Khởi điểm từ “Bài Ca Ngựa Non” , xuất hiện lần đầu trên một tờ báo văn chuơng , khởi điểm thời đôi mươi con gái , chú ngựa cuồng nhiệt sôi nổi lao tới “luớt qua những mõm đá nhọn đen ngòm bằng bàn chân không đóng móng” chấp nhận trả giá chấp nhận bàn chân không đóng móng tứa máu hướng về phía trước , ngôn ngữ dự báo hứa hẹn tương lai ; sau đó tung vó vào thảo nguyên Thơ Hôm Nay (*) , một tập hợp gồm nhiều khuôn mặt đương đại , hiện hữu lặng lẽ ẩn mình ; thời gian “ngọa hổ tàng long” năm năm không ngắn không dài “ tầm ma thoát xác bay lên” và “trở dậy trở dậy từ hôm nay” chú ngựa non “thức dậy và tung bờm cất vó” .
“Cả giọt sương cũng đành bỏ lại” .
Bỏ lại , để âm thầm đi tới , một không gian khác , môi trường cảm giác không đủ dưỡng khí , tạo ám ảnh một tình trạng thiếu hô hấp , những tưởng “Cơn Ngạt Thở Tình Cờ” (**) chỉ là triệu chứng bịnh lý cấp tính , lại đầy rẫy ngôn từ đeo đẳng mãn tính : ngột ngạt , nghẹn thở , nghẹn ngào …, tuy vậy chữ vùng thoát ra khỏi chữ , Trần Lê Sơn Ý nhìn hiện thực đau buồn vây quanh bằng đôi mắt dìu dịu trong sáng , nội tại quan sát “sinh bịnh lão tử” “niềm vui mang gương mặt nỗi buồn” với tâm hồn nhà thơ không mấy bi quan : Cái mầm sống dấu hiệu nhỏ trong lòng người mẹ “rỉa ngón tay út của mẹ thời thơ ấu” , những ngày nằm bịnh lo âu tự hỏi “làm sao mẹ và các em tôi bình yên khi tôi không còn nữa” , sự biền biệt của Ny “và tiếng hát em sẽ trở lại , những ngôi mộ trên cao cũng bớt u buồn” , người đàn bà luống tuổi hối tiếc thanh xuân “Ngày xưa có thể tôi cũng từng xinh đẹp” .
Song hành cùng ý muốn của đấng thiêng liêng trên cao mà sinh vật cõi người phải đuợc / bị nếm trải , nhưng có phải vì khuôn mặt bên ngoài dễ mến đằm thắm hồn nhiên nụ cười của tác giả , tác động lên mệnh đề mệnh số câu chữ , biến những mô phỏng trầm luân giảm gam màu u ám , từ đó thi ca gõ vào cánh cửa bóng tối cho ánh sáng tràn vào .
Và còn hơn thế , Sơn Ý đi qua thiếu nữ thời tuổi trẻ vào thời làm vợ làm mẹ , đi qua những hoài niệm mênh mông về tình yêu con người sự vật “những hoài niệm cứ ra vào đông quá”, với ý thức mới mẻ vượt qua cổ kính làm nên những dòng thơ lạ rất ít thấy ( hay chưa thấy ) :
- “Nước mắt đã trốn sâu dưới đáy hồ” ( làm sao mà tìm kiếm nhỉ ? )
- “ Có giọt nước nào tan trước ngày chạm đất” .
“Tôi mù quáng xoa đôi bàn chân bóng rộp” . Sau những lần tứa máu , chú ngựa non bây giờ đã trưởng thành , có cần phải đóng thêm móng trang bị bảo vệ chính mình cho bàn chân những bước vươn tới vững chãi , không như nàng Eurydice của thần thoại Hy Lạp ( mà nhà thơ đã bày tỏ trong khoảnh khắc ) đi chân trần bị rắn độc cắn chết , để cho chồng mình thi sĩ ca ngâm Orphée phải quay lại ( hành trình của ngựa dầu bị bịt mắt cũng không quay đầu trở lại ) , Sơn Y’ có quay lại không ? Có làm mất tiếng hát của thi sĩ không ?
(*) Thơ Hôm Nay ( Nxb Đồng Nai , 2003 ) , gồm : Joseph Huỳnh Văn, Trần Hữu Dũng , Nguyễn Đạt , Vương Huy , Inrasara , Phạm thị Ngọc Liên , Thảo Phương , Vũ Trọng Quang , Nguyễn Quang Thiều , Phan Huyền Thư , Nguyễn Viện , Trần Lê Sơn Ý.
(**) Cơn Ngạt Thở Tình Cờ ( Nxb Phụ Nữ , 07/2007 )
Những dòng in nghiêng từ dòng 1 đến dòng 10 nằm trong tập Thơ Hôm Nay., những dòng in nghiêng còn lại nằm trong tập Cơn Ngạt Thở Tình Cờ