Tuần này, Thanh Niên Chủ Nhật xin giới thiệu một entry ngắn nhưng gợi nhiều suy nghĩ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.
Khóa học sản xuất phim của Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam (TPD) bắt đầu vào ngày hôm qua. Thầy giáo là nhà sản xuất nổi tiếng Albert Berger đã làm nhiều phim tầm cỡ, trong đó phải kể đến hai giải Oscar cho phim Little Miss Sunshine (*) của ông làm năm 2006.
Có 13 sinh viên đã được tuyển chọn trong số 70 sinh viên gửi hồ sơ đến tham dự. Mục đích của lớp học rất rõ: học về sản xuất phim hiện đại. Trung tâm TPD tuyển chọn những người "máu me" nhất. Có nghĩa là mọi người theo học muốn trở thành những nhà sản xuất phim. Thầy giáo bay hơn mười hai ngàn km từ Mỹ sang. Bắt đầu là việc thầy giáo và sinh viên làm quen với nhau.
Một sinh viên tự giới thiệu:
- Em là... làm kỹ sư...
Thầy giáo ngạc nhiên:
- Em muốn trở thành nhà sản xuất phim à?
- Em cũng không biết nữa!
Tiếp đến là một sinh viên khác
- Em là... đã học viết kịch bản.
- Em thích thể loại phim gì?
- Em thích nhiều lắm.
- Cụ thể là em thích thể loại nào? Hành động, hài, kinh dị...
- Em cũng không biết nữa... có thể là phim tình cảm.
Còn đây là cuộc đối thoại giữa thầy giáo và sinh viên thứ ba:
- Em là... đã học phê bình phim.
- Lĩnh vực em hay viết là gì? Phim trong nước hay nước ngoài?
- Em cũng không biết nữa... nói chung là em
viết tất...
Và, một người khác thì:
- Em mong muốn gì ở khóa học này?
- Em cũng không biết nữa... Em chỉ muốn ... Xem xem thế nào...
Ôi, điều tưởng như đơn giản là biết mình muốn gì và thích gì... Tôi cũng có một thời gian dài khi mới lớn lên, chẳng biết mình muốn gì thích gì. Bé tí phải theo ý muốn của cha mẹ, sau thêm ý muốn của thầy cô phải theo, nói lời nào cũng nhìn trước ngó sau sợ mình nói sai, tốt hơn là nói theo người khác, muốn gì thích gì không biết, hoặc muốn và thích a dua theo người khác. Hoặc biết mình thích gì cũng không dám nói ra, hoặc có nói ra vì ép buộc.
Đó có phải là hệ quả của những phương pháp giáo dục xơ cứng ?