Nhìn mấy đứa con đang tíu tít bên những gói quà, bó hoa tôi cảm thấy như chúng là phiên bản của chính tôi, nhưng rất tính cách và mạnh bạo hơn, không như vẻ lóng ngóng rụt rè của cha chú chúng ngày trước. Vợ chồng tôi không cần phải căn dặn chúng phải thưa gửi ra sao khi đứng trước mặt thầy, tặng quà cho thầy. Tự khắc chúng hiểu tất cả.
Hai đứa nhỏ chào tôi rồi hòa vào lũ bạn đang đứng đợi trước cổng gỗ. Chúng có vẻ phấn chấn, đầy ắp niềm vui và sự tự tin vì chút nữa đây chúng sẽ thực hiện những cử chỉ đẹp của tuổi thơ.
Khi tiếng cười nói của lũ trẻ cuộn lại, nhỏ như đầu kim găm và mất hút ở cuối đường, tôi chợt hỏi Hà:
- Cái album nhỏ của anh, em cất chỗ nào?
Hà từ trong phòng vọng ra:
- Vẫn chỗ cũ, trong tủ sách ấy.
Tôi lục lọi, lôi quyển album ra. Quá khứ bắt đầu hiện lên từng trang một, dính chặt vào từng khuôn mặt ngây ngô, nhòe nhọet những chấm ố vàng thời gian. Đó là những tấm ảnh được sắp xếp theo thứ tự thời gian, bắt đầu từ lớp Đệ Thất trở lên. Nhìn bộ dạng đứa nào cũng ngô ngố đến buồn cười: con Vân tóc kẹp đuôi gà, áo dài trắng lượt thượt, cổ áo cao chống cằm đang đứng nép sát vào thầy Đinh Kim, như thể nếu không có thầy làm chỗ dựa thì nó sẽ ngã đổ xuống sân trường hay gió thổi bay đi mất. Con Lan mập, tóc phi dê, tướng mạo bặm trợn như bà Triệu Ẩu trên lưng voi, vẽ trong sách lịch sử. Thằng Công cận đứng phía sau, nhe hàm răng rất mất trật tự. Thằng Đặng lùn tịt. Thằng Tăng, thằng Cận và tôi đứng ngoài rìa, gần chị Tân như những anh nhà quê mới lên tỉnh. Mặt mũi đứa nào cũng lỏn lẻn như ăn vụng bị bắt gặp. Đứng sau chót là một dàn cao lớn, trai có, gái có. Trong đám đó hình như anh Chí đã lấy vợ hồi còn học lớp Nhì, lớp Nhất. Những tấm hình năm Đệ Lục, Đệ Ngũ đều chụp ngay trước cửa lớp. Hồi đó sân trường Nguyễn Huệ thụt sâu như cái hồ, nên ông thợ chụp hình đứng từ dưới chỉa ống kính lên, trông cả lớp như đang bay bổng lên trời cao. May là còn có mái trường níu lại. Lên năm Đệ Tứ, ngày đầu tới trường đã thấy mất vài đứa. Hỏi ra con Nhị đã đi lấy chồng, con một thương gia buôn bán vải giàu có ngoài Qui Nhơn. Con này diện nhất lớp, hèn gì có nơi đánh tiếng trúng ý là nó ưng liền, báo hại thằng Thanh ngơ ngẩn đến mấy ngày liền. Hết tuần học thứ hai, không thấy bóng dáng thằng Ấm, thằng Long và thằng Ái. Mấy tháng sau mới có tin thằng trước đi nghĩa quân, hai đứa sau bỏ lên núi theo cha mẹ chúng. Ba thằng này mà gặp nhau giữa đồng trống, không rõ chúng sẽ xử sự ra sao đây? Ba năm học chung, chúng chơi rất thân với nhau, đến nỗi đá banh chúng cũng không đời nào chịu ở khác phe. Vậy mà giờ này mỗi đứa có một kiểu cầm súng khác nhau. Nhưng tôi lại nghĩ, dẫu sao chúng cũng là bạn, lại là rất thân với nhau, có gặp chắc chúng sẽ chỉa súng lên trời bắn ầm ĩ rồi ôm nhau cười xòa như hồi đi cắm trại chơi trò cút kiếm, đánh trận giả vậy thôi. Nhưng rồi những ý nghĩ trong vắt tuổi thơ ấy không hề giống với những gì diễn ra bên ngoài thực tế. Thằng Ái chết đúng vào lúc cả lớp chuẩn bị thi Trung học Đệ Nhất cấp. Con Lan mập là đứa hay tin trước tiên, hối hả đến nhà từng đứa thông báo. Chúng tôi lễ mễ nhang đèn ra tận ngoài An Phú dò hỏi nhà. Nhìn thấy chúng tôi, má nó khóc ngất. Bà lôi tên ông xã trưởng, ông an ninh ấp ra rủa xả, chì chiết. Cả lớp khóc theo bà.. Cả lớp ngẩn ngơ đưa nó ra tận mộ huyệt. Tang tóc. Thê lương...
Chiến tranh ào tới, mạnh hơn cơn lốc xoáy, cuốn hút tất cả. Hối hả học. Hối hả sống. Hối hả vùng vẫy ra ngoài rìa tâm xóay... Tan tác mỗi đứa một phương.
Nhưng mà, tuổi thơ, trường cũ dễ gì phai mờ trong phút chốc. Hễ có dịp là nó ào tới. Những lúc các con tôi có điều gì đó chạm tới lớp, tới trường, thầy cô là y như có sức hút kéo tôi xích lại gần hơn với thời thơ ấu. Đôi lúc còn tệ hơn, như vết sẹo bị trầy xước lần nữa. Hình dạng xa gần đó được chị Trâm gọi bằng từ rất hoa mỹ: những hồi tưởng màu hồng. Còn Hà thì bảo: đó là nỗi nhớ nhung của người xa xứ , lâu ngày thành căn bệnh gần như trầm uất. Mà không nhớ không thương sao được cái thời vừa từ đồng ruộng chân ướt chân ráo bước lên thị thành, mang theo cả mùi phân bò, mùi tóc khét nắng, tay chân vàng phèn, thấy tiệm buôn bán nào cũng sáng choang như bồng lai tiên cảnh? Nội chuyện cả xã, chỉ mình tôi đậu vào được Đệ Thất đã đề tài tán tụng trong những dịp đông người, lôi tôi ra làm mẫu cho đám trẻ con trong làng khiến bà tôi hãnh diện, sung sướng như được vàng. Những ngày chìm ngập, ngây ngất trong hương men thơm qua đi. Sau đó là sự cực: mỗi ngày phải dướn người trên chiếc xe đạp hơn mười cây số, chống chọi với cái nắng chang chang, gió nam cồ nam mái, mưa phùn, gió bất sắc như dao cau quất vào mặt vào tay chân. Hàng tháng phải cố làm sao đứng từ hạng nhất tới hạng ba, mang bảng danh dự về dán đầy kín vách đất, chỗ gần bàn uống nước giữa nhà để ông tôi, cha tôi có dịp cười tít, rung hàm râu cước với chòm xóm.
Vậy mà mỗi khi gặp nhau, chị Trâm đều nhắc: “ Không biết con Vân bây giờ chồng con gì chưa? Nó hiền, đẹp nhưng cái số sao đen đủi vậy không biết? Tội nghiệp nó quá chừng”. Cao hứng hơn, chị bảo: “ Nè, hôm nào tôi với Vĩnh dông xe về ngoãi thăm chúng nó một chuyến nghen?”. Tôi ậm ừ mà lòng buồn vô hạn. Cũng chuyện cơm áo gạo tiền, bầu đoàn thê tử phải cân nhắc, tính toán so đo hơn thiệt. Người lớn có cái tệ làm vậy.
Có hôm bù đầu với công việc, chị Trâm gọi giật trong điện thoại:” Nè, Vĩnh ơi! Chị gặp thằng Hưng mập hồi sáng nay bên Chánh Hưng. Nó đang làm cái gì đó bên ngành xây dựng ở ngoãi. Nó hẹn chiều sẽ tới, nhưng chờ miết từ nãy giờ, sốt ruột quá chừng. Hễ nó tới thì cậu phóng xe qua. Tụi mình đi Thanh Đa. Nhớ đừng có đèo bà xã theo nghe chưa”. Ôi nhớ rồi cái anh Hưng mập, lớn nhất lớp, từng cầm đầu đám con trai chúng tôi lên tháp Nhạn giành chuối với lũ khỉ những ngày rằm, mùng một. Cũng gậy gộc, ná thun y như đánh trận. Phần thắng lúc nào cũng thuộc về phe học trò, nhưng hậu quả cũng lắm. Đó là khi anh Hưng bị con khỉ đầu đàn xông tới cắn nát bên hông, là những buổi bị phạt cấm túc, là những con zéro to bự chảng vì tội trốn học... là những ngày đội mưa lót ngót biểu tình chống ông Diệm, ông Khánh mà vẫn cứ hả hê, chẳng phải vì ý thức chính trị, mà là đám đông, rủ rê, vui đùa của tuổi thơ. Giá mà thời đó có máy quay phim ghi lại những hình ảnh này, tôi nghĩ những bà vợ, ông chồng khó tính đến mấy cũng sẽ phì cười tha thứ..
- Anh làm gì mà ngồi thừ người ra vậy. Có xuống ăn sáng hay ngồi đó mà nhớ người yêu học trò nhỏ hồi nẳm – Hà nói giọng nửa đùa nửa thật.
Ôi, nhớ quá đi chứ. Nhớ những lần thi lục cá nguyệt, chúng tôi lén chuyền bài giải lên lũ con gái ngồi phía trên để giờ chơi được chúng nó bao chè chuối ở cái quán tranh lụp xụp trước cổng trường. Nhớ những lần đi cắm trại: bọn con gái thì tận tình thi thố tài nội trợ trong khi chúng tôi chỉ có phá phách. Rồi những đêm văn nghệ cuối năm, giọng ồ ồ vỡ tiếng của đám con trai trong bài hợp xướng nghe như đám ễnh ương, chẫu chuột gặp mưa. Nhớ hồi năm Đệ Tam, Đệ Nhị tôi bỗng vọt lên dẫn đầu lớp, cuối năm nhận phần thưởng phải chở bằng xích lô. Nhớ chuyện con Điệp học giỏi nhất lớp vậy mà nó thi hỏng trung học, khóc đến cả hai mắt sưng bụp lên. Rồi chuyện thằng Học chuyên môn dòm ngó bọn con gái ăn me vụng trong giờ học để mét thầy.
Mấy chục năm qua rồi chứ ít đâu. Có người đã lên chức ông nội bà ngoại. Có người trở về căn nhà xưa cày sâu cuốc bẫm. Có người phút chốc thành quan to chức trọng, giàu nghèo đủ hạng... nhưng mỗi khi có dịp gặp lại nhau, nhắc chuyện cũ trường xưa là thấy mình y như con nít.
Không biết ai đó đã bảo rằng: “ khi già ta hóa thành con nít” có chính xác không? Nhưng rõ ràng một đời người tranh giành, mưu sinh rồi cũng qua đi. Cái thời ma chước mệt mỏi, cái thời đánh mất “tính bổn thiện” để yêu ghét vê tròn một cục, gói lại ngu ngơ, hồn nhiên để thả vào ao trong trẻo tuổi thơ. Mới đây thôi, mới năm nào là đứa con nít mà bây giờ nhiều anh tóc đã hoa râm. Có người vĩnh viễn nằm xuống, không thể ngồi dậy mà nhìn đám bạn bè xưa, thành đạt có, thất bại có. Nhớ lời thầy Nguyễn Xuân Thu năm nào còn dặn: “Sau này lớn lên, mỗi người một hoàn cảnh: sang hèn, thù hận đều gát lại một bên để giữ được cái tình thủy chung từ một lớp, một mái trường mà ra...”
Chiến tranh ào tới ngày càng dữ dội hơn, khốc liệt hơn. Lớp Đệ Nhị, Đệ Nhất mỗi năm rơi vãi rồi tứ tán dần, đầu óc luôn nghĩ tới chuyện sống chết bất ngờ nên chẳng ai còn tâm trí mà nhớ tới bạn cũ, trường xưa nữa. Tình cờ có gặp nhau trên đường phố, vội vã chào nhau một câu, hối hả bắt tay, tranh nhau hỏi thăm ba điều bảy chuyện rồi mạnh đường ai người nấy đi. Bất ngờ nhất là năm coi thi ở Biên Hòa, tình cờ gặp lại Hương bên hông quán sách. Hỏi ra mới biết cái thằng nghịch nhất lớp đã cười Hương ngay sau kỳ thi Tú Tài năm đó. Đâu có dè hai đứa lại thành vợ chồng sau sự cố hồi năm Đệ Ngũ: đang giờ làm bài tập toán. Cả lớp im phăng phắc, chỉ nghe tiếng giấy sột soạt, bất ngờ tiếng Hương vang lên “ Thưa thầy trò Đông cứ liệng giấy lên không cho em làm bài”. Thầy Thiều xuống cầm mảnh giấy học trò vê tròn viên bi, không nói lời nào cho tới khi cả lớp làm bài xong. Thầy kêu Đông đứng lên, bắt nó đọc những giõng chữ vừa viết. Nó đứng lên, mặt tái mét, không còn chút máu. Nó không đọc được, vo tròn tờ giấy trong tay. Cả lớp chẳng ai hiểu chuyện gì. Đến khi thầy nói: em không đọc được để thầy đọc giúp cho. Rồi thầy hắng giọng, đọc to đến nỗi chúng tôi có cảm giác những chữ Đông viết ra bay khắp cả trường, vang ra tận ngoài đường lớn, lơ lửng trên tầng mây trắng không chịu tan bay. Nguyên văn: “ Hương à, hôm qua đi ngang qua nhà thấy Hương bưng thau đồ thiệt nặng, thấy thương quá. Tui mà được như cái áo Hương phơi trên dây. Hôm nào giặt đồ nhiều, bưng không nổi thì nhớ kêu tui”. Cả lớp cười ầm ĩ. Giá mà chỗ Đông đứng, đất trụt ngay xuống có lẽ nó dễ chịu hơn nhiều. Còn con Hương thì úp mặt xuống bàn khóc nức nở. Mấy ngày sau không thấy hai đứa tới lớp. Chúng xin chuyển mỗi đứa mỗi lớp để tránh mặt nhau. Nhưng cuối cùng định mệnh vẫn cứ buột chặt hai đứa lại không cho rời nhau nửa bước.
- Anh có xuống ăn sáng không thì nói. Làm cái gì mà cứ loay hoay với đống sách vở, hình bóng cũ mãi vậy – Hà gắt.
- Ờ, anh xuống ngay mà – tôi đáp và tội nghiệp cho Hà. Nàng đâu có tâm trạng như tôi lúc này.
Hình như suốt ngày, ngoài công việc ở công sở, thời gian còn lại chỉ ngay ngáy lo tiền mất giá, gạo thịt rau mắm tăng cao, không biết ngày mai cho chồng con ăn cái gì vừa ngon vừa rẻ, hoặc “ sao chờ mãi má không mang cặp vịt xiêm lên...” Ôi, hạnh phúc biết bao đối với lứa tuổi học trò, như các con tôi bây giờ. Nhớ lắm đám bạn khét nắng, tóc đỏ quạch, áo quần xộc xệch quê mùa bên ngôi trường cũ mà chưa có dịp về thăm.