Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
987
123.368.078
 
Về đâu Thiện ơi?
Lê Huy Mậu

Cuộc thi truyện ngắn của tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà Văn VN) chấm giải A cho truyện ngắn "Phía sau gương mặt người" của Nguyễn Đức Thiện- Tây Ninh. Mặc dầu, trước đó, Nguyễn Đức Thiện cũng đã được trao giải 3 cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhưng phải đến cú giật giải nguyên này Nguyễn Đức Thiện mới hăm hở làm đơn vào HNV. Để có đủ hai đầu sách theo quy định, Nguyễn Đức Thiện xuất bản gần như cùng một lúc hai đầu sách- một- tập truyện ngắn "Phía sau gương mặt người" và hai- tiểu thuyết "Những người đàn ông và những người đàn bà". Với một thành tích sáng tác sáng sủa như vậy, năm 2002, Nguyễn Đức Thiện đinh ninh mình sẽ có tên trong danh sách hội viên mới của HNV. Vậy mà trượt. Mới hay, viết nhiều, giải cao cũng chưa phải là đương nhiên thành hội viên HNV !

 

Nếu tôi nhớ không nhầm, thì cũng chính sau cú trượt hội viên năm ấy đã thôi thúc Nguyễn Đức Thiện lao vào viết. Sau tiểu thuyết "Những người đàn ông và những người đàn bà", năm 2003, Nguyễn Đức Thiện lại in tiếp một tập truyện ngắn và một tiểu thuyết viết cho thiếu nhi. Cũng chính năm đó, Nguyễn Đức Thiện lại giật giải nhì về bài bút ký "Tà- Bình" trong cuộc thi bút ký của tuần báo Văn Nghệ. Tuy nhận giải thưởng vào lúc mái tóc đã bạc trắng nhưng Nguyễn Đức Thiện không phải là một hiện tượng văn học mới nổi kiểu Mạc Can. Tốt nghiệp đại học báo chí khoá I (1969- 1973), vào chiến trường với tư cách là phóng viên mặt trận, sau giải phóng Nguyễn Đức Thiện xuất ngũ về làm báo ở Khu gang thép Thái Nguyên. Nguyễn Đức Thiện đã có truyện ngắn in rải rác các báo cùng thời với  những Chu Hồng Hải, Nguyễn Mạnh Tuấn, Thao Trường, Trịnh Thanh Sơn… Năm 1977, Nguyễn Đức Thiện có truyện ngắn đầu  tay in báo Văn Nghệ. Hồi đó in được một truyện ngắn trên tờ báo này là điều mà nhiều người viết thòm thèm.

           

Nếu ai có lỡ hỏi Thiện về quê quán, Thiện thường hề hề : “ Khó trả lời quá nhỉ! Tôi: quê bố Thanh Hoá, quê mẹ Hưng yên, đẻ ra ở Bắc Giang, còn nhỏ ở Thái Nguyên, lớn lên đi khắp cùng thiên hạ. Quê bố mới về có  một lần, nhân chuyến đi viết bài khi còn là phóng viên buổi phát thanh quân đội nhân dân. Quê mẹ mới đi qua cái cổng làng Cao Xá (Huyện Phủ Cừ, Hưng Yên). Đến Bắc Giang nhiều lần mà không biết nơi chôn núm nhau của mình ở đâu. Thái Nguyên ở lâu nhất thì cứ coi như quê Thái Nguyên đi”. Hình như Thiện nói vậy mà không phải vậy! Tính ra từ nhỏ, đến lúc đi đại học, Thiện cũng chỉ ở Thái Nguyên có 14 năm. Thêm 8 năm sau này về làm báo ở Khu gang thép Thái Nguyên nữa thành ra là 22 năm. Còn với Tây Ninh, Thiện cũng gần tròn 22 năm sống và làm việc ở đây. Nghe Thiện nói, khi nào về hưu, Thiện mới rời Tây Ninh để làm một chuyến viễn du khắp đất nước này. “Mình không có quê theo nghĩa đen, nhưng quê với nghĩa tạo dựng sự nghiệp thì đó là Tây Ninh”. 7 tập truyện ngắn, 7 cuốn tiểu thuyết, 1 tập thơ đều được Nguyễn Đức Thiện hoàn thành ở Tây Ninh, hai phần ba số trang sách của Nguyễn Đức Thiện là viết về con người và cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của Tây Ninh. Và tất cả những tác phẩm ấy đều được hoàn thành trong vòng hơn năm năm trở lại đây đủ thấy sức viết của Nguyễn Đức Thiện cũng vào loại sung mãn… Khi tôi viết bài này, Nguyễn Đức Thiện còn khoe: năm 2007 này, nhất định sẽ viết xong một cuốn tiểu thuyết nữa.

     

Truyện ngắn, bút ký của Nguyễn Đức Thiện luôn nóng hổi hiện thực đời sống và hừng hực không khí sản xuất và chiến đấu. Nguyễn Đức Thiện viết nhanh. Vào truyện là băm bổ, miệt mài xong mới thôi. Xong là nhậu. Số phận những tác phẩm của Nguyễn Đức Thiện như thế nào hãy để thời gian phán xét. Bạn bè thân thiết cũng có người bảo văn Nguyễn Đức Thiện thời sự. Tôi nghĩ rằng, không phải cái thời sự nào cũng nhất thời. Vả lại, trên con đường văn chương muôn nẻo, nó là thứ làm đầy nhau, là bên cạnh nhau chứ không chồng lên nhau. Nhiều khi thân nhau, khích nhau thế nhưng trong lòng họ vẫn nể nhau, khâm phục nhau. Cái tích cực mà cũng là cái hạn chế trong tác phẩm của Nguyễn Đức Thiện chính là sự rạch ròi trong cảm thức về nhân vật. Ở Nguyễn Đức Thiện, cái đúng, cái sai, cái tốt, cái xấu nó có ranh giới tách biệt nhau. Có thể trong cử chỉ, trong lời nói của các nhân vật trong truyện  Nguyễn Đức Thiện cũng chứa đựng sự giả dối, nguỵ tạo  nhưng bản chất con người đó thì cứ lồ lộ ra trước mắt người đọc. Nó phân minh rạch ròi ngay trong chính thái độ yêu ghét của tác giả. Chọn con đường trực tiếp, trực diện biểu đạt những quan niệm, những cảm xúc hay thái độ nhân văn trước các vấn đề đặt ra của thực tại cuộc sống, Nguyễn Đức Thiện  tin ở khả năng quan sát sắc bén và tư duy logic được rèn luyện trong quá trình làm báo của mình. Đó vừa là  thế mạnh nhưng đồng thời đó cũng có thể được coi  như một thách thức mà nhà văn cần phải vượt qua. Hiện thực sinh động là cơ sở để nhà văn khái quát nên các điển hình, để đẩy đến các ý tưởng sáng tạo. Nhưng không phải lúc nào cái điển hình nguyên mẫu cũng có sẵn.  Ở chỗ này, không phải lúc nào Nguyên Đức Thiện cũng gặp may có được những điển hình nguyên mẫu kiểu Tà Bình, kiểu cô Tư, ông Năm trong “Phía sau gương mặt người”….  Đọc Nguyên Đức Thiện, kể cả tiểu thuyết, tôi cứ có cảm giác như Nguyễn Đức Thiện  đang kể một chuyện đời đâu đó…

     

Tôi gặp Nguyễn Đức Thiện lần đầu là tại hội nghị văn học miền Đông Nam bộ khi cả hai  đang ngấp nghé trước cửa Hội nhà văn. Đã ở độ tuổi U60 nhưng tính nết vẫn y như thằng lính chiến năm xưa. Nguyễn Đức Thiện ăn mặc tuềnh toàng, tóc dài  và xù rối như Rô-Bin-Xơn. Y không chải lược mà chỉ vuốt tóc bằng tay. Dáng đi lúc nào cũng lệch về một phía. Ngoài cái nết sa đà rượu chè, Nguyễn Đức Thiện còn để lộ nhiều nhiều “nhược điểm” khác.  Bất cứ đâu, bất cứ trong hoàn cảnh nào y cũng có thể “sai”, có thể phạm “khuyết điểm”. Nhớ ngày tôi, Hoàng Đình Quang và y về Thái Nguyên, Hoàng Đình Quang không ít lần nhắc nhở y, vậy mà rồi y vẫn “sai”, cáu tiết, Hoàng Đình Quang tuyên bố, ông mà cứ “sai” lần sau không cho đi theo nữa. Nguyễn Đức Thiện không giận ai đã đành, mà cũng không ai giận được Nguyễn Đức Thiện. Cái "sai" của Nguyễn Đức Thiện là cái "sai" rất dễ thương, rất nghệ sĩ. Nhờ những cái "sai" đó mà mỗi khi có bầu bán tại chi hội nhà văn miền Đông Nam bộ, bao giờ y cũng trúng với số phiếu cao nhất. Nhưng, cuộc đời không phải là sự tập hợp các nhà văn, nên gần như cả cuộc đời y luôn sấc bấc, sang bang. Từ ngày quen biết Nguyễn Đức Thiện, tôi tốn kém thêm bao nhiêu là tiền nhắn tin, tiền điện thoại di động. Mỗi lần được tin y lại gặp cái “sai” gì đó trên Tây Ninh,  bạn bè lại nhắn tin cho biết, lại phải mất ít ra là vài cú tin nhắn qua lại với y. Nhà văn Trần Đức Tiến nói đùa rằng: Nguyễn Đức Thiện ở Tây Ninh không có ai kèm cặp, không ai "dạy dỗ" cho nên đâm hay “sai”. Cái “ sai” của Nguyễn Đức Thiện nhiều khi cũng làm bạn bè giật mình, nhưng với y, cái chân sự thật bao giờ cũng được tôn trọng, và có khi vì bảo vệ sự thật mà y bị “ sai”. Ví như truyện ngắn: Phía sau gương mặt người của y. Chuyện trong truyện ngắn ấy là sự thật của một kỳ Đại hội Đảng của một tỉnh. Toàn những chuyện tưởng như không thể có với những cán bộ lãnh đạo Đảng. Thế mà có và được Nguyễn Đức Thiện “tương” trên giấy trắng mực đen. Tỉnh ấy đã giao cho người có chức trách đọc để báo cáo xem Nguyễn Đức Thiện viết gì. Nhà Thơ Hữu Thỉnh nhiều lần kể lại chuyện khi trao giải cho Nguyễn Đức Thiện, nguyên phó Thủ tướng Nguyễn Khánh  lúc đó còn đương chức gặp nhà thơ Hữu Thỉnh và bảo: “Đại hội Đảng toàn quốc sắp họp, các ông cho in cái truyện Phía sau gương mặt người đã là gan, rồi lại chọn truyện đó mà trao giải nữa lại càng gan”. Cảm ơn sự đổi mới cách nhìn văn chương của Đảng, nếu không, thế nào Nguyễn Đức Thiện cũng gặp “nạn”  với cái truyện “ sai” vì “ nói thật” ấy.

          

Nhà văn- cũng không phải là hoàn toàn thế- nhưng nhìn chung là sống sơ hở, không khôn ngoan đã đành mà nhiều khi còn khẩu năng chiêu hoạ, lắm kẻ ghét. Rồi lười, rồi bẩn, rồi thiếu trách nhiệm với vợ con, rồi không biết tổ chức cuộc sống gia đình, rồi coi thường tiền bạc, rồi nghèo mà sĩ vv… Bệnh là bệnh chung, ít nhiều anh nào cũng mắc, nhưng Nguyễn Đức Thiện là tương đối điển hình cho cả giới…

      

Tôi chưa tới thăm “chòi gió”, “chòi muỗi” của nhà văn Nguyễn Đức Thiện ở Tây Ninh, khi Nguyễn Đức Thiện  một lần nữa  lại chia tay vợ, nhưng nghe nhà văn Hoàng Đình Quang kể lại, thì cũng “thảm” lắm. Hai ông bạn cùng Thái Nguyên với nhau, buổi chiều kéo nhau ra cái quán cóc- ổi nào đó đánh chén một chầu rồi ôm nhau về “chòi gió” của Nguyễn Đức Thiện ngủ. Hoàng Đình Quang cứ tưởng nó thơ mộng, nó đồng nội mát mẻ giống quê mình, nào ngờ nó nóng, nó muỗi không tài nào yên thân mà ngủ được, thế là lại phải lộn vào phố, không tìm mua được  mùng    phải mua chiếc chiếu đắp trùm mặt. Khốn khổ, Hoàng Đình Quang vừa to, vừa dài như Từ Hải, phải hai, ba chiếc chiếu mới có thể che hết được cái cơ thể đồ sộ của hắn. Thế là không ngủ được, thế là nhớ đời. Khi kể cho tôi nghe những chuyện  này, Hoàng Đình Quang không có ý chê trách gì, chỉ kể để biết thôi. Chỉ có tôi, tôi thoáng chút bồi hồi thương Thiện.  Tôi vẫn nghĩ rằng, với tài năng nhiều mặt của mình, không phải Thiện không thể sướng, nhưng Thiện không hợp với sướng. Ngày tôi và Quang, và Thiện cùng được bố trí ngủ tại nhà khách chính phủ, số 8 Chu Văn An- Hà nội trong dịp đại hội nhà văn lần thứ bảy, đêm vào khuya, hai nhà văn “vĩ đại” của tôi sau buổi chiều bia rượu đã ngủ say. Hai cái máy xay xát cùng lúc nổ máy khiến tôi thức giấc. Không thể tưởng tượng được, trước mắt tôi là hai tác giả văn xuôi có “số má” của nền văn học Việt nam đương đại, mà là hai cái thằng người nhễ nhãi rượu và, chỉ có thể kinh ngạc trước sự phì nộn,  khiến tôi, vốn cũng chẳng phải thon thả gì, phải kính nể, phải lấy làm tự ti.  Nếu tôi là nhà văn, nếu tôi giàu óc tưởng tượng, hẳn là tôi có thể khẳng định được một cách dễ dàng, rằng, cứ suy từ hai chiếc quần xà- lỏn mà các hắn đang mặc, dứt khoát đây không phải là hai tên quý tộc, hai tên công tử… còn gọi các hắn là gì thì tôi không dám. Tôi tự an ủi chính tôi, rằng,  xin đừng nhìn nhà văn vào cái lúc họ mặc quần xà- lỏn thế này, nó  kém yêu họ đi. Đành thì, con người ta khi đóng comple, thắt cravat là lúc người ta mặc cho người, mặc để “diễn”. Mà cũng có lúc Nguyễn Đức Thiện phải “ diễn” thật. Anh vốn là biên tập viên của Đài truyền hình Tây Ninh. Anh lại nhận một chương trình gai góc của đài này. Ở đâu điện yếu, ở đâu dân thiếu vốn, ở đâu tranh chấp quyền lợi giữa dân và nhà nước… là dân kêu đến ông “ tiếng nói cử tri”- biệt danh mà dân Tây Ninh gọi Nguyễn đức Thiện. Thế là Nguyễn Đức Thiện lên đường. Vài ngày sau chuyến đi, Nguyễn Đức Thiện cũng chải chuốt đàng hoàng, thắt cravat đàng hoàng, ngồi trên màn hình nói những lời “ vì dân”, vì thế mà được dân Tây Ninh tin và mến. Có lúc, Nguyễn Đức Thiện giao việc cho người khác làm, người dân lại nhao lên bảo nhau: chắc là ổng nghỉ rồi! Chắc là ổng nói mạnh quá, người ta cấm rồi! Hay là ổng ngán bị…phê bình, “chắc là” lắm. Nhưng nếu ai có coi chương trình mà Nguyễn Đức Thiện làm, dù có thêm cái cravat, vẫn cứ thấy Thiện giản dị.  Thường thì, các nhà văn không muốn “diễn’ nên  ăn mặc tuềnh toàng, điều đó là dễ hiểu. Nhưng quần xà- lỏn thì đúng là mặc cho chính mình, quyết không phải để “diễn’ với ai, và nói chung, một chiếc quần xà- lỏn mặc coi được cũng không đến nỗi tốn kém quá… Chỉ có thể rút ra một kết luận, rằng,  nhiều khi chính họ  cũng  cẩu thả với họ, phụ bạc với cơ thể họ. Đồng ý là trong rất nhiều trường hợp, cái thể xác và cái tâm hồn của họ là không  tương thích với nhau. Đành thì, thịt xương của nhà văn nó kém xa thịt xương của phu hồ, của xích lô, ba gác…Nhưng dẫu sao thì cũng phải quý trọng nó chứ.! Ông anh tôi ở quê  cứ khen mãi cái ông nhà văn Nguyễn Đức Thiện giản dị ! Số là, khi tôi chở ông anh đi dạo biển, ghé qua nhà sáng tác Vũng tàu, Nguyễn Đức Thiện đang dự  trại viết ở đấy, tôi đưa ông anh cùng vào phòng nghỉ của Nguyễn Đức Thiện.  Khi anh em tôi vào, Thiện đang cởi trần, khoe cái bụng Di- Lặc trước cái Laptop. Trông thì thấy đúng là Nguyễn Đức Thiện giản dị thật, quá giản dị là đằng khác!

    

Tôi không hiểu gì nhiều về đời riêng Nguyễn Đức Thiện, nhưng tôi luôn linh cảm rằng cuộc đời của y cũng ba đào, chìm nổi, hết ra bắc lại vào nam, lang bạt kỳ hồ, từng nếm đủ mọi ngọt lạt của cuộc đời, của tình người. Chọn đặt tên cho tập thơ rút ruột của mình là “LANG THANG” với câu đề từ thật thê thảm: Ta xé thân ta thành từng mảnh/ Ném vào đời/ Cho trọn cuộc lang thang.! Trịnh Thanh Sơn- một người bạn rất thân thiết của Nguyễn Đức Thiện từ hồi còn ở khu gang thép Thái Nguyên đánh giá: “thơ Nguyễn Đức Thiện là thơ của một cuộc đời từng trải, ngụp lặn nhiều lần qua nhiều bến đục, bến trong, để cuối cùng trở thành người đốn ngộ. Những gì anh “Ngộ” ra, chẳng phải ai cũng “Ngộ” được, bởi một lẽ giản đơn là, không phải ai cũng được tôi rèn qua bùn và máu. Bùn, máu, và cả nước mắt nữa là thức ăn muôn đời của thi nhân”.

  

Người lang thang luôn khắc khoải một sự trở về. Nhưng về đâu Thiện ơi? Về lại bến cũ sông xưa hay về lại thuở thiếu thời sum vầy bè bạn? Làm sao có thể tắm hai lần trên một dòng sông ! Bởi vậy, khát vọng mãi cũng chỉ là khát vọng.

   

Không tìm được một bến đậu bình yên giữa cuộc đời, Nguyễn Đức Thiện lại lao vào viết. Những cuốn sách, những truyện ngắn, những bài thơ, những bài bút ký được hoài thai từ những đêm lang thang giữa cái thị xã biên giới xa xôi ấy lần lượt ra đời. Sau tất cả những gì đã trải, chỉ có viết mới giúp Thiện giữ được sự thăng bằng và giải phóng y khỏi những hệ luỵ của đời thường. Và Thiện lại băm bổ viết…/.

                                                                                

Vũng Tàu 18/7/07

Lê Huy Mậu
Số lần đọc: 2733
Ngày đăng: 30.08.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chân dung văn nghệ : Nhà tôi số một trăm sáu chín... - Trần Đức Tiến
Nguyễn Trọng Tạo – Người tự sắm vai mình - Lê Huy Mậu
Trần Quang long - những chặng đường đã đi qua - Lê Hiếu Ðằng
Đi và nhặt Tùng Bách - Lê Huy Mậu