Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.105
123.163.356
 
Dám sống, vượt qua rào cản chính mình
Huỳnh Sơn Phước

32 năm đã trôi qua kể từ ngày Tuổi Trẻ phát hành số đầu tiên. 32 năm, con đường chưa đủ dài nhưng những thăng trầm, những bước đi của Tuổi Trẻ đã cho phép tờ báo sống trong ký ức của cộng đồng, như một thứ nhu yếu phẩm của người đọc ở một đất nước đang tìm được một chỗ đứng ngày càng xứng đáng hơn trong đời sống toàn cầu.

 

Tháng 9-1975, Tuổi Trẻ ra đời ở TP.HCM thì Sài Gòn Giải Phóng đã phát hành đến số thứ 120, với 90.000 bản mỗi ngày. Công Nhân Giải Phóng 25.000 bản, Phụ Nữ TP.HCM 25.000 bản. Phát hành gần năm năm Tuổi Trẻ cũng mới là một nội san được cấp phát 1,5 tấn giấy một tháng (bây giờ mỗi ngày Tuổi Trẻ sử dụng hơn 20 tấn giấy).

 

Tháng 4-1980, đồng chí Võ Văn Kiệt hỏi: “Vì sao trước 1975 ai làm báo cũng giàu, bây giờ năm nào Tuổi Trẻ cũng ngửa tay xin tiền, xin giấy, cho đồng nào xài hết đồng ấy?”. Liệu còn có cách nào để tự lập không? Đứng trước những câu hỏi như thách thức, Tuổi Trẻ phải tự tìm lối ra. Tháng 5-1980, về làm phóng viên của báo, tôi biết ban biên tập đã đứng trước ba chọn lựa: mở tiệm may để cải thiện đời sống cho 23 con người, xin đất lập nông trường hoặc là sản xuất giấy.

 

Vay mượn được 9 chỉ vàng, sau đúng một năm Tuổi Trẻ xuất được những tấn giấy đầu tiên, năm 1982 trả được cả vốn lẫn lời, 1983 bắt đầu đóng thuế, 1985 sống được nhờ vào sự chi trả của người đọc, mỗi tháng còn chi viện cho Thành đoàn 2-3 triệu đồng.

 

Tháng 5-1981, khi thị trường còn là điều cấm kỵ, các doanh nghiệp mới dám nói đến chuyện “hai kế hoạch, ba lợi ích” thì đồng chí Võ Văn Kiệt lại làm việc với ban biên tập Tuổi Trẻ, bàn chuyện “cởi trói cho sản xuất bung ra”. Và câu chuyện về các doanh nghiệp thành công khi biết đặt quan hệ với thị trường xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ.

 

Về phần mình, Tuổi Trẻ đã tham gia quá trình chuyển đổi nền kinh tế như một dẫn chứng bảo đảm trên thực tế khả năng khai phóng và phát triển truyền thông mà không nhờ vào sự tài trợ của Nhà nước. Tuổi Trẻ đã dám sống và biết cách bước qua những rào cản bịt bùng của đêm trước đổi mới, điều hành Tuổi Trẻ như một công ty trong cái vỏ của một cơ quan hành chính có thu sau đổi mới.

 

Tuổi Trẻ đã vượt trước và tạo ra tài sản lớn: ngoài sự tin cậy của hàng triệu người đọc (trung bình 450.000 bản in và hơn 4 triệu lượt truy cập trên báo điện tử mỗi ngày), Tuổi Trẻ là một tòa soạn mở với một đội hình các nhà báo đã và đang được đào tạo theo những chuẩn mực chuyên nghiệp, mạng lưới cộng tác viên là chuyên gia đầu ngành, trí thức đầu đàn, chính khách, doanh nhân, những người hoạt động sáng tạo có đủ tư cách phát ngôn về tất cả các lĩnh vực mà người đọc quan tâm.

 

 

Xưởng hóa chất Tuổi Trẻ ra đời nhằm sản xuất một số hóa chất cung cấp cho các nhà máy giấy để đổi lấy giấy in báo. Đây cũng là những bước làm kinh tế đầu tiên của Tuổi Trẻ.

Hơn 30 năm tạo dựng và phát triển liên tục, Tuổi Trẻ còn sở hữu một kho dữ liệu gồm tin tức, hình ảnh, phim đã được số hóa. Đây là một nguồn tài nguyên luôn được làm giàu từng phút, một nhân tố quan trọng đảm bảo cho đẳng cấp và khả năng vượt trước của Tuổi Trẻ 20 trang sẽ ra ngày 10-9-2007, các sản phẩm đã và sẽ mang tên Tuổi Trẻ.

 

Bây giờ là thập niên đầu của thế kỷ 21. Năm ngoái, nhân 31 năm thành lập Tuổi Trẻ (2-9-2006), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắn nhủ như một mệnh lệnh thôi thúc: “Tuổi Trẻ phải là một tập đoàn truyền thông mạnh”. Năm 2007, một lần nữa, trước những thử thách của phát triển, nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt lại gặp gỡ Thành đoàn, ông nói với Đoàn và nhắc nhở chúng ta: lịch sử Tuổi Trẻ là lịch sử của những người biết vượt qua thực trạng, là dấn thân vì điều ngay lẽ phải ở đời.

 

Ông nói với tính chiến đấu của một người làm cách mạng, ủng hộ tổng biên tập Lê Hoàng gỡ cái vật cản ngay dưới chân mình để đòi một “phương thức lãnh đạo tốt nhất là tạo điều kiện để báo Tuổi Trẻ vươn lên xứng tầm quốc gia và khu vực”, để “Tuổi Trẻ vươn lên trở thành một tập đoàn báo chí. Mà tập đoàn báo chí thì phải đảm bảo hai yếu tố: một là, tự thân tờ báo đủ sức khẳng định thế mạnh cơ quan truyền thông. Bên cạnh đó là hoạt động kinh tế, cơ sở vật chất, hoạt động đằng sau mặt báo cũng khẳng định thế mạnh cơ quan kinh tế”...

 

32 năm đã trôi qua kể từ ngày Tuổi Trẻ phát hành số đầu tiên. 32 năm, con đường chưa đủ dài nhưng những thăng trầm, những bước đi của Tuổi Trẻ đã cho phép tờ báo sống trong ký ức của cộng đồng, như một thứ nhu yếu phẩm của người đọc ở một đất nước đang tìm được một chỗ đứng ngày càng xứng đáng hơn trong đời sống toàn cầu.

 

Nếu có lúc nào phải nói lời chia tay, tôi cảm ơn những năm tháng sống và làm việc ở Tuổi Trẻ. Và dù ở đâu hay bất cứ vị trí nào thì tôi vẫn tin rằng nếu ta đứng vững trên bệ phóng của mình, chủ động đi tìm con người cho một tờ báo xứng đáng với dân tộc mình - một tờ báo không thể thay thế trong bất cứ tình huống nào cho bất cứ ai muốn đọc báo tiếng Việt trên toàn cầu; một tập đoàn truyền thông đa phương tiện, đa ngôn ngữ có đủ tư cách và đáng tin cậy của bất cứ ai hướng đến VN, tìm cơ hội đầu tư phát triển, du lịch, chia sẻ những giá trị nhân văn cần cho hạnh phúc của con người...

 

Chỉ cần ta thực tâm muốn vậy thì ta sẽ chọn đúng người và có giải pháp tối ưu cho mọi tình huống. Kể cả khi ta nói không với người này, đồng ý với người kia, ta hành xử theo cách này chứ không theo cách khác, cũng chỉ vì ta muốn bảo vệ và nhân lên những giá trị của Tuổi Trẻ.

 

Ảnh :Nhà báo Huỳnh Sơn Phước

 

(28-8-2007) TTO

Huỳnh Sơn Phước
Số lần đọc: 2238
Ngày đăng: 03.09.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ăn cơm nhà... (phần 11) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 12) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 9) “truyện không kể trong truyền kì “ - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 10) (Trích Luận ngữ tân thư) - Phạm Lưu Vũ
Mùa thu tế - Võ Quê
Ăn cơm nhà... (phần 8) - Phạm Lưu Vũ
Nửa điều còn lại - Phạm Lưu Vũ
ăn cơm nhà... (phần 6) - Phạm Lưu Vũ
Ăn cơm nhà... (phần 7) - Phạm Lưu Vũ
Mùa mưa.ra đảo… - Huỳnh Kim
Cùng một tác giả