Nhàn tiễn người bệnh ra về, gọi người kế tiếp. Một bà lão tóc bạc phơ, mặt phúc hậu chừng ngoài 60 chậm rãi đi vào, Nhàn dìu, đỡ bà cụ ngồi xuống, hỏi : Chào bà Jenke, bà thấy đau ở đâu ?
- Mãy hôm nay tôi thấy dạ dầy mình cứ ê ẩm, ăn vào lại nôn ra...
- Bà làm ơn vén áo... vậy, được rồi . Đau ở chổ này ư... hay là chỗ này ? Nhàn lấy tay ấn vào từng điểm trên bụng người bệnh, suy nghĩ... đoạn quay ra viết đơn thuốc, chỉ dẫn cách dùng rồi tiễn bà cụ ra cửa.
Chuông điện thoại vang lên. Tiếng Cúc - em gái út - thở hổn hển, nói nhát gừng : Chị ơi! Bố mệt lắm, lại nôn oẹ... cả đái dầm nữa...
- Được rồi, làm gì mà hốt hoảng thế. Bây giờ em lấy hộp thuốc tên là... trong tủ -ngăn trên cùng - bẻ nửa viên cho bố uống với nước lọc. Cứ để tã lót đó, chị về sẽ thay cho bố. Các em Đại, Việt cùng vợ con họ đâu cả ? Chú Dân đâu ? (Dân là người phục vụ do Nhàn thuê giúp việc chăm sóc bố).
- Chú ấy vừa ra cửa hàng mua đồ. Các anh chị bảo em thay họ trông nom bố, đi ra ngoài độ nửa giờ, thế mà hơn 1 giờ vẫn chưa thấy ai, em sợ vôị gọi điện ngay cho chị.
- Yên tâm đi, bố không sao đâu, chị sẽ tranh thủ về ngay. Trấn an cô em xong, Nhàn vội thu dọn bàn làm việc, ra bảo bác sĩ trực... hối hả ra lấy xe hộc tốc về. Đến nhà, chỉ kịp đậu xe trước cửa (lẽ ra phải vào trong sân), lao vào phòng bố ngay. Hôm nay ông cụ có triệu chứng khác thường... Vừa thấy con gái, ông lão nhìn chăm chắm, không nói lên lời, nặng nhọc nhấc tay chỉ vào bụng mình, mồm mấp máy...
- Con biết bố đau ở đây rồi, để con khám, bố yên tâm sẽ khỏi thôi. Người cha gìa nhìn con gái mồm lại mấp máy, nặng nhọc cụp mi mắt. Chú Dần về tới vội buông gói đồ tiến đến phụ giúp, theo quy trình mà mấy năm nay chú đã thuần thục công việc săn sóc bệnh nhân.
Nhàn tiêm cho bố...
Chú Dần ấn nút bảng điện gắn bên thành giường, làm vài thao tác phụ, hệ thống tự động làm công việc lắp ráp. Từ chiếc giát giường, đã trở thành chiếc xe tự hành, chạy ra nhà tắm. Người ông cụ to cao, nặng hơn 80 cân, chiếc tã dùng cho người bệnh đẫm nước đái, phân, mùi hôi thối bốc ra nồng nặc. Nhàn vẫn kiên trì, bình tĩnh thay tã cho cha, không hề tỏ ra kinh tởm. Hai mươi phút sau mọi việc mới xong, quay ra xịt nước thơm lên người ông cụ, xịt xung quanh giường, đeo tã mới, mặc quần áo... Chú Dần đưa ông cụ trở về vị trí cũ. Lại bằng hệ thống điều khiển lúc trước, chiếc xe tự hành trở thành tấm giát đặt khuýp trong khung giường. Thân thể sạch sẽ, ông cụ nằm thiu thiu. Với cái nhìn của người bác sỹ, chị nhận ra, bố sẽ không chống cự được lâu, quay sang bảo Cúc : Em điện gọi Hùng cùng vợ con về ngay. Bây giờ chị ra lấy phép nghỉ dài ngày để cùng các em túc trực bên bố. Nhìn đồng hồ, đã lại sắp đến giờ làm việc buổi chiều, vơ vội chiếc túi xách tay, cũng vừa lúc các em trai, em dâu trở về. Nhàn không nỡ trách các em, chỉ nhắc khẽ : Các cậu các mợ không nên đi cả. Bố mệt lắm, chẳng biết có sống được thêm mấy ngày nữa không. Tranh thủ lúc bố còn sống mà báo hiếu.
Bốn người tái mặt nhìn nhau, khép nép : Bọn em xin lỗi chị...
Nhàn không nói gì thêm quay đi.
Bệnh tình của bố đã trở nên trầm trọng. Đến lúc này, khi ngồi trên xe, không còn bị ai nhìn, hai hàng nước mắt Nhàn chảy ròng trên má...
Nhàn là chị cả của 4 đứa em, 3 trai, 1 gái. Các em hầu hết đã trưởng thành. Con Cúc út ít cũng đã 25 tuổi. 3 em trai đã có gia đình riêng, Cúc và Nhàn còn độc thân. Cậu em thứ 3 lấy vợ người Đức.
Bố Nhàn - ông Ban - đã 82 tuổi. Ông đi lính thợ từ trước 1939 sang Pháp, phục vụ trong công binh xưởng của quân đội kháng chiến Pháp. Chiến tranh kết thúc, giải ngũ, về định cư ở Lyon, sau đó lấy bà Nhung là con của một Việt Kiều. Lúc ở trong quân đội, ông Lê Trần Ban thân với một đồng ngũ người Đức tên là Müller. Năm 1947 Müller bị xung vào đội quân Lê dương, đưa sang Việt Nam. Trong thời gian ở VN anh bị đối phương bắt làm tù binh. Chính trong giai đoạn này, Müller được những VẸM (cách gọi tắt của binh lính Pháp với hai từ Việt Minh viết tắt: VM -) dậy cho nghề thợ mộc. Năm 1954 đình chiến, chính phủ kháng chiến cho Müller hồi hương. Trở về Đức anh nhớ ngay tới người bạn VN đồng ngũ có tay nghề thợ mộc cao. Trong đầu nẩy sinh một kế hoạch... vội sang Pháp tìm bạn. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, Ban đưa bạn về nhà giới thiệu với vợ. Müller nói rõ ý đồ, rủ Lê Trần Ban về Đức ’’cùng nhau mở một xưởng sản xuất đồ mộc, nhất định với tay nghề của anh, thị trường Đức, ý đồ của tôi... chúng ta sẽ giầu'' - Müller khẳng định ! Ông Ban tin và nghe lời bạn, ngay sau đó thu xếp công việc, cùng vợ con ''bồng bế,gồng gánh'' sang Đức tạo dựng cơ nghiệp.
Hai người đều hợp nhau ở tính chăm chỉ, tháo vát, tay nghề cao, họ thành lập công ty đồ mộc mang tên Lé – Müller. Họ kết hợp mẫu mã truyền thống phương đông với thị hiếu tiêu dùng của người phương Tây, tạo ra các sản phẩm gia dụng... ngay lập tức chiếm được cảm tình của dân chúng. Công ty Lé- Müler phát triển... chỉ trong vòng 15 năm, hãng mộc của hai người làm ăn phát đạt không ngừng mở rộng. Đến đầu những năm Tám mươi, Lé - Müller đã trở thành hãng đồ mộc có uy tín trên thị trường tiêu thụ ở vùng trung Đức. Năm 1996 ông Müler bị bệnh mất. Ông Ban sau một trận ốm nặng cũng trở thành phế nhân, quyết định rút cổ phần khỏi Lé - Müller, về mở một cửa hàng đại lý mộc dân dụng LEBAN.
Biết mình không thể quán xuyến được công việc do tuổi tác bệnh tật, 2 con trai đầu không có khả năng kinh doanh, chỉ còn thằng thư 3 là khả dỹ tạm được. Nhàn vừa chững chạc, vừa hiếu thảo lại đang hành nghề Bác sĩ - Ông đành giao cửa hàng cho Hùng...
Cuối những năm chín mươi, sức khoẻ kém đi, nhận ra công việc cần thiết phải làm, ông từng bước tiến hành lập di chúc. Bản di chúc luôn được bổ sung. Không ai làm ông thay đổi được ý định, trừ một vài lần, ông luật sư - bạn gìa, người đại diện luật pháp cho công ty của ông nhiều năm - tham gia góp ý về việc lập thêm phụ lục phân chia quyền thừa kế kèm theo. Lúc thấy sức khoẻ qúa kém, ông Ban bảo con gái mời vị Bác sỹ của gia đình cùng Luật sư tới, tự tay cầm 2 dy chúc bỏ vào 2 chiếc hộp sắt khóa bằng ổ khóa điện tử, nói : Đây là di chúc bố đã lập. Bây giờ nhờ hai ông cùng con đưa gửi ở Nhà Băng Z. Sau khi bố mất 3 ngày, con và các em tập trung nghe Luật sư mở hộp, đọc, có sự chứng giám của vị đại diện pháp luật (chưởng khế). Những gì bố viết sẽ được luật pháp giám chế, không ai được làm trái. Nội dung cụ thể lúc đó các con sẽ biết. Riêng con phải gánh vác trách nhiệm nặng nề. Không được mềm lòng, nhân nhượng. Đây là tâm huyết cả đời của bố mẹ. Con phải dùng kết qủa đó, xử dụng đúng ý nghĩa. Nói đến đây ông ngừng, thở rốc, Nhàn phải vuốt ngực cho cha, lát sau ông cụ nặng nhọc tiếp - Con và nhờ 2 ông tiến hành ngay đi. Ông Ban nhìn luật sư im lặng giây lát, tiếp : Bản di chúc sẽ gây phản ứng cho vài đứa. Bởi vậy những gì ta đã bàn, mong ông cố gắng giúp tôi thực hiện bằng được...
- Ông bạn gìa yên trí ! Tôi biết mình cần phải làm gì để ông yên lòng nhắm mắt. Ông sinh ra họ, hiểu họ và kế hoạch của ông đề ra chu đáo... Nhất định tâm nguyện của ông sẽ được thực hiện.
...
Đến giờ - hai tuần rồi - ông Ban đã không còn tỉnh táo để nói thêm được gì nữa. Hôn mê... hôn mê... trạng thái đập của nhịp tim chậm dần... đang tới gần... và, 3 ngày sau cụ Lê Trần Ban qua đời.
Khi căn bệnh mới bột phát, 3 cậu con trai được tin đã cấp tốc từ xa bổ về. Họ thương cho bố sắp ra đi thì ít mà lăm le đòi biết việc chia tài sản thừa kế thế nào là chủ yếu.
Khi được các con của thân chủ gọi, ông Luật sư mang theo một bản sao phụ lục di chúc có đăng ký tại cơ quan tư pháp. Đến khi nghe đọc bản phụ lục thứ nhất về nguyên tắc đọc chúc thư... các ''quý tử'' đành bó tay. Người con trai, thứ ba tên là Việt thất vọng, trắng trợn lẩm bẩm : ''... Cứ lay lắt sống, ăn hết cả phúc phần của con cháu''.
Chàng Đại - quý tử thứ hai thì thâm trầm hơn : ''Bố còn tiếc đời chưa đi đâu... chúng ta còn phải chờ...''.
Cậu Hùng - em thứ tư - tuy chẳng nói ra nhưng xem chừng cũng nóng lòng không kém các anh. Duy chỉ có Cúc và Nhàn thực sự thương xót cha. Cứ mỗi khi bệnh tình của cha trầm trọng, Nhàn gọi điện, ngay hôm sau Cúc đã có mặt. Nhưng lần này ông cụ dường như ''tiếc sống'' thật, vẫn thoi thóp.
Ở nước Đức, thời buổi này kiếm được việc làm thật khó. Cần phải giữ chỗ làm bằng mọi cách. Nghe tin cha ốm nặng, con cái tranh thủ về thăm. Nhưng nếu cứ ăn chực nằm chờ để xem cha mình ''đi'' chưa, để mà trả hiếu thì thật gay go. Cứ chờ... chờ... ''cha chết'' - thật vô cùng bất tiện. Biết làm sao được. Ở đâu phải âu đấy. Chổ đang làm có hàng tá người xếp hàng. Mình nghỉ việc, chủ có cớ đuổi để thay người mức lương thấp hơn . Thất nghiệp là ''đói''.
Sau mấy lần tưởng ''bố đi'', 3 cậu con trai vội cắt phép, cùng vợ con về chầu chực... Nhưng lần nào cũng chờ đợi dăm ngày rồi họ lại bồng bế nhau trở về, giao trọng trách lại cho bà chị Cả. Lần thứ tư này, khi nghe chị gọi điện, các thứ Nam cứ gặng hỏi đi hỏi lại, rằng có thực lần này bố ''đi'' không. Tuy vậy, cậu em thứ tư vẫn chùng chình... đến nỗi Cúc nói gay gắt vợ chồng họ mới trở về.
Ông Ban vẫn nằm ly bì. Lúc chợt tỉnh quờ tay tìm Nhàn. Mấy hôm liền chị ở bên cha ngày đêm. Lấy giường gấp năm cạnh. Sáng hôm thứ ba, Nhàn kiểm tra nhiệt độ, thấy cơ thể cha mình đang hạ dần, chị quay ra bảo các em : Bố kiệt lắm rồi, chẳng biết sống thêm được vài giờ nữa không. Các em cần túc trực, đừng đi đâu. Nhàn nắm tay cha, truyền hơi ấm cho ông. Ông Ban chăm chăm nhìn con bằng cặp mắt lờ đờ... trong hai hốc mắt tuy không còn hoen nước như các lần trước, nhưng dường như vẫn ánh lên tia mong manh yếu ớt. Không chịu được xúc động, nàng khóc nấc. Các em xán lại. Ông Ban cố đứa tay đang nắm tay Nhàn... nhích lên. Cảm nhận được tâm ý cha, Nhàn nâng tay cha lên. 4 người con còn lại hiểu ý cùng dơ tay nắm lấy... ông cụ đưa cặp mắt đã hết thần sắc lờ đờ nhìn từng người... từng người... đến Cúc thì dừng lại, đột ngột khẽ gật đầu, hai mi mắt nhắm lại : Ông cụ đã trút hơi thở cuối cùng, tay vẫn nắm trong tay các con.
Làm đám cho cha xong, thực hiện lời trăn trối của ông cụ, toàn gia đình - hậu duệ của cụ Lê Trần Ban - tề tựu đông đủ. Cậu thứ hai Lê Trần Đại cùng với vợ và hai con trai 16 và 12 tuổi. Cậu thứ ba Lê Trần Việt cùng vợ và một trai hai gái ở độ tuổi 8,10, 12. Cậu thứ tư - Lê Trần Hùng lấy vợ người bản xứ, cũng có hai chắu gái còn ở độ dưới 10 tuổi. Chỉ có Nhàn và Cúc - một người lớn nhất, một người nhỏ nhất - độc thân.
Bọn trẻ chẳng có ấn tượng gì về cuộc họp, mặc dầu trước đó chúng luôn bị bố mẹ nhắc nhở rằng, ông nội mới mất không được làm ồn, không được chạy nhẩy, réo gọi. Trẻ em không chịu được sự khe khắt. Chỉ trừ cậu bé 16 tuổi con trai đầu của Đại nghe lời bố mẹ, còn tất cả quên ngay, quay ra vui chơi truyện trò, cười đùa, chạy nhảy... vì ít khi anh chị em chúng được gặp nhau đông đủ.
Đúng 5 phút, trước khi cuộc họp bắt đầu, một chiếc xe Mercedes - Benz mới khự xịch đỗ. Trên xe bước xuống có 3 người : Luật sư, vị Chưởng khế và Bác sỹ làm chứng. Theo sau là chiếc xe của nhà Bank Z. Hai nhân viên cuả nhà Bank tháp tùng cầm theo một hộp bằng kim loại. Vào đến nhà họ đưa chiếc hộp và một bì thư, ông luật sư ký nhận xong, lịch sự chào mọi người rồi đi khỏi.
Bọn trẻ bắt đầu thấy lạ, im lặng, trở về ngồi vây xung quanh bố mẹ. Khi mọi người đã tập trung, ông luật sư cầm chiếc hộp dơ lên trước mặt, nói : Thưa các ông, các bà. Các cháu bé yêu quý ! Hôm nay chúng ta có mặt tại đây, tôi được ủy nhiệm đọc bản di chúc của cụ Lê Trần Ban - tức là cha của các vị, ông nội của các chắu, dưới sự chứng giám của vị đại diện luật pháp : ông Chưởng Khế và ông Bác Sỹ - người làm chứng, thực hiện tâm nguyện của người qúa cố.
Lần cuối cùng trước khi giao cho nhà Bank Z giữ di chúc, cụ nói với 3 người là tôi, ông bác sỹ và bà Lê Trần Thu Nhàn - con cả của cụ - những yêu cầu, nguyên tắc công bố và thực hiện Chúc Thư. Cũng như mọi người, bây giờ, lần đầu tiên được mở hộp, lấy di chúc ra.
Những tiếng thở hồi hộp...
Khoảng vài phút trôi đi. Sau đó ông Luật sư đoc...
Đoạn đầu chẳng ai quan tâm vì chỉ là phần giới thiểu tên tuổi quê gốc của cụ ông, cụ bà, tên tuổi các con, các chắu. Phần tiếp, không khí căn phòng mới sôi đông. Giọng luật sư sang sảng : Tài sản gồm ba phần: Cổ phiếu, và tiền mặt. Những thứ này chia đều làm 6 phần, mỗi con 1 phần, còn 1 phần gửi vào tài khoản để trợ cấp cho con cháu giòng họ Lê - Trần , có thể xem như qũy trợ cấp cho những chắu có yêu cầu đặc biệt trong học tập, nghiên cứu (được quy định cụ thể trong phục lục số 2). Riêng bất động sản gồm toà biệt thự 3 tầng lầu, diện tích xây dựng 300 mét vuông, và khu đất rộng 5.000 mét vuông. Tầng áp mái làm kho sách, phòng xép cho trẻ con. Tầng 3 làm từ đường của giòng họ Lê Trần, chỉ dành riêng cho việc trang trí, trưng bầy đồ thờ, cúng tế. Tầng 1 làm nơi hội họp, nghỉ ngơi cho các thành viên trong gia đình mỗi khi ở xa về tế lễ, trong các dịp giỗ tết. Tầng 2 dành cho gia đình người được giao quản lý khu nhà đất. Tầng ngầm làm kho tàng.
Khu nhà, và mảnh đất này không ai được dùng làm của riêng, tùy ý phá rỡ, bán chác cho người khác. Trường hợp người quản lý không còn khả năng nữa (già, ốm bệnh, chết) thì trước đó phải lập di chúc, chọn một trong số cac thành viên trong gia tộc - là đàn ông - hoặc con cháu trai của họ thay thê chức Chủ tịch hội đồng gia sản. Các thành viên có nghĩa vụ thực hiện nghiêm túc sự đề cử này.
Cổ phiếu được quy đồi ra tiền, tiền mặt vốn lưu động nằm trong tài khoản, tổng số là 12 triệu D. Mark. Chia là 6 phần, mỗi phần trị gía 2 triệu, chia cho 5 con : Lê Trần Thu Nhàn, Lê Trần Đại, Lê Trần Việt, Lê Trần Hùng và Lê Trần Thu Cúc. Còn lại một phần - 2 triệu - được gửi vào một tài khoản mang tên Lê Trần Thu Nhàn. Khoản tiền này chỉ dùng để duy tu, bảo quản, sửa chữa ngôi nhà, hoặc trả lương thuê luật sư giám sát thưc hiện di chúc, chi phí cho những ngày toàn gia tụ tập hội, giỗ hàng năm. Cũng từ những cuộc họp đó, Ban quản trị tài sản gồm 5 đại diện của 5 con - bàn bạc quyết định chi những khoản tiền cho các cháu những xuất học bổng, những phần thường khuyến khích những chắu học giỏi... Lê Trần Thu Nhàn được giao nhiệm vụ thay cha điều hành hoạt động của gia tộc làm Chủ tịch hội đồng quản trị gia sản. Mọi vấn đề được quy định cụ thể trong 2 bản phụ lục 1 và phụ lục 2
Nếu các thành viên nghe xong, đồng ý không có ý kiến gì thắc mắc, Di chúc được thực hiện sau 1 tuần. Trong trường hợp có ý kiến khác phản đối, đòi xét lại, thậm chí kiện cáo... thì sau khi tòa án phán quyết, người kiện cáo kia thua kiện, số tiền chia sẽ bị cắt giảm một nửa, dùng để chi phí cho vụ kiện... còn lại sẽ đem xung vào qũy khuyến khích gia sản giòng họ Lê Trần.
Tiếp theo, ông luật sư đọc các phụ lục... và ủy nhiệm thư của cụ Ban cho tổ hợp luật sư giám sát việc thi hành di chúc. Phải nói rằng bản di chúc chặt chẽ, tỷ mỷ, cặn kẽ đến từng chi tiết. Khoảng 5 phút trôi qua không ai lên tiếng, tuy nhiên nếu nhìn từng thành viên có mặt người ta thấy sắc diện cuả họ, mỗi người một vẻ, bởi trong lòng họ đang nổi cộm những suy tư :
- Chị cả Nhàn dường như chẳng quan tâm, chẳng nghe luật sư nói gì. Hai mi mắt chị hùm hụp vì khóc nhiều, mặt phờ phạc, bặc phếch vì thiếu ngủ.
- Út Cúc cũng giống chị cả chỉ biết khóc...
- Đại - tái mặt, môi mím - thỉnh thoảng lại rên hừ... hừ...
- Việt - phản ứng mạnh nhất - mặt hầm hầm, bật thành tiếng lặp đi lặp lại : Quỷ... thật !
- Hùng - trầm ngâm - Lúc nhìn chị, khi lại quay sang nhìn lứơt qua hai anh Việt, Đại rồi gục mặt nhìn chăm chằm xuống mặt bàn...
Các nàng dâu Việt Nam im lặng, đăm chiêu...
Chỉ có cô Vania - ''Dâu Tây'' - tỏ ra thanh thản. Dường như việc phân chia tài sản kia chẳng gây cho cô chút ấn tượng nào. Cô lên tiếng trước : Đến bao giờ chúng tôi mới nhận được số tài sản này ?
- Nếu không ai có ý kiến gì, tất cả tuân thủ, ký vào bản cam kết thì sau 1 tuần, việc phân chia hoàn tất, lúc đó chúng tôi sẽ yêu cầu nhà Bank Z thực hiện. Ngừng một chút, ông Luật sư cúi xuống dở một trang phụ lục - hình như cố tình nấn ná - không có ai lên tiếng, mới tiếp : Nhưng các vị nên nhớ, bản Di chúc đã được sở Tư Pháp thành phố xác nhận tính hợp pháp...
- Vây thì chưa chắc - Việt ngắt lời Luật sư - ngửng nhìn vị Chưởng Khế, nói giọng rắn rỏi, dứt khoát - chúng tôi có bằng chứng rằng, khi cha tôi lập di chúc trong trạng thái không tỉnh táo, không bình thường...
Ông Chưởng Khế ngạc nhiên...
Luật sư nhướng mắt nhìn Việt. Trong đôi mắt ẩn sau cặp kính lão - ánh lên tia sáng. Ông cúi xuống cầm cây bút, dở sách ghi...
- Nếu có bằng chứng cha tôi lập di chúc trong trạng thái bệnh còn nặng, thì cần phải xét lại - Đại tiếp.
- Vậy chúng ta nhờ Tòa phán xử - Hùng lên tiếng !
Vị Chưởng Khế quay sang nói nhỏ với ông Luật sư... ông kia gật đầu : Các vị không đồng ý, cần Tòa án phán quyết thì chúng ta sẽ gặp nhau tại đó. Ngừng một chút, ông nhìn xoáy vào mặt 3 người con trai của cố nhân, gằn từng tiếng : Các vị hãy suy nghĩ cho kỹ. Trong mục 3, phụ lục số 1 có nói rõ... phải viết đơn ký vào... kết qủa phải thực thi theo điều 3 của phụ lục số 1.
Lời cảnh báo như tiếng bom nổ. Tất cả mọi người trong phòng đều giật mình. Đại biến sắc mặt. Việt vẫn giữ nguyên thái độ gay gắt : Yêu cầu ông trao cho chúng tôi bản chính của Di Chúc và toàn bộ các giấy tờ có liên quan.
- Tôi sẽ trao cho ông các bản sao. Bản chính thân phụ ông đã ủy nhiệm bằng văn bản, cho văn phòng chúng tôi lưu giữ cùng với một bản hiện đang nằm tại két bảo hiểm của nhà Bank Z.
Việt còn định nói tiếp, Đại dơ tay ngăn em lại : Các em, nếu ai đồng ý đưa ra tòa xét lại Di chúc thì ký vào tờ đơn này. Dứt lời, Đại cúi xuống tờ giấy cầm bút ký, sau đó Việt ký tiếp. Khi tờ đơn chuyển đến trước mặt Hùng, anh ta rút bút, cầm lăm lăm, nhìn Vania. Cô vợ khẽ lắc đầu, dè dặt : Anh Hùng, không nên ! Chúng ta phải tuân thủ Di chúc của cha.
Nhàn và Cúc nhìn Vania đầy thiện cảm
- Thôi, anh không bắt buộc chú - Đại phật ý nói mát.
Hùng đỏ mặt ngượng ngịu im lặng. Vania nở nụ cười.
Việt ném cho Hùng cái nhìn nghiêm khắc, quay sang chỉ vào Đại - nói với ông luật sư gìa người Việt : Đây là luật sư đại diện cho chúng tôi - anh ta đưa tấm Card, tiếp - yêu cầu ông ngay sau đây, gửi cho ông ấy các loại giấy tờ mà chúng tôi cần.
Không khí trong phòng trở lên ngột ngạt...
Trước khi Đại, Việt nói, Nhàn hầu như không chú ý, quan tâm đến xung quanh. Khi nghe hai em lên tiếng, chị bừng tỉnh, sự mệt mõi biến mất, hai mắt Nhàn sáng rực, hết nhìn hai em lại nhìn ông luật sư. Khuôn mặt chị tái đi rồi đỏ bừng. Hai cậu em dường như nhận ra sự thay đổi của chị mình nên có vẻ dè dặt. Nhàn đứng dậy lừ lừ tiến đến trước mặt hai em. Đại, Việt chưa hiểu chị mình định làm gì, trố mắt nhìn... Nhàn vung tay...
Bỗng..
Bốp... Bốp !
Đại, Việt tối mặt mũi chỉ còn kịp đưa tay lên xoa má...
Nhàn chỉ mặt hai em, run run, phát ra tiếng gầm : Đố bất hiếu ! Đố mất dậy. Chúng mày - Việt trố mắt nhìn chị. Đại gục mặt xuống - Hành động của Việt như kích thích cơn giận đang bừng bừng trong lòng, Nhàn dơ tay định tát tiếp, Việt đã nhanh chóng chộp lấy tay chị. Chàng trai đô khoẻ nhìn chị như thôi miên, lát sau mới dằn giọng : Cái tát vừa rồi là trả cho chị công thay mẹ nuôi em, trả cho tấm lòng thương yêu các em của chị từ khi mẹ mất. Không có cái thư 2. Nếu còn - nghĩa là cái tát xâm phạm thân thể, lăng nhục con người. Đây là nước Đức - Nươc Đức, chị hiểu chứ ? - Việt gào lên - Chị sẽ phải hối hận. Chị hãy thử tát nữa đi ! Việt buông tay, sán lại, chìa má.
Nhàn chợt như bừng tỉnh, thu tay về, nhìn cậu em, ánh mắt dịu dần. Quả thật trong phút nóng giận chị đã hành động thiếu suy nghĩ. Nhưng nhìn nó, nghe nó nói chị lại giận sôi người.
Ông luật sư thấy vậy vội lên tiếng : Thôi, chị Nhàn. Nếu các anh đây còn nghi ngờ, chúng ta đành gặp nhau ở Tòa án. Tôi dám chắc rằng các anh sẽ phải hối hận khi làm trái ý cha họ. Mà lúc đó, thử hỏi, các anh sẽ nói sao với hương hồn cụ thân sinh... có còn dám ngẩng mặt nhìn thân nhân, đồng hương của mình không ? Dừng lại hãy còn kịp. Tôi xin nói thêm : Ông cụ là bố của các anh... từng trải... định liệu mọi việc... các anh hãy suy nghĩ cho kỹ trước khi hành động. Tôi nói vậy là vì tôi là bạn thân của bố các anh. Chứ, nếu trên cương vị luật sư đại diện cho thân chủ, tôi không bao giờ lên tiếng như vậy…
Nhàn càng đau khổ, tái mặt cúi xuống.
Cúc lại khóc.
Hùng dửng dưng...
Vania trố mắt nhìn chồng.
Đại ngẩng mặt nhìn người Luật sư chăm chăm. Trên nét mặt anh lộ vẻ băn khoăn...
Việt thì vẫn câng câng. Anh ta tỏ vẻ bất cần. Khi ông luật sư ngừng lời, không khí trong phòng căng thẳng, im lặng. Nhàn nhìn các em, giọng dịu dàng : Các em hãy bình tĩnh, suy nghĩ đi. Nếu còn thương, tôn trọng cha thì nhất định phải vui vẻ thực hiện tâm nguyện của ngươi. Cha giao cho chị tạm quản lý số tài sản kia là dành cho con chắu các em. Nếu chị ra đi theo cha, sẽ đến lượt một trong số các em thay chị. Tại sao lại nghĩ như thể chị chiếm đoạt số tài sản này vậy ? Còn Việt, thực ra em muốn gì ?
- Nhưng ông gìa có coi chúng tôi là con đâu - Việt gay gắt.
- Cụ thể ý anh thế nào ? Cứ nói rõ ra để mọi người biết - Cúc bực dọc lên tiếng.
- Được ! Tôi nói. Chúng ta đều đã lớn khôn, trưởng thành, có cuộc sống riêng và mục tiêu để phấn đấu. Tại sao Ông gìa lại không chia đều của cải cho con cái để mặc chúng ta tự xoay sở ? Mỗi người trong chúng ta có quan niệm riêng, tư chất khác nhau... nhất là ở thời đại này, làm sao có thể đi làm cái việc được một ông gìa hơn 80 tuổi, nằm dười mồ, sắp xếp... bắt những người sống, thực hiện ý đồ của ông trong tương lai ? Lại nữa : Dùng một phần tài sản cho một công việc viển vông ? Khu đất và tòa nhà trị gía mấy triệu bạc... cũng lại bắt các con ''quây quần bên nhau giữ lư hương, cúng tế’’. Mọi người đều rõ tính cách của chúng ta: Xa thơm, gần thối. Quây quần để mà cãi nhau à? Tại sao lại không bán đi, chia nhau. Mỗi người sẽ có kế hoạch riêng để tạo dựng cơ nghiệp.Thử hỏi nếu sau này hàng chục đời, ngôi nhà và mảnh đất sẽ được xử dụng như thế nào? Vả lại số tiền bán đất đó được phát huy thì cũng là con chắu của giòng họ hưởng cơ mà? Chả hiểu sao ông cụ lại đưa ra bản Di chúc quái qủy này? Trừ phi ông lập Di chúc trong trạng thái hôn mê ?...
Ý kiến Việt qủa thật xác đáng ở một số điểm, khi anh ta dùng tư duy và cái nhìn rất thực dụng xem sét. Đại, Hùng im lặng gật gù... Cúc nhìn chị đăm đăm... Nhàn không thay đổi nét mặt, vẫn nhẹ nhàng : Chị đồng ý với Việt ở một điểm : Cha bắt ép chúng ta phải thực hiện ý định của người. Nhưng đó là ý định tốt đẹp chứ không phải bắt chúng ta làm điều phương thiên hại lý, đi ngược lại đạo nghĩa người đời, di huấn của tổ tiên. Số của cải đó chỉ dành cho con chắu của các em. Còn các em đã được cha chia phần rồi kia mà. Cả đời cha mẹ sống cho chúng ta. Kết quả việc chia tài sản hôm nay là sự chứng minh. Nếu là người con có hiếu, hiểu biết lý lẽ thì phải thực hiện nghiêm chỉnh bản Di chúc này. Chị đã nói hết lời, mong các em nghĩ lại !
Sáng mùa hè, ngoài trời nắng to, chói chang. Không khí trong phòng trở lên ngột ngạt. Sau ý kiến của Nhàn, các em trầm ngâm... dường như trong đầu họ đang diễn ra cuộc đối thoại gay gắt giữa ý kiến gợi ra của Việt và tinh thần bản Di chúc cùng lòng thành tâm của người chị đáng kính.... Phải đến dăm phút im lặng trôi đi... Lát sau lại vẫn tiếng Việt vang lên : Không có gì để nói nữa. Tôi vẫn cứ quyết định ra tòa để nhờ họ phân xử lại. Dứt lời, Việt đứng dậy đi ra cửa, vợ và ba con theo sau. Những người khác cũng im lặng làm theo. Căn phòng trở lên vắng vẻ, chỉ còn Nhàn và người luật sư gìa. Chị lo lắng hỏi : Thế nào bác, liệu khả năng thắng kiện của chúng ta bao nhiêu phần trăm ?
- Cô yên trí. Tôi hiểu cậu Việt đang giở trò gì. Tôi với cha cô là chỗ quen biết đã lâu. Từ khi bắt đầu khởi thảo Dy chúc, ông đã bàn bạc trao đổi với tôi... Mỗi lần sửa đổi, và nhất là hoạch định ra kế hoạch để ''dẹp loạn'' ông cụ đã lường. Cứ để cho cậu ấy quậy phá, sẽ nhận được bài học đích đáng, tỉnh người mà quay lại. Hiểu con mình không ai bằng cha mẹ. Lúc này cô có khuyên giải hay làm gì đi nữa, câu Hai cậu Ba nhà ta cũng không nghe đâu.
- Mọi việc chúng chắu trông cậy cả vào bác.
- Cứ yên trí. Bác với cha chắu ngoài quan hệ người làm thuê, chủ, khách hàng, chúng tôi còn là người cùng giòng giống Việt, là bạn bè mấy chục năm. Nhưng điều này mới là quan trọng : Dù ở đâu cũng phải có Công lý và Đạo lý !
Hai bác cháu chia tay nhau. Nhàn tiễn ông gĩa ra tận bãi xe. Chiếc sân rộng mênh mông, mấy giờ trước trước còn tấp nập, giờ đả vắng lặng…
Cuộc họp gia đình đầy sóng gió, chia rẽ thành 4 phe : Một bên là Đại, Việt. Bên kia, gồm Nhàn, Cúc. Hai người đàn bà kiên quyết bảo vệ, đòi mọi người phải nghiêm chỉnh thực hiện lời trối chăn của cha gìa. Vợ chồng Hùng lại phân thành hai phe :
Hùng thực hiện chiến thuật ''Ngậm miệng ăn tiền''.
Vania thực dụng, không đi theo vết mòn ''Thả mồi bắt bóng''.
Chuyện chia gia tài thừa kế, gây ra những sóng gió thậm chí cả án mạng, Hùng đã đọc, xem phim biết rõ. Nhưng trước lý lẽ ''như đinh đóng cột'' của người anh kế cận - đã từng học và tốt nghiệp ngành Luật - Hùng nhận thấy Việt đúng. ''Nếu bố qủa thực lập di chúc trong trường hợp không tỉnh táo, minh mẫn... thì cần phải xét lại. Đúng ! bản di chúc chẳng giống bất cứ di chúc của người cha nào, nó mang đầy mầu sắc không tưởng, viển vông'' - Hùng đi đến kết luận sau khi đọc kỹ bản sao mà Việt vừa đưa. Tuy vậy, vốn thương chị, kính nể người chi cả đã dành cả cuộc đời mình thay mẹ chăm nuôi các em - Hùng ngần ngại chưa dám lên tiếng ngả theo hai anh.
Vợ Hùng là con gái một gia đình trung lưu, gốc Ba Lan, sinh cơ lập nghiệp mấy đời ở Đức. Cô thương yêu Hùng ngay từ những ngày cả hai còn đang ngồi trên ghế trường Đại Học. Cô yêu chàng thanh niên châu Á bằng cả tấm lòng chân thật, thủy chung. Cả hai học giỏi. Tốt nghiệp xong đều kiếm được việc làm, kinh tế khá giả. Điểm đặc biệt ở Vania - khác hẳn những nàng dâu ''Tây'' khác là rất thông thạo tiếng Việt cả viết cũng như nói. Lấy nhau 5 năm, cô sinh cho Hùng hai bé gái xinh đẹp như tiên nữ. Vania vô cùng mãn nguyện trước hạnh phúc cuộc đời, bởi vậy khi nghe các anh chồng đòi xét lại Di chúc với mục đích kiếm thêm vài trăm ngàn, Vania thấy có gì đó không ổn. Khi chồng băn khoăn, cô chủ động : Hai anh Đại, Việt hơi quá đáng. Em không hiểu lắm về truyền thống, phong tục của sắc tộc Việt các anh. Nhưng di chúc của cha là ý nguyện thiêng liêng, không thể vi phạm. Vả lại, cha chỉ giao cho chị Nhàn quản lý khi chị sống, chị lại không có chồng con, lo gì của cải lọt ra ngoài. Tài sản đó cụ đã ghi rõ : Giành cho tất cả các cháu nội ngoại kia mà ?
Vợ lên tiếng Hùng mới thấy thấm thía. Anh đồng tình với chị cả và em gái, lại thay đổi suy nghĩ... đi đến quyết định... dự kiến sẽ bầy tỏ quyết định đó trong phiên toà.
Trái lại, hai bà chị dâu người Việt của Vania lại khác hẳn. Họ liên kết với nhau tạo thành hậu thuẫn vững chắc cho hai đức ông chồng. Hai người chạy đôn đáo giúp chồng minh tìm chứng cớ để chứng minh rắng người chị gái đã ''Phù phép'' để cha chồng trong lúc kém minh mẫn đã ''gật đầu trước bản di chúc mà chị ta thảo sẵn để giành lấy quyền quản lý, kiếm lợi.''.
Lúc đầu, lòng thương cha, kính mến chị còn nhiều, lấn át tất cả khiến Đại phân vân, dè dặt, anh chỉ âm thầm không đồng tình với cha. Khi nghe Việt phân tích, anh hoàn toàn thay đổi thái độ, đi đến đồng ý với Việt trong quan điểm hiện đại, thức thời. Khi vợ thì thầm bên tai... Đại dần nhận ra sự phi lý trong cách phân chia gia sản. Nỗi bực dọc vì thiếu hụt vài trăm ngàn thì ít mà cảm thấy bực mình vì sự qua mặt của chị gái thì nhiều. Chính hai yếu tố đó đã thúc đẩy Đại kiên quyết ngả sang theo hùa vơi em trai và vợ, đòi xét lại Di chúc.
Phiên toà Hành chính tổ chức tại hội trường lớn của Toà Án tiểu bang. Căn phòng xử án chừng 200 M2 phân chia thành mấy khu vực : Khu dành cho Quan tòa, bồi thẩm đoàn ở trên cao hơn - như sân khấu biểu diễn - Khu dưới, phía hai bên cánh gà, quay mặt hướng chênh chếch lên phía dẫy bàn của chánh án - dành cho các đương sự, các luật sư của bên nguyên và bên bị. Đối diện với sân khấu - nơi đặt dẫy bàn cho chánh án ngồi - là những hàng ghế dành cho người dự.
Phiên xử hôm nay nhộn nhịp, đông hơn mọi phiên khác. Dân Việt định cư trong vùng nghe tin con cái gia đình triệu phú Lê Trần Ban kiện cáo nhau trong việc chia dy sản, kéo đến xem với sự tò mò
Chánh án cho triệu bên bị lên đối chất. Nhàn trong bộ đồ tang đứng nghiêm trang ở khu vực quy định của phòng xử. Luật sư bên nguyên là một người đàn ông Đức, trung niên, to cao, râu quai nón, tướng mạo uy nghi. Bên nguyên và bên bị đều sinh ra, lớn lên ở Đức nên tòa xử không cần phiên dịch. Luật sư bên nguyên hỏi Nhàn :
- Bà là con đầu của cụ Lê Trần Ban ?
- Phải.
- Bà cùng với các ông Luật sư, Bác sỹ chứng kiến cụ Lê Trần Ban, trao cho ông luật sư bản Di chúc phải không ?
- Đúng.
- Bà có chứng kiến lúc cụ thân sinh viết Di chúc không ?
- Không !
- Có phải bà đã giúp cha - hay nói chính xác hơn - tự bà khởi thảo bản Di chúc này - ông ta cầm tạp giấy dơ lên ngang mặt, xoay người xung quanh, hướng vào phía quan tòa và hai bên cánh gà - rồi trình bầy lại cho Cụ nhà nghe, sau đó đưa cụ ký ?
- Không ! Tôi chỉ biết đến Di chúc khi được hiện diện cùng với ông Luật sư và Bác sỹ.
- Thưa ông chánh án ! Các vị bồi thẩm đoàn ! Tôi có trong tay những đơn thuốc, bệnh án của cụ Lê Trần Ban, chỉ ra rằng, trong thời gian từ tháng... đến tháng ... năm... cụ Ban ốm, không có khả năng viết Di chúc. Điều đó chứng tỏ - ông ta lên giọng đanh thép khẳng định - Bản Di chúc này - là do bà Nhàn viết và đạo diễn... Bởi vậy nó không có gía trị pháp lý, cần hủy bỏ, đề nghị tòa xử cho các đương sự của tôi được cùng nhau chia lại tài sản theo luật định hiện hành.
Phòng xử án im phăng phắc, trước chứng cớ của bên nguyên đưa ra.
Tiếng ông Chánh án vang lên :
- Luật sư bên bị, ông có thể phát biểu.
Ông luật sư gìa người Việt điềm tĩnh đứng dậy. Khác với các đồng nghiệp và những phiên xử thông thường, ông không hỏi nhân chứng. Tới phút bồi thẩm đoàn sắp luận án - mới mớ con bài tẩy của mình ra - giọng ông sang sảng :
- Thưa quan tòa. Thưa các vị bồi thẩm đoàn . Thân chủ của tôi chỉ được biết đến bản Di chúc khi được cụ Lê Trần Ban cho mời. Điều đó hoàn toàn bác bỏ lời buộc tội của luật sư bên nguyên, tôi và ông Bác sỹ có thể làm chứng. Tuy vậy, vấn đề mấu chốt của bên nguyên là : Cu Lê Trần Ban tiến hành lập Di chúc có đúng thể thức được luật pháp công nhận không ? Nói chính xác hơn, cụ Ban lập di chúc ở trong tình trạng ốm đau, không bình thường hay hoàn toàn khoẻ mạnh, tỉnh táo ?
Để làm sáng tỏ điều này, tôi xin trình đến quý toà một thiết bị nghe nhìn làm vai trò chứng cứ: Đó là cuốn băng ghi hình, ghi lại toàn bộ sự kiện quá trình lập Di chúc của cụ Lê Trần Ban.
Ông Chánh án chấp thuận.
Hai nhân viên chuyên môn đã được Luật sư bố trí trước, tiến vào, mang theo thiết bị và thao tác... Phòng xử án ồn ào... 5 phút sau trên màn hình của chiếc Tivi đường chéo 20 inch bật sáng, hình ảnh của cụ Ban rõ ràng hiện ra. Cụ ngồi bên cạnh chiếc bàn kê trong phòng ở trong tòa biệt thư. Trên bàn đặt sách, lọ hoa. Cụ ngồi thoải mái, sắc diện bình thường, giọng trầm, ấm, nói về nguyên nhân có cuộc ghi hình này. Cụ khẳng định mấy hôm nay sức khoẻ đã khá... Cụ đã khởi thảo bản Di chúc bằng viết tay từ hơn 4 năm nay. Bây giờ, sau khi đã suy nghĩ cân nhắc, để tránh những hiểu lầm, những ganh tị của một vài người con... cụ phải dùng thiết bị ghi hình, ghi tiếng lập Di chúc, sau đó cuốn băng này sẽ được chuyển cho luật sư, ghi thành văn bản...
Cụ không quên nhắc đi nhắc lại thời gian ngồi trước mắy là ngày... tháng... năm... mà bác sỹ Viện trưởng đã đích thân khám, kết luận rằng tạm thời cụ đã khoẻ. Cuối cùng cụ yêu cầu : ''... Xin quý toà hãy bác bỏ mọi lời khiếu nại, mọi nghi ngờ của những người con đòi xét lại bản Di chúc... Cụ mong muốn rằng, 5 con phải thực hiện nghiêm chỉnh uớc nguyện cuối cùng của cụ, trước khi từ giã cõi đời, ra đi''.
Cuốn băng ghi hình được ghi bằng thiết bị hiện đai, kỹ thuật số, có độ phân giải mầu lớn nên hình ảnh, âm thanh rõ, nét. Sức thuyết phục còn tăng lên khi ở góc bên phải phía dưới, nổi trên khuôn hình là giòng chữ số ghi giờ phút... ngày... tháng... năm.
Chưa hết ! Luật sư cao giọng :
- Thưa ông chánh án, thưa các vị bồi thẩm đoàn. Kèm theo đây là văn bản giám định của các chuyên gia chuyên ngành phát biểu về tính khoa học, xác thực của thiết bị ghi hình. Đồng thời kèm hai văn bản xác nhận tình trạng sức khoẻ của cụ Lê Trần Ban do đích thân bác sỹ Viện trưởng khám, ký...
Dựa vào các chứng cứ đã nêu, tôi khẳng định những lời buộc tội cũa luật sư bên nguyên là vô căn cứ. Bản Di chúc được người qúa cố lập trước khi chết hoàn toàn hợp lý, hợp pháp. Đương sự phải nghiêm chỉnh thực thi theo các chỉ dẫn ở các phụ lục 1, 2.
Mọi việc quá rõ ràng. Chánh án cho phép phiên tòa nghỉ nghị án. 30 phút sau tái lập. Ông Chánh án quay sang bồi thẩm đoàn hỏi, đại diện bồi thẩm đoàn khẳng định : Bản dy chúc do Cụ Lê Trần Ban lập hoàn toàn hợp pháp, hợp lý.
Chánh án căn cứ đó tuyên bố : Bác bỏ đơn đòi xét lại Di chúc của bên nguyên. Yêu cầu các con của cụ Lê Trần Ban phải nghiêm chỉnh thực hiện bản di chúc và các phụ lục dưới sự giám sát của toà án.
Phiên tòa kết thúc trong sự thoả mản của những người tới dự.
Nhiều người xì xào bàn luận về hành động của hai người con trai người qúa cố...
Trước khi rời phòng xử, lên xe, cả 5 người dường như muốn tụm lại, nói với nhau... Nhưng, ấn tượng của phiên tòa đã ngăn cách họ. Tuy vậy, trong lòng từng người đang xáo trộn giòng suy nghĩ :
Nhàn, Cúc không dấu được sự vui mừng khôn tả. Các chị đã làm tròn phận sự của đứa con hiếu thảo.
Vợ chồng Hùng vui mừng không kém. Nhất là Vania, cô cười tươi, không hiểu do bảo vệ được tâm nguyện của cha chồng, hay bảo vệ được 1 triệu bạc mà người chồng phổi bò, thiếu bản lĩnh, chì vì a dua, nể nang - suýt đánh mất. Hay cô thực sự vui mừng vì làm được cả hai ?
Đại tái mặt. Anh không chú ý đến khía cạnh thất thiệt về tài chính, chỉ cảm thây ân hận... xấu hổ... Trong 5 chị em, Đại trình độ văn bằng cao nhất, có tiếng tăm trong giới người Việt sinh sống ở khu vực này. Anh sẽ phải đối mặt với dư luận và sự chê trách của người đời... cảm gíac thất bại sau vụ kiện bao trùm...
Thái độ của Việt mới thật kỳ lạ.
Anh chẳng nghĩ gì đến việc mất 1 triệu bạc do làm trái ý cha, không nghe lời khuyên của luật sư. Cũng chẳng hề quan tâm đến dư luận và câu ''Bất hiếu''. Việt cố tình khởi thảo vụ kiện chỉ nhằm mục đích tìm ra sự thật về bản Di chúc mà anh đoan chắc rằng, chị gái đã lừa dối... thực hiện mờ ám... Việt không thể chịu được sự áp đặt, dù đó là sự áp đặt của cha, chị - những người Việt rất thương yêu tôn kính. Có thể giòng mắu trong người anh là giòng máu kiên nghị, cố chấp của người cha, nhờ có nó nên ông thành công.
Bây giờ giòng máu ấy đang cuồn cuộn trong đường gân thớ thịt của Anh...
Viernheim - Mùa thu năm 1998