Háo hức khi được lên Lũng Cú, vậy mà cảm giác của tôi khi ngồi trên chiếc xe khách 25 chỗ ngồi là sự lo lắng bất an khi gặp liên tiếp những khúc đường cua tay áo nhỏ hẹp, vách đá chênh vênh, đi phía trên nhìn xuống thấy ngang dưới chân đoạn đường vừa qua cách đó không lâu. Gặp đèo Ma Lé, xe ô tô của chúng tôi phải nhường đường cho một... xe đạp của chàng trai Mông đổ dốc. Vèo một cái, chiếc xe đạp đã mất hút ở khúc cua phía trước. Ô tô ì ì bò qua cua tay áo, đã thấy xe đạp lao vun vút mãi phía dưới cách hai cái cua nữa. Những khúc cua gấp và vực sâu hút bên phải chiếc xe đạp nhỏ bé như cánh chim chèo bẻo lượn ngoằn ngoèo làm cả đám người trong xe ô tô nhấp nhổm lo lắng. Chừng mươi phút sau, ở một đoạn dốc ngược, ô tô mới đuổi kịp xe đạp, mọi người nhìn rõ chàng trai áo chàm phanh ngực, tóc dựng đứng đang mải miết guồng chiếc xe đạp Phượng Hoàng lên dốc. Cách Lũng Cú chừng 3-4 cây số, xe chúng tôi còn gặp một cuộc đổ đèo bằng xe đạp nữa của đôi trai gái Mông, chiếc xe Mini màu mận chín cũng lao vun vút, vào cua gấp. Cô gái Mông áo váy loè xoè, ngồi dạng chân ôm cứng thắt lưng chồng, đôi giày vải phanh xuống mặt đường tung bụi. Ô tô nổi còi pim pim rồi vào cua. Vừa nhô ra khỏi vách đá, đã thấy chiếc xe đạp đổ kềnh, đôi trai gái nằm bò lên nhau, cười khanh khách. Tôi cho rằng tại còi xe phía sau, chàng trai cuống lên nên tự lao vào đống đất bên trái đường để dừng xe đạp lại. Dù sao thì con dốc còn cao quá, họ dắt bộ xuống là an toàn hơn cả.
Người ta bảo chưa lên Đồng Văn là chưa đến Hà Giang, chưa lên Lũng Cú là chưa đến Đồng Văn. Vậy mà tôi được ở lại Lũng Cú một tuần. Công an xã cấp hẳn một giấy tạm trú vì sợ khách lảng vảng đến vùng biên có khi bị giữ lại vì nghi ngờ. Trời Lũng Cú khô hanh nắng nhẹ. Khách lạ như tôi, suốt ngày thấy khát nước. Những bãi ngô lác đác trên núi đá đã thu hoạch xong, bây giờ người dân tập trung vào gặt lúa ở cánh đồng giữa thung lũng. So với những thửa ruộng bậc thang phía sau núi thì cánh đồng này bằng phẳng đến tuyệt vời, rộng chừng 4-5ha. Nhà nhiếp ảnh Nông Tú Tường khoe rằng cánh đồng này ngày xưa là của cụ thân sinh nhà ông, nhưng hỏi ông nó rộng bao nhiêu, ông lắc đầu không biết, chỉ nói thêm rằng địa danh Lũng Cú chính là lũng ngô theo tiếng Mông chứ không phải là "rồng cổ" như ý tưởng của một số người dưới xuôi đưa ra. Bà con người Mông, người Lô Lô đang giúp nhau gặt lúa theo từng tổ, kiểu sản xuất "tập đoàn" đổi công ngày xửa ngày xưa dưới xuôi. Họ tập trung vài gia đình một, gặt lúa đổi công. Những chiếc thàng gỗ 4 cạnh miệng lớn, đáy nhỏ (gọi là loỏng) được khiêng ra đồng, 5-6 người đứng xung quanh dùng tay nắm từng đon lúa đập vào thành loỏng, lúa đầy loỏng thì xúc vào bao tải, cõng về nhà. Người lớn, trẻ con, ai làm được việc đều ra đồng cả. Trước trạm biên phòng, một cô bé người Mông đặt bao lúa cõng trên lưng lên chiếc cọc tiêu bê tông bên con đường đá lên đỉnh cột cờ, đứng nghỉ. Chiếc khăn sơn màu xanh xộc xệch trên đầu, mồ hôi nhễ nhại khuôn mặt đỏ bừng vì nắng, chiếc thắt lưng thổ cẩm sút cả nút buộc sau lưng váy. Bao tải lúa phải hơn hai chục cân. Hai tay vẫn giữ bao lúa cho khỏi đổ, cô bé lặng lẽ nhìn sang trường tiểu học phía trước mặt đang ríu rít tiếng học trò giờ ra chơi. Tôi ái ngại dừng lại bên cô bé.
- Cháu không đi học à?
- Học lớp 3 rồi, bố mẹ nó không cho đi học nứa !
Cô bé ngước đôi mắt to tròn và sáng trả lời như vậy.
Cô nói "Mình tên là Giàng Thị Giang, 11 tủi (tuổi), bố mình là Giàng Seo Chử, mẹ mình là Vừ Thị Mỉ. Nhà mình ở xa lắm". Cô bé chỉ tay về phía núi đá phía Tây. Tôi hỏi có đường rộng rồi, sao không dùng xe bò, xe ngựa chở lúa mà phải cõng từng bao về thế này, Giàng Thị Giang phân bua:
- Nhà mình không có cái đường to, chỉ có cái đường bé thôi.
Từ trưa tới lúc đó khoảng 5 giờ chiều, Giang cõng bao thóc này là bao thứ ba. Cô bảo mệt quá, nghỉ tí đã. Tôi nhấc bao lúa đặt lên vai rồi bảo:
- Để chú cõng giúp về nhà.
Cô bé mở to mắt ngạc nhiên, ra điều sao lại có cái người lớn tốt thế nhỉ, rồi nở một nụ cười biết ơn, nụ cười đỏ thắm thân thiện. Đôi bàn chân trần thoăn thoắt dẫn tôi qua một lối tắt lởm chởm đá, nếp váy chàm xập xoè như cánh bướm. Vượt qua con dốc, tuy bao lúa nhẹ mà tôi thở ra tai. Đến gần xóm, cách ngôi nhà gần nhất chừng dăm chục bước chân, Giang dừng lại chỉ tay ra sau lưng.
- Để mình vác....
- Sao? Chú vác hộ về nhà không được à? Người lớn không mắng đâu.
Cô bé lắc đầu, rồi dứt khoát.
- Để mình cõng. Nhà nhiều chó.. nó cắn.
à ! Cô bé sợ tôi bị chó cắn. Nghe nói giống chó Mông dữ lắm, nên tôi cũng sợ, đặt trả bao lúa lên lưng cô bé, nó vòng hai tay cõng như cõng em, quay lại bảo tôi.
- Về nhé: Cám ơn...
Tôi còn có một cô bạn nhỏ nữa là Vàng Thị Mỉ, sáng nào cũng đi cắt cỏ ngựa. Thấy trong sân nhà khách có bãi cỏ đuôi ngựa, Mỉ vào cắt và tôi đã làm quen với cô bé người Mông 12 tuổi này. Nhưng Mỉ nói tiếng kinh rất kém vì cô chưa được đến trường ngày nào. Cô cắm cúi cắt cỏ, nhanh nhẹn bó thành từng đon nhỏ, xếp gọn xung quanh. Mỉ hỏi tôi:
- Mới lên à? Tôi gật đầu và hỏi lại, cách hỏi ngắn gọn của người Mông.
- Cắt cỏ làm gì?
- Cho ngợ (ngựa) mà!
- Có mấy con ngựa?
- Một ngợ.
- Mỉ mấy tuổi rồi?
- Mời ha tổi (Mười hai tuổi)
Chiều tối, thấy Vàng Thị Mỉ lưng địu, tay dắt 2 đứa em vào chỗ tôi ở nhà khách.
- A ! Chào Mỉ: Hôm nay không phải cắt cỏ ngựa à?
- Phải...
Cô trả lời thế tức là hôm nay vẫn phải cắt cỏ ngựa giờ chắc được nghỉ, đưa 2 em vào nhà khách xem ti vi. Đặt đứa em lớn ngồi trên ghế da ở phòng khách, lưng vẫn địu đứa nhỏ, Mỉ hỏi chúng tôi, lúc đó đang xem bộ phim Võ Đường rất cuốn hút của Trung Quốc.
- Có Mông không?
Chúng tôi chẳng hiểu gì cả. Mỉ mỉm cười, lắc đầu rồi chỉ tay vào chiếc ti vi 29 in.
- Mông mà?
Tôi chịu, quay sang hỏi anh Hoàng Choóng người Nùng - Lạng Sơn, hi vọng anh hiểu được, nhưng anh cũng giơ hai tay ngang đầu. Con bé tỏ vẻ khó chịu, nó lầu bầu một hồi bằng tiếng mẹ đẻ, rồi lại quay sang tôi.
- Vê năm á !
Cái đầu tối tăm của tôi chợt loé lên. Có lẽ con bé hỏi chương trình VTV5 phát thanh bằng tiếng các dân tộc thiểu số. Chiều lòng con bé, tôi chuyển sang VTV5, nhà đài đang đưa tin về cơn bão số 6 bằng tiếng dân tộc nào đó, chắc là tiếng Mông vì tôi thấy con bé vui vẻ ra mặt, sắp xếp lại chỗ ngồi cho ba chị em rồi hướng mắt về phía màn hình, chăm chú.
Trước khi đoàn công tác của chúng tôi vào Lũng Cú, ông Sùng Đại Hùng chủ tịch UBND huyện Đồng Văn có giới thiệu qua về cảnh quan ở đây. Ông chủ tịch chú ý chúng tôi rằng đỉnh Lũng Cú như một cái đầu con rồng đá nhe răng hướng về phía Bắc canh giữ biên ải. Hai mắt rồng chính là hai hồ nước hai bên núi không bao giờ cạn. Tôi đến thăm ngay mắt trái rồng phía làng Lô Lô Chải, nhưng thấy nước hồ cạn nhiều, chỉ còn răm rắp nước đục ngầu, không dùng vào việc sinh hoạt được. Mắt phải rồng là hồ nước phía làng Cẳn Tàng bên kia núi cũng như vậy.
Trước làng Lô Lô chải là chiếc cổng vào treo tấm biển lớn "Làng văn hoá Lô Lô chải", bên cạnh là hai nương tam giác mạch nở hoa tím hồng, mịn màng. Trên vách núi đá, cô đơn một cây nghiến cổ thụ, hàng trăm cánh tay khẳng khiu giơ lên trời. Những xóm nhà người Lô Lô rải rác mãi phía trong núi, còn bên cạnh mấy thửa ruộng mới cắt xong chỉ có hai ngôi nhà nhỏ nằm nép dưới lề đường. Tôi tò mò đứng ngoài tường rào đá thấp nhà đầu tiên nhìn vào sân. Một con bò vàng buộc cạnh chuồng lợn che tranh lá tạm bợ, bốn chú bé màu trắng gầy giơ xương đang tranh nhau ủi đống tro bếp vương mãi. Cạnh sân, một bể xi măng có thể chứa khoảng 300 khối nước nhưng khô cạn, toàn bùn đất và rác. Người đàn bà chủ nhà đưa nhanh mấy nhát chổi đầu hè, ngoái đầu nhìn ra, đon đả.
- Vào nhà chơi ! Cái bể nước của Chính phủ cho đấy, nhưng không có nước chứa đâu.
Tôi theo người đàn bà bước vào ngôi nhà tối tăm, chật hẹp. Vừa kịp hỏi thăm mấy câu xã giao, đã thấy bóng người đàn ông lù lù như bóng ma đứng chắn ngoài cửa. Tôi chợt lo lắng, không hiểu chuyện gì. Chị chủ nhà bảo tôi.
- Chồng mình đấy. Nó đi chơi, thấy khách thì về.
Ngôi nhà tuyềnh toàng, chiếc giường gỗ thấp vung vãi vỏ chăn và quần áo. Chủ nhà mời tôi ngồi xuống chiếc ghế gỗ dài giữa nhà.
- Uống rượu nhé?
Tôi gật đầu. Anh chồng lôi trong túi ngô góc nhà ra một vỏ chai bia tàu, lắc lắc rồi quay sang vợ.
- Hết rồi !
Người vợ vào buồng mang ra một chai khác nút bằng hõi ngô, cười với tôi.
- Rượu nhạt, uống tạm nhé.
Mấy chiếc chén vại được chùi qua bằng tay áo, rót đầy rượu. Tôi được chủ nhà mời hai chén liền. Hai vợ chồng người Lô Lô này đều 42 tuổi, có 4 người con. Đứa lớn "bị ốm chết mất rồi". Chị chủ nhà Vương Thị Thiên chỉ người đàn ông gầy gò, giới thiệu.
- Nó là Mùng Dở Ních, bằng tuổi mình đấy.
Anh chồng bảo tôi.
- Có hai vợ chồng thôi. Hai đứa con học nội trú, nhà nước nuôi mà. Đứa bé học bán trú, chiều mới về.
Chị Thiên bảo nhà mình nghèo lắm, làm kông đủ ăn đâu. Mới vay nhà nước 5 triệu đồng mua bò. Còn 4 con lợn, phải ra chợ Đồng Văn (cách 26km) mua đấy. Nhưng nghèo thì nghèo, phải cho các con đi học, không thì khổ mãi à.
Lúc tôi về chị vợ mời.
- Ngày rằm, mình làm ma khô cho người già, cán bộ vào chơi uống rượu nhé.
Người sõi tiếng kinh nhất ở đây có lẽ là Hờ Văn Say, ông chủ quán 36 tuổi này nói chuyện lem lém và luôn miệng than thở "mình già lắm rồi". Mái quán của Hờ Văn Say lợp bằng tấm lợp pờ rô xi măng trống trơn giữa bốn cột chống. Giữa quán là một bàn bi-a cũ, chắc tha ở Đồng Văn về, lớp thảm trải mặt bàn đã rách gần hết. Vậy và đám thanh niên hai làng Lô Lô Chải và Cẳn Tàn ngày nào cũng lách cách chọc bi, nói cười vang vang. Lúc tôi mon men đến gần quán, thấy mấy anh chàng đang chia nhau tiền ăn thua, mỗi người 5-7 ngàn. Trong nhà, Hờ Văn Say còn có máy xát lúa nghiền ngô chạy dầu diezen. Lúc không có lúa, ngô để xay thì làm nghề khoan đá. Cách một ngày lại giết một con lợn bán thịt cho dân làng, trạm biên phòng, trường học. Anh bảo lúc nào cũng nuôi sau nhà 20 con lợn thịt, giết mổ dần theo kiểu "buôn tận gốc, bán tận ngọn".
- Sáng mai cán bộ sang nhà mình ăn rượu với lòng lợn nóng, ngon lắm.
Hờ Văn Say xởi lởi mời chúng tôi. Một anh ở Hà Nội hỏi lại.
- Có làm tiết canh không? .
- Không hết đâu ! Không biết đâu !
Tuy mới 36 tuổi, vợ chồng anh Say đã có 6 đứa con. Biết chao chát buôn bán, lại trồng lúa, tỉa ngô mỗi năm 3-4 tấn nên cũng dư dật. Anh chị dám vay "cái nhà nước" 30 triệu để đầu tư chăn nuôi, sản xuất, một việc làm mà người dân ở đây chưa ai dám làm. Hờ Văn Say phấn khởi khoe:
- Mình có 2 đứa con đang học ở Thái Nguyên đấy. Bốn đứa sau đều ở trường nội trú cả. Phải học thôi, không thì khổ lắm.
Nghe Hờ Văn Say tâm sự, tôi lại nhớ đến lời cô giáo người Mông Vàng Thị Mỉ ở thị trấn Đồng Văn. Mỉ cũng nói như vậy và đang tần tảo nuôi 2 người con học Đại học, mặc dù chồng mất đã lâu. Hoặc cô gái Vương Thị Hoa 21 tuổi dân tộc Lô Lô ở Lũng Cú, một cô gái duyên dáng, mang phong cách văn minh, hiện đại. Hoa đã học xong phổ thông trung học, đang chờ đi học Cao đẳng Sư phạm. Và trên đường làng hôm nay từng tốp học sinh trai, gái lưng đeo túi sách vở, vai vác một cây gỗ nhỏ đến trường. Hỏi chúng thì được biết, củi này đem góp cho cô giáo để nấu cơm ăn nội trú. Trong cái nghèo nàn, lạc hậu, những người con của các dân tộc ít người ở Lũng Cú đang tìm tới cái chữ, còn nguyên của sự tiến bộ. Nhà thơ Pờ Sảo Mìn, người con của dân tộc Padí "cây hai nghìn lá" lúc nào uống rượu vào cũng hát vang bài "Người Mèo có chữ". Lúc đầu thấy ngồ ngộ, sau thấy thấm thía, cảm động khi tiếp xúc với đời sống thực tế của đồng bào Mông Lũng Cú. Mong sao lối vào làng Cẳn Tàng, chúng tôi không còn gặp những đứa trẻ đang tuổi đến trường không phải địu em cắt cỏ, chăn bò hay cõng những bao lúa, gũi cỏ nặng nhọc.
Thiếu uý Quỳnh ở trạm biên phòng Lũng Cú khuyên chúng tôi không nên đi một mình ra phía biên giới. Hai tháng nay, có đến 8 vụ bắt cóc người ở những điểm giáp ranh, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Bọn xấu lợi dụng lúc vắng vẻ hay gần tối, bắt cóc người bên ta, kéo tuột sang phía Trung Quốc cách đó mấy bước chân. Trạm biên phòng Lũng Cú quân số ít, lại phải đảm nhiệm tuần tra, kiểm soát gần 20km đường biên, không thể bao quát hết được, chỉ tuyên truyền bà con các dân tộc hãy cảnh giác và đừng đi vào khu vực biên giới một mình.
Tôi đã từng một ngày trèo 3 lần lên đỉnh cột cờ Lũng Cú. Lần đầu lên với hai người bạn, đứng thở lấy lại sức, chụp ảnh chán rồi quay xuống. Đến chân núi, sực nhớ chiếc áo khoác bỏ quên dưới bệ cột cờ. Trèo lên bây giờ thì mệt quá, nếu chỉ có chiếc áo thì bỏ luôn, nhưng trong túi áo còn điện thoại di động và cuốn sổ ghi chép. Thế là đành "bất đắc dĩ" leo núi lần hai, nghe theo lời hai cô gái Mông "đi đường của dân bản cho nhanh, chứ đi đường Chính phủ bao giờ cho tới", tôi đã theo lối mòn trèo tắt lên đỉnh Lũng Cú. Quả có nhanh thật, nhưng sắp gục xuống vì mệt và nghẹt thở. Vừa xuống núi, trưởng đoàn công tác lại xua anh em lên núi để chụp ảnh kỉ niệm. Tôi chỉ còn biết kêu trời. Nói vậy chứ mỗi lần leo 275 bậc đá lên đến đỉnh núi, nhìn lá cờ Tổ quốc bay phần phật trong gió, ngắm một vùng biên ải núi non trùng điệp, xa tắp, lại lâng lâng niềm xúc động. Bên kia biên giới, những dải nương rẫy, con đường đất đỏ phía bạn nhìn rõ mồn một, dòng sông Nho Quế yên bình chảy như ở đây chưa hề xảy ra sự tranh chấp đáng tiếc. Ngay chân dốc cột cờ, một nhà bia tưởng niệm nằm lặng lẽ bên đường. Tôi tạt vào, lặng lẽ đọc những dòng tên tuổi các liệt sĩ của nhiều dân tộc anh em hi sinh từ thời kỳ chống thực dân Pháp đến năm 1982, trong đó có một đồng hương Phú Thọ của tôi là liệt sĩ Nguyễn Văn Hà xã Tử Đà, huyện Phù Ninh, đã hi sinh ở đây năm 1982.
Dù vẫn là miền đất miên man đá khát, nhưng nơi đây là biên cương tổ quốc, bao đời nay xương máu đồng bào đổ xuống để giữ gìn. Và đến hôm nay, những cơn khát của đất, của người vẫn còn thường trực, thì Lũng Cú đã kịp trở mình đổi thay rất nhiều rồi.
Lũng Cú -10/2006