Một ngày cuối tháng 05/2006, tôi “tháp tùng” cùng đạo diễn Trần Lương đến nhà của nhạc sĩ Văn Lưu để xem anh thực hiện phim tài liệu về nhạc sĩ Văn Lưu. Nhà của nhạc sĩ Văn Lưu nằm giữa khu vườn yên tĩnh thuộc xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho. Những năm tháng cuối đời, nhạc sĩ Văn Lưu bị “ khiếm thính” nên những lần gặp ông, tôi trò chuyện với ông bằng cách” bút đàm”. Lần này cũng vậy, cuộc trò chuyện diễn ra bằng những dòng chữ ngắn gọn trên giấy. Cuộc”trò chuyện” thật khó khăn và hầu như thiếu hẳn sự giao hòa giữa tâm hồn hai người. Đối với một nhạc sĩ có lẽ cách tốt nhất để giao hòa với tâm hồn họ là nên lắng nghe các ca khúc của họ. Tôi đã nhiều lần thưởng thức ca khúc của nhạc sĩ Văn Lưu. Lắng nghe những ca khúc chứa chan tình yêu cuộc sống của Văn Lưu, nhiều lúc tôi tự hỏi:” Có khi nào tâm hồn ông cảm thấy cô đơn?”. Tôi nghĩ có lẽ điều đáng sợ nhất đối với ông chính là đôi tai của ông bị “ khiếm thính” đã mất khả năng lắng nghe những âm thanh yên bình và sôi động của cuộc sống. Dù thế nào thì tôi vẫn tin tâm hồn nhạc sĩ Văn Lưu vẫn bắt nhịp được những âm thanh cuộc sống và vẫn ngân vang những giai điệu đẹp…. Lát sau, xuất hiện những người bạn của Văn Lưu gồm các nhạc sĩ: Nguyễn Nhuận, Lư Nhất Vũ, Trương Tuyết Mai. Văn Lưu vui vẻ và niềm nở tiếp khách. Ông ít nói nhưng nụ cười rất tươi và đôi mắt toát lên cái nhìn ấm áp tình cảm dành cho những người bạn của ông. Nhạc sĩ Văn Lưu nổi tiếng không chỉ bởi các ca khúc mà còn nổi tiếng là người sống chân thành, giàu tình cảm. Ông là người dìu dắt và đào tạo nhiều tác giả sáng tác ca khúc của tỉnh Tiền Giang. Ông sống lặng thầm, xa lánh mọi bon chen danh lợi và “thủy chung” với âm nhạc cho đến cuối cuộc đời.
Nhạc sĩ Văn Lưu tên thật là Đoàn Lý Ân, sinh năm 1928 tại Mỹ tho, Tiền Giang. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc. Thuở thanh niên, Văn Lưu chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Tham gia cách mạng, Văn Lưu được giao nhiệm vụ là trưởng đoàn Ca múa miền Nam. Tập kết ra Bắc, Văn Lưu là biên tập viên âm nhạc Đài Tiếng Nói Việt Nam. Sau 1975, Văn Lưu trở về quê hương và công tác tại Sở VHTT Tiền Giang cho tới ngày về hưu. Hơn 40 năm qua, Văn Lưu đã sáng tác hàng trăm ca khúc ca ngợi sức mạnh hào hùng và tinh thần lạc quan của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và qúa trình xây dựng đất nước. Thời kháng chiến chống Mỹ, nhạc sĩ Văn Lưu có nhiều ca khúc nổi tiếng gắn liền với từng bước thăng trầm của dân tộc. Tiêu biểu như các ca khúc:” Nữ dân quân miền biển”,” Bài ca người săn máy bay”,” Ta, chiến sĩ giải phóng quân.”. Nhận xét về chất nhạc của Văn Lưu, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cho biết:” Am nhạc trong các ca khúc của Văn Lưu có sự hòa quyện giữa tính dữ dội và tính trữ tình. Ngôn ngữ âm nhạc của Văn Lưu mang vẻ đẹp duyên dáng, dễ đi vào hồn người….”.
Thưởng thức các ca khúc cách mạng của Văn Lưu, người yêu nhạc cảm nhận được âm hưởng hào hùng, lạc quan pha lẫn tính trữ tình, sâu lắng. Trò chuyện cùng chúng tôi về sự độc đáo của phong cách âm nhạc trong các ca khúc của Văn Lưu, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai nói:” Nhạc của Văn Lưu có sự hòa quyện giữa chất bi tráng và chất trữ tình. Tác phẩm của nhạc sĩ Văn Lưu có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính dân tộc và tính hiện đại….”
Nhận xét về tác phẩm:” Bài ca người săn máy bay” của Văn Lưu, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cho rằng:” Giai điệu của ca khúc thật duyên dáng, ca từ nôm na. Chất dữ dội của chiến tranh và chất trữ tình thể hiện tâm hồn của người chiến sĩ chan hòa với nhau tạo nên tính hấp dẫn của ca khúc.” Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cho rằng:” Phong cách âm nhạc của Văn Lưu có sự đa dạng, phong phú về giai điệu, ca từ. Mỗi ca khúc của Văn Lưu đều là một khám phá, tạo sự cuốn hút đối với người thưởng thức….”
Ngoài các ca khúc mang âm hưởng hào hùng, nhạc sĩ Văn Lưu có một số ca khúc trữ tình được nhiều thế hệ yêu thích. Nổi bật nhất là ca khúc:” Trắng trong”,” Ngọt mận hồng đào”,” Mỹ Tho”,” Em đi giao lương”…vv..
Nhạc sĩ Nguyễn Nhuận thổ lộ:” Tôi biết anh Văn Lưu qua những ca khúc của anh phát trên đài phát thanh. Sau 1975, anh về Tiền Giang công tác hai anh em mới gặp nhau. Tôi qúi mến anh Văn Lưu cả tính cách con người và các ca khúc của anh….”
Một ngày thượng tuần tháng 01/2007, nhạc sĩ Văn Lưu đã từ biệt cõi đời về với cõi vĩnh hằng. Ông ra đi âm thầm, lặng lẽ giống như tính cách con người của ông. Ở đâu đây, trong tâm hồn mỗi con người và trong những mái ấm bình dị vẫn ngân vang ca khúc:” Trắng trong” của Nhạc sĩ Văn Lưu:”….. Đôi làn môi con nghiêng về vú mẹ….Như búp hoa huệ ngậm tia nắng trời….”.
Tháng 01/2007