Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.255
123.160.332
 
Xem vở Bàn tay của trời: Tránh trời sao khỏi nắng (*)
Ngô Thị Kim Cúc

Chuyện bắt đầu khi hai cha con kẻ cướp đặt câu hỏi về tương lai. Đứa con chỉ nghĩ rằng đời ông đời cha đã đi cướp thì đời con tất nhiên sẽ tiếp tục, còn người cha đầy mưu tính lại vỡ ra một kế hoạch: không thể chấp nhận tương lai vô định của kẻ cướp đêm, mà phải có tương lai đảm bảo của kẻ cướp ngày, tức là phải làm quan. Chính vì thế, gã gia nhân thân tín đã phải chết. Rượu Hoàng Lan đã buộc hắn phải mang bí mật vụ tráo con sang thế giới bên kia...

 

 

Và con kẻ cướp đã thành con thầy đồ, với cảnh sống đạm bạc nhưng gia giáo. Trong khi đó, con thầy đồ lớn lên trong nhà ông-Bá-Hộ-kẻ-cướp, lại trở thành một ông trời con dám làm mọi chuyện nghịch thiên nghịch địa. Hai thanh niên với hai tính cách, hành vi, suy nghĩ trái ngược nhau: Nhân (Hòa Hiệp) càng nhân nghĩa, trung chính bao nhiêu thì Đức (Quốc Thịnh) càng bạo ngược, gian tà bấy nhiêu...

 

Nếu tác giả Doãn Hoàng Giang đã bắt đúng mạch cuộc sống ngoài đời để có thể nghệ thuật hóa hình tượng các nhân vật một cách thâm thúy, thì đạo diễn Ái Như đã làm rất tốt phần còn lại trên sân khấu. Đạo diễn đã gửi vào từng nhân vật những mảng đời riêng mà khán giả hình như vẫn thường xuyên nhìn thấy đâu đó trong cuộc sống hằng ngày quanh mình.

 

Một bà Tư của ông-Bá-Hộ-kẻ-cướp không có lấy một phần trăm phẩm chất cần thiết của một người mẹ đúng nghĩa, luôn nghĩ rằng tiền sẽ giải quyết được mọi chuyện mình muốn, sẽ mua được mọi thứ mình cần. Bà Tư đã hành xử đúng như một thứ trưởng giả vàng bạc đầy người nhưng hoàn toàn vô đạo, luôn chiều theo những ý thích quái gở của con, làm hại con mà cứ tưởng đang mang lại hạnh phúc cho con. Mỹ Uyên đã làm bật lên được chất hào nhoáng lố bịch của loại bà lớn hàng dỏm này.

 

Một công tử Đức, là cảm hứng chính dành cho khán giả, về loại sản phẩm kỳ quặc của một thời thế đảo điên, là kẻ không mảy may xứng đáng nhưng lại hưởng hết cả phần của những người khác. Sự tương phản quá rõ giữa hai nhân vật Nhân - Đức rất cổ điển nhưng vẫn rất có tác dụng. Quốc Thịnh đã thực sự thành công trong vai diễn của mình: anh đã khiến khán giả dù phải chau mày trước những hành vi càn quấy nhưng lại phì cười một cách đầy thương hại. Với tuổi đời và tuổi nghề đều còn rất trẻ, Quốc Thịnh sẽ được khán giả nhớ đến nhờ vai diễn đầy thuyết phục này.

 

Vai thầy đồ không thuận lợi để diễn viên chinh phục khán giả, bởi nhân vật chính diện thường nhàm chán vì công thức, vô bản sắc. Nhưng thầy đồ - Tấn Thi đã tạo được cái đẹp khuôn phép của một ngôi trường, đã bộc lộ được cái uy cần có của người thầy. Cái roi của thầy giáo đã giáng xuống gã công tử bất trị, để trừng phạt đứa nghịch đồ dám thách thức tôn ti trật tự chốn học đường.

 

Nhân vật có nhiều đất diễn nhất trên sân khấu và có nhiều uẩn khúc nhất về mặt con người chính là ông-Bá-Hộ-kẻ-cướp. Chỉ có ông biết rõ điều mình muốn và cách mình làm. Chỉ mình ông đứng chênh vênh trên sợi dây oan nghiệt của số phận khi đặt cược cả tương lai vào một trò chơi gian lận. Khi chú tâm vào cái lợi của mình, ông đã không hề tính đến cái hại gây ra cho kẻ khác, không hề bận tâm đến nỗi kinh hoàng của thầy đồ khi nghe ông đòi lại đứa con Trạng nguyên. Ông-Bá-Hộ-kẻ-cướp ngỡ rằng mình sẽ hai lần hạnh phúc: vừa đòi được đứa con ruột thịt thành đạt lại vừa thoát được đứa con-cục nợ của thầy đồ, mặc kệ ông thầy đồ phải hai lần bất hạnh: vừa mất đứa con máu thịt vào tay người cha - kẻ cướp lại vừa mất luôn đứa con ông bỏ công giáo dưỡng và yêu thương như ruột thịt.

 

Nhưng sức mạnh từ tiền của phi nghĩa không dễ dàng mua được lẽ công bằng, bởi vẫn còn đó bàn tay của trời. Ông-Bá-Hộ-kẻ-cướp đã phải nhận sự trừng phạt. Đứa con - quan Trạng của ông đã chết ngay trong buổi vinh quy về làng bởi rượu Hoàng Lan từ chính tay người anh ruột thịt. Không thể chịu đựng nổi kết cục nghiệt ngã này, ông-Bá-Hộ-kẻ-cướp lại nhờ rượu Hoàng Lan đưa ông thoát khỏi cuộc sống, nơi ông đã dàn dựng mọi thứ nhưng rồi lại mất đi mọi thứ. Thành Hội đã vào vai rất ngọt, đúng như khán giả chờ đợi ở người diễn viên tài ba này.

 

Ngay những vai phụ cũng để lại nhiều ấn tượng. Quan Nghè - Thế Sơn mà từ vẻ mặt, giọng nói, hành vi - cơ thể đều toát lên chất hề giễu quen thấy ở bọn tham quan ô lại. Cảnh quan Nghè vòi tiền, đánh bạc, cũng ghê tởm như cảnh quan Nghè chối phắt chuyện nhận tiền. Khán giả đã cười một cách thỏa thuê mỗi khi đối mặt với loại quan-cướp-ngày này.

 

Gần đây, họa sĩ thiết kế thời trang Sỹ Hoàng đã tham gia vào những vở diễn quan trọng. Anh đã có mặt trong Bí mật vườn Lệ Chi của sân khấu IDECAF (TP.HCM) và giờ là Bàn tay của trời của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM (5B Võ Văn Tần). Những phục trang được chăm chút quả đã tạo được hiệu ứng: nó giúp cho diễn viên hóa thân một cách thành công hơn và đi vào lòng khán giả dễ dàng hơn. Thiết kế sân khấu của họa sĩ Kimb cũng góp phần cho thành công: rất tinh giản, nhưng mấy tấm phông nhỏ trên sân khấu vẫn mở ra cả một không gian làm nền cho nhân vật, đẹp một cách lắng đọng.

 

Nói về Bàn tay của trời, có thể tóm gọn trong cụm từ "thành công về tất cả các mặt". Sân  khấu nhỏ 5B hình như đang chuyển mình trở lại... Bởi vẫn còn đó, những khán giả tuyệt vời trung thành với Sân khấu nhỏ 5B...

 

(*) Vở Bàn tay của trời, kịch bản Doãn Hoàng Giang, đạo diễn Ái Như, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ, công diễn từ 24.8.2007

Ngô Thị Kim Cúc
Số lần đọc: 2678
Ngày đăng: 28.08.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhớ một thời - Trần Ngọc Kha
Nghĩ về phê bình phim - Châu Quang Phúc
Số phận và cuộc đời - 1 - Lê Xuân Quang
Số phận và cuộc đời - 2 - Lê Xuân Quang
Mối tình ma-1 - Lê Xuân Quang
Mối tình ma-2 - Lê Xuân Quang
Kho vàng của lãnh chúa-1 - Lê Xuân Quang
Kho vàng của lãnh chúa-2 - Lê Xuân Quang
Voi nổi giận ! -1 - Lê Xuân Quang
Voi nổi giận ! -2 - Lê Xuân Quang