt về thăm tôi rồi tất bật đi ngay. Tôi chỉ kịp ngậm vú mẹ một tí tẹo cho đỡ nhớ. Mẹ vạch áo, cởi miếng băng tang ba trên ngực để tôi đỡ sợ, rồi ôm lấy tôi. Vú mẹ deo lại như miếng cau khô dai nhách. Tôi đã bảy tuổi mà vẫn còn thèm sữa, mặc cho chị Nhạn trêu cười tôi vẫn không thể bỏ được dẫu mẹ cứ ba bốn hôm mới về. Có hôm đi học cùng chị Nhạn, tôi thèm sữa quá, nhớ mẹ tưng tưng khóc. Công việc khiến mẹ không thể ngồi thêm, mẹ trao cho chị Nhạn một số giấy tờ, một ít đường và tiền rồi đạp xe đi ngay mặc cho tôi chạy theo, gào khóc.
Chị Nhạn đang ngồi trên cầu ao vớt bèo cám cho lợn. Chỗ ao bèo trước đây là nhà chị, bom nổ đúng giữa nhà khi cả nhà đang ăn cơm. Bố mẹ chị chưa kịp bưng bát. Cơm văng lên mái nhà bếp và những mảnh áo bay lả tả. Chị đứng ở chuồng bò chết đứng trân trối cho đến khi mẹ tôi kéo đi chị mới bàng hoàng khóc thét lên rồi ngất đi. Chị về sống với tôi, rồi quen. Chiến tranh làm cho con người không còn nhận ra mình nữa. Chị tỉnh như không, dẫu thỉnh thoảng tôi vẫn lén bắt gặp chị ngồi vầy giữa cầu ao mà khóc. Chị nhìn thấy một đàn cá tràu đỏ đòng bơi giữa khóm cỏ nước mà thương, hất hất cho chúng đôi tí cám thừa trong rổ rồi bó gối nhìn chúng ăn cho đến khi thấy động đàn cá biến mất trong đám bèo vừa kín.
Từ hôm anh Hưởng đi. Chị Nhạn xin với mẹ anh chặt đi hàng rào dâm bụt chia giữa hai vườn cho thoáng. Bà cụ đã đi lại được, cọm cọm ôm rơm vàng trải lên giàn mướp đang độ nở hoa. Tôi theo sau bà như một con mèo nhỏ. Bà là một cây đại thụ đã trải qua không biết bao nhiêu là giông bão với hàng núi những kinh nghiệm thời chiến mà đến cả chị Nhạn nhiều khi cũng phải bật cười. Bà che cho những nụ hoa mướp vàng để tránh máy bay địch. Theo bà, chỗ nào có hoa trái ắt hẳn chỗ ấy có người ở. Thật ra, tôi không tán thành cách đó lắm. Ngoài đồng lúa vẫn xanh rì thì làm sao mà bọn Mỹ lại không biết được nhưng đi theo bà tôi có thể tìm thấy cả những cụ chuồn chuồn ngủ quên trên những cọng rơm khô hay những anh rắn mối béo mẫm ngơ ngác trên giàn đầy rơm mà cứ ngỡ tơ hồng ai vừa hong trong nắng.
Năm tôi mười hai tuổi, chị Nhạn nhận được tin anh Hưởng hy sinh. Chị không khóc. Ðêm đêm chị tất tả gánh nước đổ vào đầy hai bể cạn trước sân nhà. Chị đi như chạy, hai ống quần ướt quẩn vào nhau làm chị suýt ngã. Tôi tất tả chạy sau liền bị chị mắng. Chưa bao giờ chị đuổi tôi đi. Ngồi học bài mà không vào một chữ. Ngọn đèn nhỏ ám khói đen quạch. Mẹ tôi hồi chiều có ý định về đón tôi đi với mẹ để tiện đi học. Chị Nhạn ngồi bệt xuống sân nhìn trân trân vào cây dừa như hồi bố mẹ chị mất. Mẹ tôi không nói gì ôm cứng lấy chị. Chị không ôm. Chị ngồi thế cho hết đêm. Tôi cũng ngồi. Tôi đã mười hai tuổi và đã thôi không còn bú sữa dẫu có đôi lúc vẫn thấy thèm thèm, nước miếng ứ lên cổ rồi vội vàng nuốt ực xuống. Tôi biết có một điều hệ trọng sắp sửa xẩy ra. Gần sáng, chị với tay ôm tôi vào lòng, nước mắt chị ướt cả mặt tôi kèm nhèm:
- Cún này, em đi theo mẹ nhé.
- Không, tôi hét lên - tôi không còn nhỏ để có thể khóc theo mẹ đòi bú sữa như ngày xưa nữa. Chị Nhạn gần với tôi hơn mẹ. Tôi ôm cứng lấy chị thì thầm - em sẽ không đi đâu, chị đừng buồn.
Mẹ tôi đã đi từ sáng sớm. Mẹ đi không chào tôi. Mẹ tắt qua con mương trước nhà rồi ghé bà cụ mẹ anh Hưởng gửi cho chị Nhạn ít tiền. Mẹ biết đưa tôi đi lúc này là không thể. Mẹ không thể đối xử với chị như thế. Tôi vừa là em nhưng cũng là con của chị. Tôi khóc một mình mà không hề hay biết rằng đó là lần cuối cùng tôi gặp mẹ. Trên đường đi công tác, mẹ tôi hy sinh. Sau này khi tôi lớn lên rồi đi học, khi mẹ được truy điệu liệt sĩ, tôi mới biết lý do mẹ không về thăm tôi những năm sau này. Tôi òa khóc như mưa. Trái tim tôi đau nhói và hằng đêm tôi nằm mơ thấy đôi bầu vú mẹ tôi nhăn nheo. Bà vuốt tóc tôi và cười. Tôi lại thấy cồn cào nhớ một cái gì không rõ, nó giống như nụ cười chị Nhạn khi tắm cho tôi dưới sông Giang ngày nào.
Năm tôi 17 tuổi. Chị Nhạn mơ hồ cảm thấy mất tôi khi tôi có bạn gái. Cô bé ở bên nhà thường được tôi cõng hồi nhỏ. Chị Nhạn mừng mà buồn. Nước mắt buốt tận ngực đau đau. Chị nhìn tôi. Bờ vai tuổi 17 và những buổi hẹn hò đêm đêm làm chị mất ngủ. Chị thẫn thờ. Tôi đã không còn bé con để rúc vào lòng chị, để chị kẹp chân những khi trời rét. Chị nhìn lên mái tóc ướt sương của tôi lòng rối như canh hẹ.
- Cậu ướt hết rồi, để chị lấy khăn lau không bị cảm đấy.
Tôi ngồi im trên ghế, cảm nhận từng ngón tay chị đan vào trong tóc tôi. Bàn tay hằng ngày nấu cơm giặt giũ và chăm tôi như chính con mình nứt ruột đẻ ra làm tôi bồn chồn.
Tôi kéo tay áo chị lại trước mặt nói nhỏ:
- Chị lấy chồng đi.
- Cậu không còn cần chị nữa?
Câu nói của chị làm tôi bàng hoàng. Tôi cố thanh minh rằng đó chỉ là vì tôi thương chị. Chị không nói không rằng bỏ lên giường nằm. Căn nhà rộng rênh. Bóng tối thu lại đáng sợ.
Tôi không nói lại chuyện ấy thêm một lần nào nữa. Chị Nhạn cũng thôi không giận tôi. Tôi đi học xa nhà thỉnh thoảng mới tạt về thăm chị. Chị trông chậm đi, bàn tay khô gầy nhẳng vẫn chặt dừa cho tôi, khâu áo cho tôi và kể chuyện cho tôi nghe những ngày tôi đi vắng. Cho đến một ngày, tôi bắt gặp chị tiếp một người đàn ông lạ. Ðáng ra tôi phải mừng, nhưng đột nhiên tôi khóc. Nước mắt hậm hực lăn. Tôi trốn chị ra ngủ trong đống rơm mặc cho chị đi tìm đến phát khóc. Người đàn ông không nói gì, lẳng lặng đi ra đi vào trông tội nghiệp. Chị xoay xoay bàn tay gầy nhẳng của mình, chân ríu lại hết đứng lên ngồi xuống rồi òa khóc. Tôi cũng khóc theo, người đàn ông cũng khóc. Giọng ông khùng khục, chị đỡ ông loạng choạng. Tôi không cầm lòng chạy vào, cả ba ôm chầm nhau trước cửa.
Chị Nhạn sống với người đàn ông đó đúng ba năm. Ba năm, quá ngắn nhưng cũng quá dài cho cuộc đời chị. Trong thời gian ấy, chị hai lần đẻ nhưng đều không thành. Người đàn ông đó bị chất độc da cam. Những đứa trẻ không thành người đó chỉ sống với chị được ít ngày rồi mất. Chị gắng sống đến kiệt quệ khi người đàn ông ấy cũng bỏ chị mà đi trong một đợt sốt cao. Tôi về chịu tang ông như chịu tang cha, tôi mặc áo xô gai đi giật lùi thỉnh thoảng nghe tiếng chị nấc khan mà lòng như muối xát. Chị Nhạn khóc kêu trời ơi, chị kêu con chị, chị kêu mẹ tôi, kêu anh Hưởng, rồi chị kêu tên tôi. Chị không còn nhận ra mình nữa. Chị lần lại phía mộ ném cho chồng một nắm đất rồi đi ra tựa lưng vào tôi.
Tàn chiều mầu tím tím. Lúc trời nhá nhem, nhìn những con dơi nhập nhằng bay, chị mới giật mình, ngạc nhiên nhìn tôi ngủ gục ngon lành bên mộ ông. Chị lay tôi dậy, lau mặt cho tôi rồi cùng nhau về. Chị đứng nép bên tôi. Bóng tối làm chị sợ hãi. Ði qua chỗ sông Giang chị không thể nào bước nổi, bàn chân dẫm vào thành xi măng run run. Tôi cõng chị nhảy qua con nước. Chị nói chị nhớ ngày xưa, nước mùa này cạn khô, không còn bóng trẻ con cười đùa vui như ngày trước nữa...
*
- Cậu nghĩ gì vậy? - chị vừa đưa sợi tóc sâu cho tôi.
- Em nhớ dòng sông.
- Xã xây kênh mương nội đồng hết rồi đâu còn cỏ dạt hai bên như ngày xưa mỗi lần nước về nữa.
- Cũng phải thế thôi chị ạ.
- Ừ - chị cười, bóng tối dâng trong mắt chị - Cậu ngủ lại đây nhé.
- Vâng.
Ðêm. Ánh trăng đổ đầy hoa cau thoang thoảng.
Theo ND