Nói đến văn minh miệt vườn là nói đến một đề tài rất lớn. Tuy nhiên , người ta cũng hiểu được những nét văn minh ấy được hình thành từ miệt vườn, từ miền quê sông nước, từ những vườn cây trái sum suê…và chúng ta có thể nhận thấy những nét văn minh ấy được thể hiện cụ thể và sinh động trong ca dao Nam Bộ :
* Từ khung cảnh thiên nhiên :
Từ xưa, Nam Bộ là vùng đất hoang sơ, sình lầy, cây cối rậm rạp. Theo thời gian, các lớp người lần lượt đến đây sinh cơ lập nghiệp, họ đã cảm nhận được khung cảnh xa lạ và chính những cảnh ấy đã góp phần tạo nên văn minh miệt vườn:
Chèo ghe sợ sấu cắn chưn
Xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma.
tuy xứ sở lạ lùng, nhưng điều kiện tự nhiên ưu đãi , sản vật phong phú. Qua năm tháng, con người đã vượt mọi khó khăn động viên nhau chinh phục những hoàn cảnh khắc nghiệt:
Làm trai cho đáng nên trai,
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng.
và cứ thế trang sử mới được mở ra, con người đã biến vùng đất hoang sơ thành bức tranh tươi đẹp, mỗi vùng có đặc sản riêng, đáng tự hào. Từ miền Đông Nam Bộ, ta đã nghe những lời ca dao quen thuộc:
Nhà Bè nước chảy phân hai,
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.
càng xuôi về miền Tây, ai cũng thấy lòng mình như trải rộng:
Thấy dừa thì nhớ Bến Tre
Thấy bông lúa đẹp thương về Hậu Giang.
ở miền tây, ngoài những cánh đồng mênh mông bát ngát còn có những dải núi cao cao, đó là sản phẩm tuyệt vời mà tạo hoá đã khéo ban tặng cho vùng đất này:
Nhất cao núi Cấm xa xanh
Suối tuôn róc rách chảy quanh núi dài.
Còn ở phía đông của vùng đất này, có biển rộng bao quanh tạo cho Nam Bộ có những nét hài hoà : có ruộng đồng, núi sông, biển cả…và biển đã cung cấp cho con người nhiều loại sản vật góp phần ổn định đời sống :
Chợ Ba Tri thiếu gì cá biển,
Anh thương nàng anh nguyện về đây.
với những khung cảnh tuyệt đẹp như vậy đã tạo cho đời sống người Nam Bộ có những nét bình dị, dễ mến.
* Đến nhà ở và phương tiện đi lại :
Với mong muốn thoát khỏi cảnh cảnh áp bức , bất công nên những người dân nghèo khó từ miền Bắc, miền Trung đến vùng đất Nam Bộ họ phải chịu cảnh :
Nghèo đến nỗi có giường không chiếu,
Lo nồi mai sớm thiếu nồi chiều.
Dù hoàn cảnh có đẩy đưa thế nào đi nữa, họ cũng muốn an cư lạc nghiệp, họ thường tập trung sống ở ven sông, ven những đường lưu thông thuận lợi. Với điều kiện hiện có, họ thường cất những căn nhà đơn sơ, chủ yếu tránh mưa, tránh nắng, đó là những mái chòi, những mái nhà lá, họ đốn những loại cây tạp trong vườn làm cột, làm kèo. Họ cho rằng:
Dạo chơi quán cũng như nhà
Lều tranh có nghĩa hơn toà ngói tô.
Riêng những ai có điều kiện thì họ cất nhà cột đúc, cột vuông đẹp hơn. Lúc bấy giờ, có nhiều nhà cách sông, cách rạch , nếu muốn qua lại người ta phải đi cầu tre lắc lẻo – nhiều người gọi là cầu khỉ. Với hệ thống sông ngòi chằng chịt nên phương tiện đi lại và làm ăn chủ yếu là ghe, xuồng :
Chèo ghe đi bán cá vồ
Nước chảy ồ ồ chẳng thấy ai mua.
và nhờ kinh nghiệm và bàn tay khéo léo, con người đã tạo nên những phương tiện phù hợp với từng điều kiện , có thể là gió căng, nước ngược :
Ghe anh mỏng ván, bóng láng nhẹ chèo,
Xin anh bớt ngọn xả lèo chờ em.
và có thể nói thêm là cuộc sống của người Nam Bộ gắn bó với miệt vườn nên những món ăn của họ cũng rất là đạm bạc, những con cá , lá rau được hái ngoài vươn , không nhất thiết phải mua tốn kém , họ vẫn thấy ngon:
Cá trê mà nấu canh bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.
hoặc :
Lá dền, đọt mướp ngọt canh
Chén tương, dĩa mắm nặng tình cố hương.
và những món ăn như vậy đã làm phong phú cho nguồn ẩm thực Nam Bộ.
* Cảnh lao động, sinh hoạt…
Dù được thiên nhiên ưu đãi: mưa thuận, gió hoà, đất đai màu mỡ…nhưng không phải lúc nào điều kiện ấy cũng ổn định, con người phải vượt qua mọi sự thay đổi để giành lấy chén cơm , manh áo. Họ lao động, làm việc rất nhiệt tình và nhộn nhịp , thông qua hình ảnh:
Chiều chiều con quạ lợp nhà
Con cu chẻ lạt, con gà đưa tranh.
hoặc ;
Cha chài, mẹ lưới, con câu
Chàng rể đóng đáy, con dâu ngồi nò.
và trong từng cảnh lao động họ đã tạo nên những điệu hò, câu hát để giúp cho tinh thần của họ được sảng khoái, tăng năng suất lao động, có thể kể là hò cấy , hò chèo ghe…còn mỗi khi sinh hoạt vui chơi hoặc hội hè, đình đám, họ cũng hết mình, chẳng hạn như :
Ví dù cá bống xích đu
Tôm càng hát bội, cá thu cầm chầu.
những nét sinh hoạt ấy dần dần tạo nên những phong tục, tập quán như :tạ ơn đất trời, đáp lễ, …
Mỗi năm mỗi thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
hoặc:
Miễu linh chẳng dám đứng gần
Đứng xa mà vái thánh thần chứng tri.
càng đọc nhiều ca dao Nam Bộ chúng ta càng biết thêm nhiều phẩm chất cao quý của người lao động và những phẩm chất ây không thể nào thiếu được trong cuộc sống.
* Cuộc sống giàu tình nghĩa, mến khách…
Vì người Nam Bộ đã trải qua một thời đất rộng, người thưa nên họ đã biết đoàn kết với nhau để vượt qua mọi trắc trở. Vì vậy, cuộc sống của họ rất giàu tình nghĩa, nhất là tình cảm gia đình:tình cha mẹ, con cái…
Ơn cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang.
hoặc tình nghĩa vợ chồng:
Lên non thiếp cũng lên theo
Tay vịn chân trèo, hái trái nuôi nhau.
có thể nói thêm điều đáng quý nữa là lòng hiếu khách. Du cuộc sống có thiếu thốn đến đâu, họ cũng tiếp đãi bạn bè, khách khứa một cách ân cần. Có thể là nhửng món ăn đạm bạc nhưng thắm tình :
Bắt con cá lóc nướng trui
Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa.
với những cảnh sống và sinh hoạt như thế nên miệt vườn là nơi mơ ước của mọi người :
Mẹ mong gả thiếp về vườn
An bông bí luộc, dưa hường nấu canh.
Có thể nói : dù sống ở đâu nông thôn hay thành thị người ta vẫn nhắc đến những nét cơ bản của văn minh miệt vườn bởi bến nước , dòng sông, nhiều cảnh lao động đã vương vấn lòng người. Trong quá trìng giao lưu, phát triển kinh tế, văn hoá hôm nay, những hình ảnh ấy như tươi đẹp hơn . Và những lần đọc lại những lời ca dao trên, chúng ta như thấy được từng hình ảnh quen thuộc hiện ra trước mắt. Chắc chắn , những hình ảnh đó mãi mãi là những nét riêng của làng quê Nam Bộ./.